Mục Lục

Bạch Sư! Chúng con có nghe Sư giảng về bốn cõi Tịnh Độ, khi tu chứng đạt đến hiệu quả, về với các cõi Tịnh Độ, nhưng là cõi Tịnh Độ nào? Xin Sư từ bi giảng giải?

Đã nghe hỏi thì biết là quý vị còn tu và cần phải học Phật pháp thật nhiều hơn nữa, lời hỏi sẽ giúp ích cho đại chúng liên hữu đồng tu. Sư sẽ vì quý vị và đại chúng mà nói…

Năm 1971 khi còn tham dự học khóa giáo lý Tịnh Độ Căn Bản, môn Tịnh Độ Thập Nghi Luận tại Quan Âm Tu Viện, Sư được nghe Thầy dạy như sau:

Tất cả cõi Phật trong khắp mười phương đều không ngòai tâm mà có. Thầy dạy niệm Phật phát nguyện vãng sanh Tây phương Cực lạc, khi niệm trông về hướng tây mà là đề mục tu tiến… từ đó có người cứ mãi mê thú hướng về hướng tây mà niệm rồi nghĩ ngợi là Tịnh Độ ở hướng tây. Cũng phải thôi, vì kinh dạy như vậy và đối với người còn trong vòng tu tiến chưa đắc đạo. Song người tu niệm Phật đạt đến vô biệt niệm, thì đâu có cõi Phật nào ngòai tâm ta.Cho nên lúc bấy giờ Tịnh Độ là cõi duy tâm, ở trong chân tâm của ta, như biển cả nổi lên vô lượng bóng bọt, nhưng không có bóng bọt nào ở ngòai biển cả. Ví như những hạt bụi, không có hạt bụi nào chẳng phải là đất; cũng như không có cõi Phật nào chẳng phải là tâm. Nên chư Đại sư Tịnh Độ môn từng dạy: “Chỉ một tâm nầy có đủ bốn cõi là: Phàm thánh đồng cư Tịnh Độ, Phương tiện hữu dư Tịnh Độ, Thật báo trang nghiêm Tịnh Độ, Thường Tịch Quang Tịnh Độ…”

Cõi Tịnh Độ thứ nhất

1/. Cõi Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh độ: Cõi phàm thánh Đồng cư Tịnh độ gồm có hai độ là Đồng cư Tịnh độ và Đồng cư uế độ. Đồng cư uế độ là như cõi Ta bà trong quốc độ nầy có phàm có thánh ở chung lẫn, mà phàm và thánh đều có hai hạng. Hai hạng của phàm là ác chúng sanh, tức bốn thú (a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) và thiện chúng sanh, tức trời người. Hai hạng của thánh là thật thánh và quyền thánh. Thật thánh là các thánh nhân thuộc bốn đạo quả: Bích chi Phật, bậc thất địa trong Thông giáo, thập trụ trong Biệt giáo, thập tín hậu tâm trong Viên giáo. Những vị nầy phần “thông hoặc” tuy dứt hết song sắc thân quả báo hãy còn, nên đều gọi là “thật” . Quyền thánh là các vị Bồ tát trụ ở những cõi phương tiện, thật báo, tịch quang cùng bậc Diệu Giác (Phật) vì làm lợi lạc cho kẻ hữu duyên nên ứng sanh vào cõi Đồng cư, bởi tùy cơ thị hiện nên gọi là “Quyền”. Những vị trên đây cùng với phàm phu đồng ở, nên gọi là “Phàm Thánh Đồng Cư”; và cảnh cư trú, về phần khí thế giới có hầm hố, gai gốc, bùn đất, cùng các tướng nhơ nhớp, về phần hữu tình giới có bốn ác thú, nên gọi là “uế độ”. Đồng cư Tịnh Độ là như cõi Cực Lạc, tuy y báo chánh báo nơi đây trang nghiêm mầu nhiệm, không có bốn ác thú, song cũng gọi là “Phàm thánh đồng cư”, vì chúng sanh về cõi nầy không phải đều là bậc đắc đạo. Như trong kinh nói:”Hạng người phạm tội nặng, khi lâm chung chí tâm sám hối và niệm Phật, đều được vãng sanh”. Do đó nên biết nơi cõi nầy chúng sanh còn hoặc nhiễm cũng có thể được ở. Thế giới Cực lạc cũng có hai hạng thánh cư và bởi y báo chánh báo sạch sẽ trang nghiêm, nên gọi là Tịnh Độ

Để nói rộng thêm, tuy gọi Tịnh Độ nhưng thật ra trong ấy có nhiều hạng hơn kém không đồng. Như thế giới Diệu Hỉ tuy là Tịnh Độ, song còn có nam nữ và núi Tu Di. Và Tịnh Độ đã như thế, uế độ cũng như vậy.

Cõi Tịnh Độ thứ hai

2/. Cõi Phương Tiện Hữu Dư Tịnh độ: Là chổ ở của bậc nhị thừa và ba hạng Bồ tát đã chứng phương tiện đạo. Những vị nầy do tu hai môn quán, dứt phần thông hoặc, phá hết trần sa, bỏ thân phân đọan thọ thân pháp lành, tự tại ở ngòai ba cõi; nhưng vì họ chưa đọan được biệt hoặc vô minh nên còn có sự biến dịch sanh tử. Sở dĩ gọi “phương tiện” vì đó là cảnh giới của hành nhơn tu chứng phương tiện đạo; gọi “hữu dư”, là bởi họ chưa đọan được vô minh. Cho nên trong Thích Luận nói: “Ngòai tam giới có cõi Tịnh độ, đây là chổ của hàng Thinh văn, Bích chi Phật cư trú, thọ pháp tánh thân, không còn sự phân đọan sinh tử”

Cõi Tịnh Độ thứ ba

3/. Cõi Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh độ: là cõi Thật báo vô chướng ngại là nơi không có hàng nhị thừa, chỉ thuần là bậc pháp thân Bồ tát ở. Những vị nầy phá từng phần vô minh, chứng từng phần pháp tánh, được quả báo chân thật. Song vì họ chưa đọan diệt hết vô minh, nên còn nhận vô lậu nghiệp, thọ báo thân pháp tánh và cảnh giới nầy cũng gọi là quả báo độ. Kinh Nhân vương nói:”ba hiền mười thánh trụ quả báo”, là chỉ cho sự việc trên đây. Sở dĩ gọi “thật báo”, vì các đại sĩ ấy do quán thật tướng, phát được chân vô lậu thọ hưởng quả báo chân thật; gọi là “vô chướng ngại” là bởi chư Bồ tát đây, tu chân không định, sắc cùng tâm không ngăn ngại lẫn nhau. Trong kinh hoa Nghiêm thuyết minh thế giới Nhân đà la võng, chính là cảnh nầy.

Cõi Tịnh Độ thứ tư

4/. Cõi Thường Tịch Quang Tịnh độ: cõi Thường tịch quang là chân lý pháp giới như như, sáng suốt cùng cực của bậc Diệu Giác. Đây là Phật tánh chân như, tức độ là thân tức thân là độ, thân và độ không hai, là trụ xứ của Đức Tỳ lô giá na, cũng gọi là Pháp tánh độ.”Thường” chính là đức pháp thân, “Tịch” tức là đức giải thóat, “Quang” là đức Bát nhã như chữ “Y” có ba điểm, không thể cách lìa, một tức là ba, ba nguyên vẫn một. Đây cũng gọi là Bí mật tạng, là cảnh giới du hóa của Như Lai, cứu cánh chân thường, thanh tịnh cùng cực.

Hai cõi Tịnh độ trước là chổ của Ứng thân Phật. Cõi thứ ba cũng thuộc về Ưng cũng thuộc về Báo, mà chính thức là chổ ở của Báo thân Phật. Cõi thứ tư không phải Ứng và Báo mà kiêm cả Ứng, Báo, là chổ ở của Pháp thân Phật.

Qua bốn cõi Tịnh độ trên, quý vị đã thấy thật tận tường, cõi Tịnh độ nào cũng là duy tâm, thuộc tâm, nên người tu niệm Phật đạt đến cứu cánh thì bốn cõi cũng là một cõi Tịnh độ duy nhất, về với cõi Tịnh độ ấy là “cõi tâm”, duy tâm Tịnh độ là thực thể của thế giới Tịnh độ mà Đức Phật Thích Ca đã từng dạy trong các kinh Đại A Di Đà, Tiểu bổn A Di Đà.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Ngày Thứ 16: Bốn Cõi Tịnh Độ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com