Mục Lục

Vấn: Bạch Sư! Với người Phật tử, cần phải tu thế nào gọi là có chí hướng thượng? Chúng con muốn có pháp tu để truyền đạt lại cho con cháu, ngưỡng mong Sư hoan hỷ chỉ dạy?

Ðáp: Người Phật tử tu chánh kiến rồi thì cần phải phát tâm nuôi chí hướng thượng. Nghĩa là phải un đúc tâm chí kiên cố, dõng mãnh tiến lên để tu, để học, để làm lợi ích chúng sanh, không bao giờ có một niệm thối chuyển. Muốn được như vậy, trước hết chúng ta phải phát tâm kính quý các bậc tôn đức để học hỏi rèn luyện theo đức hạnh các Ngài, sau đó mới có cơ sở ý giáo mà giáo hóa cho con cái hậu sanh.

Như trong kinh Trung A Hàm Ðức Phật dạy các thầy Tỳ Kheo như vầy: “Nếu chư Tỳ Kheo thực hành cung kính, khéo quan sát kính trọng những bậc hạnh thanh tịnh là đã có đầy đủ oai nghi, đủ pháp học, đủ thân giới, đủ thân định, đủ thân huệ, đủ thân giải thoát tri kiến. đủ niết bàn”.

Người xưa có câu: “Kính Thầy mới được làm Thầy” Ðức cung kính đứng đầu trong các hạnh, nên chúng ta cần hâm mộ học tập theo đức hạnh, chúng ta không chịu gần gũi người đức hạnh, thì không làm sao có đức hạnh được. Cũng như người thích học môn nào thì sớm muộn sẽ được chuyên nghiệp môn ấy.

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”

Vì thế về phương diện đạo đức, chúng ta muốn tiến lên, trước hết phải phát tâm cung kính, khen ngơi các bậc tôn đức có hạnh lành. đối với các bậc thanh tịnh được ta khen ngợi cung kính, các Ngài không thấy thêm bớt gì, nhưng riêng phần chúng ta được ảnh hưởng cao đẹp lớn lao. Vì thế chúng ta phải nương về các Ngài để học hỏi đức hạnh, gieo sâu tâm niệm thuần nhã về đức lành, hạnh tốt, vừa un đúc tâm chí hướng thượng nhằm mục đích tiến lên của chúng ta, và phải nghĩ rằng đây là cội pháp lành, là bóng mát, là con thuyền thanh lương đưa chúng ta đến bến cao thượng an lành.

Cũng như có người hiểu lầm nói rằng: “Ðức Phật đã quên thân, bỏ quyền thế, vương vị không quí tiếc để đi tu, tại sao khi sắp Niết Bàn Phật dặn chúng đệ tử nên thiêu lấy xá lợi xây tháp thờ?

Ðức Thế Tôn vì tâm lợi tha hiện tiền đã đem pháp lành giáo hóa đệ tử và các chúng sanh. Khi xa vắng môn đệ. con cháu Ngài cũng để lại di tích mớ xương tàn, để đồ chúng quý trọng xây tháp cúng dường, nương đây mà sanh lòng cung kính, nhớ thương, tưởng niệm, tinh tấn tu hành. Do đó, người đời sau phát tâm hâm mộ làm theo Phật. Tìm hiểu tu học, những phương pháp Phật đã tu “Bắt chước tu theo” Ðây là phương hướng gián tiếp giáo hóa người đời sau.

Trong kinh Pháp Hoa nói: “ Nếu có người đối trước hình tượng Phật, cho đến chắp tay cung kính, sau này cũng sẽ thành Phật” là vậy đó.

Nếu chúng ta thương quý cung kính các bậc nào, tức là ta đã gieo mầm giống ấy vào tàng thức của ta rồi. Cũng như bột hương không phải là trầm nhưng ướp trầm thì thơm hương trầm, trà không phải sen mà ướp sen thì trà thơm sen. Huống chi ta đã sẵn tâm Phật mà niệm Phật quyết định chúng ta sẽ thành Phật là điều hiển nhiên.

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có một đoạn Ðức đại Thế Chí nói: “Như tâm chúng sanh nhớ Phật , niệm Phật thì hiện tại hoạc vị lai chắc chắn thấy Phật, cách Phật không xa, nếu tâm có niệm Phật tất có Phật độ, cảnh cực lạc cũng tại tâm, không cần phương tiện gì khác tâm vẫn khai sáng. Ví như gần hương, thích hương thì lâu ngày thân được mùi thơm như hương, tâm gần Phật luôn thương nhớ Phật, tất nhiên có ngày tâm thành Phật, vì tôi biết dùng pháp hương quang niệm Phật để trang nghiêm tâm địa, nên Pháp môn này được gọi là “Hương Quang Trang Nghiêm”

Cho nên người Phật tử đầu tiên qui hướng về Phật, Pháp, Tăng Tam bảo cần phải có chánh kiến để nương theo những vị có đức hạnh. Cái đáng tôn kính, cái đáng quý thì chúng ta theo về mới phát được tâm chí hướng thượng mới gieo được chủng tử tốt, gọi là nhân chánh, quả chánh, quy y Tam Bảo là bước đầu của người Phật tử.

1. Quy Y Phật : Nương về Phật. Phật là đấng giác ngộ: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, có phước túc và huệ túc đủ đầy (Quy y Phật lưỡng túc tôn) Phật là đấng đáng tôn kính.

2. Quy Y Pháp: Theo về học chánh pháp, bỏ hết những ham muốn xấu xa để tiến lên con người cao thượng giải thoát an vui (Quy y Pháp ly dục tôn) Pháp là nguồn ân đáng tôn kính.

3. Quy Y Tăng: Là nương về học với bực Tăng đức là vị lìa bỏ nhà thế tục, học giáo lý cao siêu, rèn tu đức hạnh, rồi đem hạnh lành, đức tốt giáo hóa chúng sanh tiến tu giải thoát dứt con đường sanh tử luân hồi (Quy y Tăng chúng Trung tôn). Công đức Tăng thật đáng tôn kính.

Ðây là ba ngôi quý báo mà chúng ta là Phật tử đều tiên phải biết cung kính: Phật, Pháp, Thánh hiền tăng. Tuy nhiên, trong đời mạt pháp ít có bậc Hiền Thánh Tăng mà là phàm tăng cũng hay lợi dụng chiếc áo nhà tu để làm sinh kế vì vậy quý Phật tử phải có chánh kiến, khởi tâm cung kính, phải dè dặt, thận trọng, cân nhắc, phải thân cận học hỏi để biết điều chơn lẽ chánh rồi mới nương về tu học, để sau khỏi phải sanh tâm chán lờn, kinh báng Phật pháp mà mất hết chủng tử tốt đẹp của ban đầu (tu như sơ tâm, hữu dư thành Phật). Ðó là lời Phật dạy người đi tu tâm lúc nào cũng giống như khi mới phát tâm thì dư sức thành Phật.

Trong Kinh Hoa Nghiêm Ðức Phật dạy: “Nếu người ưa nghe Giáo Pháp mà chẳng nhàm chán thì giác ngộ được pháp bất khả tư nghì”

Tóm lại, chúng ta cung kính các bậc đức hạnh để làm mục tiêu nhắm đến, khiến chúng ta đi không sai lạc. Kinh Ðại Pháp Cú Ðà La Ni nói: “Các Ðức Phật ra đời duy có một việc này là: Vì muốn làm lợi ích cho thế gian, khiến thế gian sáng mắt. Ðể dứt tất cả tà đạo vậy. Thật vậy, nhắm đúng thì bắn đúng, như người đi biển đã trông thấy ngọn hải đăng, người đi trong rừng hoang, sa mạc mà có mang theo la bàn. Trong kinh Phật Bổn có dạy: “Nếu ai gần gũi ác tri thức, đời này chẳng được tiếng tăm tốt, bởi vì gần gũi bạn bè xấu, đời sau sẽ đọa địa ngục, A tỳ , ai mà gần gũi thiện trí thức , hiện tại dầu chẳng được lợi thế gian nhưng đời sau sẽ được hết nhân khổ. Trong kinh Hoa Nghiêm Ðức Phật dạy: “Này thiện nam tử: Bồ tát nhờ sự giúp đỡ của thiện tri thức mà chẳng sa đọa ác thú, nương nhờ sự thành tựu của thiện tri thức mà được tự tại thọ sanh, nương nhờ sức mạnh của thiện tri thức mà phá tan nghiệp báo, nhờ mặc áo giáp nhẫn nhục của thiện tri thức mà chẳng bị một lời nói xấu ác, và nương nhờ sự sanh trưởng của thiện trí thức mà tiêu diệt được các tội lỗi kiêu mạn vậy.

Lại nữa trong kinh Phật. Bổn Hạnh đức Phật dạy Ngài Nan Ðà như vầy: “Nếu ai gần gũi kẻ thiện trí thức, thường tự tùy thuận thấm nhuần đạo đức của các bậc ấy thời được tiếng tăm tốt đẹp vang khắp”.

Lại trong kinh Thiện Sanh cũng nói rằng: “ Gần bậc Thầy đạo hạnh cao đức, hay chánh kiến, siêng năng đem về đạo lành, cho trò làm bạn với kẻ hiền hữu. Ðó là năm điều mà Thầy đối với trò” và trong kinh Lễ bái Lục Phương, bậc Thầy đức hạnh dạy đệ tử có năm điều:

1. Khiến trò mau hiểu

2. Dạy trò thật giỏi (hơn đệ tử kẻ khác)

3. Phải dạy trò biết rồi nhớ chẳng quên

4. Phải nói các điều nghi nan cho trò hiểu rõ

5 . Muốn khiến trí tuệ của trò cao hơn mình.

Thế nên hạnh cung kính là một trợ duyên đắc lực nhất cho chúng ta cho tuổi trẻ tu hành viên mãn, thành đạt tiến đến đích đức hạnh của bậc thiện nhơn. Nó cần thiết như nước giúp cho cây cỏ được xanh tươi. Vì vậy chúng ta cần phải cung kính các bậc tôn túc đạo hạnh.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.



Có phản hồi đến “Ngày 88 – Chí Hướng Thượng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com