Mục Lục
Phật Giáo Giảng Đường này, hằng ngày đều bận rộn, vì pháp mà quên mình, vì Phật pháp mà quên đi thân tâm tính mạng, chẳng lo cho sức khỏe của mình. Mỗi ngày ai cũng đều làm việc, tôi là pháp sư cũng làm việc như nhau, tất cả mọi việc tôi đều làm. Mấy ngày nay thân thể hơi đau, tối hôm qua tôi cũng lười một chút, chẳng đến vì làm việc quá mệt nhọc khổ cực, song tôi làm khổ cực, lười một chút cũng không sao, vì tôi đã học tập nhiều năm rồi, nên tôi lười biếng một chút tình còn có thể tha thứ. Song, các vị là đệ tử thì không thể lười biếng, bất cứ ai giảng kinh cũng đều phải đến nghe. Nghe pháp tức là biểu hiện hộ trì đạo tràng. Mọi người đến đông thì pháp hội càng lớn, nếu chẳng có ai đến thì pháp hội càng nhỏ. Do đó, muốn ủng hộ Phật Giáo Giảng Đường thì đến nghe giảng kinh.
Trong số các vị có hộ giáo sử, bố giáo sĩ, tuyên giáo sư. Tuyên giáo sư tức giảng kinh thuyết pháp, bố giáo sĩ là phải đến các nơi truyền bá cho Phật giáo rộng lớn. Hộ giáo sử tức là tận tâm ủng hộ đạo tràng, khiến cho đạo tràng ngày càng phát triển, ngày càng phát dương quang đại. Hộ trì đạo tràng tức là hộ trì Phật giáo, hộ trì Phật giáo tức cũng là hộ trì Phật Pháp Tăng Tam Bảo. Đó là trách nhiệm củ mỗi quý vị. Người tây phương đối với Phật pháp xưa kia, có thể nói là kiến giải tựa như trẻ con, vốn chẳng hiểu Phật pháp, giống như có những người Mỹ tự xưng là trưởng giả, bậc pháp sư, bây giờ các vị đều đã biết. Khi hỏi họ Phật giáo là gì, thì họ chẳng biết Phật giáo là gì ? Bây giờ các bạn đã nghe Kinh Lăng Nghiêm ba tháng rồi, có thể nói rằng sự hiểu biết về Phật pháp của quý vị chẳng ít. Hiện tại giảng đến bố thí pháp tức là đem sự hiểu biết về Phật pháp của các bạn, giới thiệu đến với tất cả chúng sinh, phải đi tuyên truyền đến với mỗi người. Vì hoằng dương Phật pháp, có thể quên ăn cơm cũng chẳng cảm thấy đói, quên ngủ cũng chẳng cảm thấy mệt.
Tôi biết quá khứ tôi đã đi tuyên dương Phật pháp, nên đã có sự việc người nào muốn học Phật pháp, thì dù tôi không ăn cơm, không ngủ, cũng vì họ giảng giải. Giảng giải cho họ minh bạch rồi, thì trách nhiệm của tôi mới xong. Tôi hy vọng các bạn cũng y chiếu theo tôi như thế, làm hóa thân của tôi đi hoằng dương Phật pháp, đi bố thí pháp. Bố thí pháp so với bạn xả bỏ bao nhiêu tiền vẫn có giá trị hơn. Hiện tại các bạn tích cực học tập Phật pháp, có mấy người muốn xuất gia, đó thật là việc hiếm có. Ở nước Mỹ có thể nói là phá kỷ lục.
Nhiều người như thế muốn xuất gia, muốn làm hòa thượng, muốn làm Tỳ Kheo ni, đó thật là không thể nghĩ bàn. Hiện tại các bạn nên lập cơ sở và quy cụ cho vững chắc, làm tiền đồ cho Phật giáo nước Mỹ, mỗi người đều phải gánh lấy trách nhiệm, phải nghĩ như vầy: ‘’Tôi còn hơi thở, thì Phật giáo là trách nhiệm của tôi.’’ Nếu người khác nói họ cũng muốn gánh một phần trách nhiệm, như thế thì được, chứ chẳng phải nói tôi gánh trách nhiệm, thì bạn không thể gánh trách nhiệm. Cho nên nói, trách nhiệm của Phật giáo là ai ai cũng có phần, đừng thối thác, các bạn nên đứng vững dậy, lấy việc hoằng dương Phật pháp làm trách nhiệm của mình, đó là điều kiện cơ bản bố thí pháp.
Ngoài ra còn có bố thí vô úy (bố thí không sợ hãi). Bố thí vô úy như Bồ Tát Quán Thế Âm cứu bảy nạn, giải trừ ba độc, ứng hai cầu, đều là một trong bố thí vô úy. Bố thí vô úy tức là người nào đó, có sự sợ hãi kinh hoàng, khi sắp xả bỏ tính mạng, mà bạn hiện thân vô úy, đem sự vô úy an ủi họ. Hiện thân vô úy là gì ? Ví như có người ở trong nạn lửa, sắp bị lửa thiêu đốt, vì bị khói mù dày đặc chẳng biết đông tây nam bắc, đã chẳng biết lối nào thoát khỏi hầm lửa. Lúc đó bạn chẳng sợ, dấng thân vào trong lửa để cứu họ ra, đó chẳng phải là việc dễ làm được.
Đây gọi là xả thân mạng để cứu hộ chúng sinh, tức cũng là bố thí vô úy. Hoặc có người rớt vào trong biển, mắt trông thấy họ sắp bị chết đuối, bạn cũng chẳng nghĩ đến tính mạng của mình, bèn nhảy xuống biển vớt người đó lên bờ. Chẳng những nạn nước lửa, mà cho đến trong đao, binh, pháo lửa, có người bị pháo, hoặc bị giáo thương làm tổn thương, trong chiến trận rất nguy hiểm, mà bạn cũng chẳng màng thân tâm tính mạng của mình, xông vào nơi nguy hiểm nhất để cứu người ra, đó gọi là bố thí vô úy. Tóm lại, tức là lúc người ta sợ hãi, gặp cảnh giới nguy hiểm, mà bạn có thể dùng tâm từ bi, tâm dũng cảm, phát huy tinh thần đại vô úy, tinh thần gì cũng chẳng sợ, đi cứu hộ tất cả chúng sinh. Như Ngài Bồ Tát Trì Địa, tuy Ngài chẳng phải trực tiếp tu bố thí vô úy, mà là tu gián tiếp. Tu như thế nào ? Ngài biết người qua sông thì cần phải có cầu, không có cầu thì không thể qua sông được, do đó Ngài bèn dùng sức của mình làm chiếc cầu gỗ, khiến cho người khi qua sông chẳng có nguy hiểm.
Song, tuy có cầu chẳng nguy hiểm nhưng nếu gặp lúc nước lớn dâng lên, thì cũng rất nguy hiểm. Giống như Hòa thượng Hư Vân từ Cửu Hoa Sơn đi xuống núi, Ngài nhớ nơi đó vốn có chiếc cầu, bèn y theo như xưa đi đến nơi đó muốn qua sông, không ngờ chiếc cầu đó sớm đã bị nước lớn làm gãy cầu, kết quả Ngài bị rớt xuống sông, ở dưới sông trải qua một ngày một đêm, mới được ông đánh cá kéo lưới lên. Khi kéo lưới ông ta nghĩ: ‘’Ồ ! Lần này nhất định giàu to, trong lưới có con cá thật to.’’
Không ngờ kéo lưới lên thì nhìn thấy vốn là một vị hòa thượng, nhưng chẳng còn hơi thở. Ở gần đó có ngôi chùa nhỏ, ông đánh cá bèn chạy vào trong chùa kêu người xuất gia nói :’’Hòa thượng! Hòa thượng! Hôm nay tôi kéo lưới lên, thì trong lưới có một vị hòa thượng, hãy theo tôi đến xem.’’ Người trong chùa nghĩ: ’’Thật là kỳ lạ, sao trong lưới đánh cá lại có vị hòa thượng ? Đến nơi xem thì vị hòa thượng đó chính là hòa thượng Đức Tịnh. Bèn giúp Ngài làm cho nước trong bụng trào ra hết, lúc đó Ngài mới sống trở lại, thật là được mạng sống lần thứ hai.
Sau khi hòa thượng Hư Vân bị nước ngập chìm không chết, Ngài đến Chùa Cao Mân đả thiền thất, bèn sinh bịnh nặng. Song, thầy phương trượng Nguyệt Lãng cũng chẳng tha thứ cho Ngài, còn muốn kêu Ngài làm đại lý phương trượng (chủ trì về khóa thiền thất). Ngài Hư Vân nghĩ : ‘’Tôi bệnh như thế này, làm sao mà có thể làm đại lý phương trượng?’’ Do đó, Ngài Hư Vân từ chối, kết quả bị hòa thượng Nguyệt Lãng đánh hương bản. Bạn thấy đó, Ngài Hư Vân có thể nói là đại thiện tri thức của Trung Quốc, mà ở chùa Cao Mân khổ chẳng biết bao nhiêu.
Bồ Tát Trì Địa chuyên môn làm cầu sửa đường. Lúc Ngài Hư Vân đi đến Vân Nam, trên đường đi cũng gặp một vị hòa thượng sửa đường, suốt ngày đến tối cầm sẻn làm đường, cũng chẳng nói chuyện, đó cũng là hóa thân của Bồ Tát Trì Địa. Phàm là trên đường có ngói đá, mảnh chai, Ngài đều lượm nhặt để một chỗ bên lề đường, khiến cho đường xá tốt lành.
Suốt ngày Ngài khổ công làm như thế, vậy ai trả tiền công cho Ngài ? Chẳng có ai trả tiền công cho Ngài, bạn nói đó có phải là ngu si chăng ? Song vì Ngài làm công miễn phí, nên mới tu thành Bồ Tát Trì Địa, chứng được cảnh giới vị bất thối, niệm bất thối, hạnh bất thối, đó tức là tu bố thí vô úy. Pháp môn bố thí vô úy rất là rộng lớn. Tóm lại, lúc người ta sợ hãi thì bạn hãy làm bố thí.
Đây là những ví dụ dễ hiểu, nếu như có người đã mấy ngày chẳng có cơm ăn, gần chết đói, trong tâm sợ hãi hoang mang nghĩ rằng : ‘’Lần này chắc sắp chết mất, chẳng có tiền để mua vật gì ăn, đi ăn cắp chăng ? Lại phạm pháp !’’ Trong lúc tiến lùi đều khó khăn, nếu bạn biết được, thấy họ mặt mày vàng vọt ốm yếu, đôi chân chẳng còn sức, đi chẳng nổi, lúc đó bạn hỏi họ : ‘’Anh thế nào rồi ? Có phải bị bệnh chăng ?’’ Họ chắc chắn sẽ nói : ‘’Tôi đã bốn năm ngày chẳng có gì để ăn.’’ Bạn nói : ’’Được, để tôi về nhà lấy đồ ăn cho anh.’’
Người chẳng có quần mặc, chịu khổ về mùa đông lạnh lẽo, thì bạn cho họ ít đồ để họ mặc; người chẳng có nhà ở, thì bạn cho họ nhà để ở, đây gọi là bố thí vô úy. Song một hai ngày thì có thể, chứ không thể vĩnh viễn được, ở Trung Quốc có câu : ‘’Có thể cho một bữa chứ không thể cho trăm bữa.’’ Cho họ một bữa ăn thì có thể, nhưng nếu ngày nào cũng phải cho bạn ăn, thì không thể được. Vì trên thế giới này, ai ai cũng đều phải đi làm công, không nên sinh tâm ỷ lại. Nếu bạn sinh ra tư tưởng rằng : ‘’Tôi mong rằng có người hành Bồ Tát đạo, thì tôi cũng chẳng cần làm việc, đến bữa ăn thì đến nhà có người tin Phật nói : ’’Hôm nay tôi chẳng có cơm ăn, bạn hãy cho tôi một chút bố thí vô úy, khiến cho tôi chẳng sợ hãi về việc chẳng có cơm ăn, chẳng chịu khổ về đói khác.’’ Như thế thì chẳng hợp quy cụ.
Người nào gặp trường hợp bất đắc dĩ, xin người ta giúp đỡ thì được, nhưng nếu bạn còn hơi thở, thì hãy tự cường bất tức, vì thế giới này mà đem lại phước lợi, đừng tiêu hao vật chất của thế giới. Có nghĩa là mọi người đều trợ giúp thế giới này, đừng ỷ lại thế giới này. Trợ giúp cho thế giới như thế nào ? Tức là phải có ích lợi cho người khác, chứ chẳng phải là để cho người khác làm ích lợi cho mình. Nếu bạn có tâm hy vọng người khác lợi ích cho mình, thì đó là tâm ỷ lại mà chẳng có tâm tự cường. Mọi người đều nên có tâm tự cường bất tức, đừng ỷ lại người khác, đó là tông chỉ của tôi.
Quán thanh tịnh tức là sức quán thanh tịnh, tức là mọi phương diện bố thí, đừng chấp trước về tướng bố thí, đó là quán thanh tịnh, mà chẳng có pháp nhiễm ô. Bồ Tát Quán Thế Âm bố thí chẳng chấp tướng, đều lìa tất cả tướng, cho nên thanh tịnh. Nếu chấp trước thì chẳng thanh tịnh.
‘’Quán trí huệ rộng lớn’’: Bồ Tát Quán Thế Âm có sức quán trí huệ rộng lớn, phổ độ tất cả chúng sinh, giáo hóa chúng sinh.
‘’Quán bi và quán từ’’: Ngài còn có quán bi. Có người hiểu lầm nghĩa kinh nói: ‘’Bồ Tát Quán Âm cũng thường thường khóc, chẳng hoan hỉ, vì Ngài bi quan’’. Đây là sai lầm. Bi ở đây chẳng phải là bi thương, mà nghĩa là thương xót. Bồ Tát sinh tâm thương xót đối với tất cả chúng sinh. Tâm thương xót là gì ? Bồ Tát luôn luôn nghĩ rằng : ‘’Người này thật đáng thương ! Tôi phải dùng các phương pháp để giáo hóa họ, mà họ vẫn không hiểu, vẫn điên điên đảo đảo.’’ Ngài thương xót chúng sinh như thế, nên gọi là quán bi. Vì Ngài thương xót chúng sinh đó, cho nên Ngài phải độ chúng sinh đó. Giống như bạn thấy đứa bé nọ rất là thiên chân hoạt bát, ai thấy cũng thương. Tại sao được mọi người hoan hỉ ? Vì đứa bé được người thương mến.
Sự thương xót này gọi là quán bi. chứ chẳng phải là Bồ Tát Quán Thế Âm suốt ngày đến tối chẳng hoan hỉ, thậm chí thường thường khóc lóc rơi lệ bi ai. Nếu bạn muốn học Bồ Tát Quán Thế Âm, thì đừng suốt ngày đến tối khóc lóc sầu muộn mà phải ‘’Rộng sinh hoan hỉ chẳng sinh buồn’’. Quán bi của Ngài như thế, chứ chẳng phải khóc lóc bi quan, do đó đừng nên hiểu lầm.
Quán từ, từ hay ban vui, bi hay cứu khổ. Quán bi tức là giải trừ sự thống khổ của chúng sinh. Quán từ tức là ban cho chúng sinh sự an vui. Sự ban cho niềm vui này, chẳng phải là sự an vui tạm thời, mà là sự an vui vĩnh cữu, là sự an vui chân chánh chứ chẳng phải là sự an vui của thế gian. Sự an vui gì ? Tức là ban cho tất cả các pháp, khiến cho chúng sinh thật sự hiểu biết về Phật pháp, để không còn làm chuyện điên đảo thống khổ, đây gọi là ban vui. Việc điên đảo là gì ? Giống như người thích uống rượu, uống say sưa thì cảm thấy mình tựa như thành thần, đi thì nghiêng qua ngã lại, họ cho rằng như thế là tốt nhất, tri giác của họ như khúc gỗ, thậm chí gì cũng chẳng biết. Bạn nói đó chẳng phải là điên đảo chăng ? Một người có chút thông minh, nếu bị rượu chi phối thì chẳng có việc gì mà chẳng làm, nào là giết người, phóng lửa.
Có một buổi sáng sớm nọ ở tại bến xe bus, có một gã say rượu xin tôi tiền để đi mua rượu uống, vì gã chưa uống đủ. Tôi lại nghĩ ra một chuyện, cũng tại bến xe bus, có một người da đen đi ngang qua chẳng nói gì cả, tôi cũng chẳng quen anh ta, anh ta cũng chẳng quen tôi, không hiểu tại sao anh ta lại quỳ xuống lạy tôi, lạy rồi cũng chẳng nói gì, đứng dậy bỏ đi. Người đó chẳng phải đến lạy để xin tiền, ở trước mặt một đám đông lạy tôi, lạy xong rồi đi. Cũng chẳng biết anh ta là quỷ hay là thần ? Thật là lạ kỳ, tôi thấy anh ta chẳng phải say rượu, không biết có phải là một sự linh cảm nên anh ta lạy tôi. Đa số quỷ thấy tôi thì lạy, và thần thấy tôi cũng lạy. Mà người đó lại xưng là hắc quỷ cung kính lạy tôi, lạy xong cũng chẳng dám nhìn tôi, bèn bỏ đi. Tôi nghĩ đại khái là trên thân của anh ta có quỷ.
Uống rượu là như thế, hút thuốc thì càng điên đảo hơn. Tại sao ? Bổn lai phổi của bạn sạch sẽ, mà làm cho nó do bẩn. Có người nói : ‘’Hòa thượng, thầy giảng sai rồi, trong phổi của tôi chẳng sạch sẽ.’’ Không sai ! Phổi của bạn chẳng sạch sẽ. Sự không sạch sẽ này vẫn không sao. Bạn dùng khói đem vào phổi, xông ướp phổi ngày càng đen, ngày càng nám, song bạn chẳng thấy nên không biết. Bạn hít vào một hơi khói, thì cũng giống như tấm gương phủ lên một lớp tro, lại hút một hơi nữa, lại phủ lên một lớp tro. Bổn lai phổi là sạch sẽ, song bạn muốn xông ướp những lớp bụi tro, đó chẳng phải là điên đảo chăng ?
Và còn hút nha phiến, á phiện, hút vào thì cảm thấy tinh thần lâng lâng, thậm chí như đi trên chín tầng mây. Khi hút ghiền rồi, thì khắp thân chẳng an vui, rất khó chịu. Cho nên tôi hy vọng những người hút thuốt hãy mau bỏ thuốc; người uống rượi hãy mau bỏ rượu; người siêng năng thì đừng học lười biếng. Nên làm nhiều việc thiện, làm việc thiện mới có công đức, nếu không làm thì chẳng có công đức. Công đức là từ việc thiện mà ra, cứ làm việc thiện thì tự nhiên sẽ có công đức, tự nhiên sẽ chẳng điên đảo nữa. Bạn không làm công đức, còn sử dụng tiền chẳng đúng chỗ thì đó gọi là điên đảo. Nếu bạn dùng tiền vào việc hữu dụng, thì đây chẳng phải là điên đảo, cho nên điên đảo rất là nhiều thứ.
Bồ Tát Quán Thế Âm, hay chỉ rõ hành vi điên đảo của bạn, kêu bạn đừng điên đảo, khiến cho bạn đắc được an vui thật sự, an vui vĩnh viễn, đây gọi là từ; bi hay cứu khổ, chẳng phải là cứu khổ tạm thời của bạn, mà là cứu khổ đời đời kiếp kiếp của bạn. Song, bạn phải sinh niềm tin. Bạn có niềm tin thì Bồ Tát Quán Thế Âm mới có tâm từ bi. Nếu bạn chẳng có niềm tin, thì quán từ và quán bi của Bồ Tát Quán Thế Âm với bạn, cũng như nước với lửa, nước và lửa chẳng dung hợp. Bồ Tát Quán Thế Âm dùng từ bi rất lớn, để đối đãi bạn mà bạn lạnh lùng như băng chẳng hợp với Ngài.
Băng lạnh tức là chẳng có niềm tin. Nếu bạn có niềm tin, thì càng hợp với quán từ và quán bi của Bồ Tát Quán Thế Âm. Hợp với nhau thì bạn sẽ lìa khổ được vui.
Khổ là gì ? Phiền não của con người tức là khổ. Nếu bạn chẳng có phiền não thì sẽ an vui. Tại sao bạn chẳng an vui ? Vì bạn có phiền não; chẳng có phiền não tức là an vui. Bồ Tát Quán Thế Âm hay làm cho phiền não của bạn tiêu trừ, khiến cho bạn đắc được an vui thật sự, đó tức là quán bi và quán từ.
‘’Thường nguyện thường chiêm ngưỡng’’: Tôi nguyện luôn luôn chiêm ngưỡng tướng mạo từ bi của Ngài Quán Thế Âm, càng nhìn thì càng sinh tâm hoan hỉ, sinh tâm cung kính. Lạy đại bi sám là một sự biểu hiện cung kính Bồ Tát Quán Thế Âm.
Nếu bạn chẳng lạy đại bi sám, thì cũng giống như người Mỹ chẳng muốn lạy đảnh lễ, cho đến một cái cúi đầu cũng chẳng cúi, đó gọi là tin Phật gì ? Bạn tin ông Phật đó là Phật gì ? Có người nói : ‘’Tôi tin ông Phật của tôi’’. Nếu bạn tin ông Phật của bạn thì chẳng thể có. Vì bạn chẳng tìm được ông Phật của bạn, cho nên Phật bên ngoài mà bạn cũng chẳng biết. Nếu tin ông Phật của mình, thì không thể không lạy Phật. Lạy là biểu thị sự cung kính nhất, đây gọi là năm thể sát đất, cũng là một thứ lễ mạo. Bạn chẳng có lễ mạo thì làm sao nói đến tin Phật ?
Trước kia có một vị bác sĩ, khắp nơi ai cũng đều tin ông ta, xem ông ta như sắp thành Phật. Ông ta bèn kêu họ đừng lễ Phật. Mọi người thì lễ Phật, còn ông ta thì đứng một bên, giống như khúc gỗ. Tại sao ? Vì tướng ta quá to lớn. Người không lạy Phật, thứ nhất là ngã mạn, cảm thấy cái ta rất lớn, còn lớn hơn Phật thì làm sao mà lạy Phật? Vì ông ta cống cao ngã mạn nên thấy Phật cũng chẳng lễ bái. Như thế thì làm sao mà học Phật, tin Phật ? Căn bản ông ta chẳng hiểu gì về Phật giáo, song ông ta đi khắp nơi giảng Phật pháp cho mọi người nghe, đó thật là hại người không ít.
Quang thanh tịnh không dơ
Huệ nhật phá các tối
Hay phục nạn gió lửa
Chiếu sáng khắp thế gian.
Bốn câu kệ này thật diệu không thể tả. Diệu không thể tả như thế nào ? Bốn câu kệ này hay chữa bệnh mắt. Nếu mắt của người nào bệnh, mà có thể luôn luôn niệm bốn câu kệ này, thì bệnh mắt sẽ hết. Tuy bệnh mắt hết nhưng bạn vẫn phải sinh ra trí huệ, thì mới trị hết triệt để. Nếu chẳng sinh ra trí huệ, thì chỉ hết tạm thời thôi, tương lai sẽ tái phát.
Ở trong quyển Quan Âm Dị Ký có ghi là hay chữa trị bệnh mắt. Vậy cứu kính thì chữa bệnh mắt như thế nào ? Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn, đó là nhờ sức thần thông gia bị của Bồ Tát Quán Thế Âm. Tóm lại, bạn phải tin kinh văn để ứng dụng vào bất cứ việc gì, thì đều rất linh nghiệm, có hiệu dụng. Nếu bạn không tin thì chẳng có công hiệu. Cho nên Phật pháp như biển cả, chỉ có niềm tin mới vào được. Pháp của Phật vô lượng vô biên như biển cả, chẳng biết lớn cỡ nào, sâu cỡ nào. Nếu bạn có niềm tin, thì Phật sẽ có thể tiếp dẫn bạn vào.
‘’Không nhơ quang thanh tịnh’’: Không nhơ là gì ? Nhơ la bụi bặm, cũng là vật không sạch sẽ. Nếu bạn không có những bụi bặm không thanh tịnh, thì tự nhiên sẽ phóng ra quang minh thanh tịnh. Quang minh thanh tịnh là đối với bụi bặm mà nói, chẳng có bụi bặm thì sẽ có quang minh thanh tịnh; có bụi bặm thì chẳng có quang thanh tịnh. Do đó, chẳng có bụi bặm dơ bẩn, thì sẽ phóng ra quang minh thanh tịnh. Thế nào thì gọi là chẳng có bụi bặm ? Tức là chẳng còn vọng tưởng. Bạn chẳng còn vọng tưởng thì chẳng có bụi bặm. Nếu bạn khởi một vọng tưởng thì có một lớp bụi bặm, khởi ba lớp vọng tưởng thì có ba lớp bụi bặm. Khởi vọng tưởng càng nhiều, thì bụi bặm tích lũy càng dày. Người tham thiền nói là ‘’Minh tâm kiến tánh’’, minh tâm tức cũng là chẳng có bụi bặm, kiến tánh tức cũng là thấy được quang minh thanh tịnh. Bạn chẳng có bụi bặm thì mới thấy được quang minh thanh tịnh. Nếu có bụi bặm thì chẳng thấy được quang minh thanh tịnh. Cho nên minh tâm kiến tánh tức là thấy rõ bản tâm mình, thấy được bản tánh mình.
Bản tâm tính tức là trong Kinh Lăng Nghiêm có nói: ‘’Thường trụ chân tâm, tính tịnh minh thể’’. Thường trụ chân tâm tức là minh tâm; tính tịnh minh thể tức là thanh tịnh minh thể, tức cũng là tính Như Lai tạng. Minh tâm kiến tánh tức cũng là minh bạch tính Như Lai tạng của mình vốn có, đây gọi là không nhơ.
‘’Huệ nhật phá các tối’’: Huệ nhật là trí huệ như mặt trời, chiếu phá tất cả chỗ đen tối. Đen tối là gì ? Đen tối có rất nhiều, bây giờ nói đen tối ví như: Bạn chẳng có niềm tin tức là đen tối, bạn chẳng có trí huệ tức la đen tối, bạn chẳng có tâm nguyện cũng là đen tối, chẳng có tâm thực hành cũng là đen tối. Và nữa bạn chẳng giữ giới luật tức là đen tối, bạn chẳng tu định lực là đen tối, bạn chẳng tu huệ là đen tối. Bạn chẳng tu theo con đường giới định huệ, đó là đi trên con đường đen tối. Bạn y theo giới định huệ tu hành tức là quang minh. Cho nên ‘’Huệ nhật phá các tối’’, trí huệ mặt trời chiếu phá tất cả sự đen tối.
Bạn muốn nghe Phật pháp, đó tứ là quang minh. Trong tâm bạn nói: ‘’Tôi nghe đã mấy ngày rồi, cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Vị pháp sư này ở trên pháp tòa giảng đi giảng lại đều giảng về cái đó, tôi nghe đã nhiều lần rồi, đều kêu mọi người trừ khử tham sân si, tu giới định huệ, tôi nghe đã nhàm quá rồi’’. Bạn nghe nhàm rồi, tức là đen tối hiện tiền. Bạn nghe chẳng nhàm, nói : ‘’Vị pháp sư này giảng càng nghe càng có ý nghĩa, càng nghe càng có vị đạo, thậm chí tôi nghe tiếng nói và dáng cười của Pháp sư, sau khi nghe rồi mà pháp sư vẫn ở tại lỗ tai tôi giảng kinh thuyết pháp, suốt ngày đến tối tôi đều nghe tiếng của pháp sư đang nói pháp bên cạnh tôi’’. Đó tức là quang minh. Chẳng thích nghe tức là đen tối.
Giảng đến đây, tôi nhớ ra một câu chuyện : Ở tại Hồng Kông có một vị nữ cư sĩ đến gặp tôi, sau khi gặp tôi rồi, thì khi cô ta đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng đều thấy tôi đang giảng kinh nói pháp ở đó, song vị nữ cư sĩ này nói như thế nào ? Cô ta nói : ‘’Vị pháp sư Độ Luân này là ma ! Sao tôi luôn luôn đều thấy ông ta ?’’ Cô ta thường thấy pháp sư thuyết pháp mà nói là ma. Nếu cô ta thấy ma, chắc cô ta lại cho là Phật. Cho nên người đó thường thấy tôi, mà cứ nói là thấy ma, lại chưởi mắng, lại muốn đánh, chưa đến mấy tháng thì vị nữ cư sĩ đó bệnh ung thư chết. Bổn lai tôi muốn cứu cô ta, nhưng cô nói tôi là ma, nên tôi cũng thương xót mà chẳng giúp được. Hôm nay tôi nhớ đến chuyện này, cho nên cô ta thấy pháp sư mà nói là ma; nếu thấy ma thì cô ta lại thế nào ? Do đó, có rất nhiều người thế gian đều nhận giả làm thật. Thật mà họ cho là giả, khi giả thì họ nói là thật.
Trí huệ của Bồ Tát Quán Thế Âm như ánh sáng mặt trời, chiếu phá moị sự đen tối. Chiếu phá những đen tối gì ? Bồ Tát Quán Thế Âm tu quán chân không, chiếu phá đen tối thấy và nghĩ (kiến tư), chứng được đức Bát nhã. Kiến hoặc là gì ? Tức là mê lý khởi phân biệt. Bồ Tát Quán Thế Âm tu quán thanh tịnh, phá trừ đen tối trần sa, chứng được đức giải thoát. Bồ Tát Quán Thế Âm tu quán trí huệ, phá trừ đen tối vô minh, chứng được đức pháp thân.
Đây gọi là ba đức : Đức Bát nhã, đức giải thoát, đức pháp thân. Bồ Tát Quán Thế Âm tu ba quán (quán chân không, quán thanh tịnh, quán trí huệ), mà chứng được ba đức, đoạn trừ đen tối kiến tư, trần sa và vô minh. Cho nên nói huệ nhật phá các tối. Huệ ở đây tức là quán, quán tất cả huệ.
‘’Hay phục nạn gió lửa’’ : Bồ Tát Quán Thế Âm hàng phục được ba tai nạn, đó là nạn nước, gió, lửa. Lửa thiêu hủy đến cõi sơ thiền, nước ngập đến trời nhị thiền, gió thổi tan trời tam thiền. Tại sao trời sơ thiền bị lửa thiêu hủy ? Vì người trời ở cõi sơ thiền, vẫn còn có lửa phiền não, cho nên lửa trong tự tánh của họ dẫn khởi lửa ở thế gian. Lúc đó, trong hư không xuất hiện bảy mặt trời, thiêu sạch hết tất cả động, thực vật trong đại địa, sau đó thiêu cạn nước trong biển cả, thiêu sạch hết núi non, chẳng còn tồn tại vật gì.
Nạn lửa lớn như thế trải qua bảy lần, rồi sau đó phát sinh một lần nạn nước lớn. Nạn nước lớn ngập đến trời nhị thiền. Tại sao ? Vì người trời ở cõi nhị thiền vẫn còn đầy dẫy nước phiền não, do đó dẫn khởi nạn nước lớn ở thế gian, sóng dâng lên ngập chìm hết tất cả, chẳng còn nơi đất liền nào tồn tại, tất cả động vật và thực vật đều chẳng tồn tại.
Trải qua bảy lần nạn nước lớn rồi, thì phát sinh nạn gió lớn. Nạn gió này còn lợi hại hơn, so với nạn lửa và nước vừa nói ở trên, chẳng những thổi sơn hà đại địa ở thế gian nát thành bụi, mà còn thổi đến trời tam thiền, khiến cho trời tam thiền cũng chẳng tồn tại. Có câu kệ nói rằng :
‘’Lục dục chư thiên cụ ngũ suy,
Tam thiền thiên thượng hữu phong tai,
Nhậm quân tu đáo Phi Phi Tưởng,
Bất như tây phương quy khứ lai.’’
Nghĩa là :
‘’Sáu cõi trời dục giới có năm tướng suy,
Trên trời tam thiền có nạn gió,
Cho dù tu đến trời Phi Phi Tưởng,
Chẳng bằng sinh về cõi tây phương.’’
Năm tướng suy là gì ?
1. Thứ nhất là mũ hoa trên đầu héo úa. Người trời dùng hoa làm mũ đội trên đầu, thứ hoa này chẳng phải người trồng, mà là tự nhiên sinh ra làm mũ đội. Đến khi năm tướng suy hiện ra thì hoa úa phai tàn. Lúc chẳng có năm tướng suy hiện ra, thì hoa luôn luôn tươi tốt. Khi hoa bắt đầu phai tàn, thì họ biết tuổi thọ sắp hết.
2. Thứ hai là quần áo dơ bẩn. Quần áo của người trời mặc, chẳng giống như quần áo thế gian, mỗi tuần phải giặt một lần, hoặc hai tuần phải giặt một lần. Nếu chẳng giặt thì chẳng sạch. Quần áo của người trời mặc, chẳng cần phải giặt, vì nó chẳng dơ. Song, đến khi năm tướng suy hiện, quần áo của họ dơ bẩn, thì họ biết tuổi thọ sắp hết. Giống như người chúng ta, khi hơi thở chưa tắt mà trên thân có chỗ đã sinh trùng. Bình thường nó chẳng sinh trùng, đến khi hơi thở sắp chấm dứt, thì trên thân rất nhiều chỗ đều có trùng. Quần áo của người trời dính bụi cũng là nghiệp báo chiêu cảm. Tại sao trên thế giới của chúng ta có rất nhiều bụi bặm ? Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói, vì trong tâm của chúng ta quá nhiều vọng tưởng, cho nên bụi trên thế giới cũng biến thành nhiều. Vọng tưởng của chúng ta như là bụi bặm, chẳng có gì khác biệt. Do đó, tất cả bụi bặm đều do tâm vọng tưởng của chúng ta tạo thành. Năm tướng suy của người trời hiện tiền, thì quần áo cũng có bụi bặm.
3. Thứ ba là hai nách ra mồ hôi, thân của người trời chẳng giống như thân của chúng ta, luôn luôn ra mồ hôi, họ chẳng bao giờ có mồ hôi, song, năm tướng suy hiện tiền thì hai nách ra mồ hôi.
4. Thứ tư là thân thể hôi hám. Thân của người trời suốt ngày đến tối, đều tỏa ra mùi hương thơm, chẳng phải họ xoa dầu thơm, mà là tự nhiên tỏa ra mùi thơm. Khi năm tướng suy hiện tiền, thì trên thân chẳng còn mùi thơm mà tỏa ra mùi hôi hám.
5. Thứ nămn là chẳng thích ngồi trên tòa nữa. Người trời thật là tự tại, suốt ngày đến tối đều thích ngồi thiền nhập định, chẳng có việc gì để làm. Khi năm tướng suy hiện tiền, thì họ ngồi chẳng yên, ngồi một chút lại đứng lên, đứng lên lại ngồi xuống, cứ đứng lên ngồi xuống như thế, một niệm mất đi tri giác thì sẽ đọa lạc, người trời hết tuổi thọ.
Đó là trời lục dục có năm tướng suy hiện, song trời sơ thiền thì có nạn lửa, trời nhị thiền thì có nạn nước, trời tam thiền thì có nạn gió, vì người trời cõi tam thiền có gió phiền não, cho nên tiếp xúc với luồng gió thế gian, mà dẫn đến nạn gió. Từ khi bạn sinh về cõi trời Phi Phi Tüởng, hưởng thọ phước trời tám vạn đại kiếp, song khi phước trời hết, thì vẫn bị đọa lạc vào nhân gian, hoặc đọa làm ngạ quỷ, súc sinh, hoặc đọa vào địa ngục, chẳng nhất định, cho nên rất là nguy hiểm.
Chẳng bằng tu vãng sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, sau đó trở lại con thuyền từ bi, giống như Bồ Tát Quán Thế Âm đến giáo hóa chúng sinh.
‘’Chiếu sáng khắp thế gian’’: Trí huệ quang minh của Bồ Tát Quán Thế Âm chiếu soi khắp thế giới Phàm Thánh Đồng Cư (thế giới người phàm và Thánh nhân ở với nhau). Nơi hiện nay chúng ta đang ở gọi là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, tức là nơi phàm phu và bậc Thánh đều ở. Bồ Tát Quán Thế Âm tu đại trí đại huệ, lại chiếu soi khắp thế giới Phương Tiện Hữu Dư, tức là thế giới của hàng nhị thừa ở. Phương tiện tức là thiện xảo phương tiện. Hữu dư là chỉ thế giới đó, phiền não vẫn chưa đoạn sạch, còn dư thừa. Bồ Tát Quán Thế Âm đầy đủ đại trí huệ, lại chiếu khắp thế giới Thật Báo Trang Nghiêm, tức là thế giới Bồ Tát ở. Thế giới của Phật ở là thế giới Thường Tịch Quang, còn gọi là Thường Tịch Quang Tịnh Độ. Đại trí huệ của Bồ Tát Quán Thế Âm đều chiếu khắp cõi Thường Tịch Quang, cõi Thật Báo Trang Nghiêm, cõi Phương Tiện Hữu Dư, cõi Phàm Thánh Đồng Cư, cho nên nói : ‘’Chiếu sáng khắp thế gian.’’
Bi thế giới lôi chấn
Ý từ diệu mây lớn
Rưới mưa pháp cam lồ
Dập tắt lửa phiền não.
‘’Bi thế giới lôi chấn’’ : Bốn câu kệ này là khen ngợi từ bi của Bồ Tát Quang Thế âm. Bồ Tát Quán Thế Âm dùng từ bi làm pháp thể của Ngài. Từ bi pháp thể của Ngài từ đâu sinh ra ? Là từ giữ giới mà sinh ra. Lúc ban đầu Bồ Tát Quán Thế Âm tu đạo, thì chuyên tu giới luật mà sinh ra đại từ bi rộng lớn, pháp thể vô duyên đại từ. Thứ pháp thể này âm thanh lớn như là tiếng sét đánh, đánh thức tất cả chúng sinh, người điết cũng nghe được, người ngu cũng nghe được. Cho nên câu ‘’Bi thế giới lôi chấn’’ này, là khen ngợi thân nghiệp của Bồ Tát Quán Thế Âm không thể nghĩ bàn.
‘’Ý từ diệu mây lớn’’: Bồ Tát Quán Thế Âm dùng từ bi bình đẳng, mắt từ nhìn chúng sinh. Trong bổn kinh cũng nói : ‘’Mắt từ nhìn chúng sinh, biển phước tụ vô lượng.’’ Bồ Tát Quán Thế Âm tu phước đức vô lượng vô biên như biển cả. Ý niệm từ bi của Ngài bình đẳng ban vui cho chúng sinh, cảnh giới không thể nghĩ bàn này, giống như đám mây lớn ở trong hư không.
‘’Rưới mưa pháp cam lồ’’: Rưới nghĩa là mưa xuống, mưa xuống nước pháp cam lồ. Cam lồ là gì ? Cam lồ tức là thuốc trường sinh bất lão ở trên trời, tuổi thọ của người trời lâu như thế, là do uống thuốc trường sinh bất lão. Có người nói : ‘’Người trời cũng uống thuốc, khó trách người bây giờ muốn khai ngộ cũng uống thuốc.’’ Song, thuốc trên trời là tự nhiên, là ở trên trời vốn có, chẳng cần trải qua làm bằng tay, uống thứ thuốc bất lão này thì chẳng già. Mây lớn vi diệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, rưới xuống mưa pháp cam lồ, rưới xuống thuốc trường sinh bất lão, khiến cho tất cả mọi người lìa khỏi khổ sinh già bệnh chết.
‘’Dập tắt lửa phiền não’’: Bồ Tát Quán Thế Âm dập tắt hết lửa phiền não của con người trên thế gian, mỗi người đều có phiền não. Tại sao chẳng thành Phật ? Vì có phiền não. Tại sao chẳng khai ngộ ? Vì có phiền não. Tại sao bạn chẳng được giải thoát, chẳng được tự tại thật sự ? Cũng vì bạn có phiền não. Phiền não tức cũng là chấp trước. Chấp trước tức là một tên khác của phiền não. Bạn có sự chấp trước thì chẳng được giải thoát, có rất nhiều phiền não. Vậy chấp trước lại từ đâu đến ? Là từ tâm ích kỷ lợi mình mà sinh ra. Nếu bạn chẳng có tâm ích kỷ lợi mình, mà đại công vô tư, thì bạn lại có gì để chấp trước ? Nếu bạn chẳng có tâm ích kỷ, thì chẳng có sự chấp trước. Chẳng chấp trước thì chẳng có phiền não, chẳng phiền não thì giải thoát, đắc được giải thoát, thì khai ngộ cũng là thành Phật.
Cho nên, phiền não của chúng ta là một vật tệ nhất. Song, mỗi người đều xả bỏ chẳng đặng vật tệ hại này, đều muốn đi đứng nàm ngồi với phiền não, lìa chẳng khỏi, có người nói : ‘’Tôi luôn luôn an vui, đó gọi là chẳng có phiền não.’’ Nếu bạn thật sự đắc được an vui, thì đương nhiên chẳng có phiền não. Nếu chẳng đắc được an vui thật sự, thì tức là miễn cưỡng dùng tâm tạo tác để làm sự an vui này, đó chẳng phải là an vui thật sự, vì phiền não vẫn ẩn tàng ở bên trong. Một ngày nào đó nó sẽ phát tác, giống như dùng một hòn đá lớn đè lên cỏ, tuy cỏ chẳng lớn, nhưng tương lai lấy hòn đá ra, thì cỏ sẽ lớn lên tươi tốt. Trong bốn hoằng thệ nguyện, thì nguyện thứ nhất là : ‘’Chúng sinh thệ nguyện độ.’’
Tại sao Bồ Tát Quán Thế Âm lại đến thế giới này ? Là vì : ‘’Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.’’ ‘’Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn’’ : Bồ Tát Quán Thế Âm có phiền não chăng ? Ngài đã đoạn sạch phiền não, song Ngài lấy phiền não của chúng sinh làm phiền não của mình. Ngài thấy phiền não của chúng sinh chưa đoạn, nên Ngài dùng đủ thứ pháp môn giáo hóa chúng sinh, khiến cho chúng sinh đoạn trừ phiền não. Phiền não thì chẳng cùng tận, giống như sóng biển, niệm trước diệt thì niệm sau sinh ra; niệm sau diệt rồi, thì niệm sau nữa lại sinh, liên tục không ngừng, phiền não cũng như thế.
‘’Pháp môn vô lượng thệ nguyện học’’: Phật pháp có vô lượng vô biên pháp môn. Có người đọc một bộ kinh, hoặc đọc được hai bộ kinh thì tự mãn, nói họ đã hiểu Phật pháp. Phật pháp mà họ hiểu, thật là chẳng bằng một giọt nước trong biển cả. Giống như con kiến ra biển uống nước, uống no nê đầy bụng rồi nói : ‘’Tôi đã uống cạn hết nước trong biển.’’ Nước ở trong biển, nó chẳng uống được một giọt. ‘’Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành’’: Chẳng có gì cao hơn Phật đạo, do đó mỗi người nên phát nguyện thành Phật, không nên coi mình quá nhỏ bé, phải xem mình bổn lai là Phật. Song, bổn lai là Phật, chứ chẳng phải hiện tại là Phật. Bổn lai ban đầu chúng ta đều đầy đủ Phật tánh như Phật, không hai không khác. Song, hiện tai chúng ta vì chẳng biết tu hành, cho nên chẳng có ba thân, bốn trí, năm nhãn, sáu thông, đại bản lãnh của Phật, đó là bốn thệ nguyện lớn. Bồ Tát Quán Thế Âm vốn chiếu theo bốn thệ nguyện lớn này, để giáo hóa chúng sinh, cho nên rưới mưa pháp cam lồ, khiến cho tất cả chúng sinh đắc được mát mẻ, chẳng còn phiền não. Đây gọi là ‘’Dập tắt lửa phiền não.’’
Tranh kiện nơi quan tòa
Trong trận chiến sợ hãi
Nhờ sức niệm Quan Âm
Các oán địch lui tan.
‘’Tranh kiện nơi quan tòa’’. Tranh là đấu tranh. Vào thời mạt pháp là thời đấu tranh kiên cố. Khi Phật còn tại thế là thời đại chánh pháp, sau khi Phật diệt độ là thời đại tượng pháp. Sau khi Phật diệt độ trải qua hai ngàn năm, là thời đại mạt pháp. Thời đại chánh pháp là thiền định kiên cố, ai ai cũng đều thích tham thiền, tập định, tu định lực. Thời đại chánh pháp một ngàn năm. Từ khi Phật ra đời đến Phật diệt độ một ngàn năm gọi là thời đại chánh pháp. Qua thời đại chánh pháp thì đến thời kỳ tượng pháp, thời kỳ này là chùa chiền kiên cố, ai cũng hoan hỉ phấn khởi làm chùa, tạo tượng Phật, cho nên trên thế giới có những nước có rất nhiều chùa, thời đại tượng pháp là một ngàn năm. Qua một ngàn năm rồi, thì đến thời đại mạt pháp, pháp đến đoạn cuối.
HT Tuyên Hóa