Mục Lục

Đức Như Lai tôn trọng thật tướng Bát Nhã, tức cũng là cung kính hộ trì Bát nhã. Bát nhã là Bát nhã của chúng sinh, vì Bát nhã thật tướng nầy quá cao sâu, rộng lớn, chẳng đối cơ với một số hạng người tiểu thừa, cho nên không thể vì họ nói pháp đại thừa. Cho nên, từ thời Hoa Nghiêm đến thời Pháp Hoa Niết Bàn, trải qua hơn ba mươi năm, mà Phật chẳng nói thật giáo, chỉ nói quyền giáo. Thật giáo là thật tướngBát nhã, chỉ một Phật thừa, chứ chẳng có thừa nào khác. Đạo lý nầy rất lâu cũng không nói, vì sao không nói ? Vì chúng sinh chẳng những không tin mà còn phỉ báng. Vì đây là pháp môn thù thắng tạm thời chẳng nói, đủ thấy Phật đầy đủ sức nhẫn nại.
Người trí nếu nghe được
Bèn sinh tâm tin hiểu
Kẻ vô trí nghi hoặc
Vĩnh viễn mất giống Phật.
Chúng sinh nào có trí huệ nghe được diệu pháp nầy rồi, thì sinh tâm tin nhận, biết đây là pháp đại thừathì họ sẽ khai ngộ. Song, đối với kẻ vô trí mà nói thật pháp, thì họ sẽ sinh nghi hoặc, họ bảo pháp thật là pháp giả. Trong Phật giáo đại thừa, người vốn vô vật, cũng chẳng cần giải nói, vốn chẳng có tướng hợp, tự nhiên cũng chẳng có tướng lìa; vốn chẳng có tướng sinh cũng chẳng có tướng diệt. Nếu đối với kẻ vô trí mà nói các pháp đều là không, không, có phải gì cũng là không chăng ? Chẳng có gì để học chăng ?
Một khi họ sinh ra tâm nghi hoặc, thì đoạn trừ hạt giống đại thừa, tức cũng là đoạn hạt giống Phật, cũng là đoạn hạt giống chúng sinh, cho nên nói là ‘’Vĩnh viễn mất giống Phật‘’.

Do đó, nầy Ca Diếp !
Tùy sức họ nói pháp
Dùng đủ thứ nhân duyên
Khiến họ được chánh kiến.
Vì cớ đó, nầy Ca Diếp ! Ông phải minh bạch Phật tùy theo phương tiện thiện xảo nói pháp, dùng đủ thứ pháp, đủ thứ duyên, khiến cho chúng sinh được chánh tri chánh kiến, chẳng sinh tà kiến.

Ca Diếp ông nên biết !
Ví như vầng mây lớn
Nổi lên trong thế gian
Che phủ khắp tất cả.
Ca Diếp ! Các ông đều phải biết, Như Lai nói pháp giống như vầng mây lớn, xuất hiện nơi thế gian, ở trong hư không che khắp tất cả ba ngàn đại thiên thế giới.

Mây trí huệ đượm nhuần
Ánh chớp sáng chói lòa
Tiếng sấm vang động xa
Khiến chúng sinh vui đẹp.
Vầng mây lớn nầy là vầng mây trí huệ, lượng mưa đượm nhuần tất cả tâm chúng sinh. Quang minh Phật giáo như ánh chớp chiếu sáng. Âm thanh Phật thuyết pháp như tiếng sấm chấn động, khiến cho trong tâm của chúng sinh vui đẹp.

Nhật quang bị che lấp
Trên mặt đất mát mẻ
Mây giăng phủ mù mịt
Như có thể nắm lấy.
Trí huệ quang minh của Phật, che lấp chín mươi lăm thứ tà quang của ngoại đạo. Phật lại dùng trí huệmát mẻ, phá chín mươi sáu thứ phiền não trên thế gian. Mây che giăng mù mịt, đám mây rất dày, tựa như có thể dùng tay nắm bắt được.

Trận mưa lớn nhuận khắp
Đều xối xuống bốn phương
Nước chảy tuôn vô lượng
Thấm ngầm vào lòng đất.
Trận mưa nầy đượm nhuần tất cả, bốn phương đều mưa xuống vô số lượng nước mưa, khắp lòng đất đều có nước mưa, hết thảy chúng sinh đều đượm nhuần được mưa pháp.

Nơi núi sông hang hiểm
Chỗ thâm u sinh ra
Các cây cối cỏ thuốc
Đủ thứ cây lớn nhỏ.
‘’Nơi núi sông hang hiểm’’: Núi dụ cho đại Bồ Tát. Sông chỉ cho đại địa, hang hiểm chỉ nơi nguy hiểm.
‘’Chỗ thâm u sinh ra’’: Dụ cho chỗ đen tối sinh ra tất cả thực vật. Tam thảo nhị mộc nầy, tam thảo chỉ là người, trời, Thanh Văn Duyên Giác thừa. Nhị mộc dụ cho thông giáo và biệt giáo Bồ Tát, cây nhỏ là chỉ thông giáo Bồ Tát, cây lớn là chỉ biệt giáo Bồ Tát.

Trăm giống lúa mộng mạ
Các thứ mía và nho
Nhờ nước mưa đượm nhuần
Thảy đều tốt tươi cả.
Lúa mộng mạ là chỉ tất cả chúng sinh, mía là dụ cho thiền định thần thông. Nho dụ cho Bát Nhã, có thể đoạn trừ các hoặc. Mưa đượm nhuần khiến cho cây cối đều tươi tốt.

Đất khô khắp thấm nhuần
Thuốc cây đều sum sê
Vầng mây kia mưa xuống
Nước mưa thuần một vị.
‘’Đất khô khắp thấm nhuần’’: Chỉ cho chúng sinh chẳng nghe pháp, chẳng có căn lành, cũng được đượm nhuần. Thuốc cỏ và cây cối đều sum sê, vầng mây kia mưa xuống thuần một vị, là chỉ cho một thừa Phật pháp, khiến cho hết thảy chúng sinh đều được đượm nhuần.

Các cây cối lùm rừng
Tùy theo sự đượm nhuần
Tất cả các cây cối
Bậc thượng trung và hạ.
Cây cối và cỏ thuốc tùy theo thân cây lớn nhỏ, tức cũng phân ra bậc thượng thì hấp thụ nước mưa bậc thượng, bậc trung thì hấp thụ nước mưa bậc trung, bậc hạ thì hấp thụ nước mưa bậc hạ.

Tùy theo tính lớn nhỏ
Thảy đều được lớn lên
Thân gốc rễ cành lá
Hoa quả đơm đủ màu.
Mỗi thứ cây cối cỏ thuốc, đều được sinh trưởng đượm nhuần, thân gốc rễ cành lá, nhất là hoa quả, mỗi thứ đều hiển màu sắc của nó, trông rất xinh đẹp tốt tươi.

Một trận mưa rưới xuống
Thảy đều được tươi thấm
Theo thể tướng của nó
Tính phân ra lớn nhỏ
Nước đượm nhuần vẫn một.
Tùy thể tướng và căn tính của cây cỏ, hoặc lớn hoặc nhỏ, nước mưa rưới xuống vẫn như nhau, song cây cối mỗi thứ đượm nhuần, tùy theo sức hấp thụ của nó.

Đức Phật cũng như thế
Xuất hiện ra nơi đời
Ví như vầng mây lớn
Che trùm khắp hết thảy.
Đã xuất hiện ra đời
Vì tất cả chúng sinh
Phân biệt và diễn nói
Thật tướng của các pháp.
Đức Phật cũng như thế, xuất hiện ra nơi đời, giống như vầng mây lớn, che trùm khắp hết thảy, vì chúng sinh diễn nói Phật pháp. Chúng sinh nghe minh bạch, thì trừ khử được mao bệnh tập khí, pháp thân tríhuệ khai sáng, quang minh hiện ra mà chẳng tự biết. Đức Phật vì người thế gian nói pháp thế gian, vì chư thiên nói pháp chư thiên, vì Thanh Văn nói pháp Thanh Văn, vì Duyên giác nói pháp Duyên giác, vì đại thừa nói pháp đại thừa. Phân biệt diễn nói, là quán căn cơ mà thí giáo, vì người thuyết pháp, tùy theo đủ thứ căn tính khác nhau, mà nói đủ thứ Phật pháp, tức là vì thật thí quyền. Trước kia dùng pháp quyền xảo phương tiện, đều vì muốn nói giáo nghĩa chân thật cuối cùng.

Đấng đại Thánh Thế Tôn
Nơi chư thiên loài người
Trong tất cả chúng hội
Mà tuyên nói lời nầy:
Ta là bậc Như Lai
Là đấng Lưỡng Túc Tôn
Xuất hiện ra nơi đời
Dường như vầng mây lớn
Thấm nhuần khắp tất cả
Những chúng sinh khô khan
Đều khiến cho lìa khổ
Được yên ổn vui sướng
Hưởng sự vui thế gian
Và sự vui Niết Bàn.
Đấng đại Thánh Thế Tôn, nơi chư thiên loài người, trong tất cả chúng sinh, tuyên nói: ‘’Ta là bậc Như Lai Đấng Lưỡng Túc Tôn’’. Lưỡng Túc là :
1. Phước đầy đủ: Tu đủ thứ công đức lành.
2. Huệ đầy đủ: Có phước cũng phải tu huệ, tu sáu độ, bốn pháp nhiếp .v.v. Do đó, có câu:

‘’Tu phước chẳng tu huệ,
Thân voi mang chuỗi ngọc.
Tu huệ chẳng tu phước,
La Hán ôm bát không’’.

Nếu chỉ tu phước mà chẳng tu huệ, tích tụ rất nhiều phước báu, thành con voi lớn, trên thân thể đeo mang chuỗi ngọc quý giá, lại ích gì ? Còn ngược lại, chỉ nghe kinh nói pháp, chẳng làm công đức, chẳng làm việc lành, thì tương lai chứng được quả A La Hán, ôm bình bát đi khất thực chẳng có ai cúng dường. Hôm nay có cơm ăn, ngày mai chẳng có cơm ăn, thường bị đói khác, đó là quả báo tu huệchẳng tu phước. Cho nên, đức Phật phước huệ đều tu, phước đầy đủ, huệ đầy đủ, nên gọi là Lưỡng Túc Tôn, chứ chẳng phải là hai chân, vì tiếng tàu lưỡng là hai, túc là chân. Phật xuất hiện ra đời như vầng mây lớn, thấm nhuần tất cả chúng sinh. Chúng sinh đắc được nước pháp đượm nhuần, thì sẽ không khô khan.
Pháp vũ hay khiến cho chúng sinh, hưởng được sự vui thế gian và xuất thế gian.

Hết thảy chúng trời người
Một lòng khéo lóng nghe
Đều nên đến chỗ nầy
Hầu đấng Vô thượng tôn.
Ta là bậc Thế Tôn
Chẳng có ai bằng được
Vì an ổn chúng sinh
Nên xuất hiện ra đời.
Vì các đại chúng nói
Pháp cam lồ trong sạch
Pháp đó thuần một vị
Vị giải thoát Niết bàn.
Dùng một tiếng diệu âm
Diễn xướng nghĩa nhiệm mầu
Thường vì pháp đại thừa
Mà kết làm nhân duyên.

Trời người đều nên đến đây, một lòng khéo nghe Phật pháp, lễ bái cung kính Phật. Ta là bậc tôn kínhtrong thế gian và xuất thế gian, cho nên chẳng có ai sánh bằng. Có bài kệ lễ Phật rằng :
‘’Thiên thượng thiên hạ vô như Phật,
Thập phương thế giới diệc vô tỉ,
Thế gian sở hữu ngã tận kiến,
Nhất thiết vô hữu như Phật giả.’’

Nghĩa là :

‘’Chư thiên loài người chẳng ai bằng Phật
Mười phương thế giới cũng chẳng sánh bằng
Hết thảy thế gian ta thấy hết
Tất cả chẳng có ai như Phật‘’.

Phật vì an ổn chúng sinh mà xuất hiện ra đời, vì đại chúng nói pháp cam lồ thanh tịnh. Pháp nầy là một thừa pháp, dùng một tiếng diệu âm diễn xướng nghĩa pháp đại thừa, dùng đủ thứ nhân duyên để nói nghĩa Phật pháp nầy.

Ta xem tất cả chúng
Hết thảy đều bình đẳng
Chẳng phân biệt đó đây
Cùng với tâm thương ghét.
Ta xem tất cả thảy đều bình đẳng, đủ thấy Phật rất từ bi. Phật chẳng nói: ‘’Ta chí cao vô thượng, chúa tể sáng tạo vạn vật.’’ Phật chỉ nói Ngài chuyển hóa vạn vật, khiến cho chúng sinh bỏ tà về chánh, bỏ tối về sáng. Phật chẳng nói: ‘’Ta là chánh, các vị đều là tà, các vị là do ta một tay sáng tạo‘’! Nếu tất cả là do chúa tể nào đó sáng tạo, thì sao lại cứ tạo những điều xấu ? Nói thẳng ra là chẳng có tơ hào năng lựcthuyết phục, hóa được người. Cho nên Đức Phật chẳng nói Ngài tạo tất cả, mà là cứu độ tất cả. Ai chẳng minh bạch Phật pháp, thì khiến cho họ minh bạch Phật pháp, ai chẳng giác ngộ thì khiến cho họ giác ngộ. Tuy Phật độ chúng sinh, song chẳng có một chúng sinh có thể độ, đó mới là chân chánh bình đẳng.
Chẳng phân biệt đó đây, vì có đó thì có đây, có thương có ghét, khởi tâm niệm vui mừng, khởi sân hậnchẳng vui mừng. Song, nếu chẳng vui cũng chẳng giận tất cả, chẳng có đó đây, thì chẳng có thương ghét. Nếu Thượng đế Ngài một mình làm được, còn ta không thể, thì học Ngài để làm gì ?

Ta chẳng có tham trước
Cũng chẳng có hạn ngại
Luôn luôn vì tất cả
Bình đẳng mà nói pháp.
Dù chỉ vì một người
Trong chúng đông cũng thế
Thường diễn nói các pháp
Từng không việc gì khác.

Phật nói ta chẳng có tham trước, tức chẳng có tâm thương ghét. Vì có thương thì có chấp, không thương thì ghét. Chẳng có tham trước, thì cũng chẳng có chướng ngại. Phật luôn luôn vì tất cả chúng sinh bình đẳng nói pháp, cũng giống như nói với một người. Cho nên, các bạn luyện tập thuyết pháp, đừng nói: ‘’Ngài thuyết pháp thì có nhiều người đến nghe, còn tôi thuyết pháp thì chẳng có ai đến nghe‘’! Đó là chướng ngại, luôn luôn vì tất cả, một là tất cả, một người tức là nhiều người, nhiều người tức là nhiều người.

‘’Bình đẳng mà nói pháp’’: Nhiều chẳng biết nhiều, ít chẳng biết ít; không nhiều không ít, không xa không gần. Giống như tôi tại Hương cảng thuyết pháp, cũng là vì nước Mỹ thuyết pháp; tại nước Mỹ thuyết pháp, cũng là vì Hương Cảng thuyết pháp, đó là không gần không xa. Đây là chân lý thật, chẳng có cười đùa, cũng chẳng có không cười đùa, đối với nhiều người cũng nói như thế, trừ khi hết hơi tôi mới không nói, bằng không còn sống, thì còn diễn thuyết pháp.

‘’Từng không việc gì khác’’. Thấm nhuần Phật pháp rồi, thì phải thuyết pháp, như các vị thọ Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni phải cung hành thực tiễn, làm mô phạm cho tốt. Khi mọi người nhìn vào thì thấy, Ồ ! Làm Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni vốn là tốt như thế, khoái lạc như thế ! Đói chết cũng chẳng sợ, suốt ngày đến tối đều chẳng nóng giận, thường sinh tâm vui vẻ, trì giới tinh nghiêm. Do đó, xuất gia ở đây, xuất gia ở kia, mà vô lượng vô biên người đều đến đây xuất gia. Song, nếu bạn suốt ngày đến tối ngủ nghỉ li bì, ăn ngonmặc đẹp, thì Phật giáo ở nước Mỹ chẳng có ai tin. Cho nên, Phật giáo ở nước Mỹ mới bắt đầu, các bạn là người tiên phong, nên dũng mãnh tinh tấn vô úy khai thác. Tại nước Mỹ, đây là lần đầu tiên tiếp thọ Phật pháp đại thừa. Nếu họ hỏi các bạn thầy của các bạn là ai ? Thì bạn nói là Phật Thích Ca Mâu Ni, đừng nói riêng một vị thầy nào khác, người khác hỏi bạn học Phật với ai ? Thì bạn cũng nói học Phật với Ba La Đề Mộc Xoa, bạn nói lấy Ba La Đề Mộc Xoa làm thầy, đây chẳng phải là nói dối, vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói hãy lấy giới làm thầy.
Ngồi đứng hoặc đến đi
Thảy đều chẳng mỏi nhàm
Đầy đủ cho thế gian
Như mưa thấm nhuần khắp.
‘’Ngồi đứng hoặc đến đi‘’: Phật đi đứng nằm ngồi, bốn oai nghi đều nói pháp, chưa từng phóng dật. Ngài ngồi cũng nói pháp, đứng cũng nói pháp, cho đến ngủ cũng độ hóa chúng sinh, giáo hóa chúng sinh ngủ mộng.
‘’Đầy đủ cho thế gian, như mưa thấm nhuần khắp’’. Tại sao phải nói pháp ? Vì chúng sinh đang sắp chết khô, trước khi họ chưa chết, thì ban cho họ mưa pháp khiến cho họ sống lại.

Kẻ sang hèn trên dưới
Người trì giới, phạm giới
Oai nghi đều đầy đủ
Và chẳng được đầy đủ
Kẻ chánh kiến, tà kiến.
‘’Kẻ sang, hèn, trên, dưới‘’: Chỉ người bậc trên là hạng sang làm quan chức, bậc dưới là thường dân. Trì giới hoặc phạm giới là chỉ người xuất gia. Oai nghi có ba ngàn, ‘’có uy đáng sợ, có nghi đáng kính’’: Đi đứng nằm ngồi bốn đại oai nghi, đều giữ được viên mãn, song nếu chẳng giữ giới, thì chẳng có bốn đạioai nghi.
‘’Chánh kiến và tà kiến’’: Nói lời chẳng chánh đáng là tà kiến. Chánh kiến là chẳng hợp lễ giáo thì đừng xem (phi lễ vật thị), chẳng hợp lễ giáo thì đừng nói (phi lễ vật ngôn). Nếu như chẳng hợp với lễ giáo, mà đi xem đi nghe là tà kiến.

Lợi căn hoặc độn căn
Thảy đều mưa pháp vũ
Mà chẳng biết mệt mỏi
Hết thảy các chúng sinh.
Ai nghe pháp của ta
Tùy sức mà lãnh thọ
Trụ ở nơi các địa
Hoặc ở trong trời người.
‘’Lợi căn‘’: Là người thông minh, nghe pháp thì sẽ khai ngộ. ‘’Độn căn’’: Là kẻ ngu si, nghe rất nhiều về Phật pháp, nhưng vẫn chẳng biết Phật pháp là gì. Họ chẳng giữ giới, chẳng nhẫn nhục, chẳng tinh tấn, cũng chẳng thiền định, chẳng lãnh thọ được Phật pháp, còn Phật thì chẳng có tơ hào phân biệt, Phật chỉ mưa pháp vũ xuống khắp, để đượm nhuần chúng sinh. Phật nói pháp chẳng tiếc thân mạng, cũng chẳng mệt mỏi. Tất cả chúng sinh phi tiềm động thực, thai noãn thấp hóa, tùy theo thân của họ mà tiếp thọ lợi ích.
‘’Hoặc ở trong trời người’’: Hoặc trụ ở nhân gian hoặc trên trời.

Làm Chuyển luân thánh vương
Và các vua Thích Phạm
Đó là cỏ thuốc nhỏ
Biết được pháp vô lậu.
Sẽ chứng được Niết bàn
Khởi sáu phép thần thông
Và đắc được ba minh.
‘’Làm Chuyển Luân Thánh Vương‘’: Có kim, đồng, thiết, ngân, bốn vua chuyển luân. Kim luân vương cai trị bốn thiên hạ : Đông Thắng Thần châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Tây Ngưu Hoá Châu và Bắc Câu LưuChâu.
Kim Luân Vương có bảy báu, toại tâm như ý, biến hóa vô cùng, các nước của Kim Luân vương cai trị, nhân dân đều giữ năm giới và làm mười điều lành.
Ngân Luân Vương cai trị ba thiên hạ, tức là Đông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu và Tây Ngưu Hóa Châu. Đồng Luân Vương quản lý Đông, Nam, hai thiên hạ. Thiết Luân Vương quản lý một thiên hạ. Hiện tại chúng ta là Nam Thiệm Bộ Châu, nếu tất cả các nước hợp lại với nhau chọn ra một vị lãnh tụ, có thể nói là Thiết Luân Vương. Nếu như Thiết Luân Vương có thể tu hành thì có thể thành Phật. Đức Phật lúc ban đầu nếu không tu hành, thì sẽ thành Kim Luân Vương.
Chuyển Luân Thánh Vương và các vua Thích, Phạm (vua Đế Thích, vua Đại Phạm Thiên), thuộc về cỏ thuốc nhỏ, có thể được pháp vô lậu và được Niết Bàn. Các Ngài hay khởi sáu thứ thần thông. Ba minh là Thiên nhãn minh, túc mạng minh và lậu tận minh.

Ở riêng nơi núi rừng
Thường tu hành thiền định
Chứng được quả Duyên Giác
Là cỏ thuốc bậc trung.
Một mình ở trong thâm sơn cùng cốc tu hành, thường tu tập thiền định, đây là quả vị Thanh Văn Duyên Giác, là cỏ thưốc bậc trung.

Cầu pháp nơi Thế Tôn
Ta sẽ được thành Phật
Tinh tấn tu thiền định
Là cỏ thuốc bậc thượng.
Nếu có người đến chỗ đức Thế Tôn cầu Phật pháp, Biết mình nhất tâm tu hành thì tương lai sẽ thành Phật, tinh tấn tu thiền định, đó là cỏ thuốc bậc thượng.

Lại có các Phật tử
Chuyên tâm cầu Phật đạo
Thường tu hạnh từ bi
Biết mình sẽ thành Phật
Quyết định chẳng còn nghi.
Lại có các Phật tử chuyên tâm học Phật, thường tu hạnh từ bi, biết mình tương lai cũng sẽ thành Phật, chẳng có tơ hào hoài nghi, đây là cây nhỏ, tức là thông giáo Bồ Tát.

An trụ sức thần thông
Chuyển pháp luân bất thối
Độ hóa vô lượng ức
Trăm ngàn loài chúng sinh
Hạng Bồ Tát như thế
Đó gọi là cây lớn.
An trụ sức đại thần thông, chuyển pháp luân bất thối, giảng Kinh thuyết pháp, lợi khắp trời người, vĩnh viễn chẳng thối tâm, giáo hoá vô lượng ức chúng sinh, chẳng sợ hạnh khổ gian nan, đây là đại Bồ Tát, dụ cho cây lớn.

Phật bình đẳng nói pháp
Như nước mưa một vị
Tùy căn tánh chúng sinh
Tiếp thọ đều khác nhau.
Như các cỏ cây kia
Được đượm nhuần khác nhau
Phật dùng ví dụ nầy
Phương tiện mà khai thị.
Đủ thứ những lời lẽ
Để diễn nói một pháp
Nơi trí huệ của Phật
Như giọt nước trong biển.
Ta rưới mưa pháp vũ
Đầy khắp trong thế gian
Nói pháp thuần một vị
Tùy sức mà tu hành.
Như lùm rừng cây kia
Cỏ thuốc các cây cối
Tùy theo thân lớn nhỏ
Dần dần lớn sum sê.
Pháp của Phật nói là bình đẳng, như một vầng mây mưa xuống thuần một vị, song tùy theo căn cơ của chúng sinh khác nhau, như cỏ thuốc nhỏ, lùm rừng, cây lớn và cây nhỏ, đều đắc được lợi ích. Cho nên Phật dùng pháp phương tiện để khai thị, dùng đủ thứ lời lẽ nói diệu pháp nhất thừa. Nơi trí huệ của Phật, đây chỉ là một giọt nước trong biển mà thôi. Trí huệ của Phật vô lượng vô biên, pháp được nói ra, cũng giống như một giọt trong biển cả, mà nước thì vô lượng vô biên, cho nên nói pháp vũ của Phật nói, đầy khắp chúng sinh thế gian. Diệu pháp nhất thừa, tùy theo sức tu hành của chúng sinh, cũng giống như cỏ thuốc các cây cối lùm rừng, tùy theo thân lớn nhỏ và hấp thụ lượng nước, mà lớn lên sum sê tươi tốt.

Pháp của các đức Phật
Thường chỉ thuần một vị
Khiến cho các thế gian
Thảy đều được đầy đủ.
Thứ tự mà tu hành
Đều đắc được đạo quả
Hàng Thanh Văn Duyên Giác
Thường ở nơi núi rừng.
Trụ thân cuối cùng nầy
Nghe pháp được chứng quả
Đó gọi là cỏ thuốc
Thảy đều được lớn lên.
Nếu các bậc Bồ Tát
Trí huệ rất kiên cố
Thấu suốt được ba cõi
Cầu chứng tối thượng thừa.
Đó gọi là cây nhỏ
Mà được tăng trưởng lên
Lại có vị trụ thiền
Đắc được sức thần thông.
Nghe các pháp không tướng
Trong tâm rất vui mừng
Phóng vô số quang minh
Độ tất cả chúng sinh.
Đó gọi là cây lớn
Mà được tăng trưởng lên.
Diệu pháp của chư Phật thường chỉ thuần một vị, khiến cho các thế gian cũng đắc được đầy đủ, từng chút từng chút dần dần tu hành đều sẽ thành đạo chứng quả. Còn có hàng Thanh Văn Duyên Giác, chứng tứ quả A La Hán ở trong núi rừng chẳng thọ sinh tử, tức là thân cuối cùng, các ngài nghe phápmà chứng quả, dụ cho cỏ thuốc được lượng nước mưa mà sinh trưởng lớn lên. Các vị Bồ Tát trí huệkiên cố, thấu suốt ba cõi (cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc), cầu chứng tối thượng thừa, dụ cho cây nhỏ, cũng đắc được lượng nước mà lớn lên. Còn có những vị trụ ở trong thiền định, có sức thần thông, khi nghe được các pháp không tướng, thì trong tâm rất vui mừng, phóng vô số quang minh cứu độ tất cả chúng sinh, dụ cho cây lớn, cũng hấp thụ được lượng nước mưa mà lớn lên.

Như thế nầy Ca Diếp !
Pháp của Phật nói ra.
Ví như vầng mây lớn
Dùng nước mưa một vị
Đượm nhuần nơi hoa người
Thảy đều được thành Phật.
Ca Diếp ông nên biết !
Dùng các thứ nhân duyên
Và đủ thứ ví dụ
Để mở bày Phật đạo.
Là phương tiện của ta
Các đức Phật cũng thế
Nay ta vì các ông
Nói pháp chân thật nhất.
Các chúng hàng Thanh Văn
Đều chưa thật diệt độ
Sở hành của các ông
Đều là Bồ Tát đạo
Nếu từ từ tu học
Tất sẽ được thành Phật.

Ca Diếp ! Pháp của Phật nói giống như vầng mây lớn, dùng một thừa mưa pháp, đượm nhuần nơi hoa người, tất cả mọi người thảy đều sẽ thành Phật.
Ca Diếp ! Ông nên biết, dùng tất cả nhân duyên và đủ thứ ví dụ, để mở bày con đường cho chúng sinhthành Phật, là phương tiện của ta, mười phương chư Phật cũng như thế. Hiện tại, ta vì các ông nói pháp chân thật nhất. Hàng nhị thừa chưa được pháp chân chính, chỉ chứng được hữu dư Niết Bàn, chẳng phải là vô dư Niết Bàn, chưa thật sự diệt độ.
Song, các ông thực hành đều là Bồ Tát đạo, nếu hằng ngày từ từ tu hành, thì tương lai chắc chắn sẽ thành Phật. Đây là Phật vì Ngài Ca Diếp và các đệ tử lớn, đưa ra ví dụ tam thảo nhị mộc, tán dươngpháp đại thừa, như vầng mây lớn mưa xuống, thảy đều bình đẳng, đượm nhuần các loài chúng sinh, tùy theo căn tính khác nhau, khiến cho họ đều được lợi ích đượm nhuần tăng trưởng.

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “19. Phẩm Dược Thảo Dụ - Phần 2”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com