Kinh A Hàm có bốn loại, Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm và Tăng Nhất A Hàm. Vì sao nói kinh A Hàm có quan hệ mật thiết với Phật giáo nhân gian. Từ lâu, người ta thường nghĩ rằng, kinh A Hàm thuộc giáo lý Phật giáo nguyên thủy ở các quốc gia Phật giáo Nam truyền. Nhưng kỳ thực, Phật giáo từ khi truyền vào Trung Quốc từ đời Đông Hán, thì quả vị A la hán được xem là mục đích tối hậu, đó là tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy. Ngày nay, giới Phật giáo quan niệm thế nào về tư tưởng Phật giáo phát triển và tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy?
Trên thực tế, tên gọi Đại, Tiểu thừa chỉ tùy thuộc sự biến thiên của lịch sử. Khi Đức Phật còn tại thế thì không có hiện tượng này, tất cả kinh Phật đều được hình thành theo dòng chảy của lịch sử, tức là sau khi Đức Phật diệt độ, các đệ tử biên tập những lời dạy từ kim khẩu của Đức Phật mà thành. Những kinh kết tập sớm gọi là kinh điển Nguyên thủy, kinh kết tập muộn gọi là kinh điển Đại thừa. Nếu hiểu được như thế mới không bị rơi vào thiên kiến khi xem kinh A Hàm. Nguyên nhân kinh A Hàm được xem là kinh Tiểu thừa chính là sự hưng thịnh của Thiền tông và Tịnh Độ tông vào thời đại Tùy Đường, đặc biệt là tư tưởng của Hoa Nghiêm và Thiên Thai tông.
Mấy trăm năm gần đây, tư tưởng của những tông phái này được nhiều người công nhận là do sự thành tựu của khảo chứng lịch sử. Vào thế kỷ XX, nghiên cứu học thuật của Phật giáo thế giới đối với việc tuyên dương truyền bá tư tưởng Phật Đà, đã bước vào lĩnh vực mới, nhưng người ta lại phủ định và quay mặt với tinh hoa truyền thống, vì họ cho rằng, Đức Phật là thần hay là người, cảnh giới giải thoát của Ngài ra làm sao? Giới Phật giáo ngày nay đối với kinh Phật đều có cách nhìn mới, quan điểm tu hành cũng trở nên đổi mới khác lạ, chúng ta sẽ lần lượt thảo luận. Trên đây là địa vị lịch sử và ý nghĩa kinh A Hàm trên phương diện lịch sử văn hiến. Tiếp theo là khảo cứu kết cấu phong cách của kinh A Hàm, để tìm hiểu đặc tính Phật giáo nhân gian.
Kết cấu kinh điển giữa Đại, Tiểu thừa Phật giáo không giống nhau. Kinh điển Tiểu thừa thường thuyết minh rõ địa điểm, tên người, thời gian; kinh Đại thừa thường không đầy đủ như kinh điển Nguyên thủy. Đặc biệt kinh A Hàm thuyết minh rõ địa điểm, đối tượng, do vậy có thể thấy rõ được tính cách nhân gian của kinh A Hàm. Trong Diệu Vân tập, ngài Ấn Thuận nói rằng: "Kinh điển Phật giáo Đại thừa là nghệ thuật hóa, kinh điển Tiểu thừa Phật giáo là khoa học hóa". Cảnh giới tôn giáo thường là nơi ký thác tâm linh của tín đồ, ở trong môi trường hiện thực nhân sanh có lẽ không thể tồn tại, nhưng trong thế giới tâm linh của tín đồ, thì đó là khả năng chân thật, chẳng hạn như vào cảnh giới thiền định thì có thể thấy được trong mười phương thế giới có Đức Phật đang thuyết pháp, nhưng người chưa đạt cảnh giới này thì không thể tin nổi. Cho nên không thể vì nghệ thuật hóa của Đại thừa mà phủ định thế giới đó. Vì thế, nếu đọc kinh điển Đại thừa, cần phải đọc bằng tất cả tâm linh và trí tuệ, mới có thể lĩnh hội được những bí yếu sâu xa của kinh. Tuy nhiên đối với cảnh giới miêu tả thì không nên quá chấp trước.
Kinh A Hàm thường mang màu sắc sống động của cuộc sống đời thường, giải quyết triệt để những vấn đề như vũ trụ lớn bao nhiêu, bắt đầu và kết cục của nó như thế nào. Đối với vấn đề thuộc hình nhi thượng này, Phật giáo trả lời là vô ký, tức là không có đáp án, do đây có thể hiểu được tính chất vô hình nhi thượng học của giáo lý Nguyên thủy. Nhưng khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc, lại ảnh hưởng Huyền học (Dịch, Lão, Trang), cho nên Phật học Trung Quốc lại mang tính chất Huyền học hóa, là một Phật giáo Huyền học hóa thoát ly Phật giáo Nguyên thủy. Một sự thật đặc biệt được xác nhận trong kinh A Hàm là thường bàn về chuyện tu hành ngay trên thực tế cá nhân. Dù người có thần thông quảng đại cũng không thể đoạn tận phiền não, và người đoạn tận phiền não cũng không nhất định có thần thông.
Cho nên không thể xem việc có hay không có thần thông để phán đoán mức độ thực chứng của nội tâm. Đặc điểm của Phật giáo Nguyên thủy là nhắm thẳng vào thân tâm của con người để thảo luận vấn đề, mà thân tâm chính là nội dung của sắc thọ tưởng hành và thức. Đây là những giai đoạn tu học quan trọng của người xuất gia. Có thể thấy rằng lúc bấy giờ Đức Phật hóa độ bất kỳ đối tượng nào cũng đều khế hợp với căn cơ, không nói những chuyện hư vô xa vời thực tế mà mang màu sắc của nhân gian đời thường và quá đỗi thân thiết.
Kinh A Hàm nói rằng, ba pháp mà không đoạn thì không thể nào thoát ly sinh lão bệnh tử, ba pháp đó là tham dục, sân nhuế và ngu si; muốn đoạn tham sân si thì trước hết phải đoạn thân kiến, giới cấm thủ kiến. Đây là tinh thần tiệm tiến trên bước đường tu học.
Tam chướng trong nguyện tiêu tam chướng chư phiền não là chỉ hoặc nghiệp khổ, trước tiên cần phải đoạn hoặc (thân kiến, vô minh hoặc), mới có thể tiêu trừ nghiệp khổ, phương pháp là tu duyên khởi quán, duyên khởi là quan hệ giữa điều kiện với điều kiện, sự thành bại tụ tán của đời người đều tùy thuộc vào nhân duyên. Tại đây, cần hiểu rằng, những thí dụ trong kinh A Hàm là nhằm thuyết minh bản hoài chân chính của Phật. Tri kiến của Phật rất thích ứng với văn hóa Ấn Độ, chẳng hạn như từ kinh A Hàm có thể biết được rằng, người xuất gia ngày xưa cũng đã trì mật chú, nguyên nhân là do Ấn Độ thuộc vùng nhiệt đới, bấy giờ nhiều chúng xuất gia đang trong lúc ngồi thiền lại bị rắn độc cắn, do vậy mà Đức Phật dạy rằng, trước khi tọa thiền, cần phải trì chú để tránh khỏi rắn cắn; lại kiết hạ an cư vốn là pháp tu của ngoại đạo, chúng xuất gia đi khất thực nhằm mùa mưa thường bị bùn đất lấm thân, vả lại mùa mưa thì sanh nhiều trùng, do đó đi lại nhiều thì rất dễ đạp chết côn trùng, khiến thế gian cơ hiềm, do vậy Đức Phật mới chế định pháp kiết hạ an cư cho người xuất gia.
Đọc trực tiếp kinh A Hàm thì không dễ gì hiểu những ẩn ý thâm sâu, vì vậy muốn thâm nhập Phật pháp, thì cần phải giác ngộ những đạo lý này. Lại như Tứ Thánh đế, Mười hai nhân duyên, Tam pháp ấn đều là những tư tưởng căn bản của Phật giáo. Nếu muốn nghiên cứu Phật giáo Nguyên thủy thì cần phải chú ý những biểu hiện hành vi nhân vật trên chiều dài hoạt động lịch sử, nếu được vậy thì đọc kinh A Hàm mới không bị thiên kiến lệch lạc. Cho nên không luận người xuất gia chứng quả hay không chứng quả, vấn đề tùy duyên độ chúng vẫn rất được đề cao. Kinh A Hàm đề cập đến những vị Đại Bồ tát. Có thể thấy những quan niệm này có mặt trong kinh điển Phật giáo ngay từ thời kỳ đầu.
Do Đức Phật xuất hiện ở Ấn Độ, lúc bấy giờ tư tưởng giải thoát của Áo nghĩa thư của Bà La Môn giáo là yếm thế, chúng xuất gia đệ tử Phật đa phần cũng xuất thân từ những Sa môn yếm thế, nhưng một số Đại Tôn giả như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên đã chứng quả A la hán, họ thường du hành trong nhân gian, giảng kinh, thuyết pháp. Cho nên khảo chứng những nhân vật trong kinh A Hàm có thể phát hiện được tinh thần và công hạnh sâu dày của một số Bồ tát, nếu cho đó không phải là tinh thần Đại thừa là một sai lầm. Chúng ta cần phải thay đổi những cách nhìn đối với kinh A Hàm sau khi ảnh hưởng Phán giáo của thời đại Tùy Đường. Ngoài ra, cảnh giới sơ thiền, nhị thiền như thế nào, kinh A Hàm đều có trình bày tường tận chi li và toàn diện.
Kinh A Hàm khi bàn đến những khái niệm như cảnh giới tu hành, hiện tượng, quán niệm đều trình bày một cách rõ ràng, chẳng hạn như sắc tức là tứ đại, đất nước gió lửa, bốn uẩn còn lại cũng phân tích rõ ràng. Theo Phật giáo, quá trình tu tập phải là quá trình dấn thân trên lộ trình Trung đạo, là tinh thần của giác ngộ. Giác có nghĩa là không trốn chạy bất kỳ cảnh giới nào, cho nên kinh A Hàm bảo chúng ta là phải nhận thức phiền não, như thật liễu tri, Đức Phật đã dùng sắc làm thí dụ, sự sanh khởi, sự đoạn diệt của sắc đều phải như thật tri, cũng chính là chỉ ra trong cảnh giới dù thống khổ hay sung sướng, thì luôn phải liễu tri bản chất của chúng để đối trị và chuyển hóa. Trong kinh A Hàm, Đức Phật đã chỉ dạy các đệ tử không nên để tâm rong ruổi đến những cảnh giới viển vông xa rời thực tế. Phật pháp là những gì thân thiết mà chúng sanh có thể cảm nhận được ngay trong cuộc sống, là những gì vốn gắn liền với nhận thức của con người. Do đây có thể nói đó là màu sắc nhân gian của Phật giáo. Điều đáng tiếc là trong quá trình lịch sử phát triển của Phật giáo, đặc biệt là sau khi truyền vào Trung Quốc, Phật giáo lại ảnh hưởng Huyền học, cho nên Phật giáo Trung Quốc mang tinh thần Huyền học hóa.
Niết bàn là cảnh giới giải thoát. Kinh A Hàm chép rằng, có người hỏi, làm sao biết có Niết bàn, làm sao để chứng minh, bằng vào đâu mà Đức Phật nói Niết bàn là chân thật. Để giải quyết vấn đề này, Đức Phật từ quan điểm Vô thường, Vô ngã, Khổ và Không hướng dẫn họ tự tư duy. Đối với những người không tin Niết bàn, Đức Phật trước phân tích nhân quả thế gian, kế đến mới phân tích nhân quả xuất thế gian. Do thế gian thường chứa nhóm các nhân quả khổ, cho nên cứ mãi lang thang bất định trong chuỗi dài sanh tử. Xuất thế gian thường chứa nhóm những nhân lành, cho nên có khả năng vĩnh viễn đóng bít cửa ngõ sanh tử. Nghiên cứu nhân quả thế gian và xuất thế gian chính là đứng trên lập trường duyên khởi. Sự xuất hiện của mỗi cá thể trên thế gian này chính là sự có mặt của tám khổ. Kinh A Hàm đã đề cập đến những thống khổ mà thân tâm con người thường phải đối diện.
Từ quan điểm giải thoát của tôn giáo mà nói, nhân loại càng ngày càng đọa lạc, đạo đức ngày càng bị mai một. Quan niệm về giá trị của người xưa là quan niệm làm sao để đạt được sự vĩnh hằng bất hủ. Triết học Hy Lạp cũng có tư tưởng truy cầu sự vĩnh hằng, nhưng cuối cùng lại có thể dùng biện pháp tư duy để giải quyết vấn đề sinh mạng. Tầng lớp trí thức trong thời đại Xuân Thu Chiến Quốc cũng thiết lập tư tưởng triết học an thân lập mệnh và khẳng định sự bất hủ của sinh mạng. Những thành tựu của khoa học cận đại mà người ta nói là có thể giải quyết được tất cả, cũng chỉ là một khoa học phiến diện. Nhưng nhân văn học, tôn giáo học mà khoa học đề cập là giá trị trung lập, tức là không bàn luận về ý nghĩa sinh mạng. Trên thực tế, khoa học trước mắt vô phương tiếp xúc những cảnh giới của tôn giáo.
Kinh A Hàm có rất nhiều quan niệm về sinh tử, nhưng hôm nay chúng ta tốt nhất là đem ánh mắt đồng tình để nhìn quan niệm sinh mạng của người cổ Ấn Độ trong hơn hai ngàn năm về trước, bởi vì quan niệm của họ là truy cầu sự bất hủ vĩnh hằng của sinh mạng. Trên cơ bản, Phật giáo đối với sự giải thoát sinh mạng vẫn giống những tôn giáo khác là cùng đứng trên một xuất phát điểm, cho rằng giải thoát thống khổ là cảnh giới hoàn thiện của kiếp người, vì thế luôn đề cập vấn đề liễu sanh thoát tử, nhưng điểm khác nhau giữa Phật giáo với những tôn giáo khác là vấn đề điều kiện và phương pháp. Phật pháp khẳng định cõi Ta bà nơi mà chúng ta đang ở là điều kiện tốt nhất để thực hành pháp, mà không cần phải tìm cầu ở thiên đường viển vông nào cả. Những phương pháp tu hành trong kinh A Hàm chính là khẳng định nhân gian tính, đồng thời nhấn mạnh sự quý báu của việc được làm thân người, vì người là nhịp cầu giữa mê và ngộ, giữa chúng sanh và Phật.
Kinh Tạp A Hàm chép rằng, Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi Phật làm thế nào để đạt được cảnh giới thiền định tam muội mà các bậc Thánh chứng ngộ? Đức Phật đáp rằng, có bảy phép tu chân chánh là căn bản của các bậc Thánh đắc được thiền tam muội, tức là sau khi đạt được chánh kiến, chánh tri, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện và chánh niệm, mới có thể nhập vào chánh định.
Đọc kinh A Hàm giúp chúng ta cảm nhận được tính chân thật của Phật giáo nhân gian, bởi vì địa điểm nhân vật mà kinh chép đều gắn liền với những sự thật lịch sử, Đức Phật mỗi ngày đều trước y trì bát trong nhân gian khất thực độ nhựt, đó là Đức Phật của nhân cách hóa. Kinh A Hàm còn chép rằng: "Đức Thế Tôn phải chăng là thay trời hành đạo?". Do đây có thể chứng minh kinh A Hàm khẳng định Đức Phật xuất hiện ở nhân gian, chư Phật chẳng phải ở trên trời thành Phật. Nhân gian cuối cùng là nơi thích hợp để tu hành hơn cảnh giới ở các cõi trời.
Hoằng Ấn trước tác
Không Nguyên dịch