Mục Lục

Pháp Môn Niệm Phật (Tịnh Độ Tôn) được truyền đến đất nước Việt Nam vào khoản thế kỷ thứ 11, bởi câu chuyện về Thiền sư KHÔNG LỘ. Chúng ta thường nghe nói đến việcThiền Sư tạo tượng Phật A Di Đà tại chùa Quỳnh Lâm, KHÔNG LỘ mất vào năm 1141, nhưng trước đó 100 năm, tức là năm 1057 có một tượng Phật A Di Đà bằng đá cao hai thước rưỡi tây đã được một cận thần của vua LÝ THÁNH TÔNG thực hiện tại núi Lạng Kha, Huyện Tiên Du, Tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay tượng Phật A Di Đàvẫn còn ở chùa Phật Tích Bắc Ninh.

Pháp môn Niệm Phật (Tịnh Độ Tông) chủ trương niệm danh hiệu Phật để đạt đến “Nhất Tâm Bất Loạn” và cũng để vãng sinh vào nước Cực Lạc, hoặc trang nghiêm cõi nước của Đức Phật A Di Đà, Giáo lý của Pháp Môn Niệm Phật được Đại sư HUỆ VIỄN khởi xướng ở Trung Hoa vào đầu thế kỷ thứ năm, chú trọng vào phương pháp “Quán Niệm” cũng rất gần gũi với Thiền Định. Trong truyền thống Thiền buổi đầu thỉnh thoảng đã thấy có những vị Thiền sư áp dụng phương pháp niệm Phật: Tuyên Thập là đệ tử của Đức Ngũ Tổ HOẰNG NHẪN, đã thành lập nhóm “Nam Sơn Niệm Phật Thiền” Pháp trì của Ngưu Đầu Tông cũng là một thiền giả chuyên niệm Phật. Nhưng TỪ LỤC Tổ HUỆ NANG (thế kỷ thứ bảy) người ta phải đợi đến thế kỷ thứ mười mới có Thiền Sư DIÊN THỌ(904 – 975) sử dụng phương pháp niệm Phật. Chịu ảnh hưởng Phật giáo của đời Đường, ông cũng thực hành phương pháp trì chú của Mật Giáo nữa. Ta biết rằng Thiền học của Việt Nam đã từ lâu thấm nhuần Mật giáo, nhưng ta không biết được do cách nào mà Giáo lý niệm Phật đã thâm nhập vào Thiền phái VÕ NGÔN THÔNG. Ta chỉ có thể nói đây là do sự tiếp xúc giữa các Thiền Sư phái này với thế hệ Tăng Sĩ Trung Hoa đệ tử của Thiền Sư DIÊN THỌ, nguyên tắc của Thiền Sư DIÊN THỌ LÀ: “Cõi Tịnh Độ ở ngay Trong Tâm, Ngoài Tâm không có Pháp”. Thiền sư rất sở trường về kinh Hoa Nghiêm và chủ trương “Chân Tâm Duy Nhất” “Lý Sự Vô Ngại” (Nguyễn Lang Việt Nam Phật giáo Sử Luận trang 184-185).

Ngoài hiện tượng Thiền Sư KHÔNG LỘ còn có Thiền Sư TỊNH LỰC, vào khoảng giữa thế kỷ 12, thiền sư tu PHẠM HẠNH, xây dựng am tranh với tên là VIỆT VƯƠNG TRÌ, ở núi Tỉnh Cương, Huyện Vũ Ninh, sau khi nghe lời Thiền Sư ĐẠO TUỆ khuyên nên về tại đây hành đạo, Thiền Sư TỊNH LỰC một lòng tinh tấn, ngày đêm chuyên cần lễ Phật, sám hối, chứng được phép niệm Phật Tam Muội, tiếng sư kinh sang sảng như âm vang dội trống Phụng Thiên (Thiền Uyển Tập Anh, trang 124)

Kể từ đó đến nay trải hàng bao thế kỷ, pháp môn niệm Phật âm thầm hoặc song song với Thiền Tông, để truyền thừa thọ học, tuy pháp môn không nổi bật như thiền, nhưng khi nói đến đạo Phật truyền thừa ở Việt Nam vào hậu bán thế kỷ 20 thì ta hiểu trong “Thiền” có “Tịnh”, trong “Mật” có “Tịnh” hoặc trong “Tịnh có cả Thiền, Mật, hay luật Tông”.

Tuy nhiên, qua sự truyền thừa thì Thiền Tông có cốt cách ẩn khả kế nhiệm Tông môn, còn Tịnh Độ Tông thì có phong cách quảng đại nhập thế khá phổ biến và thật chính chắn, luôn luôn đi trong bể nguyện thông qua công hạnh của Chư vị Bồ Tát, dù sao đi nữa pháp môn niệm Phật để thành tựu hạnh nguyện đối với hành giả chốn thiền môn đến ngoài nhân gian, đại đa số Tăng, Tục đều đạt ý nguyện trong công cuộc tu học và hành đạo.

“Không thiền mà có tịnh độ

Mười người tu, mười vãng sanh

Đặng gần Phật Di Đà

Lo gì không khai ngộ

Có thiền lại có tịnh độ

Như cọp mạnh lại thêm sừng

Hiện đời làm thầy người

Đời sau làm Phật tổ”

Vào khoảng đầu thế kỷ thứ 13 những tên phái quan trọng ở đời nhà lý thuộc mật giáo đã không còn lưu lại dấu vết nào trong chốn thiền học đời trần, chỉ có pháp môn niệm Phật vẫn được tiếp nối.

Pháp môn niệm Phật đã được vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ đề cập tới. Đối với cả hai người niệm Phật cũng như ngồi thiền, có mục đích gạn lọc tâm ý và thể hiện pháp thân. Tuy Trần Thái Tông có nói đến việc “Sinh về nước Phật” nhưng vua nhấn mạnh nhiều hơn tới tác dụng phát khởi Chính Niệm và diệt trừ Tam Nghiệp:

“Niệm Phật là do tâm phát khởi, tâm phát khởi về nẻo thiện thì đó là thiện niệm, thiện niệm đã phát khởi thì thiện nghiệp sẽ đền bồi. Tâm phát khởi về nẻo ác thì đó là ác niệm, ác niệm đã sanh thì ác nghiệp sẽ ứng nghiệm. Như kính hiện ảnh, như bóng theo hình.

Đối với bậc thượng trtí, tâm chính là Phật không cần phải thêm gì vào, chủ thể niệm vốn bản nhiên thanh tịnh, nên nói là như như bất đậng là Phật thân. Đối với bậc trung trí, thì rất cần dến phương pháp niệm Phật, chú tâm tinh cần, niệm trước nối tiếp niệm sau không vong thất gián đoạn, tự tâm thành ra hoàn thiện… đối với bậc hạ trí, miệng phải chuyên niệm lời Phật, tâm phải mong thấy tướng Phật, thân phải nguyện sinh nước Phật, ngày đêm siêng tu hành không thối chuyển. Sau khi mạng chung sẽ tùy thiện niệm của mình mà sinh về nước Phật sau đó được nghe chánh pháp chư Phật giảng dạy mà chứng được quả vị bồ đề, cũng đạt tới địa vị Phật.

Riêng TUỆ TRUNG Thượng sĩ, khi nói về pháp môn niệm Phật, ngài dạy: “Đức Phật A Di Đà là tự tâm của mỗi người, là pháp thân có mặt khắp nơi, như ánh trăng có mặt trên sóng nước…”

Di Đà vốn thực pháp thân ta

Nam, Bắc, Đông, Tây thật chói lòa

Trăng thu ngự giữa trời cao rộng

Đêm lặng trùng dương rạng chiếu xa.

Trong những buổi tập chúng vào thời Trúc Lâm thường là các Tăng Sĩ tập chúng niệm Phật tại chính điện.

Pháp môn niệm Phật có thể là mạng mạch của các môn phái khác trong Thiền, Luật, Mật, Hoa Nghiêm, Thiên Thai… đã được Chư lịch đại Tổ Sư, không phải ở riêng đạo Phật Việt Nam mà kể cả Trung Hoa ở các đời nhà Minh, nhà Thanh vào thế kỷ thứ 14 trở đi, các Thiền Sư, Đại Sư như VÂN THÊ, CHIÊU HOẰNG, TỬ BÁCH, CHÂN KHẢ, HÁM SƠN ĐỨC THANH, NGẨU ÍCH TRÍ HÚC… là những Thiền Sư, nhưng lúc nào cũng lấy Thiền niệm Phật làm nên trung tâm tu trì.

Đời nhà Thanh từ thế kỷ thứ 17 (1662 – 1911) đến đầu thế kỷ 20 có các vị tổ sư của Liên Tông như: Tỉnh Am Thiện Hiền, Triệu Lưu… thường khuyến tưởng công phu niệm Phật, ở cuối đời Thanh cho tới thời Dân Quốc thì có Ngài An Quang Đại Sư, Hoằng Nhất Đại Sư, Hư Vân lão Hòa Thượng, Thái Hư Đại Sư là những bậc cao đức hết lực truyền bá pháp môn niệm Phật.

Ở nước ta vào khoảng năm 1400 thì Phật giáo bắt đầu suy đồi, không còn được phát triển như thời nhà Lý, nhà Trần nữa, vì chính đạo Phật cũng bị ảnh hưởng sự đồng hóa về văn học của nhà Minh đối với nhà Hồ, nên sự truyền bá cũng phải phai mờ theo Tống Nho, Lão Giáo, Lạc Ma Giáo…

Từ thế kỷ thứ 15 đến kỷ thứ 19 trải qua các đời Hậu Lê Trịnh Nguyễn phân tranh, nhà Tây Sơn các Vua nhà Nguyễn thì đất nước không còn có sự an sinh, không có lạc nghiệp trong cuộc sống nữa. Do đó đạo Phật Việt Nam cũng đặt sự tồn tại của mình trong sự tồn tại của Dân Tộc và tín ngưỡng của con người có sâu hay cạn. Thế thì Phật giáo cũng không được phát triển cho mấy, bởi các thế lực của Nho học, Thiên Chúa Giáo dáng đứng của đạo Phật Việt Nam lúc bấy giờ bị lung lay theo nhịp sống Dân tộc, thì làm gì có sự phát triển của các Tông Phái trong đó có Tịnh Độ Tông.

Chỉ thấy thỉnh thoảng một số chư vị Thiền ở các Tông Trúc Lâm Yên Thế thì Phật giáo cũng không được phát triển cho mấy, bởi các thế lực của Nho học, Thiên Chúa Giáo dáng đứng của đạo Phật Việt Nam lúc bấy giờ bị lung lay theo nhịp sống Dân tộc, thì làm gì có sự phát triển của các Tông Phái trong đó có Tịnh Độ Tông.

Chỉ thấy thỉnh thoảng một số chư vị Thiền ở các Tông Trúc Lâm Yên Tử, Lâm Tế, Tào Động đang Hoằng truyền về thiền học, nhưng các Ngài cũng rời việc xiển dương về Tịnh Độ Giáo như:

Thiền sư HƯƠNG HẢI (1628 -1715) Thiền sư đã từng gây âm hưởng một thời của dòng Thiện Trúc Lâm được thăng hoa trong khoảng mấy trăm năm chìm lặng trong các tác phẩm của Thiền sư, chứng tỏ rằng Thiền sư không chuyên nhứt về thiền mà còn hoằng dương về niệm Phật, Thiền sư có trước tác dẫn giải các bộ kinh như: Giải Phật Tổ Tam Kinh, Giải A Di Đà Kinh, Giải Vô Lượng Thọ Kinh, Giải Quán Vô Lượng Thọ Kinh…

Đại sư PHỔ TÍNH, thuộc Lâm Tế Công dòng pháp thứ 35, sư cũng là người kế thừa đời pháp thứ 6 của phái Liên Tông. Một hôm sư đến chùa Vân Trai đảnh lễ Thiền sư TƯỜNG QUANG xin thọ giới Cụ Túc, Sư là người chuyên tâm trì giới niệm Phật nghiên cứu kinh pháp, không một vật gì để vào miệng… trước khi viên tịch, Sư có phó chúc cho đồ chúng bài kệ, cũng là để xiển dương về Thiền và Tịnh Độ hợp nhất:

“Nhiều năm ngồi tịnh núi Đại Hùng

Quả thật cùng đạo chẳng cùng

Sáu chữ chuyên trì thân thọ ký

Truyền mãi đời sau sáng tổ tông”

Quốc Sư NGUYÊN TRIỀU (1649 -1728), Thiền sư TỬ DUNG MINH HOẰNG, Thiền Sư LIÊU QUÁN (1743), Ngài TỒ HUÂN, TRẠM QUAN, TỐ NHƠN, TỪ CHIÊU… Tuy các sách tư liệu không dẫn nhiều về việc hoằng truyền của chư Tổ cho pháp môn niệm Phật, chỉ thấy có sự dẫn chứng về Thiền, là phó chúc lời kệ bằng nguồn Thiền cho đệ tử, chớ không thấy xương minh cho Tịnh độ. Nhưng căn cứ vào quyển THIỀN SƯ VIỆT NAM của Hòa Thượng THANH TỪ, trang 534 có nói: Miền Nam Việt Nam hầu hết Chư sư đều thuộc về Tông Lâm Tế, do các Tổ miền Trung truyền vào. Song gần đây Tông Lâm Tế gần như được hòa nhập với Tịnh Độ Tông, chỉ còn trên danh nghĩa thuộc dòng phái Thiền nhưng pháp tu hoàn toàn hành trì theo nghi thức Tịnh Độ. Do đó, chúng ta khó bề phân định vị trí Sư nào đúng là Thiền sư.

Từ những nhận định trên ta thấy vào cuối thế kỷ 20 những bậc Cao tăng, Chư sơn, Chân tu, thật đức như Tổ Khánh Hòa, Tổ Thập Tháp, Tổ Vĩnh Nghiêm, Tổ Tuệ Tạng, Tổ Khánh Anh, Tổ Huệ Quang, Tổ Chí Thuyền, Đức Tăng Thống Tịnh Khiết các vị Thiền Sư Từ Phong, Hoằng Khai, Thiền Sư Ngô Pháp Tạng, nhẫn đến cố Hòa Thượng Trì Thủ, Hòa Thượng Hành Trụ… hẳn chư Tổ, Chư Sơn đã không kiêm Thiền và Tịnh?

Tịnh độ Tông là phép dễ tu dễ chứng, song cũng là môn khó nói khó nghe khó tin. Cho nên khi còn tại thế, Đức Thích Ca vì hàng đệ tử nói kinh Di Đà đã tự biết chúng sanh thời mạt pháp khó sanh lòng tin tưởng, mới dẫn lời thành thật của sáu phương chư Phật để phá mối nghi và phát khởi tín tâm cho muôn đời sau. Lúc thuyết kinh gần xong, nhân nói đến chư Phật khen ngợi mình, Đức Bổn Sư lại bảo: “Nên biết ta ở đời ác năm trược làm việc khó này đắc quả vô thượng bồ đề, vì tất cả thế gian nói pháp khó tin đây, thật là một điều rất khó: “Ay đều là những lời tha thiết cặn kẽ, dặn dò để khuyên người tin tưởng vậy.

Có ba điều cơ bản mà hành giả Tịnh Độ đáng ghi nhớ :

Một là nghĩ đến sự báo ân, hai là phải có chí quyết định, ba là cần sự ứng nghiệm.

Với ba điều trên, người tu tịnh nghiệp phải ghi nhớ suy nghĩ rồi tự trách răn một cách thống thiết, làm sao cho tâm không rời Phật, Phật chẳng rời tâm, đạo cảm ứng giao thông, hiện đời được thấy Phật, đã thấy Đức Phật ở Cực lạc, tức thấy chư Phật ở mười phương, tức thấy vị Phật thiện chân của tự tánh thì sự đại tụng sẽ hiện tiên. Chừng ấy mới theo lòng từ bi nguyện độ khắp quần sanh. Để gọi là tịnh độ thiền mà cũng là thiền tịnh độ là vậy.

Người xưa nói thiền cùng tịnh độ không hai, nếu liểu thì liểu cả, mê cùng đồng mê, bởi chân tâm bao hằng sa muôn pháp, làm vô biên quốc độ nơi thiền gọi là bản lai diện mục, nơi Tịnh gọi là Tự tánh Di Đà, Kinh Lăng Nghiêm nói: “Mười phương hư không sanh trong tâm ông như áng mây nổi điểm giữa trời xanh rộng lớn bao la, huống chi vô lượng thế giới ở trong hư không ư?” Cổ Đức cũng bảo: “Hằng sa pháp ấy bề đề đạo. Nghỉ đến bồ đề cách vạn tâm”.

Trong thời mạt pháp, tài, sắc, danh, thực, thụy dễ chen lấn vào đạo giới, nếu người tu thiếu trí tuệ, thì thường hay đem lòng khen, chê, phê bình, so sánh tốt, xấu, phải, quấy, chánh, tà, chơn, ngụy đối với người khác phái, ngoài tông môn của mình, thậm chí đến những người cùng chung huyết thống, cùng chung một bản hệ, chỉ vì một mối đỉnh chung lợi lộc mà phỉ báng những người tu đồng môn, đồng song với mình. Thật ra thì pháp Phật có nhiều môn học, mỗi môn học là một cửa ngõ để cho chúng sanh tự chọn lựa để bước đến quả vị Phật, hoặc mỗi pháp môn là một đáp ứng đúng nhu cầu giáo hội cho từng chúng sanh khi trực diện với chân như thiệt tính. Mỗi một pháp môn tu là một phương tiện thích hợp với từng thời đại, từng cảnh giới, từng quốc độ, cảm ứng đầy đủ mọi nhơn duyên trong từng pháp giới chúng sanh.

Vì vậy, trong vô lượng pháp môn của Phật tám mươi bốn ngàn pháp môn bên An độ, mười Tông phái lớn bên Trung Hoa, và rất nhiều pháp môn tu du nhập vào Việt Nam, người tu Phật không nên đánh giá Pháp Phật này cao, thấp, pháp môn kia chánh, tà, giáo lý kia thiệt giả. Vì can chấp vào các tướng cao thấp, chánh tà, thiệt giả thì ngũ dục đã thầm lén ngự trị trong người tu Phật đó.

Khinh chê người tức là tự khen ta, nhất là vì lợi dưỡng, vì địa vị, vì tài sắc, vì tiền sản… nên mới tỏ ý khinh chê người khác, nếu khinh chê người khác tức khinh chê pháp môn tu của Đức Thế Tôn từng giáo thuyết.

Trong những năm Giáo đoàn chúng tôi còn làm Phật sự du tăng (1964 – 1965) khắp Trung, Nam, thường nghe các giới ngoài tông phái hay khinh chê phỉ báng tịnh độ tông đức pháp môn niệm Phật là quá thấp, chỉ dùng cho kẻ tiểu thừa, tiểu căn tu tập, pháp môn niệm Phật là không có, quá yếu đuối, v.v… Thế thì nếu pháp môn niệm Phật dùng cho kẻ tiểu thừa, căn khí thấp kém, vậy xưa kia Đức Thế Tôn, chư vị Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, Huệ Viễn, Hoằng Nhứt Đại Sư, nhẩn đến chư sơn hiền Đức trên cõi ta bà này đang hoằng truyền pháp môn, lại là những kẻ tiểu thừa độn căn hay sao?

Mộ Liên pháp sư từng dạy: “Đức Như Lai vì một đại sự nhân duyên ra nơi đời. Đại sư nhơn duyên là gì? Là muốn làm cho chúng sanh khai thi ngộ nhập Phật tri kiến để thành Phật mà thôi.

Đó là mục đích độ sanh duy nhất của Đức Phật.

Ngặt vì chúng sanh căn tánh không đồng: có bậc đại căn, có hạng tiểu căn chỗ mê chướng lại kẻ sâu, người cạn. Đức Phật không thể thực hành theo sự giáo hóa chủ định, mà phải theo trình độ từng lớp người mà dạy dỗ, theo bệnh mà cho thuốc. Vì thật mà khai quyền mà hiển thật. Nơi trên pháp nhứt thừa nói ra nhiều giáo thuyết, với hạng người căn lành thuần thục thời làm cho thẳng lên bờ giáo, với hạng nghiệp chướng sâu dày thời đưa lần ra khỏi trần lao. Đức Phật chịu khó dạy bảo, theo dõi từng người để dắt dìu, thật là ơn lớn, đức dày, trên đời không ơn vì sánh kịp.

Những pháp môn chuyên thuộc tự lực, chưa thỏa mãn ý muốn độ sanh của Đức Thế Tôn, vì chưa có thể lợi ích khắp cả cho hết thảy ba căn.

Chỉ có môn niệm Phật cầu sanh tịnh độ nương nguyện lực rộng lớn của Đức Phật A Di Đà, tất cả chúng sanh không luận căn lành thành thục hay chưa thành thục không luận ác nghiệp nhẹ hay nặng, nếu ai bằng lòng tin chắc phát nguyện trì niệm hồng danh A Di Đà Phật, thời quyết định được Đức Phật tiếp dẫn vãng sanh cực lạc, tịnh độ, là hạng thiện căn thành thục tất chóng viên mãn Phật quả, nhẩn đến kẻ ác nghiệp nặng cũng đặng dự hàng Thánh (Trích Thiền Tịnh Quyết Nghi, trang 534 – 535 – 536 của An Quang Đại Sư, do Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh dịch).

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Quan Âm Tu Viện Đồng Nai – Nguồn Gốc Tu Học”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com