Mục Lục
IV . TRUYỀN THỪA :
Vào cuối năm 1954 Đức Sư Ông có tiếp nhận thêm một người đệ tử, mà người này có tâm tính khác thường hơn các đệ tử lớn của Ngài. Suốt thời gian học đạo 8 tháng chưa bao giờ người được Sư Ông dạy bảo học giáo lý gì cả, mà chỉ dạy niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà : “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”, mặc dù người văn hay chữ giỏi, thông thuộc nho học, kinh pháp lão thông, ngược lại người chỉ được các sư huynh cho phép “Làm công quả, lao tác xung quanh các việc trong nhà trù cũng như ở ngoài rừng…” nhưng vị Đạo nhân đó lúc nào cũng vui vẻ, sẵn sàng chấp nhận.
Một ngày nọ, vị Đạo nhân đó lén vào liêu phòng của Sư Ông để tham vấn học đạo. Khi gặp Sư Ông, vị Đạo nhân nói: “ Bạch, con muốn giống Ông Ba, mà phải tu thế nào cho giống?...”
Đức Sư Ông vui cười và bảo : - “ Muốn Thì Được” ! Chỉ có bấy nhiêu thôi, từ đó tình thầy trò nhìn nhận nhau mà tâm niệm. Tình nghĩa Thầy trò suốt thời gian học đạo, Đạo nhân đó được Đức Sư Ông dạy đạo lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng để rồi phải xa nhau. Sư Ông dạy Đạo nhân đó phải đi về Miền Đông hành đạo thì được việc…
Năm 1956, vị Đạo nhân đi về Miền Đông, kinh qua nhiều gian truân thử thách, thường trụ nhiều trú xứ, cầu pháp với Đại lão Hòa Thượng thượng Trí hạ Châu, tại Tổ đình Long Sơn, Tân Ba và cuối cùng đăng sơn núi Dinh, Bà Rịa được Yết Ma Sen giao phó Tổ Đình Linh Sơn cho Đạo nhân làm Trụ trì vị đạo nhân đó tức là Mẫu Trầu cũng là Hoà Thượng thượng THIỆN hạ PHƯỚC người sáng lập môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, Chứng Minh Đạo Sư Quan Âm Tu Viện, lãnh đạo 145 ngôi Tự , Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Đạo tràng thuộc môn phái trên cả nước, giáo hoá hàng ngàn Tăng Ni, hàng chục vạn tín đồ Phật tử quy y tu theo pháp môn.
Đức sư ông THƯỢNG BỬU HẠ ĐỨC trong suốt đời hành đạo, đệ tử của Ngài tuy đông, nhưng chỉ có Hoà Thượng Thiện Phước là người đệ tử tâm đắc của Ngài.
Năm 1960 Am Bửu Quang lại bị đốt phá lần nữa. Đức Sư Ông và các môn đệ phải về ẩn dật tại Núi Trà Sư, ngụ tại Am Đại Quang Minh. Lúc bấy giời Ngài thường lui tới về Miền Đông thăm Tổ Đình Linh Sơn để sách tấn Tăng, Ni, Phật tử tu học và chứng minh cho người đệ tử tâm đắc của Ngài đang hành đạo giáo chúng.
Năm 1970, Đức Sư Ông dạy các môn đệ vân tập về Núi Sập xây dựng ngôi Phật pháp Thành An Tự. Sau đó Sư Ông được các môn đệ cung thỉnh về đây an cư hóa đạo cho đến ngày viên tịch.
Đức Sư Ông viên tịch vào lúc 4 giờ sáng ngày 18 tháng Chạp năm Giáp Dần, tiết Đại Hàn, nhằm ngày 29.01.1975 trong khi đôi tay cầm nắm đạo đức của Ngài đang kiết ấn tam muội, từ từ xả báo an tường ra đi với một tư thế điềm đạm và an tịnh, hưởng thọ 95 tuổi đời – 55 năm tuổi đạo.
V. NHỮNG LỜI DẠY :
- Niệm Phật tuy đơn giản, song không niệm Phật sẽ không có lối về.
- Người niệm Phật thì đi về với Phật, người niệm Không thì đi về với Không.
- Dần dà cái sanh già, bệnh chết rất nhanh các người có công niệm Phật, đừng để tử sanh dắt lối dẫn đường, uổng kiếp làm người khó….
- Tâm trần sanh, tâm đạo diệt, tâm đạo sanh, tâm trần diệt. Hiện tiền của niệm Phật A Di Đà là tạo cho tâm trần không sanh, lần lần định lực như ý.
- Đêm đêm nhơn sinh đều ngủ, say sưa trong giấc nồng. Ta thức, thức thật tĩnh táo trong đêm trường, lo toan niệm Nam Mô A Di Đà để sớm về quê cũ.
- Niệm Phật thì có Phật, sợ gì thiên ma quấy phá, các bậc thánh thần cũng phải qui y Phật, hộ trì Phật pháp, các vị đó không phải là cứu cánh của bùa, ngải, phù phép linh thiêng… nên không cần phải học hỏi những ô nhiễm trần lao đó. Cần phải gắng chí niệm Phật bất thối chuyển.
- Các người, dù có được đi gió về mây, dù có một thế lực nào cao cả, chức tước quyền bính, cao vọng trong Đạo hay ngoài đời cũng không cao quý bằng nơi chốn thâm sơn rảnh rang Niệm Phật, giống như “ÔNG GIÀ THẤT NGHIỆP”, bụi trần lao không có chỗ đeo bám.
- Niệm Phật, niệm thầm, niệm lớn tiếng đều được, miễn làm sao không rời “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”.
- Có lòng từ tức phải có trí tuệ, người tu pháp Niệm Phật sẽ đáp ứng được trí tuệ đó.
- Không nên giao thiệp rộng, tiếp xúc với thế đời nhiều, nếu việc đó không giúp ích gì cho chúng sanh và đạo pháp, chỉ cần lo tinh tấn cần chuyên niệm Phật tức là giúp ích cho chúng sanh và đạo pháp.
- Phải từ chối hết tất cả mối duyên ở đời, không nên hứa hẹn, dù lời hứa đó cao cả, lời hứa đó là Phật sự hoằng pháp đi nữa cũng không nên, chỉ có Niệm Phật là đáp ưng được sự nghiệp hoằng pháp độ sinh rồi.
- Hứa cho nhiều, hẹn cho nhiều, giao duyên đời rộng rãi quá, làm gì có thời giờ rỗi rãnh để Niệm Phật.
- Pháp môn niệm Phật là pháp môn tối thượng duy nhất, là ngỏ lối đi về với Tổ Phật, các người không nên phá quy củ của pháp môn, vì phá hoại pháp môn Niệm Phật tức là phá Chánh pháp của ba đời chư Phật, làm thân Phật ra máu. Phạm tội ngũ nghịch, thập ác, lở tái sinh vào kiếp khác, khó mà nhập cảnh nhơn thiên.
- Sau khi tôi đi về với Tổ Phật, Pháp môn duy nhất này, giao lại cho Mẫu Trầu, người có khả năng kế thừa hoằng truyền tại Miền Đông, Pháp môn niệm Phật sẽ được tỏ rạng là do Mẫu Trầu, từ đó về sau tiếp tục kế thế, đừng để mất mát Pháp môn cực tắc của Chư Phật.
- Sau khi tôi viên tịch, các ngươi phải giao mọi việc cho Mẫu Trầu lo liệu, trà tỳ hoả táng nhục thân, đừng nuối tiếc tấm thân cằn cổi đã trải qua 95 năm này, mà cố gắng thực hành những lời dạy của tôi cho đúng đắn. Các người phải về miền Đông nương với Mẫu Trầu mà học đạo thì thành tựu đạo nghiệp.
VI . NHỮNG LỜI PHÁP TRUYỀN ĐẠT :
- Người tu không nên lập dị, không nên tranh chấp hình thức làm sai lạc chính pháp của Đức Phật Thích Ca.
- Đừng dùng âm thinh sắc tướng quá nhiều mà cầu đạo, nó chỉ giúp ích cho người tu ở giai đoạn đầu, ác tâm không phải là cứu cánh.
- Người xuất gia, tại gia đều được nên đạo như nhau, nhưng phải có lòng chơn thật, mới đúng là Sa môn thích tử. Không nên mượn Đạo tạo Đời, không tu hành bao nhiêu, chỉ mượn học vị che mắt thiên hạ, không xứng đáng làm người.
- Người tu trưởng thành đạo nghiệp, tức là đắc đạo, chỉ khi nào có được ở nơi người có lòng trung tín, hiếu đạo không bỏ pháp môn.
- Đừng tự ty mặc cảm, kiếp sống ở hạ ngươn tu không đắc đạo, phải gắng chí lập công bồi đức để làm gương mẫu cho đời.
- Bùa, ngãi, bốc phệ, tiên tri, bói toán, xủ quẻ, đồng bóng, học đòi làm chính trị, coi thiên văn, địa lý không phải là con nhà đạo Phật, đời đời như vậy.
- Nói ít mà làm nhiều việc thiện, chắc chắn sẽ nên đạo.
- Làm các việc từ thiện xã hội là phương tiện độ tha của người tu Phật, theo chiều hướng pháp môn Tịnh độ.
- Các ông muốn tu theo pháp hạnh Khất sĩ của ba đời chư Phật, phải học chơn lý đại đồng, cầu học đạo với Ngài Minh Đăng Quang, muốn tu pháp môn niệm Phật thì cầu học đạo với Mẫu Trầu.
Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác là Trưởng tử của Mẫu Trầu, người chịu trách nhiệm giáo hoá trong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, khi đến viếng Đức Sư Ông thượng BỬU hạ ĐỨC.
Đức Sư Ông dạy: “ Đạo không có chánh tà, còn suy niệm chánh tà là còn sở chấp, mê lầm phiền não, không có lối thoát, ý chi không phân minh. Người tu như thế, còn nhơn ngã bỉ thử nặng nề như núi Tu Di, tức là người không có trí huệ thì làm gì biết được đây là chánh, kia là tà, đây là tà kia là chánh mà biện minh… “
Ni trưởng nghe rồi không còn buồn bực nữa, đối với sự việc dư luận đánh giá môn phái Tịnh độ Non bồng.
Chắc chắn rằng Đức Sư Ông còn dạy dỗ rất nhiều bài pháp quý báu, nhưng mỗi lần đến thăm rất khó gặp Ngài. Bởi Ngài luôn an tọa niệm Phật trong tịnh thất. Chư Tăng Ni chúng tôi tiếp thu rất ít lời vàng ngọc, sỡ dĩ có những lời dạy hôm nay là do chúng tôi lược thuật lại theo lời kể của những môn đệ hầu cận, làm thị giả Đức Sư Ông, như Sư Thiện Trí, Sư Thiện Hương, Thiện Huỳnh, Thiện Tánh…cũng có khi được nghe trong những thời thuyết pháp của Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước, của Ni Trưởng Thích nữ Huệ Giác, nhất là khi chúng tôi được Đức Sư Ông trực tiếp chỉ giáo.
Đệ tử Thích Giác Quang, môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng lược thuật theo lời dạy của Đức Sư Ông thượng BỬU hạ ĐỨC từ năm 1965 đến năm 1974.
BÀI VĂN TẾ ĐỨC SƯ ÔNG thượng BỬU hạ ĐỨC
(Nhân dịp bái thỉnh giác linh Đức Sư Ông
về tại Quan Âm Tu Viện để toạ vị tôn thờ)
Đầu cúi lạy Tôn sư bá bái
Gió đông về cành liễu đơm bông
Tuyết đông sang Bồ Đề đại thọ
Ông về tử tôn trăm họ lắm buồn than
Công của ông dầm sương dãi gió
Mấy mươi năm chịu khó cơ hàn
Đức Ông gieo giống lành để lại họ Bàng
Thuở thượng cổ thiên sanh ư tý
Con cháu ông tứ quý xum xuê
Đức từ bi quãng đại ông chẳng chê
Văn liên sử tạc, mà Núi Sập danh bia
Thoại Sơn lưu dấu người Thiên cổ
Tứ trọng ân con báo bổ thâm ân
Nay Đức Ông đã về nơi cố lý
Người thiên cổ lòng từ vô lượng
Đức Thầy xưa thương xót chúng sanh
Ông rằng chẳng chê uế trược hôi tanh
Cuối nguơn hạ mới viễn du trần tục
Thương giống họ Hồng nào ngại nhục vinh
Mấy mươi năm khổ hạnh giữ gìn
Gần một thế kỷ giam mình trong bóng tối
Chịu cơ hàn muôn kiếp chẳng thở than
Suối Văn Liên tam cấp lâm san
Miền Núi Sập thiên thu ghi sử tạc
Thành An Tự, Ông đăng tiên cởi hạc
Mãn duyên trần ông trở lại Tây phương
Tháp Bửu Châu phô tỏa tình thương
Thuyền Tịnh độ nam mô lục tự
Muôn vạn tử tôn giữ chữ từ tâm
Gương đạo đức, Ông phô bày tích sử
Tịnh độ, Thiền quyết chí nam mô
Muôn vạn tử tôn điểm tô đạo hạnh
Kẻ tu hành ấm lạnh chẳng than
Thương cháu con Ông lướt dặm trần gian
Một cội trổ muôn nhành ghi tạc dạ
Một bông sinh ngàn trái xum xuê
Nay Ông cởi hạc về quê
Tử tôn là giống bồ đề chuyên tu niệm Phật
Cảnh Xuân về cành liễu ủ ê
Ông Nói rằng mãn kiếp phù mê
Chữ rằng một kiểng hai huê
Đường sanh tử thánh phàm đồng một thể
Mấy ai sống mãi vạn thu
Ước mong rằng con cháu đồng tu
Để làm vui cho Ong vạn thuở
Nhớ thuở Văn Liên trăm hoa đua nở
Ngàn quả tốt tươi
Ông ra đi nở một nụ cười
Rừng Bửu Lâm tử tôn hiếu đạo
Gió đông về Ông hoan hỷ từ tâm
Tử tôn Ông hiếu đạo thậm thâm
Thánh cùng phàm nhất tâm niệm Phật
Văn tế đôi hàng chân thật
Quỳ dưới chân Ông nối chí cha lành
Ơn Đức Tôn Sư như tam thiên thế giới
Nghĩa cao thâm vi diệu đạo tâm
Thánh cùng phàm tử tôn đồng chung thỉ
Văn tế đôi hàng tự nghĩ tới nghìn xưa
Chữ tu hành đạm bạc tương dưa
Tử tôn nguyện rằng thiên thu ghi tạc
Công đức Ông như trời cao bể rộntg
Tiếng Ông vang dội khắp tam thiên
Ngày nay Ông nhập cảnh đăng tiên
Biết bao thuở Ông xuống miền dương tục
Văn tế đôi hàng phủ phục
Chúc Ông vạn đợi trường sanh
Hiếu với trung con giữ một lòng
Nén hương lòng kính dâng bá bái
Tình thầy tớ hai ngã phân ly
Kể từ đây vắng bóng mâu ni
Tử tôn nhớ mãi ghi vào tâm nội
Còn thương Ông quy cội, quy căn
Văn tế chúc tụng người thiên cổ
Nguyện Tổ Thầy trường tồn bất hoại
Nay các con thành tâm bá bái
Nguyện thiên thu chung thỉ với Ong
Văn tế thiên thu ghi sử tạc
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
LỜI THỆ NGUYỆN
- Con thế danh LÊ VĂN MƯỜI, pháp danh Thích Thiện Phước, nguyện làm con của Đức Ông kể từ đời này đến vô lượng ngàn thu vị lai bất thối chuyển.
- Con thế danh LÊ VĂN MƯỜI, pháp danh Thích Thiện Phước, nguyện làm tớ của Đức Ông hiện tại cho đến vô lượng kiếp, vị lai vẫn tồn tại như vậy, bất thối chuyển.
- Lưu ký LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG: Nguyện thập phương Bồ Tát, Chư Phật, nguyện bá vạn chư thiên cảm ứng chứng minh lời nguyện vô lượng nghìn thu tồn tại, bất hoại, bất thối chuyển.
- Quan Âm Tu Viện, tiết Thu phân, ngày 25 tháng tám năm Ất Mão, nhằm ngày 30.9.1975
- Lưu ký vị lai, ngày Đức Sư Ông viên tịch 18 tháng Chạp năm Giáp Dần, nhằm ngày 29.01.1975, Phật lịch 2519
Tháp Bửu Châu, nơi nhập Tháp Đức Ông THƯỢNG BỬU HẠ ĐỨC, sau khi trà tỳ hoả táng tại Núi Sập năm Giáp Dần đến ngày mùng 9 tháng Chạp năm Ất Mão hoàn thành. Tháp Bửu Châu do Đại Đức Thiện Nghĩa thiết kế xây dựng và toàn thể Tăng Ni trong tông môn đồng tâm hiệp lực đóng góp công sức.
HT Thích Giác Quang