Mục Lục

Quan Âm Tu Viện là một quần thể cấu trúc văn hóa Phật Giáo của pháp phái niệm Phật (Tịnh Độ Tông). Trước năm 1981, những sinh hoạt Phật sự nội viện gồm có: Viện Phật Học Liên Tông Tịnh Độ (Hệ Cao Trung Phật Học 19/01/1960 – 27/10/1980) – Hội Sở Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng (1966 – 1981) – Văn Phòng Phật Giáo Từ Thiện Xã Hội Miền Đông Nam Bộ, Phật Giáo Tịnh Độ Tông Miền Đông Nam Bộ, Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam Tỉnh Biên Hòa (1969 – 1981).

Hiện nay là đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tọa lạc tại Ấp Tân Bản (xưa thuộc Tổng Chánh Mỹ Thượng, nằm ven dòng Đại giang), Phường Bửu Hòa, Thành Phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai. Đông giáp khu công nghiệp Bửu Hòa, Tây giáp quốc lộ 1K, một đường giao thông thương mại, du lịch sinh thái, và các mạch máu khác của cả nước, nối liền Thành Phố Hồ Chí Minh – Hà Nội, Nam giáp ruộng của tông chi kiến học Phạm và phần ruộng của gia đình Phạm Văn Minh, Bắc gíap nghĩa trang kiến họ Phạm, khu công nghiệp Bửu Hòa và đường xe lửa mạng mạch Bắc Nam.

Quan Âm Tu Viện là một Đại già lam và cũng là một danh lam thắng cảnh của Tỉnh Đồng Nai của Miền Đông Nam Việt Nam, với một tập thể Tăng Ni hàng giáo phẩm 500 vị, sau ngày 30/04/1975 cho đến hiện nay còn khoảng 150 vị thường trú tu học, hành đạo, và làm việc từ thiện xã hội tiếp nối kế thừa truyền thống hệ phái.

Quan Âm Tu Viện còn là Hội sở của Giáo đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng và môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng là nơi đã tổ chức Đại Hội Chư Tăng lần thứ nhất vào năm 1967 (Đinh Mùi) dưới sự chứng minh của Đức sư ông Thượng Bửu Hạ Đức Đại lão Hòa Thượng và sự chứng minh chủ trì của Đức Tôn Sư Hòa Thượng Thích Thiện Phước, cùng với cố vấn chỉ đạo của Đức Thầy Thượng Huệ Hạ Giác.

Trong một trú xứ của các nhà hành đạo miền Đông Nam Việt Nam thì Quan Âm Tu Viện là nơi tập trung tu học đông đảo đứng hàng thứ hai hoằng truyền pháp môn thiền, và chính miền Đông còn có các vị cao Tăng thật đức xa xưa lưu dấu chân hành cước như Tổ Nguyên Thiều Tổ Huệ Đăng… và ngày nay như các bậc Đại Hòa Thượng Trí Châu, Huệ Thành, Trí Tân, Giác Nhu, Thanh Từ… lưu trú hoằng truyền chánh pháp, làm cho đạo pháp càng ngày càng tỏ rạng, trong đó có sự dầy công đóng góp công sức và trí tuệ của Đức Tôn Sư Hòa Thượng Thích Thiện Phước tại Quan Am Tu Viện cũng như khi tại Tổ Đình Linh Sơn Tự núi Dinh (Bà Rịa) và các trú xứ liên hệ trong môn phái.

I. NGUYÊN NHÂN THÀNH LẬP:

Một tập chúng chư Tăng Ni trong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có khoảng 500 cựu Tăng Ni lưu trú tu học tại Tổ Đình Linh Sơn núi Dinh, tất cả là Tăng Ni sinh của Phật học đường TÂY PHƯƠNG BỒNG ĐẢO, đó là một Tổ Đình có nhiều dấu ấn di tích đáng lưu tâm và trân trọng với cấu trúc quần thể tu hành trải qua 10 đời trụ trì của người xưa trên 200 năm, do đến đời Đức Tôn Sư THƯỢNG THIỆN HẠ PHƯỚC vào năm 1957 đã về đây và đưa Ngài YẾT MA MỐI giao quyền quản lý Tổ Đình Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng khai sơn hoằng truyền quản dưới sự chứng minh của Đức Tôn Sư THƯỢNG BỬU HẠ ĐỨC (1879 – 1974) từ đó Tổ Đình Linh Sơn cũng là nơi quy tụ những hàng trí giả, thức giả, thiện tri thức, đạo cũng như đời cho đến các Anh Em sinh viên, học sinh hướng về tu học và làm việc từ thiện xã hội nên ngoài Phật học đường, Đức Tôn Sư còn sáng lập Cô Nhi Viện Phước Lộc Thọ, trường tiểu học, trung học để dạy dỗ các cháu cô nhi và các tu sĩ mới nhập môn. Thời gian này còn có các vị đệ tử của Đức Pháp Chủ THÍCH KHÁNH ANH về tu tịnh các nhà sư khất sĩ, và các vị giáo phẩm của Hội Lục Hòa Tăng đăng sơn hội nhập vào Tổ Đình Linh Sơn vừa tu học vừa cộng tác với Đức Tôn Sư để làm phật sự hoằng pháp lợi sanh về phần đời thì có ông HUỲNH HOÀI LẠC chủ nhiệm kiêm chủ bút nhựt báo Chuông Mai quy y và hộ trì Tôn Sư trên đường hành đạo, các kỷ sư BÙI ĐỨC CHỨC, BÙI ĐỨC THỌ…luôn luôn sát cánh với Tổ Đình trong việc trùng tu đạo tự, phát triển đạo pháp. Vì vậy mà công cuộc khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng từ năm 1957 đến năm 1964 vô cùng tỏa rạng và phấn khởi cho hàng chục vạn Tăng Ni, Phật Tử, Tín đồ khắp Trung Nam nước Việt cần cầu tu học một thời.

Vào năm 1965, ngày 30 tháng 07 Am lịch, quần thể di tích Tổ Đình Linh Sơn Tự lâm nạn chiến tranh, bom đạn tàn phá làm hư hại 100% cấu trúc di tích, trong đó có 9 Tăng Ni tử vong và 30 Tăng Ni khác bị thương tích nặng hiện nay dấu hiệu hư hoại ấy (1992) vẫn còn ghi đậm sự kinh hãi cho hàng giáo phẩm Tăng Ni, Phật tử, Tăng, Tục trong môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

Quan Âm Tu Viện được kiến tạo xây dựng trên phần đất tông chi kiến họ Phạm với diện tích là 16.000 m2

Là một quần thể danh lam thắng cảnh của miền Đông Nam Phần Việt Nam, nằm giữa núi Châu Thới và dòng sông Đồng Nai, đối diện với quốc lộ 1K nối liền Bắc Nam.

Đến tháng giêng năm At Tỵ (1965), toàn thể Tăng Ni, Phật Tử và các bộ phận của cơ sở Tổ Đình cũng như Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đảo phải di tản về tạm trú ở các Tự, Viện, Chùa Phổ Hiền (Xã Tân Thành), Tịnh Xá Thắng Liên Hoa (Xã Hiệp Hòa), Nhứt Nguyên Bửu Tự (Xã Vĩnh Phú), Chùa Phước Thiện An (Xã Tân Thới Hiệp)… Trong đó có 2 Đại Đức THÍCH THIỆN CHƠN, THÍCH GIÁC CHÂU thuộc Giáo đoàn II, cùng các Đại Đức THÍCH THIỆN BỒNG, THÍCH THIỆN TÂM, THÍCH TỪ QUANG về tại Bà Điểm (Xã Tân Thới Nhất) kiến tạo Tịnh XáThiện Chơn.

Cuối năm đó thấy hoàn cảnh bi đát của Tăng Ni và các cháu cô nhi không nơi an trú cố định, nên các phật tử PHẠM VĂN HAI, PHẠM VĂN TÀU, và gia đình quyến thuộc họ Phạm hiến cúng phần đất của Tông Chi tại Ap Tân Bản, Tổng Chánh Mỹ Phượng, Xã Bửu Hòa, Tỉnh Biên Hòa cho Đức Tôn Sư để kiến tạo một ngôi Tu Viện và Cô Nhi Viện (xem bản đồ hiện trạng và giấy hiến cúng) vào ngày 7 tháng 5 năm 1966 (Bính Ngọ) Ni Sư HUỆ GIÁC được ủy nhiệm của Đức Tôn Sư chịu trách nhiệm thiết kế đồ án xây dựng và Ni Sư giao trọng trách cho Sư THIỆN CHƠN, Sư GIÁC CHÂU trực tiếp xây dựng, cùng toàn thể Chư Tăng của Tịnh Xá Thiện Chơn đồng lập công đức đầy gian lao khó khổ đã làm nên một Tu Viện một đại già lam có tầm cỡ không đầy 2 năm để có nơi an trú cho Tăng Ni, Phật Tử tu học và làm việc từ thiện xã hội. Quan Am Tu Viện có từ đây.

II. NHỮNG NÉT TỔNG QUAN:

Quan Âm Tu Viện nằm ven trục giao thông Biên Hòa – Sài Gòn, cũng là Quốc Lộ 1B thông thương Bắc Nam từ Sài Gòn xuôi về xứ Bưởi ngang qua Châu Thới Sơn, mọi người Phật tử khách quan đã bắt đầu chuẩn bị ghé mắt về phía phải để nhìn về quần thể Già Lam Quan Âm Tu Viện, một cảnh trí luôn luôn ẩn hiện dưới những tàng cây có bóng mát quanh năm, như đủ sức chịu đựng, truy cản những ngọn gió mùa cuốn xoáy vùng Duyên Hải, như biến đổi thời tiết nóng bức của miền nhiệt đới trở về với thanh lương man mác nơi cửa ngõ của Thành Phố Biên Hòa – Đồng Nai, làm cho con người có cảm tưởng khi muốn về Đồng Nai phải trút bỏ đi những ưu tư phiền muộn, bẳng đi những oán hờn tham sân si, để tận hưởng những đậm đà hiếu khách của Biên Hòa lúc nào cũng quyến rũ tao nhân, mặc khách, kinh qua.

Cổng Quan Âm Tu Viện:

(Nằm về hướng Tây Bắc, do Ni Sư HUỆ GIÁC (Viện Chủ) sáng lập chủ trương xây dựng, dưới sự chứng minh của Đức Tôn Sư Hòa Thượng Thích Thiện Phước, Đại Đức Thích Thiện Nghĩa chịu trách nhiệm kỹ thuật, cùng toàn thể Tăng, Ni, Phật Tử Quan Âm Tu Viện đóng góp công sức và tài sản thực hiện Cổng được khởi công đặt viên đá đầu tiên vào ngày 19 tháng 03 năm Ất Sửu (1985) và hoàn tất việc xây dựng ngày mùng 8 tháng 04 năm Bính Dần (1986) dòng nước mát Cam Lộ của Đức Đại bi Quán Thế Âm trước khi vào Trung Tâm Thành Phố, một thủ phủ hài hòa kim cổ của miền Đông.

Quan Âm Tu Viện Đồng Nai, mùi hoa hương còn phưởng phất luôn gởi khắp muôn phương, xoa dịu bao tâm hồn luôn lạc giữa cuộc sống trầm luân, qua những ngày đầu Xuân hay Tự Tứ, như đón đưa khách tham quan trong ngày Tam Ngươn Tứ Quý, như chiếc thuyền từ lướt nhẹ thang mây, như đi trên trùng dương lặng sóng, như tấm lòng từ ái của dòng sông Đồng Nai triều mến luôn luôn xuôi về Thái Bình Dương bao la xanh thẳm xả bẽ qua những vị kỷ thế thân… những gió nhàn đưa người viễn khách tha phương, như sự tố khổ quần mê của Đức Bồ Tát Quan Am, làm cho người quên đi những bực dọc trong cuộc hơn thua giữa trần gian, những áng mây trắng bay giữa khung trời xanh, như chào đón kẻ lữ hành cô độc cõi phù hoa, như tà áo trắng trên tượng đài của Pháp Tháp Huyền Diệu Quan Thế Am luôn phất phơ theo năm tháng vĩnh hằng tiêu biểu cho phong cách người con đất Biên Hòa, Đồng Nai dịu dàng và dễ mến.

Nhà thơ lớn Thân Thị Ngọc Quế đã cảm niệm về Quan Am Tu Viện khi người đang đứng nơi đầu ngõ của đất Đồng Nai:

“Mùi hương còn gởi chút hương thừa

Cho lá xanh hiền say nắng trưa

Châu Thới đá khô ngàn mộng cũ

Đồng Nai sóng nhẹ đóa tâm xưa

Với mây viễn khách vui đường vắng

Và gió giang hồ lặng nhánh thưa

Có những hoàng hôn màu cỏ tím

Còn nghe thánh thoát bóng trăng đùa”

(Đường lên Quan Âm Tu Viện, trang 35,

trích trong tập thơ Đường Lên Đỉnh Biếc

do Sở VHTT Thừa Thiên Huế xuất bản)

Anh trăng Đồng Nai còn bao quát hơn bao giờ hết trên thế gian bởi ánh trăng Đồng Nai là ánh đạo vàng, ánh sáng trí huệ chiếu khắp ngàn nơi và trong tâm tư con người, cũng như chúng sanh vạn vật, nó thẳm sâu, sâu thẳm hơn ánh trăng thực thể chỉ chiếu rọi những gì có được trên bề mặt hành tinh. Như ánh trăng của Đức Bồ Tát, không cần có tiếng gọi thời gian mà vẫn sáng soi, sáng soi trong vĩnh cửu của tâm hồn vạn loại, siêu việt hơn mặt trời và luôn xoa dịu bởi một logic thoải mái tự nhiên xóa tan sự tranh lấn, tham lam, ích kỷ, áp bức, bất công trần gian.

Từ ngữ Quan Âm vừa gợi ta nghĩ ngay đến Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, một vị Bồ Tát, một công hạnh Bồ tát, một bi nguyện vĩ đại của con người thực thể trên hành tinh cũng là Quan Thế Am, một pháp hiệu mà chốn thiền môn thường niệm “Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát” hay “Nam Mô Hiển Thánh Viên Thông Tầm Thinh Cứu khổ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát”… trong khi đó người Phật tử thường gọi là Đức Mẹ Quan Am, Mẹ Hiền Quan Thế Am, ngay cả hình tượng mà Phật giáo Á Đông và thế giới cũng như Phật giáo Việt Nam đang thờ phượng cũng là hình bóng một bà mẹ tiêu biểu cho lòng đại từ, đại bi của Đức Phật, tiêu biểu cho cương lĩnh từ bi của ba đời chư Phật… Bởi vì, như Đức Phật ta nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” tính vô biên giới của Đức Phật chính là lòng đại từ đại bi, mà lòng đại từ đại bi cũng là tâm hồn của một bà mẹ thương con mình không ngằn mé, bờ bến. Lòng từ bi của Đức Phật luôn nghĩ đến sự đau khổ trầm tịch tham, sân, si của chúng sanh không dừng nghĩ, khi nghĩ đến thì đem lòng cứu vớt, tìm mọi phương tiện đưa chúng sanh ra khỏi chỗ đen tối, mang ánh sáng trí tuệ soi trong đêm tối cuộc đời, khiến mẹ nhìn về nẻo giác ngộ, trở về với quê hương tự tánh thanh tịnh bản lai của mình, không còn bị ràng buộc trong sanh diệt, luân hồi nữa, ý niệm thị hiện của Đức Phật là như vậy, là một công hạnh tế khổ độ mê, cứu vớt những gì trong đau khổ, chỉ có biểu hiện một bà mẹ mới có thể chịu đựng một sự nghiệp độ sanh đó, công hạnh Bồ Tát Quan Âm được người con Phật tín ngưỡng qua hình bóng một bà mẹ hiền mang bình Cam Lộ rưới mát chúng sanh.

Tuy nhiên trong Phật giáo không phải Đức Phật chỉ thị hiện qua hình dáng Phật mẹ Quan Thế Âm, mà còn có biết bao nhiêu công hạnh Bồ Tát khác như: Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Di Lặc,… mỗi một công hạnh là thuyền từ phương tiện cứu phổ độ sanh của Chư Phật, kinh qua thâm ý mọi hình bóng của các vị Bồ Tát mà chúng sanh sẽ thấy được tính chất đại từ đại bi của Đức Phật, quy y và về với Phật, thành Phật.

Quan thâm ý Đức Bồ Tát Quan Âm, ta sẽ thấy Đạo Phật như dòng nước bao la trong bến biển luôn luôn ghi đậm dấu ấn trong tâm hồn chúng sanh, nước đi vào biển, vào sông, rạch, ao, hồ và đến những vật nhỏ nào có sức chứa, nước vẫn dịu dàng biến thành những hình ảnh của sức chứa đó. Như vậy chúng ta cũng đủ biết rằng Đạo Phật có tự bao giờ. Đạo Phật không tiêu cực, không cách ly thế gian, mà Đạo Phật luôn hiện hữu trong chúng sanh để có ý thức giác ngộ, và niềm tin chuẩn xác, sự hiện hữu đó là tình thương vô biên, sự hy sinh cao cả, sự nhẫn nhục đáng kính với tính khiêm nhường thật là quãng đại của Đức Bồ Tát Quan Âm, Chư Bồ Tát bao giờ cũng nghĩ đến những sự đau khổ của chúng sanh và tìm phương hướng giải thoát khỏi sự đau khổ đó…

Qua thâm ý trên, chúng ta nhận thấy, khi người con của Đức Phật trên bước đăng trình vào cuộc sống, tức thực hiện những công hạnh độ sanh, thì ai cũng có thể làm Quan Thế Âm, khi đối tượng phát bồ đề tâm vững vàng, tùy theo sự chừng mực gíac ngộ chúng sanh, chớ không đơn thuần đặt nặng vào các danh hiệu của Đức Bồ Tát, không lạm phát, không đặt nặng vào tình huống thực hiện, tức là không cố chấp “Bồ Tát thấy có độ chúng sanh, và chúng sanh có độ tức không phải Bồ Tát”. Ngược lại Đức Phật đi vào đời dưới dạng mọi hình thức độ sanh, qua kinh nghiệm học Phật chúng ta không thể chỉ trích các bậc tu hành phát tâm hành đạo giác hóa chúng sanh để đưa họ vào Phật đạo bằng mọi hình thức, mọi danh nghĩa, mọi đức hiện, nhưng không xa rời chánh pháp, không đánh mất tính kế thừa, không quên đi những di chúc của Phật “Giới Luật là Thầy, chính sự hy sinh, vô ngã vị tha, là dòng pháp, là những từ lực, oai lực, oai giải, xóa tan những gò bó, xiềng xích của tâm tánh thế gian, manh tâm thủ lợi, vì manh tâm thủ lợi mà phản báo tha nhân, chớ không phải họ muốn cho chánh pháp hoằng côn.

Cái vô biên của công hạnh Đức Bồ Tát Quan Âm trong kinh Pháp Hoa, Phẩm Phổ Môn hay Bồ Tát Diệu Âm của Phẩm Diệu âm cũng làm cho chúng ta quên đi những kiến chấp cố cựu, những cấu trúc hình thức, những cấu trúc cục bộ, làm chặn đứng sự phát triển muôn màu muôn vẻ của đạo Phật. Vì vậy mà người con phật thường tín ngưỡng Đức Bồ Tát Quan Am với những từ qua đức tin của mình là Đức mẹ, Phật mẹ, Mẹ hiền Quan Âm.

Sự huyền diệu của Đức Bồ Tát là khi những ai phát tín tâm niệm đến danh hiệu, là tâm lực cảm thấy có cái gì ấm áp, đùm bọc, chở che, cứu rổi với đôi bàn tay diệu hiền mà người Á Đông tôn thờ thường niệm.

“Phật dạy: nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh khổ não, nghe Quan Thế Âm Bồ Tát này một lòng xưng danh Quan Thế Âm Bồ Tát thời xem xét tiếng tăm kia, đều đặng giải thoát. Nên có người trì danh hiệu Quan Thế Am Bồ Tát này, dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy đặng vì do sức oai thần của Bồ Tát này đặng như vậy. Nên bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ Tát này liền đặng chỗ cạn.

Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã nảo, san hô, hổ phách, trân châu, các thứ báu, nên vào trong biển lớn giả sử gió lớn thổi ghe thuyền của kia trôi tấp nơi nước quỷ la sát, trong ấy nếu có nhẩn đến một người xưng danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát, thời các người có đều đặng thoát khỏi nạn quỷ la sát, do nhân duyên đó mà tên là Quan Thế Âm …”

Qua tâm niệm Đức Bồ Tát của nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế là diễn tả sâu sắc về hình bóng mẹ đối với vũ trụ, nhân sinh, cũng như đối với quê hương Việt Nam, Phật giáo Việt Nam và đa dạng hóa người con Phật tắm mình trong biển Đại Nguyện Thệ, kế thừa nguồn trí tuệ siêu xuất vô biên giới, không còn yểm ly thế gian, tứ Paris nhà thơ đã gởi về Quan Âm Tu Viện Tăng Ni trưởng Huệ Giác:

“Mẹ trong vàng ban mai

Mặt trời trên cánh xuân cài tóc xuân.

Tóc vương xuống cõi bụi trần

Thành lung linh áng mây tần xa xa.

Mẹ trong bát ngạt Ngân Hà

Một dòng sông bạc bao la bóng triều

Cho con thuyền nhẹ cô liêu

Lênh đênh qua bến cát chiều tử sanh

Mẹ hương bát ngát trăng lành

Mà soi bóng mãi bao cành lá đêm

“Lá bay mộng cũ qua thềm

Cho vần thơ cũ lặng yên bên đời

Mẹ trong mây trắng rạng ngời

Cho mênh mông cả đất trời quê hương

Con về đón hạt tinh sương

Nghe bao la ánh thái dương ngàn trùng

(Bài này do nhà Yên Linh đã ngâm trong ngày

kỵ giỗ Đức Tôn Sư mùng 01 tháng 08 năm Canh Ngọ 1989)

Với bài thơ trên nhà thơ diễn đạt về tình mẹ bao la, trong mẹ cũng kết hợp được thâm tình giữa vũ trụ và nhân sinh là một, tức là một tư thế nghĩ của nhà thơ về sự duyên hợp trên quê mẹ, cũng như về tính chất công hạnh chư Bồ tát “Phật pháp bất ly thế gian giác”, mẹ là sự sống của vạn vật, mẹ là sự linh động của thời gian và không gian, mẹ là sự dung chứa cho cuộc đời an ấm trong lành, mẹ Quan Thế Âm không xa rời cuộc sống tối tăm giữa trần gian, luôn mang lại sự mầu nhiệm xoa dịu cho con thuyền trong tâm hồn chúng sanh được nhẹ nhàng lướt sóng qua khỏi bến cát tử sanh, mẹ là ánh sáng trí tuệ soi sáng trong bao tâm hồn tối ưu giữa đêm đen, mẹ là tự tánh thanh tịnh, phá tan bao phiền não để cho tâm hồn của quê hương an lạc thanh bình.

Bài thơ trên nhà thơ Ngọc Quế cũng đã kính cẩn dâng lên giác linh Đức Tôn Sư Hòa Thượng Thích Thiện Phước biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai (chứng minh đạo sư Quan Am Tu Viện), nhân ngày kỷ niệm 4 năm Tôn Sư vắng bóng tại Quan Âm Tu Viện.

Sự hiện diện của Quan Âm Tu Viện là thay mặt cho Phật giáo Đồng Nai, những người con trên đất Đồng Nai, những Phật tử Đồng Nai chào đón viễn khách muôn phương muốn trở về thăm dất Trấn Biên xa xưa kiêu hùng, viếng xứ bưởi có ngàn hoa thơm cỏ lạ, là đất sen ngàn năm cổ kính, cũng là miền núi non cao thẳm hùng vĩ, có biết bao thánh tích kỳ vĩ, mà chư lịch đại Tổ sư nhân chứng.

Quan Am Tu Viện cũng tự hào rằng, không bao giờ bị đánh mất đi tính chất văn hóa tổng quan của nó, ngoài những thánh pháp, pháp tháp những công trình lớn an trụ vững bền, tiêu biểu cho tính nhẫn nại, cần cù và lòng trung thành của người dân theo đạo phật, của một dân tộc quyết tâm bám chắc nơi chôn nhau cắt rún của mình qua tính chất vĩ đại của người dân Đồng Nai cũng được biểu hiện tại Quan Âm Tu Viện, cầm chắc, gánh vác, và giữ vững giang sơn của tổ tông đời đời tồn tại. Bởi tu viện là trú xứ nằm ở giữa, một bên là núi Châu Thới sừng sững tự bao đời, một bên là dòng sông Đồng Nai triều mến, có lưu lượng thầm kín phát nguồn từ Trị An, nhè nhẹ đưa dòng nước mát luôn xuôi về Thái Bình Dương bao la xanh thẳm báo hiệu giang sơn quê mẹ này đã nuôi lớn con mình bằng những sự thông minh mẫn tiệp, có đầy đủ lòng đại từ đại bi sâu rộng, tích cực đưa cuộc đời, hành trình đến thanh bình an cư lạc nghiệp.

Để tưởng nhớ công đức cao cả của người đã qua một bậc đạo sư khả kính đã tạo nên ngôi Quan Âm Tu Viện và tạo cho môn đệ của mình một hướng đi chính chân, sánh vai cùng với các trường phái khác, nhà thơ Đoàn Yên Linh như một hoài tử ghi đậm ân đức của Đức Tôn Sư:

“Người khi ánh sáng giữa nhân gian

Như mẹ hiền gieo chút nắng vàng

Trên đỉnh Linh Sơn lời Bát Nhã

Bên chiều Bồng Đảo ý Kim Cang

Đồng Nai nước biếc khơi ngàn sóng

Châu Thới trăng trong nhớ mây hàng

Với cánh hoàng hoa từ thuở ấy

Mà hồn thơ ngát mãi mênh mang.

Kính dâng

Giác linh Ngài

Nam Mô Liên Tông Sơ Tổ Tây Phương Bồng Đảo, khai sơn trùng hưng, xiển dương chánh pháp xương minh Tịnh Độ Thượng Thiện Hạ Phước, Việt Nam Sư Bồ Tát. (Đoàn Yên Linh)

HT Thích Giác Quang



Có 1 phản hồi đến “Quan Âm Tu Viện Đồng Nai – Tổng Quan Và Nguyên Nhân Thành Lập”

  1. trung phuoc đã nói

    con xin loi ba quang

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com