Mục Lục

B. XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHÁP:

1. Sự Hình Thành và phát triển của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng tại Tổ Đình Linh Sơn núi Dinh Thời Kỳ Trụ Trì của Đức Tôn Sư Mẫu Trầu (1957 – 1986).

Sự nghiệp xiển dương đạo pháp của Đức Mẫu Trầu Bồng Lai tại thánh tích Tổ Đình Linh Sơn được tạm chia qua 3 thời kỳ vì hoàn cảnh chiến tranh thời bấy giờ nên đã có giai đoạn phải di dời gần như toàn thể Tăng Ni xuống núi chỉ còn lại vài vị ẩn tu và để gìn giữ những gì còn có thể giữ được cho hậu lai.

a. Giai đoạn từ năm 1956 – 1965 tại Núi Dinh:

Việc xiển dương đạo pháp của Đức Tôn Sư đánh dấu bằng sự ra đời của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Ngài là người sáng lập trưởng môn nhân của Liên Tông. Và cũng từ đây nhắc đến sự nghiệp xiển dương đạo pháp của Đức Tôn Sư là nói đến hoạt động hoằng dương chánh pháp của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

Cuối năm 1956 Ngài đã đến núi Dinh sau thời gian nhập thất tại Diệu Phổ Đà Ngài đã chính thức khai sinh Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng vào năm 1957.

Vào những năm 1957 – 1965 địa danh Cầu Ván (Phước Hòa) chùa Tây Thiên trở nên nhộn nhịp với lượng Phật tử ngày càng đông Tây Thiên Tự là tiền môn của Tổ Đình Linh Sơn và đây cũng là địa điểm vân tập để khách hành hương chuẩn bị lên Thánh Địa Tổ Đình Linh Sơn Núi Dinh.

“Hữu xạ tự nhiên hương” mùi hương đã ngược gió những lời dèm pha, những nhận định bất đồng của thời bấy giờ… đã vô ngại lan tỏa khắp nơi và rồi cũng tựa như những điện âm làm thức tỉnh lớp lớp người trong đêm trường sanh tử, các môn nhân về với Ngài, trong đó có một số người đã hữu duyên biết ngài ở giai đoạn hành cước tại Miền Tây và Miền Đông Nam Bộ, kẻ gần người xa nô nức kéo về để tầm cầu sự an lạc ấp ủ trong dòng pháp mà Ngài đã truyền ban, chính giai đoạn này vòng quang pháp huấn bắt đầu chuyển động.

Với lòng tự Đại Hải nhíp thọ và dung hóa mọi người thuộc nhiều tầng lớp của Xã Hội, với lối hành đạo khuyến thiện đơn giản nhưng bao hàm những ý vị thâm áo của Phật đạo Ngài đã vận dụng để phổ hóa và tùy nghi tế độ quần sanh.

Tôn chỉ “Ăn chay niệm Phật” do Ngài chỉ dẫn, đã là niềm an lạc cho lớp lớp ngừơi người thời bấy giờ. Ngài là niềm an ủi cho những nỗi mừng – buồn tử biệt tưởng chừng như bất tận trong thời kỳ chiến tranh. Ngài đã khai sáng mở con đường giải thoát cho các hàng phật tử nương về thấy rằng ta bà là cõi tạm, sinh tử như làn sương nhẹ buổi ban mai, để rồi vùi họ đến một khung trời bao la bất sanh bất diệt.

Có những vị với ý giác ngộ mạnh mẻ đã đưa cả gia đình dòng họ về hẳn trên non. Dĩ nhiên không phải là niềm hứng khởi nhất thời, đến giờ đây (1997) những tấm gương ấy vẫn hằng chiếu sáng soi cho hàng môn nhân Phật tử Non Bồng.

“Chơn thật bất hư” chuổi dài thời gian trên 40 năm của sự hình thành và phát triển của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng minh chứng cho ánh đạo của Đức Tôn Sư. Thời bấy giờ phật tử xuất gia cầu đạo với Ngài lên đến trên 400 vị, được phân bổ ở các đạo tràng am thất trong lòng núi Dinh. Ngay cả những hàng giáo phẩm Tăng Ni của Giáo Hội bạn như Khất Sĩ, Tăng Gia Việt Nam, Lục Hòa Tăng, Cao Đài, Hòa Hảo… cũng về với Ngài xin an trú nương nơi giáo pháp để tu hành điển hình như Giác Xuất, Giác Hà, Giác Cải, Giác Sử, Liên Phương, Phước Điện, Nhất Phương, Yết Ma Thiện Hội, Giác Thọ Thiện Long…

Về Ni giới có Sư cô Như Quang, Sư cô Hồng Lể… và nhiều vị Ni thuộc môn phái Bắc Tông, Khất Sĩ…

Ngài cho trùng tu lại các đạo tràng và khai lập thêm những hang điện, Tịnh thất khắp núi đồi của khu vực núi Dinh để tiện việc cho các Tu sĩ đến tu học.

Trong thời kỳ này các địa danh của Non Bồng đã trở thành Thánh tích của Đạo Phật Non Bồng.

1. Điện Phổ Đà nơi đây Đức Tôn sư đã nhập thất tịnh niệm, là nơi chuẩn bị cho Phật sự khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

2. Trú xứ Lôi Âm Điện Ngọc cách đạo tràng Tổ Đình Linh Sơn khoảng 1km đường dốc. Nơi đây Đức Tôn Sư thường nhập định trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến 1962.

3. Điện Bát Tiên, điện được kiến tạo bằng sức của chư Tăng trong khoảng thập niên 60 nơi đây dành cho chư Tăng Khất sĩ đến tịnh tu.

4. Điện Tào Khê cách Tổ Đình Linh Sơn 1.5km đường dốc, nơi đây dành cho Ni giới Non Bồng tu tịnh, được kiến tạo năm 1961.

5. Điện Bồ Đề được kiến tạo năm 1957 khu vực Điện rộng khoảng 4 ha được sử dụng để trồng hoa màu và cây ăn trái .

Nơi đây là lâu đài kiến trúc tự nhiên bằng những phiến đá to, thật hùng vĩ. Điện thờ Tam Bảo nằm trong lòng hang đá.

Vào khoảng năm 1962 Đức Tôn Sư thường đến đây nhập định.

6. Điện Địa Tạng nằm giữa bốn bề núi rừng vắng lặng là nơi dành cho Chư Tăng tinh chuyên nhập thất tịnh niệm.

7. Điện Kim Cang nơi đây Đức Tôn Sư đã nhập định khoảng thời gian ngắn giai đoạn sơ khai trước khi thành lập Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

8. Trú xứ Điện Quan Âm nằm ở lưng chừng triền núi cách đạo tràng Tổ Đình Linh Sơn 2 km đường dốc, được kiến tạo thêm bằng sức của chư Tăng vào năm 1958, đó là một hang đá lớn có thể chứa khoảng 30 người.

Năm 1963 là nơi khai sinh giáo đoàn II Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng Giáo đoàn II có 60 nhà sư khất sĩ do Thượng tọa Thích Thiện Duyên làm Trưởng giáo đoàn, thời gian sau bộ phận nầy tách riêng, thành lập thêm giáo đoàn III, Giáo đoàn này do Thượng Tọa Thích Thiện Chơn làm Trưởng giáo đoàn.

9. Chùa Hang Mai trước đó là nơi cổ tự bậc trung già lam, được trùng tu vào năm 1959 và Đức Tôn Sư bổ nhiệm Sư Cô Tám làm Trụ trì.

10. Chùa Hang Tổ là ngôi cổ tự được tái thiết năm 1962 Đức Tôn Sư đã bổ nhiệm giáo thọ Thiên Phước làm Trụ trì.

11. Chùa Giữa (Chùa Sầu Riêng) nằm trong vùng thung lũng Bao Quan thuộc xã Long Hương cách Tổ Đình Linh Sơn 5km đường dốc núi. Ngôi cổ tự này được chính thức giao cho Đức Tôn Sư năm 1962.

12. Điện Ngũ Đại thời gian từ năm 1961 – 1964 có khoảng 40 vị tu sĩ an trú tu hành tại đây.

13. Đạo tràng Tây Phương Bồng Đảo là danh hiệu của ngôi Chánh điện, cũng là trung tâm hành lễ của Tổ Đình Linh Sơn, diện tích khoảng 06 ha, diện tích xây dựng khoãng 02 ha, chùa được tái thiết trùng tu vào năm 1960 hoàn thành năm 1962 .

Những năm đầu khai đạo vì số lượng Phật tử tập trung xuất gia tu học khá đông (gần 500 Tăng Ni) sức chứa của đạo tràng không đủ, vì vậy những lời thuyết pháp và niệm Phật thường tổ chức ngoài trời. Thế nhưng quá trình tu học của các vị trong giai đoạn này rất thành đạt.

Chính nơi đây, là cơ sở đào tạo chư Tăng Ni đạo hạnh… cho đến hôm nay họ trở thành những người giữ gìn viềng mối tông phong Đạo Phật Non Bồng.

Chính nơi đây giáo đoàn Khất Sĩ của chư vị Trưởng lão, có gần 20 người, do Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước làm Trưởng giáo đoàn. Cũng chính nơi đây, giáo đoàn Ni Giới chính thức thành lập, có gần 300 vị Ni tu học, do Ni sư Thích Nữ Huệ Giác làm Trưởng giáo đoàn.

Cô Nhi Viện và Phật Học Đường là hoạt động nổi bật của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

Đức Tôn Sư là người đầu tiên thành lập Hội Phật giáo Từ Thiện Xã Hội tại miền Đông, rất nhiều chư Tăng Ni Phật Tử lãnh hội Phật Pháp qua sự giáo hóa của Ngài, phát tâm phục vụ Từ Thiện Xã Hội. Ngài thành lập cô nhi viện Phước Lộc Thọ nuôi cô nhi quả phụ, trẻ em tàn phế, tâm thần bệnh tật bẩm sinh.

Cơ sở Phước Lộc Thọ còn là nơi đùm bọc bao che gia đình con em gia đình Cách mạng, những gia đình gặp khó khăn. Ngài đều tiếp độ cho vào Phật đạo để vơi đi nỗi khổ trần gian, cô nhi viện Phước Lộc Thọ lúc bấy giờ thu nhận đến 200 cô nhi, quả phụ và người già yếu cô độc neo đơn.

Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo được Tôn Sư sáng lập ngày mùng 8 tháng 4 năm Nhâm Dần (1962). Ngài rước các Giáo Sư đệ tử của Đức Pháp Chủ Khánh Anh, Chư Tôn đức Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ cũng như Chư Tăng trong môn phong giảng dạy. Phật Học Đường hội tụ khoãng 200 Tăng Ni sinh theo học.

Những môn nhân đệ tử của Đức Tôn Sư trong giai đoạn này đã từng bước tu hành thành tựu đạo hạnh cho đến hôm nay, nhiều vị trở thành những Viện chủ, Trụ trì các chùa, Tu viện khắp Trung, Nam. Góp phần không nhỏ trong việc sùng hưng Phật Pháp mang lại sự an lạc cho Tổ quốc Dân tộc.

Đầu năm 1964 chiến sự của phong trào chống Mỹ cứu nước gia tăng mãnh liệt, việc kiểm tra nhân sự ra vào tại địa danh Cầu Ván trở nên gắt gao, vì đây là đầu vào của các cụm rừng xuyên trường sơn và đây cũng là điểm giao quân giữa lực lượng giải phóng.

Nằm trong địa hình thuận lợi nên Thánh địa Tổ Đình Linh Sơn trở thành điểm tựa cho những toán quân giao liên và gần như trở thành căn cứ của lực lượng giải phóng.

Năm 1962 đến 1965 Tổ Đình Linh Sơn là nơi đóng chốt của đường dây liên khu 5 Biệt Động Thành, những vị từng có mối liên hệ chặt chẽ tại Tổ Đình Linh Sơn hiện nay vẫn còn sống như Hòa Thượng Thích Hưng Từ, cô Năm Kheo, cô Ba Xuyến, chú Năm Bê, chú Bảy Hô…

Trong bản báo cáo của phó chủ tịch huyện Châu Thành buổi lể ra mắt ban đại diện năm 1983 đạ nói rõ “ở núi Dinh tại chùa Linh Sơn, nhà sư Thích Thiện Phước nay vẫn còn sống đã tổ chức nuôi Tăng Ni, chúng trên 500 vị, một số trẻ mồ côi, đồng thời ngấm ngầm tổ chức một lực lượng hậu cần đắc lực cho kháng chiến như giao liên, cứu thương anh em giải phóng và những công tác quan trọng khác”.

Những đợt tiếp lương thực thuốc men thường kỳ, tổ chức cứu thương, che dấu kháng chiến quân… Những công tác này góp phần không nhỏ trong cuộc chiến giành độc lập của dân tộc.

Vào khoảng cuối năm 1964 những đợt vận quân vào chiến khu của lực lượng kháng chiến lên cao điểm, “Địa bàn đầu mối Tổ Đình Linh Sơn bị mật thám cộng hòa phát hiện và chánh thức trở thành “dấu đỏ” trên bản đồ tập pháo của pháp binh Cộng Hòa vào lúc 10h30’ ngày 30 tháng 7 năm Ất Tỵ (1965) đạo tràng chính của Tổ Đình Linh Sơn hứng trọn loạt o – píc, hàng loạt bom của phản lực cơ F5 tàn phá khốc liệt… 100% hư hại đó là kết quả của đợt đầu xóa “dấu đỏ” 30 Tăng Ni là cô nhi bị thương tích nặng (những chứng nhân ngày nay vẫn còn sống) 12 tu sĩ và cô nhi bị thiệt mạng. Đức Tôn Sư lệnh cho dời toàn bộ Tăng Ni, cô nhi xuống núi, đem xác các vị thiệt mạng về chôn tại chùa Tây Thiên Môn, Rạch Ván, Phước Hòa, hiện nay di tích vẫn còn đó những chứng nhân của thời đại đã qua, một nỗi đau mừng buốt của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

b. Giai đoạn từ năm 1965 đến 1975 (giai đoạn rời núi Dinh):

Bị tai nạn đau đớn và thiệt hại cho con cháu môn đệ quá nhiều nên Đức Tôn Sư cùng toàn thể Tăng Ni tản cư về Biên Hòa đầu tiên tạm ở chùa Phổ Hiền (xã Tân Thành rồi đến Thắng Liên Hoa xã Hiệp Hòa) một số tản cư về Nhất Nguyên Bửu Tự (Lái Thiêu), Tịnh Xá Thiện Chơn (Bà Điểm) chùa Phước Thiện An (Xã Tân Thới Hiệp).

Chính trong thời điểm này, bên ngoài chiến sự leo thang, khiến cho nạn điều tra xét hỏi luôn đe dọa Tăng Ni, cái cảnh thiếu hụt lương thực thuốc men, sự đau khổ luôn bám lấy Tăng Ni Non Bồng như hình với bóng. Thật là vất vả trong việc tìm nơi ăn, chốn ở cho gần 400 Tăng Ni và trên 250 cháu Cô Nhi .

Tất cả phải làm lại từ đầu, như một bản du ca đầy tiết tấu gian nan. Một thử thách vô cùng lớn cho Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Thế nhưng những chất liệu thanh thoát, hiền lương của hành giả sơn Tăng Non Bồng, luôn gợi lên cho hồn thiêng sông núi nơi “Bàn cổ sơn”, một tiếng chuông ngân vang và vọng lại để hằng khắc ghi trong nội tâm của người con Phật. Những chất liệu này luôn tỏa sáng, soi đường cho nhiều thế hệ trong ngàn thu sau.

Nhờ vào sự khéo léo dìu dắt của Đức Tôn Sư niềm tin kiên định của Chư Tăng Ni, sự hỗ trợ của các gia đình hiếu tử Non Bồng. Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đã từng bước đi lên vượt qua các nỗi gian trân tồn tại những không thay đổi bản chất của người hiếu tử Non Bồng. Nước mắt, mồ hôi đã lần lượt qua nhiều thế hệ của môn nhân đã đổ xuống để cho những chốn Già Lam trang nghiêm rộng lớn dần được hình thành. Và cho đến hôm nay những nơi chốn mà đức Tôn Sư đã qua, đã trở thành những trú xứ giáo dưỡng biết bao Phật tử, truyền đăng niềm an lạc khắp bốn phương, buổi bình minh bất tận soi đêm trường sinh tử, những trú xứ trong giai đoạn này (65 – 75) được thành lập và bảo trì như :

- Quan Âm Tu Viện:

Năm 1966 Đức Tôn Sư chỉ đạo cho trưởng Tử Ni Sư Huệ Giác và tập thể môn nhân đứng ra xây dựng ngôi Quan Âm Tu Viện để có nơi chỗ tôn nghiêm cho chư Tăng Ni tu học hành đạo và tiếp tục thực hiện Phật pháp từ thiện xã hội, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già yếu.

- Nhứt Nguyên Bửu Tự:

Đức Tôn Sư dựng ngôi chùa này để nương minh tịnh độ. Ngôi chùa này được dựng xây trước thời gian Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng rời núi Dinh. Nơi đây hàng năm ngày mùng 8/8 AL có mẻ khóa “bách nhật trì danh” mỗi khóa niệm có hành lượt người về tham dự, tính đến nay (1997) đã được liên tục 33 khóa.

- Chùa Phổ Hiền (xã Tân Thành).

Năm 1965, Ngài về chùa Phổ Hiền vân tập môn đệ để giáo hóa xiển dương giới luật để củng cố lại Tăng đoàn trên bước đường du phương hành đạo tại trần thế.

- Long Sơn Cổ Tự (xã Tân Ba, Tân Uyên).

Đây là ngôi chùa đầu tiên mà Đức Tôn Sư đã đặt chân đến tại miền Đông Nam Bộ vào khoảng năm 1956. Chính nơi đây Đức Tôn Sư đã tiếp nhận người đệ tử đầu tiên đó là ni sư Huệ Giác người sau này kế thừa đạo nghiệp và bổn nguyện của Đức Tôn Sư.

Nơi đây Đức Tôn Sư đã hữu duyên hội kiến ân sư cầu pháp là Hòa Thượng TRÍ HẠ CHÂU dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Sau Thời Thượng TRÍ HẠ CHÂU viên tịch, ấn truyền và ngôi cổ tự được truyền trao cho Đức Tôn Sư Mẫu Trầu là vị kế thừa dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41.

Đức Tôn Sư đã có công lớn trong việc trùng tu nhiều lần ngôi cổ tự này. Ngày ủy quyền lại cho môn đệ là Hòa Thượng Thích Huệ Tâm về trụ trì lo cho trăm họ tu hành (Hòa Thượng Thích Huệ Tâm viên tịch ngày 4/12/AL năm 1996, hiện nay ĐĐ Thích Thiện Trang kế vị trụ trì).

- Tịnh Xá Thắng Liên Hoa (Xã Hiệp Hòa).

Được chính đích thân Đức Tôn Sư xây dựng tịnh xá nằm ven sông Đồng Nai, bến đò Long Kiển, bồi đắp hương lộ, cảm động đồng bào nhớ ơn sâu đức Tôn Sư phó chùa tịnh xá cho DĐ Thích Giác Thông gìn giữ ngôi di tích.

- Năm 1975 về chùa Long Phước Thọ (Long Thành) khai rẫy sửa chữa và giao cho Sư Cụ Thích Thiện Lộc bảo quản lo việc Nông Thiền.

Nói về Núi Dinh thời bấy giờ.

Thời điểm này Tổ Đình Linh Sơn gần như trống vắng chỉ còn vài tu sĩ ở lại ẩn tu gìn giữ những gì còn có thể gìn giữ những gì còn có thể được. Nhưng rồi có lúc phải hoàn toàn rời Núi Dinh vì sự càn quét mạnh mẻ của nhà cầm quyền thời bấy giờ.

Khi ngày hòa bình được lập lại. Thánh Tích Tổ Đình Linh Sơn chỉ còn là một bãi gạch vụn, đạo tràng loan lổ hố bom, những khoảng rừng đầy thân cây ngã đổ đó đây điểm đầy dấu đạn, vết bom, một bức tranh đổ nát hoàn mỹ của “bom cày đạn xới” phế tích, hoang lạnh. Đó là những gì mà Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng được nhận lại sau thời kỳ chiến tranh.

Và cũng từ đây với sự dìu dắt khéo léo của Đức Tôn Sư cộng với sự kiên định quả cảm xuất trần của lực lượng Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng… Qua một thời gian đầy gian nan vất vả tất cả đã được tái thiết dựng lập trở lại.

Ngày nay nếu có dịp du khách ghé qua địa danh này chắc hẳn không thể nghĩ rằng nơi đây trước kia là một tử địa, một điểm son trên bản đồ tập pháo. Nơi đây lòng đất đã ngậm ngùi hứng nhận máu và nước mắt của các Tăng Ni và của những toán quân giao tranh… Cái giá phải trả cho cuộc bảo tồn.

c. Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1986:

Ngày 14.07.1974 là ngày chính thức của chư Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng trở về Tổ Đình.

Đức Tôn Sư đã sắp xếp bảo ban cho chư Tăng Ni lần lượt trở về núi non tu hành, sửa chữa lại những am cốc, khai khẩn lại những mãnh rẫy, vườn, ruộng sau gần 10 năm xa vắng. Vào khoảng tháng 3 năm 1975 Đức Tôn Sư đã ủy nhiệm cho ĐĐ Thích Giác Hải quyền Trụ Trì, để tái thiết xây dựng trùng tu Tam Bảo tại thánh tích.

Trên các nền cũ của chùa xưa, ngoại trừ một số tôn cũ đầy vết đạn được dùng để tạm che nắng… dường như tất cả đều bị huỷ hoại, biến thành một bãi phế tích hoàn chỉnh, tất cả bị xới tung lên như chiếc lưỡi cày khổng lồ đã đi qua, chư Tăng Ni về lại chốn cũ chùa xưa, cùng nhau phân công dọn dẹp cả năm trời xây trở mới ổn định các phế tích chiến tranh. Các am, cốc được dựng tạm để tạm trú nắng, trú mưa, một số vị phải ở trong hang điện, những vách đá y như các thời kỳ hoang sơ của con người.

Đời sống của Tăng Ni lúc bấy giờ đều là tự lực cánh sinh với những mãnh rẫy vườn, ruộng được lập lại sau gần 10 năm bị bỏ hoang…

Vết thương của cuộc chiến vừa qua chưa lành hẳn thì Tổ Đình Linh Sơn lại phải hứng chịu nạn khai thác gổ rừng một cách vô tội vạ. Mảnh áo màu xanh thẳm của những cánh rừng núi non hùng vĩ liên tiếp từ chùa Hang Tổ đến cầu Rạch Ván… dần dần bị xóa sạch. Việc làm vô ý thức này đã để lại hậu quả trầm trọng cho đến ngày hôm nay. Nạn xâm thực của con người góp phần lớn cho thiên nhiên bị hủy hoại nhanh hơn, nạn thiên tai bão lũ xói mòn đất đai, núi non sụp lở, thiếu nước là hậu quả của việc làm vô trách nhiệm của con người.

Vào những năm 1980, vùng đất của Núi Dinh một lần nữa bị đục khoét xới tung, lần này không phải do bom đạn mà là của những nhóm người khai thác đá quí. Do dư luận không căn cứ và thiếu chính xác, có nhiều nhóm người đến núi Dinh đào xới cả vùng núi để mong tìm đá quí, chư Tăng Ni đã ra sức ngăn cản nhưng đều vô hiệu trước lòng tham của toán người khai thác đá. Một thời gian sau hiểm họa này mới chấm dứt vì thành quả không như ý. Đây cũng chính là đại nạn của Tổ Đình Linh Sơn phải hứng chịu thêm những đổ nát sau ngày hòa bình 30.04.1975.

Năm 1980 Đức Tôn Sư cho khởi công dựng lập chánh điện Tây Phương nằm trên nền cũ của chùa Ong; Phật sự đang tiến hành thì có lệnh của Bộ Quốc Phòng phải di dời toàn bộ nhân sự và tài sản ra khỏi “vùng khoanh” để thiết lập trường bắn thiết giáp II. Toàn thể đất đai núi rừng của Tổ Đình Linh Sơn nằm gọn trong vùng trưng dụng này.

Đây là một sự cố bất ngờ, nhưng qua đây mới rõ được tấm lòng của Đức Tôn Sư đối với Tổ quốc và nhân dân. Ngài đã cống hiến đất đai, rừng, vườn, núi đồi gần 250 ha do nhà chùa khai phá mà không nhận bất kỳ khoản bồi thường nào, chỉ với một điều kiện “Bao giờ trường bắn không sử dụng nữa thì trả lại cho Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, để các Tăng, Ni canh tác trồng trọt và tu học”.

Năm 1981 Đức Tôn Sư đã ủy nhiệm cho ĐĐ Thích Giác Hải ký giấy bàn giao toàn thể đất đai hiến cho Bộ Quốc Phòng và di dời chư Tăng Ni rời khỏi địa bàn Núi Dinh, mà không nhận các khoản tiền đền bù từ phía Quân đội.

Giai đoạn này nhờ có gia đình Phật tử tại xã Phước Hòa là ông Năm Ngọ cúng dường cho Tổ Đình 01 ha đất. Đức Tôn Sư đã cho dựng lập ngôi Tam Bảo để có nơi cho chư Tăng Ni an trú tu học.

Về sau có một số Phật Tử từng biết Đức Tôn Sư, các vị đã từng lưu trú và hoạt động tại Thánh Địa Tổ Đình Linh Sơn, nay các vị đã trở thành những vị có thẩm quyền ra sức can thiệp giúp đỡ.

Bộ Quốc Phòng đã đồng ý chỉnh hướng tác xạ để giữ lại một thánh địa đã có bề dày lịch sử trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đến ngày nay và hơn nữa nơi đây cũng là dấu ấn lịch sử Phật giáo miền Đông đã trên 200 năm.

Bộ Quốc Phòng đã thuận cho Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng quản lý các đồi núi từ núi Dinh qua chùa Hang Tổ đến chùa Hang Mai để gìn giữ khu di tích đáng tôn đáng kính. Đồng thời tái thiết trùng tu lại những gì hoang tàn qua các thời kỳ chiến tranh.

Sau khi được Bộ Quốc Phòng thuận ý và được Ban Chỉ Huy trường bắn lục quân II cho phép mượn đường vận chuyển vật liệu xây dựng Đức Tôn Sư đã cho xây dựng hoàn chỉnh ngôi Tam Bảo tây Phương Bửu Điện, ngôi Liên Huê Tịnh Xá, nhà Trù, Lôi Âm Điện Ngọc, Kim Cang Điện… các am, cốc được bố trí dựng lập trở lại trên các nền cũ Phật sự trang nghiêm Tổ Đình được giao cho Đại Đức Giác Hải, ĐĐ Thích Huệ Hải, ĐĐ Thích Thiện Thanh, ĐĐ Thích Thiện Nghĩa, chư Đại Đức Ni Thích Nữ Diệu Hòa, Thích Nữ Diệu Thọ, Diệu Tín… cùng với chư Tăng, Ni trong Liên Tông hỗ trợ xây dựng lập lại rừng vườn.

Phù hợp với hoàn cảnh môi trường và sự chuyển mình của đất nước, theo tinh thần bách trượng chốn cửa Thiền được đề cao. Theo sự chỉ đạo của Đức Tôn Sư, Liên Tông Tịnh Độ đã thành lập 7 Ban Nông Thiền tại các chùa như Quan Âm Tu Viện, Bửu Hoa Ni Viện, chùa Long Phước Thọ, Long Sơn Cổ Tự, Nhất Nguyên Bửu Tự, Tổ Đình Linh Sơn những ban này đồng hỗ trợ cho nhau trong việc lao động sản xuất, trồng cây gây rừng.

Để hưởng ứng chính sách “Trồng cây gây rừng” và phong trào “trồng cây nhớ Bác”… Ban nông Thiền Liên Tông Tổ Địa Non Bồng đã trồng trên 100 ha rừng tràm, bạch đàn trong khu Thánh tích Tổ Đình Linh Sơn. Ngoài ra còn gây dựng được một số lớn rẫy, vườn phục vụ cho đời sống chư Tăng, Ni.

Qua gần 30 năm tận tụy quên mình vì đạo nghiệp độ sinh, khi thì Ngài ở tại Quan Âm Tu Viện khi thì Tổ Đình Linh Sơn, khi thì Nhất Nguyên Bửu Tự, Long Phước Thọ, Bửu Hoa Ni Viện, Long Sơn Cổ Tự, Tịnh xá Thắng Liên Hoa… và còn biết bao nơi chốn Ngài đã đúng theo thệ nguyện “Tuỳ duyên phổ hóa”.

Nơi nơi Đức Tôn Sư thường nhắc nhở hàng môn nhân tu hành chân chính, giới luật tinh nghiêm, phát thể nguyện rộng sâu phổ hóa quần sanh hằng thế nhập vào bảo hoài của mười phương chư phật.

Dưới sự chỉ đạo của Đức Tôn Sư tập thể Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đã góp phần lớn trong công cuộc xây dựng lại đất nước, khuyến hóa bá tánh làm thiện, dứt ác đúng với phương châm “Tốt đạo đẹp đời”.

Sự lao tâm lao lực của Đức Tôn Sư qua nhiều năm cực khổ nên lâm bệnh, mỗi lần bệnh thêm trầm trọng và nhiều lần được các giáo sư bác sĩ Lương Phán và tập thể bác sĩ, y tá chữa trị vào những năm cuối đời, tự thất thân quá yếu nên Ngài dừng các cuộc tiếp xúc để nhập thất chuyên tâm niệm Phật.

Ngài 18 tháng 7 năm Bính Dần bệnh tái phát nặng Ngài được đưa vào bệnh viện để điều trị 22h30’ ngày 30/7 vì sức yếu tuổi già Ngài nhận thấy nhục thân không còn tác dụng Ngài dạy phải đem về Quan Âm Tu Viện và cách một giờ sau đó Đức Tôn Sư đã hóa thân từ giã môn đệ về với Phật thánh, để lại cho các môn nhân đệ tử niềm thường tiếc khôn nguôi, niềm đau xót cho hàng vạn vạn Phật tử trong nước và ngoài nước…

Đại lễ tang được tổ chức tại Quan Âm Tu Viện hàng vạn Phật tử từ khắp nơi chốn của đất nước về để thọ tang dự lể rất đông chư Hòa Thượng Thượng Tọa hàng Giáo Phẩm của Giáo Hội cùng các tôn giáo ban quy về để tiển đưa linh cửu Tôn Sư các cấp chính quyền trong và ngoài tỉnh Đồng Nai để dự lễ chia xẽ nỗi đau lớn của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng vào lúc 12 giờ ngày mùng 05 tháng 08 âm lịch (1986) kim thân Đức Tôn Sư vĩnh viễn nằm trong lòng đất của Quan Âm Tu Viện đó cũng như cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài hằng ghi khắc trong thâm tâm của hàng môn nhân đệ tử Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng - Xiển Dương Đạo Pháp”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com