Mục Lục
Cổng Quan Am Tu Viện: là một công trình kiến trúc vĩ đại đối với Tăng Ni, Phật tử Quan Âm Tu Viện về mặt kỹ thuật và thiết kế đồ án, công trình này cũng do Ni Sư Huệ Giác sáng tác chỉ đạo thực hiện. Đại Đức Thiện Nghĩa, Nhựt Chí, Thiện Tâm, Thiện Nhựt, Ông Tư Campuchia, Phật Tử Kim Chi trực tiếp chịu trách nhiệm trang nghiêm kỹ thuật xây dựng cùng với chư tăng và Đạo tràng Phật tử Quan Am Tu Viện, Tổ Đình Linh Sơn Tự (núi Dinh) góp công sức tài sản, tiền bạc của mình để cho công trình xây cổng hoàn toàn nhanh gọn và có giá trị vững chắc trăm năm, ngàn năm trong nền Văn Hóa Đạo Phật Việt Nam.
Cổng Quan Âm Tu Viện là một giá trị văn hóa không chỉ riêng trong môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng mà nó còn có giá trị tổng quan của Văn Hóa Dân Tộc, Văn Hóa Phật Giáo cổ, qua cấu trúc có tính hiện sinh, với những đường nét hoa văn tiêu biểu sự đóng góp thiết thực của Quan Âm Tu Viện cho hành trình hoằng pháp lợi sinh kế thừa chánh pháp và Phật giáo Việt Nam, nó không đánh mất những gì cao quý của quá khứ, nó không phản kháng sự đoàn kết xây dựng bảo trì đạo pháp hôm nay mà chính Quan Âm Tu Viện đương nhiên lại còn góp tiếng nói trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam ở tương lai ngàn sau, để cùng chung xây dựng cho từng mỗi hệ càng thêm vững vàng và tỏ rõ đạo mầu.
Cổng Quan Am Tu Viện được khởi công ngày 19-03-1985 cho đến ngày 08-04-1986 thì hoàn tất, dưới sự chứng minh của Đức Tôn Sư Hòa Thượng Thích Thiện Phước khi ngài còn sinh tiền và ngài rất hoan hỷ với sự mẫn tiệp, khéo léo, khiêm tốn của Tăng Ni Phật tử Quan Am Tu Viện và Tổ Đình Linh Sơn Tự.
Cổng Quan Âm Tu Viện còn là một thắng cảnh tham quan của Tỉnh Đồng Nai, là cửa ngõ của Thành Phố Biên Hòa, một thủ phủ nổi tiếng của miền Đông, đấy là niềm vinh dự cho con người đất Đồng Nai, cho giang sơn cẩm tú Trấn Biên kiêu hùng, nhưng hiền hòa và nhẫn nại, cổng Quan Âm Tu Viện còn là tiếng nói tinh thần bất diệt: “…những ai vào đất Đồng Nai, tức là đi vào con đường đạo đức, đi về đất Phật, đi tìm một cái gì siêu việt, muốn vào đất Đồng Nai, muốn vào Biên Hòa, hay khách đi về trên khắp nẻo đường đất nước từ Mũi Cà Mau đến ải Nam Quan đều phải đi ngang qua cổng Quan Âm Tu Viện, tức là nói lên cái nôi, là xứ sở của con người đạo đức, là xứ sở có nhiều điểm tựa văn hóa cổ, nhiều văn hóa đạo đức, văn hóa của một xứ sở có núi non hùng vĩ mang nếp sống sơn dã nhưng không kém phần an cư lạc nghiệp so với các Tỉnh khác.
Với huy hiệu vòng hoa sen phía dưới bánh xe chuyển pháp luân là tiêu biểu cho dòng pháp của Tịnh Độ Tông (không phải huy hiệu của Giáo Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam do cụ ĐOÀN TRUNG CÔN sáng lập), là một con đường, một dòng pháp môn trong các pháp môn, trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, trong vô lượng pháp môn của ba đời chư Phật, là một cửa ngõ của của Đạo Phật Thích Ca, để người con Phật bước vào bể pháp của Như Lai, là con đường trong các con đường mà Chư Lịch Đại Tổ Sư từ bao đời hoằng dương để đưa chúng sanh trở về với núi tánh Phật là phương tiện để cho chư vị Bồ Tát thị hiện vào cuộc đời mà không rời bảo hoài của chư Phật là tâm hạnh vị tha vô ngã của hàng lớp Chư Sơn, Cao Tăng thật đức hiến dâng trọn đời mình phụng sự chơn lý hoằng pháp lợi sanh.
Tông Tịnh Độ cũng là chiếc thuyền từ đưa hành giả kinh qua tiến trình từ trí huệ môn hướng về sinh diệt môn mà không bị quằn quại khổ đau giữa phong ba bão táp nơi kiếp nhân sinh, mà còn giúp cho người hành đạo giải thoát mọi phiền trược, cấu nhiễm, ngũ ẩm xí thạnh, đồng thời đưa chúng sanh thoát ra khỏi ràng buộc xích xiềng, dục nhiễm thế gian, bởi tha lực 48 lời nguyện của Đức Vô Lượng Thọ:
“Nguyện thứ nhất tôi thành Phật được,
Thì nước tôi là nước tịnh thanh
Ngục hình ngạ quỷ súc sanh
Thảy đều chẳng có sanh thành nơi đây”
“Nguyện mười lăm dân thời sanh tịnh
Trụ vào ngôi chí tánh tự nhiên
Ly chư loạn tưởng đảo điên
Xa lìa phân biệt chứng liền
Lại còn quả Phật đoàn viên
Ngoại trừ những vị bổn nguyền độ sanh
Tôi sẽ giúp cho thành sở mộ
Tới tha phương tế độ hàm linh
Hạnh tu Bồ Tát rất tinh
Lại còn lấy sức oai linh hộ truyền
Cho người ấy tinh chuyên tấn bộ
Các chúng sanh tín thọ giữ truyền
Bồ Đề, tật diệt, phổ hiền
Tấn thêm tối thắng cần chuyên tu hành
Đối với các pháp môn tu trì, hàng nhị thừa phải trải qua mười A Tăng Tỳ kiếp mới thành Phật, còn đối với hàng Đại Thừa, ít nhất cũng phải trải qua ba A Tăng Tỳ kiếp mới viên mãn báo thân. Như vậy, vấn đề thành Phật không pháp môn nào tu nhanh cho bằng pháp môn niệm Phật người được vãng sanh không cần phải trải qua nhiều kiếp A Tăng Tỳ. Bởi vì chúng sanh tại nước cực lạc, do nguyện lực của Đức Phật A Di Đà ai ai cũng có sáu pháp thần thông chúng sanh tại đây dùng phép thần thông đi khắp mười phương Phật để cúng dường, nghe pháp, thành ra người nào cũng mau thành Phật, hơn nữa tại Tây Phương Cực lạc, chúng không cần bận tâm đến vấn đề ăn, mặc, ở, cái gì cũng do thần thông của Phật A Di Đà hóa hiện, muốn ăn cái chi tự nhiên đồ ăn hiện ra ở trong chén dĩa bằng thất bảo, sau khi ăn không cần dọn rữa, tự nhiên chén bát đã biến mất.
Sở dĩ chúng sanh tại Tây Phương mau thành Phật là vì muôn sự, muôn vật cần dùng không cần phải lo nghĩ, tâm trí rảnh rang, lại thêm được làm bạn với các vị Đại Bồ Tát để tu học, do đó mà quả Phật chóng thành hơn các thế giới khác.
Theo các pháp môn, người tu hành phải dứt hết phiền não nhiễm ô, dứt hết nghiệp quả tội chướng mới được giải thoát, chứng quả niết bàn. Trái lại pháp môn niệm Phật, chúng sanh còn nghiệp quả cũng được vãng sanh, nếu chúng sanh đó khởi tín tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, điều này trong kinh gọi là “Đới nghiệp vãng sanh”. Chẳng khác nào như hòn đá tự nó lướt qua bể cả không được nhưng nếu có thuyền bè chở nó qua biển, dù có bao nhiêu hòn đá cũng vượt bể được như thường.
Điểm đặc biệt của pháp môn niệm Phật là bất luận trẻ già, kẻ ngu người trí gì cũng tu được cả. Người cá nhiều phước đức, người kém phước đức, kẻ có tội, người không tội cũng đều được vãng sanh, nếu người ấy có một chút niềm tin khởi niệm danh hiệu Phật A Di Đà trong những giờ phút sắp lâm chung cũng sẽ được toại nguyện như ý. Pháp môn niệm Phật là một pháp môn để tu, để chứng để thành, nên mười người niệm Phật được vãng sanh hết chín, còn các pháp môn khác, mười người tu hành chỉ một vài người chứng quả.
Tịnh Độ Tông cũng còn là một phương tiện trong các phương tiện để hộ trì cho người tu đi vào cuộc đời gánh vác đạo nghiệp, cứu độ chúng sanh mà không bị vướng mắc trần lao, qua châm ngôn : “Thật vì sanh tử phát Bồ Đề tâm, dùng tín sầu nguyện thiết mà chuyên trì hồng danh hiệu”.
Bánh xe chuyển pháp luân 12 căn trên tầng chóp của cổng là ghi dấu bài pháp đầu tiên của Đức Phật sau khi đắc thành chánh giác dưới gốc cây tất bát la, theo lời thỉnh cầu của chư thiên vì chúng sanh ở cõi ta bà mong ngài trụ thế, lúc bấy giờ Đức Phật trỗi dậy đi về hướng Lộc Uyển để tuyên bố chơn lý mà Ngài đã nắm bắt được, cùng với bảo hoài của ba đời chư Phật chuyển ba lần pháp luân “Tứ Đế” đó là bài pháp đầu tiên của Phật thuyết cho năm anh em ông Kiều Trần Như, Bạt Đề, At Bi, Ma Ha Nam Câu Ly, Thập Lực Ca Diếp, và chính từ đây trên cõi ta bà này, trên hành tinh địa cầu này có ngôi Tam Bảo.
Phật dạy:
“Này các Tỳ Kheo:
Đây là chơn lý cao thượng về sự khổ: Khổ Thánh đế.
Đây là chơn lý cao thượng về nguồn gốc của sự khổ: Tập Khổ Thánh
đế
Đây là chơn lý cao thượng về sự diệt khổ: Diệt Khổ Thánh đế.
Đây là chơn lý cao thượng về con đường dẫn đến sự diệt khổ: Đạo
Diệt Khổ
1. Đây Là Khổ Thánh Đế:
Khổ thánh đế này phải được nhận thức
Khổ thánh đế này đã được nhận thức
Như vậy bởi các Tỳ Kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, minh sát tuệ, và ánh sáng phát sanh đến Như Lai.
2. Đây Là Khổ Tập Thánh Đế:
Tập khổ Thánh Đế này phải được tận diệt
Tập khổ Thánh Đế này đã được tận diệt
Như vậy bởi các Tỳ Kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ, và ánh sáng phát sanh đến Như Lai.
3. Đây là Diệt Khổ Thánh Đế:
Diệt khổ Thánh Đế này phải được chứng ngộ
Diệt khổ Thánh Đế này đã được chứng ngộ
Như vậy bởi các Tỳ Kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia nhãn quan, tri kiếp, trí tuệ, minh sát tuệ, và ánh sáng phát sanh đến Như Lai.
4. Đây Là Đạo Diệt Khổ Thánh Đế:
Đạo diệt khổ này phải dược phát triển
Đạo diệt khổ Thánh Đế này đã được phát triển.
Như vậy bởi các Tỳ Kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước kia, nhãn quan, tri kiến, trí tuệ, minh sát tuệ, và ánh sáng phát sanh đến Như Lai.
Này các Tỳ Kheo, ngày nào mà tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về bổn pháp Thánh Đế, dưới 3 sắc thái và 12 phương thức, chưa được sáng tỏ hoàn toàn thì cho đến chừng ấy Như Lai không xác nhận trước thế gian, giữa các chúng sa môn, trời, người rằng Như Lai đã chứng vô thượng chính đẳng, chính giác và ngược lại…
Như Lai đã chứng ngộ vô thượng chính dẳng chính giác.
Đây là sơ lược bài kinh chuyển pháp luân là bài pháp đầu tiên của Phật, chuyển pháp gồm ba sắc thái, về bốn Thánh Đế: thị chuyển, chúng chuyển, khuyến chuyển tứ đế thành 12 phương thức và bánh xe 12 căn là biểu tượng của bài pháp môn đó.
Cổng Quan Âm Tu Viện được đúc kết, thiết kế trên chóp cổng bánh xe chuyển pháp luân là nói lên tinh thần tu học của Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng không đi xa rời ý Phật, lời tổ, không đi sai với chánh pháp, mà quyết tâm kế thừa chánh pháp, dù trải qua bao cơn phong ba bão táp, sóng dập gió nhồi người tu sĩ Quan Âm Tu Viện cũng không sờn lòng đi theo con đường chính chân, chính đẳng, chính giác mà Đức Phật đã ban truyền qua cửa ngõ của Tịnh Độ Tông.
HT Thích Giác Quang