Mục Lục
12. Phương Trượng Đức Tôn Sư:
Diện tích 290 mét vuông, phương trượng nằm ở trung tâm Quan Âm Tu Viện, là nơi để dành cho Đức Tôn Sư thường xuyên lưu trú để an tịnh và hành đạo, giáo hóa Tăng, Ni, Phật tử. Chính nơi đây khi sinh tiền Đức Tôn Sư từng thuyết pháp hàng trăm hội cho đại chúng lãnh thọ, và con đường giáo hòa của Ngài cũng viên mãn tại phương trượng này.
Canh trái của phương trượng là phòng của Trưởng Lão THÍCH THIỆN HỒNG cánh phải là phòng của Trưởng Lão VẠN ĐỨC HƯƠNG, phía sau phương trượng là nhà chứa lương thực thường trụ, và phòng đồ chúng an trú.
Phương trượng là nơi kỷ niệm một lần trong đời của người tu sĩ Quan Âm tu Viện, tu sĩ của Tông môn, nơi Đức Tôn Sư Hòa Thượng THƯỢNG THIỆN HẠ PHƯỚC biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai viên tịch vào lúc 23 giờ ngày 1 tháng 8 năm Bính Dần (1986).
Phương trượng Đức Tôn Sư là cơ sở cuối cùng của khu vực chư Tăng trong quần thể tu viện.
13. Khu Vực Ni Giới:
Rời khỏi phương trượng Đức Tôn Sư và liêu phòng các trưởng lão, đi về hướng khu vực Ni Giới bởi 2 ngõ đường phía tay trái và tay phải, nhưng dường như ngõ phía trái là thuận lợi hơn, bởi một con đường lớn mà hai xe bốn bánh có thể tránh nhau được trong phạm vi nội viện, khu vực chư Tăng và khu vực chư Ni được ngăn cách bằng một dãy phòng liệu dài 30 mét, có diện tích 300 mét vuông, dãy nhà này được chia ra làm 5 phòng:
14. Phân hội Chữ Thập Đỏ: Được thành lập năm 1988, do Ni sư HUỆ GIÁC làm phân hội trưởng, phân hội là nơi phấn đấu thực hiện các mặt Phật sự từ thiện xã hội, kế thừa truyền thống của Đức Tôn Sư chủ trương “nhập thế làm việc từ thiện” rất thiết thực, đúng theo phương châm của Phật là từ bi trí tuệ, vô ngã vị tha qua tinh thần ngũ minh, và tứ nhiếp pháp, như chẩn trị bệnh bằng phương pháp châm cứu, châm điện, xoa bóp, phát thuốc thành phẩm, bốc thuốc nam miễn phí, quan trọng nhất là hằng năm Ni sư phân hội trưởng thường xuyên tổ chức ủy lạc các Trung Tâm Xã Hội gặp khó khăn, các Trại Cùi, bệnh viện Tâm Thần, chẩn thí gạo cho người nghèo, cung cấp thuốc men cho những người neo đơn, cô độc, trực tiếp nuôi nấng người già cô độc, người tàn phế, người mắc bệnh tâm thần…
15. Trai Đường Ni Giới: Là nơi dành cho chư Ni đi quá đường, tụng kinh, niệm Phật về đêm, là nơi có sức chứa khoảng 80 nữ Phật tử vào mỗi nửa tháng vân tập về đây thọ giới Bát Quan Trai tu tập thiền tụng, nghe thuyết pháp, niệm Phật…
Trai đường Ni giới cũng là nơi tôn trí ghế chủ tọa của Ni sư Viện chủ Quan Am Tu Viện.
16. Phòng tiếp tân: Cũng là nơi thường xuyên thuyết pháp của Đức Tôn Sư khi Ngài sinh tiền của Ni sư viện chủ, của chư Tăng, mỗi lần nam nữ Phật tử vân tập đông đảo.
Điểm đặc biệt của việc tiếp tân tại Quan Am Tu Viện là không phân biệt khách sang người hèn kẻ giàu người nghèo cũng đều được tiếp tại phòng tiếp tân này. Ngày thường cũng như các ngày lễ tân khách vẫn được tiếp ở nơi đây
17. Thiền đường Ni chúng: Là lớp học giáo lý của đại chúng xuất gia, khi có tổ chức các khóa học Phật pháp, An Cư Kiết Hạ hằng năm, đại chúng được theo học tại thiền đường này do các giảng sư HUỆ GIÁC, Đại Đức GIÁC QUANG, phụ trách giảng dạy. Ngoài ra, còn có các giáo sư CHÂU PHÚC CHƯƠNG, TRẦN TAM BẢO phụ trách Hán Nôm và Triết Học Sinh Ngữ.
Thiền đường Ni chúng cũng là nơi tạm nghỉ của các vị tập sư Ni, cũng như Phật tử khắp nơi về tạm trú tu học, công quả tại khu vực Ni giới.
18. Phòng nghỉ Ni giới: Là nơi dành cho đại chúng Ni thường trú tu học nghỉ ngơi lâu dài, phòng nghỉ ngơi của Ni giới là cơ sở cuối cùng của dãy nhà cách giữa khu vực chư Tăng và khu vực chư Tăng và khu vực chư Ni.
Đứng từ phòng tiếp khách nhìn về khu vực Ni giới, hướng phía tay trái sẽ nhìn thấy nhà trù là nơi dự trữ lương thực và nấu ăn tập thể chung cho Tăng, Ni, Phật tử (khoảng 150 khẩu thường ngày cho 500 khẩu phần ăn tu sĩ, không kể những ngày lễ lộc thường niên. Nếu là ngày lễ, nhà trù phải phục vụ cho khoảng 10.000 khẩu phần ăn, nếu là khách vãng lai có thể lên đến 12.000 người, như những ngày Nguyên Đán, Rằm Thượng Ngươn, lễ Phật Đản, Rằm Trung Ngươn, Hạ Ngươn, lễ kỵ Đức Tôn Sư ngày 1-8 AL (những ngày lễ này nhà trù phải phục vụ đãi ăn suốt ban ngày cho đến 12 giờ khuya).
Ngoài ra, ném về hướng bắc của phân hội chữ thập đỏ còn có 2 dãy trại của các cụ bà trú ngụ đang nương nhờ Ni sư viện chủ và Quan Am Tu Viện nuôi dưỡng, đùm bọc trong lúc tuổi già (cả sanh lẫn tử).
19. Ni Viện Tịnh Tâm:
Diện tích 140 mét vuông, nằm về hướng Bắc của khu vực Ni, Ni viện từ năm 1977 trở về trước, nhường cho các cháu cô nhi tạm lưu trú, nương nhờ sự giúp đỡ, nuôi dưỡng, dạy dỗ của các Sư cô, Ni cô. Từ năm 1977 đến nay được hoàn toàn trả lại cho Ni giới.
20. Ni Viện Tịnh Đức:
Diện tích 140 mét vuông, nằm về hướng nam của khu vực Ni, Ni viện Tịnh Đức cũng giống như tình trạng Ni viện Tịnh Tâm về mặt từ thiện xã hội Cô Nhi Viện Phước Lộc Thọ.
21. Ni Viện Tịnh Huệ:
Diện tích 218 mét vuông, chia làm 5 phòng tính từ trái sang phải, thì phòng thứ ba, phòng thứ tư, phòng thứ năm là các lớp học của trường tiểu học Lâm Tỳ Ni từ năm 1977 trở về trước. Phía trước Ni viện Tịnh Huệ là phòng tiếp khách riêng của Ni Sư Viện chủ có hình dáng bán nguyệt, được kiến tạo từ năm 1970 do Thượng tọa THÍCH THIỆN CHƠN chịu trách nhiệm thiết kế cấu trúc.
22. Tháp Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát:
Tầng trên của Ni viện Tịnh Huệ là điện thờ Đức Bồ tát Địa Tạng, là nơi tạm để cho Ni giới thọ trì kinh các khóa lễ cơ bản, hai bên điện thờ là sân thượng dùng để cho chư Ni ngồi niệm Phật trong những thời giờ rỗi rảnh.
Tháp Địa Tạng và Ni viện Tịnh Huệ là cơ sở cuối cùng của khu vực Ni giới.
23. Điện thờ di ảnh Đức Tôn Sư:
Nằm giữa trung tâm khu vực Ni là điện thờ Đức Tôn Sư, hằng một di ảnh sơn mài cao lớn: cao 2.2 mét, ngang 1.8 mét. Di ảnh có tác dụng tính ngưỡng như khi còn Đức Tôn Sư sinh tiền, để thay thế vào chỗ mất mát khi Ngài vắng bóng, di ảnh Đức Tôn Sư do hãng sơn mài Selomen của Phật tử Diệu ngọc VÕ THỊ MƯỜI làm Giám Đốc thực hiện với thời gian rất ngắn, sau khi Đức Tôn Sư viên tịch, đã cúng dường tôn trí tại điện thờ.
Điện thờ Đức Tôn Sư được khởi công xây dựng vào cuối tháng 6 AL cho đến ngày 29 tháng 07 Mậu Thìn 1988, kịp thời gian cúng lễ Đại Tường và khánh thành Bửu Tháp vào ngày hôm sau mùng 1 tháng 8 Điện thờ di ảnh là nơi để cho Tăng Ni, Phật tử, con cháu trong tông môn chiêm ngưỡng lễ bái.
HT Thích Giác Quang