Mục Lục

Nghĩa trang Đô Thành nơi được an nghỉ của những người có chức vụ cao ở quân đội cũ. Bên trong có “nhà xác” rất lớn.Tết Mậu Thân, 1968 cái tết để ghi dấu ấn mỗi khi xuân về.Sau trận chiến tranh năm ấy, xác chết của 2 bên (bộ đội Cách mạng và lính Saigon) không có người thâu nhận về. Chính quyền cũ cho móc một hố sâu đem chôn tập thể. Mùi hôi thúi xông lên cả khu vực xứ Bắc Hải.

Rồi từ đó linh hồn, những âm hồn bị chết vì chiến tranh, người thì hiện hình khóc than, người thì hay hiện hình ra đứng ngòai đường Lê Văn Duyệt cũ (nay là đường Cách mạng tháng Tám) bán bánh dò bánh chưng dẫn người vào mộ. Tới sáng mới hay người bị “ma dẫn”. Từ đó dân khu vực và người đi qua lại về khuya rất lo sợ.

Thấy sự việc như vậy “Hội Phật Tử Long hoa” chi nhánh của “Hội Phật Giáo Bắc Việt” do Chị Nga (nay đã qua đời) làm Hội Trưởng mở ra cái Am nhỏ để thờ cúng, tụng kinh…nhưng rồi cũng không công hiệu.

Hội mới xây dựng Chùa ở cổng vào nghĩa trang, do Chị Nga lãnh đạo có Bà quản tự trông nom hương khói cho ngôi Tam Bảo.

Khi đào đất lên gặp tấm bia đá lớn đề “Lã Đại Tướng Quân đời Trần”. Về sau Ông có nhập vào xác một “bà đồng” ở trong Chùa và bảo làm tượng thờ Ông.

Khi lập Chùa, bên trong chánh điện có tôn trí thờ :
1/. Tượng cốt Phật Thích Ca cao 01,40 mét
2/. Tượng cốt Phật A Di Đà (đứng) cao 01.50 mét
3/. Tượng cốt Bồ Tát Quan Âm (đứng) cao 01,30 mét
4/. Tượng cốt Bồ Tát Đại Thế Chí (đứng) cao 01,30 mét
5/. Tượng cốt Bồ Tát Địa Tạng (đứng) cao 01,40 mét
6/. Tượng cốt Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma (đứng) cao 01,30 mét
7/. Tượng cốt Ông Lã Đại Tướng Quân (ngồi) cao 01,45 mét,ngang 0,45 mét

Thế rồi sự việc xây Chùa cũng không đi đến kết quả gì. Ở Chùa chỉ có Bà Quản tự lo hương khói cho Phật. Đêm đến Bà thấy có “Ông Đen” từ đầu đến chân tự xưng là “Địa Tạng”, Ngài bảo đắp tượng Ngài đem để thờ ở ngòai sẽ hết.

Sáng sớm, Bà Quản Tự đem sự việc thuật lại cho Hội, Hội bảo : “Bà nói nhảm” làm gì có “Ông Phật Đen”, Bà bày chuyện…Thế rồi, cứ ròng rã ba đêm như thế, mà vẫn thấy hòai, Bà Quản Tự sợ quá đòi bỏ Chùa đi.

Người trong Hội Long Hoa bắt đầu suy nghĩ và tìm người để đắp tượng. Họ mời Ông Mai Lân, nhà Điêu khắc sư là nhà điêu khắc nổi tiếng .

Khi quý Ông, quý Bà Phật Tử đến tìm Ông Mai Lân (nhà điêu khắc Thế Hệ ở đường Phan Thanh Giản cũ) Ông cũng nói như vậy. Tôi đang chờ quý vị đến. Ông Đen còn cho biết bề cao là 3,35 mét, ngang vay 0,75 mét, đế cao 3 mét, vòng tròn 4,10 mét. Tới đó, mọi người mới tin là sự thật.

Thế là Hội Long Hoa bắt đầu đắp tượng Ông Phật Đen (Đức Địa Tạng), công việc bắt đầu từ năm 1971, việc đắp tượng có 6 vị. Ông Mai Lân cùng 05 Ông thợ nữa, đắp rồi hẹn 20 ngày sau ráp tượng. Đến ngày đem tượng ra ráp, ai cũng ngỡ ngàng vì tất cả không dính vào nhau.

Ông Mai Lân kiểm tra người lại mới cho nghỉ một anh và đưa vào một anh thợ khác. Đắp lần 2, sau 20 ngày đem ra, ai cũng mừng rỡ. Vì pho tượng láng bóng như có ai mài “đen tuyền”. Hai con mắt Ông mua 2 hột ngọc ở ngọai quốc. Mọi người mừng rỡ như thấy trong mộng.


Thế là thánh tượng được đem về nghĩa trang Đô Thành chọn 01 chỗ ở giữa để Ông đứng. Tượng được xe cẩu đem về đặt trên đế tròn 04,10 mét, cao 03,00 mét. Chuyện lạ khi xe cẩu đưa Ông để lên đế, tượng tự xoay về chính hướng Đông mà đứng, không hề có ai di chuyển. Cụm từ “Ông Phật Đen” có từ đây.

Từ khi thánh tượng “Ông Phật Đen” về đứng ở nghĩa trang Đô Thành, mọi chuyện về phần âm quấy rầy đều êm lặng (mọi việc ghi trên do Bà Quản Tự, Ông Mai Lân kể) và lúc bấy giờ Ông Mai Lân còn tặng cho tôi (Cô Mười Diệu Ngọc) 01 tượng Phật Thích Ca và Ông Di Lặc hóa hải mà Ông đang thờ bằng thạch cao, đem về nhà tôi thờ, hiện nay vẫn còn.

Thánh tượng “Ông Phật Đen” cũng gọi “Ông Địa Tạng Đen” có mặt ở dương thế từ năm 1971, bằng đá Itali, do điêu khắc sư Mai Lân mộng thấy và tạc thánh tượng y khuôn như trong mộng.
Thời gian trôi đi, cho đến ngày hòa bình, 30.04.1975, rồi từ việc tự hốt cốt thân nhân, hoặc do giải tỏa mà hốt cốt đưa vào thờ trong các Chùa. Rồi đến việc giải tỏa nghĩa trang Đô Thành (nghĩa trang Chí Hòa, còn gọi là nghĩa trang Quận 10), trong những năm 1984, 1985, 1986 huyền thọai về việc linh thiêng của “Ông Địa Tạng Đen” vang vọng khắp các Chùa ở Thành phố và Tăng Ni, Phật Tử đều biết. Nhiều Chùa xin thỉnh Ngài, nhưng Chính quyền thì cho, Mặt Trận tổ quốc thì không cho, cứ như thế bên được bên không và cuối cùng thì không cho phép đưa cốt tượng “Ông Địa Tạng Đen” về bất cứ ngôi chùa nào trong Thành phố. Rồi lại đem xe đến ủi, hoặc đập cho bể…nhưng tất cả mọi xe ủi đưa đến đều bị “chết máy”, không tới lui được ! Nhiều người bực mình lấy gạch, đá ném vào “Ông Địa Tạng Đen” khi về nhà đều bị bệnh…v.v..

Lúc bấy giờ, tôi là Phật Tử Diệu Ngọc, quy y tại Quan Âm Tu Viện – Biên Hòa vào năm 1967 là đệ tử của Hòa Thượng Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước, biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai và Sư Bà Huệ Giác (mọi người cũng gọi tôi là Cô Mười Solomon) tình cờ đi mua cây bên kia đường, đứng trên đống cây thật cao, thấy “Ông Địa Tạng Đen” tọa lạc sừng sững giữa khu đất trống gồ ghề và chỉ có mình Ông. Tôi buộc miệng nói : “có Ông gì mà đen trông rất tố hảo”

Vài hôm sau tôi về Quan Âm Tu Viện, sáng sớm Sư Phụ ra (Sư Bà Huệ Giác), nói : hôm qua có ai nhắc Cô Mười không biết có việc gì đây? - cô Thái pháp danh Diệu Rạng liền ra quỳ nói :”con thưa việc Tôn Sư chỉ định Cô Mười thỉnh “Ông Địa Tạng Đen” ở Quận 10 đem về Tu Viện”.

Câu chuyện như vầy :”cô Thái Phật Tử Quan Âm trình với Sư Phụ về việc Ông Địa Tạng Đen - Sư Phụ bảo :”Cô Thái phải về núi Dinh xin thỉnh ý của Đức Tôn Sư Mẫu Trầu”

Cô Thái nghe lời Sư Phụ đi núi thỉnh ý, được Đức Tôn sư bảo :”Sự việc nầy Cô Mười đen thỉnh được (Cô Mười đen hay Sơn mài) – đem về đặt ở giữa hai cây dương – Cô Thái trình với Sư Phụ - Sư Phụ ra lệnh Cô Mười Diệu Ngọc đi làm Phật sự thỉnh “Ông Địa Tạng Đen”.

Khoảng năm 1980. Sư Bà huệ giác có xin Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước xây dựng cái cốc ở giữa hai cây dương để sớm chiều chư Tăng có dịp đến thăm hỏi và được chỉ dạy. Nhưng khi làm móng thì Đức Tôn Sư bảo ngưng lại để sau nầy có việc. Thì ra hôm nay Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước bảo tôn trí “Ông Địa Tạng Đen” ở chỗ hai cây dương.

Hai hôm sau Sư Giác Quang làm văn bản xin phép Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và được Ông Chủ Tịch Tố Nguyên chấp thuận, được Bà Trần Thị Xuân Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân, Ông Đỗ Văn Tất, Chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Phường Bửu Hòa ký chấp thuận ngày 14.08.1986 cho phép rước thánh tượng “Ông Địa Tạng Đen” về tôn trí trong khuôn viên danh lam Quan Âm Tu Viện (các văn bản hôm nay Sư Giác Quang vẫn còn lưu trữ tại Quan Âm Tu Viện) .

Tôi đem tòan bộ giấy tờ đến Ủy Ban Nhân Dân Quận 10 và Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Quận 10 trình và được ký chấp thuận ngày 19.08.1986 giấy giới thiệu số 248/MT/GT,ngày 24.08.1986 để đưa tất cả 05 tượng Phật, gồm Di Đà, Quan Âm, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, Ông Lã Đại Tướng Quân và “Ông Địa Tạng Đen”, Ủy Ban Nhân Dân phường 25 ký chấp thuận ngày 23.08.1986. Quý vị còn bảo tôi phải qua trình Ban Đại Diện Phật Giáo Quận 10, Thầy Trụ trì Chùa Pháp Không (lúc bấy giờ gọi là Am Pháp Không)…tôi có đến trình, quý Chư Tôn Đức hoan hỷ chấp thuận.

Tôi lại về Quan Âm Tu Viện xin thỉnh ý Sư Phụ một lần nữa, bao giờ mới thỉnh tượng Ngài về ? - Sư Phụ Bảo : Ngày 19/07 Bính Dần (24.08.1986) đem về – hôm nay là ngày 17/07 âl (22.08.1986), chỉ còn có 2 ngày nữa.



Chiều ngày 18/07 Bính Dần (23.08.1986) lúc 15 giờ tôi chở cây ván 7x14, chạy lên Hóc Môn vận động chú Nguyễn Văn Đức và 5 Ông thợ hồ ở Hóc Môn, mỗi người cầm một cái búa, cái đục, đến tối tập trung mới đủ. Tôi lên nhang đèn, bông hoa dâng cúng Ngài, tụng kinh Phổ Môn – Đại Bi sáng đêm, khi nhìn ra phía sau lưng cả trăm người vừa khóc vừa lạy. Tôi nghe não lòng, trong bóng đêm chỉ có một đèn dầu tôi dùng để tụng kinh.

Bốn giờ sáng, chúng tôi khởi đục từ đài sen xuống 1,50 mét. Vòng tròn đế 4,10 mét để làm chuẩn. Khi đục hỡi ôi, Đục nhang lửa mà không thấm vào đâu cả. Sáu anh thợ hồ đổ mồ hôi nhễ nhạy. Riêng tôi thấy lo quá, đục không vào sâu được, trời càng sáng, người càng đông tòan là phản đối, không ai ủng hộ cả. Nhất là Phật Tử Chùa Pháp Không, Hội Long Hoa, Phân Hội Từ Hoa. Mãi đến 08 giờ sáng mới thấy được cây sắt bên trong. Tôi lo và khóc, lúc này 04 đứa con của tôi : Đỗ Thị Đan Thanh, Đỗ Thanh Tịnh (bộ đội), ĐỗAn Lạc (bộ đội), Nguyễn Đức Nghĩa, 2 đứa làm bộ đội, đến và dẫn theo trên 10 cháu bộ đội bạn đến đục phụ, đục mãi mà chưa thấy cây sắt bao lớn.

Ủy Ban Mặt trận Tổ Quốc Quận 10 hứa cho mượn 2 sợi dây thừng dài 30 mét và 01 xe cần cẩu lớn, 1 xe cần cẩu nhỏ. Nhưng chờ mãi cũng không thấy. Đến 10 giờ, Mặt Trận Tổ Quốc trả lời không có vì chủ xe sợ không dám đến. Tôi khóc nhìn xung quanh chỉ có 04 đứa con tôi, mấy chú bộ đội và 6 ông thợ hồ quen.

Thế rồi nhờ chư Thiên ủng hộ, cháu Hiển ở cạnh nhà tôi làm lơ xe đến, bảo tôi : Cô Mười về đi, Cô đụng tới “Ông Phật Đen” này chết bỏ 4 đứa nhỏ ai nuôi.Tôi càng tủi thân và bảo nó đi tìm 2 xe cần cẩu : 1 lớn, 1 nhỏ, 2 dây thừng dẹp và con lấy xe thùng của bố con rữa sạch đem lại cho Cô. Cháu Hiển đi 2 tiếng đồng hồ sau, điện thọai vô nhà gần đó nói nhu cầu của tôi có đủ. Nó đem xe thùng đến, tôi bảo con tôi kêu xe ba bánh chở hết nệm gối nhà mình đem lại để lên xe anh Hiển, để chở tất cả các vị Phật về Quan Âm Tu Viện trước. Tôi có yêu cầu quý Bà Phật Tử đi theo ôm tượng Phật, nhất là tượng Phật Thích Ca ngồi. Riêng Tổ sư Đạt Ma, Ông Hoán cho xe lam chở về Ông làm hư bể ở phần bụng và mấy tháng sau Ông phát bệnh qua đời.

Khi xe chở tượng Phật về Quan Âm Tu Viện, lúc trở về, như có phép mầu, quý bà lo nước uống, kêu gọi các anh em Phật Tử và nhân dân thay phiên nhau đục, lúc nầy không còn bị cản trở nữa. Tôi thấy vui và hết khóc, quyết tâm vượt qua. Khi ấy mới lộ ra cây sắt tròn đầu tiên 28 mm, lúc đó mọi người đem búa đục ở nhà đến cùng nhau đục.

Mấy vị thợ hồ của tôi lo đóng thùng bằng cây. Trời âm u mây che phủ nắng, thỉnh thỏang lác đát mưa rơi, như làm cho mát dịu tâm hồn mỗi người hiện diện. Trong không gian như có người đông, vô số kể phần âm, lúc bấy giờ dân địa phương và Phật Tử ở Chùa ra phụ làm hàng rào và phụ lực đục khối bê tông quá cứng và sau đó lòi ra được 62 cây sắt tròn. Cháu Triệu Văn Hiển trở lại với 2 xe cần cẩu và 3 sợi dây thừng dẹp, mọi việc biến chuyển tôi không ngờ. Chung quanh tôi không thấy bóng Phật Tử của Quan Âm Tu Viện tiếp viện phụ giúp một việc gì ! chỉ có các tài xế lơ xe cùng phụ. Lúc nầy tôi đã cười, các con tôi không còn sợ Mẹ chết nữa : “các cháu nói, con tưởng Ông Phật nhỏ, ngờ đâu thánh tượng “Ông Phật Đen” ngó ra sau hết ót mới nhìn thấy ! (tức là Ông Phật Đen lớn cao quá).

Chính quyền, Công an, Mặt Trận lúc nầy lại đến giúp hổ trợ tinh thần chúng tôi, giữ gìn an ninh và giúp đỡ bảo vệ tôi vô cùng.

Tới 17 giờ tôi kêu con tôi đi kêu 2 chay gió đá lớn, để chờ cắt sắt.

Với sự kinh nghiệm của người điều khiển 2 cần cẩu, họ đã chàng dây và buộc “Ông Phật Đen” lại. Đến khi thợ thổi gió đá cắt sắt tôi quá lo, sợ ngã “Ông Phật Đen”. Xe cần cẩu lớn giữ chân đế, xe cần cẩu nhỏ giữ đầu và mình Ông lại.

Đến khi cắt xong, đỡ Ông lên, trời ơi cây rớt ngổn ngang chỉ còn mình Ông mà Ông xoay tròn. Sau cùng để Ông nằm, đầu day ở phía tài xế. Nhưng đế nặng quá muốn lật xe. Lại một lần nữa chúng tôi hết hồn khi đưa Ông đứng lên quay đầu ra phía sau. Cả 2 xe cần cẩu muốn lật hết. Bây giờ thì Ông nằm yên đầu day về phía sau xe. Có rất nhiều anh em ở chung quanh đứng bảo bọc đầu Ông Phật, sợ có người lén đập phá !

Khi bắt đầu khép bững, 2 bên xe lớn pha đèn, cho xe nhỏ lăn bánh đi ra đường lớn, có rất nhiều người đi trước hướng dẫn, lấy đồ vật kê bánh cho xe qua những hố mộ đã đào, bỏ bừa bãi làm lún bánh xe. Xe chạy rất chậm, nhiều lúc Ông Phật bị tròng trành, muốn lật qua một bên. Nhưng rồi Ông Phật được đưa ra tới đường Lê Văn Duyệt thì ngừng lại, mọi người kiểm tra dây thừng và bánh xe. Tôi và cháu Đức đứng trên xe cả thảy 5 người, riêng chú Thọ thì về, các con tôi về, lúc xe lăn bánh đúng 19 giờ 40.

Rất nhiều xe chạy từ từ ở phía sau xe chở “Ông Phật Đen”, có trên 100 xe 2 bánh, 4 bánh lớn nhỏ đưa Phật hướng về ngôi danh lam thắng cảnh Quan Âm Tu Viện – Biên Hòa.

Trong không trung, không biết bao nhiêu tiếng rầm rộ của phần âm, những linh hồn nhẹ thoáng bước theo “Ông Phật Đen”, dưới bầu trời trong đêm đen nhưng thật trong sáng, gió càng lọng, đong đưa làm cho khí tiết giờ nầy thật mát mẻ, xe chạy càng xa, các lọai xe 2 bánh giảm dần…

Về tới ngã tư Xuân Hiệp, dốc Linh xuân, Thủ đức, vì đường nghiêng, Ông Phật cũng nghiêng, tôi sợ quá, tưởng lật xe. Qua đọan dốc đường nghiêng, tứ bề yên tĩnh, tôi nhìn lên thấy trăng mọc, xem đồng hồ đã hơn 22 giờ.

Đến Quan Âm Tu Viện, nơi tôn trí thánh tượng, mới hay Đức Tôn Sư(Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước)ở núi bệnh nặng, quý Sư lo đem Đức Tôn Sư xuống bệnh viện Nguyễn Trãi, nên Sư Phụ và mọi người đều phải theo xuống bệnh viện xem sao…không còn tâm trạng nào nữa để phụ đem “Ông Phật Đen” về Tu Viện.

Thật vậy, Tôi nghĩ khi về tới Quan Âm Tu Viện sẽ được vui mừng, nào ngờ mọi bề im lìm lắm. Có lẽ thời điểm nầy Giáo hội PGVN đang phát động “phong trào phát triển kinh tế nhà chùa” nên chư Tăng Ni trong Tu Viện đa phần đi lao động tăng gia sản xuất “trồng cây gây rừng” tại xã Long Phước, Phước Thái (Long Thành), số còn lại ở Tu Viện rất ít và vì mọi người đều bận rộn việc Đức Tôn Sư lâm trọng bệnh, nên việc tiếp rước “Ông Phật Đen” thật đơn giản. Vã lại, Thánh tượng “Ông Phật Đen” do nặng quá, không ai có sức mạnh, có thể kham nổi việc xây trở đưa liền thánh tượng lên vị trí. Do đó khi về tới nơi vẫn để nguyện trạng Ngài nằm trên xe cần cẩu cho đến sáng hôm sau.

Sáng lại, ngày 20/07 Bính Dần (25.08.1986), thánh tượng còn đang nằm trên xe , cùng với quý Sư Thiện Đức, Sư Giác Quang, Sư Thiện Trung, Sư Thiện Nghĩa, Sư Thiện Tâm, Thầy Châu (từ rẫy về), Thầy Thiện Cang những vị có trách nhiệm trong Ban trang nghiêm trùng tu Quan Âm Tu Viện, kết hợp một số Phật Tử Thiện Cần (Anh Tư Kiệm và gia đình), Anh Út Thuận (Tân Bản), Ông Tư Campuchia và con cháu (dốc chú Quả) giúp đỡ ý kiến, mướn thêm 01 xe cần cẩu và bá-lan ở địa phương cùng với chư Tăng, Phật Tử Tu Viện chung sức đưa thánh tượng đứng lên trên bục đế đã có thiết kế sẳn thật chắc chắn bằng bê tông cốt thép, nơi vị trí thánh tượng đứng vững vàng cho đến hôm nay.

Nói về bát nhang lớn, thì trước đó vào tối 19/07 Bính Dần tôi có nhờ xe cẩu lớn dở bát nhang chôn sâu khoãng 20 cm, dưới đế tòan là bê tông và di dời một đọan qua khỏi các hố cốt, để đến sáng 20/07 âl tôi cho đưa lên xe vào dễ dàng. Bát nhang nặng khoảng 350 kg.

Nên sáng ngày 20/07 âl tôi rời Quan Âm Tu Viện về ngay nghĩa trang Đô thành. Tôi thấy bát nhang khói bay nghi ngút, bà con Phật Tử lạy dưới đất, làm tôi rất xúc động. Tôi liền đi lên ngã ba Bà Quẹo mướn một xe lam chở bát nhang. Nhưng không vừa, nên phải mướn chiếc Daihasu để bát nhang mới vào. Tôi trở lại nghĩa trang Đô Thành, các cháu nhỏ bao quanh, khoảng 100 em, tôi chọn 9 em. Tâm tôi cầu nguyện cho các cháu giúp bê bát nhang lên được ! - Y như ý tôi muốn, bát nhang được đưa lên xe dễ dàng và tôi chở về Quan Âm Tu Viện. Quý Sư hỗ trợ đưa bát nhang xuống và tôi thấy thánh tượng “Ông Phật Đen” đang được bá-lan kềm giữ cho đứng thẳng thật vững vàng cho đến vài ngày sau khi ciment được khô cứng.

Rồi từ đó…cho đến 29 tháng 07, Bính Dần (03.09.1986) Đức Tôn Sư trở về Quan Âm Tu Viện lần sau cùng lúc 21 giờ 40, cũng có tôi từ bệnh viện Nguyễn Trãi cùng với quý Sư và một số Phật Tử đưa về.
Sau vài tiếng đồng hồ, Đức Tôn Sư đã mãn nguyện độ sanh, Ngài làm tròn vị Sứ giả Đức Như Lai, làm tròn hạnh nguyện làm con Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát 72 triệu ức nghìn thu, Ngài ra đi mãi, không trở lại với những đứa con ở trên đời gặp lắm nhiều chông gai gian khổ. Tôi nhìn trời mây giữa đêm đen, cất tiếng gọi Mẹ ơi, Mẹ ơi (Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước)với đôi dòng lệ âm thầm lăn xuống !

Ba năm sau ngày Đức Tôn Sư viên tịch, theo lệnh của Sư Bà Huệ Giác, tôi tiếp tục ủng hộ cho quý Sư Thiện Nhựt, Thầy Châu, Thầy Thiện Minh (hoa văn), Thầy Thiện Cang, Phật Tử Kim Chi và đông đảo Phật Tử tiếp tục lãnh nhiệm vụ đứng ra xây pháp tháp 4 mái, cấu trúc hoa văn rồng mây theo phong cách tôn giáo phương Đông và Tây Nam bộ, qua sự thiết kế của Sư Bà Huệ Giác thật đẹp đẽ, xứng đáng với thánh tượng “Ông Phật Đen”, xứng đáng đáp ứng nhu cầu công lao khó nhọc của tôi, các con tôi, cùng với sự góp phần của một số đạo tâm nam nữ Phật tử ở Thành Phố Hồ Chí Minh, Hội Phật Giáo Bắc Việt, Hội Phật Tử Long Hoa, Chùa Pháp Không và Phân hội Từ Hoa.

Hằng năm, trước lễ Vu Lan tháng Bảy, tôi có nhờ Sư Thiện Nhựt, hoặc cho các con tôi về Quan Âm Tu Viện để quét sạch bụi, sơn phết, tôn tạo cho mới lại thánh tượng, để cúng rằm, rước vía Địa Tạng vào ngày 30/07 âl và cũng là những ngày cúng húy kỵ Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước và theo tôi được biết thì năm nay sẽ tổ chức lễ húy kỵ Đức Tôn Sư vào các ngày 27,28,29,30/07 và mùng 01/08 âl năm Kỷ Sửu.

Đây là sơ lược hồi ký việc làm của Cô Mười đen hay Cô Mười Sơn mài, pháp danh Diệu Ngọc. Viết ít sự thật còn nhiều hơn nữa.

Phật tử Võ Thị Mười, pháp danh Diệu Ngọc

Viết ngày mùng 01/07 Kỷ Sửu, tức ngày 20/08/2009
đến ngày 04/07 Kỷ Sửu, tức ngày 23/08/2009

Phật tử Võ Thị Mười



Có phản hồi đến “Quan Âm Tu Viện Giai Thoại Về Sự Linh Hiển Đầy Nhiệm Màu Của Tháp Địa Tạng Đen”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com