Mục Lục
Hằng năm, đến những ngày nầy thì toàn thể hàng giáo phẩm, chư Tăng Ni, Phật Tử Non Bồng đều nhất tâm hướng về và chuẩn bị tổ chức lễ húy kỵ lần thứ 31 đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức, Chứng Minh đạo Sư Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Người đã hoằng truyền pháp phái tu niệm Phật từ năm 1930 tại miền Tây Nam phần Việt Nam, rồi sau đó năm 1955 được truyền thừa về miền Đông và được xương minh cho đến hôm nay.
Những long tượng của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng là những vị được kính tôn bậc đạo sư đã khai sinh một viềng mối Tịnh Tông, hội nhập cùng với các môn hệ, kế thừa chánh pháp Thích Ca Mâu Ni, chư lịch đại Tổ sư, vừa trợ duyên cho công cuộc hoằng hóa của Phật Giáo Việt Nam.
Đã trên 70 năm rồi, dù trải qua nhiều gian lao khó khổ, nhưng các các bậc cao Tăng trong Tịnh độ Non bồng vẫn nhẹ nhàng lướt thuyền từ trên đại dương cuộc đời và đã thành công trong Phật sự hoằng pháp lợi sinh, tế tăng độ chúng…
Chúng tôi Ban sử liệu xin giới thiệu đến các bậc Thiện tri thức, Chư sơn, quý Thiện hữu Phật tử độc giả về hành trạng của Đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức, bậc đạo sư Tịnh độ Non bồng để cùng góp phần vào văn học sử Phật Giáo Việt Nam.
I . KHƠI NGUỒN :
Phật giáo đã truyền vào Việt Nam vào khoãng năm 240 trước Tây lịch. Một cơ hội truyền đạo thật sương thạnh lúc bấy giờ tại kinh đô Luy Lâu (miền Bắc Việt Nam). Kể từ đó đến nay chư lịch đại Tổ Sư tiền bối truyền đăng tục diệm , thừa kế chánh pháp Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni có các Ngài Mahula, Khưu Đà La, Khương Tăng Hội, Mâu Bác, Pháp sư Đỗ Thuận, Quốc sư Khuông Việt, Thiền sư Vạn Hạnh, dẫn đến nhiều vị Tổ sư là những bậc long tượng có công hoằng truyền giáo pháp Phật hoặc thiền hoặc tịnh, đã lèo lái con thuyền chánh pháp đi khắp nơi trên khắp nhân gian, phục hưng chánh pháp như : Tổ sư Vĩnh Nghiêm, Tổ sư Tuệ Tạng, Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, Tổ sư Liễu Quán, Tổ sư Viên Thành, Tổ sư Huệ Quang, Tổ sư Khánh Hoà và Chư Sơn Thiền Đức cận đại như Đức Đại lão Hoà Thượng Pháp Chủ Khánh Anh, Ngài Hành Trụ, Đức Bồ Tát Quảng Đức, Ngài Thiện Hoa, Ngài Thiện Hoà, Ngài Trí Thủ, Ngài Trí Tịnh, Ngài Huệ Hưng…từng trãi nghiệm qua bao thăng trầm thử thách, khi ẩn, khi hiện, khi thì xử sĩ, lúc thì nhập thế tuỳ theo hạnh nguyện độ tha và tùy thời duyên vận nước thủy triều mà an bày chánh pháp nơi dòng sông sanh tử.
Các Ngài luôn đem ánh sáng chơn lý đạo Phật vào cuộc đời, cũng có lúc đưa chánh pháp ẩn dật chốn cùng cốc thâm sơn, các Ngài đều có đủ phương tiện để duy trì chánh pháp. Từ đó đến nay trên 2.000 năm, Đạo Phật đã trở thành truyền thống đạo đức cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Công lao của các Ngài thật là vô tận !
Tuy nhiên, vì tùy theo công hạnh hoằng hóa, nên mỗi vị đều có một cơ đồ đạo nghiệp riêng, tạo thành một hệ phái riêng mà độ chúng. Vì vậy mỗi một môn phong, pháp phái đều có hệ thống quy cũ riêng, để làm phương tiện gieo duyên, cổ xúy ánh đạo Đức Thế Tôn, an tâm cho người con Phật khi họ phát tâm đến với giáo pháp giải thoát. Trên nhiều phương tiện độ tha, các Ngài không chùn bước trước những chông gai nhiều thử thách, dù phải trải qua nhiều phân thân để diệt độ những phiền trược của chúng sanh, dù tán thân mất mạng nhưng vẫn nhẹ nhàng lướt gió tuông mây trên bước đường hoằng pháp lợi sinh, không hề mệt mõi…
Không phải chỉ có ở Au Châu, Mỹ Châu, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản hay những Trung tâm học Phật lớn ở thành thị của Việt Nam mới có những bậc chân tu thật đức xuất hiện. Mà thế gian nầy còn có rất nhiều bậc chơn tu sống mai danh ẩn tích, dùng phương tiện quyền thừa độ tha, đã làm tròn sứ mạng thiêng liêng mà liệt Tổ liệt Tông giao phó.
II . HÀNH TRẠNG ĐỨC SƯ ÔNG BỬU ĐỨC :
Sau ngày xây Tháp điện tròn xong, từ năm 1975 chư Tăng Ni, Phật Tử mới hiểu biết về hành trạng của Đức Sư Ông thượng BỬU hạ ĐỨC là bậc đạo sư xương minh Tịnh độ, thừa nhận pháp môn niệm Phật làm tâm tông kể từ khi xuất thân tu học, hành đạo 55 năm qua.
Đức Sư Ông thượng BỬU hạ ĐỨC tên thật là Phạm Văn Vị, sinh năm 1880 tại làng Vĩnh Chánh, tỉnh Long Xuyên, một nơi được coi là vựa lúa của miền Nam, là trung tâm của nhiều học phái, đạo giáo xuất phát, là nơi xuất sanh những ngôn từ có nhiều âm thanh “hồn Việt” cũng là vùng có nhiều núi non hùng vĩ, huyền bí…
Xuất thân từ một gia đình nông dân tu Phật, thú hướng tu học giáo lý Phật-đà, dù Ngài thuộc tu sĩ học phái Bửu Sơn. Quanh năm, ngoài công việc đồng áng, tuy còn ở thế tục nhưng Ngài đã phát tâm hành pháp khổ hạnh, chuyên trì danh hiệu Phật A Di Đà, nghiên tầm kinh sách dạy về Pháp Môn Niệm Phật để học hỏi và làm phương tiện thuyết giảng cùng với hàng Phật tử đồng tu.
Năm 1920. Đức Sư Ông tự nguyện xuất gia hành đạo nối gót các bậc tổ đức tiên sinh tiền bối , tự mình phát tâm quy kính nương về với Tam Bảo và cầu Pháp với Đức Bổn Sư Núi Tượng; tại núi Tượng, xã Ba Chúc, huyện Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc. Trên lưng chừng núi non hiểm trở, hoang vu Ngài dựng một Am lá đơn sơ dùng làm nơi tịnh niệm, ngày thì canh điền tác rẩy, để có phương tiện đời sống đạo nuôi thân, đêm về am thanh cảnh vắng, giữa chốn tịch dương sôi kinh nấu sử, bái sám tịnh niệm, và cứ như thế Ngài tấn tu tịnh nghiệp không hề nhàm trể. Sư Ông Bửu Đức rất tiết độ về ăn uống, ngày chỉ ăn một ngọ trưa, vì muốn cho thân xác được nhẹ nhàng, nên khi ăn, chỉ ăn lường một bát cơm, để vừa đủ nuôi thân mà thôi.
Đức Sư Ông dạy: “ Trường chay phải tuyệt dục, muốn dứt được dục tính, trước nhất phải tiết giảm việc ăn uống, nhất là ăn uống phi thời, ăn quá độ…”
Năm 1923, nhận thấy sự tu hành khổ hạnh và hiệu quả, nhưng rất khiêm tốn của Đức Sư Ông, các Phật Tử khắp nơi từ vùng Saigon, miền Đông đến miền Tây vân tập về học đạo như : Cụ Sáu Muôn, Cụ Năm Trầu, Cụ bà Đinh Thị Hy, Ong Ba Bồ Đề và nhiều Phật tử khác thường lui tới nghe Sư Ông giảng dạy về giáo pháp Tịnh Độ Tông. Lúc bấy giờ vì nhu cầu nuôi chúng Ngài quyết định xây dựng một nền đạo pháp thật chắc chắn lâu dài với một ngôi Am tự, hiệu là Bửu Quang và do Ngài làm chủ Am. Từ đây, Ngài còn lập thêm một hạnh lành nữa là làm việc từ thiện xã hội, cứu nhân độ thế, bốc thuốc Nam độ bệnh cho nhân dân bá tánh, giúp đỡ cho những người nghèo khó trong cơn đau yếu, gặp phải những lầm than tai biến của chiến tranh Việt Pháp đang dày xéo quê hương, với việc làm này đã an ủi, chở che sưởi ấm một phần nào khổ đau nghèo khó cho người dân quanh vùng.
III . HỘ ĐẠO :
Năm l940, Am Bửu Quang bị giặc Pháp đốt phá, Sư Ông và các môn đệ không còn tu hành tại núi non, Phật tử Đinh Thị Hy rước Ngài về cầu số 1, Thị xã Rạch Giá, các môn đệ cũng được mời về đây tiếp tục làm việc từ thiện bốc thuốc Nam, cứu bệnh hướng dẫn người tu hành tế tăng độ chúng.
Năm 1943, có một Đạo nhân tướng hảo quang minh, thật phi thường vị thanh niên có trên 20 tuổi, mặc y phục cổ truyền đến vấn an hỏi đạo cầu Sư Ông an tâm :
- Đạo nhân nói : “ Thê tử đã qua đời, con quá khổ tâm, mong nhờ Ông Ba giải khổ…?
- Sư Ông đáp : “ Ông là người có sứ mạng cao cả với Phật pháp, không việc gì phải bận tâm phiền trược, khổ đau. Ông nên xuất gia tu hành hoá đạo, chúng sanh đang chờ, tôi hứa sẽ là người đầu tiên ủng hộ cho Ông…”
Vị Đạo nhân liền xá chào từ giả Sư Ông ra đi và làm theo lời sách tấn của Sư Ông. Đến năm 1944, vị Đạo Nhân đó trở lại thăm Sư Ông, lúc bấy giờ trên mình mang pháp phục đại y. Sư Ông liền bảo: “ Từ đây đạo lành của ông rất tỏ rạng, nhưng trên đường hành đạo, Ông đừng bao giờ nhắc đến danh tánh của tôi, tôi và các môn đệ của tôi trong tương lai sẽ là người ẩn mình hỗ trợ cho Ong hóa đạo, tình nghĩa Thầy trò chỉ gặp nhau bằng đạo Tâm mà thôi…” (nguyên văncủa Đức Sư Ông thuật lại hồi năm 1962 khi Đoàn Du Tăng chúng tôi đến thăm Ngài tại núi Trà sư, Tịnh Biên ). Thì ra ai mà biết được vị Đạo nhân tướng hảo quang minh đó sau nầy là Tổ sư Minh Đăng Quang, người sáng lập Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam !
HT Thích Giác Quang