Mục Lục

Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng THIỆN hạ PHƯỚC húy NHỰT Ý, dòng LÂM TẾ thứ 41, Tông chủ môn phong pháp phái LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG (1924 – 1986)
• Khai sơn hệ phái LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG.
• Sáng lập Phật Học Đường TÂY PHƯƠNG BỒNG ĐÃO (1962 – 1980)
• Sáng lập Phật Giáo Từ Thiện Xã Hội miền Đông.
• Đại Biểu Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông miền Đông Nam Bộ.
• Chứng minh Đạo sư các chùa Tổ Đình Linh Sơn, Quan Âm Tu Viện, Long Sơn Cổ Tự,
Nhứt Nguyên Bửu Tự, Chùa Long Phước Thọ, Bửu Hoa Ni Viện và Tam Thiện Tự.
• Sáng lập Tịnh Xá Thắng Liên Hoa, Xã Hiệp Hòa, Thành phố Biên Hòa.

Để tiếp nối dòng pháp truyền thống chơn lý Phật Giáo trong khoãng nối thế kỷ 20 nầy.Với một công trình xây dựng thể hiện lòng đại bi của Bồ Tát lợi tha, nối chí cùng tiền nhân, thừa kế bảo trì nền chánh pháp chính chân của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Dùng phương tiện quyền thừa tiếp dẫn chúng sanh tiến bước, nối chí công hạnh chư Tổ đức, khai thông chơn lý Phật Pháp tối thắng phương tiện PHÁP MÔN NIỆM PHẬT là siêu thắng; một pháp môn tu thật phù hợp, khế cơ, khế lý, đúng theo lời huyền ký của Đức Bổn Sư và Chư Đại Bồ Tát : “ Trong đời mạt pháp, không gì hơn Pháp Môn Niệm Phật . . .”

Kinh qua những đạo hạnh chân chính đó, Hòa Thượng Tôn Sư của chúng ta đã mãn nguyện độ sanh, hoằng dương chánh pháp : “Ngài đã viên mãn báo thân trên hành tinh này , Ngài đã hoàn thành nhiệm mệnh hóa tha độ chúng trên đất nước Việt Nam , cũng như đối với hàng giáo phẩm Tăng Ni, Phật Tử trong Tông môn LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG. Từ đây Ngài không còn hiện diện trên trần thế, để lại cho chúng ta một mất mát to lớn hơn bao giờ hết, một nỗi niềm thương tiếc không bao giờ nguôi.

THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP

Hòa thượng Tôn Sư tên thật là Lê Minh Ý, vì nạn chiến tranh Việt – Pháp nên cải tự là Lê Văn Mười. Tôn Sư sinh ngày mùng 01 tháng 07 năm Giáp Tý (1924), hồi 06 giờ sáng, nhằm tiết Đại thử tại thôn Nhật Tảo, làng An Nhựt Tân, quận Thủ Thừa, tỉnh Long An. Thân sinh là Cụ Lê Văn Đẩu, nhà nho giáo uyên thâm, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Hoạt, là một người hiền đức gia phong nề nếp.

Đời Ngài tuy thuộc gia đình nông dân, nhưng có nếp sống kỷ cương gia giáo, bất hạnh vì mẫu thân mất sớm, chỉ còn thân phụ và anh, chị, em gồm 09 người; mà nay cũng đã qua đời, còn Ngài thứ mười, nên Ngài là con út. Được thân phụ thương mến cho ăn học và dạy truyền pháp tắc nhân đạo, gia phong nho giáo thuần túy cho Ngài.

Thuở nhỏ, đã có căn lành duyên tốt, ý chí thoát ly khỏi gia đình tìm chơn lý Phật Pháp sớm nở trong lòng son trẻ. Từ những năm 16 đến 19 tuổi, Ngài đã vân du non nầy núi nọ, hết chùa nầy sang Am, Tự khác tìm Thầy hỏi đạo vấn tu về pháp môn Niệm Phật để tập làm người xuất gia. Nhưng sau đó năm 19 tuổi vì nghĩa hiếu trung, nghe lời thân phụ lập gia đình để kế thừa gia môn cùng con gái nhà họ VÕ là Bà VÕ THỊ HẦU, con của Cụ Ông VÕ VĂN CHỨC và Cụ Bà NGUYỄN THỊ THỜI cũng là gia đình đạo đức hiền lương ở tại Tân Trụ, Thủ Thừa, Long An (sau này khi tu nên Đạo, Tôn Sư đã tiếp độ được nhạc phụ, nhạc mẫu và thê tử quy y với Ngài, xuất gia làm Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni. Ngài cũng độ được thân bằng quyến thuộc nội, ngoại, cháu con và chính nơi quê hương xứ sở bạn bè, bà con láng giềng tín ngưỡng Quy y làm Tăng, Ni, Phật Tử với Ngài rất đông đảo). Vì thế ý xuất gia của Ngài bị ngăn lại.

Sau khi sanh được một gái đầu lòng, thân phụ rất vui mừng, rồi Cụ Ông cũng qua đời. Cha già, con muộn, cháu ít oi, tuy hệ phược gia đình, nhưng chí xuất tục thoát trần lúc nào cũng sống mạnh trong tâm hồn của bậc chân tu đức lớn, nên ngày rày mai đó tham vấn học Phật, khai hóa giảng đạo, mở khóa cầu an, cầu siêu, làm các công đức lành, giúp đở cho bá tánh, bá gia khi hữu sự. Có khi Ngài tập tu khổ hạnh, ăn ngọ cả năm, tu tịnh khẩu suốt năm, có khi Ngài phát nguyện đưa đò không lấy tiền để giúp những dân quê nghèo khó, thêm lâm nạn chiến tranh đói khổ, và lấy công đức nầy làm gia hạnh cho cuộc sống đạo qua tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát.

Tôn Sư luôn phát khởi làm tất cả công đức lành, như bố thí xả thân làm việc từ thiện, bắt cầu, bồi lộ, khuyến tu. Với những công đức nầy, Ngài chỉ mong mõi hồi hướng cho việc xuất gia, làm nên việc lớn. Nhưng rồi, với chí nguyện làm Phật cũng không đến được, bởi chiến tranh bộc phát.

SỰ NGHIỆP VỚI DÂN TỘC

Năm 1945, sau khi thân phụ từ trần, Ngài sống với gia đình và 03 người con gái, trong một hoàn cảnh túng thiếu phải chịu nhiều khó khổ, làm ăn vất vả, tay lấm chân bùn, nhưng Ngài vẫn trường chay, lập hạnh tu cư gia. Lúc đó tiếng gọi của quê hương đất tổ. Những người dân Việt cần cô động tinh thần đoàn kết, vùng lên để chống thực dân xâm lăng dày xéo Tổ Quốc, nên Ngài phải gác lại chí xuất gia làm Phật, tự nguyện thoát ly đứng vào hàng ngũ nhân dân vùng lên kháng chiến chống Pháp.

Mới đầu nhận nhiệm vụ giao liên ở Xã, tiếp đến được kết nạp đưa lên Huyện, Tỉnh rồi về Khu, sau đó đưa vào BAN QUÂN BÁO NAM BỘ mật khu Saigon – Chợ lớn với chức vụ Giao liên hỏa thực – Quản lý văn thư phòng tham mưu Ban Quân Báo Nam Bộ. Ngài được kết nạp Đảng do đồng chí Lê Minh Xuân và đồng chí Mười Ri (tức Đại Tá Bác Sĩ Hoàng Lan), hai vị nầy hiện nay vẫn còn sống. Lúc bấy giờ, Ngài có bí danh là Hùng Sơn và theo bảo vệ Đoàn Xứ Ủy Nam Kỳ của Vương Quốc Chínhđưa đoàn tập kết ra Bắc, riêng Ngài vì mang bệnh nên được phân công ở lại miền Nam.

Năm 1954, bị địch truy nả gắt gao, Ngài phải lẫn trốn về miền Tây ẩn náo Chùa Bửu Quang, Núi Dài, Văn Liên ( Châu Đốc), đây là ngôi Chùa cổ, truyền thừa Pháp môn niệm Phật Tịnh Độ, cổ xúy tinh thần nhân bản dân tộc.

TU HỌC VÀ HÀNH ĐẠO

Cơ duyên học Phật đã đến, gặp được Thầy lành, Ngài được học pháp môn Tịnh độ niệm Phật với ĐỨC SƯ ÔNG thượng BỬU hạ ĐỨC. Sau tám tháng tu hành, công phu công quả, nhân một hôm Ngài được diện kiến với Đức Sư Ông, Ngài thưa hỏi : “Bạch con muốn được giống như Đức Ông Ba …” – Sư Ông đáp : “muốn thì được”..! chỉ có một câu nói giản đơn, nhưng hàm ý sâu xa cho cơ đồ Phật pháp trong tương lai – Chính Ngài là đệ tử tâm đắc của Đức Sư Ông, được ấn chứng gia truyền tâm pháp, Sư Ông dạy: “nên về miền Đông hành đạo, về sau sẽ được công viên quả mãn…”

Năm 1956 về Biên Hòa, sống ẩn dật tại Long Sơn Cổ Tự (Tân Ba, Tân Uyên, Bình Dương) tham vấn cầu pháp với Hòa Thượng Hồng Ân – Trí Châu và trở thành môn đệ của dòng Lâm Tế Chánh Tông, thứ 41 từ đây. Nhưng cũng năm nầy, bị tình nghi ẩn náo để hoạt động Cách mạng nên bị nhà cầm quyền sở tại thẩm vấn, sau nhờ các Phật tử Nguyễn Thị Mỹ, Pháp danh Diệu Ý (năm 1969 trở thành một Sư cô chân tu thật đức), Ông Quận Hườn (Quận trưởng quận Châu Thành Biên Hòa), Ông Cò Hương, Ông Bà Ban Kiết và nhều Phật tử khác có uy tín tại Biên Hòa rất kính ngưỡng Ngài, nên đứng ra bảo lãnh được trả tự do, nhưng phải bị trục xuất ra khỏi tỉnh Biên Hòa.

Tại xứ Tân Ba, nơi hóa đạo đầu tiên, Ngài tiếp nhận môn đệ xuất rất đông, trong đó có vị đệ tử ngày nay là Trưởng tử Ni Sư Huệ Giác, người con hiếu đạo, người đệ tử trung thành chung lo xây dựng đạo pháp cho đến khi Tôn Sư viên tịch, và chính Ni Sư cũng là người Trưởng tử thừa kế đạo nghiệp của Tôn Sư trong Tông Môn LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG.

Sau khi bị trục xuất ra khỏi tỉnh Biên Hòa, Ngài đăng sơn ẩn dật tại Điện Phổ Đà, thuộc TỔ ĐÌNH LINH SƠN TỰ, Núi Dinh, Bà Rịa, nay là huyện Châu Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Tổ Đình Linh Sơn Tự nằm trong lòng núi non bao la hùng vĩ, ngôi Chùa là một cổ tự có truyền thống trên 200 năm, Thầy Chủ Tự (tức Ngài Yết Ma Sở) nhận thấy đạo hạnh uy nghi,đức độ khả phong của Ngài, đáng làm gương mẩu cho đạo pháp và Tăng Ni, đại chúng Phật tử trong tương lai, nên quyết định giao Tổ Đình Linh Sơn cho Tôn Sư làm trụ trì vào năm 1957. Để phát huy truyền thống Đạo pháp và Dân tộc, Tôn Sư thể hiện Chơn lý trước tiên qua các Phật sự khẩn hoang, truyền thừa pháp môn tu khai sơn pháp phái, trùng hưng Chùa cũ, tu bổ Chùa hư nền sập trở lại khang trang tốt đẹp.

PHẬT GIÁO TỪ THIỆN XÃ HỘI

Kiến tạo một công đức lớn đầu tiên là Đức Tôn Sư thành lập PHÂT GIÁO TỪ THIỆN XÃ HỘI MIỀN ĐÔNG, giữa cảnh non bồng nước nhược, hàng hàng lớp lớp Tăng Ni, Phật tử kính phục sự giáo hóa của Ngài, phát bồ đề tâm theo Tôn sư vừa tu vừa làm việc phục vụ từ thiện xã hội. Năm 1961, Ngài thành lập cô nhi viện PHƯỚC LỘC THỌ, nuôi cô nhi quả phụ, trẻ em tàn phế, tâm thần, bệnh hoạn bẩm sinh . . . Với cơ sở PHƯỚC LỘC THỌ, trong đó còn đùm bọc bao che, nuôi dưỡng gia đình con em Cách mạng, những thành phần gia đình trong và ngoài đạo Phật gặp khó khăn . . . Ngài đều tiếp độ cho vào Phật đạo, để vơi đi những nỗi khổ ở trần gian.

Với Phật sự trên đây là một đại nguyện của Đức Tôn Sư, nắm bắt hạnh lành bi nguyện của chư Đại Bồ Tát ngàn xưa, chư Thánh Tăng trong quá khứ đã từng thực hiện, và xem như Ngài là người kế thừa sự nghiệp, góp phần mang lại sự sống bình đẳng cho con người, cho Tổ quốc, dân tộc và chung cho chúng sanh. Cô nhi viện Phước Lộc Thọ lúc bấy giờ thu nhận có trên 200 cô nhi và quả phụ, người già yếu khó khăn về nương.

SỰ NGHIỆP ĐÀO TẠO TĂNG NI

Tôn sư dạy : “ Trong ba môn Văn, Tư, Tu, thuộc vể trí huệ môn, có nghe pháp thì trí thông tuệ sang, có tư duy chính chắn thì việc hành đạo đúng chánh pháp, có tu tập thiền tụng, niệm Phật mới thể hiện được hạnh lành, thực tiển phổ hóa quần sanh. Người Thích tử phải thực hiện tu tập đầy đủ ba môn Văn Tư Tu, vì chính đó dẫn đến chứng nhập vô trụ xứ Niết Bàn . . .”

Với lời dạy ngàn vàng của Đức Tôn Sư đã từng làm cho hàng Tăng Ni trong tông môn vượt qua mọi khó khổ suốt 50 năm tu học hành đạo. Đấy là một đại lộ chánh pháp xuất phát từ PHẬT HỌC ĐƯỜNG TÂY PHƯƠNG BỒNG ĐẢO mà hàng Giáo phẩm Tăng Ni Tổ Đình Linh Sơn cũng như trong tông môn ngày nay xuất thân từ đó và trưởng thành trên bước chân hoằng pháp lợi sanh.

Phật Học Đường TÂY PHƯƠNG BỒNG ĐẢO được Đức Tôn Sư sáng lập ngày mùng 08 tháng tư năm Nhâm Dần (1962). Ngài rước các Giáo sư thuộc đệ tử của Đức Pháp Chủ KHÁNH ANH, chư Tôn Đại Đức Giáo thọ sư Tăng Ni thuộc Giáo hội Tăng già Nam Việt, Giáo Hội Tăng Già Khất sĩ, cũng như chư Tăng, Ni trong tông môn cộng tác giảng dạy. Phật Học Đường đã tụ hội trên 300 Tăng Ni sinh tùng học. Ngày nay các hàng Giáo phẩm Tăng Ni xuất thân từ Phật Học Đường TÂY PHƯƠNG BỒNG ĐẢO được du hóa khắp nơi trong nước với danh hiệu GIÁO ĐOÀN DU TĂNG KHẤT SĨ NON BỒNG, có vị vẫn còn trung thành với bước chân Du Tăng hành đạo, số đông chư Tăng Ni trở thành Viện chủ, Trụ trì khắp Trung, Nam phần Việt Nam. Ngoài ra, còn có những Tăng Ni có chí hướng, mang ý thức mới đang tham gia làm việc trong các Tỉnh hội, Thành hội của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, cũng như trong các trường Cao Cấp Phật Học, Cơ Bản Phật Học của Giáo Hội.

Phật Học Đường Tây Phương hoạt động cho đến năm 1980 thì giải thể theo chủ trương chung, để cùng nhau bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “ Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam. . .”

PHẬT NẠN

Tổ Đình Linh Sơn Tự lúc bấy giờ thuộc khu hậu cần của Giải Phóng Quân, nên hằng tháng Tổ Đình ủng hộ lương thực cho bộ đội, phân công người đi mua lương thực, thuốc men, nấu cơm ủng hộ bộ đội Giải Phóng, cho mượn cơ sở Chùa để anh em cách mạng học tập. Năm 1962 đến 1965 Tổ Đình Linh Sơn cũng là nơi chốt bàn đạp đường dây liên khu 5 Biệt Động Thành, công tác hoạt động Thành Đoàn . . .những vị từng có mối liên hệ chặt chẽ tại Tổ Đình Linh Sơn hiện nay vẫn còn sống như Hòa Thượng Thích Hưng Từ, cô Năm Khéo, cô Ba Xuyến, chú Năm Bê, chú Bảy Hô. .

Trong bản báo cáo của Phật giáo huyện Châu Thành tại buổi lễ ra mắt Ban Đại Diện năm 1983 đã nói rõ : “. . . Ở núi Dinh tại Chùa Linh Sơn, Nhà Sư THÍCH THIỆN PHƯỚC nay vẫn còn sống đã tổ chức nuôi dưỡng Tăng Ni chúng trên 600 vị một số trẻ mồ côi, đồng thời ngấm ngầm tổ chức lực lượng hậu cần đắc lực cho kháng chiến, như giao liên, cứu thương anh em giải phóng và những công tác quan trọng khác . . .”

Với những lẽ trên, trong khoãng các năm 1963,1964 Tổ Đình Linh Sơn luôn bị bom đạn ô píc bắn phá dữ dội. Tất cả những cơ sở chính của Chùa, như Chánh Điện, cơ sở Phật Học Đường, Cô Nhi Viện, Trại tu dưỡng, Am, Thất, Điện. . .đều bị thiêu hủy 100% trong một trận càn quét của phản lực cơ F5 vào lúc 10 giờ 30 ngày 30 tháng 07 năm Ất Tỵ (1965).

Chiến tranh không từ nan với một ngôi Cổ Tự và trên 600 Tăng Ni của Tôn Sư, có 30 Tăng Ni và Phật tử, Cô nhi bị thương tích nặng (những nhân chứng đó ngày nay vẫn còn sống), 12 Tu Sĩ và Cô nhi bị thiệt mạng (di tích đau thương còn lưu lại tại các ngôi mộ trước chùa Tây Thiên, Cầu Rạch Ván, xã Hội Bài, huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu).

Bị tai nạn đớn đau và thiệt hại con cháu, môn đệ quá nhiều, nên Đức Tôn Sư cùng toàn thể Tăng Ni, Phật tử tản cư về Biên Hòa, đầu tiên tạm ở Chùa Phổ Hiền (xã Tân Thành) rồi đến tịnh xá Thắng Liên Hoa (xã Hiệp Hòa), một số tản cư về Chùa Nhứt Nguyên Bửu Tự ( xã Vĩnh Phú, Lái Thiêu), Tịnh xá Thiện Chơn (Bà Điểm), Chùa Phước Thiện An ( xã Tân Thới Hiệp,quận Hốc Môn ). Đến năm 1966, chiến tranh bùng nổ khắp nơi, Tôn Sư chỉ đạo cho Trưởng tử Ni Sư Thích Nữ Huệ Giác và tập thể đứng ra xây dựng ngôi QUAN ÂM TU VIỆN để có nơi chổ tôn nghiêm cho chư Tăng Ni tu học hành đạo và tiếp tục thực hiện Phật giáo Từ Thiện Xã Hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người già yếu . . .

BƯỚC CHÂN HÓA ĐẠO

Những nơi Đức Tôn Sư thường trụ để giáo hóa đạo pháp, như : Tổ Đình Linh Sơn, có công khai sơn môn phái LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG, khẩn hoang, trùng hưng tô điểm, làm đẹp tòng lâm thắng cảnh Bồng Lai Núi Dinh. Tuy bi chiến tranh tàn phá nhưng những nét đẹp vẫn còn lưu dấu. Hiện nay ngôi Tổ Đình cũng được sửa sang di tích đôi phần khang trang.

Rồi Ngài đến xây dựng Nhứt Nguyên Bửu Tự để xương minh Tịnh độ, xiển dương chánh pháp. Hàng năm nơi đây vào ngày mùng 08 tháng 08 âm lịch có mở khóa niệm Phật “BÁ NHỰT TRÌ DANH” cầu sanh Tịnh độ cho đến ngày 17 tháng 11 âm lịch, ngày vía Đức Phật A Di Đà bế giảng khóa niệm Phật.

Năm 1985, Ngài về Chùa Phổ Hiền ( xã Tân Thành) giáo hóa, vân tập môn đệ hoằng truyền giới luật để cũng cố lại Tăng Đoàn trên bước đường du phương hành đạo tại trần thế.

Tôn Sư có công lớn trong việc trùng tu ngôi Long Sơn Cổ Tự( xã Tân Ba, Tân Uyên) bị hư sụp nhiều lần được trang nghiêm tốt đẹp để báo đáp Ân Sư cầu pháp là Hòa Thượng Thượng Hồng Ân – Trí Châu. Sau khi Hòa Thượng Ân Sư viên tịch, Ban Tế Tự, đứng đầu là Cụ Đốc Mã Sấm ở địa phương nhớ công đức Ngài, nên làm giấy giao Chùa. Ngài liền ủy quyền lại cho môn đệ là Thuợng Tọa Thích Huệ Tâm về Trụ trì lo cho trăm họ tu hành.

Tịnh xá Thắng Liên Hoa (xã Hiệp Hòa) được chính đích Tôn Sư xây dựng. Tịnh xá nằm ven bờ sông Đồng Nai, (bến đò Long Kiểng), cũng là một ngôi thắng cảnh thanh tú duy nhất của địa phương. Khi về xã Hiệp Hòa, Tôn Sư tu bồi cầu bến đò Long Kiểng, xây đắp hương lộ, cãm động đồng bào nhớ ơn sâu. Hôm nay vì bệnh nhiều nên phó chúc Tịnh xá lại cho Đại Đức Thích Giác Thông giữ gìn ngôi di tích.

Năm 1975, về chùa Long Phước Thọ (xã Long Phước, huyện Long Thành) khai rẫy, sửa chửa và giao cho Sư Cụ Thích Thiện Lộc bảo quản lo việc nông thiền.

Hiện nay Ngài là Hòa Thượng Chứng minh Đạo sư QUAN ÂM TU VIỆN.Đối với Tông môn Hệ phái có công khai sơn lập Tự, đối với Giáo hội, Ngài có công hoằng hóa hướng đạo Tăng, Ni, Phật tử tu hành, trùng hưng chánh pháp, làm tốt cho Đạo pháp. Do vậy ngày 27 tháng 12 năm 1978 được Trung ương Giáo hội Phật giáo Tịnh Độ Tông biểu dương công đức và tấn phong Hòa Thượng, bổ nhiệm Hòa Thượng Tôn Sư với chức vụ Đại Diện Trung ương Giáo hội tại miền Đông Nam Bộ .

THỂ HIỆN HẠNH LÀNH

Đức Tôn Sư là người ẩn dật tu hành, hay chịu khổ hạnh, giàu lòng nhân ái, thương nước mến dân, nên năm 1966, lúc trụ tại Tịnh xá Thắng Liên Hoa, thấy nước nhà chưa hòa bình thống nhất hai miền, nên Ngài lập chí khổ hạnh để cầu nguyện “ngày thời ngồi phía trước hiên Chùa, đêm đến tọa thiền sau hiên hậu đường”, thực hành đủ mọi tư thế hành, trụ, tọa, ngọa niệm Phật, mặc cho nắng táp mưa sa, nhưng Tôn Sư vẫn điềm nhiên tọa thị để niệm Phật hồi hướng cho tương lai đất nước, cho Đạo pháp và Dân tộc.

Có những lần Ngài quá khổ hạnh như thế sanh bệnh, Tăng Ni Phật tử thỉnh cầu Ngài vào Tịnh thất nghỉ ngơi, thì Ngài dạy “mọi người còn khổ, còn nghèo đói, còn tha hương (di tản do chiến tranh), đất nước còn gian khó, ta không thể sung sướng an vui được ….” Tôn Sư từng giảng : “với cõi đời nầy, ta là khách của trần. Những lúc khổ đau, phải nên nghĩ, ta đang sống tạm một đêm trên thế gian, rồi ngày mai sẽ ra đi . . .”

Thân tứ đại có lẽ vô thường của nó, với sức khổ hạnh quá lâu dài, nên thân Tôn Sư phải mang nhiều tật bệnh. Cũng như khi hóa đạo tại Chùa Long Phước Thọ năm 1975, Ngài thường theo chân Tăng Ni để đôn đốc việc lao động sản xuất, trồng nhiều khoai sắn để có đủ ăn, cũng vừa để đóng tinh thần xây dựng kinh tế nước nhà sau chiến tranh. Có những lúc ban đêm, Tôn Sư đích thân đến những rẫy sắn để thăm động viên tinh thần Tăng Ni, Phật tử. Trong cuộc đời hóa đạo Tôn Sư thường dạy : “… ta có khổ mới biết thương người khổ, ta có nghèo mới biết thương người nghèo. Nếu là người tu, phải phát nguyện đem tình thương sưởi ấm nhơn loại . . .”

Ngoài những bài giảng cơ bản cho Tăng Ni, Phật tử, Tôn Sư còn sáng tác những bản Trường Thi (03 tập), trong đó có bài DƯỠNG TỬ MINH LINH để nói lên những tấm lòng Bà Mẹ thương đứa con lạc loài cô đơn trong thế giới dẩy đầy khổ đau. Nhất là bài thi CÁI ĐẸP CỦA NGƯỜI TU nói về chơn tâm thanh tịnh. Ngài giảng rõ phương pháp Niệm Phật, cách phát nguyện đúng đắn để môn đệ thực hành hằng ngày trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi .

Suốt cuộc đời tận tụy vì đạo pháp, tiếp Tăng độ chúng, Ngài khởi xướng cho hàng chục vạn Phật tử khắp Trung Nam tu tập Thập Thiện, biết trường chay, biết hành trì pháp môn Niệm Phật, sống đúng nghĩa một con người trong xã hội

TINH THẦN BÁCH TRƯỢNG

Thành lập 09 Ban Nông Thiền, tại các Tự Viện, chùa Long Phước Thọ, Quan Âm Tu Viện, Bửu Hoa Ni Viện, Nhứt Nguyên Bửu Tự, Dĩ An, Long Sơn Cổ Tự, Tổ Đình Linh Sơn I, Tổ Đình Linh Sơn II, Tịnh xá Thắng Liên Hoa để khuyến khích tập thể chư Tăng Ni phát triển lao động sản xuất nông, lâm tại các cơ sở tự túc kinh tế Nhà Chùa. Tại các Ban Nông Thiền, dưới sự chỉ đạo của Đức Tôn Sư, phù hợp với tinh thần nghị quyết của địa phương, của Giáo hội trong công tác TRỒNG CÂY GÂY RỪNG, TRỒNG CÂY NHỚ ƠN BÁC. Từ năm 1981, Tăng Ni, Phật tử Quan Âm Tu Viện là những tập thể đầu tiên thực hiện được 96 hecta rừng nhân tạo, gồm các loại như tràm bông vàng, bạch đàn, sao, dầu…vừa là sử dụng thành cây công nghiệp xuất khẩu làm bột giấy, vừa là trở thành những khu vực Tòng lâm thắng cảnh, vừa tạo môi trường sống sau chiến tranh.

Về cây dược liệu như : nghệ, sả cất tinh dầu xuất khẩu, các loại cây ăn trái có tác dụng kinh tế, cũng được tập trung trồng tại các sở rẫy. Ngoài ra còn có 07 hecta ruộng, hàng năm thu hoạch thật đáng khích lệ trong những năm long thực gặp khó khăn.

Đức Tôn Sư còn khuyến khích Phật tử Lương y Trần Văn Căng, Nguyễn Văn Tốt đến mở mang ngành Đông Dược tại Bệnh Viện Nguyễn Trãi (Bệnh Viện Phước Kiến) phát triển thiết thực về đông nam dược liệu của Nước nhà.

Những công việc như phát triển Cộng đồng, phát triển xây dựng Tổ Quốc, xây dựng Nhà trẻ, trạm xá, làm nghĩa vụ Quốc tế vì nước bạn Cuba, Campuchia anh em, cũng như ủng hộ ủy lạo tinh thần Bộ Đội Chiến Sĩ tiền tuyến, tiền phương đều được Tôn Sư lưu tâm nhắc nhở Tăng Ni, Phật tử làm việc tích cực. Ngài dạy : có tiền đóng góp tiền, có vật chất đóng góp vật chất, đây là thể hiện tình thương chân thật, thực tế nhất của con người Phật tử ngoan đạo.

MÃN NGUYỆN ĐỘ SANH

Với ý chí thanh lương và lòng từ thiện, và tình thương đại đồng, nên đi đến đâu Tôn Sư đều tô điểm làm đẹp cho quê hương, thêm tình, thêm nghĩa cho con người, đem sức sống của mình hòa hợp với mọi người, vì vậy chư Tăng Ni, với Phật tử ai cũng quý mến Ngài như cha mẹ ruột thịt, với tình Thấy trò dạy đạo, nhắc đạo, khuyến tu, bổn đạo quý kính Ngài như cha mẹ dạy con cháu.

Đối với tự thân, để báo đáp thâm ân Thầy Tổ, năm 1974, Đức Sư Ông thượng BỬU hạ ĐỨC viên tịch Ngài mất đi đấng chơn Sư Phụ, suốt năm ấy Ngài về Tổ Đình Thành An (núi sập) để xây tháp điện tờ Tổ Thầy. Ngài ở đó thọ tang báo ân, báo hiếu suốt một năm trường mới trở về Quan Âm Tu Viện.

Ôi !, thân người có hạn, kiếp sống quá mong manh, sự lo lắng của Ngài quá nhiều năm cực khổ, nên lâm bệnh. Mỗi lần bệnh rất trầm trọng, đã nhiều lần được đưa vào bệnh viện Nguyễn Trãi, được các Giáo sư Bác sĩ Lương Phán, cán bộ Bác sĩ, Y tá tận tình cứu chữa, có khi bệnh nặng nằm cả năm mới giảm. Suốt 02 năm nay Ngài bệnh luôn luôn, tự thấy thân quá yếu, nên vào thất cấm túc, không tiếp xúc môn đệ, để chuyên tâm niệm Phật.

Ngày 18 tháng 07 năm Bính Dần 1986 bệnh tái phát, lại được đưa vào bệnh viện để điều trị tiếp tục.
23 giờ 30, ngày 30 tháng 07 vì sức yếu tuổi già, Ngài nhận thấy nhục thân không còn tác dụng, Ngài dạy phải đem về Quan Âm Tu Viện và cách một giờ sau Tôn Sư xả báo an tường, mãn nguyện độ sanh, giả từ môn đệ về với Tổ Phật.

Trước đó Tôn Sư từng khéo léo khuyên môn nhơn đệ tử tu hành chính chắn, giữ đạo hạnh trang nghiêm trong sạch, bất thối chuyển trên đường tu giải thoát. Lập hạnh chân chánh, năng phát nguyện lành với chúng sanh, làm việc công ích xã hội, phải tinh cần niệm câu danh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, ăn đúng phép, làm việc đúng phép, tu học đúng phép, hậu hữu tương lai sẽ được nhân lành quả tốt.

Hòa Thượng Thích Giác Quang




Có phản hồi đến “Tiểu Sử Hòa Thượng Thượng Thiện Hạ Phước – Tông Chủ Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com