Mục Lục
11. Có rất nhiều vị thầy tu tập rất giỏi, là lãnh đạo của một giáo phái, ảnh hưởng đến cả quốc gia, hoặc trường đại học, viết sách giảng dạy rất hay, thành lập rất nhiều đạo tràng, ảnh hưởng rất sâu rộng đến quần chúng. Kể cả những vị có năng lực, hiểu biết rất rõ về nhân quả luân hồi, nghiệp báo chúng sinh, thấy được các cảnh giới cả hữu hình và vô hình. Vậy mà tại sao một thời gian sau lại mắc nghiệp còn nặng nề hơn cả Phật tử? Nguyên nhân là vì đâu?
Có thể các vị ấy bị nghiệp quá khứ, hoặc do làm quá nhiều mà thiếu tu tập nên không đủ khả năng để kiểm soát, xem xét, quán chiếu nhìn lại chính mình. Do đó, nội lực dần dần giảm đi không còn mạnh mẽ, tinh tấn, hăng say như lúc đầu nên bị uế trược nhiễm vô lần lần nhiễm vào người. Theo thời gian cho đến khi bộc phát ra thì đã muộn màng.
12. Làm thế nào để Phật tử có thể bớt đi một chút ngã mạn của mình?
Các vị này họ nghĩ rằng họ giàu có, hiểu biết nhiều, tu tập nhiều, cảm thấy mình hơn cả tăng ni trong chùa. Hoặc có thể họ hay cúng dường rồi sanh ra ngã mạn. Thật sự bao nhiêu đó chưa là gì cả. Đối với một bậc chân tu không có ai giàu hơn ai cả, vẫn còn lặn ngụp trong bể khổ thì không có gì để kiêu hãnh cả. Chỉ có bậc chứng đạo mới là giàu có nhất, đáng tôn quý nhất.
Hãy xem lại chính bản thân mình, xem mình là ai.
Có người nói “cái tôi” là cái đáng ghét. Ngã mạn là cái tôi. Nó phát xuất từ sự so sánh. Bạn so sánh mình với người khác, thấy mình hơn người, ngã mạn. Không ai hơn ai tuyệt đối cả. Bạn hơn người này, người khác hơn bạn. Mình hơn người điểm này, nhưng thua người kia điểm khác. Khi thấy mình hơn người thì đã thua rồi. Thua với chính mình. Vì tánh ngã mạn là cho bạn tự cao, thiếu khiêm cung và không được học hỏi thêm.
Người khiêm cung luôn học hỏi và được người khác quý mến. Tánh ngã mạn làm cho mình tưởng đâu mình cao, thật sự đó là sự ích kỷ thấp kém, làm giảm bớt giá trị của mình. Có câu ngạn ngữ: “Có một điều ta biết chắc chắn là ta không biết gì hết.”
Hãy tâm niệm câu này, bạn sẽ bớt ngã mạn.
13. Người tu tập cả tại gia và xuất gia ai cũng đều biết rõ nhân quả nghiệp báo nhưng vì sao không thể làm được?
Vì mình không có sự quyết tâm và thiếu kiên nhẫn. Tu tập theo đạo Phật cần có thời gian hành trì, nhân quả nghiệp báo tập tính huân tập từ đời này sang đời khác nên đâu phải biết là có thể làm được ngay. Tất cả cần phải dụng tâm hành trì chuyển đổi chuyên nhất và dài lâu mới có thể thành tựu được như ông bà thường dạy “Gian sơn dễ đổi, bản tính khó dời” là vậy.
14. Tại sao có rất nhiều người khi mới tu tập thì rất hăng hái, từ bi hỷ xả, cố gắng mọi công hạnh, có thể là do thuận duyên cả nghịch duyên nhưng sau một thời gian thì như chai sạn, bất cần, có khi bồ đề tâm thay bằng bồ đề gai. Nguyên nhân là vì đâu? Làm cách nào để hóa giải đơn giản?
Vì chỗ phát tâm ban đầu như người bắn đi mũi tên. Khi mũi tên đi càng xa sẽ càng chậm lại. Đây là hiện tượng tâm lý. Có thể trong quá trình tu tập ban đầu người này nặng về hình thức, tướng mạo bên ngoài mà thiếu sự tu tập bên trọng. Hãy nên điều chỉnh lại.
Trong pháp tu có thể bớt cái này thêm cái khác để phù hợp với tâm trạng hiện tại. Ngoài ra, đó có thể là do nhân quả nghiệp duyên bắt đầu xuất hiện.
15. Phật tử tại gia và xuất gia rất nhiều người càng tu càng mê mờ, chán nản, thối chuyển dù tâm ban đầu đến với cửa Phật rất mạnh.Làm thế nào để giữ lửa, giữ tâm ban đầu cũng như tâm làm việc trong quá trình tu tập cũng như cuộc sống?
Vấn đề ở chỗ bạn đang thay đổi tâm lý mà không biết điều chỉnh như thế nào. Cũng như nếu chỉ ăn hoài một món, dù có ngon đến đâu cũng dễ sinh ra ớn ngán.
-Nếu niệm Phật không an thì niệm theo hơi thở hoặc quán niệm hơi thở. Hoặc có thể lạy Phật thay vì chỉ ngồi niệm Phật. Cách này hiệu quả cho những người bận rộn. Bạn không cần phải xem quá nhiều kinh nữa mà hãy lọc lại những gì mình đã biết. Nếu có thể nên nhóm tu chung với các bạn đạo để có thể trao đổi chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau.
- Đừng cố ép tâm mình đè nén để được an lạc. Cách này không bền chắc vì như đá đè cỏ vậy.
-Nếu mọi cách vẫn không hiệu quả thì nên buông lỏng hết, chỉ cần nhẹ nhàng quán chiếu tâm mình đang làm gì. Hãy cứ để tâm tự sanh tự diệt thì bạn sẽ khám phá được nó từ đâu sanh và sẽ đi về đâu. Rất thú vị.
- Nên nhớ tu là để khám phá bản thân mình, không cầu thành Phật mà vẫn thành Phật. Bạn càng khám phá càng thấy thú vị và mục tiêu khám phá sẽ vô cùng vô tận. Do đó bạn sẽ luôn luôn có nghi vấn để bạn tự giải đáp ví như nhà bác học luôn đặt vấn đề tại sao?
-Đức Phật ngày xưa khi ngồi thiền trong 49 ngày cũng chỉ để tìm ra nguyên nhân sanh ra ngũ uẩn và nguyên nhân của sanh tử luân hồi.
16. Vì sao người tu thời nay dễ sa ngã và tâm lực tu không mạnh như ngày xưa?
Người tu thời nay dễ sa ngã vì vướng bận ngoại duyên nhiều quá, nhiều nhu cầu. Ví dụ người tu cầm trên tay chiếc điện thoại iphone là thấy khó tu vì vừa gọi điện, vừa nhắn tin, lên mạng, xem tin tức, bình luận, đăng bài, dành quá nhiều thời gian cho những chuyện không giúp tăng thêm nội lực hay tu tập là một sự thất bại.
Thêm nữa người tu ngày nay thích học nhiều hơn hành. Sau khi học xong thì lo giảng dạy, hoặc làm giáo hội, bỏ quá nhiều thời giờ cho công tác hoằng pháp, từ thiện xã hội .. hoặc thời giờ tụ họp lại, dành thời gian bên ngoài quá nhiều hơn quán chiếu vào bên trong. Chuyện bên ngoài cứ tăng trưởng nên đạo lực giảm đi. Dù có thời gian đầu chuyên tu cũng giảm huống chi mới vào chùa đã lo đi học hết 10 năm, sau đó đi hành đạo. Do đó không có thời gian để thực hành hay suy nghiệm những gì mình đã học. Tâm lực yếu là điều hiển nhiên.
Xưa, Trí Giả Đại Sư đã đắc Pháp Hoa Tam Muội, sau mấy mươi năm hoằng pháp, trước khi tịch, đệ tử hỏi:
“Bây giờ thầy đang ở địa vị nào?”
Ngài đáp:
“Ta đã từng được lục căn thanh tịnh, vì độ đời nên giảm đi một căn.”
Người tu nên rút kinh nghiệm về việc này
17.Trong nhà Phật thường xuyên có dạy pháp môn sám hối để tiêu nghiệp chướng. Vậy nếu cứ làm ác rồi sám hối là hết nghiệp? Sám hối có giúp xóa đi tất cả quả nghiệp do mình gây ra không?
Sám hối có nghĩa là ăn năn tội trước và ngừa tội sau. Có câu kệ:
“Tội từ tâm khởi đem tâm sám Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu
Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không
Thế mới thật là chơn sám hối.”
Nếu làm được điều này thì mọi tội lỗi đều sạch hết.
18. Khi gặp những chuyện thị phi, ngang trái, bị nghi ngờ, mất lòng tin với người xung quanh dù mình không làm thì phải hành xử như thế nào để vượt qua?
Nếu mình không làm sai thì cứ thẳng đường mà đi, không việc gì phải sợ thị phi cả.
19. Phật tử hiện nay làm gì cũng sợ bị nghiệp, sợ bị tội. Đọc kinh Lương Hoàng Sám mọi thứ có làm hay không làm đều thấy bị tội lỗi ngập đầu, quá sức nặng nề hoảng loạn làm Phật tử không dám tu tập. Vậy tội phước là như thế nào? Làm sao để có thể bình an sống và tu tập mà không cảm thấy tội lỗi bủa vây?
Phật tử tại gia không cần phải đọc tụng Lương Hoàng Sám. Nên giữ kỹ ngũ giới, hành thiện bỏ ác để lòng trong sạch. Nếu có tụng sám hối thì nên tụng Hồng Danh Bửu Sám hoặc lạy Phật cầu sám hối 100 lạy cũng được. Chung quy đừng chọn sự cầu kỳ hay nghe nói mà làm. Còn muốn tụng kinh Đại Thừa thì cần hỏi vị thầy hướng dẫn. Đừng nóng vội, tâm nặng nề mang nhiều việc vào người vượt quá sức chịu đựng khó sống khó tu.
Xưa có vị Tỳ kheo thưa với Phật “Bạch Đức Thế Tôn, Ngài dạy nhiều giới luật quá con không nhớ nổi và lúc nào cũng sợ, xin Ngài dạy vắn tắt hơn được không?”
Đức Phật dạy:
“Vậy ông chỉ nhớ ba điều thôi”
-Bỏ tất cả ác
-Làm tất cả thiện
-Giữ lòng trong sạch”
Vị tỳ kheo đó đã tu tập và chứng đạo
20. Giáo lý nhân quả luôn là một chân lý then chốt trong Phật giáo. Tuy nhiên, hiện nay việc xấu ác quá nhiều. Người tu sa ngã, làm chuyện xấu ác, tham đắm đủ kiểu. Những người sống thiện làm thiện lại toàn gặp chướng duyên. Dầu biết đó là do nhân quả đời trước hay nghiệp duyên nhưng vì cái xấu gấp vô vàng việc tốt nên người ta dần dần mất niềm tin vào lý nhân quả, có khi là niềm tin vào Phật pháp. Làm thế nào để người tu vững tin vào lý nhân quả?
Nếu tin và hiểu sâu vào nhân quả sẽ không bị lung lay, không thối chuyển bồ đề tâm. Thầy đã đi tu nay hơn 40 năm theo nhân quả và thấy rõ nhân quả ngay khi mới vào chùa đến giờ. Mỗi lần trải qua một lớp nhân quả sẽ thấy mình có tiến bộ hơn một chút. Cũng có lúc thầy buồn nhưng không nản vì mình làm mình chịu. Nếu biết được mình từng làm gì thì sẽ dễ chấp nhận hơn nữa. Thêm vào đó, nếu không có thử thách thì không tiến hóa được. Đó là điều cần thiết.
Thượng Tọa Thích Vạn Hùng