Mục Lục

101. Khi bắt đầu thiền hành giả nên làm như thế nào?

Khi muốn thiền, hành giả nên hiểu thiền là gì? Thiền nói cho đủ là thiền na "dyana", dịch là tịnh lự, nghĩa là yên lặng mà suy nghĩ . Đời này nhiều người tu ngộ nhận thiền nghĩa là yên lặng, là ngồi cho yên cố lấy tâm đè tâm để cho được thanh tịnh. Có người không được, có người làm được nhưng vẫn còn thiếu xót, Tức là thiếu quán xét tư duy để khám phá tâm mình. Do đó, nếu hành giả tu tập đến bát định tứ không thì cũng không có trí huệ nhạy bén như người tu thiền quán. Dù đạt đến bậc la hán thì Đức Phật vẫn gọi là giống khô mộng héo. Như vậy, bạn phải bắt đầu từ chỗ lắng tâm rồi quán chiếu thì mới đầy đủ. Cũng có người áp dụng được cùng một lúc cả thiền lẫn quán hay gọi là định huệ song tu.

102. Phép thiền nào mới được gọi là đúng pháp của Phật

Hiện tại trên thế giới có rất nhiều phép thiền, nhưng thiền của Phật chỉ có nam tông và bắc tông.

Nam tông thì dùng quán hơi thở và tứ niệm xứ làm cốt lõi.

Bắc tông thì trải qua nhiều đời các chư tổ lập ra dòng phái theo sở ngộ của mình gồm có hoa nghiêm tông, pháp hoa tông, niết bàn tông, duy thức tông ...

Hiện tại ở Việt Nam có các thiền phái của nam tông lẫn bắc tông

Nam tông thì chỉ có chi phái

Bắc tông gồm có chi phái thiền viện Thường Chiếu, chi phái Làng Mai, chi phái pháp Hoa Tông, một số ít theo tổ sư thiền hoặc Như Lai Thiền...

103. Trong kinh Kim Cang có dạy “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” nghĩa là “đừng để vọng tâm trụ chấp một nơi nào.” Đã là vọng tâm không trụ chấp vậy chân tâm là trụ chấp? Thế nào mới gọi là vọng tâm và thế nào gọi là chân tâm?

Tại sao bạn lại khởi sanh phân biệt vọng chân. Vọng chân là một cặp đối đãi hai bên do khởi tâm phân biệt mà có. Cũng như Phật và chúng sanh, phàm và thánh, ta và người, thị phi, thuận nghịch ... Câu này nên hiểu là đừng để tâm vọng chấp một chỗ nào. Bất cứ ý niệm nào đều không thể được ví như quá khứ hiện tại vị lai và các cặp đối đãi như trên. Do đó, đại sư Huyền Giác có câu: "chẳng mong trừ vọng chẳng cầu chân" . Vậy ngay lúc chẳng trừ vọng cũng chẳng cầu chân đó là gì? ...

104. Người tu được dạy phải cố gắng giữ tâm thanh tịnh thân khẩu ý. Chỉ có thanh tịnh sẽ được an lạc. Nhưng cũng có người nói là cực tịnh sẽ sinh động như có truyện “cực tịnh sinh động” vậy. Như thế nghĩa là sao. Tịnh động lấy gì tương phản và so sánh.

Nếu cố gắng giữ tâm thanh tịnh thì cách này rất khó, không bền vì ở bất cứ môi trường nào dù đạo hay đời bạn cũng cần phải động. Muốn cân bằng, bạn chỉ cần quan sát lúc tịnh và lúc động, bạn chỉ cần biết mình tịnh hay động. Tâm vọng động hãy để tự nó sanh diệt không cần phải can thiệp vào. Còn câu chuyện "cực tịnh sinh động” là tác giả nói trường hợp của họ. Còn nếu tịnh như la hán, bồ tát, Phật không làm gì động được họ. Tịnh với động như sóng với nước hai mặt đối nhau nhưng hỗ trợ nhau đừng cố phân biệt cực đoan. Vì cứ lo dẹp động thì tâm mình cũng không yên.

Tịnh và động là hai vế của một vấn đề. Người tu phải tu trong tịnh và trong động. Nếu tịnh mà chấp giữ không buông xả cũng giống như những người đắc định khi buông ra thì sanh động. Do đó mới có câu cực tịnh sinh động. Nếu được định như bậc la hán hay bậc bồ tát thì không ở trường hợp trên.

105. Người tu thiền nghe nói là có thể xuất hồn đi đến các cảnh giới khác có đúng không? Thiền mà xuất hồn đi thì xác như thế nào? Đó có phải là pháp tu của Phật không?

Người tu thiền theo pháp của Phật không bao giờ xuất hồn. Họ thấy bằng thiên nhãn trong lúc thiền chứ không có đi đâu cả. Còn những pháp thiền khác như yoga hay thiền của tiên đạo thì có thể xuất hồn.

106. Con nghe nói người tu thiền nhập định là nhập cái gì? Con nghe nói có người nhập định đến vài tháng hoặc vài năm có phải là chết giả không? Làm sao mới có thể nhập định?

Nhập định là xả cái tâm xao động hiện có trong người cần xả để được thanh tịnh. Mức độ thanh tịnh đó đi vào càng sâu thì hành giả quên đi thọ tưởng và tri giác bên ngoài. Cho nên có thể nhập định vài tháng hoặc vài năm nhưng đây chỉ là định khô thiếu phần phát huy của trí huệ. Vì trí huệ có vai trò độc lập của nó chứ không phải nhờ định mới có.

107. Có phải người tu thiền thân tâm an lạc thì không cần đến ăn uống vẫn khỏe mạnh vì được hấp thu năng lượng vũ trụ, tiếp nhận trợ lực của chư Phật Bồ Tát là có đúng không?

Không phải như vậy. Người tu thiền dù tập trung được một số năng lượng để giữ thân tâm an lạc nhưng thể xác vẫn là hữu hình. Do đó không thể thiếu ăn uống dù nhiều hay ít. Như trường hợp Đức Phật và các vị đệ tử. Còn trường hợp người nhập định vài tháng hoặc vài năm mà không ăn uống thì họ đã diệt thọ cảm sống bằng chút ít hơi thở và năng lượng tự có trong thân.

108. Khi tâm bị tán loạn bất an nhất, ngồi yên, nghe nhạc, kể cả đi dạo vẫn không thể nào bình yên. Suy nghĩ cứ liên tục đến và có quán theo cũng chỉ dẫn đến những suy nghĩ càng loạn càng tiêu cực hơn? Vậy làm sao để kéo tâm về?

Bạn hãy đứng một bên để cho tâm nó rong ruỗi như đứng nhìn con ngựa chứng đang khuấy động. Nó khuấy động một hồi mệt mỏi rồi cũng chấm dứt. Vì tâm bạn vốn tự sanh tự diệt. Còn như cách này không hiệu quả thì bạn bỏ đi chơi, đi tìm bạn bè hay đi giải trí. Bởi vì bạn không thể nào kéo tâm về lúc nó đang loạn động dữ dội giống như con ngựa chứng kia được.

109. Những vị tu thiền thường bảo rằng để giải quyết cả công án thiền? Công án thiền là gì? Ai là người ra công án và ai là người theo dõi? Tu công án thiền có còn phổ biến không?

Công án thiền là những pháp thoại của các thiền sư nói với nhau mà người đời sau mượn những giai thoại đó để làm đề tài tham cứu cho đến khi ngộ tánh. Người tu công án thiền đời này không còn nhiều. Thế kỷ trước ở Ấn Độ có một vị thiền sư và Thái Lan cũng có một vị dạy người ta tham cứu "Ta Là Ai". Ở Việt Nam thì có thiền sư Duy Lực cuối đời xuất ngoại qua Mỹ rồi tịch ở đó.

110. Thiền vào lúc nào trong ngày là hiệu quả nhất và nên thiền trong bao lâu là phù hợp với Phật tử bận rộn cuộc sống gia duyên? Thiền ở đâu là tốt nhất? Nếu thiền ở nơi làm việc, thiền ở ngoài có phải là vọng thiền và có mang tội không?

Bản chất của thiền là sống tỉnh giác cho nên có thể thiền bất cứ lúc nào và ở đâu. Tuy nhiên, nếu có thì giờ bạn nên ngồi để tâm mình lắng sâu hơn.

Thượng Tọa Thích Vạn Hùng




Có phản hồi đến “12. Tập 2 - Phần 1: Thiền Định”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com