VẤN: Con cũng thích ngồi thiền và thỉnh thoảng cũng niệm Phật. Vì công việc bận rộn nên con không thể hành thiền theo thời khoá, nhất là có thể dậy sớm hay thức khuya thiền được. Con thiền vào buổi chiều khi đi làm về hoặc buổi trưa ngồi một mình ở chỗ làm. Tuy vậy, con nghe các bạn nói là nên thiền vào ban đêm hay sáng sớm là thanh tịnh nhất. Bạn nói đó là giờ mà các chư thiên thường hay đi khắp các cõi trời quán xét, sẽ độ chỉ tiếp năng lượng cho người tu, nên các chùa thường công phu sớm là vậy. Thêm vào đó, giờ đó yên tĩnh, thanh sạch thì năng lượng vũ trụ rất mạnh sẽ dễ dàng tiếp nhận, cơ thể sẽ có năng lực hơn và mạnh hơn, tu hành sẽ tinh tấn hơn. Điều này là có đúng không? Con có thể thiền ở chỗ làm được không? Con nên thiền trong bao lâu và thiền ở đâu là tốt nhất? Con xin cảm ơn Sư

ĐÁP:

Như lời trình bày, Sư rất cảm thông vời Bạn. Bạn có tinh thần tu học cao, biết dùng pháp tu làm phương tiện để vượt qua những trở ngại của nghiệp lực để thực hành pháp Phật. Tuy nhiên, theo cách thực hiện của Bạn trình bày không phù hợp với hành trình tu tập, cách tu của Bạn ví như một chồi non bị ép cho nở quá sớm, chồi sẽ bị ún, pháp thiền gượng ép sẽ bị trở thành sự hụt hẫng trong đời sống tâm linh rất uổng. Nay nói đền việc đem pháp thiền, pháp niệm Phật đưa vào đời sống thực của người tu tại gia, còn gia duyên bận rộn, việc làm ăn tất bật, việc đời vây lấy đời sống hằng ngày buộc Bạn phải giải quyết và rất cần sự giải tỏa để giảm stress.

Trước nhất chúng ta sẽ tìm hiểu về thiền, cách thức Thiền, niệm Phật, làm sao thấu hiểu những pháp tu nầy có phù hợp với người đời không? Thật ra Thiền và Niệm Phật là những pháp tu của Phật dạy được phổ cập trong quảng đại quần chúng từ ngàn xưa cho đến hôm nay. Chúng ta thử tìm hiểu về ý nghĩa của Thiền quán và quán tưởng niệm Phật.

I. Thiền

Nghĩa của Thiền là yên lặng, tư duy, tập trung lắng dọng tâm tư, tịnh lự. Tiếng Ấn độ gọi là Dhyàna, tiếng Trung hoa gọi là Ch’an, Nhật gọi là Zen, Việt Nam gọi là Thiền. Công việc của Thiền là làm cho thân tâm tập trung một chỗ cho đến lúc thuần thục. Người lợi căn tập trung nhanh, người độn căn thì khó khăn lắm mới thực hiện sự tập trung đúng mức. Sự tập trung nầy giúp cho con người trở về với thực tại sống trong thế giới tâm linh hợp nhất “tâm không, thân không, vạn hữu không, tất cả đều huyễn mộng. Quán là xem xét chú tâm vào đề mục, đề mục đó là đề mục vắng lặng, đôi khi hành giả cũng phải dùng đền một vật thể như đất, hoa sen v.v... làm đề mục dẫn dắt hành giả vào đại định. Thiền quán là xem xét chú tâm vào chỗ yên lặng, người biết xem xét chỗ yên lặng thì thần trí sáng trong, tuệ lực phát sanh từ đó, đạo giải thoát xuất hiện gần kề.

Thiền là pháp môn tu dành cho những bậc đại căn đại trí, nghiệp dứt tình không, không còn vướng bận những bóng dáng của hành trình ngọai cảnh tham sân si, dục ái xâm chiếm. Trong thê giới sanh tử luân hồi, những cảnh huyễn hoặc luôn hiện nguyên hình trước mắt Bạn, từ đó có những cung bậc tĩnh thức xuất hiện đối lập trong từng sát na, khiến cho con người giác ngộ quay về với nẻo chánh.

Thiền có nhiều pháp, dành cho những Phật tử tập tu thực hành hằng ngày, càng thực hành càng tinh tấn. Trong thế giới tâm linh nếu không có tĩnh lự thì Bạn sẽ không vững vàng đứng trong cõi người ta một cách chính chắn, diễn biến mọi việc như trở bàn tay nếu Bạn không sử dụng những nguyên tắc đúng lúc thì coi như Ban bị rối lọan sinh họat trong một đời.

Thiền áp dụng cho người xuất và người tu tại gia. Nói đến Thiền thì người Phật tử Việt Nam cũng như thế giới đều rất phấn khởi tự tin tự nguyện bước vào thế giới tu Thiền. Tuy nhiên, bên trong người Phật tử một đôi khi không biết hướng về pháp tu nào cho đúng, đúng với nguyên tắc, đúng với chánh pháp đã từng được Đức Phật truyền trao, từ đó mà những sinh họat về Thiền dễ bị “chênh” vào một hướng nào đó không đúng với lời dạy của Đức Phật,

Ngày nay có các pháp thiền như Thiền Ông Tám Ông Tư Đỗ Thuần Hậu, Thiền bà vô thượng sư, Thiền của Ông Maurice (ăn thịt cá) được phổ cập trên thế giới. Đó là những lọai thiền dành cho những tín đồ phù hợp với tâm chí của các đạo nêu trên. Chúng ta làm Phật tử có trách nhiệm với Phật, với Thầy Tổ, chư vi Tổ sư đã dày dông vun đắp ánh đạo của Đức Phật được phổ cập rộng rãi và phù hợp với số đông chư Thiên và loài người. Người Phật tử chúng ta kiên quyết không lạc lối sai đường với Đức Phật và Thầy Tổ của mình. Đây là sự cân nhắc cho người con Phật hôm nay và mãi mãi ngàn sau.

Thuở nhỏ lúc Sư vào Tổ đình (từ năm 1960 đến 1965), do môi trường tu non núi mọi việc thế tục đều cách xa, hằng ngày thân tâm không bị xâm chiếm những vật dụng, vật chất, không bị những xen tạp của thế sự...nên thường xuyên ngồi thiền niệm, tức là vừa ngồi thiền vừa niệm Phật do Tôn sư hướng dẫn ( có viết lại trong sách Một trăm ngày niệm Phật và Một trăm bài pháp - HT Thích Giác Quang). Do đó Sư lúc nào cũng cảm thầy mình như xuất thần nhập hóa bước vào cõi hư không, bước vào những khu rừng vô định, đi vào những sự nhẹ nhàng thinh không mà không vướng phải những bổn thân nghiệp lực. Tâm mình lúc bấy giờ không còn thấy biết niệm Phật mà chỉ còn sự thanh thoát nhẹ nhàng, không còn có sự kềm chế những nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý không cho phóng túng nữa mà tất cả buông xả. Trạng thái tu nầy cũng lắm vui, vui trong mùi đạo vị và tinh tấn hành trì. Tuy nhiên, để được như vậy phải bảo đảm giờ giấc cho đúng, mỗi ngày một hay hai thời, hay ba thời, mỗi thời bao nhiêu phút. Thời gian tu nầy là tinh tấn, nhưng lúc nào cũng được cân nhắc không nên vui trong cơn thiền đó, không say sưa trong hiệu quả của thiền niệm, không tự mãn trong hành trình tu tập. Tự mãn là “ma” đột nhập, việc tu bị đổ vỡ, ma nghiệp lẫy lừng dấy sanh, khô mà diệt trừ.

Thế gian buông bỏ gọi thiền

Dấu chân xưa Phật nơi miền phương xa

Tâm không trần thế gọi nhà

Xả múi tục lụy ta bà bước ra

II. Niệm

Niệm là nhớ nghĩ, nhớ lại không quên, không sao lãng, sự chú tâm liên tục sống trong thế giới thực tại hiện tiền. Niệm là niệm Phật, là nhiếp tâm niệm Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô Phật hay một danh hiệu Đức Phật khác, như Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng hạn, hay Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát, dùng một phương tiện nào đó giúp người tu nhập tâm đạt đến cứu cánh, bỏ lại mọi tư tưởng thế gian phiền não vọng chấp. Niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật được các bậc tu hành rút gọn từ ngữ gọi là niệm Phật. Nhớ nghĩ, chánh niệm, tâm niệm, niệm tâm và niệm Phật là một, một niệm Phật mà tâm cần có sự kết nối liên tục, một tiếng niệm Phật một tiếng tâm, không xen hở tạp niệm khác gọi là niệm chánh là chuyên nhứt. Không tạp niệm, đó là chánh niệm.

Ngược lại, với “niệm” là “thất niệm” hay quên, thường thì người đời hay quên lãng, sao lãng việc hiện tại mà hay nghĩ đến việc quá khứ hay suy diễn những việc tương lai, việc chưa có việc không có, mơ mộng những hão huyền, trở thành người sống trong mộng huyễn, quên mất việc sống trong thực tại. Vì vậy mà nhà Phật phương tiện mở bày các pháp môn tu giúp cho chúng sanh và con người dù có tín ngưỡng hay không tín ngượng Phật cũng vẫn có sơ sở để quán tưởng nhớ nghĩ đến một đề mục, một câu danh hiệu Phật để làm kim chỉ nam tập trung tư tưởng, để không còn bị sao lãng, không bị đánh mất nội tại, trở về sống thực với chính mình.

Đời sống xã hội có nhiều việc phải bàn, cần phải điều chỉnh nhằm giúp cho con người được sống tươi vui sống khỏe, sống thọ, sống trí tuệ sung mãn. Tuy nhiên, có những trường hợp chẳng đặng đừng mà con người phải lo liệu, như một người làm kinh tế phải lo năm lo ba, lo việc lợi lạc, hoặc bất lợi trong làm ăn, lo xa lo gần, sống với nhị nguyên, sống dùm cho mọi người, sống dùm cho thiên hạ mà tự bản thân mình không hề hay biết, thành ra sao lãng với chính mình. Từ đó, con người ít khi sống thật với chính mình, hằng ngày, ngày nầy qua tháng nọ, tháng no qua năm kia chỉ có bóng sắc là bóng sắc, xuyên qua một lớp sơn bóng bẩy trong sự thống khổ sanh lão bệnh tử khôn cùng, nhưng cũng rất lầm lạc với lớp hào nhoáng, lộng lẫy bóng lộn trong cuộc đời

Niệm là pháp niệm Phật được Phật, Tổ ban hành, niệm sự siêu thoát của Phật, niệm sự giải thoát của Phật, niệm tiêu chí của Phật. Niệm Phật là pháp quán tưởng tìm hiểu thâm thấu mặt thật của cuộc đời đến những hào nhoáng giả hiệu, đến những lớp sơn xi mạ bóng láng để trút bỏ sự nặng nề, sự buông xả. Nhờ đó sẽ đưa con người trở về thực tại, cởi bỏ những nặng nề của sự hào nhoáng, giải thoát những phiền não khổ đau để sống đúng với chính mình, sống chung với sự thanh thản của đời sống Đức Phật

Thiền và Niệm

Hai pháp thiền và niệm là những pháp môn tu tĩnh mà Đức Phật muốn truyền trao cho con người có nhơn duyên với Đạo Phật ở hiện tại và tương lai trên hành tinh nầy. Cũng như chư Thiên trên cõi trời, con người hiện thực trong thế gian tu hành không phải bị trở ngại trên con đường hướng đến tương lai mang nhiều nghiệp lực đẩy đưa con người vào chốn không tưởng không đâu, đi vào vô định, với những bước đi khập khểnh, lọang choạng luôn ngả về ghé bền sanh tử luân hồi

Bạn ơi! Đây là một ít ý tưởng nói về Thiền và niệm Phật, Thiền và niệm Phật là hai phương pháp tu dành cho đệ tử Phật, tuy không phân biệt không kỳ thị. Tuy nhiên, nếu Bạn nguyện tu Thiền thì tu Thiền, tu niệm Phật thì tu niệm Phật, không nên song hành lúc Thiền, lúc niệm Phật vô tình tạo điều kiện cho Bạn bị phân tâm không biết phải tu pháp nào cho đúng cho trọn. Khi tu không trọn thì uổng công hành pháp, uổng công đeo đuôi Phật pháp. Đồng thời cũng làm cho Bạn lắm lăng xăng, lộn xộn chẳng biết lối nào để bước vào thềm thánh điện, quá trình tu hành bị đổ vỡ.

Chắc chắn rằng trong đời sống của các Bạn lúc nào cũng bận rộn, tu hành được thì cũng hay, nhưng khuyên Bạn không nên hành pháp “tọa thiền”, hay ”ngồi niệm Phật” bất cứ nơi dâu, dù ở cơ quan, công ty, thời gian buổi sáng hay chiều ở tại gia, vì tu như thế thì chẳng kết quả vào đâu, mà cũng do nơi tu không nguyên tắc (ở cơ quan, buổi trưa, buổi chiều ở nhà, tối, khuya thì sao). Như thế việc làm của Bạn cũng không thành tựu, việc nào cũng không xong, do không còn kiểm soát được mình nên khiến cho thân tâm ngày càng mệt mỏi, không người đôn đốc cân nhắc, đỡ đấu không chỗ dựa nương sanh tâm chán nản, thối chuyển.

Thiền niệm là pháp tu kết hợp giữa tu thiền và niệm Phật. Thiền hay niệm đều phải chuẩn bị thật nghiêm túc chu đáo, ngồi thiền niệm phải chỉnh tề nghiêm trang thì thân tâm mới thanh tịnh, đạo mạch sáng tỏ, tướng hảo quang minh. Đừng nên đụng đâu thiền, đụng đâu niệm Phật đó không hiệu quả đâu Bạn ạ và còn làm cho Bạn điên đảo! Thậm chí còn mang bệnh hiểm nghèo đến các Bạn.

III. Như đã lý giải ở trên Thiền là một động thái nghĩ ngợi, ngừng nghỉ những suy nghĩ nhiều và liên tục ngừng nghỉ những việc xưa nay không ngừng nghỉ được! Theo phương pháp tu thiền thì trong thiền có chỉ và quán, chỉ là đình chỉ các vọng niệm và quán là kiểm soát các vọng niệm không cho phát sanh. Quán là tưởng, những vọng tưởng dấy sanh làm cho trí tuệ lu mờ, tâm vật dục vẫn đục theo năm tháng. Quán là quan sát kiểm soát soi xét, kiểm soát những vọng tưởng không cho dấy sanh. Có nhiều pháp tu thiền giúp cho hàng Phật tử thực tập, hạn chế những tạp vọng, tạp tưởng giữa dòng đời. Tạp tưởng làm hạn chế trí tuệ sanh, sự sáng suốt phân biệt đâu là chánh, đâu là tà, đâu là nhiễm ô, đâu là tịnh lự. Hành giả nên cố gắng chận đứng những tạp nhiễm tại thời điểm sơ tâm. Trong pháp tu thiền có bài pháp sơ tâm của Phật tử là bài Quán sổ tức.

1/. Phương pháp Quán sổ tức

Quán sổ tức hay gọi là quán số tức là quán đếm số, đếm hơi thở xuôi, thật chậm từ 1 đến 10, rồi trở lại quán đếm số tiếp tục thật chậm từ 1 đến 10 như lúc khởi điểm... từ 1 đến 10 như lúc khởi điểm... Hành giả tu có thể đếm ngược từ 10 trở về 1 và từ 1 đến 10, cứ như thế mà quán chiếu cho tương tục. Trong sách Phật học Phổ thông của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên soạn thì Quán sổ tức là đếm hơi thở, giúp cho thân tâm định tĩnh, lần đến thanh tịnh, làm cho mình tự làm chủ lấy mình. Quán là tập trung tư tưởng để quán sát, xem xét phân tích hay suy nghiệm đến một vấn đề. Sổ tức quán là tập trung tâm trí để hơi thở của mình ra vào tự tại, mà cứu cánh là để đình chỉ tâm tán loạn, tạo điều kiện trí tuệ tăng trưởng.

Nghi thức phải thực hiện

Trước khi ngồi thiền quán số tức, thiền phải đúng giờ giấc đã quy định theo sinh họat gia đình, khi đã sắp xếp ngồi thiền vào giờ nào, ví dụ như 21 giờ đêm thì phải ngồi đúng giờ đó, không bỏ cuộc. Cũng không bỏ qua một số việc cơ bản, như chuẩn bị tắm rửa, vệ sinh cho kỹ lưỡng sách sẽ, mặc áo tràng, nếu áo hội nhơ phải đổi áo khác, không nên may áo quá ép sát trong thân, áo mặc phải nhẹ nhàng, sao cho thóang mát. Tại bàn Phật (ngôi Tam Bảo) làm một số việc dâng hương cúng nước, lạy Phật, mặc áo tràng đến trước bàn Phật ngồi bán già hay kiết già đều được. Sau khi ngồi ngay ngắn chỉnh áo tràng cho tươm tất, xem tới xem lui thân ngồi có ngay chưa. Xem xét phải làm động tác nào kế tiếp, có bi khom lưng không, đầu hơi trút xuống, lưỡi đánh vào răng, răng xếp vừa phải, đôi mắt ngó ngay chớp mũi, giúp cho mặt không nóng, không ngủ gục, không tán lọan. Kế tiếp đọc bài ngồi thiền, như sau:

Chánh thân đoan tọa,

Đương nguyện chúng sanh,

Tọa bồ đề tòa,

Tâm vô sở trước,

Án phạ tác ra a ni, bát ra ni, áp đa da tá ha (3 lần)

Nghĩa:

Vững mình ngồi ngay

Cầu cho chúng sanh

Ngồi tòa bồ đề

Lòng không vướng mắc

Án phạ tác ra a ni, bát ra ni, áp đa da tá ha (3 lần)

Ngồi ngay là ngôi thẳng lưng đầu hơi chút, đôi mắt ngó ngay chớp mũi (hám mục), làm cho mắt không nóng, không tán loan, không ngủ gục, thân ngồi vững vàng như cái đảnh ba chân, ý chăm chú vào đề mục đếm số, như sau:

Quán hít vào số lẻ:

1 hít vào, 2 thở ra, 3 hít vào, 4 thở ra, 5 hít vào, 6 thở ra, 7 hít vào, 8 thở ra, 9 hít vào, 10 thở ra - Trở lại 1 hít vào, 2 thở ra, 3 hít vào, 4 thở ra, 5 hít vào, 6 thở ra, 7 hít vào, 8 thở ra, 9 hít vào, 10 thở ra - Cứ như thế quán chiếu cho đến hết thời gian thực tập, chừng 20 phút (sau lần lên đến 30 phút là đủ một thời thiền quán)

Quán hít vào số chẵn:

2 hít vào, 3 thở ra, 4 hít vào, 5 thở ra, 6 hít vào, 7 thở ra, 8 hít vào, 9 thở ra, 10 hít vào - Trở lại: 2 hít vào, 3 thở ra, 4 hít vào, 5 thở ra, 6 hít vào, 7 thở ra, 8 hít vào, 9 thở ra, 10 hít vào (thời gian thực tập như trên)

Quán đếm số xuôi rồi ngược:

1 hít vào, 2 thở ra, 3 hít vào, 4 thở ra, 5 hít vào, 6 thở ra, 7 hít vào, 8 thở ra, 9 hít vào, 10 thở ra - Quán đếm ngược 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1 - Đếm Ngược, đếm xuôi như thế cho đến thời gian 20 phúc thì xả thiền.

Khi xả thiền, hai tay xoa vào thật mạng, khi có hơi nóng, áp sát hơi nóng vào mặt, cho đến khi mặt không còn bị lạnh nữa. Tiếp đến xoa chà xát hai tay, hai vai, hai chân co đến khi tay chân không còn tê buốt nữa mới đứng lên và quỳ lạy Phật 3 lạy rồi lui ra. Khi ra ngoài làm một số động tác cho đầu, mình, tứ chi được thoải mái, co giãn các cơ bắp giúp cho máu lưu thông, mặt tiếp xúc điều hòa với môi trường mới sau khi xả thiền.

Nên nhớ thời gian thiền không bắt buộc phải thiền nhiều thời khóa. Trong 24 giờ các Bạn chỉ cần bố trí một thời khóa thiền, nhưng thời khóa đó phải được tôn trọng và quan trọng, thời gian chỉ từ 20 phút đến 30 phút là vừa với lực tu của Phật tử. Không nên làm nhiều, vì làm nhiều sanh chán, nản, thối chuyển, bỏ cuộc, pháp tu bị lờn, không ai có thể khuyến giải kềm chế được. Bạn phải lưu ý, tu cho có khoa học mới bền vững.

2/. Phương pháp niệm Phật

Bạn là người có duyên tu với pháp môn Tịnh độ niệm Phật, cũng với thời gian như tu thiền, tức là vào lúc 21 giờ là những thời gian rỗi rãnh nhất của người Phật tử.

Trước khi ngồi quán tưởng niệm Phật, niệm phải đúng giờ giấc đã quy định theo sinh họat gia đình, khi đã sắp xếp ngồi niệm Phật vào giờ nào. Ví dụ như 21 giờ đêm thì phải ngồi đúng giờ đó, không bỏ cuộc, không xê dịch thời gian tu. Không bỏ qua một số việc cơ bản, như chuẩn bị tắm rửa, vệ sinh cho kỹ lưỡng sạch sẽ, mặc áo tràng, nếu áo hội nhơ phải đổi áo khác, không nên may áo quá ép sát trong thân, áo mặc phải nhẹ nhàng, sao cho thoáng mát. Người tu Tịnh độ khi mặc áo tràng nên niệm bài kệ, như Sư từng diễn giảng khắp nơi và có hướng dẫn, như sau:

Thiện tai giải thoát phục

Bát tra lễ sám y

Ngã kim đảnh đới thọ

Thế thế thường đắc phi

Nam mô Ca Sa Tràng Bồ tát ma ha tát

Tại bàn Phật (ngôi Tam Bảo) làm một số việc dâng hương cúng nước, lạy Phật, mặc áo tràng đến trước bàn Phật ngồi bán già hay kiết già đều được. Sau khi ngồi ngay ngắn chỉnh áo tràng cho tươm tất, xem tới xem lui thân ngồi ngay ngắn. Xem xét phải làm động tác nào kế tiếp, chú ý xem có bi khom lưng không, khom lưng ngồi niệm Phật sẽ bị đau thận, ngược lại sẽ trị chứng đau thận, đầu hơi trút xuống, lưỡi đánh vào răng, răng xếp vừa phải, đôi mắt ngó ngay chớp mũi, giúp cho mặt không nóng, không ngũ gục, không tán lọan. Kế đọc bài kệ niệm Phật:

Cúi đầu đảnh lễ Phật phương Tây

Đạo sư tiếp dẫn chúng sanh nầy

Con nay phát nguyện về Lạc Quốc

Xin Phật thương con độ vãng sanh

Nam mô Tây phương Cực lạc Thế giới đại từ đại bi tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật (đọc 3 lần xá 3 xá). Tiếp đến niệm Phật.

Niệm Phật có nhiều phép niệm. Trong sách của Cư sĩ Giang Đô Trịnh Vy An hướng dẫn có 48 phép niệm Phật. Nay trong đây chỉ hướng dẫn 3 phép niệm thật đơn giản, giúp cho hành giả không phải tính toán nhiều trước khi niệm Phật.

Cao Thinh Trì:

Khi nào thân tâm làm việc mệt mỏi, ý tứ lung tung, cảnh trí lộn xộn lăng xăng, nên niệm Cao thinh trì, tức là niệm lớn tiếng, ra hơi ra tiếng... để lấn át những nghiệp duyên vừa kể trên.

Kim Cang Trì:

Niệm bằng hơi, không ra tiếng. Người niệm Phật chỉ nhép miệng, không lặng thinh mà cũng không ra tiếng. Niệm cao thinh trì rất dễ niệm, giúp người niệm Phật, ít tán lọan, không sao lãng, không động loạn, dễ tập trung niệm danh hiệu Phật Nam mô A Di Đà Phật. Niệm Kim cang trì, dành cho những người phát tâm niệm Phật mà thân tâm mệ mỏi, cũng không còn những ồn ào náo nhiệt xoay quanh...rất dễ chánh niệm.

Mặc Trì

Mặc là ẩn, không thấy nhưng có, ẩn khuất bên trong ý thức. Niệm Phật bằng ý thức, rất khó tập trung, giữ chánh niệm. Người mới tu khó khăn lắm mới niệm được, nhưng cũng không đạt chánh niệm, thậm chí còn gây tán lọan trong vùng ý thức. Mặc trì dành cho người tu thâm niên nhiều kinh nghiệm thực hành, tâm không sao lãng, không thất niệm, nghiệp lực ít khuấy nhiễu. Mặc trì là niệm Phật bằng ý thức, niệm ẩn khuất bên trong.

Chầm chậm niệm Phật:

Niệm Nam mô A Di Đà Phật...... Nam mô A Di Đà Phật...... Nam mô A Di Đà Phật...... Nam mô A Di Đà Phật...... Nam mô A Di Đà Phật......cứ như thế mà niệm, niệm niệm chầm chậm, không gấp, không huởn, không bị hối thúc, không buông lơi giải đãi, không phùng túng mà niệm liên tục. Cứ như thế lần lần sẽ trở thành thói quen, coi như Bạn mắc bệnh trầm kha, không bề nào chữa đặng. Trong thời gian niệm chừng 30 phút, Ban cố gắng niệm thật rõ ràng từng chữ một, không niệm dính chùm như chùm gởi đeo cây, chùm gởi sống cây chết, cho đến khi cây chết thì chùm gởi cũng chết theo. Niệm Phật như thế trở thành thói quen xấu không chữa được, một đời tu hành thật luống uổng.

Khi xả niệm, hai tay xoa vào thật mạnh, khi có hơi nóng, áp sát hơi nóng vào mặt, cho đến khi mặt không còn bị lạnh nữa. Tiếp đến xoa chà xát hai tay, hai vai, hai chân co đến khi tay chân không còn tê buốt nữa mới đứng lên và quỳ lạy Phật 3 lạy rồi lui ra. Ra ngoài làm một số động tác cho đầu, mình, tứ chi được thoải mái, co giãn các cơ bắp giúp cho máu lưu thông, mặt tiếp xúc điều hòa với môi trường mới sau khi xả niệm.

Niệm Phật như nước với trăng

Nước trong trăng tỏ nước nhăng trăng lờ

Đời người là kiếp mộng mơ

Gắng công niệm Phật đúng giờ tịnh thanh

Lời bạt

Không giờ giấc thiền tịnh nào thanh tịnh, có nhiều lực Phật gia trì bằng chúng ta thực hành đúng giờ quy định, đúng với thời dụng biểu đã phân. Tất cả những thời gian đó là thời gian mà Bạn đã sắp xếp, chuẩn bị chu đáo, công đức chuẩn bị chu đáo đó chính là Phật, long thiên hộ pháp gia trì cho Bạn hành pháp. Những giờ giấc mà Bạn của Bạn nói là “giờ linh thiêng” chẳng qua là sách tấn Bạn, đừng dùng những sự hối hả, sự gấp rút, sự tinh tấn xen lẫn công việc, tức là những giờ đó là giờ bận rộn, giờ không có chư thiên, không có long thần hộ pháp nào gia trì cho Bạn cả. Do đó lời khuyên của Bạn của Bạn là đúng. Bạn nên nghe sự cân nhắc đó thì thiền hay niệm Phật có kết quả.

Thiền, niệm Phật sai giờ giấc, sai quy định của thời dụng biểu, chẳng có hiệu quả, là cái lý “không có long thiên hỗ trợ”. Không nên niệm Phật ở cơ quan, không nên niệm Phật buổi trưa nơi chỗ làm việc, vì không có hiệu quả và cũng không phù hợp với môi trường tu hành của Bạn đó.

Nói về lý thì Thiền hay niệm Phật ở nơi nào cũng được cả, vì nơi nào cũng là nơi tu hành nếu tâm Bạn thanh tĩnh. Tuy nhiên, tâm sẽ không thanh tĩnh khi thiền, niệm Phật không đúng chỗ, không đúng thời gian quy định.

Thiền niệm phải đúng thời gian

Không gian trong sạch gọi thiền Như Lai

Thiền niệm ở giữa chợ đời

Trái tai gay mắt người người khó phân

HT Thích Giác Quang



Có 1 phản hồi đến “Có Phải Thiền Vào Ban Đêm Sẽ Được Chư Thiên Gia Trì? Thiền Ở Nơi Làm Việc Có Được Không?”

  1. Tâm đã nói

    Sư ơi tâm có phật thì ở đâu ,lúc nào cũng niệm đc, đi đứng nằm ngồi ăn uống ngủ nghỉ , tâm đều niệm phật cũng đc, phật ko chấp vào đều gì, ko nhất thiết trang nghiêm, chỉnh tề, thanh tịnh, sạch sẽ mới niệm ,lạy phật đc,

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com