Mục Lục
111. Vừa tu thiền, vừa tu niệm Phật, vừa niệm chú có được không hay chỉ chuyên nhất vào một pháp môn cố định mới thành tựu?
Người tu thiền ít dùng thêm pháp môn nào khác để tu tập thêm nhưng người niệm Phật có thể niệm theo hơi thở và nghiên cứu thiền lý để khai tâm mở tánh, đó gọi là thiền tịnh song tu. Người tu niệm Phật cũng có thể trì chú để giải trừ một số nghiệp chướng mà mình xác định rằng câu chú đó giải quyết được vấn đề.
Tóm lại hành giả tu tập suốt cả một đời có thể áp dụng nhiều lối tu để phù hợp với trạng thái tâm của mình lúc đó. Theo thầy, người mới tu thì nên chuyên tu, gạn lọc thân khẩu ý của mình cho nhuần nhuyễn, rồi sau đó mới nên phát tâm trợ duyên giúp đỡ cho người khác đó là hạnh bồ tát tự lợi và lợi tha. Tuy nhiên, cả hai lối tu đều phải song hành, không nên nặng "bên ngoài " vì người mà nhẹ bên trong " vì mình" . Bởi vì ta có công năng tu tập thì mới có kinh nghiệm năng lực dẫn dắt trợ duyên cho người khác
112. Trì niệm chú đại bi nhưng hay mơ thấy các cảnh giới lạ, dễ khóc, chóng mặt, đau đầu là do bệnh thân hay do bị chú hành?
Niệm chú đại bi nếu được nhập tâm thanh tịnh thì thân tâm sẽ được an lạc nhẹ nhàng, hành giả cũng có thể thỉnh thoảng thấy được cảnh lành. Những điều như bạn nói thì ngược lại, có thể trong lúc trì niệm bạn có khởi tâm mong cầu ước vọng muốn được sự linh ứng hoặc thần thông cho nên mới xảy ra những hiện tượng đó. Không lẽ người nào phát tâm đại bi cũng đều khóc cả hay sao? Vậy thì khắp quả đất này sẽ đầy hết nước mắt của chư vị bồ tát. Nói vậy để bạn hiểu rằng trạng thái kể trên của bạn là có vấn đề. Tốt nhất bạn nên buông lỏng thân tâm đừng niệm gì hết trong một thời gian thì những trạng thái đó sẽ mất.
113. Điển là gì? Con nghe nói người tu giỏi sẽ nhận ân điển của vũ trụ, tiếp xúc với các bận chân sư ở những cảnh giới xa xôi vô hình là có đúng không? Có khi đó là sự trợ lực của vị thầy truyền cho đệ tử. Vậy thầy truyền cho đệ tử điển là truyền cái gì và bằng cách nào?
Chữ điển không có trong tự điển của nhà Phật. Các vị chân tu bên Phật giáo có thể nhận được sự gia hộ của các cõi vô hình nhưng bằng từ lực.Sự truyền thọ này chỉ người nhận mới biết. Còn những môn phái khác thì có một số môn phái dùng từ ân điển để nói về sự tiếp xúc với các cõi vô hình. Tuy nhiên, chuyện gì cũng có hai mặt. Nếu người tu mê đắm vào việc này sẽ bị lạc vào ma cảnh.
114. Con nghe có pháp môn dùng năng lượng vũ trụ, năng lượng sinh học, trường sinh học sẽ giúp cho vấn đề tu tập được tốt đẹp hơn. Vậy khi tu theo Phật giáo có được sử dụng các phương pháp này và những phương pháp này có được Phật cho phép sử dụng không?
Pháp môn trường sinh học là do tiến sĩ Phật học Narada sáng lập giúp cho người tu tập có được năng lượng khoẻ mạnh để dể tu tập. Nhưng quá trình tiến hoá cũng ở trong các cõi thiền trong tam giới. Người tu theo Phật giáo có thể áp dụng để cho thân thể khoẻ mạnh chứ không nên đi sâu vào pháp môn này vì không vượt khỏi tam giới. Còn việc chữa bệnh thì không nên vì tiếp xúc với ma cảnh.
115. Luân xa là gì và hoạt động thế nào? Con nghe nói khi mở luân xa sẽ như là mở đi khả năng hạn hẹp để con người có thể làm những chuyện vĩ đại là có đúng không? Ai mới có thể mở được luân xa cho người khác hay cho chính mình? Luân xa khi mở có làm sao không?
Luân xa cũng như những nguyệt đạo chủ yếu trong con người. Khi mở luân xa sẽ xuất hiện một nguồn năng lượng giúp cho người đó khoẻ và có thể tiếp nhận được năng lượng của vô hình. Nhưng năng lượng của vô hình thì nhiều cảnh giới không khéo sẽ tạo nên ảo giác và đi lệch.
Người mở luân xa có thể giúp chữa bệnh người khác tuỳ theo trình độ nhưng không có gì vĩ đại cả. Có nhiều trường hợp họ cũng bó tay trước bênh nhân. Muốn mở luân xa phải nhờ một vị thầy cao hơn mình. Không nên tự mở vì khó kiểm soát . Vị thầy đó sẽ quan sát trình độ của mình và có thể hướng dẫn cho tốt hơn.
Luân xa khi mở thì dễ tiếp xúc với cảnh vô hình. Do đó hãy cẩn trọng. Người tu theo chánh truyền của đạo Phật không nên đi sâu vào pháp môn này vì có thể làm lệch sự tiến hoá. Trong pháp môn trường sinh học không có nói đến niết bàn và cõi cực lạc.
116. Con thấy các vị thầy Mật Tông Tây Tạng tu hành ngồi thiền trên đá băng vẫn toát mồ hôi. Đây là do thiền hay do có phương pháp niệm chú, tu tập bí truyền nào để giữ nhiệt lượng trong người?
Các vị thầy Mật Tông Tây Tạng ở trong những vùng tuyết giá thì được dạy một phương pháp để tăng nguồn năng lượng trong người đó gọi là luồng quả hầu "kundalini". Nhờ vậy họ có thể chịu được băng tuyết lạnh buốt không ảnh hưởng gì đến chuyện tu tập. Phương pháp này không có phổ biến
117. Trẻ con có thể tu tập, đọc kinh Phật, đọc chú hay làm như thế nào là phù hợp và dễ tiếp nhận, không bị quá tải cho các em?
Nền tảng của trẻ con vẫn là gia đình. Có thể dạy các cháu biết hiếu thảo với cha mẹ kính yêu người lớn biết thương người và loài vật biết giữ vệ sinh, làm đẹp môi trường. Nên hướng dẫn cho các cháu biết niềm tin tam bảo nhân quả tội phước. Còn chuyện đọc kinh chú khi nào các cháu thích thì khuyến khích.
118. Trong Bát Nhã Tâm Kinh thường hay dạy sắc sắc không không nghĩa là sao? Có phải là không có gì? Nếu không có gì thì biết tu tập làm sao?
Bạn phải tự hỏi tại sao Phật dạy tứ cú "sắc bất dị không không bất dị sắc, sắc tức thị không không tức thị sắc". Vì nhiều người đứng trước muôn pháp hay sự việc khởi tâm phân biệt có không. Mà có không này chỉ là một cặp đối đãi do chính bạn khởi ra. Vì vậy, Đức Phật dạy tứ cú để giải trừ tâm chấp có không của bạn. Nếu không có tâm này thì không có tứ cú, vậy bạn bám vào sắc sắc không không để làm gì? Muôn pháp xảy ra trước mắt bạn nó vốn là như vậy tại bạn định danh cho nó là có hoặc không thường hoặc vô thường. Đó là lỗi nơi bạn chứ không phải nơi ngoại cảnh. Vậy cốt lõi vấn đề chỉ là bạn cần không chấp trước, không bám chấp vào muôn pháp thì ngại gì tu không được pháp bát nhã.
119. Trong tất cả các hạnh lành của người tu, hạnh nào là quan trọng và cần thiết nhất?
Trong các hạnh của người tu hạnh từ bi hỷ xã là quan trong nhất trước hết phải thấu rõ nhân duyên của người khác để tâm mình không xao động thì mới hỷ xã được. Và ở chỗ tâm hỷ xã bạn mới có đủ năng lượng và hoan hỷ thực hành chữ từ bi. Nếu tâm còn cố chấp và gượng ép thì hạnh từ bi hỷ xả không bền. Nhờ hỷ xả mới có thể giúp tháo gỡ vướng mắc,phiền muộn cho người khác thì mới ứng dụng từ bi một cách thuận lợi nhất.
120. Làm thế nào để có thể tháo sợi dây kết ân oán nhiều đời nhiều kiếp hay hiện tiền dễ nhất để không bị đau khổ lẫn nhau?
Nếu xác định đó là ân hoán nợ nần thì phải chấp nhận trả nợ và thường sám hối. Đối với pháp đại thừa thì xem ân oán hay nghịch duyên là phương tiện để trui rèn mình, nhờ đó mà tâm mình hoan hỷ hơn và dễ chấp nhận hơn. Còn nếu đến mức không thể chịu đựng được nữa thì buông đi cho thân tâm được nhẹ nhàng.
Thượng Tọa Thích Vạn Hùng