VẤN: Bạch Sư ạ! Con năm nay là sinh viên mới ra trường hè vừa rồi và cũng nhờ ơn của chư Phật chư bồ tát mà hiên tại thì con đã xin được việc làm ngay khi ra trường, Con xin được kể câu chuyện của con, con mong Sư sẽ cho con lời khuyên ạ. Nam mô A Di Đà Phật!... _Dạ con là nam, thời con còn là sinh viên, con có quen một cô gái kém con 1 tuổi và chúng con đem lòng yêu thương nhau. Hiện tại chúng con đang là người yêu của nhau. Em ấy thì còn học 1 năm nữa mới ra trường. Mong ước của chúng con là sau khi ra trường thì em ấy sẽ có việc làm và sẽ kêt hôn với nhau. Nhưng mà lại trớ trêu thay ở gia đình con mẹ đi xem tử vi thì thấy nói là tuổi chúng con không hợp nhau, nếu mà kêt hôn vợ chồng thì sau này 2 đứa xung khắc, bênh tật, nợ nần, tù tội...,nên không đồng ý. 

Con cũng là một Phật tử nên cũng chút ít biết về nhân quả và con rất tin nhân quả. Con không biết tại sao tử vi lại nói như vậy, con nghĩ là mọi sự việc đều có nhân duyên và luật nhân quả cả và con không tin vào tử vi nà. Cho dù nếu đó là thật đi nữa thì con mong là tự bản thân bọn con sẽ thay đổi được số phận chứ không phải tử vi sắp đặt cho mình, A Di Đà Phật!...Con có biết chút ít về sự mầu nhiệm của chú Đại bi và đức Quán Thế Âm bố tát. Do đó hằng ngày con và người yêu vẫn bảo nhau đọc chú và hồi hướng cho chúng sinh, để cầu rằng nhân duyên của chúng con sẽ tốt đẹp và được như ý muốn. Có mấy lần con khuyên mẹ nhưng mẹ không nghe vẫn khăng khăng không đồng ý và mẹ vẫn tin vào lá số tử vi. Mẹ con cũng rất tin vào nhân quả nhưng do lá số tử vi nói vậy nên con nghĩ có một phần nào mẹ sợ con sẽ phải chịu khổ nên mẹ không đồng ý!. Nam mô A Di Đà Phật!... con mong Sư cho con lời khuyên giờ con phải làm thế nào ạ!. Con vẫn sẽ tiếp tục hằng ngày đọc tụng và thọ trì chú đại bi và niệm danh hiệu bố tát Quán Âm và hồi hướng cho chúng sinh cho dù thế nào. Con nên làm gì để mẹ con đồng ý và chuyển tâm của gia đình con. Kính mong nhận được hồi âm từ Sư ạ.

ĐÁP

I .

Nếu Bạn là Phật tử được Thầy đặt pháp danh, làm phép quán đảnh, truyền tam quy ngũ giới, chắc chắn các Bạn đã được long thần hộ pháp hộ niệm, chư thiên chứng kiến Bạn đã có hứa khả với Giới sư là khi đã quy y Phật rồi, không quy y thiền thần quỷ vật, quy y pháp không quy y kinh điển ngọai đạo tà kiến, quy y Tăng rồi không quy y đồ chúng ngọai đạo (Giới Đàn Tăng - khoa truyền tam quy ngũ giới - HT Thích Thiện Hòa). Trong tam quy có quy y pháp là không quy y kinh điển ngọai đạo tà giáo, tà giáo là những lời dạy không đúng với chánh pháp của Phật, không đúng với “chánh” thì gọi là “tà”, tà tức tà giáo tà kiến. Như vậy là Phật tử thọ tam quy ngũ giới chúng ta phải cẩn thận, không khéo Phật tử đi lạc phương hướng.

Tuy nhiên chúng ta cũng nên biết về nghĩa đen nghĩa bóng của Tử Vi là gì? “Tử vi”, hay “tử vi đẩu số”, là một môn khoa học phương đông, hoàn toàn không phải là bói toán vì được xây dựng trên học thuyết và kiến thức sách vở, tử vi cho biết vận mệnh con người được xây dựng trên cơ sở triết lý Kinh Dịch với các thuyết âm dương, ngũ hành, Can Chi… bằng cách lập lá số tử vi với Thiên bàn, địa bàn và các cung sao; căn cứ vào giờ, ngày, tháng, năm sinh theo âm lịch và giới tính để lý giải những diễn biến xảy ra trong đời người. Tử vi là tên một loài hoa màu tím. Từ ngàn xưa Khoa Chiêm tinh Tướng mệnh Đông phương thường dùng loại hoa màu tím này để chiêm bốc. Ngoài ra Tử là Tím, còn Vi là Huyền Diệu. Cũng có người cho rằng tên gọi được lấy từ sao Tử Vi (chúa tể các vì sao), một ngôi sao quan trọng nhất trong môn bói toán này. (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia - Tử vi đầu số)

Tử vi dù có cao siêu bao nhiêu cũng còn trong vòng sanh tử luân hồi, không bằng chơn lý nhà Phật, vì Phật là đạo giải thoát, hay mà không làm cho chúng sanh thoát khổ thì “cái hay” cũng chẳng làm gì? Vae lại, Tử Vi là một học thuyết ở Trung Hoa, nếu là khác với Đạo Phật thì gọi là tà kiến vậy thôi.

Tử vi tà kiến gieo trồng

Đừng quan trọng quá chỉ lòng tự tin

Chuyện của ai nấy giữ gìn

Ra khỏi lịch số tầm nhìn xa hơn

Giải nghi

Theo lời Phật dạy trong kinh Di Giáo, chương thứ nhứt, Đức Phật dạy: “...không cho phép người đệ tử Phật xem sao, bói tướng, lịch số, xủ quẻ....làm Phật tử làm việc gì vái nguyện Phật, Bồ tát gia hộ, lực của Phật chư thiên gia bị thì làm việc gì cũng thành công ở hiện tại hay tương lai, không nên đi Thầy chiêm tinh, đoán mộng, bói tướng cũng chẳng ích gì, mà còn làm cho gia đình các Bạn mất an lạc hạnh phúc

Các chiêm tinh gia cũng là bậc Thầy giỏi của vũ trụ thiên nhiên và con người, có vị bình thường thì đoán tinh giải mộng, cao siêu thì gọi là nhà tiên tri, đoán vận mệnh cả thế giới. Tiên tri, chiêm tinh là khoa giáo huyền bí tâm linh, chân chính thì ít, lừa bịp thì nhiều. Tuy nhiên có vị cũng đoán đúng, có vị đoán sau sự việc xảy ra, việc đã xong rồi mới đoán, có vị tức đoán sai trở thành “vua ngụy biên”. Ví như Thầy bói ông “Thanh” phải chết vào tháng 10, nhưng tháng 10 ông “Thanh” không chết, Thầy bảo là ông “Thanh” có làm việc phước nên thoát nạn. Thầy bảo ông “Minh” tháng 12 chết, nhưng ông “Minh” chết tháng 3 năm sau, Thầy nói do ông “Minh” còn mắc nợ thế gian, trả xong mới đi...v.v và v.v

Những nhà tiên tri chân chính xưa như Nostradamus 1503-1566 (Pháp) “...Hoàng hậu Catherine de Médicis, vợ vua Henri II, chính là một trong những người sùng mộ Notradamus. Sau khi đọc quyển Niên Giám cho năm 1555 của Notradamus trong có ám chỉ một tai họa sẽ giáng xuống cho Hoàng gia, bà liền triệu ông về thủ đô Paris để giảng giải tường tận, đồng thời lập lá số tử vi cho các hoàng tử, công chúa...” (Bách khoa tòan thư mở Wikipedia - nhà tiên tri Nostradamus)

Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), tên huý là Nguyễn Văn Đạt, tên tự là Hanh Phủ , hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử , là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm được nhìn nhận là một trong những nhà văn hóa lớn của dân tộc. Ông là một chính khách có uy tín, bậc hiền triết, nhà tiên tri... Nhưng ông cũng đồng thời là một tác gia lớn có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của văn học dân tộc. Sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm phong phú, gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà thơ lớn, không chỉ của thế kỷ XVI. Tác phẩm của ông có ảnh hưởng sâu rộng, tác động tích cực vào đời sống tinh thần của nhân dân và góp phần thúc đẩy sự phát triển của tiến trình văn học dân tộc (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia Nguyễn Bỉnh Khiêm - Gia trị tư tưởng và nghệ thuật)

Bỉnh Khiêm tài trí hơn người

Có tâm xây dựng cho đời thêm tươi

Tiên tri bốc phệ tuyệt vời

Xây dựng nhà Mạc một thời vươn cao

Nhà tiên tri mù Vanga (Kozhuh, Bulgaria) chiêm tinh gia Krumova (Nga), Vanga là người mù chữ hoặc bán biết chữ. Bà đã không viết một cuốn sách nào. Giọng nói của bà rất khó phân biệt và nặng về tiếng địa phương (cho nên gần đây nhiều bản tin trên ti vi có phụ đề cho người Bulgari). Tất cả những gì mà Vanga nói ra đều được ghi chép lại cẩn thận. Sau này nhiều cuốn sách bí truyền về cuộc sống và dự đoán của Vanga được viết rất nhiều. Vanga cho hay, với khả năng phi thường của mình, bà đã biết đến sự tồn tại của nhiều sinh vật vô hình, nhưng bà không thể giải thích rõ nguồn gốc của chúng. Bà nói rằng chính những sinh vật này đã cung cấp thông tin về mọi người cho bà. (Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia - Sự nghiệp của Papa Vanga)

Chiêm tinh gia Huỳnh Liên (Lái Thiêu), chiêm tinh gia Maitre Khánh Sơn (Saigon)...các chiêm tinh gia sau những bài đoán mộng của mình, các vị thường khuyên “phải tu nhơn tích đức để được tai qua nạn khỏi, tất cả mọi việc xấu đều qua đi.”

Ngày mùng 8 tháng 8 âm lịch năm 1980 quý Sư về tại Nhứt Nguyên bửu tự, xã Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Dương tham dự khóa niệm Phật “bá nhựt trì danh” có ghé thăm chiêm tinh gia Huỳnh Liên. Lúc bấy giờ ông cũng thường xuyên lui tới học Phật pháp với Đức Tôn sư Thiện Phước- Nhựt Ý. Tôn sư có khuyên ông nghỉ dưỡng nghề chiêm tinh, theo Phật lo tu hành. Ông có nghe và có tham dự khóa niệm Phật. Quý Sư cũng thường tiếp ông, khi ông tới chùa niệm Phật, ông thường nói với mọi người “ở đời phải tu nhơn tích đức mới được tai qua nạn khỏi...tôi xem tướng là chỉ báo tin cho các vị biết trước mọi việc nhưng không giải cứu được các vị thoát nạn tai...”. Ông nói như vậy rồi từ đó lo niệm Phật, chỉ cách vài năm sau chính ông cũng không thoát khỏi nạn tai và chết thê thảm tại gia đình.

Tu sao để tự cứu mình

Đừng để dịch số xen vào khổ tâm

Ai ơi luyện chí kiếm tầm

Không cho lịch số xem nhằm chúng ta.

II .

Nhân quả và nghiệp chướng

Giáo lý nhà Phật là giáo lý cực tắc, chí chơn chí đẳng, giáo lý nhân quả là quy luật có sẵn trong đời nhưng chúng ta không thấy biết. Đức Phật thấy biết rõ ràng và tránh xa các ác nghiệp và thực hành thiện nghiệp, gọi đó là chân lý của Phật ban truyền cho chúng ta. Lúc sanh tiền, trong đời sống hằng ngày Đức Phật lúc nào cũng cân nhắc chư Tôn giả luôn giữ chánh niệm, không sanh khởi các ác duyên thời điểm Phật dạy Kinh Pháp Cú ngài nói đến "Luật Nhân Quả". "Nhân" nghĩa là nguyên nhân, là hạt, tức hạt giống sinh ra một vật hữu hình hay là sức mạnh sinh ra một vật vô hình. "Quả" là kết quả, là trái, tức là kết quả hữu hình hoặc vô hình của một hạt đã gieo trồng. Nhân là năng lực phát động, quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân và quả là hai trạng thái tiếp nối nhau xuất phát từ tâm khi sanh khởi thiện, khi ác vô chừng. Nếu không có nhân thì không có quả, nếu không có quả thì không có nhân. Định luật hiển nhiên này mọi người đều nhận thấy. Định luật nhân quả liên tục kéo dài vô cùng tận, như những lượn sóng chập chùng trên mặt đại dương. Chúng sanh và con người như những tử thi nổi trôi muôn đời trong vùng trũng nhân quả đó và dường như không thế nào thoát khỏi, nếu không có đạo đức, không có Đức Phật lòai người sẽ chết ngộp trong chiếc thân tứ đại nầy.

Như hạt mận là nhân, cần có đủ nhân tố, khẳng định là hạt nhân, hat nhân luôn luôn có sự đeo bám như “nam châm” gọi đó là nghiệp. Nghiệp của hạt mận luôn luôn có sự đeo đẳng theo sự hiện diện của con người, đất, nước, hành động gieo trồng, chăm sóc...đó là nghiệp nhân cho đến khi mọc tượt thành cây, có bông có trái gọi là nghiệp quả. Nghiệp quả vô chừng và luôn luôn có mặt trong thế giới ta bà và nhân sinh quan, từ con người đến cỏ cây thú cầm, như nói đến núi non (nhân quả) thì bên cạnh là có rừng cây (nghiệp), trâu thì mang ách, ngựa thì phải đeo kế, ăn cỏ kéo xe trả nợ cho chủ. Sở dĩ có chiến tranh, tranh giành đất đai, dội bom, bắn giết lẫn nhau, những người ôn bom tàn sát tập thể, tàn sát lẫn nhau là do nghiệp sát sanh của con người, chứng nào các lò sát sanh trên thế giới không còn họat động thì chiến tranh không xảy ra. Trong sách Phu Thê ngôn luận có câu:

“Nhứt thiết chúng sanh vô sát nghiệp

Hà sầu thế giới động đao binh”

Như trên, chúng ta đủ nhận thấy, những quả báo ứng thánh thiện đến với chúng ta là do trong quá trình ta tạo nghiệp, chúng ta có tu nhơn tích đức không gây ác nghiệp, nên được hưởng quả lành, gia đình hạnh phúc. Trong nhơn gian thường phổ biến câu của ngài Lão Tử, giáo chủ Đạo Học như sau: “thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”, tức là lưới trời lồng lộng bao la, một mãi lông cũng không lọt. Người làm thiện dù sống bất cứ nơi nào trên thế gian cũng đều thảnh thơi an nhàn, người làm ác nhỏ, dù trốn chạy ở phương trời nào cũng không thoát khỏi quả báo và luật luật pháp.

Ngài Long Thọ trong quá trình hành đạo năm 244 sau tây lịch được tôn kính là Giáo chủ của Tịnh Độ Tông, ngày xuất bài kệ trong đó có bốn câu nói về nhân quả trong pháp môn tu tịnh độ niệm Phật:

Nếu người trồng căn lành (nhân)

Nghi thờ hoa không nở (quả)

Người tín tâm thành tịnh (nhân)

Hoa nở liền thấy Phật (quả)

III .

Kỵ tuổi có cưới xin được không?

Là Phật tử chúng ta cố gắng học tu theo giáo pháp nhà Phật, giải quyết mọi việc ổn định theo giáo lý nhà Phật, tu học giáo lý duyên khởi, mọi quả báo không phân định giàu nghèo, trẻ già, tất cả chúng sanh đều bình đẳng trước luật nhân quả. Chúng ta đã quy y Phật biết ăn chay niệm Phật, biêt lánh xa đường ác thì khi làm việc gì như việc cưới xin thì nương vào lời Phật dạy, nên làm lành lánh dữ thì các việc dữ không bao giờ đến với chúng ta co gì phải lo sợ mà kiếm tầm Thầy bói xem tuổi. Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: Nhân thế nào thì quả thế ấy, làm ác gặp ác, làm thiện gặp thiện...kiếp sống con người không do thần thánh lịch số, tướng số, tuổi tác phân định.

“...Nhân có thể cải biên, biến đổi, thay đổi bằng những nhân khác. Khi đã gieo rồi, một nhân sẽ sống theo dòng sống của nó, như người làm ác, khi gặp Phật biết phục thiện, như mạng số người chết yểu khi gặp Phật Pháp lo tu hành, làm lành, biết cứu người giúp người qua cơn họan nạn, người đó cải được số mạng không phải bị chết yểu. Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy nhân quả luân chuyển từ tâm đến thân như sau:

Trong tất cả các pháp -Tâm dẫn đầu, Tâm là chủ - Nếu đem tâm ô nhiễm - Nói năng hoặc hành động -Thì sự khổ sẽ theo ta -Như bánh xe lăn theo con vật kéo xe

Trong tất cả các pháp -Tâm dẫn đầu, Tâm là chủ - Nếu đem tâm thanh tịnh-Nói năng hoặc hành động -Thì sự vui sẽ theo ta - Như bóng theo hình.

Nhân quả có trong những vật vô tri giác như nước bị lửa đốt thì nóng, bị gió thổi thì thành sóng, bị hơi lạnh thì đông lại. Nhân quả trong loài thực vật như hạt ớt thì sinh ra cây ớt, cây ớt thì sinh ra trái ớt

Tin vào pháp nhân quả của nhà Phật làm cho chúng ta tránh mê tín dị đoan, không còn tin tưởng vào thần quyền, số mạng trời định, tướng số lịch số phân định. Luật nhân quả phủ nhận cái thuyết chủ trương rằng "vạn vật do một vị thần sanh ra và có quyền uy thưởng phạt con người..." (trích Kinh Pháp Cú - chương 5 - Nhân quả và nghiệp báo).

Cũng không nên dùng các pháp môn khác, mà trong Đạo Phật không có, như muốn cưới xin nhưng hai tuổi kỵ nhau, mệnh xung khắc, có người hướng dẫn tụng kinh Thiên Địa Bát Dương là sai lầm, vì Thiên Địa Bát Dương kinh không phải là kinh pháp của Phật, chúng ta đã quy y Tam Bảo rồi không nên dùng phương tiện nầy để giải quyết việc cưới hỏi sẽ phạm giới và không có hiệu quả thiết thực.

Qua đoạn kinh trên và lời dặn dò đã cho Phật tử chúng ta thấy đạo lý của Phật Thích Ca, cũng như của Thánh Hiền đều hướng thiện mọi người: “tích ác phùng ác, tích thiện phùng thiện”, làm thiện thì gặp thiện, làm ác thì gặp ác. Không có vấn đề làm thiện lại gặp ác bao giờ, hoặc bình thường không làm việc thiện, đến khi làm lễ cưới hỏi Thầy bói xem hai đàng kỵ tuổi, nghe kỵ tuổi sợ quá thì mướn Thầy tụng Thiên Địa Bát Dương kinh cho tai qua nạn khỏi để làm đám cưới thì thật khó vượt qua. Do đó, nếu là Phật tử thì không làm ác, không làm ác tức là người hiền, nên khi lập gia đình dù lịch số xem các Bạn có nghịch duyên không hợp tuổi, hoặc bị lỗi ngày sanh tháng đẻ theo lịch số, như “bát san tuyệt mạng”, trai, gái kỵ tuổi nếu cưới nhau cùng sống chung là chết hay người mất người còn...các hiện tượng trên đều vượt qua và hạnh phúc muôn đời. Việc nầy không phải do Phật định, trời định, thánh thần định đọat, mà là do luật nhân quả chi phối đời sống chúng ta.

Cưới nhau là chuyện của người

Không phải của mình cản lối làm chi

Trăm năm chẳng có ra gì

Đừng đem lý số đối đầu với nhau.

Phần kết

Cưới xin là hợp thức hóa việc dựng vợ gã chồng cho đôi trai gái trong gia đình thế gian, tránh tình trạng quan hệ bất chánh, không cưới hỏi mà lập gia đình với nhau thì người đời cười chê, con nhà ai thiếu gia giáo vậy thôi. Nếu chúng ta là Phật tử làm cha mẹ không nên xen vào việc của con cái nhiều, sẽ tạo đau khổ cho chúng. Ở Việt Nam, rất nhiều hộ gia đình tuổi tác kỵ nhau, tuổi lớn tuổi nhỏ cưới nhau rất nhiều, không làm đám cưới lớn lao, hoặc chỉ tuyên bố cưới nhau vẫn sống chung đến ngày răng long bạc đầu, giữ trọn thủy chung, nên chẳng có gì phải khó khăn. Ngày nay, các bậc làm cha mẹ đã tiến bộ nhiều đi với Đức Phật, không nên áp đặt chuyện lập gia đình với con cái. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà mọi người hay con cái trong nhà qua mặt cha mẹ, tự do quan hệ nam nữ phức tạp, làm mất luân thường đạo lý Việt Nam và văn hóa ngàn đời của dân tộc.

Theo Sư nghĩ, sở dĩ có những gia đình ly tán, tan hàng sớm là do lập gia đình trẻ quá chưa có nghề nghiệp, thiếu cơm ăn áo mặc, từ đó thiếu hạnh phúc nên tan hàng. Thứ hai khi lập gia đình các Bạn không có ý tứ những việc riêng của nhau, những bất đồng chính kiến kinh qua bản ngã phàm phu, người phàm mắt thịt ít tu thiếu phước, ít khi nhịn nhục với nhau, ăn thua đủ lẫn nhau, lợi dụng lẫn nhau, nên dù lịch số xem ra rất tốt nhưng vẫn không sống chung, vẫn phải chia tay vô thời hạn, dẫn đến ly hôn. Thứ ba lập gia đình không người bảo hộ. hoặc có đôi khi gia đình không nền nếp, thiếu gia giáo, nên dù cho tuổi nam nữ được xem ra rất hợp, không kỵ can, chi nào, nhưng rốt rồi cũng phải rã tan hàng, mỗi người mỗi ngã rẻ mất phương hướng.

Trong nhân gian có nhiều gia đình sống chung trọn đời thủy chung, nhưng trong quá khứ không có cưới hỏi chi cả lý do nghèo, cũng không đi coi Thầy hợp hay không hợp, nhưng con cháu đầy đàn, cháu nội cháu ngọai sum vầy hạnh phúc vô cùng.

Các Bạn ơi, tu thì “đời cho ra đời, đạo cho ra đạo, tu cho ra tu”, không nên san định lộn xộn. Lập gia đình với nhau thì quyết tâm lập, được hay không được, thành công hay không thành công là do các Bạn là những thế hệ lo cho hiện tại và tương lai, thế hệ làm chủ môi trường, làm chủ xã hội, làm chủ sinh mệnh gia đình.

Với đạo khi cưới hỏi các Bạn xin cha mẹ cho được tự tại theo khuôn thước đạo đức gia đình, không thêm thắt những khó khăn đưa vào tâm trí của người con Phật. Cũng không phải tụng chú Đại bi, không niệm Phật, việc tụng kinh niệm Phật là việc của tu sĩ không phải của việc cưới hỏi. Lập gia đình là quan trọng cả một đời người, không nên tính toán rườm rà hao tốn công sức. Các Bạn chỉ cần làm các việc đăng ký kết hôn, xin cha mẹ ngày làm lễ dạm hỏi, ngày làm lễ cưới, lạy cha lạy mẹ đôi bên, đăng ký với Thầy Bổn sư làm lễ hằng thuận, cô dâu chú rễ được làm phép quán đảnh trong ngày cưới giúp các Bạn an lạc, sống thủy chung muôn đời..

Với đời cũng không nên quá khó khăn. Người xưa rất khó, nhưng cũng có lúc còn phải tự mình cân nhắc: “già kén kẹn hom”, hay “già kén chẹn hom”. Bạn có biết không “Già kén kẹn hom” là câu tục ngữ “nói trường hợp kén chọn kỹ quá để đến nỗi tình duyên lỡ làng, cuối cùng có thể gặp cảnh không như ý” nhé các Bạn (theo tự điển tiếng Việt của Giáo sư Hoàng Phê chủ biên).

Theo lối sống khoa học tiến bộ và thực dụng hiện nay, thanh niên nam nữ rất cần thiết đến lối sống êm đềm không xa hoa phung phí tiền của, mà là tiết kiệm nhiều chừng nào tốt chừng nầy dồn hết trí tuệ công hiến cho cuộc đời. Ý tưởng xem Thầy bói nói hai tuổi kỵ nhau không thể cưới hỏi được, cha mẹ không cho phép cưới nhau, việc nầy khắp khuyên nếu gia đình đã quy y Tam Bảo, nhà Phật không cho phép nương vào lịch số, lý số, tướng số để giải quyết việc tạo nên bất an trong nhà Phật tử.

Lý số là việc thế gian

Không nên đem đến đạo tràng xử phân

Khắp khuyên người thế xa gần

Đừng đem lịch số xen trong tình người.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Niệm Phật, Trì Chú Đại Bi Có Thể Thay Đổi Tử Vi, Xung Khắc Kỵ Tuổi Khi Tiến Đến Hôn Nhân Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com