Mục Lục

71. Người tu hành có thể tự tu được không hay phải có thầy bổn sư dẫn dắt? Vậy làm thế nào để tìm được vị thầy phù hợp với mình?

Tốt nhất là nên tìm một vị thầy để được hướng dẫn tu tập. Nếu may mắn sẽ gặp được sớm hoặc có khi phải cần có thời gian mới tìm được vị thầy phù hợp với mình.

72. Nhiều Phật tử khi tu tập, trì chú hay niệm Phật thường bị nhức đầu, chóng mặt, rất khó chịu. Nguyên nhân là vì sao? Làm thế nào để hóa giải?

Trì chú, niệm Phật mà bị nhức đầu là do mình ép mình quá. Niệm dồn dập, niệm nhiều quá và thiếu điều hòa hơi thở. Nên giảm , buông long, hít thở nhẹ rồi niệm từ từ lại.

73. Thượng tọa nghĩ sao về các pháp môn tu tập khác không phải của Phật giáo như tu nhân điện, mở luân xa, trường sinh học? Nhiều người tu theo các pháp môn này vì cho rằng sẽ có năng lực vĩ đại cứu độ, tu tập nhanh chóng đắc đạo hơn là có đúng không?

Các pháp môn khác như nhân điện, trường sinh học, mở tâm thức do tính cách đặt thù của từng pháp môn sinh năng lực. Nhưng không có năng lực nào vĩ đại cả và không có năng lực nào cứu độ được mọi loài chúng sanh, mọi trường hợp đau khổ, kể cả năng lực của Phật. Vì còn tùy duyên và phước đức của từng người đó.

Đạo Phật là con đường chuyển hóa tâm thức từ mê sang ngộ, từ phàm sang thánh. Những pháp môn kể trên cũng giúp người ta cải thiện thân, tâm của mình nhưng chủ yếu dựa vào năng lực của luân xa. Khi bạn mở luân xa tức là mở tâm thức và sanh năng lực và cho rằng mình thành tựu nhanh, chấp vào điều đó sanh hoang tưởng, quên đi chuyện tu tâm dưỡng tánh cho tốt. Vả lại con đường nào có kết quả càng nhanh càng rủi ro. Hãy thận trọng.

Pháp môn nào càng hiệu quả, càng nhanh thì càng nhiều rủi ro. Chỉ có năng lực của Bồ Tát và Phật mới vĩ đại.

74. Vì sao người tu các pháp môn không phải của Phật như luân xa, nhân điện, thiền xuất hồn, trường sinh học thường bị ảo giác và thấy các cảnh giới khác? Những hình ảnh ấy là thật hay do tâm bệnh? Làm thế nào mới có thể đóng lại cửa luân xa?

Khi mở luân xa cũng đồng nghĩa với mở tâm thức và lúc đó tâm thức tiếp xúc với tâm thức vô hình. Rời tâm thức hành giả lại biến chuyển khi tiếp xúc với vô hình, sanh ảo giác, nghĩa là có thật và giả. Rồi lại ngộ nhận ra rằng mình gặp được Phật, thượng Đế … sanh ngã chấp, tự cho chứng đạo, tự cho có năng lực vô hạn, dần dần sanh tâm bệnh.

Khi tâm thức mở, hành giả tiếp nhận được nhiều cảnh giới vô hình nhưng không biết được hư thật, dễ bị dẫn vào hoang tưởng. Còn tự sanh ảo giác cũng có, tức là tự sanh trong tâm thức mà không kiểm soát được, sanh chấp lầm, tự cho mình chứng đắc, hoang tưởng chồng chất nguy thay. Muốn đóng cửa luân xa thì đừng nghĩ tới và bỏ ngồi thiền một thời gian, luân xa tự đóng.

Đây là nói một số ít người bị như vậy chứ bản chất các pháp tu không phải là tà. Khi bị vọng tưởng thì không ngồi nữa, không nghĩ tới nữa sẽ hết.

75. Làm thế nào để Phật tử có thể vun bồi được trí huệ, công hạnh tu tập mỗi ngày mỗi được tăng trưởng một cách thuận lợi và dễ dàng?

Phật tử hàng ngày phải kiểm soát thân, khẩu, ý của mình, đừng để sai phạm. Cố gắng làm điều tốt cho mình hoặc cho người. Có thời giờ thì tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, hoặc nghe pháp để trưởng dưỡng đạo tâm. Đừng để tâm chấp trước lầm lẫn trói buộc sẽ sáng.

Không có gì thuận lợi và dễ dàng cả. Chỉ có làm đúng, tu đúng, hiểu Phật pháp cho chuẩn, kiên trì thực hành sẽ có trí tuệ và công hạnh.

76. Làm thế nào để có thể định tâm hay bớt loạn tâm một cách dễ dàng nhất?

Không có cách nào dễ nhất cả. Mỗi người một duyên. Tuy nhiên, Phật dạy người có tâm hay tán loại thì dùng pháp quán niệm hơi thở. Vả lại pháp nào cũng cần có thời gian như uống thuốc trị bệnh vậy.

Thông thường, người ta hay đè nén, hoặc trấn áp tâm. Khi nó loạn động nhưng cách này không ổn không bền. Cũng như bạn đang ghìm cương con ngựa đang chạy. Như vậy bạn có làm được không. Bạn sẽ mệt mỏi. Nhiều người vẫn quen lấy tịnh chế động. Đó là cách nghĩ xưa nay. Nhưng nếu bạn quan sát tâm mình kỹ một chút, tìm hiểu kỹ một chút sẽ thấy tâm tự sanh tự diệt. Vấn đề là bạn làm sao lúc nó mới sanh khi nó tự diệt Có hai cách:

- Nếu nó chỉ là những niệm tưởng lăng xăng thì kệ nó, đừng quan tâm tới

- Nếu nó khuấy động, như con ngựa chướng thì bạn hãy nhìn ngắm nó, chờ nó hết chướng. Hãy thử xem có dễ dàng hơn không?

77. Người tu ban đầu rất kính tin tam bảo nhưng dần dần bị chai sạn, xem lời dạy của Phật, của các bậc tông tổ không còn trọng vọng. Phật tử khi gặp chướng duyên chỉ biết cầu xin nhưng không đạt được lại mất niềm tin vào tam bảo. Làm thế nào để người tu luôn kính tin tam bảo trọn vẹn?

Tin mà phải hiểu rồi làm. Mình phải hỏi xem lại cái tâm ban đầu sao không còn nữa? Khi nghiệp chướng bủa vây thì tâm điên đảo nhưng rồi cũng qua. Mình cầu xin nhưng lại không biết là nghiệp phải trả. Tự trách mình thiếu duyên sao lại trách trời Phật nhưng mình có biết bề trên độ mình ra sao không? Hãy tận lực trước khi cầu Phật gia hộ. Hãy tự cứu mình trước. Có người nghĩ Phật là từ bi nên cái gì cũng cầu.

78. Trong Phật giáo thường dùng từ tánh không, pháp không, sắc sắc không không như trong Bát Nhã Tâm Kinh? Có cả phương pháp tu Tánh Không? Vậy tánh không nghĩa là làm sao? Tu tánh không là tu cái gì? Phật tử nào mới có thể đủ duyên đủ căn cơ tu tập pháp môn này?

Tánh không là tánh chất không thật có của vạn hữu, của thân mình, tâm mình. Ví dụ như bóng bạn trong gương. Nói không cũng không được, nói có cũng không xong. Nó chỉ là ảo. Vì ảo nên không thật có. Vì hiểu không thật có nên bạn có lầm không? Có bám chấp vào thân tâm và muôn cảnh, muôn vật không? Hiểu như vậy tức là tu tánh không.

Người mà hiểu như vậy thì tu tập được, đâu luận ngu hay trí. Những người có trí hay thích biện luận, đâu bằng ngu mà đi thẳng vào trong.

Tánh không là tánh vốn như vậy của vạn hữu, nghĩa là không thật có, không có gì để bám víu vào. Tu tánh không là không để tâm bám chấp vào bất cứ cái gì. Ai cũng tu được vì chỉ trở về với bản chất thật của tâm.

79. Trong cửa Phật, có phải người không biết gì, giáo lý không có khả năng đọc hiểu là không thể tu tập đắc đạo?

Không phải vậy, có khi không biết gì lại tu tập dễ dàng hơn. Thầy dạy sao cứ làm vậy, tâm ý đơn giản, dễ nhiếp tâm hơn. Thời Đức Phật có hai anh em Châu lợi, Bàn đặc đắc quả A La Hán chỉ biết mỗi câu niệm “quét bụi trừ bẩn.”

80. Có nhiều vị thầy kể cả Phật tử thường thử ý, thử pháp các vị thầy khác, Phật tử khác xem họ hiểu tu thế nào để bày tỏ sự kính trọng hay đi theo để tu tập. Ai mới có thể thử pháp và đủ khả năng để thẩm định điều này là đúng hay vị ấy là đắc đạo,hiển thánh, có sự tu tập không phải chỉ nói?

Điều này từng xảy ra, nhất là bên Thiền Tông. Nhưng vẫn là con dao hai lưỡi. Ai mới có đủ năng lực để thẩm định người khác? Lấy tiêu chuẩn nào để thẩm định? Hoặc gặp một vị chân sư ẩn tu dấu mình, làm sao biết được?

Thượng Tọa Thích Vạn Hùng




Có phản hồi đến “9. Phần 8: Hóa Giải Tu Tập”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com