Mục Lục

261. Con nghe nói kinh Phật không phải muốn đọc là đọc vì có kinh dành cho người thường, có kinh dành cho các bậc thiện tri thức hay giáo hóa Bồ Tát. Do đó nếu không có sự tu tập hay được hướng dẫn thì không nên đọc vì đọc vào không hiểu, gây cuồng si, có khi điên loạn, bị kinh hành. Như vậy có đúng không? Kinh nào Phật tử có thể đọc được?

Kinh Phật như thuốc trị bệnh, do đó đọc kinh phải có sự hướng dẫn của người đi trước thì an toàn hơn. Cũng có trường hợp người đọc kinh đại thừa sanh loạn tâm vọng chấp cũng như uống lộn thuốc vậy. Muốn đọc kinh thì phải đọc những bộ kinh từ thấp đến cao. Ít nhất phải hiểu thuyết nhân quả lý nhân duyên, tứ diệu đế rồi từ từ tham khảo những kinh đại thừa khác. Vấn đề căn bản vẫn là đừng chấp văn tự khi đọc kinh đại thừa. Cong muốn tụng thì Phật tử nên tụng kinh Phổ Môn, kinh Di Đà, kinh Phổ Hiền…

262. Phật tử khi tu tập luôn được dạy phải có một vị thầy minh sư hướng dẫn tâm linh. Nhưng nếu không có điều kiện để đến chùa, không biết tìm minh sư hay chưa có duyên để gặp minh sư thì phải làm sao?

Nếu chưa gặp minh sư phải dựa vào những điều thầy vừa nói ở trên.

263. Vì sao có những vị thầy có thể giảng pháp, nói pháp liên tục không ngừng nghỉ? Có vị dù chưa từng xem qua quyển kinh, hay là cả kinh sách của tôn giáo khác vẫn có thể nói vô tận? Đây là do công phu trí huệ hay là do có sự gia hộ? Làm thế nào để biết người giảng kinh là nói đúng?

Do cả hai, còn muốn biết đúng hay sai thì phải đối chiếu với kinh Phật.

264. Khi niệm Phật hay trì chú thường bị hôn trầm là vì sao? Lúc ấy nên làm gì để không bị hôn trầm nhưng vẫn có thể trì chú, tụng kinh và niệm Phật?

Khi bị hôn trầm thì thường theo yếu tố vật lý, có trường hợp vì yếu tố tâm lý. Cách giải quyết là hãy đứng mà lạy Phật.

265. Có những lúc con ngồi niệm Phật, mắt nhắm lại không thể mở ra dù tâm vẫn định tĩnh biết rõ việc gì. Không phải là do con buồn ngủ. Có khi nghe kinh chú nước mắt chảy ra liên tục? Đó có phải là do vong hành không? Làm thế nào để hóa giải?

Trường hợp đó là do chung quanh có nhiều người vô hình bu đến. Muốn hoá giải thì thường lạy Phật rồi lần lần sẽ hết.

266. Đọc kinh, niệm Phật trong vô niệm nghĩa là như thế nào? Vô niệm là không thể đếm được nữa hay là tâm không còn có sự phân biệt? Nhưng như vậy thì trụ tâm ở đâu và trụ tâm có được gọi là vô niệm không?

Người đã chứng chân tâm mới tụng niệm trong vô niệm. Vô niệm không phải là không biết gì hết mà đó là tánh không, còn trụ tâm chưa phải là tận không.

267. Khi nào thì nên tụng kinh Địa Tạng và khi nào thì nên tụng kinh Lương Hoàng Sám? Kinh Lương Hoàng Sám không phải của Phật vậy tụng kinh có sao không? Những hình ảnh mô tả trong kinh Lương Hoàng Sám là có thật không?

Chỉ có như cầu siêu mới nên tụng kinh Địa Tạng. Kinh Lương Hoàng Sám tuy không phải của Phật nhưng vẫn tụng được. Tuy nhiên, những người tụng thấy bất an thì không nên tụng. Còn những gì trong kinh Lương Hoàng Sám nói là do trí huệ của 10 vị Bồ Tát diễn bày, không thể nói đúng sai.

268. Trong kinh Kim Cang có dạy “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm – đừng sanh vọng tâm trụ chấp một nơi nào.” Câu nói này có nghĩa là thế nào? Tâm luôn chuyển đổi, vậy niệm Phật cũng là trụ tâm trong câu Phật hiệu hay thiền trụ vào hơi thở như vậy có đúng theo kinh không?

Cảnh giới vô sở trụ là cảnh giới vô chấp của người giác ngộ không luận là có niệm Phật hay thiền định. Còn người niệm Phật hay ngồi thiền thì cứ tu tập chừng nào tâm vô trụ mới biết.

269. Vì sao khi thờ tượng Phật hay ảnh Phật ở nhà phải làm lễ an vị Phật? Nếu không làm lễ an vị Phật, không mời thầy chú nguyện, hay đem lên chùa chú nguyện mà đem về thờ, tự mình tụng kinh tu hành hàng ngày có sao không?

Nếu không có duyên để nhờ thầy làm lễ hay chú nguyện thì yếu tố tâm linh vẫn là quan trọng nhất. Nghĩa là thành tâm và tín tâm.

270. Vì sao có rất nhiều người dịch hiểu, thông tuệ kinh điển, mọi thứ đều làu thông nhưng lại không thể thực hành được theo những điều Phật dạy cơ bản nhất? Vì sao khi đọc kinh có người bị nhức đầu hoặc có thể đọc được kinh này nhưng không đọc được kinh kia? Làm thế nào để hóa giải vấn đề hôn trầm tán loạn để có thể tập trung đọc được kinh hay tụng kinh?

Người dịch và hiểu kinh chỉ là học giả chứ chưa phải hành giả như người diễn tả món ăn mà không chịu ăn. Còn đọc tụng kinh điển mà bị trở ngại chướng duyên đó là yếu tố nhân duyên và nhân quả của mình, hãy thường sám hối rồi sẽ hết.

HT Thích Vạn Hùng




Có phản hồi đến “28. Phần 7: Kinh Điển - Đức Phật”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com