Mục Lục

191. Thân, khẩu ý cần giữ để thanh tịnh nhưng không thể dễ dàng. Vậy giữ cái nào trước và dễ nhất hòng khống chế những cái còn lại?

Muôn pháp từ ý sanh. Hãy giữ ý trước nhất như người đánh xe bò thì phải điều khiển con bò. Muốn giữ ý dể dàng thì nên dùng sổ tức quán. Dựa vào hơi thở bạn có thể biết được ý mình thân mình khẩu mình đang làm gì. Bạn chỉ cần quan sát và điều chỉnh thân khẩu ý chứ không thể khống chế như khống chế một con ngựa đang chạy. Đó là cách dễ nhất để điều chỉnh ba nghiệp của mình, dần dần bạn sẽ thấy an lạc.

192. Thường người tu ban đầu rất hăng hái, sau lại dãi đãi sinh ra lười biếng, nhàm chán, thiếu động lực hay từ bi hỷ xả cũng vơi đi. Vậy tu tập như thế nào để càng ngày tâm càng tăng yêu thương, từ bi và hỷ xả nhưng không làm cho tâm mình bị trói buộc, khó chịu trở nên giả tạo?

Thường người tu ban đầu phát tâm rất mạnh như bắn 1 mũi tên, như 1 ly không có chứa nước rót Phật pháp vô ngày càng nhiều cho đến khi đầy. Sau đó cảm thấy nhàm chán thì không có gì lạ. Đây là trạng thái của nhiều người tu gặp phải cũng như ly nước đã đầy không chế thêm được nữa. Vậy mỗi người phải tự biết trạng thái tâm mình đang ở chổ nào để dùng pháp đối trị. Thí dụ như bạn từng tu tịnh thì bây giờ phải tập tu trong động hoà nhập với bên ngoài và chiêm nghiệm Phật pháp. Ngược lại, thời gian đầu bạn năng động hiểu biết nhiều mà tâm chưa yên thì bớt lại suy gẫm những gì mình đã trải qua và điều chỉnh.

Tóm lại khi tâm trạng mình thay đổi thì có thể: 

- Trạng thái tâm lý thái đổi
- Nghiệp lực quá khứ đang bắt đầu quấy động.
- Dựa vào hai lý do trên bạn có thể điều chỉnh cách tu của mình rồi lần lần sẽ trở lại trạng thái bình an. Có điều hãy chân thật với chính mình, hiểu rõ tâm trạng của mình và thật lòng sữa đổi, đừng vì lý do gì hoặc ngoại cảnh mà không quyết tâm. Nếu vậy thì sự giả dối không có lý do tồn tại không luận người khác khen chê.

193. “Bình thường tâm thị đạo” nên hiểu như thế nào? Tâm bình thường là tâm làm sao?

Bình thường tâm thị đạo nghĩa là tâm bình thường là đạo. Bạn có thấy mặt gương không? Mặt gương phẳng lặng yên tĩnh trước mọi xao động. Những xao động ấy mặt gương soi gọi tất cả nhưng vẫn bất động. Trong đây nên hiểu tâm là có tịch và chiếu.Có chiếu và tịch nghĩa là yên lặng mà chiếu soi hay chiếu soi mà vẫn tịch tĩnh vậy bạn suy gẫm về cái tâm như mặt gương sẽ biết mình làm gì.

194. Phật dạy đời là bể khổ. Dù có sướng vui khổ đau buồn chán gì cũng là khổ cả. Cuộc đời khổ như vậy sống để làm gì và thoát khổ thế nào dễ dàng dù Phật cũng dạy phải trong tứ diệu đế phải biết nguyên nhân khổ. Nhưng nói thì dễ hay cả khi biết cả nguyên nhân vẫn không thoát được. Vì sao vui cũng là khổ? Nhiều người muốn vui mà vẫn không thể nào vui?

Đời là bể khổ ai cũng nói như vậy dù rằng họ từng vui. Đức Phật dạy như vậy nhằm để con người ta biết nguồn gốc của khổ đau mà cụ thể nhất là tánh vô minh. Vậy thì chỉ cần bạn đừng sống bằng tánh vô minh thì dù có trải qua vui buồn hai mất mát cũng không quên mất bản tánh chân thật của mình.

195. Con thường nghe câu ‘tâm bình thế giới bình, tâm an vạn vật an.” Nói thì dễ nhưng mình bình an mà có thấy thế giới hay vạn vật không an hay mình không an nhưng thế giới và vạn vật lại an. Có điều gì đó tương phản phải không?

Câu này phải hiểu ở trong ngữ cảnh nào. Xưa Đức Phật đi qua chỗ có một vị bồ tát chuyên đào đất lắp đường, đào chỗ cao lấp chỗ thấp. Đức Phật bèn đốn ngộ: "tâm bình thế giới bình". Ông lo bình tâm ông đi thì sẽ thấy thế giới này không có gò hổng cao thấp uế trược. Do đó, cảnh giới tâm bình này tức là tâm bình thường. Mà với tâm bình thường thì sẽ thấy mọi vật chung quanh không cao thấp, không điên đảo, không thị phi, thuận nghịch tốt xấu thiện ác. Điều này có nghĩa là vị ấy xem người thiện với người ác như nhau không khởi tâm thiên lệch hai bên. Hai bên tức là nhị nguyên đối đãi như đã nói ở trên mà người với tâm bình thì không vướng mắc vào chỗ đó.

Câu này cốt yếu khuyên người tu nên lo bình tâm mình trước khi bình bên ngoài. Người học Phật đừng để bị lừa bởi câu chữ. Cũng như trong kinh lăng nghiêm Phật nói " xoay vào với tánh nghe", hành giả lại bỏ cái nghe vọng trần bên ngoài chọn cái nghe vọng thức bên trong. Hai cái nghe này đều là sanh diệt không phải tánh nghe. Tánh nghe cũng như tánh biết trùm khắp không ngoài không giữa không trong không thiên lệch không gián đoạn. Thường hằng bất hoại.

196. Con thường nghe câu “người không sống vì mình trời tru đất diệt” nhưng trong Phật giáo lại dạy nên từ bi mở rộng tình thương giúp người, cũng có giúp mình để được hạnh phúc bình an. Nhưng người ta đa phần là sống vì mình, lo cho mình, tất cả vì mình, đôi khi cũng có nghĩ đến người khác nhưng giúp đỡ thì tiếc. Làm thế nào để cân bằng chuyện này?

"Người không sống vì mình trời tru đất diệt" câu nói này không ở trong một tôn giáo nào cả. Chỉ vì người nói có lòng tốt mà hay gặp phản trắc. Tôn giáo nào cũng dạy con người biết quý trọng và giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, mình phải có nội lực, trình độ tĩnh tâm và phương tiện để giúp người. Có nghĩa là mình phải lo cho mình trước mới lo cho người sau.

Trong hạnh bồ tát, hai chữ bồ tát nghĩa là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Điều này chứng tỏ rằng Đức Phật dạy mình phải độ mình trước rồi mới độ người. Mình phải thấu hiểu và có kinh nghiệm giáo lý thì mới giúp người ta được. Muốn bố thí thì phải có của, cho người ta rồi kể như mất đâu có gì phải tiếc, vì đó là tự nguyện của mình.

197. Tùy duyên nên hiểu như thế nào cho đúng? Có phải việc tốt việc xấu gì mình không muốn cứ bảo tùy duyên?

Tuỳ duyên nên hiểu như nước: ở bầu thì tròn ở ống thì dài mà bản chất của nước không thay đổi. Cũng như người sống biết thuận theo hoàn cảnh mà sống chứ không cố chấp một mực. Cũng như người quân tử gặp thời thì hành động, không gặp thời thì ẩn mình.

Tuỳ duyên là hiểu rõ nhân duyên rồi tuỳ thuận theo đó dù rằng mình có vừa ý hay không. Chữ tuỳ duyên như bạn nói là tuỳ tiện bởi vì không phải việc gì cũng cứ tuỳ duyên. Người biết sống thuận theo hoàn cảnh chứ không cố chấp một mực như vậy ít phiền não hơn và không làm khó người khác. Người ta hay bảo nhập gia tuỳ tục, đó cũng là tuỳ duyên.

198. Làm thế nào phân biệt đâu là vọng tâm và đâu là chân tâm? Chân tâm là tâm gì?

Vọng tâm và chơn tâm là hai mặt đối đãi trong một bản thể, tức là ý tưởng phân biệt mà có vọng tâm. Người xưa bỏ vọng lập chơn chỉ là pháp phương tiện nhứt thời để hành giả biết bắt đầu tu tập. Nhưng đối với pháp cứu cánh thì vọng chơn cũng là giả lập .

Vọng tâm là những hoạt động trong ngũ uẩn của bạn. Trong đó có đủ trạng thái vui buồn tốt xấu thuận nghịch... Vọng tâm cũng là trạng thái tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, lành dữ, tốt xấu. Sự chấm dứt những niệm sanh diệt trên gọi là chân tâm. Đây là một cặp đối đãi như sống với nước nhưng thực sự chân tâm ở ngoài hai bên này. Có người bỏ vọng tìm chân cũng như bỏ sống tìm nước. Còn với thiền tông thì ngay sống là nước một thể không hai. Thành ra vọng chân là giả lập chứ chưa phải thực thể. Trong bản thể chơn như thường trú một chữ như cũng không có huống gì có vọng chân.

199. Tham chấp cố chấp là tập tính khó buông bỏ. Rất nhiều người càng tu càng tham chấp hơn cả người thường là vì sao? Làm thế nào để giảm bớt đi sự cố chấp hiện hữu dễ dàng nhất.

Nếu người tu không bị quấy phiền để nhiều việc đa đoan thường nhiếp tâm tĩnh lặng thì tham chấp cố chấp đâu có việc quấy lên. Muốn giảm bớt cố chấp thì thường quán duyên sanh như huyễn. Không có gì thật có thì tham chấp không có dịp mọc rễ chứ không thể lấy pháp định tâm mà đè nén được. Thêm nữa, nếu bạn nuôi dưỡng và tăng trưởng cái muốn thì tham chấp càng nhiều, dù đó là phật sự.

200. Sân si là tính xấu mà Phật dạy có thể làm mình mất đi lý trí, mê mờ, thiêu tan cả rừng công đức. Tuy nhiên, đôi khi biết là mình rất nóng giận, nói lời không đúng nhưng mình lại không kiểm được, chỉ nói cho hả giận hay suy nghĩ cứ cuốn vào toàn tiêu cực. Vậy làm thế nào để mình có thể giảm hay khi xung đột chiến sự xảy ra mình làm sao để kìm bớt tâm lại?

Sân là thuộc tính của chấp ngã. Si là thuộc tính của vô minh. Mình muốn bỏ sân thì thường quán mình không là gì cả. Muốn bỏ si thì thường quán nhân duyên, coi mọi chuyện đều là giả hợp không thật có để lòng mình không có bám chấp. Từ bám chấp mới sanh sân hận tham lam. Bạn thường an trú trong hơi thở sẽ kiểm soát được sự quấy động của tâm thức, kiểm soát được cảm giác cảm xúc của mình. Từ đó sân si sẽ giảm. Nếu có xung đột với ai mà dùng lời lẽ thiết phục không xong thì tránh đi để không va chạm với nhau. Nói chung phải thường quán sân si là nết xấu không thể chấp nhận được.

Thượng Tọa Thích Vạn Hùng



Có phản hồi đến “21. Phần 10: Giữ Gìn Thân Khẩu Ý – Tâm Pháp”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com