Mục Lục

251. Con nghe nói người tu cao giỏi thì là thanh còn người phàm trần như chúng con là đủ uế trược. Do đó cần phải thân cận với các vị xuất gia để đẩy đi uế trược trong người. Vậy Thanh là gì? Trược là gì? Có phải người tu có thể tẩy đi các uế trược hay không cho chúng con? Nếu vậy thì cần làm gì?

Chuyện thanh hay trược không phải là quan trọng. Như ly nước sạch và ly nước dơ, vấn đề là có chịu cởi bỏ tham sân si trong lòng.

252. Con nghe nói y áo của các vị xuất gia có công năng rất lớn. Y áo là vật bất ly thân nên ngày xưa mới có sự tranh dành y áo như điển tích truyền y bát cho Lục Tổ Huệ Năng. Y áo có thể giúp thoát khỏi nạn tai, thoát khỏi bùa chú binh pháp là có đúng không? Vậy Phật tử có được nhận y áo của người xuất gia không và nếu có thì nên làm gì cho đúng?

Y áo tự bản thân không có công năng gì nếu không được bậc chân tu khoác lên mình. Cũng có trường hợp y áo của người tu hành đắc đạo cứu giúp được tai nạn người khác. Nếu Phật tử nào hữu duyên được thầy ban cho một tấm y để thờ cúng thì nên kính cẩn lễ Bái đừng để cho uế tạp.

253. Phật tử được dạy phải giữ năm giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không sử dụng bia rượu. Tuy nhiên, sống ở ngoài đời rất khó để giữ đủ năm giới này. Với nam giới đi làm ăn đôi khi hạn chế vẫn phải uống bia rượu. Tội nói dối không thể nào thực hiện trọn vẹn. Vậy nếu biết mình không thể thực hiện được thì không nên thọ quy y tam bảo phải không? Nếu xin quy y chỉ thọ những giới mình giữ thôi được không?

Ngũ giới như thuốc trị bệnh, giữ được ngũ thì càng tốt còn không đủ thì cũng không mang tội vì giới luật đưa ra để con người tiến hoá. Khi mình thọ ngũ giới thì thọ cho đủ còn giữ được nhiều ít đều là duyên của mình cũng như mình uống thuốc vậy.

254. Người thân không biết tu tập, không hề kính tin tam bảo, nghe đến Phật pháp hay nhạc niệm Phật tâm sân hận. Vậy nếu người ấy qua đời, gia đình muốn quy y cho hương linh để được về cảnh giới Phật có được không? Như vậy có đi ngược lại với mong ước của người thân và họ sẽ không siêu thoát không?

Người lúc bình thường sân hận với Phật pháp có khi chết rồi họ quả báo khổ lại mong được Phật pháp cứu giúp, cũng như bà Thanh Đề vậy. Do đó người sống vẫn có thể dùng phép quy y để trợ tiến cho người chết.

255. Người theo đạo khác nhưng khi chết người trong nhà muốn quy ngưỡng sang đạo Phật có được không? Nếu đã mất rồi gia đinh mang hương linh vào chùa dù người đó trước kia theo đạo khác có được không? Người đó có được siêu thoát không?

Người theo đạo khác khi chết người thân có thể gởi nhờ tam bảo. Nếu vong linh giác ngộ có thể được siêu thoát.

256. Gia đình con ba mẹ chỉ theo ông bà, không theo Phật. Tuy nhiên, con thích Phật pháp. Vậy con tụng kinh niệm Phật trước bàn thờ ông bà có sao không?

Không sao cả

257. Ngày xưa Phật chỉ cho ăn thọ trai một bữa và con nghe nói rằng nếu ăn sau giờ trưa là không đúng pháp, là cho ma quỷ ăn chứ không phải là tu Phật. Như vậy có đúng không? Nhưng hiện nay việc ăn uống một bữa gây nhiều vấn đề về sức khỏe, bệnh tật, như vậy có phải việc ăn thọ trai một bữa là không phù hợp với hiện nay?

Người ăn ngọ trai là truyền thống từ Đức Phật. Tuy nhiên ăn chiều không phải là ăn giống ngạ quỷ đó là sự hiểu lầm, đừng đánh đồng với giờ của ngạ quỷ. Người bấy giờ nếu dùng phép ăn ngọ thì sáng và chiều nên uống sữa hoặc nước dinh dưỡng thì không sao cả, đừng để quá đói rồi ăn quá no thì sẽ có vấn đề về sức khỏe.

258. Con thường nghe giảng “bình thường tâm thị đạo.” Tâm bình thường nghĩa là tâm như thế nào? Có phải là không vui không buồn không mong cầu không làm gì? Vậy thì làm sao để sống với tâm bình thường này mà ngộ đạo?

Người giác ngộ rồi mới có tâm bình thường tức tâm là không bị cột trói trong tham sân si, không bị dính mắc bởi thương ghét, vinh nhục, tốt sấu, được mất ... muốn sống với tâm bình thường thì phải luôn luôn tỉnh giác.

259. Tâm và ý giống nhau hay khác nhau? Điều gì quyết định bản chất của tâm hay sự thật của tâm?

Tâm và ý đương nhiên khác nhau, ý là ý tưởng, tâm là tâm thức. Tuy nhiên chúng liên đới như tay phải tay trái

Bản chất hay sự thật của tâm đó chính là chân tâm hay gọi là tâm bất sanh. Tâm này không bị chi phối bởi nội tâm và ngoại cảnh.

260. Con nghe nói các cây đều có quỷ thần là có đúng không? Vậy cây nào mới là có và cây nào là không? Nếu chặt cây thì phải cúng còn nếu bứng cây thì sao? Nếu cúng thì cúng như thế nào và làm sao biết là an ổn để mới chặt cây?

Cây cối thường có quỷ thần nương ở, nhưng không phải cây nào cũng có, muốn chặt bỏ thì phải khấn vái người ta. Có trường hợp cây đại thọ thì phải nhờ các thầy cúng dùm mới an tâm.

HT Thích Vạn Hùng




Có phản hồi đến “27. Phần 6: Khai Tâm Phật Pháp”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com