Mục Lục

271. Có phải chỉ có người tu hành mới hóa độ được vong linh? Người tu hành là chỉ của Phật giáo hay tôn giáo khác có hóa độ vong linh được không?

Những người tu không luận là cư sĩ hay xuất gia, có một số người hoá giải được vong linh. Có người ở trong giáo khác cũng làm được chuyện này.

272. Kinh Phật dạy dù các vị Phật hay cõi Phật, cõi cực lạc vẫn có thời gian sinh diệt theo luật vô thường. Nhưng đã là Phật rồi sao lại vẫn bị diệt sinh. Như vậy thì sao nói là Phật đã đi ra khỏi quy luật sanh tử luân hồi? Nếu vậy cõi nào là vĩnh hằng nhất?

Cái gì có tướng đều là sanh diệt, chỉ có pháp thân mới bất sanh bất diệt, như Đức Phật A Di Đà tuy thọ mạng vô lượng nhưng cũng có ngày chấm dứt duyên hoá độ, nhường lại cho Quan Thế Âm Bồ Tát . Còn pháp thân Ngài thì vĩnh hằng.

273. Cố chấp là tập tính không tốt của người tu. Phật tử thường được khuyên không nên cố chấp. Nhưng lại có câu “thà chấp có còn hơn chấp không.” Vậy chấp không là nghĩa như thế nào. Chuyện chấp có chấp không này đã là chấp rồi làm sao để không chấp? Nhưng không chấp thì biết làm sao? Làm sao để giảm bớt sự cố chấp tồn tại trong người.

Cố chấp đâu phải là chấp có. Người chấp có tại chưa hiểu tánh không. Nếu hiểu tánh không rồi thì đâu luận có không nữa mà bàn vì tánh không không phải là cái không như bạn nói. Muốn bỏ tánh cố chấp thì thường quan sát bản ngã của mình, hiểu lý nhân duyên.

274.Vì sao con người ngày nay đang mất niềm tin vào chính bản thân mình mà chỉ chăm đến đền chùa cầu nguyện?

Đó là chưa hiểu Phật pháp bởi vì đạo Phật là đạo giác ngộ chứ không phải thờ Phật để cầu xin. Nếu cầu xin gì cũng được thì thế gian sẽ loạn vì người ta sẽ sống trong vô minh cứ tạo tác rồi cứ cầu xin. Nếu hiểu kinh Phật đúng nghĩa thì sẽ có đức tự tin.

275. Nếu một người làm sai, giả sử là hối lộ hoặc lừa đảo, hay trộm cắp. Sau đó họ lại mang những thứ như vậy vào cúng chùa vậy người đó có được phước không? Phước thiện nghiệp quả nên hiểu như thế nào mới là đúng?

Người cúng chùa thì vẫn có phước. Còn hành động sai trái thì phải chịu quả báo.

276. Vì sao thời đại ngày nay giới tính của con người không xác định được rõ hay có thể thay đổi từ nam sang nữ hoặc cả lưỡng tính? Tại sao số lượng người đồng tính, lưỡng tính lại càng ngày càng tăng lên? Nhân quả nghiệp duyên gì của người đồng tính và lưỡng tính? Những người này có tu tập hay xuất gia được không?

Đồng tính hay lưỡng tính điều là nghiệp duyên nhân quả. Theo luật thì hai giới này không được xuất gia.

277. Có phải đại hồng chung là có thể siêu cả tam giới? con nghe nói những gia đình có vong linh không siêu thoát lại dán tên lên đại hồng chung sẽ giúp siêu? Vì sao đại hồng chung có khả năng này?

Đại hồng chung có năng lực dù cao hay thấp là do người gia trì có đạo lực tu hành như thế nào. Còn nếu dán tên vào đại hồng chung mà không có sự chú nguyện của người gia trì thì vô ít.

278. Đạo Phật hay có câu “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên.” Câu này nên hiểu và tu như thế nào cho đúng? Tùy duyên là tùy theo duyên mình muốn hay là tùy vào sự hằng thuận duyên cảnh của người mình đối xử?

Muốn biết tuỳ duyên và bất biến phải biết thể dụng của tâm. Thể là bản chất, dụng là ứng dụng cũng như tính chất của nước ở bầu thì tròn ở ống thì dài mà nước thì không thay đổi. Muốn thực hành câu này thì phải có tâm định tĩnh và trí Huệ mới biết lúc nào tùy duyên và không tuỳ duyên nhưng câu này dể bị lạm dụng.

279.Sự sống và chết được định nghĩa như thế nào? Theo định luật vô thường thân xác có thể mất đi nhưng không có nghĩa là sự sống sẽ mất mà sẽ được luân hồi theo các cõi. Như vậy thì đâu thể nói là có sống và chết? Nếu vậy thì việc sống hay chết cũng đâu có ý nghĩa gì? Sự tiến hóa giữa các cõi là như thế nào?

Chết là chấm dứt sự sinh hoạt của thể xác còn tâm linh thì vẫn hoạt động cái đó gọi là thần thức. Các cõi tâm linh đều có sự tiến hoá hay đoạ lạc tùy theo nhân duyên quả báo.

280. Làm sao để biết việc mình làm là đúng, hợp với đạo pháp và xã hội vì quan điểm đúng sai là tùy người? Vả lại Phật dạy là không có gì đúng cũng không có gì là sai, tùy trường hợp, vậy biết dựa vào đâu để phân định điều này?

Mình cứ sống theo điều hiểu biết của mình, chứ không phải tuỳ theo người khác được. Đã gọi đúng sai tuỳ trường hợp thì chuẩn mực mình làm cũng không tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng phải có một nguyên tắc tương đối.

HT Thích Vạn Hùng




Có phản hồi đến “29. Phần 8: Hóa Độ Tu Trì”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com