Mục Lục

151. Nhân quả là một giáo lý cốt yếu của Phật giáo. Nhưng hiện nay cái xấu ác quá nhiều, người làm thiện toàn chịu nghiệp quả báo khốc liệt và ngược lại. Dù biết rằng phải do thời gian quả sẽ trổ nhưng cái cảm giác bất công cứ như quá nhiều làm người ta hoang mang vào chân lý nhân quả. Làm thế nào để giữ được niềm tin này để họ tiếp tục sống thiện và nghĩ thiện?

Nhân quả là một quy luật công bằng nhất mà Đức Phật phát hiện ra chứ không phải Ngài tự lập ra theo đó bạn gieo cái gì thì gặp cái đó. Bây giờ mình gieo giống lành mà gặt quả ác thì giống lành chưa đến mà quả ác là do nhân từ trước, vậy thì không có lý do gì hoang mang và cảm thấy bất công. Hãy vững lòng mà làm thiện vì điều đó là bản chất của con người. Còn người làm ác tuy ho được cái trước mắt nhưng họ đang sống trong địa ngục vậy thì có vui sướng gì. Còn bạn làm thiện thì cứ vô tư như người đi gieo hạt tin chắc rằng hạt sẽ trổ. Bạn nói thiệt thòi chứ thật sự bạn đang được sự an lành, thảnh thơi còn người kia luôn luôn sống trong nỗi bất an đó là họ đang mất và sẽ mất.

152. Tu tới cảnh giới nào mới có thể thoát được nhân quả nghiệp báo? Ai mới có thể biết hay quán được nhân quả nghiệp báo tiền kiếp của mình là đúng?

Dù cho tu tới thành Phật vẫn còn trả quả vì mình từng đã gieo. Tuy nhiên, những bậc giải thoát trả quả bằng cái tâm nhẹ nhàng dù rằng họ có thể bị giết chóc. Chỉ có Phật mới quán được đầy đủ nhân duyên tiền kiếp của mình. Bậc bồ tát và A la hán cũng biết nhưng không bằng Phật.

153. Có người bảo rằng chuyện tu tập giải thoát không ảnh hưởng gì đến vấn đề ăn chay ăn mặn. Họ còn trích dẫn câu chuyện của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Một hôm, hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm mở tiệc trong cung điện. Trên bàn có cả thức ăn mặn và thức ăn chay. Tuệ Trung Thượng sĩ gắp thức ăn không phân biệt chay hay mặn. Hoàng thái hậu hỏi: "Anh tu Thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được ?" Ông cười đáp: "Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần thành Phật. Phật cũng không cần thành anh. Em không nghe các bậc cổ đức nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao?" Mọi người bảo đó là tâm không phân biệt chay mặn vậy vấn đề công đức, từ bi, giới luật ở đây là như thế nào?

Tu tập thật sự là tu tập giải thoát, là giải thoát cái tâm không còn hệ luỵ bởi phàm tình. Tuy nhiên giữa ăn chay và ăn mặn vẫn có khoảng cách, vì ăn chay là thương tưởng đến các loài vật mà không đành ăn. Ăn chay cũng làm cho thể xác nhẹ nhàng giúp cho việc ngồi thiền và tụng niệm dễ dàng hơn. Ăn chay tránh được sự tanh hôi của máu thịt loài vật... Còn chuyện của Tuệ Trung Thượng Sĩ ăn mặn chỉ duy nhất một lần xảy ra ở hoàng cung nhằm hoá độ vua trần nhân tông (lúc đó Ngài chưa làm vua). Vua Trần Nhân Tông cũng là người ăn chay. Thượng sĩ muốn tạo cho vua nghi vấn để tìm ông mà hỏi đạo chứ Ngài là thiền sư ăn chay. Nếu bảo rằng tâm không phân biệt chay mặn vậy cái gì biết chay mặn. Đức Phật khuyên ăn chay chẳng lẽ Đức Phật chấp một bên sao.

154. Ăn chay theo Phật dạy để tránh sát sanh gây đau khổ cho người và vật. Nhưng chẳng lẽ các cây cỏ không phải là một chúng sanh hữu hình sao. Mình không ăn động vật nhưng các loại thực vật cũng là một cơ thể sống vậy?

Vậy thì bạn đừng ăn gì hết, bạn từ bi hơn Đức Phật rồi. Trong cơ thể bạn có vô số sinh vật sao bạn không nuôi dưỡng nó. Nếu bạn để nó chết thì sẽ như thế nào.

155. Trứng và sữa bò là đồ chay hay mặn? Phật tử được dặn ăn chay không nên ăn trứng nhưng cũng có vị bảo không sao vì nếu trứng chưa có phôi vẫn là đồ chay? Nhưng có vị bảo đó là của các loại động vật vậy là đồ mặn đúng không?

Trứng và sữa bò nếu không có phát xuất từ sinh mạng thì không thể gọi là đồ mặn được. Người ăn chay trường kiên cử trứng chứ không kiên sữa bò.

156. Tu chay tu mặn, ăn chay ăn mặn phải hiểu như thế nào cho đúng. Có người bảo ăn chay làm ác cũng vậy còn ăn mặn làm thiện vẫn tốt hơn. Vậy ăn chay có giúp tăng trưởng thêm công đức hay tâm từ không hay nếu ăn mặn vẫn tu tập có bằng với người ăn chay không?

Việc ăn chay hay ăn mặn không ảnh hưởng đến kết quả tu tập. Tuy nhiên, người ăn chay sẽ tránh được nghiệp sát và trưởng dưỡng từ tâm. Người ăn mặn nếu có công phu tốt, vượt bực vẫn đạt được thánh quả. Còn người ăn chay mà làm xấu không phải tại ăn chay, người ăn mặn mà làm tốt rất đáng được tán dương. Có những người chấp vào ăn chay, cố ăn chay trường mà làm xáo trộn đời sống, thân thể bạc nhược như vậy cũng không tốt.

157. Phật dạy sát sanh là tội lớn nhất. Người tu cũng được khuyến khích ăn chay. Có một bộ phận các tu sĩ, đặc biệt là các quốc gia tu theo Phật giáo nam tông ăn mặn, gọi là tam tịnh nhục. Nhưng dù thế nào cũng là gián tiếp gây tội lỗi sát sanh, mang tội. Vậy có điều gì trái ngược ở đây không?

Các quốc gia tu theo phật giáo nam tông họ ăn mặn là do truyền thống xưa nay. Bạn không nên thắt mắt điều này, không nên luận bàn.

158. Nếu mọi điều kiện như nhau, một người ăn mặn có tu tập tốt hoặc vượt cả người ăn chay không? Đã ăn mặn sát sanh, con nào cũng là một mạng người nhưng lại được dạy ăn thịt con này có tội ăn thịt con kia có đúng không?

Nếu mọi điều kiện như nhau, người ăn mặn có thể tu tập tốt hơn người ăn chay vì căn duyên họ tốt hơn. Nên nhớ trong hệ thống nam tông hiện đại có rất nhiều thiền sư.

159. Những ký sinh trùng, hay như giun sán sống trong người cũng là một chúng sanh. Nếu không tẩy chúng lại làm hại mình, làm mình mất sức khỏe yếu ớt thậm chí là chết. Tuy nhiên, nếu mình dùng thuốc để tẩy chúng ra ngoài, cũng là giết chết chúng vậy có mang tội sát sanh không?

Những ký sinh trùng như giun sán sống trong người thì ta phải loại bỏ nó ra bằng không có vô số sinh mạng trong người ta bị nó hại. Bạn nên nhớ trong người bạn có vô số tế bào mà mỗi tế bào là một sanh linh.

160. Các con vật như gián, mối, kiến, sâu bọ thường vào nhà, hay ở tường rào. Nếu không diệt chúng thì sống không được hay là sâu bọ làm hại mùa màng, gây bệnh. Tuy nhiên, nếu diệt chúng thì mang tội sát sinh. Vậy làm sao để hóa giải?

Các con vật như gián, mối, kiến, sâu bọ thì đương nhiên chúng ta phải đuổi nó đi chứ đừng giết (dùng thuốc hay dầu xịt gần đó). Còn sâu bọ làm hại mùa màn có dùng thuốc để diệt chúng chỉ là trường hợp bất đắc dĩ. Nên cầu nguyện và niệm chú vãng sanh cho chúng.

Thượng Tọa Thích Vạn Hùng



Có phản hồi đến “17. Phần 6: Ăn Chay – Nhân Quả”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com