Mục Lục

91. Làm thế nào để cả người tu tại gia và xuất gia không bị đắm nhiễm vì tài sắc lợi danh? Kinh nghiệm riêng của thượng tọa là như thế nào?

Hãy xem lại sự nghiệp của người tu là gì? Nếu cho rằng cất chùa, độ chúng, từ thiện là sự nghiệp của người tu thì dễ bị trói buộc trong đó.

Có một vị Hòa thượng trước khi viên tịch nói với nhiều đệ tử rằng:

“Thầy cất bao nhiêu chùa, độ bao nhiêu đệ tử xuất gia lẫn tại gia, giảng bao nhiêu giáo lý nhưng những điều đó không giúp thầy thoát khổ.” Thật đáng khâm phục.

92. Thượng tọa nghĩ thế nào về ngũ minh? Người tu có cần phải biết thật nhiều kiến thức cuộc sống thường nhật và làm nghề nghiệp đời thường để hoằng pháp không bị phụ thuộc vào Phật tử không?

Ngũ minh là phương tiện để người hành đạo Bồ Tát thuận tiện việc độ sanh. Nhưng phải tùy thời.

Một tu sĩ có cần học làm bác sĩ để chữa bệnh không khi đã có nhiều bác sĩ Phật tử. Từ thời Đức Phật tới nay, sự phát triển đạo Phật đều có sự hiện hữu của giới cư sĩ. Họ đóng góp cả về vật chất và tinh thần. Một vị trụ trì khéo léo sẽ không bị lệ thuộc vào cư sĩ. Nếu đó là một ngôi chùa tự túc được cả về kinh tế thì quá tốt. Tuy nhiên, nếu tu sĩ lao động quá nhiều mà giảm công phu sẽ không hay vì thiếu nội lực, không phải mục đích chính của người tu.

93. Sự nghiệp cao quý cũng như hạnh lành của người xuất gia theo thượng tọa là gì?

Sự nghiệp cao quý của người xuất gia là giải thoát. Ngày xưa thời Đức Phật khi có một vị đệ tử nào đắc quả A La Hán Ngài gọi đến và bảo:

“ Này Tỳ Kheo, ông đã làm xong phận sự của ông rồi. Năm món dục chẳng còn trói buộc ông. Phiền não chẳng còn quấy ông nữa. Nếu nhìn bên ngoài thì chẳng thấy việc ấy làm gì, chẳng có sự nghiệp gì.”

Một người xuất gia chỉ cần làm đúng vai trò của một tu sĩ. Đó là hãy có đạo hạnh, thể hiện bởi sự ly dục. Một tu sĩ Phật giáo cần am hiểu giáo lý Phật-đà để có thể dẫn dắt người thế tục giúp cho họ có cái nhìn đúng theo chánh kiến, cái nhìn chân thật để họ có thể sống tốt, an lạc. Giả sử thầy có thần thông cho họ được của cải, họ cũng sẽ không sống an lạc được vì tham muốn chồng chất làm sao họ ăn yên ngủ yên? Do đó tu sĩ không cần học phép thần thông. Con đường này nhiều rủi ro, tạo sự ỷ lại cho tín đồ.

Bao nhiêu đó thầy cho là cao quý rồi. Nếu người tu lấy chuyện cất chùa, độ sanh làm sự nghiệp, miệt mài với ý tưởng chùa to Phật đẹp, đệ tử đông mà thiếu phần cốt lõi là đạo hạnh và trí tuệ thì kết quả khó lường vì nhân nào quả nấy.

Ngoài ra, hãy làm lợi lạc cho mọi người khi có thể bất luận bằng phương tiện, cách thức nào cũng được.

94. Người tu làm thế nào để có thể sử dụng được phương tiện hiện đại hoằng pháp nhưng vẫn đảm bảo được thời khóa tu tập của mình, kể cả Phật tử?

Tự mình phải kiểm soát lấy mình, không ai có thể giúp được mình chuyện này cả. Bản thân thầy không xài những phương tiện hiện đại vì thấy không an toàn.

95. Hiện nay, người xuất gia cả tại gia đều có thể giảng pháp, hoằng đạo. Ai cũng giảng nói rất hay nhưng vấn đề hành trì lại không phải như vậy? Nguyên nhân là vì sao? Làm thế nào để hoằng pháp được hiệu quả mang lại lợi lạc nhất?

Hay nói không bằng nói hay. Nói hay không bằng làm hay. Đạo Phật chú trọng chỗ hành trì và kinh nghiệm hành trì. Các vị ấy có hành trì không, hành trì như thế nào. Còn nói thì nói những gì? Có phải là lặp lại lời Phật, tổ nói, học các bộ luận rồi suy luận đúc kết để nói. Những cái đó chưa phải là tâm pháp, chưa phải là vốn tu của mình, còn vay mượn của người khác.

Pháp Phật phải thực hành mới tiêu hóa được. Từ đó mới thành tâm pháp của mình. Muốn hoằng pháp hiệu quả chỉ có nói và làm phải đi đôi với nhau.

96. Làm thế nào để người tu có thể thực hiện được công hạnh nói được và làm được? Rất nhiều người tu giảng rất hay, thu hút Phật tử khá nhiều, là những idol ,thần tượng trong lòng Phật tử nên đăng giảng khắp nơi. Vậy những người này có tu đắc đạo chưa? Vì sao có nhiều người giảng hay hiểu pháp sâu như vậy nhưng một thời gian lại bị mắc nghiệp? Làm thế nào để tránh vấn đề này?

Dựa vào tinh thần vô ngã thì mới có thể nói được làm được.

Không thể đánh giá một người đắc đạo qua việc họ có nhiều Phật tử được. Có nhiều lý do bị ô nhiễm:

- Chủ quan

- Ma cảnh xâm nhập từ từ mà không biết

- Bị nhơn quả

- Bị người ta cố tình làm hại

- Ít công phu …

Muốn tránh việc này hãy luôn nhớ câu “Nếu chưa phải là A-la-hán thì đừng tin vào ý mình.” Thêm nữa đừng tham độ sanh.

97. Người tu hiện nay sử dụng phương tiện hiện đại, internet, điện thoại, máy tính bảo là để phương tiện hoằng pháp. Thượng tọa nghĩ sao về điều này?

Những phương tiện hiện đại để phục vụ cho Phật pháp cũng cần. Nhưng đừng lạm dụng, vượt giới hạn. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Phải thừa nhận các phương tiện hiện đại như internet, máy tính … có tác dụng nhiều trong công cuộc hoằng pháp. Tuy nhiên, ngoài việc hoằng pháp, bạn dùng nó để làm gì?

Những lúc rãnh rỗi, thay vì để tâm trong pháp lại sử dụng nó để nghe thấy biết bàn luận chuyện thế sự, thậm chí những chuyện gây thêm sự loạn tâm. Tốt xấu hay dở là ở chỗ này. Phải nên cẩn trọng và đừng lạm dụng.

98.Thế nào mới được gọi là một vị thầy đủ đạo hạnh để có thể hướng dẫn tu tập cho Phật tử?

Tư cách của người dạy đạo rất quan trọng. Ít ra vị thầy phải có kinh nghiệm tu, am hiểu giáo lý sẽ hướng dẫn tốt cho Phật tử.

Nếu vị thầy có vốn hiểu biết sâu rộng, lại có đời sống giản dị, thiểu dục, biết quan tâm đến người khác sẽ giúp được cho nhiều người, hướng dẫn họ đi đúng chánh pháp và an lạc.

99. Ngày xưa các vị tổ sư thường có sự truyền tâm ấn, truyền y bát. Hiện nay cũng có nhiều vị đăng đàn giảng pháp rằng mình đã đắc đạo, được truyền tâm ấn, là A la hán tái sanh. Vậy sự truyền tâm ấn ngày nay có còn không? Làm sao mới có thể biết người ấy thật sự được truyền tâm ấn.

Nói truyền tâm ấn thật sự không có truyền cái gì cả. Tâm, thân thầy trò khế hiệp nên mới dùng chữ tâm ấn. Y bát là vật tượng trưng. Cũng như Lục Tổ Huệ Năng đâu có truyền y bát cho ai nhưng tâm pháp được vô số người nhận lấy. Người ta nói được truyền tâm ấn ấy là A La Hán, thầy không có đến gần nên không biết.Thường Phật tử dựa vào niềm tin mà gọi thầy họ là Thánh, chỉ có thánh mới biết được thánh mà thôi.

100. Thượng tọa có lời khuyên nào cho Phật tử và kể cả tăng ni hiện nay trong quá trình sống và tu tập để được thân tâm an lạc, công hạnh tu tập ngày mỗi sâu dày không?

Hãy tin sâu nhân quả, hiểu rõ nhân duyên. Hãy nhớ sự nghiệp của mình, đừng ham những bề ngoài phù phiếm. Làm Phật sự cũng phải biết mình làm bằng tâm nào.

Thượng Tọa Thích Vạn Hùng



Có phản hồi đến “11. Phần 10: Lối Vào Thiền Môn”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com