Mục Lục

31. Khổ đau theo lời Phật dạy là tham sân si. Dầu ai cũng biết nhưng lại không thể thực hiện. Vậy theo thượng tọa làm thế nào để giảm bớt khổ đau một cách đơn giản nhất.

Muốn giảm bớt khổ đau thì phải biết căn gốc của khổ đau. Cũng như khi bệnh cần phải biết là bệnh gì, vì sao nên bệnh thì sẽ có thuốc chữa trị hữu hiệu

Đã biết tham sân si là nguồn gốc khổ đau. Vậy bạn cần xem lại cuộc sống của mình, bạn cần gì, không cần gì? Cần làm gì để bạn hạnh phúc và tránh những gì. Rồi bạn tập kiểm soát tư tưởng của mình, kiểm soát lại cảm xúc của mình cho chừng mực, quân bình. Rồi bạn sẽ kiểm soát được sân si. Nó vẫn tồn tại đó nhưng nó khó điều khiển được bạn. Như vậy đã hạnh phúc rồi.

32. Những khi đau khổ nhất, người Phật tử nên làm gì để vượt qua trạng thái này?

Hãy nghĩ tích cực, đau khổ nào rồi cũng hết vì nó cũng là tâm sinh diệt vô thường. Khi đau khổ chính là lúc nội lực bản thân trỗi dậy để đề kháng như cơ thể người chống lại virus mầm bệnh. Sau khi trải qua sự đau khổ đó chính là thăng hoa. Do đó hãy nghĩ rằng khi mình đau khổ là mình “được đau khổ” chứ không phải “bị đau khổ”. Hãy bền bỉ và kiên nhẫn. Ngược lại, nếu thấy mình sai thì nên sửa lại.

33. Cuộc sống hiện nay quá bận rộn, ai cũng chạy theo cuộc sống hối hả lo toan. Theo thượng tọa với những người bận rộn như vậy thì nên tu tập như thế nào một cách đơn giản để có hữu hiệu nhất vì nếu quá mất thời gian họ sẽ chán nản, buông bỏ?

Hãy sống chậm lại. Hãy có thời giờ nhìn thấy hơi thở của mình. Mỗi ngày bạn không tìm được 5-10 phút để nghỉ ngơi sao? Lúc đó bạn làm gì? Đó là chưa nói không phải cố ép tâm mình cho thanh tịnh, nếu không sẽ chán nản buông xuôi. Khi bớt việc bạn hãy để tâm nghỉ ngơi và sống trong pháp lạc.

Nếu người bận rộn, không nên nặng với công phu, bất cứ lúc nào rãnh trong ngày, 5-10 phút đều nên quay về với chính mình, hoặc nghe pháp, nhạc đạo để cho tâm tư lắng lại. Đêm đến, nếu thuận lợi thì công phu, ngồi thiền, tụng kinh, lạy Phật … Điều quan trọng là hằng ngày tuy bận rộn nhưng hãy chiêm nghiệm những lời Phật dạy để thấy nhơn duyên, voo thường, vô ngã như thế nào và hành động theo pháp, theo lời Phật dạy.

-Có nghĩa là không phải rãnh mới tu

-Không phải ngồi yên mới tu

-Tu trong hành động

Kết luận:

Người ta có thể “tu trong mọi hoàn cảnh.”

34. Người tu đạo đều được giảng dạy phải buông bỏ vạn duyên để tu hành. Nhưng một sớm một chiều để bỏ đi các đức tánh bổn căn không hề dễ dàng. Vậy trước tiên người tu đạo nên buông bỏ như thế nào mới là đúng nhất?

Hãy hiểu nghĩa buông bỏ là như thế nào? Buông bỏ không có nghĩa là không làm gì hết. Nếu như vậy thì những người tu hành làm đủ thứ Phật sự thì sao? Buông bỏ là buông bỏ vọng chấp, tham chấp. Vậy khi bạn ở không bạn có buông không? Hãy nhớ vọng duyên bên ngoài, vọng chấp bên trong đều là giả, không thật. Lúc bận rộn thì biết mình bận rộn, lúc hết việc còn mang vào trong tâm để làm gì? Bạn nên trở về với Phật tánh đi. Đừng sợ bận rộn mà chỉ sợ quên đi chủ nhân ông mà thôi.

35. Làm thế nào để vượt qua sự tham lam, ích kỷ, mở rộng lòng mình vì "đồng tiền liền khúc ruột." Có người cũng rất muốn buông bỏ hoặc trao tặng nhưng sau đó lại hối tiếc dù biết là tính xấu vậy nên làm như thế nào?

Cứ làm, cứ bố thí trong khả năng hoan hỷ hết mình. Tính xấu xa ích kỷ mình quan tâm làm chi để mất an lạc.

36. Cuộc sống với quá bận rộn nhiễu phiền, chướng duyên ách nạn muôn trùng, không có đủ thời gian để sống cho đúng nghĩa thì khó có thể tu tập được. Ai cũng muốn an lạc thảnh thơi nhưng làm không được. Vậy thượng tọa khuyên nên làm gì để bớt đi một chút khổ đau, thêm một chút an lạc, có niềm tin vào cuộc sống?

Đừng có bi quan và suy nghĩ tiêu cực như vậy, đường nào cũng có lối đi. Phải chịu khó xem lại, sắp xếp sẽ có thì giờ tu tập. Có tu tập sẽ có an lạc. Sống chậm lại, sống có tỉnh thức. Vả lại đâu cần phải đợi rãnh mới tu, từng giây từng phút bạn phải biết mình đang làm gì? Còn khi rãnh bạn hãy để tâm trong pháp, ngồi thiền, nghe pháp, nghe nhạc niệm Phật, nằm thư giãn lắng nghe tâm mình.

37. Nhiều người quá đau khổ, mệt mỏi, chán nản, buông xuôi dẫn đến việc nghiện ngập, tham đắm, tệ nạn, thậm chí tự tử là không hề ít. Mọi người bảo rằng tôi tự tử là bỏ đi tất cả, tôi không giết hại ai, thân tôi được quyền quyết định. Vậy là có đúng không? Có rất nhiều người bảo họ bị trong tâm lôi kéo đi tự tử nhưng không cản được vậy họ phải làm gì?

Những người đó cứ nghĩ chết là hết khổ, có thật vậy không? Thật sự không có ai cùng đường cả. Tại mình đóng cánh cửa của mình. Những người quá đau khổ dẫn đến tự tử thật tội nghiệp. Lúc đó họ quẩn trí, không nghĩ được con đường nào để thoát khổ, cho rằng chết là hết đau khổ. Thật ra, nổi khổ sẽ tiếp tục qua kiếp khác. Vì còn sống tâm thức bị giằng xé nên thấy khổ chết đi. Khi tâm thức rời khỏi thân xác lại tiếp tục bị giằng xé nữa. Do đó có trường hợp người tự tử chết rồi, thần thức quay về gia đình, kêu gào thảm thiết.

Lẽ ra họ không bị bế tắc nếu chịu chia sẻ hay cố gắng sống thêm nữa, đợi chờ. Có lẽ sẽ có kết quả tốt hơn cũng như người bị sóng biển cuốn trôi cố bám cố giữ mình không bị chìm, không buông tay dù mệt mỏi, chờ cơ hội sẽ được cứu thêm nữa. Có câu nói của Lão Tử “Cùng tắc biến, biến tắc thông.”

Khuyên các bạn đang lâm nguy chớ buông xuôi vì luôn còn đường, còn lối đi. Không ai chết vì khổ mà chết vì tự cho rằng không có đường thoát. Ánh sáng ở cuối đường hầm.

38. Sự ganh ghét, đố kỵ, ngã mạn là những tập tính xấu mà người tu cần phải huân tập xả bỏ. Vậy tại sao có rất nhiều người càng tu càng tham, các tập tính xấu còn nhiều hơn khi trước khi tu tập?

Nguyên nhân căn bản là người này có hay quán chiếu về mình hay không? Có tư duy về bản ngã, về pháp, về những khổ đau khi khởi tham, sân, si hay không?

- Cũng có khi phát tâm tu hành, họ không có chánh niệm nhập đạo, vì phong trào hay vì hoàn cảnh…

-Cũng có trường hợp họ đang bế tắc nội tâm

-Hãy xem lại động cơ tu hành của những vị này. Hoặc có thể họ đang bị bế tắc trong tu tập và cuộc sống.

39. Tại sao có nhiều vị Phật tử, kể cả tăng ni, tu hành rất giỏi, ngồi thiền cả ngày, niệm Phật tụng kinh thời khóa hành trì rất nhiều nhưng nhìn vào lại không thấy an lạc hay hành xử rất trái đạo lý?

Vậy phải xem lại cách tu của họ. Mình chỉ thấy bề ngoài như vậy, nhưng bên trong thì sao? Không phải họ tu dối nhưng có lẽ chưa thâm nhập. Nếu trong tâm người chứa pháp, ắt hẳn có an lạc. Cũng có trường hợp hành giả đang tinh tấn thì bị nghiệp khảo hay ma chướng quấy phá làm cho điên đảo, nhưng đây chỉ là nhứt thời. Người tu nên tránh trạng thái cố ép mình tụng niệm hoặc ngồi thiền nhiều như đá đè cỏ, nhưng cánh tay ép lò xo, buông ra bật lại.

Tại sao chỉ biết tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền mà không biết tu tâm dưỡng tánh?

40. Khi tu tập quá bị căng thẳng, phiền não bủa vây là do tu không đúng pháp, không đúng cách hay vì sao? Những lúc bất nghịch ý hay xung đột xảy ra, làm thế nào để có thể hóa giải?

Có nhiều lý do:

-Tu không đúng pháp, tâm cảnh đối kháng nhau

-Dùng những pháp Mật Tông mà không có thầy hướng dẫn

-Bị nghiệp khảo

- Ma chướng quấy phá

- Hoặc tu ép quá, mất cân bằng.

Hiểu được lý do mới có cách hóa giải.

Nếu tu tập dồn dập quá bị căng thẳng là lẽ đương nhiên, nên giảm lại. Còn bị phiền não bủa vây có hai nguyên do chính:

a. Tu tập không đúng pháp

b, Nghiệp khảo

Trường hợp “a” thì nên điều chỉnh lại, hoặc nhờ một vị thầy tư vấn cho

Trường hợp “b” thì cứ bình tĩnh, vì đó là cơ hội để trả nghiệp, để được thử thách

Muốn vậy, cần sự kiên định, nhẫn nhục, sám hối, hoan hỷ đón nhận trả quả. Đây là cách để ta tiến hóa. Cũng như hoa sen mọc trong bùn vậy.

Thượng Tọa Thích Vạn Hùng




Có 1 phản hồi đến “5. Phần 4: Vượt Qua Nghịch Cảnh”

  1. Le khanh đã nói

    Con se ghi nho nhun loi chi bao cua thay suoc ca cuoc đoi cua con .

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com