VẤN: Kính thưa Sư. Con chỉ là một Phật tử sơ phát tâm nhưng phát nguyện ăn chay trường. Con rất vui với sự lựa chọn của mình. Con từng làm công chức nhưng đều rất bấp bên không đủ sống. Gia đình họ hàng có truyền thống làm nghề bán khô cá rất tốt và muốn truyền lại cho con. Con làm rất tốt và có thu nhập để sống cũng như làm từ thiện. Con thấy vì người ta tẩm ướp hóa chất quá nhiều làm gian dối vì lợi nhuận nên con luôn làm hàng sạch, chất lượng, giá rẻ để cho mọi người được an toàn. Con rất thường xuyên làm từ thiện. Cá con không có sát sanh chỉ là mua lại từ cảng người ta đem về, đã chết, rồi con thuê người xẻ cá, tẩm ướp theo yêu cầu của con. Con cũng có làm thêm nhiều món khô bò khô heo nữa nhưng con ăn chay. Đó là điều làm con khổ tâm vì mình ăn chay mà đi buôn bán đồ mặn. Nhiều lần con lo sợ trầm cảm mình làm không đúng nên đến thưa với Sư cô ở ngôi chùa con hay làm từ thiện. Sư cô bảo ai cũng có nghiệp, con nên nghĩ rằng mình làm tốt, làm hàng sạch để cho mọi người và con làm với tâm từ bi giúp người, tiền bạc giúp các em nhỏ học tập, giúp người già neo đơn, chỉ nghĩ về lợi ích của người khác thì đó là làm phước chứ không phải tội. Con nguôi ngoai ít nhiều nhưng vẫn thấy lo. Con tính làm để có đủ vốn liếng rồi mở một nhà hàng chay nhưng không biết thế nào. Xin Sư chỉ dạy cho con được rõ.

ĐÁP

Việc của Bạn trình bày trên Sư cũng cảm thấy không thuận lợi lắm cho một người con Phật, làm nhiệm vụ Phật pháp. Nhiệm vụ chính mình là giữ giới, ăn chay trường, giữ gìn đạo hạnh tác phong thanh bạch cho vi Ư bà tắc, Ưu bà di, đồng thời cũng khuyên mọi người làm giống như mình. Nếu muốn mọi người gieo giống lành như mình, mà không phải là người tiêu biểu thì khó mà khuyến giáo họ, như vậy trên bước đường giữ gìn và truyền bá của Đạo Phật sẽ gặp trở ngại lớn.

I . Là cư sĩ giữ năm giới cấm, nếu giết thú hoặc giết những chúng sanh yếu hèn thì Bạn dã phải phạm giới sát. Giới cố ý sát, giới xúi giục người làm ác như mình, vì nhờ người khác làm cá, làm khô, làm mắm, thấy người khác thực hiện việc ác mà vui theo...tất cả đều là phạm tội, phạm giới (kinh Hồng Danh bửu sám - kinh Tam Bảo do cụ Đoàn Trung Còn dịch) phạm giới gọi là ác, làm ác, cướp mạng sống chúng sanh để nuôi thân. Theo giáo lý nhà Phật thì sự oán thù của kẻ yếu hèn như bò heo, gà vịt, những chúng sanh bị ta giết rất căm thù nhưng không thế nào chống lại với bàn tay của kẻ mạnh hiếp yếu. Sự căm thù lúc nào cũng chồng chất không bao giờ nguôi. Thịt bò và sự căm thù đã ở trong thân của người ăn thịt, loài bò đã trở thành “tinh”, thành “người” tức là làm tinh hoa nuôi lớn con người. Bò và sự căm thù sẽ luân hồi trong vạn nẻo, trong các ngành nghề trong thế gian, chờ khi nào đủ yếu tố thành việc thì trả thù.

Bạn thấy không đó là sự trả thù vô bờ bến, có khi vì sân si giết một người, giết cả gia đình, giết nhiều người, ôm bom liều chết giết hằng mấy chục người, xả súng bắn hàng loạt chết cả trăm người, đem bom dội các dân tộc khác chết hàng ngàn người. Sự oán thù đó không bao giờ tiêu tan, kéo dài bởi những sự chém giết lẫn nhau thật khủng khiếp, chỉ vì giết thú ăn để nuôi thân

Nhân quả tức là gieo nhân hái quả, gieo nhân nào thì hái lấy quả ấy. Đó cũng là sự trả vay, vay trả luân hồi liên tục không ngừng nghỉ. Con người ăn thịt chúng sanh tức là ăn sự căm thù và chính đây sẽ là công cuộc vay đổi mạng sống . Theo nhà Phật, theo các nhà đạo lý, đàm luận lý nhân quả thì cũng chính là nguyên nhân của chiến tranh, con người (trong đó có thịt thú và sự căm thù) các nước lớn đem lòng tham lam, tham sống sợ chết, nuôi lớn căm thù, có điều kiện đem bom đạn bắn phá các nước nhỏ, nhược tiểu. Nơi có những nhóm người chuyên ôm bom liều chết, một mình họ chết nhưng cả trăm người chết theo (quả), cũng như trong lò sát sanh, chỉ một người đồ tể mỗi ngày giết sát bò, heo, gà vịt vô số kể (nhân)... Đó là hệ quả của sự giết sát tập thể của con người với loài thú, thú tái sanh giết lại con người, cứ như thế hằng ngày diễn ra trên hành tinh địa cầu.

Sư đọc sách Phu Thê Ngôn Luận vào năm 1962, trong sách có câu: “Nhứt thiết chúng sanh vô sát nghiệp - Hà sầu thế giới động đao binh”. Nghĩa là nếu tất cả chúng sanh không gây nghiệp sát, thì thế giới nầy đều không có chiến tranh, nạn đao binh khói lửa.

Vào thời kỳ đầu thuyết giáo Đức Phật, ngài ít khuyên các đệ tử trì trai, nhưng có khuyên các nhà Vua, khuyên chúng ta không nên sát sanh, cướp mạng sống của kẻ yếu hèn để phục vụ cho bản thân. Vì rằng mọi chúng sanh hữu tình đều sợ chết tham sống và xem sự sống là điều quý báu nhất trên đời. Ngài tuyên thuyết giới thứ nhất như sau: “Người Phật tử không được hoặc tự mình giết, hoặc bảo người giết, dùng phương tiện giết, khen tặng sự giết, thấy giết mà tùy hỷ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết v.v... phàm tất cả các loài hữu tình có mạng sống, đều không được cố ý giết chúng.”

Trong đời sống Tăng đoàn, đặc biệt Đức Phật Thích Ca không chỉ giới hạn vào việc tôn trọng và bảo vệ sự sống của con người, mà còn là tôn trọng và bảo vệ sự sống của tất cả mọi sinh vật. Ngay cả đến cỏ cây hoa lá, dù không phải là hữu tình chúng sinh, không có tình cảm khổ vui, Ngài cũng dạy rằng nên tôn trọng, không tàn phá bừa bãi. Đó là thói quen tốt của người Phật tử, không sử dụng bạo lực. Điều này cho thấy rằng việc giết sát đều được Đức Phật sanh tiền, ngài đều khuyến giáo hằng ngày nhằm để làm tăng trưởng lòng từ bi của người đệ tử Phật, cũng chính là cốt lõi của tinh thần giáo lý Phật trong suốt 49 năm thuyết giáo

Trong kinh Phạm Võng Bồ Tát giới, Đức Phật dạy: tại giới thứ 32 (trang 41, 42) là giới không làm tổn hại chúng sanh, như sau: “Nếu là Phật tử thì không được mua bán dao, gậy, cung tên hung khí giới sát sanh...” Điều này Cho thầy rằng không phải chỉ có giới Thanh Văn mới không cho đệ tử Phật sát sanh, mà kể cả giới Bồ Tát là tụ giới rộng rãi, phổ cập trong mười phương từ chư Thiên không hình, đến loài người “đạo tục dung thông” mà vẫn không cho sát sanh, sắm khí cụ để làm việc sát sanh. Như vậy không sát sanh là tiêu chí của người con Phật, đối lập với ngoại đạo.

Theo luật nhân quả của nhà Phật thì sở dĩ con người ngày nay, có người tật nguyền, khum vẹo, lùn xấu, thiếu tay thiếu chân, hay mạng yểu vong là do đời trước làm việc phạm giới sát hoặc sát sanh quá nhiều, sanh ra trong gia đình sống chung trong một gia đình. Các thành viên thường làm khổ cho nhau, cha giết con, vợ giết chồng, con giết cha mẹ... Làm Phật tử chúng ta phải biết tĩnh thức trong quá trình phát tâm đến đàn giới xin Bổn sư truyền cho pháp tam quy ngũ giới và khởi tâm tu hành phải giữ giới cho tinh nghiêm.

Giới sát là giới đầu tiên

Sao cho giữ vẹn một miền yêu thương

Tu như nối chí tông đường

Phát huy Ánh Đạo tuyên dương đời đời

II. Những người bỏ nghiệp sát sanh

Năm 1960 khi Đức Tôn sư khai đạo Liên tông Tịnh độ tại núi Bồng Lai, Tổ đình Linh Sơn, Bà Rịa, ngài có hướng dẫn một gia đình thợ săn cải ác tùng thiện lo tu hành, dẫn dắt gia đình cùng tu. Ông Cư sĩ tên là Nguyễn Văn Ba, tục gọi là Ông Ba Quán (vừa đi săn, vừa làm việc mua bán quán nhậu), khi gặp Đức Tôn sư nghe lời khuyên, Ông bỏ nghề săn bắn về sau khi đi xuất gia đầu Phật, pháp danh là Thiện Phước, Ông sửa sang lại nhà cửa hiến cho Phật và Đức Tôn sư tạo nên một ngôi chùa tại cầu Rạch Ván, ấp Hội Bài, Xã Phước Hòa, hiệu là “Tây Thiên Tự”, giao lại cho Ông làm Thủ tự, hương khói cho Phật. Chùa làm nơi tiền trạm tiếp khách thập phương đi núi viếng Tổ đình Linh Sơn và học Phật pháp quy y với Đức Tôn sư. Đến năm 1962 Thầy Thiện Phước được Tôn sư cử làm Trụ trì Long Cốc Thượng Tự, chùa nằm sâu trong lòng núi non cách trở, phải cảnh tu hành cho Sơn Tăng. Năm 1966, chiến tranh tàn phá Long Cốc Thượng tự, Thầy xuống núi làm Trụ trì Long Cốc Tự tại xã Long Hương, Bà Rịa và viên tịch tại đây vào năm 1977. Tu sĩ Thiện Phước (ông Ba Quán) là nhân vật điển hình bỏ nghề ác, giết sát đi tu Phật, xưa nay cũng hiếm hoi.

Cũng trong năm 1960, Đức Tôn sư tiếp nhận nhiều Phật tử quy y, mỗi ngày có đến hằng trăm hằng ngàn khách thập phương tín đồ lên núi xin quy y tu hành ăn chay niệm Phật Trong số đó có gia đình Cụ Gian Văn Diện (người Hoa) ở Chợ Đào, Cần Đước, Long An, tục gọi ông Tám Chợ Đào làm nghề đồ tể giết heo mua sanh bán tử hằng ngày tại chợ quận Cần Đước, đồ tể là nghiệp sát nặng nề. Vậy mà Cụ quyết tâm bỏ nghề để theo Đức tôn sư Thiện Phước - Nhựt Ý tu hành cho đến năm 1978, Cụ được thọ Tỳ kheo giới trở thành một Đại Đức trong môn phong và tu hành tinh tiến cho đến khi viên tịch vào năm 1981 tại núi Bồng Lai, Tổ đình Linh Sơn. Cô Liễu Anh là Phật tử thuần thành của chùa Phước Ân, thị trấn Tân Trụ, tỉnh Long An, năm 1972, phát tâm quy y với Ni Trưởng Thích nữ Huệ Giác, hộ trì cho ngôi Tam Bảo chùa Phước Ân. Cô là người bán thịt heo, có nhiều cửa hàng hơn mọi người. Hiện nay cô xuất gia làm Sa di ni trực tiếp hộ trì Tam Bảo chùa Phước Ân.

Ngoài ra, còn một số đông gia đình ở Mỏ Cày, Bình Đại, tỉnh Bến Tre nương về tu hành làm phước, nhân cơ hội nầy Đức Tôn sư khuyến các gia đình bỏ nghề chày lưới cá biển, mà làm các ngành nghề khác, lương thiện hơn để tu hành và giảm bớt việc giết sát, Đức Tôn sư dạy: “Các ông bà nên lên rừng núi tìm đất làm rẩy, hoặc xa rời quê hương lập nghiệp, tìm cách bỏ nghề lưới cá biển, làm các việc khác như mua bán, may vá, làm rẫy làm ruộng, tài xế. Lúc bấy giờ các gia đình vâng lời Đức Tôn sư về tại cây số 125, đường đi Đà Lạt đề tìm nơi định cư và chuyển nghề. Các gia đình đó ngày nay rất khác giả, giàu có nhận đất Tân Phú, làm quê hương thứ hai của mình

Cô Diệu Thủy, người phường Trảng Dài, Tp.Biên Hòa, cô và gia đình chuyến buôn bàn thịt heo, chợ Biên Hòa. Năm 2007 cô theo cô Diệu Phong đến Quan Âm tu viện xin quy y, lúc bấy giờ Sư Giác Quang hướng dẫn bỏ nghề mua bán thịt heo, đổi mua bán các việc không ảnh hưởng đền giết sát. Cô Thủy nghe lời và đổi nghề mua bán hàng bông légume. Đến năm 2015 cô và gia đình mở tiệm cơm chay, hằng ngày phục vụ cho khách rất khá giả, đồng thời cũng giúp được một số người bạn làm công như đầu bếp, bưng cơm cho khách ăn uống. Việc làm của cô Thủy rất nhiều ích lợi phải không các Bạn.

Đạo Phật là đạo từ bi

Trăm năm giữ vẹn vô vi diệu huyền

Hằng ngày niệm Phật tinh chuyên

A Di Đà Phật mối viềng cội căn.

III. Giữ giới sát

Bạn ơi, làm người đạo đức rất khó, làm việc đạo đức cũng rất khó. Bạn vấn đạo người xuất gia như thế thì khó cho họ, vì chắc chắn họ phải vừa lòng các Bạn mà thôi. Thật ra sống ở thế gian, trừ người tu Phật, hễ khi có gia đình đông thành viên thì phải làm kinh tế để nuôi thân và gia đình, thậm chí khi có số dư còn phải làm từ thiện, giúp người cô bần khó khổ, giúp người đói khát cơ bần, như hiện nay do phát triển kinh tế, phá rừng, làm đập thủy điện, nước sông không còn đều hòa như thời xưa. Càng phát triển kinh tế thì dân tình càng ngay càng gặp trở ngại khó khăn trong đời sống, buộc lòng phải vượt qua. Nhưng vượt qua không được thì phải nhờ vẻ người cứu tề, trong đó có gia đình Bạn, muốn phát triển kinh tề làm cá, làm cá muối trao đồi hàng hóa thật nhiều đế sô dư làm từ thiện giúp người bị thiên tai là điều quý báu cao thượng, cũng là việc hi hữu trong đời, hiếm có người nghĩ đến việc chia sẻ vật chất trong nhà dành cho người khác, trừ người Phật tử và bạn.

Tuy nhiên, nếu làm cá, làm việc mua bán cá vẫn phạm giới giết sát. Làm từ thiện thì có phước báo, chia sẻ những phước báo của mình dành cho người khác là quý báu cao thượng Phật sẽ chứng lòng các Bạn. Tuy nhiên, làm việc giết sát để có tiền nhiều hỗ trợ cho việc từ thiện là vi phạm giới pháp Phật. Đối với người có thọ tam quy ngũ giới, nếu là người Phật tử có biết tam quy ngũ giới nhưng chưa được Giới sư truyền giới thì không phạm, nhưng vẫn phải chịu quả báo từ đời nầy sang đời khác không bao giờ tránh khỏi.

Thuở Đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai có nàng Thánh nữ Quang Mục hiếu thảo với Mẹ. Bình sinh Mẹ phạm giới giết sát quá nhiều cá con và trạnh con để ăn, vì vậy khi thân hoại mạng chung bị sa đọa vào địa ngục, may nhờ có Thánh nữ Quang Mục là đứa con hiếu thảo thương mẹ, niệm Phật, niệm danh hiệu Đức Giác Hoa định Tự Tại Vương Phật, đem của sản của Mẹ làm việc bố thí cúng dường làm nhiều việc phước như thế, nên Thánh nữ Quang Mục cứu được Mẹ ra khỏi địa ngục. Tuy nhiên, khi sanh lên cõi đời đến năm 13 tuổi thì mạng yểu, sau nhờ Quang Mục quyết tâm cứu Mẹ thoát khỏi canh sanh lão bệnh tử. Nhân đây mà Quang Mục phát đại nguyện: “Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm ngàn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sanh, và ngạ quỉ. Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới trở thành bậc Chánh Giác." (Quang Mục cứu Me - Kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện)

Ăn chay trường đừng phạm giới giết sát

Đức Phật chế tác về giới dành cho người xuất gia cũng như tại gia. Người xuất gia thì phải giữ cho trọn vẹn người xuất gia, phải trường chay giữ giới cho thanh bạch, không phạm các giới nhất là giới sát và các giới khác mà Phật đã ban hành. Đã nói là ăn chay tức là không còn giết sát, giết sát là vi phạm lời Phật dạy. Làm Phật tử việc ăn chay là không bắt buộc. Ăn chay là do tâm khởi phát nguyện, phát nguyện ăn chay trường. Ăn chay ba tháng (tam ngọat trai, rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, rằm tháng mười), nguyện ăn chay mỗi tháng 10 ngày gọi là thập trai, nguyện ăn chay mỗi tháng 6 ngày gọi là lục trai, nguyện ăn chay mỗi tháng 4 ngày gọi là tứ trai, nhẫn đến 2 ngày gọi là nhị trai, tất cả ít nhiều đều có tâm thiện. Tuy nhiên, ăn chay trường thì phải giữ giới sát và các giới khác cho trọn. Đối với người có thọ quy giới phải giữ nghiêm túc không vi phạm, nếu giết sát là vi pháp giới sát. Đối với người tín đồ chưa thọ quy giới thì không phạm vì chưa có giới nên không lầy giới để kiết giới gọi là phạm giới, nhưng chịu cảnh khổ não trầm luân, luân hồi quả báo trong lục đạo, mắc quả tam đồ (nạn nước, nạn lửa, nạn đao ninh) như mọi người thế tục.

Thật ra thì thời Đức Phật ngài không nói đến pháp ăn chay trường hay ăn mặn. Việc ăn chay trường có từ thời vua Lương Võ Đế (464-549). Nhà Vua tuyệt đối không cho Tăng sĩ dùng thịt thú, kể cả ăn tam tịnh nhục. Có mười loại thịt sau các Tỳ kheo không được dùng đó là thịt người, thịt voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu. Sở dĩ đức Phật cấm ăn những loại thịt này là vì những lý do sau: thịt người thì không thể ăn vì quá dã man; thịt voi và thịt ngựa không được ăn vì trong thời kỳ đó, hai con vật này được coi là thú vật của nhà vua; thịt chó thường được coi là con vật ghê tởm; thịt rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu không được ăn vì rằng ai ăn thịt những loài thú rừng nguy hiểm này sẽ toát ra một mùi đặc biệt có thể khiến cho các con vật đồng loại tấn công người đó để trả thù.

Từ ý tưởng cấm ăn thịt những loài thú mạnh của nhà Vua Lương Võ Đế, người Phật tử chúng ta có thể tiếp tục ý tưởng đó không ăn thịt thú mạnh, kể cá ăn thịt các loài thượng cầm hạ thú, chim, cá, rắn rùa.. (Vua Lương Võ Đế việc ăn chay đối với Tăng sĩ ở Trung Hoa - Lam Yên - Pháp Luân số 62 - 2009).

Như vậy cúng ta có thể nhận định một cách chính xác, thuyết ăn chay có từ thời nhà Vua Lương Võ Đế. Nhà Vua cho xây nhiều chùa, khuyến thiện lương dân tu hành, ăn chay, ủng hộ Phật pháp, tiếp nhận giáo pháp từ Thiên Trước sang Đông Độ khuyến hóa dân lành, thật là một triều đại trị vì thái bình thịnh trị.

Giữ giới sát tăng tuổi thọ

Người ăn chay trường, trước khi quy y thọ tam quy ngũ giới, trở thành người đệ tử chính thức của Đức Phật phải phát những lời nguyện không buôn bán thuốc giặt nhuộm, thuốc trừ sâu, nuôi côn trùng bằng thuốc để trị bệnh, không nuôi tơ tầm (Kinh Đại phương tiện Phật báo ân, phẩm Ưu-ba-li vấn Phật). Không sử dụng những vật dụng bằng tơ tắm, ngà voi, xương thú, xương người.

Kinh Tập Bảo Tạng nói: “Có Thầy Sa di (mới vào chùa tu hành) tết đến được Thầy là người đắc quả A la hán cho về thăm nhà, cha mẹ, Thầy xem thấy chú Sa di có mệnh yểu, khi về thăm nhà 7 ngày sau thì chết luôn ở đó. Nhưng sau 7 ngày về thăm nhà chú trở lại với chùa và Thầy. Thầy ngạc nhiên hỏi con về nhà có làm gì khác chăng? - Chú Sa di trả lời: - dạ có. Khi đi đường ngang qua rạch, con thấy có tổ kiến vàng bị trôi theo dòng nước, con lấy áo và gậy vớt lên bờ, rồi đi về nhà thăm cha mẹ! Thầy nói: hèn chi! Tức là Thầy thì nghĩ ông Sa di vế nhà rồi qua đời ở đó luôn, nhưng không ngờ ông Sa di trở lại chùa, lý do ông Sa di có làm việc thiện cứu chúng sanh, vớt tổ kiến lên bờ mà tăng thêm tuổi thọ, nên có mặt tại chùa với Thầy đúng thời gian quy định...” (Sa di Luật giải - bản dịch Sa môn Thích Hành Trụ trang 55).

Trong luận “Trượng Phu” nói: Do lòng Bi cứu được một người công đức lớn như cõi đại địa, bằng ích kỷ dù cứu tất cả, đặng phước báu như hột cải, lại cứu một người ách nạn hơn cứu tất cả người thường, như các ngôi sao tuy có ánh sáng, nhưng đâu bằng ánh sáng mặt trăng. Câu “Đương khởi từ tâm”, giải nghĩa phải đem lòng lành thương, thấy người khác sát sanh, giết chúng sanh yếu hèn, phải đem của cải mua chuộc mạng nó...

Có những điều lỗi khuyên không nên giết sát:

Lìa lỗi tự mình giết hại. Lìa lỗi khuyên bảo người khác giết hại.
Lìa lỗi sướng thích đối với việc giết hại.
Lìa lỗi thấy người giết mình phụ trợ theo.
Cứu khỏi tội chết trong hình ngục.
Phóng thích thân mạng ( phóng sanh ).
Ban cho mọi loài pháp không sợ hãi .
(Vườn Hoa Phật Giáo - chuyên trang thông tin Phật giáo)

Cái yêu quý nhất của chúng sanh là thân mạng

Cái yêu quý nhất của chư Phật là chúng sanh

Hay cứu thân mạng chúng sanh tức là

Hoàn thành tâm nguyện của chư Phật.

(Vườn Hoa Phật giáo - Kinh Hoa Nghiêm)

Có một gia đình Phật tử sanh sống tại Củ Chi, Tp.Hồ Chí Minh, chuyên nuôi chó bị chủ bán thịt. Bà thường xuyên đến các lò mổ chó trong vùng, dùng tiền mua lại những con cho bị chủ bỏ rơi, chủ bán thị cho lo mổ, có cho bào nhiêu Bà mua bấy nhiêu đem về đưa vào trại tại nhà để chăm sóc, nuôi lại, chăm lo thuốc men tri bệnh thông thường cho chó. Trường hợp bệnh nặng, Bà đem các chú đi Bác sĩ thú y khám chữa bênh. Tại nhà thì có đội giữ nghiêm nhặt không cho các người “trộm chó”, bắt chó. Có đội y tế phòng bệnh, trị ghẻ chóc lở loét, các chú cho thật đông và sống vui sống khỏe vô cùng. Có các chú cho già, khi chết được đem chôn cất kỷ lưỡng. Thật là phước đức thay một gia đình nhà cho hy hữu trên đất nước Việt Nam ta.

Làm Phật tử mà ít hiểu về giới kinh, không học giới. Phạm giới sát liên tục thì thật là uổng công lao bao năm theo Phật, chúng ta người xuất gia cũng như tại gia lúc nào cũng bước theo vết chân xưa của Đức Thế Tôn, không nên giết thú, những chúng sanh yếu hèn hơn người, những chúng sanh đang “giãy chết” trong tầm tay Bạn. Thật tội nghiệp lắm thay!

Giới sát tuổi thọ miên trường

Tu thì phổ cập tình thương muôn loài

Lập chí tiêu biểu sáng soi

Không phạm giới sát rạng ngời muôn phương

IV. Phần kết

Hiện nay Bạn làm việc sát sanh cá, mướn người làm công làm việc sát sanh bằng thủ công nghiệp hay máy móc, tạo cho mình có hàng hóa để bán buôn,. Mặc dù Bạn không làm việc trực tiếp, nhưng mướn người làm thì tội trạng, nghiệp báo cũng như nhau. Lẽ ra thì Ban nên chuyển nghề tránh việc giết sát, việc giết sát để cho người khác không phải là Cư sĩ Phật tử làm thì tốt biết mấy. Trong cuối lời vấn pháp việc tính toàn của Bạn là đúng, khi nào có đủ vốn thì chuyển nghề ngay, làm việc khác phù hợp với người tu Phật, Trong khóa lễ Hồng Danh Bửu Sám, Phật dạy: “Nhược tự tác, nhược giáo tha tác, kiến tác tùy hỷ... ngũ vô gián tội...” nghĩa là hoặc mình làm, hoặc xúi người làm, thấy người làm mà vui theo, đồng mắc năm tội ngũ nghịch (Hồng Danh Bủu Sám - bản dịch Đoàn Trung Còn, trang 53). Tội ngũ nghịch là giết cha, giết mẹ, giết A la hán, phá hòa họp Tăng đoàn, làm thân Phật ra máu, Bạn có thấy xúc động và sợ sệt không?

Làm kinh tế ở thời đại mới, mà có trở ngại thì khó mà phát triển để sánh vai cùng các Công ty khác, nói rộng hơn sánh vai cùng các cường quốc Âu Mỹ. Người Phật tử làm kinh tế vẫn được, theo mô hình kinh tế mở rộng hiện nay, làm ăn với các bạn bè trong nước và ở nước ngoài không có gì phải nghĩ suy. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh môi trường chúng ta đang sống, như đang sống trong đạo có giữ giới luật Phật thì làm những việc phù hợp như mở công ty May, công ty sản xuất nước ngọt, công ty chế biến nông sản, bánh ngọt... chắc chắn các Bạn sẽ gặp thuận lợi trong khâu làm ăn, trao đổi giao lưu hàng hóa.

Mặc khác, Sư xin gợi ý một điều mà xưa nay chúng ta chưa làm trọn vẹn, nay cần phải làm cho rốt ráo mở trường dạy nghề, trường dạy sinh ngữ để giúp cho giới thanh niên nam nữ nghèo, thất học, hoặc không có công ăn việc làm học nghề, học sinh ngữ để có phương tiện làm ăn giao tiếp với thế giới bên ngoài. Đồng thời người Phật tử có thể lập hội, xin phép mở trường dạy nghề, đưa học viên đi tu nghiệp nước ngoài, đi du học ở trình độ cấp cao, trở thành những kỷ sư, bác sĩ, thầy giáo cống hiến cho xã hội ngày càng phát triển.

Làm Phật tử làm kinh tế không nên mở công ty làm việc sát sanh hại vật, mà còn rất nhiều, những mặt hàng quy mô khác, có thể giúp cho chúng ta mạnh, góp phần nâng cao kinh tế nước nhà .

Trong những năm 1966, 1967, theo ý tưởng mới thì đời sống Tăng đoàn được chia thành hai dòng, dòng thể nhập và dòng tiếp hiện. Dòng thể nhập thì lo việc tín ngưỡng, việc tu hành xuất thế, lánh xa thế tục, làm nhà đạo hạnh, hiểu biết nghi lễ, cách thức xây dựng chùa chiền, sắp xếp thứ tự vật dụng trong nội tự, để dành chỗ trống trải thoáng đạt cho chư Tăng Ni an trú tinh chuyên tu hành, đáp ứng đúng nhu cầu cho những bậc thiền gia chân chánh, tiếp nối lý tưởng giải thóat của Đức Phật. Dòng tiếp hiện thường dành cho các nam nữ Phật từ, một ít nhà sư đi vào cuộc đời, mang theo ý tưởng Đức Phật, xuyên qua các ý tưởng khác, phụng sự cho những người chưa tiến hóa cao, nhất là giới trẻ cần có định hình tư tưởng nhập cuộc, mà không đánh mất lý tưởng Đức Phật vốn có từ ngàn xưa “ý tưởng giải thóat những khổ đau phiền não” cho chính mình và cho mọi người. Người dốt nát ta làm người thầy giáo, người đói khát ta làm nhà trì tuệ, truyền trao nghề nghiệp cho sinh viên học sinh, học viên một số kiến thức cơ bản, ngăn chận sự thối hóa của cuộc đời và bản thân tu sĩ và người Phật tử

Tư tưởng hòa mình là hòa với cộng đồng, hòa với xã hội, không thoái hóa, một cuộc hội ngộ, ra đi, hòa nhập vào cuộc thế, hòa nhưng không tan, dầu hòa với nước nhưng lúc nào cũng độc lập không tan chảy trong nước, sống với nước một cách ung dung tự tại, tự tại giữa thế sự đua chen bay nhảy. Theo ý tưởng nầy cho chúng ta thấy, trường hợp người Phật tử làm kinh tế, sản xuất cho tiêu dùng, nhưng tăng gia sản xuất đúng theo tiêu chí nhà Phật. Người phật tử có thể mở Công ty nông sản, Công ty địa chất, Công ty bánh ngọt, Công ty Trà. Nên tránh mở Công ty sản xuất bằng cách sát sanh hại vật, như mổ bò, heo, gà vịt, nuôi cá, tôm, Công ty tơ tằm dù làm những Công ty nầy có khá hơn việc sản xuất chế biến nông sản nhưng không có gì chúng ta phải ồn ào, bị ồn ào trong thế cuộc giữa muôn ngàn tranh chấp.

Theo tư liệu tiểu sử Đức Phật Thích Ca thì sanh tiền ngài ít khi dừng chân, cuộc đời ngài luôn đi và đi mãi - 8 giớ sáng đi khất thức - 12 giờ thọ thực - buổi chiều thuyết pháp ở ven đường hay ven rừng, giúp đại chúng nhân dân tiến hóa - buổi tối tọa thiền, ngọa thiền - qua đêm và sáng mai tiếp tục đi trì bình khất thực. Thỉnh thoảng Phật có dừng chân tại các kinh đô Ma Kiệt Đà, Tỳ Xá Ly, Xá Vệ, vương quốc Kosambi. Ngài được thỉnh vào kinh đô thuyết pháp và an trú trong cung điện. Đấy là những thời kỳ hội nhập của Đức Phật, tập cho chư Tăng vừa xuất thế vừa đi vào đời không vướng bận những vật chất xa hoa, cùng những ý tưởng cao vút khác, do đó mà chư Tăng, chư Thanh Văn cảm thấy rất an lạc trên bước đường du phương hành đạo.

Người Phật tử hôm nay nên học những bài học của Phật, của chư Thanh Văn, xác bậc cao tăng đi trước, đi vào đời mà không bị chạy theo cuộc đời, đi vào đời ta có thể đi khác hơn cuộc đời, tiến hóa hơn cuộc đời, không bị cuộc đời hóa, cuộc đời sai khiến trong từng tâm niệm.

Vào đời không nhiễm cuộc đời

Làm cho an ổn ngồi tòa tâm linh

Vào đời phải bậc cao minh

Giúp cho thế cuộc hữu tình an vui.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Ăn Chay Nhưng Kinh Doanh Hải Sản, Đồ Mặn Có Được Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com