Mục Lục
81. Phật tử hiện nay việc giao lưu với khá nhiều bậc tôn sư, pháp môn cả trong và ngoài nước. Như vậy là có tốt không? Nếu giao lưu nhiều pháp môn liệu có thể tu tập được không và nên thoát ra như thế nào nếu không cảm thấy an lạc với pháp môn đó?
Khi muốn gặp các bậc Tôn Sư, mình phải hiểu mình cần điều gì nơi họ. Khi nghe các vị chỉ dạy, mình xem có phù hợp với mình không sau đó mới hành theo.
82. Vì sao Phật tử thời nay có vẻ xem thường người xuất gia và không có đạo đức khi đến chùa? Có phải là do Phật tử ngã mạn của Phật tử? Phật tử bảo rằng muốn tu tập đến chùa phải có tiền mới được trọng vọng. Các nghi lễ cúng tế, trai đàn cũng phải có tiền mới được tham gia. Do đó, Phật tử xem chùa bị thế tục hóa có đúng không?
Không ai bắt bạn phải tôn trọng người khác nhưng xem thường và chê bai sẽ mang khẩu nghiệp. Nếu tâm mình khiêm cung thì gặp người xấu mình vẫn bình thường.
Nếu nói có tiền mới được trọng dụng thì cũng tùy trường hợp và tùy chùa.
Với các lễ cúng tế, trai đàn, muốn tham gia thì phải có tiền chứ nhưng đâu có ai đặt tiêu chuẩn bao nhiêu đâu? Không có tiền lấy đâu ra mua sắm phẩm vật, cúng dường chư tăng làm lễ. Còn chùa có bị thế tục hóa hay không cũng khó đánh giá được. Các lễ cúng ai cũng có thể tham gia còn lễ cúng có bị lạm dụng hay không là chuyện khác.
83. Làm thế nào để Phật tử biết đó là một vị thầy tu tốt để nương theo?
Một vị thầy tu tốt ít ra phải có đạo hạnh, thiểu dục, có vốn liếng Phật pháp sâu rộng. đạo hạnh để Phật tử noi theo, đặt niềm tin. Có trí huệ để dẫn dắt Phật tử hiểu được đạo pháp, đi theo con đường chân chánh, an lạc. Tất nhiên, vị ấy phải có kinh nghiệm tu tập, không thể nói suông được. Ví dụ Phật tử ngồi thiền bị nhức đầu, vị thầy không có kinh nghiêm làm sao chỉ dẫn được?
Tìm một vị thầy tu tốt rất khó, cần phải thân cận với vị thầy ấy một thời gian, xem vị ấy nói và làm có như nhau không. Chúng ta không đòi hỏi một vị thầy hoàn hảo nhưng ít ra khi người ấy dạy mình thì mình phải biết là đang đi về đâu, cái gì quan trọng và cái gì là không quan trọng cho người tu hành.
84. Có phải người đọc hiểu mọi kinh sách Phật, có thể vấn đạo được cả các vị xuất gia là những Phật tử tu giỏi không?
Thật đáng thương cho những người đọc, hiểu chút kinh sách rồi đi vấn nạn những vị tu sĩ. Những điều họ biết chỉ là ngôn ngữ của đạo, chưa phải là đạo. Cũng như ngón tay chỉ mặt trăng, nào phải mặt trăng. Họ chấp lầm kiến giải đó cho là giỏi, là biện tài, đi vấn nạn khắp nơi. Những kiến thức đó có giúp cho họ được an lạc hay không? Hay chỉ thỏa mãn cái ta? Chắc chắn là không. Bởi Đức Phật từng ví người đa văn cũng như người đi trên sông mà chịu khát nước vì thiếu sự hành trì. Thầy gọi những người đó là người đếm tiền dùm người ta mà chẳng xài được vì không phải tiền của mình. Nếu may mắn gặp được bậc thầy điểm hóa cho điều tốt. Bằng không nếu đi vấn nạn những tu sĩ kém cỏi, hoặc các vị chuyên tu mà thiếu nghiên cứu, đối đáp không lại thì người đa văn đó càng sanh ngã mạn, rơi vào đường tà.
Đọc hiểu nhiều kinh sách chỉ là kiến giải của Phật, tổ chứ đâu phải của mình. Theo quan điểm Thiền tông những kiến giải này chỉ là vọng thức, không giải quyết được sinh tử. Huống chi theo chư tổ, tu là phải “hành giải” tương ứng, nghĩa là nói phải đi đôi với hành.
Phật tử đọc nhiều rồi đi vấn nạn các tu sĩ dễ sanh ngã mạn, sẽ rơi vào thế trí biện thông.
85. Phật tử góp ý cho người xuất gia về công tác Phật sự hay vấn đạo có được xem là bất kính không?
Xưa nay Phật tử đóng góp ý kiến cho tam bảo rất nhiều. Còn vấn đạo để sáng tỏ chân lý thì không có tội lỗi chi cả.
Vai trò Phật tử từ xưa đến nay đóng góp không nhỏ cho sinh hoạt của tu sĩ. Từ thời Đức Phật cũng vậy. Do đó Phật liệt cư sĩ nam và nữ đứng trong hàng tứ chúng đệ tử: tỳ kheo, tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ. Ngày xưa có những Phật tử nam bậc nhất ngoài những ông vua còn có bà Mạt Lợi Phu Nhân, Hoàng Hậu Vi Đề Hi, Tỳ Xá Ly.. Các bà hộ trì đắc lực cho chư tăng về thức ăn, y phục lẫn thuốc men… Bà Tỳ Xá Ly từng xin Phật cho mở khóa tu Bát Quan Trai cho cư sĩ tu tập.
Ở Việt Nam, có chùa có ban hộ tự, Hội Phật Học Nam Việt. bên Đài Loan có hội Minh-Nguyệt cư sĩ Lâm. Đây đều là những cư sĩ tại gia đóng góp rất nhiều cho việc phát huy xiển dương chánh đạo.
86.Phật tử có nên quan tâm hay xen vào đời sống, giới luật của người xuất gia không? Nếu như vậy là có mang tội không? Người tu hành chỉ tin vào giới luật Phật hay phải theo luật pháp thế gian?
Nếu sự quan tâm của Phật tử mang lại lợi ích cho đời sống tu tập của tu sĩ thì rất tốt. Ngược lại chỉ tạo thêm duyên, phiền não thị phi thì nên xem lại. Phật tử xen vào đời sống giới luật của tu sĩ bằng tâm nào. Vì muốn tốt cho tu sĩ hay vì thị phi, tranh chấp, ỷ mình có công rồi muốn tu sĩ làm theo ý mình. Những tình huống đó đang xảy ra với Phật giáo Việt Nam. Tội hay không thì đã rõ.
Người tu hành cũng là một thành phần trong xã hội nên phải chấp hành luật pháp thế gian, không thể tự cho mình ngoại lệ. Giới luật chỉ để giữ mình.
87. Ở các chùa và chúng con nghe nhiều vị thầy giảng rằng phải phương tiện để hướng dẫn Phật tử. Do đó cái gì cũng cho rằng là phương tiện, là Phật sự.Chùa tổ chức cho Phật tử đi hành hương, đi du lịch tham quan, tổ chức sinh nhật ở chùa, kể cả tham gia đám cưới đám tiệc tại gia, trang điểm hát cải lương, mặc áo quần của người đời ca hát cho rằng phải hòa nhập để giáo độ. Đó có phải là việc Phật sự không? Thế nào mới được gọi là Phật sự đúng nghĩa.
Đạo Phật là đi vào mọi tầng lớp trong xã hội. Vấn đề là làm cách nào? Có cần đồng hóa với đời không? Tùy duyên mà có bất biến hay không? Chuyện này chỉ có người trong cuộc mới biết được.
Nếu xét về mặt bồ tát đạo, về hạnh phổ độ thì những việc làm đó giúp cho người đời gần với Phật pháp hơn. Tuy nhiên, việc gì cũng có mặt trái của nó. Bạn có đủ bản lãnh để nhập thế không? Có đủ bản lãnh để vào được, ra được hay không? Người xuất gia không nên tham công tiếc việc, ôm đồm nhiều thứ, không khéo vẽ rồng thành rắn. Tùy duyên mà không bất biến.
Làm Phật sự phải hiểu bản chất vấn đề hơn là chỉ nghĩ đến cái được mà quên cái mất.
88. Làm thế nào để Phật tử có thể thoát khỏi những tình cảm luyến ái với người xuất gia và ngược lại?
Nên tránh tiếp xúc quá thân cận tạo duyên gây nên sự luyến ái, đắm nhiễm. Khi đến chùa, người Phật tử xong việc Phật sự rồi nên về. Không nên quá thân cận nhiều với các thầy, còn chuyện gia đình sao không lo? Đối với các thầy lớn tuổi thì nên nghĩ như cha mẹ nên thật sự cung kính và tôn trọng. Đối với các vị nhỏ hơn thì xem như huynh trưởng.
Nói chung, nên giữ khoảng cách. Các thầy đối với Phật tử cũng vậy. Lửa gần rơm lâu ngày dễ cháy.
89. Vì sao người xuất gia đã từ bỏ tất cả để tu tập lại không thể vượt qua được những cám dỗ bình thường của cuộc sống, đặc biệt là vật chất và tình duyên?
Nếu người tu ít muốn thì sẽ tránh được. Điều này thường xảy ra với một số vị có chút danh tiếng hay làm trụ trì thường muốn nhiều cái nó cái kia. Từ đó, cái muốn tham dần dần tăng trưởng mà mình không hay biết.
90. Có rất nhiều vị tu cao siêu, miên mật, được Phật tử tín nhiệm, kể cả tuổi đã khá cao nhưng vẫn bị nhiễm trần bỏ đường tu trở về đường đời với nạn Ma Đăng Già? Có phải đó đều là do nghiệp quả?
Có trường hợp do nghiệp quả nhưng cũng có trường hợp do đắm nhiễm.
Những vị tu cao siêu, nghiêm mật, có nhiều Phật tử thật sự nhiều rủi ro hơn người bình thường. Nhiều Phật tử phải lo nhiều, nhiều Phật sự, công phu giảm, niệm trần tăng do tiếp xúc quá nhiều với ngoại duyên. Vì vậy dễ dàng sa ngã hơn. Còn nghiệp quả đương nhiên ai cũng có. Nếu nội lực vững, có tha lực mạnh mới có thể vượt qua như có rất nhiều vị cao tăng nổi tiếng nhưng không bị ô nhiễm.
Thượng Tọa Thích Vạn Hùng