Mục Lục

51. Mọi người thường bảo cố gắng tu theo bồ tát đạo, theo tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả. Nghe rất hay nhưng quá cao siêu rộng lớn. Vậy theo thượng tọa tu theo bồ tát đạo hay tứ vô lượng tâm như thế nào một cách đơn giản để có an lạc?

Bồ Tát Đạo là gì? Là hạnh lợi tha, giúp người, vật, giúp người khó, khổ hoặc những chuyện hằng ngày xung quanh bạn, thậm chí cứu vong … Bạn có làm được không? Rất đơn giản. Cũng như Bồ Tát Trì Địa chuyên đắp đường lồi lõm cho người ta đi. Ngài có câu nói trứ danh “Tâm bình thế giới bình.”

- Tu tập tứ vô lượng tâm “từ bi hỷ xả” thực sự nên tu ngược lại. Đó là tu “hỷ, xả, từ, bi”, nghĩa là “vô ngã, lợi tha.” Muốn hỷ xả thì nên tìm hiểu và cảm thông, bao dung và rộng lượng

Tâm bạn có vô chấp, vô ngã mới từ bi được. Nếu thiếu cảm thông, rộng lượng làm sao thương được những người khó thương. Nên xem lại khả năng của mình làm được bao nhiêu thì làm, không luận phải làm bao la như các vị Bồ Tát.

Thầy từng giúp vài người tánh tình không tốt, có người cản:

“Nó xấu mà Thầy giúp làm gì?”

-Thầy đáp:

“Nếu giúp người dễ thương thì ai cũng làm được, cần chi tới đạo Phật.”

Đức Tôn Sư của thầy còn độc đáo hơn. Ngài viết:

“Nếu con là Mẹ thì đừng chê đứa nào.”

Điều này thầy còn chưa làm được, vì thầy chưa có được tấm lòng bao la của bà “Mẹ.”

52. An lạc, bình an theo thượng tọa là như thế nào?

Tâm mình đừng để bị phiền não dấy động, không bị tham vọng lôi cuốn sẽ được an lạc, được bình an chứ không phải đợi đến lúc bạn rãnh ngồi niệm thiền hay niệm Phật…

Lúc nào bạn cũng biết rõ mình đang làm gì, tịnh cũng như động vậy. Còn nếu gọi là an lạc và bình an nghĩa là không suy nghĩ gì hết thì chỉ có thể sống một mình, độc giác. Tuy nhiên, như vậy tâm sẽ xơ cứng, vô cảm mà Phật gọi là giống khô mộng héo.

-Ngày xưa, Đức Tôn Sư có dạy:

“Lợi tha tối lạc,” nghĩa là lợi ích cho mọi loài là vui đệ nhất

Bạn hãy xem kìa, những lão nông ở miền tây, họ cùng nhau xây cầu, làm đường cho nông thôn. Ở thành phố có những nhóm từ thiện góp nhau từng đồng để nấu cơm cho bao bệnh nhân hoặc nuôi người bệnh. Họ miệt mài làm mấy mươi năm nay không mệt mỏi. Ai cũng vui vẻ để làm. Đến ngày cùng kêu gọi nhau đến hẹn lại lên. Xã hội này đẹp biết bao. Bình an đó, an lạc đó bạn.

Tuy nhiên, nếu bạn có thể ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật hoặc tham gia Phật thất càng tốt.

53. Vì sao có rất nhiều người, kể cả Phật tử, ở gia đình, người thân lại rất là keo kiệt, không giúp ích gì cho ai nhưng đến chùa lại rộng phát tâm vô lượng không tiếc. Như vậy là đúng hay sai?

Vì những người này tu chưa thông, cứ cho là cúng chùa là phước đức hơn hết. Có trường hợp ban đầu mới biết đến đạo pháp, họ rất hoan hỷ phấn khích, đem hết tâm tư vào tam bảo nên bỏ quên người xung quanh mình. Như vậy không sai nhưng cực đoan, cần điều chỉnh lại. Đức Phật từng dạy: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” Điều này rất thực tế vì Đức Phật đâu có cần mình cúng Ngài những món tối thượng đâu? Ngài cũng không bảo ta làm tượng Ngài bằng những vật liệu quý như ngọc, gỗ ngàn năm. Vậy Phật bằng xi măng không linh quý à? Thật tội nghiệp cho các vị Phật làm bằng xi măng, bằng gỗ thường bị bỏ lăn lóc. “Phật tại tâm” quý vị à.

Tại sao quý vị không bỏ tiền để săn sóc, giúp đỡ các vị Phật tương lai? Đó là những tăng ni đang bị bệnh đau, thiếu thốn. Đó là những người nghèo không đủ cơm ăn áo mặc, bệnh đau không tiền chữa chạy.Là Phật tử không chỉ biết phụng sự tam bảo mà còn biết giúp đỡ người thân gia đình, có hiếu với mẹ cha vì cha mẹ chính là Phật còn hiện tiền tại gia.

54. Phật tử được dạy cố gắng bố thí hành thiện, lúc nào đến chùa cũng bị vây bởi đủ phương cách quyên góp để làm Phật sự. Nếu nhiều người không có khả năng cảm thấy tủi thân khi đến chùa hoặc sợ cả chùa? Vậy nên hóa giải như thế nào? Người nghèo tu như thế nào để cũng được an lạc.

Nếu mình không có tiền thì đâu ai bắt buộc. Chẳng có gì tủi thân cả, nghèo đâu có liên quan gì đến chuyện tu? Hãy nhớ đạo Phật như biển cả, có thể dung chứa được tất cả. Thân nghèo nhưng tâm thì sao?

55. Vì sao nhà Phật thường dạy Phật tử là phải sống thanh bần giản dị, thiểu dục tri túc nhưng hiện nay chùa chiền xây dựng, xe cộ, cơ sở vật chất ở nhiều chùa còn sang trọng hơn cả những bậc đại gia cửa đời? Thượng tọa nghĩ sao về điều này? Đó có phải là dấu hiệu của việc Phật giáo phát triển không?

Sự phát triển của Phật giáo đâu ở chỗ Phật to, chùa lớn. Hồi xưa Đức Tôn Sư của thầy ở nhà tranh cốc lá nhưng người đến cầu đạo, quy ngưỡng vẫn rất nhiều. Còn những chùa đẹp, sang thì có lý do của vị trụ trì, thầy không có ý kiến.

56. Phật dạy mọi chúng sanh đều có Phật tánh. Các cây cổ thụ là thần cây và có thọ thần nên cần phải bảo vệ. Rừng hiện nay bị phá hoại nặng nề nên bão lũ thiên tai động đất sóng thần thường xuyên xảy ra. Phật giáo phải đi đầu với vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân sinh. Tuy nhiên, vì sao các chùa hiện nay mỗi ngày xây dựng lại nguy nga đồ sộ, dùng toàn là các loại cột trụ gỗ rất lớn quý hiếm, ghế bàn đục đẽo chạm trổ điêu khắc hết sức công phu, cầu kỳ? Như vậy là có đúng không? Mọi người bảo là để hoằng pháp lợi ích hơn nên gỗ vào cửa chùa thêm phước huệ.

Phật tử quý trọng Tam Bảo theo nghĩa nào? Phật ngọc mới quý còn Phật xi măng thì không quý? Mình xây chùa lớn vì nhu cầu hay vị cái gì? Nếu có nhiều tiền nên chia sẻ với xã hội.

Có một số người, cả tu sĩ lẫn cư sĩ vì sự sùng kính Tam Bảo mà muốn trang nghiêm ngôi chùa cho thật đẹp bằng những nguyên liệu hiếm quý. Thậm chí có vị muốn xây ngôi chùa để đời. Ý tưởng đó không có gì là sai. Nhưng những hệ lụy cũng không nhỏ như bạn đề cập. Một ngôi chùa sang, đẹp, nhiều tiền của thì mầm mống tranh chấp khó tránh khỏi. Chưa nói họa trộm cắp. Càng nhìn thấy Đạo Phật phát triển theo hướng này thầy càng lo đúng như lời huyền ký của Phật. Đó là thời kỳ đấu tranh kiên cố. Con người lo tranh nhau cất chùa đẹp, tranh nhau lý luận, phản bác nhau trên mạng, làm cho người khác hoang mang ngờ vực. Chỉ làm bất lợi chứ không làm sáng tỏ Phật pháp.

Đâu đợi phê phán người khác Phật pháp mới sáng tỏ. Vậy thì xây chùa to vì nhu cầu hay vì cái gì?

Nếu một vị thầy có nhiều phước báu, ngoài việc lo cho nội tự ổn định, đem tiền của dư dả chia sẻ với mọi người với xã hội sẽ đẹp biết bao. Thêm nữa cổ đức có câu “Tạo tăng hơn tạo tự.”

57. Tranh ảnh, sách báo Phật giáo, những gì có liên quan đến ảnh Phật đều được khuyên nên thiêu hóa. Nhưng hiện nay các vật phẩm in ấn này quá nhiều. Người đời đều khuyên nên tái sử dụng lại giấy, đồ nhựa để bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Nếu đốt đi thì là sự phí phạm gây ô nhiễm. Nhưng không đốt thì Phật tử cảm thấy sợ hãi, tội lỗi. Vậy với cuộc sống quá nhiều sách báo, văn hóa phẩm Phật giáo có thể mang đi tái sử dụng tái chế được không?

Nếu tái sử dụng để in những trang kinh mới, trang sách mới giúp ích cho mọi người thì có sao đâu?

58. Người ta thường bảo "cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán. "Trong cuộc sống hiện nay người thân gia đình bạn bè cũng không mấy ai còn tin nhau. Ai cũng đều phải lo cho bản thân của mình và bảo rằng "sống không vì mình trời tru đất diệt" như vậy là có đúng không?

Khi mình cứu ai, sau đó họ quay lưng lại với mình vậy là đã hết duyên và họ không còn có phước để tiếp tục sự hỗ trợ của mình. Bạn buồn làm gì. Đâu ai cấm mình lo cho mình. Mình an toàn mới lo cho người khác. Đức Phật cũng dạy tự độ trước độ tha sau. Mình biết mới cứu người được. Nếu lợi tha mà chịu thiệt thòi một chút thì đâu có sao.

59. Vì sao đạo đức con người ngày càng suy yếu, tệ nạn hoành hành, trộm cắp xấu ác nào cũng không chừa cả cửa chùa?

Vấn đề này rất lớn và quan trọng, không thể nói trong đây mà thấu đáo. Chỉ có thể tạm hiểu là tại tham vọng con người ngày càng nhiều càng lớn mà thôi.

60. Trong Phật giáo luôn dạy phải hành thiện bố thí giúp người. Vậy việc hành thiện có phải là điều tiên quyết mà người tu phải làm không? Nếu người tu không có khả năng hay không thể làm các công tác xã hội vậy có được không? Người tu có nên chuyên tâm lo việc làm từ thiện, kể cả mở phòng khám bệnh từ thiện, hành nghề y bác sĩ không?

Bố thí chỉ là một trong sáu pháp ba la mật, chỉ là một phần trong các công hạnh của người tu. Vả lại, bố thí đâu phải nhất định là dùng tiền của, vật cất còn pháp thí, vô úy thí nữa. Người tu tùy theo năng lực mà bố thí. Mở phòng khám từ thiện hay hành nghề bác sĩ hãy để cho cư sĩ làm phù hợp hơn.

Tu sĩ làm những điều này có nhiều hạn chế, giảm bớt thời gian tu tập, nghiên cứu phật pháp. Bạn có chắc là bạn làm bác sĩ giỏi hơn các bác sĩ khác không? Làm từ thiện cũng vậy, mỗi người một bàn tay, đâu phải mình bạn đâu mà đổ hết công sức vào đó rồi giảm sự tu tập, có khi sanh phiền não chẳng lẽ trong đầu bạn lúc nào cũng nghĩ đến tiền sao?

Tinh thần Phật giáo luôn gắn với đời. Tuy nhiên, không nên để những việc bố thí, từ thiện làm giảm năng lực người tu vì đó chỉ là bên ngoài. Do đó khi Vua Lương Võ Đế hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma:

“Trẫm cất 72 cảnh chùa, độ hàng ngàn tăng ni, có công đức gì không?”

Tổ đáp:

-Không có công đức gì cả”

Vì theo Tổ công đức giải thoát mới là hơn hết.

Người mắc bùa chú thì họ nên đến gặp các thầy chuyên môn cứu chữa tốt hơn. Cũng như bạn không cần làm bác sĩ vì đã có nhiều vị bác sĩ giỏi đủ chuyên môn rồi vậy.

Thượng Tọa Thích Vạn Hùng




Có phản hồi đến “7. Phần 6: Từ Bi – Từ Thiện – Bình An”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com