Mục Lục

291. Chúng con được dạy phải hành tâm không phân biệt để có thể an lạc, tu tập tốt. Nhưng làm sao để gọi là không phân biệt khi mọi thứ đều có sự chuyên biệt riêng của nó, mình không phân biệt thì làm sao mà sống mà hành sự?

Phải hiểu rằng phân biệt xấu tốt và phân biệt sanh chấp trước là hai phạm trù khác nhau. Người ta cần phân biệt để biết thiện ác mà làm lành lánh dữ. Còn chấp thiện ác để sanh tâm thị phi nhân ngã sân hận thì lại là chuyện khác.

292. Con không hiểu thiền nhập tam muội, rồi nhập định, xuất định nghĩa là sao? Con đọc nói rằng thầy ấy, người ấy nhập đinh, đi đến cảnh giới khác bao nhiêu ngày tháng hay bao nhiêu năm mới về, rồi đi lạc, bị thu nhập bởi bùa mê hay người luyện chú. Như vậy người tu nên làm gì để tránh?

Phép thiền định thì có nhập và xuất. Nhập đại định gọi là tam muội, có những phép thiền giúp người ta ngồi được lâu chứ không phải xuất hồn đi đâu cả. Còn chuyện xuất hồn mà bị lạc hoặc bị bù chú bắt hãy xem lại cách tu và tránh đừng tham gia.

293. Trong bài kệ “Cư trần lạc đạo” của vua Trần Nhân Tông có nói “Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.” Vậy không tâm này là vô tâm hay không có tâm suy nghĩ. Nhưng nếu đã không tâm không suy nghĩ vậy đối cảnh để làm gì? Khi đối cảnh đã có tâm niệm Phân biệt sao lại bảo là không tâm?

Chữ không tâm này phải hiểu như thế nào? Đây là cảnh giới vô trụ vô chấp trước của hành giả đắc đạo chứ không phải không tâm là không biết gì hết. Biết mà không chấp, vô ngại tự tại không bị ràng buộc.

294. “Tâm viên ý mã” là tâm thay đổi suy nghĩ liên tục không ngừng. Vậy tâm này từ đâu sinh ra. Có khi chẳng suy nghĩ hay làm gì nhưng ngồi không, không muốn suy nghĩ vẫn có hàng ngàn suy nghĩ xảy đến. Đôi khi đó như là một sự thử thách vật lộn với tâm. Vậy làm thế nào để điều tâm trở lại.

Tâm này từ vô minh mà sanh. Dù không muốn nó cũng sanh. Phải có phép tu tập thiền định và quán chiếu thì mới lần lần gỡ bỏ được tâm viên ý mã chứ không phải nói dẹp trừ ngay là làm được. Đôi khi càng cố dẹp nó lại càng sanh thêm. Chỉ cần biết nó thì nó tự sanh tự diệt.

295. Vì sao có người trong lúc làm việc bận rộn lại ít loạn động, dù thân thể khá mệt mỏi. Tuy nhiên, khi ngồi xuống thiền hay niệm Phật thì tâm tán loạn không thể nào tập trung được. Vậy có phải là do nghiệp hay cảnh giới nào xen vào làm cho người ấy không thể tu được đúng không? Làm thế nào để chuyển tâm tĩnh lại?

Lúc làm việc thì tâm đã động theo đó. Lúc ngồi không thì vọng tâm liền hiện ra dễ nhận biết. Muốn tu tập thì nên dùng phép niệm Phật, lạy Phật sẽ thấy dễ hơn, còn ngồi thì nên quán theo hơi thở thì tâm sẽ từ từ lắng xuống. Tuy nhiên, đừng cố gắng hay gấp gáp quá sẽ bất lợi.

296. Vì sao người mới qua đời nếu cứng lạnh dùng khăn ấm thoa các khớp sẽ mềm ra. Hoặc có người niệm Phật tướng từ xấu chuyển làm tốt. Có người bảo đó là do oai lực Phật pháp. Tuy nhiên, có người bảo có khi là ma chướng. Vậy làm thế nào biết đó là do ma chướng và do oai lực của Phật?

Khi chết dùng nước ấm xoa bóp thân mềm lại là chuyện bình thường. Còn niệm Phật để trợ niệm thì phải hiểu cho đúng khi bạn trợ niệm cho người sắp chết đến khi lâm chung xác vẫn tươi hồng thì đó là oai lực của Phật. Còn người chết đã lạnh cứng mà trợ niệm với tâm mong cầu cho xác được tươi hồng đó là vong niệm coi chừng ma chướng xen vào.

297. Nếu cầu an, cầu siêu, cúng trai tăng, không cần đọc hết danh sách người thân, chỉ đọc tên đại diện gia đình dâng cúng có được không?

Không được, phải đọc cho đủ tên

298. Khi người thân vừa qua đời, điều gì là cần thiết và quan trọng nhất cần làm để mang lại lợi ích cho cả hương linh và gia đình? Vì sao có nhiều gia đình người mất không thể bước vô nhà? Nếu vậy có phải người ấy bị đọa lạc không và làm thế nào để hóa giải?

Có người thân mới mất, tốt nhất là nên giữ tâm định tĩnh niệm Phật trợ niệm, bằng không phải chờ người khác trợ niệm. Còn người chết không được bước vô nhà thì phải nhờ người có oai đức làm kể cúng.

299. Con nghe nói người an trú trong chánh niệm, giữ tâm không là sẽ thu nhiếp tất cả các pháp, hiểu hết cội nguồn sự vật, điều này nghĩa là sao? Tâm không là tâm như thế nào? Nếu là tâm không thì có phải là không còn suy nghĩ gì nữa không?

Người an trú trong chánh niệm nếu chứng được tánh Không thì thông suốt được mọi lẽ. Tánh không này không phải là không có gì hết. Nó bao trùm tất cả tự tại thông dong chứ không phải không có niệm. Niệm mà không niệm.

300. Sát na nghĩa là gì? Lấy gì đo lường sát na. Phật dạy sống chết hành ý theo mỗi sát na và con người chết đi sống lại diệt sanh theo mỗi sát na nghĩa là như thế nào?

Sát na là khoảnh khắc ngắn nhất của thời gian nhanh hơn một lần chớp. Con người chết đi sống lại theo từng sát na tức là sanh diệt theo từng sát na không ngừng dứt.

HT Thích Vạn Hùng




Có phản hồi đến “31. Phần 10: Tịnh Tâm – Chánh Niệm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com