Mục Lục

Tịnh Độ Tông là một Hội Phật Giáo như trong tất cả các Giáo Hội Phật Giáo tại Việt Nam, thành lập năm 1949 và được hợp pháp hóa ngày 25 tháng 12 năm 1955. Do Cụ Đoàn Trung Cịn, pháp danh Hồng Tại sng lập và làm Hội Trưởng, Trụ sở Trung Ương Hội trước đặt tại Chùa Giác Lâm, Chợ Lớn; sau dời về Liên Tông Tự, Đường Đề Thám, Quận Nhì, Sài Gòn .

Chúng tôi trình bày về Tịnh Độ Tông Việt Nam nơi đây là vì bản hoài của Đức Tôn Sư Hịa Thuợng thượng Thiện hạ Phước khai sinh Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Ngài chỉ có một tâm niệm, một công việc hoằng dương chánh pháp, giáo hóa Tăng Ni, Phật Tử tinh chuyên tu hành theo pháp niệm Phật Tịnh Độ, đặc biệt là nơi núi non thâm sơn cùng cốc thì không quan tâm đến việc lập Hội. Tịnh Độ Non Bồng không muốn có những tín điều áp đặt ràng buộc người học đạo giải thoát, co cụm trong tổ chức như một xã hội nhỏ ở thế gian. Vì vậy khi khai đạo tại vùng núi Cổ sơn năm 1957, Ngài chỉ xin gia nhập tổ chức Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam, làm phương tiện giúp cho Tăng Ni, Phật Tử thuận duyên tu hành an tâm tu học. Hơn nữa các điều khoản trong nội quy của tổ chức Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam có một số điều khoản phù hợp truyền thống tu hành của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng trong việc xương minh “Pháp Môn Niệm Phật” và chư Tăng, Ni đang tu học.

Chúng ta có thể đơn cử một hạnh lành nhỏ trong tư liệu Nội Quy Hội Tịnh Độ Tông, có khoản nói :”…khi muốn đóng khuôn dấu xác nhận công việc Phật sự phải niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật…” hoặc :”tỏ tình đoàn kết với các tôn giáo khác…tôn trọng những Tăng Ni tinh chuyên giới luật…” Đây là công việc nhỏ trong một số điều khoản, nhưng chính những hạnh lành nầy là pháp tu, biểu tượng sách tấn cho người tu Phật. (ở khoản III về mục đích của Giáo Hội có nói: “Thành tâm mà niệm Nam Mô A Di Đà Phật, làm mọi việc có tánh cách Tôn Giáo và Từ Thiện để nâng cao hạnh phúc người đời… trang 3”. Điều IX nói về tu học Phật Pháp nghiên cứu học thuật, có nói: “Giáo Hội cũng ủng hộ sự tu hành Chánh Pháp, đề cao việc tu trì giới luật, rất kính trọng những Tu sĩ có đạo hạnh thanh tịnh, Tu Sĩ và Bổn đạo Tịnh Độ Tông sở trường về pháp môn Niệm Phật, thọ trì các kinh: A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Qui Nguyên Trực Chỉ và các kinh điển có giảng lý Tịnh Độ. Ngoài ra người trong đạo nếu có khả năng, thì có thể tu học các kinh điển Phật Giáo, nghiên cứu sách vở học thuật văn hóa …trang 21”. Trích bản Điều Lệ Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam).

Kể từ năm 1960 Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng cũng xác định được vị trí của mình là “Tăng, Ni Tịnh Độ Tông tu theo pháp hạnh Khất sĩ”. Về tổ chức thì môn phong hoạt động theo điều lệ nội quy của Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam, nhưng việc tu học hành đạo thì y theo Tông chỉ của pháp phái.

Xin nói về Cụ Đoàn Trung Còn : Cụ sinh năm 1902 tại Thắng Nhứt, thị xã Vũng Tàu, là một nhà trí thức Phật học lỗi lạc, ngoài công đức lập giáo và lãnh đạo Trung Ương Hội, Cụ còn là một nhà dịch giả lớn, trước tác sách Phật thật uyên bác thâm sâu, Cụ rất thành công trên đường hoằng dương chánh pháp, hoằng truyền Tông Tịnh Độ. Cụ đã dịch, soạn, sáng tác trên 120 loại kinh, sách trong đó gồm có các bộ kinh Đại Thừa Phương Quảng, Pháp Hoa, Niết Bàn v…v….các loại sách Phật , Từ điển Phật học, Luật tứ phần (Tăng Đồ Nhà Phật), sách Nho giáo, Tứ thư Ngũ kinh, Đại học, Trung dung, có khả năng đủ cung cấp cho độc giả, các học giả Tăng Ni, Phật Tử nghiên cứu tu học.

Ngoài ra, trong công cuộc truyền giáo, Cụ cũng rất quan tâm đến công đức hoằng giới giúp Tăng, Ni thọ học. Cụ thường xuyên tổ chức Tam đàn Thánh lễ, cung thỉnh các bậc Tôn túc Chư sơn, Thiền đức, như Đại lão Hòa Thượng thượng Huệ hạ Chiếu, Đại lão Hòa thượng thượng Hồng hạ Anh truyền giới cho Tăng, Ni lãnh thọ tu hành kế thế khai lai, báo Phật ân đức. Mỗi giới đàn có hàng trăm Tăng Ni trên cả Nước về Trung Ương Hội đăng ký thọ giới.

Một công đức lớn kế tiếp, tại Đại hội Tịnh Độ Tông toàn quốc vào cuối năm 1965, theo yêu cầu của hàng giáo phẩm Chư Tăng, Ni, các Nhà sư tu theo pháp hạnh Khất sĩ thật tu thật học, Trung Ương Hội triệu tập Hội Nghị Đại Biểu Tăng Ni toàn quốc để quyết định thành lập Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Trung Ương. Đại hội suy cử Thượng Tọa Thích Bửu Long, Trụ Trì Phổ Minh Bửu Tự, Quận 8 giữ chức vị Tăng Trưởng Giáo Đoàn. Đoàn Du Tăng đáp ứng nhu cầu phát triển tổ chức, đồng thời cũng tạo diều kiện thuận lợi cho các Nhà Sư Du Tăng Khất Sĩ có đủ tư cách pháp nhân, pháp lý tu học hành đạo. Phật sự này giúp cho đa số nhà Du Tăng Khất Sĩ chân tu thật đức thật rất hoan hỷ tán đồng ủng hộ

Đối với Đạo Phật Non Bồng, Cụ Hội Trưởng Trung ương Đoàn Trung Còn cũng là Người bạn sen lớn của chư giáo phẩm Tăng Ni. Đồng thời trong hàng Cao Tăng, Thiền đức thì Hòa Thượng Thích Thiện Phước là người đắc ý nhất đối với Trung Ương Hội và kể cả cá nhân Cụ Hội Trưởng. Về Tăng, Ni, Bổn đạo, Tín đồ của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng chiếm khoãng 2/3 Hội viên Trung Ương Hội (trên 200 ngàn Hội viên Nhà sư, Bổn Đạo, Tín đồ), vì thế trong khoãng thập niên 1960 đến 1980 khi nói đến Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam là Tăng, Ni, Phật Tử nghĩ đến Hòa Thượng Thiện Phước tu hành ở vùng non núi; thậm chí mọi người còn cho rằng Phật Giáo Tịnh Độ Tông là do Hòa Thượng lãnh đạo.

Tuy nhiên với nhãn quan của người đời sau khi nghiên cứu văn hệ tư tưởng Phật giáo Tịnh độ tông của Cụ Đoàn Trung Còn như chúng tôi cũng phải nhìn nhận Cụ là người có công rất lớn trong công đức hoằng pháp lợi sanh, là nhà Đại dịch giả (Cụ dịch kinh Pháp Hoa từ năm 1930) trong giới Phật Học trong trường phái Phật GiáoTịnh Độ Tông Việt Nam.

Có điều đặc biệt là mỗi khi muốn giải quyết một vấn đề tối quan trọng đối với Trung Ương Hội, thì Cụ Hội Trưởng thường hay tham vấn hỏi ý kiến của Hòa Thượng Thích Thiện Phước, mặc dù Hòa Thượng không nhận một nhiệm vụ nào ở Trung Ương Hội (Đức Tôn Sư chỉ cho đệ tử tham gia).

Ngoài ra đối với Giáo Hội bạn, Cụ Đoàn Trung Còn là bạn đồng hành của Hòa Thượng Thích Huệ Thành, Tăng thống Phật giáo Cổ Truyền, Hòa Thượng Thích Thành Đạo, Hòa Thượng Thích Thiện Hào, Hòa Thượng Thích Bửu Ý … trong những năm 1950 tại Trung Ương Hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử, Cụ làm Phó Hội Trưởng Hội Lục Hòa Phật Tử.

Hầu hết Tăng, Ni của các Giáo Hội bạn rất tôn trọng Cụ, các nhà Học giả thường xuyên sử dụng những công trình soạn dịch của Cụ. Những kinh sách, Từ điển Phật Học do Cụ sáng tác, dịch thuật, biên soạn trở thành những tác phẩm kiệt tác có giá trị để nghiên cứu trong giới làm công tác biên dịch giáo lý Phật học.

Cụ Đoàn Trung Còn viên tịch ngày 30 tháng Giêng năm Mậu Thìn, nhằm ngày 17 tháng 2 năm 1988.

Để tưởng nhớ công ơn sâu dầy của Cụ, hàng Giáo Phẩm Tăng, Ni, Phật Tử Quan Âm Tu Viện, Tổ Đình Linh Sơn, Nhứt Nguyên Bửu Tự cùng với Tăng, Ni, Phật Tử, đại diện trên 500 Tự Viện của hệ phái trên toàn quốc kính cẩn suy tôn giác linh Cụ lên hàng giáo phẩm Hòa Thượng để làm tiêu biểu cho hậu thế soi chung.

Kim quan nhục thân Cụ được làm lễ trà tỳ tại đài hỏa táng Nam tông Phật Giáo của Đức Trưởng Lão Pháp Tri. Trong ngày hỏa táng nhập Tháp, Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác Viện Chủ Quan Âm Tu Viện có làm bài Điếu văn để tán thán công đức của Cụ cố Hội Trưởng .

ĐIẾU VĂN

niệm ân công đức cố Hòa Thượng THÍCH HỒNG TẠI

Hội Trưởng Trung Ương Hội Phật Giáo

TỊNH ĐỘ TÔNG VIỆT NAM …

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Giờ phút sau cùng tiễn đưa Cụ về nơi nước Phật Tịnh bang. Chúng con hàng giáo phẩm Tăng, Ni, Phật Tử Quan Âm Tu Viện, cùng các Tự, Viện trong Tông môn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và của Giáo Hội, họp đồng hiếu quyến vân tập trước kim quan, xin nghiêng mình đảnh lễ, dâng lên lời tán dương công đức. Ngài đã khổ công vì đạo pháp và sự tu hành tinh tấn của Ngài với hàng vạn Tăng, Ni, Phật Tử trong và ngoài nước.

Nhớ thuở nào Cụ còn là Nhà Học Giả, tham cứu Phật Học, Ngài cũng dày công biên soạn dịch ấn bản kinh sách, đóng góp công đức lớn với Phật Giáo Cổ Truyền (Lục Hòa Tăng Việt Nam), với Phật Giáo Việt Nam. rồi sau vì lòng từ, Ngài khai sơn cửa pháp trên mãnh đất lành nhiều tình thương nơi đây. Ngài cùng Giáo Hội dựng xây nên ngôi Liên Tông Tự để phổ độ chúng sanh, hoằng dương Chánh pháp.

Thế là ngày 25 tháng 12 năm 1955 Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam ra đời.

Liên Tông Tịnh Độ chốn đất lành,

Hoằng dương chánh pháp độ chúng sanh

Ai người thế tục mau niệm Phật

Giải thoát trần gian đến Lạc Thành.

Cụ nguyện cho bốn mùa sen được nở,

Ao bát đức được rực nở mùi thơm

Sen trắng, vàng, đỏ, tím được đơm

Và trong đó có con là người thứ

bốn trăm sáu tám(*)

Năm chín dự vào Liên Hội(**)

(*)bốn trăm sáu tám (468) là danh bộ thẻ Tăng Tịch Hội Viên nhà sư của Ni Sư Viện Chủ Quan Âm Tu Viện.

(**) năm chín tức là 1959 là năm cấp thẻ Tăng Tịch Hội Viên Nhà sư cho Ni Sư Viện Chủ Quan Âm Tu Viện.

Đạo Phật là phẩm chất của hoa sen

Nên mọi người phải vun bón lấy chồi sen

Phải vậy không thưa Cụ?

Ai nguyện về nước Cực Lạc Tây Phương

Và tu hành chín chắn

Thì sẽ được lên chín phẩm sen vàng

Đức Phật A Di Đà Đã dạy:

Theo nguyện lực của ngài

“Nếu chúng sanh lòng thành phát nguyện

Tín tâm kiên cố cần chuyên

Một lòng niệm chữ A Di Đà

Thì sẽ được toại nguyện như ý

Hiện tiền chư Thiên thương mến hộ trì

Bồ tát chúng Long Thiên thường gia bị

Lâm chung Từ Phụ đưa tay vàng

tiếp độ vãng sanh”.

Theo như sách bốn mươi tám lời nguyện

của Đức Phật A Di Đà

mà Cụ đã dịch ra chữ nghĩa khai thông,

đọc lên cõi lòng ai cũng phấn khởi.

Kính Thưa Cụ,

Với tuổi trẻ hậu học của chúng con về kinh điển, luận đàm nghĩa lý, kinh, thư, Khổng Thánh phần nhiều đầu tiên do Ngài dịch ra, con thấy trong kho tàng “ Tòng Thơ Phật Học ” của Ngài. Ngài là nhà học giả uyên bác, nghiên cứu Đạo Phật, tu Phật với thuở ban đầu, công đức sâu dày đáng lưu ý là bộ kinh Duy Ma Cật, Na Tiên Đàm Luận Nghĩa, Pháp Hoa Diễn Nghĩa, Tam Kinh Nhựt Tụng hán nghĩa lưu thông, nào Tứ thơ, Ngũ kinh của Khổng Tử, nào Bách Vịnh Sơn Cư, Quy Nguyên Trực Chỉ của Đại sư Nhứt Nguyên Tông Bổn, ai dám sánh,ai dám bì !

Nam phương Phật Tích kể sao cho cùng nói sao cho hết. Ngài đem văn hóa, thi thơ làm đẹp ngôi nhà Phật Giáo, ca ngợi nét đẹp quê hương, làm sáng đẹp tánh nhân từ hiền đức của người Việt Nam sùng kính tôn thờ Đạo pháp, Tam Bảo, trong đó có ý lành đức tốt của Ngài, thường hành hạnh Phổ Hiền từ bi hỷ xả, Ngài thương và thương tất cả mọi người, Ngài muốn ai cũng làm hiền làm lành, cũng biết niệm Phật cầu vãng sanh, để thoát kiếp trần gian đau khổ.

Với bao nhiêu công đức đó, cũng đáng kính và đáng yêu Ngài biết mấy, đáng thương, đáng nhớ Ngài là người hiền, người tốt, người góp công đức cao dày với Phật Pháp.

Nhắc lại, nhớ năm nào cách nay ba mươi lần cái năm con là Ni Cô Chú Tiểu, trốn nhà bỏ học để đi tu về núi non quyết tâm theo Đức Tôn Sư tìm chân lý …

Một sáng tinh sương, Ông Năm đất Gò Thâm (sau xuất gia tức Trưởng lão Thích Từ Quang, bậc trưởng thượng của môn phong) tiến dẫn dắt con về gặp Ngài để xin giấy chứng nhận Hội Viên Nhà Sư, Ngài vui vẻ hóa giải những ưu phiền và tiếp nhận giúp con với niềm thương quý báu.

Cụ nói lời ngọc trang vàng

Ni Cô ráng tu đắc đạo cứu trần gian

Và làm tỏ sáng cho muôn ngàn Tăng lữ

Gắng giữ gìn đức hạnh đoan trang

Để xứng đáng là hàng Ni giáo phẩm

Cụ ơi : rồi cách đây một năm

Cụ đến Tu viện Quan Âm

Tiển đưa Thầy Mẹ chúng con

về nơi đất Phật .

Cụ nhẹ nhàng an ủi chúng con rằng :

“Nên tinh tiến, tinh tiến tu hành

đừng thối chuyển

“Thầy Mẹ về nhưng mãi mãi còn đây

“Để tiếp độ chúng sanh qua khổ hãi

“Và Cụ nói Ni Sư Trưởng Tử là người thừa kế,

“Con của Phật Bà chớ có nệ hà nữ hay nam

“Việc Phật Pháp phải ráng đứng ra gánh vác

“Ai có đức lành là lãnh nhiệm mà thôi”.

Nghe Cụ nói nước mắt con tuôn chảy

Con im lìm chẳng dám nói ra

Nghĩ phận bạc con nào đâu dám nệ

Con hứa với Cụ là làm con hiếu thảo trọn đời

Theo châm ngôn Phật Giáo Việt Nam

Làm tốt đạo đẹp đời khắp nơi nơi

Con nguyện lòng con chung thủy

Khi Cụ tại tiền hay Cụ về nước Phật

Ánh diệu mầu đạo pháp ngát hương liên

Rồi hôm nay Cụ đã ra đi vì tuổi già sức yếu

Chúng con mất đi một người hiền đức

Một thạch trụ trong ngôi nhà Phật Giáo

Một trái tim nhân ái, tình Bồ Tát bao la

Cụ ơi ! hôm nay đạo pháp tỏ rạng sáng ngời

Việt Nam thấm đượm nguồn sinh sống mới

Hài hòa đẹp tươi,

Xây hạnh phúc tương lai cho nhân thế

Cụ có về nơi nước Phật Lạc Bang

Xin Cụ hoan hỷ cho chúng con

tất cả Đạo tràng

Lam thắm, y vàng được thanh nét đẹp

Trang nghiêm giữa Liên Hoa hải hội

Chúng con nguyện vững niềm tin bất thối

Là cây xanh bóng mát đẹp tình người

Là hương hoa hiếu thảo,

Cúng dường Tam Bảo khắp nơi nơi

Là những người con trọn đạo

của Tổ Thầy muôn thuở

Nguyện trọn tu cho kiếp này viên mãn

Khắp đạo tràng tiếng hát tán ca dương

Công đức sâu dầy của Cụ vô lượng

Phật Pháp Tăng khắp mười phương pháp giới

Nam Mô A Di Đà Phật

Đôi lời tâm sự quyện theo mây ngàn,

dâng lên Cụ với niềm thương quý kính.

Đây tấm lòng trong sạch

với tấm lòng thành,

cầu nguyện Cụ sinh về Cực Lạc Quốc

là hoa sen ưu tú cõi Lạc Bang.

Xin Từ phụ tay vàng tiếp độ Cụ.

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Tất cả chúng con đồng kính tưởng lễ tạ Cụ

Xin Cụ chứng minh

Nam Mô A Di Đà Phật

Liên Tông Tự, ngày 30 tháng giêng năm mậu thìn

Dương lịch ngày 17 tháng 03 năm 1988

Ni Sư Trưởng Quan Âm Tu Viện,

Thích Nữ Huệ Giác

Kính bái tạ Cụ.

Như chúng tôi đã trình bày về sự quan hệ giữa Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam, vì một đại nhân duyên Phật sự, mà cũng là một truyền thống tông chỉ tu hành.

Về công đức hoằng đạo, Tịnh Độ Tông là một tổ chức hiệp hội Tăng Già, là một đoá sen lớn trong pháp giới Liên Hoa Hải Hội, cần được chư giáo phẩm Tăng Ni, Phật Tử Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và Tăng Ni, Phật Tử tán dương công đức và bảo trì thể thống.

Hơn thế nữa, Tăng Ni Phật Tử Non Bồng tuy có những hình thức tu theo giới luật pháp hạnh Khất Sĩ, dù phải bị trở ngại bao nhiêu trên bước đường hành đạo, Hội Đồng Tông Phong và Chư Tăng Ni Phật Tử Non Bồng vẫn cương quyết giữ gìn và truyền trì mạng mạch Phật Giáo Tịnh Độ Tông, pháp môn tu Tịnh Độ niệm Phật cho hậu thế. Mặc khác, giữ gìn tổ chức Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam, cũng chính là bảo trì một dòng tu, một tông phái chính có mặt suốt gần 1000 năm tại Việt Nam, mà nơi đó chư Liên hữu quá khứ tinh chuyên tu hành tiếp nối và thừa kế giữ gìn tài sản trí tuệ của chư Tổ sư tiền bối dầy công vun đắp. Riêng Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, ngoài việc trực thuộc Trung Ương Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam về tổ chức; chư Tăng Ni, Phật Tử còn thừa kế sự tu hành theo tông chỉ Pháp Môn Niệm Phật của Đức Sư Ong thượng Bửu hạ Đức, có truyền thống tu hành trên 70 năm (tính đến 1991).

Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có được một vinh dự đứng trong tổ chức Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam ngay từ đầu 1956; một tổ chức có khả năng tự mình đảm đương công cuộc hoằng pháp lợi sanh trong Phật sự dịch thuật, sáng tác, biên soạn từ năm 1930. Những bộ kinh Đại Thừa Phương Quảng, những phương pháp tu hành mà từ ngàn xưa chư Tổ sư đã từng y cứ, tu học hành đạo, những kinh cơ bản như : Vô Lượng Thọ, Tiểu Bổn A Di Đà, Thập Lục Quán, kinh Pháp Hoa, kinh Niết Bàn, kinh Duy Ma Cật, kinh Pháp Bảo Đàn … để nghiên cứu tu học, thuyết giảng và giáo hóa trong đại chúng.

Về Luật thì có Thiền môn Trường Hàng Luật, Giới Đàn Tăng và bộ Luật Tứ Phần được Cụ Đoàn Trung Còn dịch thuật gồm thu trong bộ Tăng Đồ Nhà Phật.

Những nhà tu học Phật khi nghiên cứu Kinh sách Phật không ai không nghĩ đến bộ Phật Học Từ Điển (trọn bộ 3 quyền, sách dày trên 3000 trang) lần đầu tiên tại Việt Nam do Cụ Hội Trưởng Trung Ương dày công biên soạn, nhà xuất bản Phật Học Tòng Thơ phát hành.

Ngoài ra, còn những bộ Kinh, Luật, Luận khác được biên soạn bởi Cụ Hội Trưởng Trung Ương Tịnh Độ Tông cũng được các nhà học giả uyên bác Giáo Hội bạn nghiên cứu, như : Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Thượng Tọa Thích Trí Quãng, Ni Trưởng Huê Lâm… chư Tăng Ni của các hệ phái Khất Sĩ, hệ phái Thống Nhất, hệ phái Cổ Truyền…

Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam ra đời cũng như các Giáo Hội khác, mỗi một hoạt động của tổ chức là viên gạch trong tất cả viên gạch góp phần dựng xây ngôi nhà Đạo Phật Việt Nam đời đời bền vững. Tịnh Độ Tông cũng là một Nhà họa sư, cùng các Nhà họa sư khác, cần có sư giao lưu kết hợp để tồn tại, để cùng góp phần tô điểm cho bức tranh văn học sử Phật Giáo thêm lớn mạnh và trong sáng. Tịnh Độ Tông cũng là một đại thọ trong khu rừng đại lâm Chánh pháp của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, cũng từng là một thể thống kế thừa trong tất cả sự kế thừa của các bậc Tổ Sư, chư lịch đại Tổ Sư. Cũng là nhà điêu khắc luôn đồng hành cùng với những nhà điêu khắc tài ba khác, tạo nên bức phù điêu tươi đẹp rạng ngời kể từ khi Phật giáo có mặt trên đất nước Việt Nam.

Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam là một tổ chức trong đó có hệ thống Tăng Ni, không phải “ tổ chức Cư sĩ ”. Vì tổ chức của Cư sĩ thì có Hội “Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội ” có Hội sở đặt tại chùa Tân Hưng Long do Thiền Sư Minh Trí (Ông Bảy Bồng) sáng lập.

Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam thuộc hệ Bắc Tông, nhưng hài hòa được pháp tu theo hạnh Khất sĩ, giúp cho người xuất gia có cơ sở lập hạnh tu hành, nhằm góp phần truyền thừa chánh pháp của Đức Thế Tôn.

Trên những vùng đất bao la, chúng ta cho nó là bạc màu… nhưng du khô cằn hay màu mở, nếu chúng ta biết chọn lựa giống cây quý, phù hợp với vùng đất đó, đem nhân giống và trồng thì sẽ thành một rừng đại thọ hữu ích cho nhân loại và chúng sanh.

Tuy nhiên, trong sự phát triển của một tổ chức đoàn thể hiệp hội, nhất định có sự lạm phát chừng mực. Môn phong luôn luôn cảnh giác và tẩn xuất những Tăng Ni lạm mượn danh nghĩa Nhà Sư Tịnh Độ Tông Việt Nam, đi khất thực không đúng pháp. Diệt tẩn những vị lợi dụng hoạt động của Hội Tịnh Độ Tông, khởi tâm ý tà mị, mang vào chiếc áo Nhà Sư Khất Sĩ để đi khất thực, làm băng hoại Chánh pháp, làm mất thanh danh của Nhà Sư Tịnh Độ Tông và Khất Sĩ.

Đồng ý hạnh Khất sĩ là truyền thống của ba đời chư Phật, là bản nguyện của Phật, là bức thông điệp được đưa vào cuộc đời để tế Tăng độ chúng. Nhưng ai muốn tu thì tự giác phát tâm nghiêm chỉnh tiếp nhận thọ lãnh giới pháp bước vào hàng ngũ Tỳ kheo làm đệ tử Phật. Phát tâm tu, thì phải phát tâm chấp hành Nội quy giới luật của Đoàn thể của Giáo hội thật nghiêm túc. Đoàn thể nào mà không có Quy chế hoạt động. chắc chắn Đoàn thể đó không tồn tại lâu bền. Huống chi là những cư sĩ trọc, núp bóng Nhà sư để tiếp nhận của đàn việt.

Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng chúng tôi mong mỏi Giáo hội thu hồi lại những thẻ Tăng Tịch của Tăng Ni mới nhập đạo từ năm 1982, tất cả các loại giấy tờ liên quan đến Tịnh Độ Tông. Những hành vi bất chính đó, do một số Nhà sư giả hiệu, thường là ở tại gia đình, họ không có tu học ở các Tự, Viện, Tịnh xá… họ là những loại hình tự xưng Tỳ kheo, khất cầu Tỳ kheo tương tự Tỳ kheo !

Với tình trạng trên, những Nhà sư nào sử dụng thẻ Nhà Sư Tịnh Độ Tông từ tháng 10 năm 1981 trở về sau sẽ được nội bộ các Tự, Viện, Tịnh xá đó thu hồi. Góp phần chỉnh trang công cuộc hoằng pháp lợi sinh, trong giai đoạn cần có một đoàn thể Tăng đoàn đúng nghĩa theo Luật Phật và Hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Chủ trương của Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam là Tăng, Ni, Phật Tử tinh chuyên tu học và hành đạo, kế thừa truyền bá Chánh pháp, thông qua tôn chỉ Tịnh Độ Tông, nương theo oai lực Phật mà đi vào cuộc đời để giáo hóa chúng sanh, làm việc Từ thiện Xã Hội. Không đi ngược lại luật giới xuất thế của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã ban truyền. Nhà sư Tịnh Độ Tông Việt Nam tu theo hạnh Khất sĩ, phải là bần Tăng, bần sĩ, thanh bần lạc đạo, phạm hạnh đầu đà, không được tham gia làm chính trị dưới mọi hình thức làm tổn hại tổ quốc, không lạm dụng tiếng khen và lợi dưỡng, theo tiến trình văn minh vật chất, góp phần điều chỉnh những suy nghĩ thái quá trong giới tu Phật “về trào lưu nhập thế hay tiếp hiện”.

Sự liên quan của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng với Phật giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam, sau ngày hòa bình 30.04.1975 ngày càng có sự kết đoàn chặt chẽ hơn. Năm 1978 căn cứ nội quy của Trung Ương Hội, điều IV, chương bổ túc khoản VI trong bản điều lệ, ở phần 2 : “… tại các Phần trong nước, Hội có thể cử ở mổi Phần một vị Tông Trưởng để lãnh đạo tinh thần. Nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi vị Tông Trưởng sẽ có Nội quy riêng do Trung Ương Hội phê chuẩn…”. Do đó Trung Ương Hội đã suy cử Đức Tôn Sư Hòa Thượng Thích Thiện Phước giữ chức vụ Hòa Thượng Tông Trưởng Phật Giáo Tịnh Độ Tông tại miền Đông Nam Bộ, trụ sở đặt tại Quan Âm Tu Viện (Bửu Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai), đồng thời Trung Ương Hội cũng mời chư giáo phẩm Tăng, Ni Quan Âm Tu Viện tham gia Ban Chấp Sự Trung Ương. Ni Sư Trưởng Huệ Giác thay mặt Đức Tôn Sư đã đề bạt Thượng Tọa Thích Thiện Thành tham gia Ban Chấp Sự Trung Ương Hội với nhiệm vụ Trưởng Ban Hoằng Pháp Trung Ương, đề bạt Trưởng Lão Thích Thiện Thông tham gia nhiệm vụ Trưởng Ban Kiểm Soát Trung Ương Hội..

Cùng với sự tồn tại của Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông, Đoàn Du Tăng Khất sĩ Trung Ương, các Đoàn Du Tăng Khất sĩ của Liên Tông Non Bồng. Ba tổ chức trên, tuy có Tăng Ni, Tín đồ đông, có thực lực, mà không được Ban vận động thống nhất Phật Giáo Việt Nam mời tham gia tổ chức Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, nhưng đến tháng 09 năm 1981 thì các tổ chức hệ phái môn phong trên cũng tự giác giải thể và vận động các Tự Viện của bổn Hội tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Xin để dành cho lịch sử Phật giáo nghĩ suy… ?

Nói về tông chỉ tu học và hành đạo “Pháp Môn niệm Phật ” của Tịnh Độ Tông và môn phong, thì Đạo Phật Non Bồng sẽ là lớp người phát lòng bồ đề thừa kế bổn nguyện tâm truyền của chư lịch đại Tổ Sư chư Đại Sư Tịnh Tông. Cũng như trong công cuộc truyền bá giáo lý của Trung Ương Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam, Đạo Phật Non Bồng sẽ là người tiếp nhận giữ gìn và phát huy tông chỉ mỗi ngày thêm phát triển theo chủ trương của GHPGVN.

Lần lượt chúng tôi sẽ trình bày về sự kết hợp giữa giáo nghĩa Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và chủ trương của Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam để minh định sâu sát hơn ở những chương kế tiếp.

Tại chương nầy, chúng tôi sẽ phụ đính bản “Điều Lệ và Nội Quy” của Trung Ương Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam cống hiến chư đọc giả hậu tấn tiện việc nghiên cứu.

ĐIỀU LỆ và NỘI QUY

TRUNG ƯƠNG HỘI TỊNH ĐỘ TÔNG VIỆT NAM

************

Khoản I :

Tên : Hội lấy tên là TỊNH ĐỘ TÔNG VIỆT NAM

Khoản II :

Trụ sở Trung Ương ở tại Thủ Đô Saigon .

Hiện là chùa Giác Hải (Phú Lâm, Chợ Lớn). Và do sự quyết nghị của ban Chấp Hành Trung Ương, Hội có thể chọn hoặc lập một ngôi chùa khác làm Trụ sở.

Khoản III : Mục đích .

• Thành tâm mà niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT để cầu vãng sanh Cực Lạc Thế Giới.

• Tỏ tình liên kết đối với các cơ quan Tôn giáo các Tổ chức từ thiện biết trong Trời Phật.

• Làm mọi việc có tánh cách Tôn giáo và Từ thiện để nâng cao hạnh phúc của đời người.

Khoản IV : Phạm vi và thời hạn.

• Phạm vi hoạt động là toàn cõi Việt Nam.

• Thời hạn của Hội là Vỉnh Viễn.

Khoản V : Điều kiện vào Hội, không phân biệt dân tộc nào, tất cả những nam nữ từ 18 tuổi trở lên đều gia nhập với điều kiện :

• Công nhận mục đích, sự tổ chức, điều lệ của Hội

• Được hai Hội viên giới thiệu.

• Được Ban Chấp Sự thừa nhận.

Khoản V : Nhân sự Tổ chức, có hai hạng Hội viên : Nhà sư và Bổn đạo

• “Nhà sư Tịnh Độ Tông Việt Nam ” là người ở tại Chùa, Am,

Cốc, Tịnh thất, ăn chay mỗi tháng từ sáu ngày trở lên ( ăn chay trường càng quý). Có thể lập gia đình (nhưng giữ tịnh hạnh càng quý), vì cốt tu cầu vãng sanh Cực Lạc mà thôi. Về y phục thì mặc áo tràng đen hoặc nhiểm y, cho đến trong các cuộc lễ cũng thế. Trong việc giao tế với xã hội, có thể mặc trang phục Âu châu hoặc Việt Nam. Sự thế phát hay để tóc chẳng quan ngại.

Được Hội phát cho một Cấp bằng “Nhà Sư Tịnh Độ Tông Việt Nam ” và một Giấy Chứng Nhận. Ai làm chủ một ngôi Chùa, Am, Tịnh thất thì để nơi cửa ngõ một tấm biển đề “Tịnh Độ Tông Việt Nam”.

Như vậy đặng nhà cầm quyền và dân chúng dể bề phân biệt. Nhà sư có thể đem tài đức của mình mà cung phụng cho Quốc gia, xã hội.

“Bổn đạo Tịnh Độ Tông Việt Nam” ăn chay mổi tháng từ một ngày trở lên. Có thể vào Hội mà không bỏ Tông phái sẳn có của mình. Khi gia nhập, nên đối trước tượng Phật A Di Đà mà lễ bái, nguyện niệm Phật cầu vãng sanh. Kế được Nhà sư cấp cho một pháp phái “ Niệm Phật Pháp Môn” và một Giấy Chứng Nhận.

Một vị Hòa Thượng được suy tôn lên chức vị Tông Chủ để lãnh đạo tinh thần Hội. Nhiệm vụ và quyền hạn của vị Hòa Thượng Tông Chủ được ấn định do một bản Nội quy riêng.

Khoản VII : Nhiệm vụ và Quyền hạn của Hội viên .

• Nhiệm vụ : Nhà sư và Bổn đạo đều có bổn phận

- Trung thành với Hội.

- Tích cực hoạt động cho Hội.

- Thi hành nghị quyết của cấp trên.

- Tương trợ và bảo vệ lẫn nhau khi hữu sự.

• Quyền hạn : Nhà sư và Bổn đạo có quyền hạn :

- Phê bình với tính cách xây dựng.

- Đề nghị và quyết nghị.

- Ứng cử và bầu cử

- Tự do luận hiện với nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.

Khoản VIII : Chi Hội – Hội có quyền thâu đặt Chi Hội trong toàn cõi Việt Nam .

Chi hội đặt ra phải gởi đến Ban Chấp Sư Trung Ương hai bản danh sách Nhân viên Ban Chấp Hành lâm thời Chi Hội. Sau khi chấp thuận, Hội Trưởng sẽ gửi đến Chi Hội một văn bản chính thức thừa nhận.

Ban Chấp Hành Trung Ương lãnh phần báo cáo việc thành lập Chi Hội do nhà đương cuộc địa phương hay.

Các Chi Hội phải tuân theo điều lệ của Hội, được quyền tự trị về tài chính và các hoạt động theo mục đích của Hội. Mỗi kỳ ba tháng phải trích ra mười phần trăm số đã thâu được để tiếp với Trung Ương làm mọi việc Tôn giáo, Từ thiện, xã hội.

Khoản IX : Thành phần của Ban Chấp Sự :

Thành phần Ban Chấp Sự hằng quận (huyện, phủ) từ 4 người trở lên.

Thành phần Ban Chấp Sư hằng Tỉnh từ 6 người trở lên

Thành phần Ban Chấp Sự Trung Ương là 12 người trở lên

1. Hội Trưởng

2. Phó Hội Trưởng

3. Tổng Thơ ký

4. Phó Thơ Ký

5. Hoằng Pháp

6. Phó Hoằng Pháp

7. Thủ Bổn

8. Phó Thủ Bổn

9. Cố Vấn

10. Phó Cố Vấn

11. Kiểm Soát

12. Phó Kiểm Soát

Ngoài ra tùy theo nhu cầu Phật tử và Từ thiện xã hội, Hội có thể lập thêm nhiều Ban chuyên môn khác như : Gia đình Phật tử, Hộ niệm, Tương tế …v..v…

Mỗi Ban sẽ có một nội quy riêng .

Khoản X : Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp Sự :

1/. Hội Trưởng : điều khiển Hội đúng mục đích và điều lệ, Chủ tọa các phiên nhóm hàng tháng của Ban Chấp Sự. Quyết định ngân quỹ, Đại diện Hội trước Pháp luật, chịu trách nhiệm trước Ban Chấp Sự.

2/. Phó Hội Trưởng : phụ giúp thay thế Hội Trưởng.

3/. Tổng Thơ Ký phụ trách các thơ từ, văn kiện hồ sơ hội viên, biên bản Hội họp, thảo chương trình nghị sự và lưu trữ văn khố.

4/. Phó Thơ Ký phụ giúp hoặc thay thế Tổng Thơ Ký

5/. Hoằng Pháp lo soạn các bài thuyết pháp, hoặc xem qua những bài của diển giả trước khi đọc. Soạn kinh sách hoặc xem xét kinh sách do hội xuất bản.

6/. Phó Hoằng Pháp phụ giúp hoặc thay thế Hoằng Pháp.

7/. Thủ Bổn lo việc bút toán, mỗi tháng phải làm bản phúc trình .

Đồng thời ký với Hội Trưởng trên mọi chứng khoán thâu xuất.

Lo thâu nhận các tiền bưu phiếu, ngân phiếu, liểm phí v..v… do Hội Trưởng chuẩn nhận. Chỉ được giữ được một số tiền nhiều nhất là 5.000đ. Trên số ấy phải gởi vào Ngân hàng hay Quỹ tiết kiệm với tên của Hội. Muốn rút tiền ra, phải có chữ ký của Hội trưởng và Thủ bổn.

8/. Phó Thủ Bổn phụ giúp hoặc thay thế Thủ Bổn

9/. Hai vị cố vấn có phận sự giúp ý kiến cho Ban Chấp Sự trong những công việc của Hội.10

10/ Hai vị kiểm soát có quyền xem xét tất cả các công việc của Ban Chấp Sự, nhất là về mặt sổ sách và tài chính, ít nhất một lần trong sáu tháng.

Khoản XI : Nhập Hội xuất Hội

Khi vào hội với danh nghĩa “Nhà Sư Tịnh Độ Việt Nam”, Hội viên đóng cho Hội 100đ.

Khi vào Hội với danh nghĩa “Bổn đạo”, Hội viên đóng cho Hội 30đ.

Mỗi tháng Hội viên “Nhà sư, Bổn đạo” đóng cho hội năm đồng nguyệt liểm.

Tuy nhiên có thể đóng trước nhiều tháng một lần.

Những Hội viên Nhà sư, Bổn đạo cùng các nhà có công lao với Hội, các nhà Từ thiện đóng góp cho Hội tài vật đáng giá 1.000đ, được Hội tặng cho cấp bằng “Danh dự Hội viên”.

Hội viên muốn từ chức chỉ gởi đơn bày tỏ ý định cho Ban Chấp Sự là đủ.

Sẽ bị mời ra khỏi Hội, Hội viên “Nhà sư, Bổn đạo” nào đã làm thiệt hại về phương diện tinh thân hay vật chất cho Hội, hoặc có hành động tổn thương danh dự nhà Đạo.

Khi bị khai trừ, Hội viên sẽ được mời đến trước Ban Chấp Sự để biện hộ lấy mình, nếu mời hai lần mà không đến, Ban Chấp Sự sẽ tự tiện thi hành quyết định.

Hội viên đã từ chức, bị bôi tên hay bị khai trừ không được đòi lại những tài vật đã đóng góp cho Hội.

Khoản XII : Tài nguyên, chi xuất :

Tài nguyên của Hội gồm có : liểm phí, tiền lời các cuộc lễ, tiền bạc quyên góp do Hội được phép tổ chức, tiền bán sách vở báo chí của Hội, huê lợi các tài sản của Hội.

Hội có thể mua các động sản và bất động sản cần thiết để theo đuổi các mục đích của Hội.

Chi phí của Hội gồm có :

Những chi phí về việc Chấp sự.

Những chi phí về cuộc hoạt động đạo đức, từ thiện.

Việc xuất phát tiền bạc phải do giấy tờ có chữ ký của Hội Trưởng hoặc Phó Hội Trưởng và chữ ký của Thủ Bổn. Chi phí bất thường không quá 1.000đ do Hội Trưởng và Thủ Bổn quyết định, trên số 1.000đ phải có Ban Chấp Sự quyết định, trên 10.000đ phải có đại hội quyết định.

Khoản XIII : Đại hội và Nhiệm kỳ :

• Đại Hội toàn quốc mỗi năm nhóm một lần, vào ngày lễ vía Phật A Di Đà 17 tháng 11 âm lịch.

Đại hội hằng Tỉnh và hằng Quận mỗi năm cũng nhóm môt kỳ vào ngày khác.

Túc số là một phần tư Hội viên (Nhà Sư, Bổn đạo). Mỗi Hội viên có thể được 3 người ủy quyền.

Trong trường hợp cần thiết, Ban Chấp Sự có thể yêu cầu nhóm Đại hội.

• Nhiệm kỳ của Ban Chấp Sự Trung Ương, hằng Tỉnh, hằng Quận là 4 năm. Trong thời gian ấy, ai muốn xin thôi thì nên gửi đơn từ chức. Hoặc nhân viên nào trong Ban Chấp Sự bị đa số trong Ban Chấp Sự chỉ trích có bằng cớ thì phải từ chức. Trong trường hợp ấy, Ban Chấp Sự chọn người khác thay thế và sẽ cho Đại hội gần hơn hết hay.

Khoản XIV : Sửa đổi điều lệ, giải tán

Chỉ có Đại hội mới có quyền sửa đổi điều lệ. Sự giải tán sẽ do Đại hội quyết định, túc số của Đại hội này phải là phân nửa trực nghạch của Hôi viên (Nhà sư, Bổn đạo).

Khi giải tán, tài sản sẽ hiến cho một công cuộc đạo đức hay từ thiện.

Làm tại Saigon, ngày 30.10.1954

DANH SÁCH VÀ CHỮ KÝ

CỦA SÁNG LẬP VIÊN

1. ÔNG ĐOÀN TRUNG CÒN, 46 tuổi, sanh ngày 02.11.1908 tại Thắng Nhì (Vũng Tàu), Giám đốc Phật học Tòng thơ, 143 đường Dixmude Saigon. Ký tên không rõ.

2. ÔNG NGUYỄN VĂN VẬT, pháp danh Chơn Mỹ, 43 tuổi sanh năm 1911 tại Chợ lớn, Trụ trì Chùa Giác Hải (Phú Lâm, Chợ Lớn). Ký tên bằng hán tự.

3. ÔNG NGUYỄN VĂN THIỆU, Pháp danh Chơn Minh, 44 tuổi sinh năm 1910, tại Tân Hưng (sa Đéc), Trụ trì chùa Giác Chơn 67/B đường Renault, Chợ Lớn, ký tên bằng hán tự.

4. ÔNG LÊ TRUNG HIẾU, 60 tuổi sanh ngày 21.11.1894 tại Trường Thạnh (Cần Thơ), Đốc Công Sở Công Chánh, nhà riêng 262 đường Chasseloup – Laubat, Saigon. Ký rên không rõ.

Kiểm nhận để đính theo nghị định số 8 BNV/CT ngày nay

Saigon ngày 25 tháng 2 năm 1955

T.U.N THỦ TƯỚNG CHÁNH PHỦ

TỔNG TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Ký tên

(Con dấu)

Bộ trưởng Bộ Nội Vụ

BẢN NỘI QUY

HỘI PHẬT GIÁO

TINH ĐỘ TÔNG VIỆT NAM

(Bản nội quy trên không áp dụng, chỉ làm phụ trang

để người sau tiện việc nghiên cứu)

Bản Nội quy này được Đại Hội toàn quốc chấp thuận ngày 13.121959.

Bản Nội Quy này lập ra để :

• Chiếu theo thể lệ hiện hành

• Bổ túc các khoản điều lệ của Giáo Hội

• Giải rộng ý nghĩa các điều lệ ấy cho các nhân viên Ban Chấp Sự và các Hội viên thi hành cho hợp Tôn chỉ của Giáo hội.

ĐIỀU I : (bổ túckhoản 1 trong bản điều lệ )

Tịnh độ Tông Việt Nam, cũng có thể gọi là Hội Phật Giáo Tịnh Độ Việt Nam, Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam, Giáo Hội Tịnh Độ Tông, hoặc vắn tắt là Tịnh Độ Tông.

ĐIỀU II : (bổ túc khoản II trong bản điều lệ)

Việc đặt và dời trụ sở ở các Chi hội do quyết định của Ban Chấp Sự địa phương.

Ở những nơi chưa có thể đặt Trụ sở tại một ngôi chùa, thì có thể “cải gia vi tự” hoặc đặt tạm tại nhà Hội viên.

ĐIỀU III :( bổ túc khoản IV trong bản điều lệ)

Phạm vi hoạt động

1. Hội có thể liên kết với các Giáo hội ngoại quốc cùng mục đích Tôn giáo với Hội.

2. Hội có thể đặt Chi nhánh tại các nước ngoài khi có lời yêu cầu của kiều bào Việt Nam tại các nước ấy với sự thỏa thuận của chính phủ Việt Nam và của chính phủ nước liên hệ.

3. Hội có thể đặt cơ sở tại các nước ngoài khi có các Giáo hữu ở các nước ấy yêu cầu với sự chấp thuận của chính phủ nước liên hệ.

ĐIỀU IV : (bổ túc khoản VI trong bản điều lệ)

1. Các “Cấp bằng Nhà sư ”, pháp phái niệm Phật pháp môn, và Giấy chứng nhận do Chi hội cấp phát, có sổ kiểm nhận và chữ ký của Hội trưởng Trung Ương.

2. Tại các Phần trong nước, Giáo Hội có thể cử ở mỗi Phần một vị Tông Trưởng để lãnh đạo tinh thần. Nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi vị Tông Trưởng sẽ có Nội quy riêng do Giáo hội Trung Ương phê chuẩn.

ĐIỀU V : (bổ túc khoản X trong bản điều lệ)

1. Hội Trưởng Trung Ương có thể cử đại diện trong các trường hợp sau đây :

• Đại diện Thường trực tại các địa phương chưa có Chi hội để dìu dắt Bổn Đạo tại địa phương ấy.

• Đại diện lưu động để truyền bá giáo lý Tịnh Độ Tông trong nước hoặc ngoài nước.

2. Tại Trung Ương hoặc các Chi hội, tùy theo nhu cầu và khả năng, có thể tổ chức Văn phòng Thường trực gồm một hay nhiều nhân viên có thù lao. Trường hợp cần thiết, vị Chánh văn phòng có thể được Ban Chấp Sự ủy quyền giải quyết các công việc thường xuyên của hội với điều kiện vị này phải là nhân viên Ban Chấp Sự hoặc là một Hội viên và được Ban Chấp Sự tán thành.

3. Ngoài thành phần Ban Chấp Sự ghi trong điều lệ mỗi Ban này có thể cử một vị Đại Đức cao niên làm Chứng Minh Đạo Sư hoặc một nhân vật có uy tín làm Hội Trưởng danh dự.

ĐIỀU VI : (bổ túc khoản XI trong bản điều lệ)

Ngoài các hạng Hội viên ghi trong bản điều lệ, trường hợp có các Phật tử không đủ điều kiện gia nhập, nhưng thường tới chùa lễ bái, Hội có thể thâu nạp làm tín đồ và cấp Giấy Chứng Nhận.

ĐIỀU VII : Nhiệm vụ của Giáo Hội đối với Hội Viên :

1. Hội có nhiệm vụ giúp đỡ và bênh vực các Hội viên cùng tín đồ khi hữu sự.

2. Đối với Hội viên quá cố, Hội sẽ tổ chức lễ hộ niệm và tạc danh sách thờ vĩnh viễn tại chùa Trụ Sở của Hội.

ĐIỀU VIII : Trách nhiệm của Giáo Hội đối với Hội viên :

Hội không chịu trách nhiệm những hoạt động của các Hội viên dù là nhân viên của Ban Chấp Sự có tính cách cá nhân. Trừ khi những hoạt động đó đã được giáo hội chấp thuận trên văn kiện hoặc đặt dưới sự bảo trợ của Hội.

ĐIỀU IX : Tu học Phật pháp, nghiên cứu học thuật.

Giáo hội lúc nào cũng ủng hộ sự tu hành chánh pháp, đề cao việc tu trì giới luật, rất kính trọng những Tu sĩ có đạo hạnh thanh tịnh.

Tu sĩ và Bổn đạo Tịnh Độ Tông sở trường về pháp môn Niệm Phật, thọ trì các kinh, A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Qui Nguyên Trực Chỉ và kinh có giảng lý Tịnh Độ.

Ngoài ra, người trong đạo nếu có khả năng, thì có thể tu học các kinh điển Phật giáo, nghiên cứu các sách vở về Học thuật, Văn hóa.

ĐIỀU X : Đồng thinh niệm Phật khi khai Hội :

Tại mỗi Ban Chấp Sự hội nghị hằng tháng hoặc khi vân tập lễ bái, Hội nghị, Đại hội, vào lúc khai Hội, tất cả đều đồng đứng dậy, chấp tay niệm lớn tiếng NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

ĐIỀU XI : Đạo kỳ :

Đạo kỳ, Hoa sen thường ngày nên đặt một chỗ cao và dễ thấy tại chùa, Trụ sở và tại các chùa, am có gia nhập Tịnh Độ Tông.

Những ngày lễ Phật nên treo Đạo kỳ Tịnh Độ Tông trước chùa hoặc cột phướn, Đạo kỳ này nên thêu đặng dùng lâu.

Những ngày Quốc lễ, thì treo Quốc kỳ, kèm theo Đạo kỳ càng tốt. Giáo hội cũng có in trên giấy những Đạo kỳ cở nhỏ để trưng bày cho tăng vẽ đẹp của Hội trường.

ĐIỀU XII : Phù hiệu :

Như Đạo kỳ, Phù hiệu cũng là hoa sen để ghim phía ngoài áo tràng, Quốc phục, Âu phục.

Tu sĩ và Bổn đạo đeo phù hiệu Tịnh Độ Tông lúc nào cũng nên nhớ rằng mình là người tu Phật pháp, tu Tịnh Độ lúc nào cũng nên giữ mục đích của Giáo hội theo khoản III trong ban điều lệ.

Các Chi hội và Hội viên hỏi thỉnh Phù Hiệu nơi chùa Trụ Sở Trung Ương.

ĐIỀU XIII : Con dấu :

Con dấu để đóng trên văn kiện, thương làm bằng đồng, hình tròn, ở giữa có hình Phật, chung quanh có những chữ Tịnh Độ Tông Việt Nam … vì vậy nên có tính cách tôn kính.

Mỗi khi một vị có chức trách trong Tịnh Độ Tông đóng dấu vào văn kiện và ký tên nên niệm thầm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

ĐIỀU XIV : Đối với các Hội Phật, các Đoàn thể, các Cơ quan :

Ở các nước tu Phật, dầu Bắc Tông hay Nam Tông, Phật Giáo vẫn có nhiều phái để tùy căn tánh của người đời mà dìu dắt họ tu học. Cho nên Tịnh Độ Tông đem lòng ủng hộ lập trường và Tôn chỉ của mỗi Phái, coi các tín đồ của mỗi Phái như bạn đồng đạo, con một Từ Phụ Thích Tôn.

Đối với các Đoàn thể hợp pháp Tôn giáo, họăc Xã hội, Tịnh Độ Tông vẫn tỏ tình liên kết theo như khoản III trong bản điều lệ.

Những Cơ quan Quân Dân Chính, khi có tổ chức những cuộc khánh thành, tiếp tân, triển lãm, diễn thuyết v.. v… mà đạt giấy mời thì Giáo hội vui lòng cử Đại diện tham dự với danh nghĩa là tân khách.

ĐIỀU XV : Sữa đổi Nội quy :

Bản Nội quy này được Đại Hội toàn quốc Tịnh Độ Tông Việt Nam họp tại Saigon ngày 13/12/1959 biểu quyết chấp thuận lần đầu.

Sau này Ban Chấp Sư Trung Ương có toàn quyền sữa đổi để tiện việc thi hành mỗi khi nhận thấy cần thiết.

Sữa đổi phải đựơc đa số Nhân viên Ban Chấp Sự tán thành và tường trình ra Đại Hội gần nhất để duyệt y lại. Nếu Đại hội nhận thấy có điều gì sữa đổi không hợp lệ, có thể tuyên bố hủy bỏ.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

GHI CHÚ: Ở tiết mục Tịnh Độ Tông Việt Nam này, chúng tôi phụ đính sao y nguyên văn bản điều lệ và Nội quy của Hội Phật giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam do Trung Ương Hội phát hành lần thứ tư làm phụ trang để người sau tiện việc nghiên cứu.Đồng thời đóng góp vào văn đàn lịch sử Phật Giáo Việt Nam ….

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Tịnh Độ Tông Việt Nam ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com