Mục Lục

Chánh Pháp khai minh bát nhã thiền

Linh Sơn Tăng Sĩ buớc đầu tiên

Cùng nhau niệm Phật cùng tu tiến

Kết hợp Huỳnh Y hóa hữu duyên.

Kế thừa minh lý Tổ khai sơn

Nhẫn nhục tầm tu chí chẳng sờn

Hôm sớm kết duyên cùng sanh chúng

Anh đạo Tôn sư đã điểm son

(trích Giác Quang Thi Tập I)

Người ta không khỏi ngạc nhiên khi nghe tại Tổ Đình Linh Sơn, nơi bổn tự của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, có khai sơn một ngôi Phật Học Đường để đào tạo Tăng Ni. Nhưng đó là một sự thật, trên vùng núi hoang vu hùng vĩ, cũng lắm thiêng liêng và huyền bí của núi rừng Việt Nam. Nơi đây có Trường Trung Cao Phật học để đào tạo Tăng Ni kế thừa chánh pháp.

Trường Phật học đó hiệu là Phật Học Đường TÂY PHƯƠNG BỒNG ĐÃO, gần với 200 Tăng Ni sinh theo học Lớp Sơ Trung cấp, Cao Đẳng Phật học.

Ban Giám Đốc của Phật Học Đường do Đức Tôn Sư đảm nhiệm, gồm :

1. Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước

2. Ni Sư Thích Nữ Huệ Giác

3. Đại Đức Thích Huệ Tâm (Tổ Đình Linh Sơn)

4. Đại Đức Thích Huệ Thông (Tổ Đình Linh Sơn)

5. Đại Đức Thích Thiện Duyên (Tx Phổ Đà)

6. Đại Đức Thích Thiện Thông ( Kỷ sư, Tổ Đình Linh Sơn)

7.

Ban Giám Hiệu gồm có các vị :

I. Đại Đức Thích Thiện Thông

II. Đại Đức Thích Liên Phương

III. Đại Đức Thích Nhất Phương

Ban Giảng huấn gồm có các vị :

1. Đức Thầy (Ni Sư Huệ Giác)

2. Đại Đức Thích Thiện Thông

3. Đại Đức Thích Huệ Trí

4. Đại Đức Thích Liên Phương

5. Đại Đức Thích Giác Nguyên

6. Đại Đức Thích Phước Điện

7. Đại Đức Thích Nhất Phương

8. Sư Cô Thích Nữ Như Quang

Về tôn chỉ pháp môn niệm Phật do Đức Thầy phụ trách.

Về Phật học được các Giáo sư chọn dạy theo chương trình của Phật Học Viện Huệ Nghiêm do Đại Đức Thích Liên Phương, ĐĐ Phước Điện, ĐĐ Nhất Phương. Về Khất sĩ do ĐĐ Giác Nguyên phụ trách.

Về sinh ngữ gồm dạy Pháp văn, Anh văn, Hán văn do các Đại Đức Thiện Thông, Huệ Trí, Nhất Phương phụ trách.

Về luật học thì do Sư Giác Nguyên và sư cô Như Quang phụ trách.

Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão được khởi công xây dựng ngày rằm tháng mười năm Nhâm Dần 1962, trên một triền đồi nhỏ của núi Dinh cách chân Núi 800m, ném về hướng Đông Nam, mặt tiền cơ sở day về hướng Đông, chiều dài của Trường 60m, chiều rộng 16m. Trường nằm ven theo chiều dài một dòng suối nhỏ thiên nhiên, róc rách âm thầm xuôi dòng quanh năm, như không có một trở ngại nào ngăn cách. Khoảng cách giữa Trường và Chánh Điện của Tổ Đình chừng 300m đường chim bay, 500m đường bộ ở một triền đồi khác, cảnh trí trông có vẻ gần gũi, nhưng với tâm tư người thế tục thì rất xa xăm diệu vợi, bởi ở hai triền đồi như hai quả núi cách nhau bằng một thung lũng thâm huyền man mát với khu rừng đại thọ chớn chở vạn niên.

Tăng Ni sinh từ Phật học Đường muốn sang lễ bái chánh điện phải chuẩn bị chu đáo đầy đủ hành trang như một cuộc hành hương từ Đông sang Tây bằng thời gian thế kỷ. Cũng ví như sự tu học ở đây phải tốt nghiệp trên đường tu huệ rồi mới nói đến việc quả vị tu chứng, để bước sang giai đoạn gần Phật, khoảng cách trang nghiêm giữa Trường Phật Học và Tổ Đình Linh Sơn hòa hợp với tâm tư người tu sĩ Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng là như thế.

Những công lao gian khổ đầu tiên với Trường phải nói là Đức Tôn Sư và Đức Thầy đã trải qua những gian nan đầy thử thách trên đường hoằng pháp lợi sinh tiếp Tăng độ chúng trước đó 8 năm để khai sơn bản địa Non Bồng và giờ đây mới có cơ sở cho các Thượng Tọa Giác Hải, Thiện Thông, cùng chư Đại Đức Tăng Ni ngày đêm đập đá, vác đá, gánh đất để bồi đắp nền cơ sở Phật học nằm bên vùng núi non huyền bí, nhưng thật quang minh xáng lạn. Cùng với sự đóng góp không nhỏ của các Nhà Sư Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng như Sư Thiện Chơn, Sư Giác Châu, Sư Giác Quang, Sư Thiện Thành, Sư Thiện Đức, Sư Huệ Hải, Huệ Minh, Sư Thiện Chí, Sư Giác Thông . . . làm việc trong những khâu xẻ gổ, thợ hồ, thợ mộc, trang hoàng tô điểm. Sự hài hòa giữa các hệ phái Bắc Tông và Khất Sĩ của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng được nổi bật nhất từ giai đoạn nầy. Tuy là gian lao khó nhọc, nhưng các vị đều rất dũng mãnh tinh tiến, để có một cơ sở Phật Học Đường uy nghiêm tráng lệ.

Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão được khánh thành vào ngày mùng tám tháng tư năm Nhâm Dần, Phật lịch 2508, dương lịch 1962 với sự hiện diện đông đủ của các Giáo Đoàn Du Tăng Khất sĩ Non Bồng, Đại Diện Trung Ương Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam, Giáo Đoàn Du Tăng Khất sĩ Sơn Lâm, Giáo Đoàn Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam, Giáo Đoàn Đức Thầy Từ Huệ, Giáo đoàn Đại sư Huệ Nhựt, các vị Thượng Tọa, Đại Đức Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, chư Tăng Ni chùa Vạn Đức, Vạn Hạnh, Thủ Đức, các vị đệ tử của Đức Pháp Chủ Thích Khánh Anh, cùng với chư Tăng Ni, Phật tử Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, có chừng 400 vị tham dự.

Đức Tôn Sư Thượng Thiện Hạ phước chứng minh chủ trì cắt băng khánh thành, đồng thời khai giảng cho năm học khóa 1962 – 1963.

Tuy nhiên thời gian này là thời gian mà Tăng Ni của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng rất khổ nhọc bởi “các ông lính Catolic” của chế độ gia đình trị họ Ngô với sự kỳ thị giữa Phật Giáo và Công Giáo. Nơi vùng đô thị Saigon, Huế thì có những tác động chia rẽ giữa Chính quyền và Phật Giáo, chùa chiền bị phong tỏa. Tổ Đình Linh Sơn và Tăng Ni tại đây luôn luôn phải chịu sự khủng bố, cướp bóc, ruồng bắt liên tục của cấp Chính quyền địa phương mà bản thân họ là người khác đạo.

Nhưng với sự kiên trì và bằng tinh thần vô úy quyết tâm của tập thể Tăng Ni trên 600 người của Tổ Đình đoàn kết lại như đảnh ba chân, nên có khả năng giữ gìn bản địa Tổ Đình. Bằng sự quyết chí tu hành học đạo giải thoát, lập hạnh đầu đà, kham nhẫn chịu đựng mọi sự khổ nhục của đại chúng; cùng với tấm lòng cao khiết của từng Tăng Ni, nguyện một lòng sống chết vì Đạo, sẳn sàng hy sinh cho Chánh Pháp, buông đi mọi sự phiền phức của thế gian, nên đã thành công trong việc giữ gìn bản địa Tổ Đình Linh Sơn và viềng mối Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng lúc bấy giờ .

Hoa sen tịnh ý hoa sen hồng

Bước chân tầm Đạo buổi chiều đông

Bóng Tăng già niệm từng hơi thở

Mà gởi tấm lòng vượt hóa công

Xin nhắn về ai nơi thế gian

Anh đạo Huỳnh y thật thanh nhàn

Hướng về cội gốc trời Đông sáng

Hởi khách đồng hương có thấy không ?

Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão là cơ sở Phật học đào tạo Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng kế thừa Tông môn hoằng pháp độ sinh. Đào tạo đoàn người góp phần xiển dương chánh pháp, hiển chánh phá tà giúp cho những người tà kiến trở về với chánh pháp, tu học giới định huệ, phục hồi nền giáo lý chính chân của Thích Ca Mâu Ni. Liên tông Tịnh độ Non Bồng chủ trương bài trừ những hủ tục đốt vàng mã, xem tướng, bói khoa, xủ quẻ, xin xăm, tinh luyện bùa ngải, sử dụng phép tắc thần thông theo chiều hướng ngoại đạo.

Nội dung chương trình học tập, tu học :

1. Pháp môn Niệm Phật Giáo Lý Tịnh Độ và Pháp Giáo Tịnh Độ Non Bồng).

 Kinh A Di Đà (bản dịch Đoàn Trung Còn).

 Kinh Vô Lượng Thọ (bản dịch Đoàn Trung Còn)

 Kinh Quán Vô Lượng Thọ (bản dịch Đoàn Trung Còn)

 Tịnh Độ Non Bồng

 Pháp giáo Non Bồng

2. Phật Học :

* Phật Học Phổ Thông

 Nhị Khóa Hiệp Giải

 Bản đồ tu Phật

 Phật học tinh hoa

 Pháp hoa giảng lục

 Kinh Phổ hiền

 Kính Tứ Thập Nhị Chương

 Kinh Di Giáo

 Kinh Thập Thiện

 Kinh Lời Vàng

 Kinh Bách Dụ

3. Luật Học :

 Tăng Đồ Nhà Phật

 Luật Khất Sĩ

 Thiền Môn Trường Hàng Luật

4. Sinh Ngữ :

 Pháp Văn

 Hán Văn

 Anh Văn

Toàn thể Tăng Ni theo học gần 200 vị, chia làm 3 lớp :

 Lớp dành cho Tăng Ni có trình độ đã học hết chương trình cấp I phổ thông.

 Lớp dành cho Tăng Ni có trình độ đã học hết chương trình cấp II phổ thông.

 Lớp dành cho Tăng Ni học hàm thụ, gồm có các Tăng Ni ở trình độ học phổ thông cấp II và cấp III. Những Tăng Ni này không tham dự học tại trường.

Là những Tăng Ni trước khi có trình độ văn hóa ngoại điển, đồng thời được thụ huấn trực tiếp với Đức Tôn Sư và Đức Thầy Huệ Giác, cùng các vị Thiện Tri Thức từ những năm 1958 đến năm 1962 về Phật Học và Giáo lý cơ bản Tịnh Độ Tông, nên khi khai giảng Phật Học đường Tây Phương Bồng Đão, họ được tham dự kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình Sơ Trung Phật Học, kết quả, các Sư trong Giáo đoàn II Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng được tốt nghiệp, có khoảng 40 vị tham dự thi, trong đó Sư Từ Pháp và Sư Giác Quang đồng tốt nghiệp hạng nhất …

Ngày nay các Sư trong các đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng, chính là những vị tiền hiền có công với Phật Học Đường và xuất thân từ tiền thân của Phật Học Đường TÂY PHƯƠNG BỒNG ĐÃO, như các Sư Huệ Hải, Sư Thiện Đức, Sư Thiện Thành, Sư Thiện Hồng, Sư Giác Khánh, Sư Giác Thông, Sư Thiện Thọ, Sư Giác Quang và các Sư Cô Diệu Hòa, Diệu Hiền, Diệu Hạnh, Diệu Tín, Diệu Thông đã trưởng thành và làm nên sự nghiệp Đạo Pháp, mỗi người một hạnh lành, một trú xứ để hoằng pháp lợi sinh, phụng sự cho Giáo Hội, Tông phong và Tăng Ni, Phật Tử.

Các Sư trở thành những đoàn người tiên phong của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, phát huy chánh pháp của Đức Phật và Tịnh Độ Non Bồng, thay mặt Đức Tôn Sư và Đức Thầy Huệ Giác để đem đạo Phật vào cuộc đời mà giáo hóa, làm cho Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng được rạng ngời khắp nơi trên đất nước. Từ đó trong chốn thiền lâm hay ngoài xã hội, người Phật Tử Việt Nam trong nước cũng như nước ngoài có nghe nói đến : “Đạo Bà Trầu” “ Tông Phái Mẫu Trầu” “Cánh của Mẹ Trầu”, “Khất Sĩ của Mẹ Trầu” ….

Quá trình lập thân hành đạo, bản ý của Đức Tôn Sư muốn giữ cho chính mình một hạnh lành tịch tịnh, đầu đà, ẩn dật chốn Tòng lâm không phô trương. Nhưng vì hàng giáo phẩm Tăng Ni, Phật Tử thỉnh cầu Ngài đem những thân chứng có được để giáo hóa chúng sanh vào năm Canh Tý 1960, nên Ngài dùng phương tiện thiện xảo truyền bá giáo lý Phật qua pháp môn Tịnh Độ niệm Phật. Từ đó (1961) các Tự, Viện, Tịnh xá của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng được các môn đệ xây dựng lên nền Phật Pháp khắp miền Trung, miền Nam. Thời bấy giờ, có những nơi được giao hiến Chùa, kể cả các Chùa am thuộc hệ phái khác cũng giao cho môn đệ của Tôn Sư quản lý để hoằng pháp …

Đơn vị cơ sở tu hành của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng là Tịnh Nghiệp Đạo Tràng, được quản lý bởi những Phật tử thuần thành, trường chay, phát tâm cách ly gia đình, nhưng không mang pháp phục người xuất gia. Chính những cư sĩ này cũng là thành phần ưu tú có trình độ văn hóa đạo đời, sẳn sàng trung thành với viềng mối Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, như cụ Huỳnh Hoài Lạc (Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Nhật báo Chuông Mai), cụ Bùi Đức Thọ (Kỷ sư), cụ Mã Sấm (Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học Tân Ba, Biên Hòa), cụ Huỳnh Công Trang (Nhân sĩ trí thức), Ông Nguyễn Duy Điều (Nhân sĩ tri thức) …

Những Cư sĩ được đào tạo bởi Liên Tông Tịnh Độ Non Bông hôm nay, cũng là những người con trung hiếu, sẵn sàng hiến thân cho Đạo pháp và Tông môn, không ngại những trở lực để bảo vệ Chánh pháp và Tông môn như : cư sĩ Hồng Thanh, Phúc Trung, Đại Nhẫn, Thiện Thanh, Hữu Từ, Thiện Phước, Thiện Chánh, Phước Triền, Phúc Sinh, Chánh Niệm, Minh Lý, Tâm Hảo …

Về nữ Cư sĩ như : gia đình bà Hữu Từ, Liễu Quang, Liễu Thanh, Liễu Toàn, Diệu Phước, Pháp Đoan, Diệu Quang, Diệu Ngọc, Ngọc Chánh, Diệu Từ, Kim Hưng, Như Liên, Diệu Tuyết gia đình Phúc Trung, gia đình Phật tử Huỳnh Thị Ngọc . . .

Ngoài ra còn rất nhiều nam nữ cư sĩ khác, cũng thuộc môn đệ Non Bồng, xuất phát từ sự giáo hóa của Đức Tôn Sư và Ni Trưởng Huệ Giác, nơi đây vì có giới hạn của tiết mục nên không tiện kể hết danh sách quý vị Phật tử . . . Người soạn viết quyển lịch sử này rất cảm thông về tâm tư của quý Phật Tử, luôn luôn đặt trọn niềm tin nơi sự giáo hóa của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, vì pháp tu đã đưa mình đến nơi như ý nguyện, an tâm tu học và trở thành những người đệ tử của Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước, Ni Trưởng Huệ Giác. Quý vị có đầy đủ sự nhận định sáng suốt, hy sinh, nhẫn nại, chịu khó chịu khổ theo Tổ Thầy học đạo , chúng tôi mong mỏi quý Phật Tử đồng cảm với những người hoằng đạo của môn phong .

Ở Việt Nam về Tín đồ Phật Giáo không thế đo lường, tính đếm chính xác được. Nhưng hiện tại được đánh giá là đông, khoãng 80 dân số có tín ngưỡng Đạo Phật, có thể chia làm 2 loại : Bổn đạo là những vị quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm, thường xuyên công quả ở Chùa. Tín đồ là Phật Tử có quy y Tam Bảo, mới quy y, chưa quy y, hoặc có khái niệm về Phật, nghiên cứu giáo lý Phật, phát tâm theo Phật…

Riêng Phật tử của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng từ năm 1958 đến 1989 về Phật tử Bổn đạo tức là người Phật tử được các bậc tôn túc trong Non Bồng truyền trao tam quy ngũ giới có đến 280.500 người.

Phật tử tín đồ là người cũng thường xuyên đến các Tự, Viện, lễ bái khoãng 350.000 người.

Dưới đây là 10 điều dạy của Đức Tôn Sư đối với hàng nam nữ Phật Tử, trở thành nguyên tắc chung. Tiêu chuẩn của người Phật tử Liên Tông Tịnh Non Bồng, ngoài việc thọ trì Tam quy Ngũ giới cấm còn phải thực hành 10 điều như sau :

Nhẫn hòa vi tiên

Hiếu hạnh vi tiên

Tôn trọng luật Phật

Kính trọng thầy tổ

Trọn tin thầy tổ

Tinh tấn Phật sự

Giữ gìn phước đức

Tránh điều tội lỗi

Tôn trọng quả báo

Trang nghiêm đạo hạnh.

(Trích Bài giảng Non Bồng, quyển 2, trang 154)

Ngoài ra hàng ngày với dáng vẽ thanh thoát oai nghi như tượng vương, khí thanh cao như sao sáng trời, trang nghiêm tịnh dường gió tan mây của Tăng Ni trong chiếc huỳnh y kế thừa chánh pháp; với chiếc tràng lam luôn phải trau sữa cho chính thân tâm mình :

Một là thấy mình,

Hai là biết mình,

Ba là xem mình,

Bốn là nhớ mình,

Năm là nghe mình,

Sáu là sửa mình,

Bảy là học mình,

Tám là tu mình,

Chín là phân biệt mình,

Mười là thương mình.

(trích Bài giảng Non Bồng, quyển 2, trang 152)

Ngày 30 tháng 7 năm Ất Tỵ, 1965 Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão, cùng chung một tai nạn tại Tổ Đình Linh Sơn, một trận mưa bom càn quét, hỏa thiêu cơ sở trở thành một đóng than gạch vụn, gây thương vong cho Tăng Ni sinh phải tản cư về nhiều nơi để tạm trú.

Năm 1968 thành lập cơ sở Trường Trung Tiểu Học Lâm Tỳ Ni tại Quan Âm Tu Viện để giúp Tăng Ni ít chữ và các cháu Cô nhi viện Phước Lộc Thọ, do Đức Thầy Huệ Giác, Sư cụ Thiện Thông, Sư cụ Huệ Trí, Sư Giác Quang, Thầy Huệ Nhẫn, quý Ni cô Diệu Nhứt, Diệu Thọ, Diệu Hồng, Kim Sơn phụ trách.

Về ngành Phật Học sau đó được chia thành nhiều lớp, mỗi lớp đặt tại giảng đường của một Chùa. Năm 1969, một lớp Phật học chuyên giảng về Giáo lý pháp môn niệm Phật được khai mở tại Quan Âm Tu Viện, thời gian khóa học là 3 năm, về sinh ngữ do Sư cụ Thiện Thông phụ trách Pháp văn Sư cụ Huệ Trí phụ trách Hán văn.

Năm 1970 khai giảng thêm một lớp Phật học tại Long Sơn Cổ Tự (Tân Ba, Tân Uyên) dạy về Giáo lý Tịnh Độ, Kinh Luật do Ni Sư Huệ Giác, Thầy Huệ Tâm, Sư Giác Quang, Sư Thiện Giác phụ trách.

Năm 1971 mở thêm lớp Giáo lý pháp môn niệm Phật tại Tịnh xá Thắng Liên Hoa (Hiệp Hòa, Biên Hòa) cho Ni giới cũng do Ni Sư Huệ Giác phụ trách, Sư cụ Huệ Trí phụ trách về môn Hán Văn.

Năm 1973, Đức Tôn Sư mở thêm lớp Phật học giáo lý phổ thông và pháp môn niệm Phật tại trú xứ Nhứt Nguyên Bửu Tự (Vĩnh Phú, Lái Thiêu). Nơi đây cũng là trú xứ niệm Phật của Tịnh Độ Non Bồng tại miền Đông, hàng năm khai giảng khóa niêm Phật “BÁ NHỰT TRÌ DANH”, tập trung hàng vạn lượt Tăng, Ni, Phật tử, Tín đồ hướng về tụng niệm, kinh hành niệm Phật.

Sau biến cố tai nạn chiến tranh 1965, Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão còn giới thiệu một số Tăng Ni sinh vào Phật Học Viện Huệ Nghiêm như Thầy Thiện Ngộ, Thiện Từ, Ni cô Diệu Minh, Diệu Hạnh, Thanh Quang vào Phật học Viện Từ Nghiêm, Saigon.

Năm 1973 giới thiệu Ni cô Lan Nhã vào Đại Học Vạn Hạnh, hiện nay Ni cô Lan Nhã trở thành Sư cô Phó Trụ trì Bửu Hoa Ni Viện, Trụ trì chùa Tam Thiện kiêm Trưởng chúng Ni giới tại ấp 3, xã Phước Thái, Long Thành.

Năm 1974 giới thiệu một Ni cô học khóa dục nhi tại Đại Học Vạn Hạnh và hiện nay tức là Sư Cô Kim Sơn làm Thị giả Thư ký của Đức Thầy Huệ Giác.

Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão hoạt động được đến tháng 10 năm 1981 thì phải giải thể cùng với tất cả cơ sở Phật học của các hệ phái khác để đứng trong hàng ngũ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và đi theo chiều hướng mới theo chương trình Phật học trong tương lai dưới sự lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng kinh qua quá trình hoạt động gần 30 năm, luôn luôn chú tâm vào việc tu học qua thế hệ trẻ. Tuy nhiên, có phần tập trung sở trường về tu chứng, nên đa số Tăng Ni từ bỏ lối học tầm chương trích cú, mà học thực tiễn để quán chiếu tâm linh nhiều hơn. Thậm chí có những Tăng Ni ở trình độ đại học, giáo sư, kỷ sư … bước vào ngưỡng cửa Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng cùng có một tâm nguyện xếp bút nghiên, lánh hẳn sự đời để hành đạo. Tâm nguyện nầy chính là những ý chí khẳng khái của chư Tăng Ni muốn trở thành người xuất thế, thoát ly thật sự, chớ không phải vào Chùa tu hành, rồi bị xếp vào loại :”tự đặt mình trong tình trạng đui tu mù luyện, sống lâu hơn lão làng, hoặc học mà không hành, dốt nát hoàn dốt nát… ”.

Vì thế, Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đã sáng suốt và thành công trên đường hoằng pháp lợi sinh, cụ thể như Hòa Thượng Huệ Tâm, Thượng Tọa Huệ Thành, Thượng Tọa Giác Quang … các vị trên đây đã từng phục vụ cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam với tư cách Giảng sư, Lãnh đạo Tăng Ni từ Tỉnh, Thành phố đến Trung Ương Tịnh Độ Tông hay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam…

Phật Học Đường Tây phương Bồng Đão đã thành công trong Phật sự đào tạo Tăng Ni tài. Suốt quá trình 21 năm hoạt động, đã đào tạo cho Tăng Ni trở thành những hàng Giáo phẩm đạo hạnh, xứng đáng là cơ sở hoằng pháp lợi sanh tiêu biểu trong hậu thế, là những hoa sen đang nở rộ nơi pháp giới Hoa Tạng.

Khi viết xong tiểu đoạn này, để gợi lại niềm thương tiếc Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão bị mai một do chiến tranh tàn phá, khi Tăng Ni Non Bồng đã được dời về các Tự, Viện trong Tông môn ở các nơi, trước đó đã thọ học những bài giảng tâm huyết, sách tấn của Đức Tôn Sư mặc dù đường tu học bị cách trở, nhưng vẫn không rời bỏ đạo thể, tư cách thiền gia của mình, chúng tôi xin trích ra đây một vài phẩm sách tấn hồi năm 1963 – 1964 để ghi dấu, cũng vừa để gọi là không quên lời dạy của Đức Tôn Sư:

“ Tỉnh giấc mê trần toan bái Phật

Chỉnh y nghiêm bộ đến liên trì

Thúc thủ ngũ căn tâm thanh tịnh

Vận chuyển tam thiên bái Phật đà

Nhứt bái tri ân người cổ tích

Nhị bái quán tưởng ngọc ma ni

Tam bái quy y trước đạo tràng

Thanh tịnh minh tâm khai đạo ngộ

Trang nghiêm lễ độ kiến Di Đà

Toàn thân năm vóc bất ly tâm

Tứ tướng oai nghi tầm chơn lý

Mến đức từ bi vạn đợi truyền

Tứ ân giải thoát hữu nhân duyên

Tam đồ Tịnh Độ siêu sanh đạo

Kiến diện Quan Âm nẻo sáng thông

Mở lòng đại tánh qua vòng tục

Một niệm tâm không phát Bồ đề

Toàn nhẫn thân tâm vạn kiếp y

Dẹp lời cầu tu đường Phật tánh

Tinh tấn cần chuyên cã cuộc đời

Tâm vương Thầy chủ chẳng ngại ngùng

Vạn thắng quân ma toàn đắc nhất

Viên thông trí tuệ thiệt Di Đà

Sáng tỏ chân tình trong lý sự

Vô minh vô ngại phút vô thường

Thánh, phàm, ma Phật thuận cùng hòa

Kiến tánh ngàn tay tâm vô ngại

Minh tâm thiên nhãn cũng là không

Nhứt bái Liên trì tâm tác Phật

Nhị bái Như Lai tâm thật tâm

Tam bái Phật đà tác thị tâm

Ngắm nghía ngũ quan thành trực chỉ

Hiện thân thật tướng lễ Mâu Ni

Nhứt đắc phù trầm đô thị giả

Nam mô bổn hiệu Phật vàng y

Lưu ly tợ ngọc thật lưu ly

Nhứt thời tu tỉnh tác Nam Mô

Lễ Phật toàn thân tác hạnh lành

Bái Phật qua đò về Cực Lạc

Lễ Phật cầu tu niệm Di Đà

Lễ Phật quy y đức hạnh hòa

(Xuân Năm Quý Mão 1963)

PHẨM LỄ BÁI

Một lạy chư Tăng nghiêm trì giới luật

Hai lạy chư Tăng tấn đạo nghiêm thân

Ba lạy chư Tăng tứ tướng oai nghi

Bốn lạy chư Tăng thận trọng quả báo

Năm lạy chư Tăng năng tác Phật sự

Sáu lạy chư Tăng chung thỉ thanh bần

Bảy lạy chư Tăng phụng kính Tam Bảo

Tám lạy chư Tăng lánh xa phái nữ

Chín lạy chư Tăng hằng xem tội phước

Mười lạy chư Tăng tu sửa thân tâm

Mười một lạy chư Tăng tôn thờ chánh pháp

Mười hai lạy chư Tăng hòa hiệp đạo đời

Mười ba lạy chư Tăng tầm đạo giải thoát

Mười bốn lạy chư Tăng đắc thành quả Phật.

(Ngày thành lập Giáo Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng,

thượng tuần tháng Hai, năm Quý Mão

PHẨM NHỰT DỤNG

Một là thấy mình,

Hai là biết mình,

Ba là xem mình,

Bốn là nhớ mình,

Năm là nghe mình,

Sáu là sửa mình,

Bảy là học mình,

Tám là tu mình,

Chín là phân biệt mình,

Mười là thương mình.

Lánh xa mùi tục lụy

Chớ mến kẻ tài danh

Đừng ham mùi cao quý

Lánh kẻ nhị tâm sanh

Xa người xảo quyệt trí

Đừng gần người bội nghĩa

Chớ làm bạn kẻ phi ân

Tránh người bất hiếu hạnh

Xa kẻ lắm oai hùng

Lánh xa người danh lợi

Ký chú để muôn đời

Phật tử chớ bội Sư

Nhớ lời mẹ dạy mãi

Giữ một lòng son sắc

Chớ mắc kẻ bạo tàn

Chớ lầm người ác ý

Chớ tin người tài trí

Chớ mến kẻ vong ân

Hãy tránh những điều lầm lạc

Vượt ra khỏi rừng si mê

Hướng thượng bạn đồng tu

Nguyện dứt các việc ác

Nguyện làm các việc lành

Nguyện tiếp độ chúng sanh

Vì lạc lầm trong tà kiến

Chúng sanh muôn kiếp vẫn chúng sanh

Nên kẻ trí cũng thành người vô dụng

Cũng vì sự lạc lầm

Nên có kẻ bạc đạo vong ân phi nghĩa đạo

Bất hiếu bất minh lạc diêm phù …

Hãy nhớ lấy, hãy nhớ lấy !

Mùa an cư năm Quý Mẹo,1963

tại Tổ Đình Linh Sơn Núi Dinh, Bà Rịa

Đây là Nhật ký một Tăng sĩ Giáo phẩm khóa xuất gia đầu tiên Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

…dòng dõi tôi ba đời theo Đạo Phật, Bà nội là Trưởng tử của Hòa Thượng thượng Quảng hạ Đức ở trú xứ Long Phước Tự, Thuộc Nhiêu, Cai Lậy (Tiền Giang). Năm 1958 tôi được tiến dẫn quy y với Hòa Thượng và được Thầy đặt pháp danh là Nhuận Đức, lúc bấy giờ Thượng Tọa Thích Nhựt Long, Bác tôi mỗi năm phải về chùa Vạn Thọ (Tân Định Saigòn) an cư kiết hạ, sau đó Thượng Tọa được tuyển trạch dự khóa Như Lai Sứ Giả trở thành Giảng sư trong Giảng sư đoàn của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt.

Có một vài lần, được nghe Thầy giảng tại Chùa Long Hòa, xã Long Trung, Cai Lậy, Thầy là người thân, nhưng đã tạo cho tôi một ý niệm mà sau này tôi cũng đi tu và nhất định phải trở thành một Giảng sư như Thầy.

Năm 1960, sau khi cụ thân sinh qua đời, tôi quyết định trốn gia đình xuất gia học đạo, nhưng không theo Hòa Thượng Long Phước (HT Quảng Đức) và Thầy Long Hòa (HT Nhựt Long), lại đi thẳng về núi Dinh, Bà Rịa (tức trú xứ Tổ Đình Linh Sơn) lễ bái Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước (tức Mẫu Trầu) xin xuất gia tu học. Mới đầu Tôn Sư không chấp nhận với hai lý do : một là tôi đã có Bổn Sư (tức là Hòa Thượng Quảng Đức) hai là tôi chỉ mới 14 tuổi, còn quá nhỏ …

Quả thật như vậy, cách vài tháng sau, đang khi tôi rất tinh tấn tụng niệm theo thời khóa của Tổ Đình thì người thân ở gia đình đến xin rước tôi về nhà để tiếp tục đi học tại Trường Trung Học Bán Công Chợ Gạo, và bà kế mẫu tôi có chuyển lời của Thầy Nhựt Long nói: “ Cháu tôi đi lạc đường …”. Tôi rất “tự ái “đành phải theo kế mẫu trở về nhà, nhưng chỉ cách hai tháng sau, tôi quá nhớ núi non, nhớ Tổ Đình, nhớ Đức Tôn Sư, nhớ Đức Thầy Huệ Giác, nhớ chúng bạn và Tăng Ni. Lúc nầy trong tâm hồn tôi luôn có sợi dây vô hình ràng buộc nơi cửa nhà thế gian, làm cho tôi khủng hoảng tinh thần, tưởng chừng như quê nhà, gia đình là nơi cột trói tôi trong từng sát na, muôn đời không thoát được. Vì vậy, một lần nữa, đành phải trốn đi về Tổ Đình Linh Sơn (núi Dinh) quyết chí tầm tu …

Với quyết tâm của tôi, thuyết phục được Nội tổ và gia đình, nhất là Thầy Giảng sư Nhựt Long, các vị phải đồng ý để cho tôi theo Tôn Sư Mẫu Trầu xuất gia, đồng thời có viết một bức thư phát nguyện và gởi gắm tôi cho Đức Tôn Sư bảo bọc, nuôi nấng, dạy dỗ cho tu hành (Thầy Nhựt Long rất tiếc nuối, vì theo lẽ thì Thầy có trách nhiệm đưa tôi vào Phật Học Viện Huệ Nghiêm học Phật Học)

Bấy giờ Tôi nghĩ :”Phật thì ở đâu cũng có Phật, tu học thì nơi đâu cũng tu học được. Nếu nơi Tổ Đình Linh Sơn của Mẫu Trầu không phải là nơi đào tạo Tăng Ni, truyền giáo pháp môn tu của Đức Phật Thích Ca thì ai mở đạo làm gì ?..”

Tôi nhận thấy đạo của Đức Tôn Sư khởi xướng cũng như quý Hòa Thượng, Thượng Tọa ở Saigon và nhiều nơi khác trong thế giới nầy đang giáo hóa. Nhưng chỉ khác về phương diện hành đạo ở non núi, phương tiện hoằng pháp dạy tu Tịnh Độ Niệm Phật. Đặc biệt các bài giảng không bằng văn xuôi, mà Tôn Sư chỉ giảng bằng văn vần, thơ phú, thơ biền ngẩu mà thôi .

Theo quan niệm của Tu sĩ Tịnh Độ Non Bồng :“…Không có một lời giáo huấn nào có giá trị, không có một phương tiện pháp môn nào tối thắng bằng những lời giáo huấn, những phương tiện pháp môn an tâm được người đệ tử, giúp cho phát triển căn cơ trình độ của người đệ tử, mười người đệ tử, trăm người đệ tử, ngàn người đệ tử an tâm tu học … lời giáo huấn phương tiện, pháp môn đó chính là Chánh pháp, là Tôn Sư …”

Do đó, tôi luôn luôn vững niềm tin, ý chí nhìn nhận Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước, Tổ Đình Linh Sơn, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng là nơi chôn nhau cắt rốn, là quê hương Đạo Pháp của mình. Tâm quyết như thế, nên không còn ai có thể lay chuyển tôi được. Vì vậy mà Anh Chị tôi, gia đình tôi không còn có ý định thưa gửi với Chính quyền về việc tôi trốn gia đình về núi, đi theo Đức Tôn Sư tu hành.

Tôi còn nhớ trong những năm 1961, 1962 khi còn tu học ở núi Bồng Lai, Đức Tôn Sư có giảng cho đại chúng nghe một đoạn sách của Ngài Điều Ngự Giác Hoàng :

“Phù thế gian tối quí giả,

Bất như xả tục xuất gia

Nhược đắc vi tăng

Tiên thọ nhơn thiên cúng dường

Tác Như lai chi Đệ tử

Dữ hiền thánh chi tôn thân”

Tự nghĩ, nếu Đức Tôn Sư giáo hóa Tu sĩ Tăng Ni với bài “tán thán Tăng Sĩ “ của Phật Hoàng như trên, thì con đường hành đạo của Tôn Sư, sao không là chánh pháp ?

Thế mà từ năm 1960, năm tôi xuất gia đầu Phật cho đến nay gần 30 năm (1987), tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai câu nói của Thầy Nhựt Long (Bác tôi) ; “cháu tôi đi lạc đường …”, tức là Thầy Nhựt Long cho rằng tôi đi tu học theo Đức Tôn Sư, tu Tịnh Độ ở non núi là lạc đường. Do vậy, khiến bây giờ tôi phải chuyên ngữ “ lạc đường” không phải là “sai đường chánh pháp” – Nhưng “lạc đường lại là con đường nầy an lạc nhất” …… Vì một con đường mà tôi đang đi và kế thừa, đó là Pháp môn niệm Phật, một Pháp môn đã đưa tôi đến chổ an vui giải thoát, bằng thực tu, thực học mà Đức Tôn Sư Mẫu Trầu đã truyền giáo cho tôi.

Và tôi cũng được tuyển trạch vào hàng Giảng sư của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, thuyết giảng tại Trường Hạ Tỉnh Hội, Tổ Đình Long Thiền (phường Bửu Hòa, Biên Hòa) kể từ năm 1985.

Trong khi các anh tôi (đệ tử của Hòa Thượng) là Tăng sinh kiến thức đạo đời quãng bác, học vị Cử nhân, Tiến sĩ Phật học tuy không đồng môn, nhưng đồng song đã hoàn tục hồi năm 1975.

Hiện nay, tôi là Giảng sư của Giáo hội và của các Chùa Long Sơn Cổ Tự, Quan Âm Tu Viện, và là Giảng sư các lớp Giáo lý căn bản Phật học Tỉnh hội Bình Dương, Đồng Nai, Trường Trung Cấp Phật học Tỉnh Đồng Nai .

Điều này làm cho tôi phải khẳng định : “con đường hành đạo nào phù hợp với bản năng của ta, con đường đó là Chánh pháp, Môn phong đó có hoằng giới, đệ tử nghiêm trì giới luật của Phật. Nếu con đường hành đạo nào không phù hợp với sở thích của ta, ta không nên cho đó là tà pháp, vì việc của người khác không phải là việc của ta, việc của ta không nên buộc người khác phải theo.

Nếu giáo hóa như trên thì không còn là chánh pháp “đạo giác ngộ” tuyệt vời của Thích Ca Mâu Ni !

Giảng Sư Giác Quang,

Mùa An Cư năm 1991

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đảo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com