Mục Lục

Thời gian biên soạn quyển sách nầy, cũng là lúc Ni Sư Trưởng Tông Phong chuẩn bị thực hiện công trình quy mô, tái thiết trùng tu ngôi Đạo Tràng Tây Phương Bồng Đão ( Đại Hùng Bửu Điện) và các cơ sở trong quần thể Tổ Đình. Những công trình này sẽ được bổ sung vào quyển sử.

Vào những năm 1990, thi sĩ Thân Thị Ngọc Quế đăng sơn với Ni Sư Trưởng, khi đứng trước nền Đạo ( Đạo Tràng Tây Phương Bồng Đão) nơi còn lưu dấu những cảnh hoang tàn đổ nát do chiến tranh gây nên. Nhưng những dấu ấn nền Đạo của người xưa vẫn còn in đậm trong tâm hồn của Tăng, Ni, Phật tử, Bà cảm tác một bài thơ về Đức Tôn Sư … Kính dâng lên Giác Linh Ngài.

BÓNG MẸ BAO LA

Mẹ trong vàng nắng ban mai,

Mặt trời trên cánh xuân cài tóc xuân,

Tóc vương xuống cõi bụi trần,

Thành lung linh áng mây tầng xa xa.

Mẹ trong bát ngát ngân ha,

Một dòng sông bạc bao la sóng triều,

Cho con thuyền nhẹ cô liêu,

Lênh đênh qua bến cát chiều tử sanh.

Mẹ hương ngát ánh trăng lành,

Mà soi sáng mãi bao cành lá đêm,

Lá bay mộng cũ qua thềm,

Cho vần thơ cũng lặng yên bên đời.

Mẹ trong mây trắng rạng ngời,

Cho mênh mông cã đất trời quê hương.

Con về đón hạt tinh sương,

Nghe bao la ánh thái dương ngàn trùng

Suy nghĩ về một bậc Tôn Sư

Khã kính và bất diệt

THÂN THỊ NGỌC QUẾ

01/08 Canh Ngọ

… những ký ức về bậc Tôn Sư khả kính, trước những hình ảnh uy nghiêm hoang sơ của Tổ đình sắp được Ni Sư và chư Tăng Ni Tông Phong đại trùng tu sau chiến tranh. Nơi Đại Hùng Bửu Điện ấy, tiếng Đại hồng chung “bên núi xưa” vẫn ngân vang trong giờ cơm trưa, khách sẽ được nghe Sơn Tăng trỗi giọng với bài kệ trầm hùng thanh thoát …. Nói lên tâm niệm của người khai sáng Đạo Phật Non Bồng và đại chúng Tăng, Ni, Phật tử Tây Phương Bồng Đão…

Huyền diệu sơ khai hồng chung bạch cáo, thượng thông thiên đường Tây Phương Cực Lạc quốc, hạ thông quang minh giới đại địa âm cung.

Hồng chung Bửu Điện giải thoát mê trần, năng trừ vạn khổ, năng cứu tam tai, năng trừ bát nạn, giải thoát lục đạo tam đồ, tất cả linh căn đồng thanh niệm Phật.

Hồng chung chuyển động thế giới quy y, hoàn cầu niệm Phật, ta bà thanh tịnh, linh tử tu hành, tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Hồng chung vận chuyển, tiếng vội ta bà, nhơn sanh từ thiện, thế sự hiền lành, nhơn tâm nhơn Phật, trần thế yên vui, niết bàn tái tạo, tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Hồng chung chuyển động tam giáo quy y, Thánh, Thần, Tiên đồng siêu thoát Tây Phương Cực Lạc, ba cõi yên vui dứt sạch nghiệp trần, thiết lập thượng nguơn, đồng thành Phật đạo.

Hồng chung chuyển động diệt bỏ não sầu, đoạn dứt tham sân, âm dương các cõi đồng thanh niệm Phật, vạn tật tiêu tan, dữ hiền đồng quy y Phật đạo.

Nam Mô Quang Minh Giới Đại Thanh Châu Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam Mô Đại Hồng Chung Bửu Ngọc Âm Thinh Như Lai Vô Lượng Phật.

Nam Mô A Di Đà Thích Ca Như Lai Phật.

Nam Mô Tây Phương Bồng Đão, Niết Bàn Hội Thượng Phật khai chung đạo.

Nam Mô Quảng Đại Oai Nghiêm Minh Vô Lượng Công Đức Thần Thông Trí Huệ Bửu Thắng Cổ Phật.

Nam Mô A Di Đà Tối Thắng Thượng Như Lai Cao Siêu Vô Lượng Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật…

Với bài khai chung của Đạo Phật Non Bồng, sẽ làm cho khách tục vơi đi những bức xúc của thế gian dẫy đầy những đấu tranh địa vị, quyền tước, vàng bạc và danh vọng, gọi giúp nơi vùng ý thức của người con Phật năm xưa trổi gót hồi quy cố quán.

Trên bước chân của lữ khách, nơi non xanh đảnh thượng núi Bồng Lai, người lữ thứ còn được gợi lại những gì đã được học và tu hành trong khoãng thời gian dài nơi Tu Viện Quan Âm xin ghi lại bài thờ của cư sĩ Bành Tế Thanh, giúp cho khách được nghe những tiếng lòng vọng lại từ cuộc hành trình của tâm, mời gọi khách trần trổi gót về chốn cũ quê xưa. Với một thế giới Tịnh Độ hiện thực, nơi đó có chư Thượng Thiện Nhơn, Tăng Ni, Phật tử hằng ngày năng tác Phật sự, kinh hành niệm Phật, lần bước vào cõi tâm…

- Lẩn bẩn phong trần tự bấy lâu

Mà chân hạnh phúc những là đâu

Ngày nay hồi hướng về an dưỡng,

Kiếp mộng vô minh đã dãi dầu.

- Thân Phật bao la khắp thái hư,

Điểm trần lặng lẽ chẳng còn dư,

Chớ đem tri kiến nhiều phân biệt,

Một niệm hồi quang thấy đại từ,

- Chuỗi lần trăm tám chẳng đuôi đầu,

Mỗi niệm tinh minh mỗi hạt châu.

Sáu chữ mở toang vô tận tạng

Như như buông thả lại hồi thâu,

- Cảnh vườn tịch mịch tợ lâm san,

Ngày vắng kìa ai gõ bế quan.

Nhắn bạn đồng tu nên tự tĩnh,

Đừng theo ngoài cửa mãi mơ màng.

- Dưới đỉnh nghiêu phong ngập ráng mây,

Ngon mùi lê hoác dạ vui vầy

Gió đông khéo mách niềm tâm sự

Tiếng Phật êm đềm quá gác Tây.

- Rừng lạnh ngàn mai nở trắng phau

Cành xuân chim hót giọng thanh tao

Hương nguyền vì niệm Quan Âm hiệu

Thanh sắc đường kia chớ lạc vào.

- Ngước lên rồi lại cuối đầu trông

Liên quốc đâu từng cách mải lông

Tiếng hát Ca Lăng đà nói rõ

Đây miền chơn tịnh chớ mê lòng.

- Giữa đêm trừ tịch chốn môn đình

Phá cảnh u trầm nói kệ kinh

Mãn khóa Pháp hoa nhàn rỗi việc

Chén trà Long Tĩnh uống với bình.

- Lại đối Ni sơn hỏi cựu manh

Cung đàn reo rắc điệu vô sanh

Trong bầu xuân sắc đi thong thả

Dưới gót hoa luân nở một vành.

- Non tiên vũ khách gọi thanh chân

Lối rẽ nhiều phen phải hỏi thăm

Chớ xót nguồn hoa tin tức vắng

Cảnh xưa bên suối vẫn đầy xuân.

(cuộc hồi hương đăng sơn của những người con của Non Bồng năm 1990)

Trên mãnh đất đại hùng đại lực đầy oai nghiêm công đức, lắm vẽ hoang sơ cổ kính của người xưa đã dựng lên nền Phật pháp, không thể để bóng thời gian mài mòn vào ký ức làm cho những công đức ấy thành những hoang tàn đổ nát … Tổ đình Linh Sơn, núi Dinh vẫn còn đó với đống gạch vụn, những khối gổ săn đá do tai nạn chiến tranh, đang chồng chất lên nền Đạo tràng Tây Phương Bồng Đão, những ao liên trì trước sân chùa, những phiến đá, thẻ gạch (có từ 100 năm trở về trước) vẫn còn trơ gan tuế nguyệt, xen lẫn trong đám phi lau và những táng anh đào râm mát vạn niên.

Người chủ trì Đạo Phật Non Bồng thì đã “trích gót quy Tây”, bây giờ còn lại người Trưởng tử Ni Sư Thích Nữ Huệ Giác thừa kế sự nghiệp đang trầm mặt đăm chiu và nghĩ ngợi về kế hoạch trùng tu xây dựng lại những gì đã đổ nát từ trên hai thập niên qua (1965-1989) vẫn còn mang vết tích chiến tranh trên nền chánh điện cũ. Trong đó còn có những Phật Học đường, Cô nhi viện, Trường học Phổ Thông, Tăng xá, Ni xá, Phòng tiếp tân, Tịnh xá Khất sĩ … Hang, Điện của những người tu độc cư, tịnh hạnh, phạm hạnh …

Thế là một cuộc đại trùng tu thật quy mô bắt đầu từ đoàn người trong đó có Tăng Ni, Phật tử đăng sơn viếng mái Chùa xưa, được Cơ quan chức năng các cấp và Giáo Hội đồng ý, cho thực hiện đơn phương theo nhu cầu của Tông Phong, bắt đầu từ năm 1992.

Không phải tự nhiên các Cơ quan và Giáo Hội lặng lẽ cho Ban kiến thiết trùng tu Tổ đình thực hiện một cách dễ dàng, mà do tấm lòng của mọi người luôn hướng về, tỏ thiện chí cảm thông với cung cách hành đạo của người khai sơn môn Phái, sự tu hành chính chắn của Tăng Ni, cách tổ chức có nề nếp, quy cũ nội bộ đoàn kết lục hòa, hội nhập thực tiển cùng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Nên từ đó những sinh hoạt của Tổ đình nói chung và nói riêng việc trùng tu từng bước đều được thành tựu mỹ mãn.

Chúng ta từng biết trong quá khứ, Tổ đình Linh Sơn còn là nơi tập hợp những quân dân kháng chiến chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ, tổ chức Thành Đoàn Sài gòn – Gia định, tổ chức Quân báo Nam bộ, hậu cần đều làm việc tại đây. Lập thành những chiến công hiển hách đến ngày hòa bình 30.04.1975, thống nhất Tổ Quốc.

Với đại công đức của trú xứ Tổ đình Linh Sơn có bề dày lịch sử truyền Đạo, hành Đạo và là nơi tập trung những người yêu nước mang âm hưởng dân tộc tính, vì sự tồn vong của Tổ Quốc và Dân tộc vùng lên chống ngoại xâm, những công trình thực tiển vừa tu hành, vừa Hộ Quốc An Dân là minh chứng sự tồn tại của Đạo Phật Non Bồng, người Thích Tử thuộc tông phong Non Bồng.

Một minh chứng khác có ảnh hưởng về tâm linh, từ thập niên 1957 – 1965 tuy Thánh địa và các cơ sở Tổ đình Linh Sơn bị dội bom đổ nát hoang tàn, những nơi thờ phượng và Long vị Tổ sư Minh Đăng Quang (Đạo Phật Khất Sĩ), nền Đại hùng Bửu điện, Liên huê Bửu điện, Phật học Đường vẫn tồn tại. Cho thấy nền tảng sự nghiệp truyền bá Pháp môn niệm Phật của Đạo Phật Non Bồng, hình ảnh hành giả đang thực tập niệm Phật luôn tồn tại với thời gian và hàng Tăng Ni, Phật tử và của những ai hướng về trú xứ núi xưa.

Tổ đình Linh Sơn là nơi tập trung những dòng người có thiện tâm và ý chí tình người, có tâm huyết kết duyên với dòng Pháp, quyết tâm kế thừa và phát huy dòng pháp. Nhất định những tấm lòng đó sẽ thành tựu và tồn tại như những đóa sen Tây vức xinh tươi mãi với thời gian bên núi xưa…

Với những cống hiến công sức và trí tuệ của người Tu sĩ Non Bồng là do tự nguyện suốt đời tu học đạo giải thoát, họ muốn sống một đời sống thực của đạo giải thoát như khi xưa Đức Phật đã ban truyền :

Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tịnh chư kỳ ý

Thị Chư Phật Giáo

Quan niệm của Tăng Ni Non Bồng muốn có một tâm ý tịnh lự, thì không gì khác hơn là không tạo ác, không chấp nhận quả ác, từ đó mới rảnh tay, rảnh tâm mà làm việc thiện, giúp ích cho đời cho đạo, cho chúng sanh và con người.

Không nên sống như một lớp sơn, bên ngoài làm ra dáng vẽ hào nhoáng, nhưng bên trong chỉ toàn những thứ mục rỗng bởi mối mọt nhiễm ô đục khoét tự bao giờ. Theo dòng pháp thì những cái hay, giỏi của thế gian chỉ là những mớ bòng bong lơ lững giữa khinh không, những thứ lục bình trôi vùng sông nước …

Tăng Ni Non Bồng chí ít muốn thấy được mình có phải là những người giải thoát chưa ? Khả năng đạo đức đến đâu ? Để chuyển hóa tham sân của chính mình, diễn dương vi diệu pháp tôn thờ mọi người khắp trong mười phương như Bồ Tát Thường Bất Khinh đảnh lễ mọi người và chúc cho người mau thành Phật.

Tăng Ni Non Bồng được khai sinh từ vùng sơn lãnh, bên núi xưa, bên sự vĩnh cữu của liệt Tổ liệt Tông đã làm cho họ thức tĩnh trong giấc ngủ dài của đời người. Từng un đúc họ trở thành những người chí nguyện sẳn sàng chiến thắng những tham, nộ, si, những tật đố ganh tỵ …

Cách sống của Tăng Ni Tổ Đình Linh Sơn năm xưa là một cuộc sống tập thể tập đoàn, trong những giáo đoàn tiêu biểu của những người cầu học đạo giải thoát.

Tăng Ni Non Bồng sẳn sàng vượt qua những hỷ, nộ, ái, ố và thực tế họ đã vượt qua những hỷ, nộ, ái, ố từ vô thỉ đến hôm nay.

Tăng Ni Non Bồng là những cành hoa sen của hoa sen bên núi xưa trong ao sen của đạo tràng Tây Phương Bồng Đão. Ngoài văn, tư, tu, họ còn thực hiện những phần đạo đức cơ bản của con người nên bước đầu học làm Phật : “Trung hiếu với Tổ Thầy”, ước mơ trở thành những “Hiếu tử Non Bồng”, như những hạnh lành hiếu đạo của Phật Thích Ca, chư vị Bồ Tát khi xưa :

Phật xưa hiếu thảo tợ hằng sa

Đến kiếp hiện nay cũng đậm đà

Đao Lợi thiên cung về viếng Mẹ

Ca Tỳ La Vệ đến tìm Cha

Khom lưng đãnh lễ đồi xương trắng

Đưa mặt cho hung một mẫu già

Đến thác kim quan còn bật nấp

Soi cùng hiếu tử ai giám qua.

Tổ đình Linh Sơn Núi Dinh, là trung tâm thành lập LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG là một môn phái Phật giáo miền Đông. Hai chữ Non Bồng vừa nghe qua người ta nghĩ rằng, Tăng Ni Non Bồng là những Đạo sĩ tu Tiên ? Nhưng không ! Vì Đức Tôn Sư Hòa Thượng muốn kiến tạo một thắng cảnh hợp với lòng người, chúng sanh xác hợp với căn cơ trình độ đại chúng hữu duyên, nên từ đó có những từ như “ trên non dưới thế”, “Tây Phương Bồng Đão”, đối với Tăng Ni Non Bồng xem những từ trên cũng đồng với lý của từ “ Tây Phương Cực Lạc”, “Niết Bàn Tịch Tịnh”, “Thiền Môn”, “Tòng Lâm”, “A Lan Nhã” … Tây Phương Bồng Đão, Non Bồng là biểu tượng của môi trường tinh khiết trong sạch, siêu phóng (xuất thế tục gia, xuất phiền não gia) đối với những người muốn học đạo giải thoát. Là phương tiện để tiến đến thành tựu viên mãn Phật đạo.

Giáo lý của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng nói về đạo tâm : tâm vốn vô sinh, tâm vô sinh là tâm giải thoát mọi chướng duyên, hình thức, từng ảnh hiện ràng buộc dẫn dắt chúng sanh xa rời chân tánh, say đắm ngũ dục, mê tân khổ thú … Đấy là lời của Đức Tôn Sư thường xuyên nhắc nhở người tu pháp môn niệm Phật, tức là hướng về niệm tâm mình, hàng phục kỳ tâm, trở về thực tại niệm với chơn tánh, giữ chánh niệm trong ngôi nhà “Tâm”, an trụ tịch tịnh trong ngôi nhà “vô sinh”.

Trong bài giảng cho Tăng Ni, phẩm huấn tu đã nói về lòng từ của Phật và của người đệ tử Phật, với lập trường của Đức Tôn Sư là phát Bồ đề tâm đến với mọi người kinh qua “hạnh nguyện pháp môn” của Bồ Tát. Nói về bậc giác hữu tình thì không xa rời chúng sanh, không dừng lại địa vị Tỳ kheo. Tôn sư dạy : “Thánh Tăng Tỳ Kheo là những bậc an trụ giải thoát nhưng chưa xa rời các tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ mệnh, tướng nam, tướng nữ, tốt, xấu, phải, trái… nên lòng từ bi không xuất hiện.

Ngài dạy : “ Ta hằng mong ước cõi đời này có vô lượng vô số Thánh Tăng Tỳ Kheo khởi tâm Bồ Tát đạo, để an ủi và sưởi ấm cho loài người trong mọi thế hệ và hàn gắn lại những vết thương lòng của nhân loại. Chỉ có đạo hạnh Bồ tát Thập địa mới không còn phân biệt tướng nam, tướng nữ …”

Theo như lời Đức Tôn Sư đã giáo huấn cho Tăng Ni, Phật tử Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, thì tình thương kinh qua hình tướng đối đãi, phân biệt … đó là tình thương thế gian, vì còn có tâm phân biệt nên ta chỉ thương được một chúng sanh nào đó, hay người vừa ý mà thôi. Quả thật, người tu không thể khởi lòng từ được, khi tấm lòng đó bị đóng khung trong các tướng nam, nữ, lớn, nhỏ, tốt, xấu, phải, trái … Ngược lại, thì tấm lòng ấy là nguồn sống vô biên, cứu vớt muôn vạn chúng sanh.

Nói về sự giải thoát, Đức Tôn Sư dẫn giải : “cái lý giải thoát, tâm giải thoát, niệm giải thoát, ý thức giải thoát, sự nghĩ ngợi giải thoát, thân tướng giải thoát, tư duy tạo tác giải thoát, đức hạnh giải thoát, nguồn cội giải thoát, an trụ pháp môn giải thoát, bằng hữu thiện tri thức giải thoát mới đúng cơ duyên giải thoát bất khả thuyết, bất khả tư nghì” (bài giảng ngày 08.09.1970).

Bài KHUYẾN THIỆN của Ni Trưởng Huệ Giác cũng đã giảng giãi được một phần niệm giải thoát của những người con Phật, cắt ái từ thân, ra khỏi nhà thế tục. Được biểu hiện trong tính nhân bản của Tăng Ni Non Bồng.

Làm người Phật tử Tây Phương

Trên non dưới thế tuyết sương bền lòng

Dù cho cực khổ mặn nồng

Chí tâm niệm Phật thoát vòng tử sanh

Khuyên ai thiện trí khách lành

Hiền nhơn quân tử tu hành đừng quên

Thế trần có lúc hư nên

Lợi danh danh lợi mông mênh biển đời

Chữ tu không đổi không dời

Nhứt tâm đi tới cuộc đời nhàn vui

Lánh vòng thế tục ngậm ngùi

Quyết tâm cõi Phật quen mùi muối dưa

Khuyên ai đạo lý mến ưa

Cùng nhau cố gắng sớm trưa dồi mài

Thích – Ca lưu dấu đức Ngài

Thiện trì bác ái tên Ngài còn bia.

Trích Pháp Giáo Non Bồng.

Tăng Ni, Phật tử đại chúng Tổ đình Linh Sơn rất tự hào, tuy không đắc đạo, nhưng thân đã bước lên một giai tầng xa lìa uế trược của ngũ dục. Họ luôn được sống trong thế giới tịnh độ nhơn gian, non tiên thánh cảnh, không bận tâm tiếp xúc với đời, dù biết rằng nơi nào cũng có Phật nhưng về sinh hoạt hiện tượng môn của mỗi trường phái vẫn khác đi về bản năng, tiến độ giác ngộ cũng như nghiệp thức của từng cá nhân tùy theo sự suy niệm mà diễn biến. Vì vậy trong những năm mới khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác có cảm tác bài kệ Liên Mườn Thi :

Bể ái trông ra nước đục lờ

Nguồn tình sóng khổ nhục trần nhơ

Thân bách chiếc xa nơi khổ hãi

Viễn ảnh phù sanh một giác mơ

Thức tỉnh chơn linh mau giác ngộ

Thôn cũ đào nguyên gìn lòng nhớ

Nam kha giấc mộng nơi trần tạm

Rốt ráo Bồ đề lánh bụi nhơ

Lánh bụi nhơ tìm nơi tìm nơi sơn lãnh

Vui cảnh Phật gió mát trăng thanh

Tránh xa phú quý lìa danh lợi

Tu sữa thân phàm rèn bổn tánh Xa hẳn tục trần vui mùi Đạo

Muối dưa kinh kệ xóa lợi danh

Khuyên trong bổn đạo xa gần đó,

Bồng Lai Bổn nguyện một tâm lành

(trích một đoạn trong Giáo Pháp Non Bồng)

LIÊN HƯỜN THI là tiếng nói trung thực của nhà tu Phật ở núi tuy không phải qua những hình thức tu hành lắm trang nhã của những bậc tu hành chốn thành đô thị tứ, nhưng qua câu “Bồng Lai Bổn nguyện một tâm lành…” Tức là ở nơi đây muôn người như một, đại chúng Tăng Ni Non Bồng, chỉ một lòng phát nguyện tu học hành đạo lợi ích nhơn thiên, phát nguyện làm lành. Cảnh trí Bồng Lai, nơi đây chư Tăng Ni người tu núi, lúc nào cũng sống trong không khí lành mạnh, đi trong tịch dương mang trong mình một tâm hồn thánh thiện. Tu sĩ Non Bồng là những đoàn người tín tâm, phát nguyện đem những âm vang pháp mầu vi diệu của Đức Phật đến với chúng sanh và con người không mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Họ muốn tìm bạn cùng chung lý tưởng giác ngộ bước đi trên đường thánh thiện kế thừa Tổ Tông, phụng sự Đạo Pháp, báo Phật ân đức. Phát nguyện làm các việc lành, nương nguyện lực Bồ Tát Phổ Hiền làm tông, chuyên trì hồng danh Phật làm yếu chỉ, đặt trọn niềm tin vào bi nguyện Quan Âm làm nền tảng cứu cánh bất thối chuyển.

Trong cuộc sống vô định theo dòng luân hồi, những ai khởi nguyện phụng sự đạo Pháp, cứu khổ chúng sanh đều phải được sở cầu như ý, nối gót chư Phật, Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, không phải gặp trở ngại. Cuộc sống đạo không có sự bắt buộc tha nhân phải tuân theo định hướng cá nhân. Trong đời sống Tăng lữ không có tín điều, không có sự đấu tranh; vì như vậy sẽ đưa giáo pháp Đức Phật vào quên lãng và không còn những chất liệu của hoa sen vi diệu trong các giáo đoàn của Phật.

Bổn kinh cầu nguyện trong Pháp giáo Non Bồng của Ni Sư Trưởng Thích Nữ Huệ Giác để dùng cho người tu pháp môn niệm Phật tu học, nói lên được niềm tin yêu mang tính bi nguyện :

“ Nguyện nơi con đến, nơi con ở, dù xa hay gần chúng sanh mọi loài trong tam giới, lớn nhỏ đều được bình an vui vẽ, sanh lòng hoan hỷ đại từ cũng như chư Phật, Bồ Tát, chư Thiên…” và với những bài kinh cầu nguyện của Đức Tôn Sư trong những năm khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, Ngài khởi đại tâm nương bốn mươi tám nguyện lực của Đức Phật A Di Đà để giáo hóa đồ chúng Tăng Ni, Phật tử.

Bốn mươi tám lời nguyện của Đức A Di Đà, là tảng Phật ngôn siêu xuất thế gian, dành cho những nhà học Phật thuộc Tông Tịnh Độ nghiên cứu tu hành và áp dụng vào đời sống đạo hằng ngày. Bốn mươi tám lời nguyện Đức A Di Đà rất quan trọng đối với các liên hữu trong tông phong và cũng chính là lời đại nguyện của Ni Sư Trưởng Thích Nữ Huệ Giác, trong những năm còn hành đạo tại Biên Hòa, cũng như tại núi Bồng Lai (Tổ đình Linh Sơn) vào năm 1958.

Bốn mươi tám lời nguyện của Đức A Di Đà trong kinh Vô Lượng Thọ là tâm tông và nền tảng Liên Tông, soi chung cho hậu học thừa kế tu hành. Soạn giả xin phép nhà dịch giả Phật Giáo Tịnh Độ Tông – cụ Đoàn Trung Còn, trích lục nơi đây để cùng các Liên hũu hôm nay và muôn đời sau nghiên cứu tu học :

Lời nguyện thứ nhứt : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, trong nước tôi không có địa ngục, ngạ quỷ và các loài cầm thú, cùng loài bò bay máy cựa. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ hai : Tôi nguyện khi tôi thành Phật, trong nước tôi không có đàn bà con gái. Còn như các trời và nhân dân của các thế giới vô lượng, cho đến loài bò bay máy cựa, sanh về nước tôi, đều hóa sanh trong hoa sen nơi thất bảo. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ ba : tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, người trong nước tôi, khi nào ăn thì trong bát thất bảo có đủ trăm món ngon hiện tiền, chớ không đợi mua sắm và khi ăn rồi các đồ khí dụng đều tiêu mất, chớ không đợi dọn cất. Nếu lời nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ tư : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, người trong nước tôi, muốn mặc áo quần tức thời hóa hiện đủ cả, chớ không đợi may sắm, mướn người nhuộm và giặt ủi. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ năm : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, trong nước tôi, từ mặt đất đến hư không, đều có đủ các thứ nhà cửa cung điện, lầu các, và ao sông, cây hoa, các thứ ấy đều dùng những châu báu và trăm ngàn món hương thơm, hiệp lại tạo thành văn sức lạ màu và đẹp đẽ hơn hết. Mùi hương ấy xông khắp cả thế giới mười phương làm cho chúng sanh đều tu hạnh nguyện lành. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ sáu : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, người trong nước tôi đều thương kính nhau và không ganh ghét nhau. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ bảy : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, người trong nước tôi đều không có lòng tham dục, nóng giận và mê dại. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ tám : tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, người trong nước tôi đồng một lòng thiện niệm, không lầm đường lạc nẽo và khi muốn nói chuyện gì, đều biết ý nhau trước. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ chín : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, người trong nước tôi đều chẳng nghe tiếng ác, huống chi là có sự ác thiệt. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thừ mười : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, người trong nước tôi biết huyển thân như tuồng mị, lòng không tham nhiểm. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ mười một : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, người trong nước tôi, tuy các trời và người thế có khác nhau, mà hình dung đồng loạt sắc vàng, mặt mày nghiêm chỉnh trong sạch, đẹp đẽ không xấu lại không lạ. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ mười hai : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, dù trong mười phương vô lượng thế giới, từ các trời và nhân dân, cho đến những loài bò bay máy cựa, đều đặng làm loài người và đều chứng bậc Thanh Văn, Duyên Giác, đều tọa thiền nhứt tâm cả thảy, rồi cùng nhau suy tính tuổi sống lâu của tôi coi là mấy ngàn vạn ức kiếp, rốt lại cũng không ai biết đặng. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ mười ba : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, dù cho các ngàn ức thế giới trong mười phương và các trời và nhân dân, cho đến những loài bò bay máy cựa, đều đặng làm người và dể chứng bậc Thanh Văn, Duyên Giác, đều tọa thiền nhứt tâm cả thảy, rồi cùng nhau suy tính số người trong nước tôi coi mấy ngàn vạn ức, rốt lại cũng không ai biết đặng. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ mười bốn : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, người trong nước tôi đều sống lâu vô lượng, không có thể biết số bao nhiêu cả. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ mười lăm : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, người trong nước tôi trụ vào ngôi chánh tín, ly các mối tưởng điên đảo, xa lìa sự phân biệt, các căn đều vắng lặng và an trụ Niết Bàn cao cả. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ mười sáu : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, các chổ thọ dụng của người trong nước tôi đều vui sướng, thảy đồng với các vị Tỳ kheo đã đến bậc vô lậu rồi. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi nguyện chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ mươi bảy : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, tôi nói kinh và hành đạo thập bội hơn các Phật. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ mười tám : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, nguyện người trong nước tôi được túc mạng thông biết đặng việc trăm ngàn ức na do tha về kiếp trước. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ mười chín : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, người trong nước tôi đều đặng có mắt thiên nhãn, thấy cả trăm ngàn ức na do tha thế giới. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ hai mươi : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, người trong nước tôi đều đặng thiên nhĩ, nghe đặng tiếng thuyết pháp của trăm ngàn ức na do tha Phật nghe rồi thọ trì. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyên thứ hai mươi một : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, người trong nước tôi đều đặng trí tha tâm, biết hết tâm niệm của chúng sanh trong trăm ngàn ức na do tha thế giới. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyên thứ hai mươi hai : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, người trong nước tôi đều đặng trí thần túc thông, trong giây lát, có thể vượt khỏi trăm ngàn ức na do tha thế giới. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyên thứ hai mươi ba : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, khắp cả vô lượng thế giới trong mười phương đều nghe danh hiệu của tôi và các Phật ở trong đại chúng đều khen ngợi công đức của tôi và quốc độ của tôi hơn hết. Nêu các trời và nhân dân, cho đến những loài bò bay máy cựa, nghe danh hiệu của tôi mà sanh lòng từ thiện mừng rỡ. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyên thứ hai mươi bốn : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, ánh sáng quang minh nơi đảnh đầu tôi, tột bực diệu mầu, sáng hơn mặt trời mặt trăng đến trăm ngàn ức phần. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyên thứ hai mươi lăm : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, ánh sáng quang minh của tôi soi khắp cả vô lượng thiên hạ, mấy chổ nào tối tăm đều đặng chói sáng, và các trời cùng nhân dân cho đến loài bò bay máy cựa, nếu thấy ánh sáng quang minh của tôi ai khởi lòng từ thiện đều được sanh về nước tôi cả. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng là Phật

Lời nguyện thứ hai mươi sáu : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, các trời và nhân dân, cho đến loài bò bay máy cựa, ở trong vô lượng thế giới mười phương, nhờ ánh sáng quang minh của tôi chiếu vào thân thể, thì thân tâm từ hòa hơn các người ở cõi trời. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật .

Lời nguyện thứ hai mươi bảy : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, trong các trời và nhân dân, có ai phát lòng Bồ đề phụng trì trai giới, hành sáu pháp ba la mật, tu các công đức, chí tâm phát nguyện, muốn sanh về nước tôi, thì đến khi lâm chung, tôi và đại chúng hiện ra trước mặt người đó, tiếp dẫn vãng sanh, đặng bậc Bồ Tát bất thối chuyển. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ hai mươi tám : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, các trời và nhân dân ở trong vô lượng thế giới mười phương nghe danh hiệu của tôi mà đốt hương, dâng hoa, thắp đèn và treo gấm cúng dường Sa Môn, khởi tạo Chùa tháp, trai giới thanh tịnh, làm các sự lành, nhứt tâm nhớ tưởng tôi, trong ngày đêm nhớ hoài chẳng dứt, thì cũng sanh về nước tôi. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ hai mươi chín : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, các trời và nhân dân trong vô lượng thế giới mười phương hết lòng tin mến, nguyện sanh về nước tôi, niệm mười tiếng danh hiệu của tôi, đều đặng vãng sanh trừ người phạm tội ngũ nghịch và khinh dễ chánh pháp. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ ba mươi : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, các trời và nhân dân, cho đến loài bò bay máy cựa ở trong vô lượng thế giới mười phương kiếp trước đã làm ác, rồi sau nghe đến danh hiệu tôi, liền sám hối làm lành, trì kinh giữ giới, nguyện sanh về nước tôi, đến khi lâm chung, khỏi đọa vào đường tam ác, thẳng tới liên trì, muốn việc gì đều đặng như ý. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ ba mươi mốt : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, các trời và nhân dân trong vô lượng thế giới mười phương, nghe danh hiệu của tôi, nhứt tâm đảnh lễ quy y, vui mừng tin đến, tu hạnh Bồ tát và ai thấy cũng khởi lòng cung kính. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ ba mươi hai : Tôi nguyện đến khi tôi thành Phật, những đàn bà con gái ở trong vô lượng thế giới mười phương, nghe danh hiệu của tôi, vui mừng tin đến, phát lòng Bồ Đề, nhàm chán thân đàn bà, sau khi mạng chung khỏi thọ thân phụ nữ nữa. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ ba mươi ba : Tôi nguyện đến khi tôi làm Phật, phàm tất cả chúng sanh, sanh về nước tôi, trong một lần sanh đó, đã chẳng thối chuyển lại được bổ xứ làm Phật, trừ ra bổn nguyện của người nào muốn tới phương khác đặng hóa độ chúng sanh, tu hạnh Bồ Tát, cúng dường các Phật, thì tùy ý giáo hóa hết thảy chúng sanh đều phát lòng tin, tu hạnh Bồ tát, hạnh Phổ Hiền, hạnh tịch diệt, hạnh tịnh hạnh, hạnh tối thắng và tất cả các thứ thiện hạnh. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ ba mươi bốn : Tôi nguyện đến khi tôi làm Phật, người trong nước tôi muốn sanh qua nước khác, sở nguyện chắc đặng hoàn toàn và chẳng đọa lạc vào ba đường ác đạo nữa. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ ba mươi lăm : Tôi nguyện đến khi tôi làm Phật, các vị Bồ tát trong nước tôi, dùng các món hương hoa, phướn lọng, ngọc trân châu và chuổi anh lạc, muốn đến cả vô lượng thế giới cúng dường chư Phật, liền đi khắp hết nội trong một buổi ăn. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ ba mươi sáu : Tôi nguyện đến khi tôi làm Phật các Bồ tát trong nước tôi, muốn sắm đủ vật báu cúng dường vô lượng Phật trong mười phương tức thì có đủ vật báu cúng dường khắp cả nội trong ngày ấy, chưa đến trưa mà đã liền tới nước tôi. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ ba mươi bảy : Tôi nguyện đến khi tôi làm Phật, các Bồ tát trong nước tôi, hoặc thọ trì kinh pháp, hoặc phúng tụng diễn thuyết, đều đặng tài biện luận và trí bát nhã. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ ba mươi tám : Tôi nguyện đến khi tôi làm Phật, các Bồ Tát trong nước tôi hay diễn thuyết tất cả pháp, trí huệ hiện tại rất rộng rất nhiều không có hạn lượng. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ ba mươi chín : Tôi nguyện đến khi tôi làm Phật, các Bồ Tát trong nước tôi đều đặng sức rất kiên cố dõng mãnh, còn thân thể toàn là sắc vàng rất tốt, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẽ đẹp và thuyết kinh hành đạo cũng như các Phật. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ bốn mươi : Tôi nguyện đến khi tôi làm Phật, trong nước tôi trong sạch, soi thấy cả vô lượng thế giới mười phương; còn các Bồ tát muốn thấy tất cả cõi Phật nghiệm tịnh trong cây bảo thọ, trong cây ấy tức thì ứng hiện đủ cả, tỏ như gương sáng. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ bốn mươi mốt : Tôi nguyện đến khi tôi làm Phật, các Bồ tát trong nước tôi, dù có vị nào ít công đức, cũng hay thấy cây đạo tràng của tôi, cao đến bốn ngàn do tuần. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ bốn mươi hai : Tôi nguyện đến khi tôi làm Phật, các trời và người thế gian, cùng hết thảy muôn vật ở trong cõi tôi, đều nghiêm sạch sáng tốt, hình sắc đẹp đẽ, dù chúng sanh có mắt thiên nhãn, cũng không biện đặng danh số. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ bốn mươi ba : Tôi nguyện đến khi tôi làm Phật, người trong nước tôi tùy theo chí nguyện, như muốn nghe pháp, đều tự nhiên đặng nghe. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ bốn mươi bốn : Tôi nguyện đến khi tôi làm Phật các hàng Bồ Tát và Thinh Văn trong nước tôi, ai ai cũng đều trí huệ, oai thần, trên đảnh đều có ánh quang minh, tiếng nói rổng rang và thuyết pháp hành đạo cũng như các Phật. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ bốn mươi lăm : Tôi nguyện đến khi tôi làm Phật các Bồ tát ở phương khác nghe danh hiệu của tôi đều quy y tinh tấn, “đặng pháp chánh định thanh tịnh giải thoát” nếu phát ý trong một giây phút, thì cúng dường không biết bao nhiêu hằng hà sa số chư Phật, mà chẳng mất chánh định. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ bốn mươi sáu : Tôi nguyện đến khi tôi làm Phật, các Bồ tát thế giới phương khác, nghe danh hiệu của tôi đều quy y tinh tấn, đặng phép “ chánh định phổ đẳng” nhẫn đến thành Phật, lại thường thấy tất cả vô lượng chư Phật. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ bốn mươi bảy : Tôi nguyện đến khi tôi làm phật, các Bồ tát ở thế giới phương khác, nghe danh hiệu của tôi đều quy y tinh tấn, liền đặng địa vị bất thối chuyển. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi chẳng làm Phật.

Lời nguyện thứ bốn mươi tám : Tôi nguyện đến khi tôi làm Phật, các Bồ tát ở thế giới phương khác, nghe danh hiệu của tôi đều quy y tinh tấn, thì liền đặng ngôi “đệ nhất nhẫn” và “đệ tam nhẫn” ở trong các pháp của Phật, không có khi nào thối chuyển nữa. Nếu tôi nguyện không đặng như vậy, tôi không làm Phật.

Bốn mươi tám lời nguyện của Đức Phật A Di Đà là yếu chỉ tâm tông của tông Tịnh Độ, cũng chính là lời phát nguyện hành đạo của Đức Tôn Sư Hòa Thượng Thiện Phước trong thời gian hóa đạo tại Long Sơn Cổ Tự, Tân Ba, Tân Uyên, Biên Hòa và thời gian khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng tại Tổ đình Linh Sơn, núi Dinh. Cũng chính là tâm nguyện của Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác trong buổi ban đầu xuất gia tu hành và giáo hóa đại chúng Tăng, Ni, Phật tử từ những năm 1957 đến 1965 …

Đạo Phật là như vậy, với ánh sáng chơn lý của Đức Phật, người đệ tử lúc nào cũng có tâm nguyện xây dựng một thế giới an lạc, thanh bình, kiến tạo một con người tuy không hoàn thiện như Phật, nhưng đầy đủ “tính thiện của con người” cùng nhau xây dựng một thế giới dù lớn hay nhỏ nhưng không có sự đấu tranh, sự bất bình đẳng, sự đói nghèo dốt nát si mê, tâm ấy là tâm bình dị, vô ngã vị tha, mưu cầu hạnh phúc cho con người và chúng sanh, không mưu cầu hạnh phúc riêng bản thân hay một vọng tộc, xả ly những quyền lực thế gian, xa lánh sự hung tàn, bạo lực. Nguyện lực cuối cùng của người đệ tử Phật sau khi đã làm xong phận sự với mọi người thì chính hạnh nguyện của họ đã tròn xong.

Lời chí nguyện Tăng Ni, Phật tử Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng từ 75 năm qua, gần như gắn liền với những chí nguyện của chư vị Bồ Tát, Hiền Thánh Tăng, họ không muốn “mọi người biết mình”, mà chổ cần thiết nhất của họ là “mình phải tự biết mình”, nên bước chân của họ rất vững vàng trên vạn nẽo đường tha phương hành đạo. Đúng với lời giáo hóa của Đức Tôn Sư : “cõi đời nầy là tạm giả, chúng ta là đoàn người tha hương, nay trở về cố quán, với tấm thân tứ đại nầy như một quán nước mà chúng ta và mọi người dừng chân nghỉ ngơi trong một đêm, rồi ngày mai tiếp tục cuộc hành trình…”

Điều quan trọng là trong thời điểm tạm ở nơi thế gian nầy, chúng ta đã làm và sẽ làm lợi ích gì cho nhân loại và chúng sanh, có xây dựng được bản thân hay một thế giới hoàn thiện chưa ? Nếu chưa thì cứ tiếp tục bước chân trên hạnh nguyện của chính mình, xa rời những đấu tranh, tranh giành lợi lạc, tranh nhau từ lời nói, một mẫu chuyện đời, nhẫn đến một tư tưởng … để được rảnh tâm, rảnh tay mà xây dựng một thế giới an cư lạc nghiệp như mô hình 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà cho đến khi mãn nguyện độ sanh …

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Lịch Sử Trung Tâm Thành Lập Môn Phái Liên Tông Non Bồng – Tổ Đình Linh Sơn Phần 3”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com