Mục Lục

(Biên bản Hội nghị chư Tăng lần thứ nhất)

Hôm nay ngày 10 tháng 08 âm lịch Đinh Mùi niên 1967, Phật lịch 2511, thể theo yêu cầu của Hội Đồng Tăng Lữ Liên Tông, vì nhu cầu Phật sự của chư Tăng Ni, Phật Tử Non Bồng, Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước, đã chỉ giáo triệu tập Hội nghị chư Tăng lần thứ I để kỷ niệm 10 năm thành lập Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và bốn năm thành lập các Giáo Đoàn Du Tăng Khất sĩ Non Bồng, đồng thời để cử lại thành phần Hội Đồng Tăng Lữ của Môn phong cũng như bầu Ban Chấp Sự Giáo Đoàn II, Hội nghị này còn được gọi là đệ nhất chu niên Chư Tăng kết tập.

Sự hiện diện tại Hội Trường Quan Âm Tu Viện ( tức là Tây Viện), gồm có các vị như sau:

Bái thỉnh : Đức Sư Ong thượng Bửu hạ Đức tác đại chứng minh.

- Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước

- Đức Thầy thượng Huệ hạ Giác

- Đại Đức Thích Thiện Chơn

- Đại Đức Thích Giác Châu

- Đại Đức Thích Thiện Thành

- Đại Đức Thích Giác Quang

- Đại Đức Thích Thiện Giác

- Đại Đức Thích Giác Khánh

- Đại Đức Thích Thiện Thọ

- Đại Đức Thích Từ Quang

- Đại Đức Thích Thiện Chí

- Đại Đức Thích Giác Thông

Tất cả những vị trên đều là những vị Tỳ Kheo Tăng, Khất Sĩ, cùng với chư vị khách Tăng tham dự như :

- Đại Đức Giác Nguyên ( Giáo Hội Tăng Già Khất sĩ Việt Nam )

- Đại Đức Thích Thiện Chí ( Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất)

- Đại Đức Thích Niệm Hiện (Hội Lục Hòa Tăng Việt Nam )

Và toàn thể Tăng Ni Quan Âm Tu Viện, Tổ Đình Linh Sơn Tự, Nhứt Nguyên Bửu Tự, Long Sơn Cổ Tự, Linh Hòa Tự, Trường Sanh Phật Tự cùng với các Chùa khác trong Tông Môn.

Hội nghị đã bái thỉnh Đức Sư Ông Thượng Bửu Hạ Đức thượng vị chứng minh tối cao.

Nội dung chương trình :

- Niệm Phật cầu gia bị.

- Chào Phật kỳ Tịnh Độ Tông và Quốc Tế.

- Mật niệm chư Lịch đại Tổ sư vãng bối .

- Tuyên bố lý do thay diển văn khai mạc.

- Cử chủ tọa Hội nghị.

- Thành lập hệ thống Tăng đoàn.

- Đặt Hiệu đoàn – bảng Hiệu Đoàn.

- Bầu Ban Chấp Sự Tăng Đoàn.

- Đức Thầy ban pháp lành.

- Niệm Phật hồi hướng.

- Bế mạc.

Sau phần nghi thức Hội nghị, Đức Thầy đề nghị cử chức vị Chủ tọa Hội nghị.

Đức Tôn Sư Thượng Thiện Hạ Phước : Chứng minh Đạo sư

- Đức Thầy Hồng Hoa : Chủ tọa

- Đại Đức Thích Thiện Chơn : Cố vấn

- Đại Đức Thích Thiện Thành : Thư ký

- Đại Đức Thích Giác Quang : Xướng ngôn viên I

- Đại Đức Thích Thiện Giác : Xướng ngôn viên II

- Đại Đức Thích Thiện Chơn : Kiểm soát

- Đại Đức Thích Giác Châu : Kiểm soát

Và từ đó theo thứ lớp để cho Hội nghị được tôn nghiêm, Đức Thầy nói : “ Hội nghị hôm nay, xin được nêu lên những tiết mục cần thiết, cần bàn. Rất mong được quý chư Tăng nghiêm túc cùng nhau bàn luận trong tinh thần hoan hỷ lục hòa của đạo pháp, như ” :

1. Thành lập hệ thống Tăng đoàn,

2. Thành lập một Tăng đoàn,

3. Đặt hiệu đoàn,

4. Bảng hiệu đoàn,

5. Bầu Ban Chấp Sự đoàn,

Nay xin hỏi trong chư Tăng các vị có đồng ý không ?

Đại biểu đồng thanh đáp :

- Mô Phật đồng ý

Sau khi toàn thể chư Tăng nhất trí các đề mục trên, các vị xướng ngôn viên bắt đầu kê lên bảng một biểu đồ hệ thống Tăng đoàn gồm có:

- Chứng minh tối cao

- Chứng minh Đạo sư (Đức Tông Chủ)

- Cố vấn chỉ đạo

- Tăng trưởng

- Phó Tăng trưởng

- Chánh tri sự

- Tổng thư ký

- Ban Hoằng pháp

- Ban Liên trì Nhựt tụng (nghi lễ)

- Ban ngoại vụ

- Ban dược sư

- Ban chưởng thực Quan âm (Kinh tế)

- Thủ bổn

- Kiểm soát

Đức Thầy nói : “ vì nhu cầu thiết yếu thực tế của Tăng đoàn, chúng ta không nhất thiết phải rập khuôn theo các hệ thống của Giáo hội, Giáo đoàn bạn, nên với chức vị trên có thể đáp ứng đầy đủ cho Tổ chức Môn phong và tổ chức “Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng”.

Các Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng tuy đã thành lập hồi năm 1962, 1964 nhưng chưa xác định được phẩm vị của chư Sư trong Hội đồng Tăng lữ. Ở đây dùng từ Đoàn Du Tăng cũng là tổ chức nồng cốt của Hội đồng Tăng Lữ Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, nhân dịp này Hội nghị cũng xác định vị trí theo thứ tự, gồm 10 vị :

1. Tỳ kheo Thích Thiện Chơn.

2. Tỳ kheo Thích Từ Quang.

3. Tỳ kheo Thích Giác Thông.

4. Tỳ kheo Thích Giác Quang.

5. Tỳ kheo Thích Thiện Giác.

6. Tỳ kheo Thích Thiện Thành.

7. Tỳ kheo Thích Giác Khánh.

8. Tỳ kheo Thích Giác Châu.

9. Tỳ kheo Thích Thiện Thọ.

10. Tỳ kheo Thích Thiện Chí

Vào lúc 9 h30 ngày 10 tháng 08 năm Đinh Mùi, 1967 là thời gian lịch sử đối với 10 vị Sư trên, là Đoàn người tiên phong, cùng nhau nhất quán xác định lại danh hiệu cho các Đoàn Du Tăng là : “ Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng”. Kể từ đây mỗi Đoàn đều có quy cũ nề nếp đạo phong theo hệ thống trong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Liên Tông Tịnh Độ là một bộ phận trực thuộc Trung Ương Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam.

Về bảng hiệu Đoàn, nếu bảng đặt tại Trụ sở thì chi tiết nội dung như sau

- Phía trên bảng có chữ VẠN lớn, nền vàng chữ màu đỏ.

- Bảng hiệu nền xanh nhợt chữ đỏ.

- Chung quanh bảng chữ VẠN nhỏ nối liền.

- Viền màu xanh dương.

- Trong bảng phía trên, chính giữa có một vị Phật, Phật ngự tòa sen, màu sen Tây vức, y vàng hoại sắc để đối tượng với nên xanh nhợt.

- Phía trái đức Phật một Phật kỳ Quốc tế.

- Phía phải đức Phật một Phật kỳ Tịnh Độ Tông.

- Chữ nổi màu đỏ bóng trắng.

Về khuôn dấu, gồm có 2 loại, con dấu mực và một con dấu nổi.

1. Dấu ấn của Đức Tăng chủ Tôn sư, kích thước 3,8 cm, hình tròn, gồm :

* Vòng ngoài phía trên đọc từ trái qua phải : “Tịnh Độ Tông Việt Nam”.

* Phía dưới đọc từ trái qua phải “Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng”.

* Ở giữa có chạm hình Đức Phật ngồi thiền định, phía dưới tòa sen đức Phật có hai chữ TĂNG CHỦ.

2 . Dấu ấn của Tăng đoàn, kích thước 3,5 cm, hình tròn, gồm :

* Vòng ngoài phía trên đọc từ trái qua phải, với dòng

chữ : “Tịnh Độ Tông Việt Nam”.

* Phía dưới đọc từ trái qua phải : “Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng”.

* Giữa có chạm hình Đức Từ Phụ sơ sinh, tay chỉ trời, tay chỉ đất, phía dưới tòa sen của Đức Phật có hai chữ TĂNG TRƯỞNG.

3 . Dấu nổi (nội dung y như dấu ấn Tăng đoàn)

4 . Về giấy đạo thì gọi là Chứng Minh Thư với danh nghĩa “ HỘI PHẬT GIÁO TỊNH ĐỘ TÔNG VIỆT NAM” dưới hàng chữ lớn nói trên là “ĐOÀN DU TĂNG KHẤT SĨ NON BỒNG”

5 . Chứng Minh Thư sẽ được cấp cho hai hệ thống:

- Tỳ kheo, Tỳ kheo ni : hệ số danh bộ A.

- Sa di, Sa di ni hệ số danh bộ B.

6 . Đại chúng Tịnh Độ và đại chúng Khất Sĩ đều cấp chung

một Chứng minh thư .

7 . Ngoài ra, Tăng đoàn còn thiết lập thêm 2 loại Giấy Chứng

nhận

* Giấy Chứng nhận Tu sĩ Xuất gia, dùng cho tu sĩ cao niên

chưa có giới pháp.

* Giấy Chứng nhận Tu sĩ ấu niên Xuất gia dùng cấp cho

các chú tiểu, điệu, ô sa di…

Kế đến, toàn thể chư Tăng bái thỉnh :

Đức Sư Ông Thượng Bửu Hạ Đức, Chứng minh tối cao, thượng vị Giáo tổ.

Đức Tôn Sư Thượng Thiện Hạ Phước, Chứng minh đạo sư, thượng vị Tăng chủ

Đức Thầy, Cố vấn chỉ đạo Hội nghị làm Cố vấn Chỉ đạo Tăng đoàn.

- Ban Chấp Sự Tăng đoàn II với thành phần như sau :

1. Đại Đức Thích Thiện Chơn : Tăng Trưởng (tạm thời)

2. Đại Đức Thích Từ Quang : Tăng Phó

3. Đại Đức Thích Giác Châu : Chánh tri sự

4. Đại Đức Thích Thiện Thành : Tổng thư ký

5. Đại Đức Thích Thiện Giác : Ban hoằng pháp

6. Đại Đức Thích Giác Quang : Ban liên trì nhựt tụng

7. Đại Đức Thích Thiện Giác : Ban dược sư (kiêm)

8. Đại Đức Thích Giác Khánh : Ban ngoại vụ

9. Đại Đức Thích Thiện Chí : Kiểm soát

10. Đại Đức Thích Giác Thông : Thủ bổn

11. Đại Đức Thích Thiện Thọ : Kiểm soát

Về chức vụ của Đại Đức Thích Thiện Chơn, sở dĩ đặt tạm thời là để thay mặt cho Thượng Tọa Thích Thiện Duyên vắng mặt, Đại Đức tạm thời đứng đầu trong hàng Tăng lữ tại Hội nghị, và Hội nghị cũng suy Tôn Đức Tôn Sư đương vi Đức Tăng Chủ. Đối với Đại Đức Thích Thiện Chơn theo Hội nghị vì Đại Đức đã là Tăng trưởng của Giáo đoàn III ( vào năm 1965) mà trong đó chư Tăng là những hàng môn đệ của Đại Đức, còn đối với chư Đại Đức trong Giáo đoàn II, đều là đồng môn, đồng song nên chức vị Tăng trưởng sẽ do Thượng Tọa Thích Thiện Duyên đãm nhiệm.

Vào lúc 10h 40/, sau khi thành lập Hội Đồng Tăng Lữ và Ban Chấp Sự Giáo Đoàn xong, Đức Thầy Huệ Giác ban đạo từ : “ Đạo pháp là chung cho chúng sanh, nhưng vì để có phương tiện tu tập dễ dàng, mà pháp môn niệm Phật và pháp hạnh Khất sĩ đã ảnh hiện trong con cháu của Thầy Mẹ, nên chúng ta phải tổ chức Tăng đoàn, tạo thành một nề nếp quy cũ, khuôn thước để cho hiện tại và tương lai Tăng Ni, Phật Tử phải đi theo khuôn thước đó, dù phải trải qua nhiều chông gai chướng ngại, chúng ta phải cố gắng tu học, hành đạo cho đến ngày công viên quả mãn, để khỏi phụ lòng Phật và Tổ Thầy…”

“… kể từ đây mỗi vị Giáo phẩm trong Hội Đồng Tăng Lữ hoặc Ban Chấp Sự Giáo đoàn đều có một nhiệm vụ thiêng liêng cao quý của mình và là nhiệm vụ chính thức, chớ không phải cử cho có vị trí suông, chư Tăng phải lưu ý Phật sự trọng hệ, hầu đóng góp sự thăng hoa cho ngôi nhà Phật pháp chung trên đất nước Việt Nam.

Cuộc Hội nghị tuyên bố bế mạc vào lúc 11h cùng ngày sau đó với một lễ cúng dường Trai Tăng do Phật tử Quan Âm Tu Viện và Saigon dâng cúng, gọi là ngày trong sáng của LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG và các ĐOÀN DU TĂNG KHẤT SĨ NON BỒNG.

CHỨNG MINH ĐẠO SƯ

Đức Tôn Sư thượng THIỆN hạ PHƯỚC (đã ký)

Chủ Tọa Thư ký

Đức Thầy HUỆ GIÁC Đại Đức THÍCH THIỆN THÀNH

(đã ký) (đã ký)

Ghi chú:

Sư Giác Quang và Sư Thiện Giác được ủy nhiệm lược ký biên bản này thay cho Thư ký Hội nghị và được các vị có trách nhiệm đọc lại để nhất quán, và ký biên bản vào lúc 12h cùng ngày.

Thiện Giác – Giác Quang

Lược ký

Tất cả những nội dung quan trọng trong biên bản này được tàng trữ tại Tịnh Thất Bảo Tạng và được Đức Tôn Sư kiểm chứng tại Tịnh Xá Thắng Liên Hoa, Cù lao phố, ấp Bình Tự, xã Hiệp Hòa, tỉnh Biên Hòa vào lúc 8h sáng ngày 15 tháng 08 năm Đinh Mùi (1967)

Kỷ yếu hôm nay đã an bày

Niệm tâm bất diệt vốn xưa nay

Thành thật chân tu lìa tham ái

Lập hạnh Du Tăng đức cao dày

Đạo lý ba đời không thay đổi

Phật pháp lưu thông chẳng biệt sai

Khất hóa muôn duyên lòng thư thả

Sĩ cầu học đạo mới thiện tai

Non lãnh dựng xây cảnh Liên Đài

Bồng cung tỏ rạng sáng thiên nhai

Việt ý thức tâm, tâm vô ngại

Nam bang bền vững giáo tông này

(Kỷ niệm đệ thất chu niên ngày thành lập

Giáo Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng)

1971

“ Trích trong Giác Quang Thi tập I”

PHỤ TRANG CỦA TIẾT III.

Để nói lên sự liên hệ giữa Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, Đức Tôn Sư đã giảng dạy cho Tăng Ni thắm nhuần về đạo hạnh nhà Du Tăng Khất Sĩ, một truyền thống chánh pháp của Đức Phật .

XƯNG TÁN CÔNG ĐỨC Y BÁT

Đêm khuya lẳng lặng trăng rằm

Canh ba điểm bút thậm thâm diệu huyền

Ôn cố nghìn thu lưu tạc dạ

Tâm tư suy gẩm ánh từ quang

Của quí muôn thu tích đạo tràng

Bửu pháp nan lương y vô thượng

Phước điền y chánh hiệu Thế Tôn

Bát chánh đạo thiên thu lưu tạc dạ

Giải thoát muôn loài đạo Thích Ca

Tam y thất chứng hiệu Ta Bà

Kim nhựt tồn tâm xưng tán niệm

Thích tử tán dương công đức hải

Pháp y vô thượng thắng Như Lai

Bát chánh đạo hoằng khai vô lượng kiếp

Tướng lưởi tam thiên ca tụng tán

Tam giới pháp vương vô thượng sư

Thích tử hậu lai tán dương công đức Phật

Báo y chánh pháp thiên thu thọ

Đạo bát chánh xuất nhơn gian

Ớ nầy Thích tử lẳng lặng tâm minh

Các con hảy lẳng lặng mà làm thinh

Cái chi vui cho bằng đạo Mâu Ni Thích Bửu

Cái chi vui cho bằng kẻ giải thoát triền miên

Thân tâm chánh hạnh chẳng đảo điên

Kẽ xuát gia lòng dạ chẳng chinh nghiêng

Ớ nầy Thích tử giáo lý Như Lai thật diệu huyền

Cũng bởi chiếc y vô thượng phước điền tâm

Bát chánh đạo vạn năm bất hoại

Lẳng lặng làm thinh trong lẳng lặng

Pháp tướng tâm y diệu diệu lành

Bát chánh đạo niệm niệm chẳng sanh

Đêm thanh gió mát ánh trăng tròn

Niệm niệm Như Lai điểm điểm son

Ngủ trược nhơn gian hề mộng ảo

Pháp y tối thượng đó nghe con

Ớ nầy Thích tử vắng lặng lòng son tâm an ổn

Thầy hằng ca tụng bốn oai nghi

Bổn thệ nguyện tu trì vô lượng kiếp

Như Lai pháp bửu thiệt Thế Tôn

Bốn tướng thinh thinh nhịp nhàng mấy độ

Oai nghi thắng thượng đạo chơn truyền

Phước báo nhơn thiên đời đời bất diệt

Chúng sanh sáu cửa đặng yên tâm

Như Lai xuất hiện ánh trăng rằm

Ớ nầy Thích tử hà sa vô lượng kiếp

Công năng tối thượng phục bái Như Lai

Kim nhựt đại hạnh nguyện thệ hoằng khai

Thích tử thủ trì y bát

Đạo Như Lai tối thượng nhơn gian

Muôn loài thoát khổ cảnh lầm than

Thiện tâm giác ngộ ban vui cho trần thế

Xuất gia phạm hạnh giải đường mê

Khai mở tứ diệu đề y vô thượng

Thoát ly sanh tử độ trần gian

Như Lai tướng hảo bởi tâm ngài đại hảo

Thầy hằng khen con thúc liểm oai nghi

Phạm hạnh đầu đà vi tối thượng

Tấn đạo nghiêm thân thoát bụi trần

Lẳng lặng trầm tư tâm vô tận

Tịnh tọa công phu giải thoát tâm

Như Lai xuất hiện ánh trăng rằm

Quang minh phô tả tận tam thiên

Pháp vũ ban truyền thông tam giới

Ớ nầy Thích tử buổi bình minh tỏ rạng

Xa xa trông thấy dạng Sa Môn

Tướng hảo Tỳ Kheo tăng phẩm hạnh

Oai nghi đạo hạnh thật trang nghiêm

Đường hoang lộ chơn đi nhẹ gót

Bổng trực nhìn biệt hiệu của Sa Môn

Tướng hảo quang minh khắp tiếng đồn

Đạo Như Lai phổ tế trần lao

Chúng sanh sáu nẻo phát lòng từ vô lượng

Khai tâm nhơn thế xã bỏ tham sân

Gieo duyên trong thế hệ phước điền nhơn gian

Khổ hạnh thiên thu đạo Thích Ca

Oai nghi bốn tướng hiệu đầu đà

Dạo khắp nhơn trần trong bá tánh

Thoát ly tam giới Sĩ Đạt Ta

Tiếng dội hằng sa trong thế giới

Gô Ta Ma giải thoát hạnh đầu đà

Lẳng lặng tham thiền trong lẳng lặng

Xóa đi những ảo mộng trần lao

Muôn ngàn danh lợi chẳng xuyến xao

Trăm vui muôn đẹp nhơn gian huyển ảnh

Rửa sạch tâm nhơ thoát bụi hồng

Sáu căn chẳng chút ố lem

Cửu khiếu tịnh thiền tâm giải thoát

Xa lìa thập ác xóa lợi danh

Ớ nầy Thích tử đạo Mâu Ni kiêng cử vọng tâm

Trang nghiêm bốn hạnh chẳng thì thầm

Lục tự Nam Mô chẳng loạn tâm

Tịnh thiền niệm Phật duyên minh tịnh

Công phu lục tự tịnh tọa an cư

Rửa tâm thuốc quí đạo Di Đà

Lục tự ma ha tịnh tọa thiền

Bốn tướng oai nghi chơn pháp tánh

Kiết già tịnh tọa niệm hồng danh

Oai nghi bổn hạnh đạo cao thâm

Vô thượng y vương hiệu pháp trầm

Bát chánh đạo mùi thơm lưu vạn thuở

Kim nhựt Thích tử tín thọ phụng hành

Bốn hạnh trang nghiêm thành tịnh độ

Lăng nghiêm pháp bửu giải tâm phàm

Rửa sạch tâm nhơ nghiêm trì giới luật

Giác ngộ chơn tâm bổn tánh Như Lai

Ớ nầy Thích tử tín thọ phụng hành

Như Lai tướng đại hảo bởi tâm ngài đại hảo

Như Lai tướng đại thanh tịnh

bởi tâm ngài đại thanh tịnh

Như Lai tướng đại quang minh

bởi tâm ngài đại quang minh

Như Lai tướng đại kiết tường

bởi tâm ngài đại kiết tường

Như lai tướng đại trang nghiêm

bởi tâm ngài đại trang nghiêm

Ớ nầy Thích tử, y là y vô thượng bát chánh đạo

Thiện tai, thiện tai,thế gian hy hửu

Thiện tai, thiện tai,thế gian hy hửu

Ngày Rằm tháng Tư năm Quí sửu, 1973.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng – Xưng Tán Công Đức Y Bát”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com