Mục Lục

Tại Tổ Đình Linh Sơn Tự (núi Dinh) vào những năm 1961 đến 1963 có rất nhiều chư Tăng Ni ở các Giáo hội bạn về họp chúng tu học Tịnh độ, hoặc hành pháp thiền, hoặc chư Sư ở Giáo hội Tăng già Khất sĩ xin phép Giáo hội đi tu tịnh, học giới luật để trở về thọ giới Tỳ Kheo, hoặc rời khỏi Giáo Đoàn vĩnh viễn … nơi đây Đức Tôn Sư Thiện Phước cho xây dựng thêm liêu, phòng, am, thất để chư Tôn đức có nơi chốn tu hành, bây giờ chính nơi đây cũng đã có nếp sống lục hòa đạo vị giữa tu sĩ trong Tông môn và Tu sĩ ngoài Tông môn, cũng chính nơi đây có sự hòa hợp giữa Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Trong số chư Sư về núi tu tịnh có Sư ở Giáo đoàn Sư Trưởng Thích Huỳnh Minh, Giáo đoàn Đức Thầy Giác Lý, Giáo đoàn Đức Thầy Thích Từ Huệ, Giáo đoàn Pháp sư Thích Giác Nhiên, Giáo đoàn Khất sĩ Đại sư Huệ Nhựt. Về phía Bắc Tông thì có các vị đệ tử của Đức Pháp Chủ Thích Khánh Anh của Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh, đặc biệt là Sư Hoàng Chiếu sau khi du học bên Ấn Độ về đã đưa gia đình vào Tổ Đình Linh Sơn xin cầu pháp tu hành và chính Sư cũng cầu pháp với Đức Tôn Sư Thích Thiện Phước (Mẫu Trầu) để được trợ duyên trong việc hoằng dương chánh pháp, hiện nay gia đình quyến thuộc của Sư vẫn còn tu và làm Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni tại Tổ Đình Linh Sơn, núi Bồng lai.

Trước đó, năm 1960 Đức Tôn Sư có cho người điêu khắc Long vị Đức Giáo Tổ Minh Đăng Quang để thờ tại Tổ đường chung với các bậc Tổ sư Tiền bối, tiền hiền khai khẩn, khai sơn Tổ Đình Linh Sơn. Đây là sự kiện đầu tiên đánh dấu một giai đoạn trong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có pháp hạnh Khất sĩ. Long vị Đức Giáo Tổ Minh Đăng Quang cũng đồng chung số phận với Tổ Đình và Thánh Địa Non Bồng phải trải qua một trận mưa bom khủng khiếp vào ngày 30 tháng 7 năm Ất tỵ (1965), tất cả những cốt tượng Phật bằng ciment, gỗ, đồng đỏ, đồng đen, đá quý đều phải bị tiêu tan hoàn toàn… mấy ngày sau, Tăng, Ni, Phật tử Tổ Đình kiểm điểm lại thì chánh điện, đạo tràng chỉ còn lại nền không với đống miểng bom vụn vặt, có khoãng trên 500 tượng Phật, Bồ tát và Thánh hiền kễ cả tượng cốt trở thành những phế liệu ở giữa rừng xanh. Lạ thay khi Tăng Ni làm Phật sự dọn dẹp, thì chỉ thấy còn lại một Long vị của Đức Giáo Tổ Minh Đăng Quang nguyên vẹn và đem tôn trí thờ lại giữa nền chính điện của Tổ Đình cho đến hôm nay vẫn còn thờ tại Tịnh xá Khất sĩ.

Dưới đây tôi xin kể một vài mẫu chuyện nhỏ nơi cửa thiền, nhưng có tác dụng lịch sử, qua những sự liên hệ giữa Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng với Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, rất mong quý chư sơn thiền đức từ bi hoan hỷ và chư đọc giả miễn chấp….

Chuyện kể 1 : ( … ngược dòng thời gian,xin được ghi lại hành trình của một vị giáo phẩm trong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng sinh sống vùng đồng bằng Cửu long giang)

Ngày 30 tháng 7 năm Canh Tý (khoãng tháng 9/1960), lúc bấy giờ tôi đang theo học lớp Đệ Tứ của một trường Trung học Bán công quận Chợ Gạo, cha mẹ từ trần sớm, tôi nhận thấy cõi đời đối với tôi là vô vị, mặc dù tôi là một Phật tử quy y Tam Bảo, được Hòa Thượng Bổn Sư thượng Quãng hạ Đức thế độ (HT tự thiêu năm 1963 giữa ngã tư Phan Đình Phùng để bảo vệ chánh pháp và Phật giáo Việt Nam). Song khi quyết chí đi tu xuất gia, liền trốn gia đình quyến thuộc thân hành về hướng vùng núi non tỉnh Bà Rịa (nơi mà trước đó năm 1959, Cha đã từng hướng dẫn tôi đến lễ Phật, lễ Thầy Tổ) theo chân bà con cô bác, cùng quý Phật tử về tại Tổ Đình Linh Sơn xuất gia đầu Phật, cầu học đạo với Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước (Mẫu Trầu) và Đức Thầy thượng Huệ hạ Giác, tôi được Đức Thầy đặt pháp danh là Giác Quang, sau khi đặt tên Đạo xong Đức Thầy liền nói : “ Đặt tên cho chú theo họ Phật (Giác) để sau này trưởng thành, nên đạo nghiệp, vừa phát huy hoằng truyền giáo pháp Tông phong Non Bồng vừa trợ duyên Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam

Nói xong, Đức Thầy liền xoa đầu tôi ba lần, và tôi gieo năm vóc đảnh lễ Thầy với lòng tôn kính, ngưỡng mộ.

Từ đó đến nay đã 30 năm (1989). Tôi đã trưởng thành và trở nên hàng giáo phẩm cùng với các vị giáo phẩm khác lãnh đạo Tông môn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng …

Chuyện kể 2 : … Năm lên 10 tuổi, tôi theo Ba lên Tỉnh buôn hàng về bán, chuyến xe Mỹ Tho – Gò Công vừa ngừng tại bến Chợ Gạo là nơi gần nhà và tiệm buôn của Ba tôi hiệu là Phước Thành, chuyên bán hàng sĩ và lẻ.

Khi anh nhân viên xe xuống hàng xong, xe bắt đầu lăn bánh về hướng Gò Công.

Lúc bấy giờ một đoàn Du Tăng Khất Sĩ khoãng 20 vị đang xếp hàng dọc, bách bộ từ hướng Mỹ Tho về Gò Công trông rất trang nghiêm, nghi vệ, đầy đủ oai nghi và nghị lực, đôi mắt xủ mày ngó xuống về phía trước, cùng bước đi kẻ trước người sau thật đều đặn, cử chỉ phong cách thật đạo hạnh, không xao động, rộn ràng chút nào…

Rồi các vị ấy từ từ tiến bước, khi đi ngang qua trước mặt Ba và tôi, tôi vội hỏi :

- Ai, mà mặc đồ lạ quá ?

- Ba trả lời : – Phật đó con, con quỳ xuống lạy Phật đi con.

Tôi sẳn sàng vâng lời dạy và gieo năm vóc kính lạy Phật (chư Sư) trong đoàn ba lạy. Lòng tôi vừa sờ sợ vừa e ngại, nhưng sau nầy khi khôn lớn, tự nghĩ “rất vinh dự” vì được lạy Phật (chư Tăng) và cũng là người Phật Tử biết tôn kính chư Tăng đệ tử của Đức Phật.

Đây là một chuổi thời gian ngắn, một giai đoạn tuổi thơ của tôi, mang những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên. Cho đến khi xuất gia đầu Phật (gia đình truyền thống Đạo Phật ba đời), tuy không phải tu học hành đạo theo phái Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam, nhưng với một vài nhân duyên thiện nguyện trên đến với tôi liên tục cho đến khi Đạo Phật Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng khởi xướng thành lập nhiều Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng tại Tổ Đình Linh Sơn.

“Lưu Niệm Tuổi Thơ ” với một vài câu chuyện nhỏ trên đây xin được góp phần vào mục III… ở chương thứ nhất này. (trích lưu niệm tuổi thơ của Sa môn Giác Quang).

Với vài câu chuyện trên là bước đăng trình đã qua của một Nhà sư, cốt truyện chỉ là những hình ảnh nhỏ, nhưng tạo nên một ấn tượng lịch sử lớn trong văn hệ Đạo Phật Việt Nam, tạo thành đại nhân duyên lành, tác động tình thâm, mật thiết thật sâu sắc trong tâm khảm của các Nhà sư Du Tăng Khất Sĩ Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam trong tương lai, thông qua kỷ niệm của một Nhà Sư Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng.

Sa Môn GIÁC QUANG

Ngày mùng 01 tháng 02 năm 1961 Đức Tôn Sư cho người xây dựng một ngôi tịnh xá gọi là TỊNH XÁ KHẤT SĨ dành cho chư Sư Du Tăng Khất Sĩ an trú, đồng thời kiến tạo thêm ngôi QUAN ÂM PHẬT TỰ tại một hang rất rộng và thoáng mát. Hang này chư Sư có thể lưu trú từ 40 đến 50 vị. Thật vậy, sau khi kiến tạo xong chư Sư Non Bồng và chư Sư các Giáo Đoàn bạn an trú tu học tại đây thời gian lâu dài.

Ngoài Quan Âm Phật Tự và Tịnh Xá Khất Sĩ ra, còn có các Hang, Điện khác như Điện Bồ Đề, Điện Dịa Tạng, Điên Bát Tiên, Điện Phổ Đà, Điện Lôi Âm, Bửu Cung Phật Nam, Bửu Cung Phật Nữ cũng là những nơi dành riêng cho Chư Tăng Ni Khất Sĩ an trú tu tịnh.

Tất cả những Hang, Điện, Tịnh Xá, Chùa trên cũng đều tọa lạc trong phạm vi sinh hoạt tu hành của Thánh Địa Đạo Phật Non Bồng, nơi mà ĐứcTôn Sư gọi là Bàn Cổ Sơn, hay Cổ Sơn, cũng gọi núi Dinh, núi Bồng Lai.

Chúng tôi sẽ tiếp tục nói đến hành trạng của Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước, biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai có sự liên quan mật thiết trong quá trình hành đạo của Đức Giáo Tổ Minh Đăng Quang.

Giáo Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng được thành lập ngày mùng 08 tháng 04 năm Tân Sửu (1961) tại Tổ Đình Linh Sơn Tự, Núi Dinh, xã Phước Hòa quận Long Lễ, Tỉnh Phước Tuy, (thuộc địa phận xã Hội Bài, huyện Tân Thành, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ngày nay ) do Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước khởi xướng. Ngài đã dự đoán trước cho tương lai của Tăng Ni Non Bồng trên đường hành đạo, du hóa hoằng pháp lợi sanh, nên ngoài việc giáo hóa Pháp môn Niệm Phật làm thú hướng, Ngài kiến tạo một nền Phật Pháp chính chân : “ĐOÀN DU TĂNG KHẤT SĨ NON BỒNG ”và do chính Đức Tôn Sư là vị Trưởng Giáo Đoàn đầu tiên lãnh đạo giáo hóa chư Tăng chư Ni.

Lúc bấy giờ Đức Tôn Sư có thỉnh quý Thượng Tọa, Đại Đức, quý Ni Sư, Sư Cô ở các Giáo Đoàn bạn đang tu tịnh, nhập thất tại Tổ Đình Linh Sơn họp cùng với quý Thượng Tọa, Đại Đức trong Môn phong làm lễ truyền giới, ban Pháp y cho chư Tăng chư Ni dưới sự chứng minh chủ trì của Đức Tôn Sư, quý chư Tăng trong Tông phong và quý chư tôn Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, Giáo hội Tăng Già Nam Việt, Giáo Hội Khất Sĩ Đại sư Huệ Nhựt.

Lễ truyền y bát lần thứ nhất này có khoãng 120 Tăng Ni giới tử lãnh thọ.

Thọ học pháp hạnh Khất Sĩ lần đầu tiên luôn còn xa lạ với chư Tăng Ni Đạo Phật Non Bồng. Nhưng với tâm hồn vô tư lự, giải thoát, giải thoát tri kiến của người tu sĩ xuất gia, như những hoa sen trong ao liên trì nơi vùng núi non xưa (cổ sơn) thật là hoan hỷ tiếp nhận và bắt đầu cuộc hành trình phụng sự chánh pháp, hoằng truyền bức thông điệp Đức Tổ Sư với bộ kinh “Chơn Lý Đại Đồng”, phát huy Đạo vàng Khất Sĩ của ba đời chư Phật và “học làm Phật” qua bộ Chơn Lý Đại Đồng của Đức Giáo Tổ Minh Đăng Quang thuyết giáo. Kể từ đây Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước đã thành công trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, hóa hợp được Pháp Môn Niệm Phật, của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và pháp hạnh Khất Sĩ.

Trong bài giảng “Bông Lai Đại Đạo” của Đức Tôn Sư có đoạn như sau:

“……

Vạn pháp quy tâm toàn chơn Phật

Đường đi nẽo tắt thật không xa

Kêu gọi nhơn trần giống Thích Ca

Quan Âm Bồ Tát giải thoát ta bà

Khuyên tu Tịnh Độ chẳng nệ đường xa

Truờng chay kiến tánh vốn Di Đà

Sáu viên thuốc quý của Phật Bà

Trong uống ngoài thoa khỏi kiếp ma

Bồng Lai thiết hội “Đạo Tăng già ” (Khất sĩ)

Quảng bác trang nghiêm của Thích Ca,

……”

Với truyền thống trên 70 năm truyền giáo và thành lập Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng Đức, Tôn Sư có những phương pháp tu hành riêng biệt hướng dẫn cho người Tu sĩ Phật giáo Non Bồng tu học theo phong cách của người tu núi.

Nhân ở tiết mục nầy, người biên soạn xin có một vài nghĩ suy :

1 . Đức Bồ Tát Sĩ Đạt Ta sau khi đắc đạo dưới cội Bồ Đề, Ngài liền suy nghĩ đến 5 anh em Ông Kiều Trần Như, là những người bạn đồng tu cũng là đệ tử, nhưng vẫn còn tư tưởng vướng bận phiền não trong tam giới. Ngài liền trở về Vườn Lộc Uyển, Chuyển Pháp Luân, nói Pháp Tứ Đế, giúp họ giác ngộ thoát ly sanh tử luân hồi và cuối cùng các vị giác ngộ đi theo Đức Phật tu hành đến đắc đạo. Đây cũng chính là hạnh nguyện của Đức Thích Ca, cũng là ước nguyện chung của chư Tổ sư và mọi người đệ tử Đức Phật.

Người tu học Đạo Phật, sau khi thấm nhuần Chơn lý, cãm nhận sự an lạc, giải thoát, họ là những người đầu tiên mong cầu giải thoát và ước nguyện cho mọi người đồng giải thoát. Với tâm nguyện đó, là nguyên nhân mọi người đến với người học Đạo Phật, không riêng gì Đức Tôn Sư Mẫu Trầu.

2. Người tu Tịnh Độ niệm Phật, tâm niệm duy nhất của họ là giờ giờ phút phút luôn chánh niệm danh hiệu Phật Di Đà, thậm chí những người suốt đời gây tội lỗi, lầm đường lạc nẽo cho đến các loài bò bay mái cựa thảo mộc côn trùng mới tiến hóa, nếu biết niệm Phật đều được Phật hóa độ (Quy Nguyên Trực Chỉ, trang 26). Kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật Di Đà phát nguyện : “như ai xưng tên ta, ắt sanh về nước ta, nếu chẳng được vậy, ta hề chẳng làm Phật”.

Sự cãm nhận của Phật A Di Đà đối với những chúng sanh giữ chánh niệm danh hiệu Ngài đều được thành tựu như ý, thật đơn giản dể tu dể chứng, nhưng rất thuyết phục với phương pháp nầy. Các Tự Viện của Đạo Phật Non Bồng truyền thừa pháp môn niệm Phật, nên rất thuận duyên trong việc giáo hóa tập chúng tu học. Vả lại, cũng rất phù hợp các căn tánh chúng sanh và một thế giới đầy dẫy khổ đau vui buồn, cần có tha lực Phật trợ duyên để siêu phóng phiền não, tiến đến giải thoát an lạc.

Khác với pháp môn Thiền, chỉ phù hợp với bậc thượng căn, trí sâu huệ sáng, nên khó có người tu bền, liễu chứng chính chắn.

Như trong Tứ Liệu Giản, Ngài Vỉnh Minh Diên Thọ, Tổ thứ sáu của Tông Tịnh Độ đã dẫn :

“ Có Thiền không Tịnh Độ

Mười tu, chín kẻ dần dà

Ấm cảnh nếu hiện tiền

Thoạt theo nó mà đi

…………….

Không Thiền mà có Tịnh Độ

Mười tu mười vãng sanh

Đặng gần Phật Di Đà

Lo gì không khai ngộ…”

Sự truyền giáo của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng chính là sự tiếp bước, lửa sau tiếp nối lửa trước, nối gót các bậc Tổ Sư vãng bối. Truyền đạt niềm tin thật trong sáng đến với nam nữ Phật Tử và chính Liên Tông Non Bồng phát nguyện sẽ là một trú xứ thừa kế hoằng dương giáo pháp thông qua pháp môn niệm Phật trong khoãng cuối thế kỷ 20 bước đầu thế kỷ 21 nầy.

Bài thơ sau đây của một cựu Tăng sinh Phật học Đường Tây Phương Bồng Đão sáng tác, nói lên hành trạng của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng tại Tổ Đình Linh Sơn vào năm 1963 :

“Chánh pháp sơ khai bát nhã thiền

Linh Sơn Tăng sĩ viếng non tiên

Pháp môn niệm Phật cùng tu tiến

Kết hợp Huỳnh y hóa hữu duyên.

Truyền thừa chánh pháp Tổ khai sơn

Nhẫn nhục tinh chuyên chí chẳng sờn

Hôm sớm kết duyên cùng sanh chúng

Anh Đạo Tôn Sư sáng Cổ sơn.”

Phật Học Đường TÂY PHƯƠNG BỒNG ĐẢO

Giác Quang năm 1963

…Và tiếng lòng của Sơn Tăng sau giờ học tập :

Gió chiều luôn nhẹ bay

Cành lá cây chuyển lay

Lòng ta trong thư thái

Nào vui mặc tĩnh say.

Chiều nay gió nhẹ bay

Thế sự đều động lay

Còn ta trong thư thả

Mặc ai niệm đổi thay.

Trời chiều gió nhẹ bay

Linh sơn chính là đây

Qua rồi hai mươi kỷ

Hôm nay gặp chốn này (*)

Đại thạch Ngũ Đài Sơn

Tổ Đình Linh Sơn, núi CổSơn, Năm Nhâm Dần

(*) Tác giả bài thơ là tu sĩ của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, một tập sự Nhà Sư để trở thành một Nhà Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng, hiện nay là hàng Giáo Phẩm lãnh đạoTông phong, có nhiều đóng góp thiết thực và tích cực trong công tác Giáo Hội PGVN đem Đạo vào Đời, hoằng pháp lợi sinh cùng với tổ chức.

Tại Tổ Đình Linh Sơn, núi Dinh, tác giả cảm niệm về quá khứ cách đây trên 2000 năm trên đỉnh núi Linh Thứu, nơi Đức Thế Tôn nói kinh Pháp Hoa không khác gì Linh Sơn núi Cổ Sơn nầy, nơi Tác giả an trú tu học.

H T Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com