Mục Lục

Thánh Địa Tổ Đình Linh Sơn cũng gọi là Thánh Địa Non Bồng, cảnh tiền môn trông ra Thái Bình Dương bao la xanh thẳm, cách bờ biển khoảng 20 km đường chim bay. Rộng 150 mẫu tây, Đông giáp Suối Tiên (một thắng cảnh của Bà Rịa Vũng Tàu), Tây giáp Suối Bồng Lai đến tận Láng Cát, Nam nằm dọc theo quốc lộ Saigon – Vũng Tàu, Bắc giáp với đỉnh Bao Quan II và Bao Quan III. Vị trí thực địa nằm cách thị xã Bà Rịa 7 km đường QL 15.

Những năm 1957 đến 1965, người Phật tử miền Trung, miền Nam, không ai không nghe đến địa danh cầu Rạch Ván, xã Phước Hòa, núi Bồng Lai. Năm 1960 (Canh Tý) 1961 (Tân Sửu), 1962 (Nhâm Dần) hằng ngày có đến trên 10.000 lượt nam nữ tín đồ Phật tử đến Tổ Đình Linh Sơn lễ Phật, nghe Pháp, Quy y. Hàng giáo phẩm Tăng Ni của các Giáo hội bạn như Khất sĩ, Giáo hội Tăng già Nam Việt, Lục Hòa Tăng, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt về đây an trú và được Tổ Đình Linh Sơn hộ trì, phương tiện tịnh tu, hành đạo như : Sư Giác Xuất, Sư Giác Hà, Sư Giác Cải, Sư Giác Sử, Đại Đức Hoàng Chiếu, Liên Phương, Phước Điện, Nhất Phương, Yết Ma Thiện Hội, giáo thọ Thiện Long … về Ni giới có sư cô Như Quang và chư Ni giới Bắc Tông, Khất sĩ trẻ tuổi khác…

Thánh địa tổ đình Linh Sơn tự có nhiều Hang động, Điện, Chùa, Am, Cốc, Tịnh thất được tạo dựng bởi thiên nhiên hay sức người giúp cho Tăng Ni có nơi an trú, tất cả có gần 20 trú xứ, chia ra như sau :

1. Trú Xứ Điện Bát Tiên :

Thuộc về khu vực Suối Tiên, một ngọn suối có nguồn nước lưu lượng dồi dào, suối chảy quanh năm, phát nguồn từ các đỉnh Bao Quan. Điện Bát Tiên nằm cạnh dòng thác cao 6m với một hồ nước thiên nhiên giữa dòng suối có thể tích 4000 mét khối nước. Điện này được kiến tạo lại bằng công sức của chư Tăng Linh Sơn, dùng để cho chư Tăng Khất Sĩ về đây tu tịnh.

2. Trú Xứ Điện Tào Khê :

Nằm cách Tổ Đình Linh Sơn, 1,5 km đường dốc, giữa khu rừng chồi đất bằng phẳng có nhiều tre, trúc và cây kỳ nam, có khe nước róc rách quanh năm, thuận tiện cho việc an cư tu tịnh. Nơi đây là nơi dành cho chư Ni Non Bồng tu tịnh. Được kiến tạo lại vào năm Tân Sửu.

3. Trú Xứ Điện Lôi Âm :

Cách Tổ Đình Linh Sơn 1km đường dốc, nằm trên hai phiến đá có mặt bằng 60 mét vuông và mặt phẳng độ 30 mét vuông. Nơi đây là một nơi của Đức Tôn Sư thường nhập thất (năm 1961, 1962 do Sư Thiện Tâm, Sư Giác Quang làm thị giả). Ngoài ra còn có một tảng đá bề mặt 16 mét vuông, cao 5m, mặt đá bằng phẳng dùng làm nơi Đức Tôn Sư tịnh niệm về đêm. Từ năm 1977 đến nay Sư Cô Diệu Lượng Trụ trì.

4. Trú Xứ Điện Phổ Đà :

Là nơi khai sinh Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Lần đầu tiên năm 1957 (Đinh Dậu) Đức Tôn Sư đã về đây, xuống tận đáy sâu của Điện khoãng 8m để tịnh niệm. Điện Phổ Đà nằm giữa rừng sâu thăm thẳm, bốn bề cách biệt với cảnh trí đồng bằng, bởi ba đỉnh núi nhỏ nằm trong lòng Bao Quan, tuy có tiếp nhận ánh sáng mặt trời, nhưng hàng ngày vẫn âm u tịch mịch, phạm vị của Điện rộng ½ mẫu tây được kiến tạo lại vào năm 1959 và năm 1980.

Năm 1973 Đức Thầy Huệ Giác và một số Tăng Ni Quan Âm Tu Viện (Biên Hòa) có về đây chiêm bái sau 8 năm xa cách vì chiến tranh, đã dùng đèn pin để đi xuống tận Điện một lần nữa ( Sư Huệ Hải người dẫn đầu xuống tận hang sâu), một chiếc đèn chai để thờ và một bát hương vẫn còn nguyên vẹn vị trí, cho đến nay được Tăng Ni trùng tu và gìn giữ.

5.Trụ xứ Điện Bồ đề :

Do Sư Trưởng lão Thích Từ Đức, Trụ trì từ năm 1962 khu vực của Điện rộng 6 mẫu tây, có nhiều phiến đá lớn rộng khoảng 100 hoặc 300 mét vuông. Điện do thiên nhiên cấu trúc bới 3 phiến đá lớn tạo thành một cái hang chứa được 20 người cùng lúc. Tại Điện Bồ Đề có thể nhìn xuyên suốt mọi cảnh trí của núi Thị Vải, xã Phú Mỹ, Phước Hòa, Chu Hải, Long Hương. Điện Bồ Đề nằm trọn trên một đỉnh núi của vùng Bao Quan, cao 600 m, Điện được kiến tạo từ năm 1956, huê viên của Điện có đủ các loại cây ăn trái và trồng hoa màu, có thể tạm cung cấp cho những Tăng Ni nào ở đây tu tịnh. Điện Bồ Đề còn có một khe suối lớn cung cấp một trữ lượng nước 400 mét khối nước/ngày và quanh năm dư giả, nên cũng được dùng vào việc tưới tiêu cho vườn cây, hoa màu phụ …

Trước năm 1962 Điện là nơi Đức Tôn Sư vãng lai nhập định, từ năm 1962 đến 1984 do Sư Trưởng Lão Từ Đức Trụ Trì, từ năm 1976 đến nay do Sư Cô Diệu Thọ làm Trụ Trì trông coi và tu hành tại đó.

Cũng tại Điện Bồ Đề này còn có các Sư Huệ Hải, Sư Chánh Lạc, Sư Giác Khánh, Thiện Ngộ và một số Ưu Bà Tắc về đây tu tịnh khoãng 12 năm (1963 – 1974).

Điện Bồ Đề vẫn tồn tại với thời gian trong lòng núi non hùng vĩ

6. Trú Xứ Điện Địa Tạng :

Cạnh bìa rừng bên phải của Điện Bồ Đề, cách Điện Bồ Đề 600 m đường dốc núi. Điện Địa Tạng cũng có khe nước chảy quanh năm cạnh điện, nơi đây tôn trí thờ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Điện Địa Tạng là trú xứ đã giúp cho một số nhà Sư Du Tăng Khất Sĩ về đây tu tịnh như Sư Từ Quang, Thiện Hưng, Thiện Thạnh, Thiện Đạo, Thiện Minh, Thiện Phát … Ngoài ra năm 1961 có Sư Thiện Long từ Linh Sơn Tiên Thạch Tự (núi Bà Đen) cũng về đây tịnh dưỡng đến năm 1963. Tuy cách Điện Bồ Đề không xa, nhưng Điện Địa Tạng coi như nằm giữa rừng sâu bốn bề u tịch, vắng bặt cảnh trần, lặng lẽ chốn thâm sơn, hằng ngày chỉ nghe chim kêu vượn hú, dòng suối nhỏ nhè nhẹ róc rách quanh năm, không còn thấy đâu đây những cuộc sống chốn thị thiền cõi tục. Xứng đáng là nơi để các Sa Môn nương tựa tu hành.

8. Trú Xứ Điện Kim Cang:

Thiên nhiên đã cấu trúc cho Điện bởi một vựng đá thật to lớn nằm giắt ngang dòng suối, lối vào điện nhỏ và thấp, nhưng khi vào trong điện được mở rộng chừng 9 mét vuông. Điện Kim Cang là Điện thờ chớ không thể ở được, vì lòng Điện và mặt bằng có chiều cao không thoải mái lắm, lại thêm dòng suối chảy ngang Điện, sự giá lạnh luôn thường trú trong Điện dù không phải là mùa đông. Chung quanh Điện, cảnh trí cũng như đất ở đây quanh năm ẩm thấp sìn lầy, do thiếu ánh sáng mặt trời. Điện được khoanh vòng bởi các đỉnh núi nhỏ, thu ngắn tầm nhìn của các Tu sĩ tại trú xứ này. Nếu hành giả nào muốn tu tịnh ở Điện Kim Cang, cần phải dựng thêm một cái am hoặc cốc thì có vẽ thanh thoát và thuận lợi cho đường tu hơn. Điện Kim Cang không thiếu nước, nhưng nơi đây chỉ thiếu ánh sáng, lương thực và ánh nắng. Nên rất ít các nhà tu Thiền hay Tịnh độ về đây nhập thất, chỉ có Đức Tôn Sư đã về đây tu tịnh thời gian ngắn trong thời gian đầu khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

Điện Kim Cang thuyết phục được các Nhà sư và nam nữ cư sĩ đến đây thăm viếng, nhưng không thu hút được các Hành giả an trú lâu bền. Tuy nhiên đứng về phương diện tâm linh, vô vi thì điện Kim Cang rất xứng đáng là chiếc nôi của Tăng Ni, Phật tử Non Bồng.

Điện Kim Cang đời đời bất hoại, thì Tổ đình Linh Sơn cũng vĩnh cửu miên trường.

9. Trú Xứ Điện Quan Âm (Hang Mẹ)

Tức là Quan Âm Phật Tự, cách Điện Bồ Đề 700m, đường dốc núi thấp hơn Điện Bồ Đề 10m, cách Điện Địa Tạng 900m, Điện Kim Cang 1500m, Điện Lôi Âm 1000 m, nằm ở lưng chừng triền núi, cách Tổ Đình Linh Sơn Tự 2000 m đường dốc. Quan Âm Phật tự được thiên nhiên cấu trúc bởi một phiến đá có diện tích 40 mét vuông, độ dày của phiến đá là 6m, được kiến tạo thêm bằng sức người từ năm 1957, là một cái hang có thể chứa được chừng 40 người. Năm 1963 Quan Âm Phật Tự là nơi khai sinh Giáo đoàn II Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng, có 120 nhà Khất sĩ do Thượng Tọa Thích Thiện Duyên làm Trưởng Giáo đoàn. Năm 1965 được khai sinh thêm một Giáo đoàn nữa do Đại Đức Thích Thiện Chơn làm Trưởng Giáo đoàn III (từ 120 Nhà sư của Giáo đoàn II được tách ra). Riêng Giáo đoàn Ni giới Khất sĩ Non Bồng được tọa lạc tại Tổ Đình có khoảng 300 vị. Ngoài ra, còn có một Giáo đoàn Trưởng lão trên 20 vị, tức là Giáo đoàn I, gồm các Trưởng lão, do Đức Tôn Sư làm Trưởng đoàn tọa lạc tại Đạo Tràng Tây Phương Bồng Đão, có cơ sở Tịnh xá Khất Sĩ riêng (nằm cách chánh điện của Tổ Đình Linh Sơn 100m. Như vậy từ năm 1962 đến 1965, Tổ Đình Linh Sơn đã khai sinh 4 Giáo đoàn Du Tăng Khất sĩ trực thuộc hệ thống Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, gồm 3 Giáo đoàn Tăng và một Giáo đoàn Ni.

Tại Quan Âm Phật Tự là trú xứ có nhiều nhà Du Tăng về đây tá túc tu tịnh như Sư Giác Sử của đoàn Đức Thầy Giác Tịnh, Sư Giác Hà, Giác Cải của đoàn của Đức Thầy Giác Lý, Sư Từ Nghiêm, Từ Thiệt đệ tử của Đại sư Huệ Nhựt và chư Sư của đoàn Sư trưởng Thích Huỳnh Minh, Sư trưởng Thích Từ Huệ … Tổ Đình Linh Sơn xứng đáng là một Pháp hội như tại Linh thứu sơn ngày xưa tại thành Vương Xá. Ngoài Quan Âm Phật tự còn có các am, cốc, được dựng lên chung quanh điện, mỗi nơi có từ 2 đến 4 vị sư Tỳ Kheo an cư tu học tịnh niệm.

Cũng từ Quan Âm Phật Tự với 2 Giáo đoàn về sau, năm 1966 thành lập thêm một Giáo đoàn do Thượng Tọa Thích Thiện Chơn làm Trưởng Giáo đoàn và Giáo đoàn này có tạo dựng Tịnh xá Thiện Chơn tại xã Tân Thới Nhứt (Bà Điểm, Hốc Môn) làm nơi an trú cho Tăng chúng.

Vì số chư Tăng của Quan Âm Phật tự càng ngày đông, số lượng lên đến trên 200 vị, nên Hội Đồng Chư Tăng Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng phải tổ chức tu học theo qui chế Thiền Lâm, Tịnh xá :

- Mỗi ngày chư Tăng phải tham dự buổi học chơn lý từ 6 giờ đến 7 giờ.

- 9 giờ đại chúng tụng kinh Vu Lan, đồng thời phân công một số ô Sa Di về Tổ đình nhận các phần cơm cúng dường.

- 14 giờ học Chơn lý Đại đồng

- 16 giờ công phu chiều

- 19 giờ Tịnh độ tối

- 22 giờ niệm Phật

- 4 giờ sáng tụng kinh Lăng Nghiêm

Ngoài ra vào lúc 5giờ sáng các vị Sa Di và Ô Sa Di phải thực hiện công việc lễ bái chư vị Tỳ Kheo.

Quan Âm Phật tự cũng có một nguồn nước thiên nhiên cung cấp quanh năm, cách 300 m, được đặt ống dẫn về trước Bảo điện. Dòng nước đó hiện nay vẫn còn, dành cho Ni Sư Diệu Lượng ở Điện Lôi Âm sử dụng. Từ nguồn nước này mà vùng thung lũng giữa điện Quan Âm đến điện Lôi Âm trở thành những vườn cây cung cấp rau quả cho chư Tăng, Ni tu tịnh.

Quan Âm Phật tự ngày nay vẫn còn đó, trong khi bản tự đã đào tạo được một số hàng Giáo phẩm chư Tăng như Thượng Tọa Giác Khánh, Trụ trì chùa Liên Hoa (quận 8), Thượng Tọa Thiện Thọ Trụ trì Chùa Phổ Huệ Bửu Tự (quận 6), Thượng Tọa Thiện Chơn Trụ trì Chùa Quan Âm Tu Viện (đã viên tịch năm 1977) Thượng Tọa Giác Châu, Thượng Tọa Thiện Thành Phó Trụ trì Quan Am Tu Viện, Thượng Tọa Thích Giác Thông, Trụ trì Tịnh xá Thăng Liên Hoa ( Hiệp Hòa, Biên Hòa) Thượng Toa Giác Hải, Trụ trì Tổ Đình Linh Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) Thượng Tọa Huệ Hải, Thượng Tọa Thiện Hồng Phó Trụ trì Tổ Đình Linh Sơn, Thượng Tọa Thiện Lộc trụ trì Chùa Long Phước Thọ (Long Phước, Long Thành) Thượng Tọa Giác Quang, Giảng sư Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và các Chùa Quan Âm Tu Viện, Long Sơn Cổ Tự, tịnh xá Bửu Sơn, chùa Phước An.

Quan Âm Phật tự đã đào tạo được nhiều vị Giáo phẩm nồng cốt cho Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, đáp ứng được nhu cầu Phật sự từ thập niên 1965 – 1975 và 1975 – 1985. Chư Sư thật nhạy bén, tự kiềm chế, sống lục hòa xung quanh Đức Tôn Sư để giữ vững viềng mối Tông môn. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Giáo đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng.

9. Bửu Cung Phật Nam :

Là nơi để cho Chư Tăng, trong Tông Môn Non Bồng đến đây luân phiên nhập thất tu tịnh. Có hai Thảo Am được xây cất (từ năm 1962 nằm cách điện Lôi Âm 50m, chung một thung lũng.

10. Bửu Cung Phật Nữ :

Là một Thảo Am dành cho chư Ni trong Tông môn Non Bồng luân phiên trợ duyên cho nhau trong thời gian nhập thất tịnh niệm. Nằm cách điện Lôi Âm 150m, ở một triền núi khác. Nơi đây cũng là trú xứ của Ni giới Khất Sĩ Non Bồng. Phong cảnh Bửu cung Phật Nữ thật thú vị, một tảng đá rộng 42 mét vuông, cách chân núi 500m chiều cao, nhìn về đồng bằng Láng Cát, Phước Hòa, Phước Mỹ giống như một bức tranh trong khuôn hình tạo sẳn của người họa sĩ tạo hình.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Lịch Sử Trung Tâm Thành Lập Môn Phái Liên Tông Non Bồng – Tổ Đình Linh Sơn Phần 1”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com