Mục Lục

Trong những năm từ 1956 đến 1965, người Phật tử miền Nam thường nghe nói đến núi Bồng Lai : chính là một vùng rừng núi hùng vĩ, thiêng liêng và cổ kính, trải dài từ núi Thị Vải xã Phú Mỹ đến xã Long Hương (Bà Rịa) dọc theo quốc lộ 15 cũ (Saigon – Vũng Tàu).

Núi Bồng Lai tức là núi Dinh, theo bản đồ sông núi tỉnh Bà Rịa, thì đây là núi Bao Quan, cao 800m. Đỉnh Bao Quan cách đỉnh núi Thị Vải khoãng 10km đường chim bay, vùng núi Bao Quan có nhiều đỉnh, nhưng trong đó có ba đỉnh cao tương đối gần bằng nhau, vì vậy khi Tăng Ni về đây tu học có lên đến những nơi này và đặt tên cho ba đỉnh, theo số thứ tự Bao Quan 1, Bao Quan 2, Bao Quan 3… ?

Núi non trùng điệp bao đời tự thể thiên nhiên sáng tạo, nhưng về mặt lịch sử cũng lắm thiêng liêng cổ kính, nếu không có người đặt chân đến thì sự sáng tạo đó sẽ bị mai một.

Nhưng Bao Quan thì khác, lòng núi Bao Quan đã từng cống hiến bản địa của mình trở thành một Thánh địa Tịnh Độ Tây Phương, một cảnh trí non bồng nước nhược của Tiên Thánh, của chư Đại Sư Thiền cũng như Giáo đã từng đến đây mai danh ẩn tích tu hành và thị tịch trong quá khứ cũng như hôm nay.

Bao Quan cũng đã xây dựng nên cơ đồ Phật pháp, biết bao tiền nhân Tổ Đức dày công hoằng hóa, để tạo nên Tổ đình Long Mai (Hang Mai), Tổ đình Long Hương (Hang Tổ), Tổ đình Long Cốc (Chùa Giữa), Tổ đình Linh Sơn (Tây Phương Bồng Đão), Dinh Ong làm cho Bao Quan trở thành một trong những di tích lịch sử của Phật giáo miền Đông.

Trong quyển Lịch sử tỉnh Biên Hòa toàn biên, tác giả Lương Văn Lựu cũng có kể đến núi Dinh, đại khái như sau “ núi Trấn Biên (núi Dinh tại Phước Hòa – Ngãi Giao) cảnh tịch mịch, có tùng lộc, sơn khê là nơi tịch cốc của Sư Khắc Chân” (trang 212), có thể Tác giả nói đến núi Bao Quan chăng ? Nhưng sao không dùng chữ Bao Quan, mà dùng chữ Trấn Biên ? Nhưng nếu núi Dinh tại Phước Hòa – Ngãi Giao phải là núi Bao Quan.

Trên thực tế Chùa Hang Tổ (Tổ Đình Long Hương) nằm giữa lòng núi Dinh cách Tổ đình Linh Sơn Tự 4km đường dốc núi, là nơi Tổ khai sơn nhập định và viên tịch tại hang sâu thăm thẳm gần kề bên Chánh điện (theo truyền khẩu lâu đời, cho đến Sư cô Trụ trì kể lại cho chúng tôi nghe hồi năm 1961). Phải chăng, Tổ Khắc Chân tịch cốc rồi thị tịch tại Hang Tổ ?

Riêng Tổ Đình Linh Sơn là ngôi Cổ tự có trên 200 năm. Đến năm 1957 là nơi khai sơn môn phái LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG, góp phần làm tỏ rạng cho Phật giáo Việt Nam đang trên đà khởi sắc, khơi mầm phương tiện tế Tăng độ chúng, kế thừa giáo môn hoằng truyền chánh pháp.

Với tầm vóc vô biên của Bao Quan, tạo rất nhiều phương tiện thuận lợi cho chư Sư các môn phái tu hành. Như chứa đầy nước bát công đức làm lợi ích cho cho muôn vạn sanh linh trong mười phương, nên Bao Quan còn được gọi là Bàn Cổ Sơn, núi Bồng Lai, Non Bồng, núi Dinh.

Núi Bao Quan :

Một vùng núi có nhiều núi nhỏ bao quanh cac đỉnh cao nhất. Trong đó đỉnh cao nhất là Bao Quan I (cao 800 mét), Bao Quan II (cao 600 mét, Bao Quan III (cao 500 mét). Chung quanh vùng núi có nhiều ngõ vào, như ngõ Phước Hòa, ngõ Láng Cát, ngõ Long Hương. Phía sau núi là ngõ Châu Pha-Hắc Dịch, Long Giao, Long Khánh.

Bàn Cổ Sơn :

Núi non trùng trùng điệp điệp bao đời, tự thể thiên nhiên sáng tạo, chốn hồn thiêng sông núi, tạo nên một giang sơn gấm vóc cho sự sống bền bĩ, vĩnh hằng của Tổ quốc và Dân tộc Việt Nam, của con Hồng cháu Lạc trên hành tinh địa cầu.

Núi Bồng Lai :

Một cảnh sắc Tiên giới. Sở dĩ người khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đặt tên cho núi Bao Quan là núi Bồng Lai vì nơi đây là thắng cảnh được thiên nhiên ưu đãi, lắm thiêng liêng huyền bí, cảnh trí siêu thoát, cách biệt hẳn với phồn hoa đô hội. Theo ngôn ngữ Hán nôm, thì người với núi là “TIÊN”, người sống trên núi tâm hồn khác hẳn với người ở đồng bằng, tuy vẫn cùng sống trong đời ngũ trược, nhưng họ là những người muốn xa lìa ngũ trược họ là những người siêu thoát, chính họ là những người tạo nên cảnh trí Bồng Lai, qua nếp sống cao thượng, chính họ tô điểm cho núi non trở thành Bồng Lai tiên cảnh

Non Bồng :

Là tên riêng của thánh địa Tổ Đình Linh Sơn, để phân biệt với những danh lam cổ tự khác. Non Bồng cũng chính là tên hiệu của môn phái Liên Tông Tịnh Độ.

Núi Dinh :

Khác với núi Dinh cố, cũng có thể một dãi xuyên sơn với núi Dinh cố, Dinh cô, nên ở Bao Quan còn gọi là núi Dinh. Ở một nghĩa khác, tại Tổ Đình Linh Sơn, người xưa cũng có xây dựng một ngôi nhà lớn thờ ông Quan Công, nên người tu ở đây gọi là Dinh Ông. Từ núi Dinh có thể từ đây mà đặt tên, chớ không liên quan gì đến Dinh cố, Dinh cô.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Lịch Sử Trung Tâm Thành Lập Môn Phái Liên Tông Non Bồng – Đặc Điểm Sáng Tạo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com