Mục Lục
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH : (trích văn ngôn của Đức Tôn Sư ngày 14.09.1975 tại Quan Âm Tu Viện)
Tôi Hòa Thượng Thích Thiện Phước, Viện chủ Trụ trì Tổ Đình Linh Sơn Tự, Núi Dinh, ấp Hội Bài, xã Phước Hòa, quận Long Lễ, tỉnh Phước Tuy (cũ). Hiện nay là ấp Hội Bài, xã Hội Bài, huyện Châu Đức (Châu Thành ) Đồng Nai.
Lý do thành lập Cô nhi viện Phước Lộc Thọ, tôi là Tu sĩ đạo Phật thực hành và truyền bá pháp môn niệm Phật( Tịnh Độ Tông).
Năm 1957 (Đinh Dậu), tôi về núi Dinh để hành đạo lúc bấy giờ rừng núi còn rất hoang vu mờ mịt, không bóng người lai vãng, Chùa Tổ Đình Linh Sơn tiêu sơ cổ kính, mái đổ rêu phong, tường ngã màu nắng núi, nằm cách quốc lộ 15 khoảng 5,8 km cách chân núi 800m.
Vì thể hiện lòng từ bi của đạo Phật, tôi thương những hài nhi cô độc, nên mới khởi tâm làm việc từ thiện, xã hội, nguyện nuôi giúp những hài nhi của các hàng Phật tử Bổn đạo, khi sinh con khó nuôi, khó dạy, hoặc không đủ khả năng nuôi nấng, vì nghèo khó thiếu thốn vật chất và những hài nhi vô thừa nhận, hoặc những hài nhi mất cha mất mẹ.
Trong thời gian 1957 đến năm 1964 các hài nhi càng ngày càng đông, số lượng lên đến 100 cháu. Đến năm 1965 vì điều kiện chiến tranh tàn phá khốc liệt, Tổ Đình Linh Sơn, Cô Nhi Viện, Phật Học Đường bị hư hoại 100%, có 9 cháu cô nhi tử nạn, hàng chục tu sĩ bị thương nặng, nhẹ, nên phải tản cư về tạm trú nhiều nơi như : Chùa Phổ Hiền (xã Tân Thành, Biên Hòa), Nhứt Nguyên Bửu Tự (xã Vĩnh Phú Lái Thiêu), Đạo Tràng Phú Long (Lái Thiêu) và Chùa Phước Thiện An (xã Tân Thới Hiệp, Hóc Môn)
Đến năm 1968 Cô Nhi Viện Phước Lộc Thọ phải chịu một đại nạn chiến tranh Mậu Thân. Ngày mùng 08 tháng Giêng phải tản cư về tạm ngụ sinh hoạt tại Quan Âm Tu Viện, xã Bửu Hòa, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa (cũ) nay là xã Bửu Hòa, thị xã Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Kể từ năm 1965, tôi không còn chịu trách nhiệm Cô Nhi Viện nữa và giao lại cho Trưởng tử tôi là Thích Nữ Huệ Giác thế danh Nguyễn Thị Cưng, danh hiệu Cô Nhi Viện Phước Lộc Thọ có từ đây.
Hiện tại Giám Đốc Quan Âm Tu Viện Cô Nhi Viện Phước Lộc Thọ là Ni Sư Huệ Giác, Thượng Tọa Thiện Chơn làm Phó Giám Đốc kiêm Trụ trì Quan Âm Tu Viện.
Cơ quan Từ thiện Xã hội Cô nhi viện Phước Lộc Thọ là một cơ sở của Phật giáo, sinh hoạt đời sống tự túc, với lòng hảo tâm của con cháu Phật tử trong Tông môn, cùng đóng góp phục vụ xã hội, tuyệt đối không quyên góp, thu nhận tài sản của người nước ngoài, vì đây là hạnh nguyện của tôi khi mới thành lập Viện.
Cơ quan Từ thiện Xã Hội Cô nhi viện Phước Lộc Thọ cũng là cơ sở hành đạo theo một chí hướng truyền thống đạo Phật của Đức Từ phụ Bổn Sư Thích Ca, nên tất cả Tăng Ni, Phật tử phục vụ các cháu cô nhi cũng phải trường chay, mặc áo giới, tu học pháp môn niệm Phật, tụng kinh theo nghi thức thiền môn xưa nay.
Tất cả nhân viên Tu sĩ Dục nhi, Dưỡng nhi, Giáo viên, tổ chức Hành chánh, Ban Giám Đốc, vì lòng từ mẫn phục vụ cô nhi tình nguyện không ăn lương, người chịu trách nhiệm gởi hài nhi vào Viện, không đóng góp một Viện phí nào cả.
Chín năm hoạt động ở tại núi Dinh (1957 – 1965) mười một năm hoạt động tại thế (1965 – 1975). Cô nhi viện Phước Lộc Thọ không có động sản bất động sản về lâu về dài.
Ngày 14 tháng 9 năm 1975
Người sáng lập
đã ký
Hòa Thượng Thích Thiện Phước
Lời Phật Dạy :
“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật Giáo”
Đã được Đức Tôn Sư truyền đạt lại cho Tăng Ni, Phật tử Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng trong những năm đầu tiên mới khai đạo.
Vốn sẳn có tình cảm thiêng liêng giữa con người với con người, giữa con người với chúng sanh từ lúc còn ở quê nhà, chưa xuất gia hành đạo, lúc bấy giờ giặc giả chiến tranh, có rất nhiều thanh thiếu niên lạc lõng đến gia đình nhận Tôn Sư làm Anh nuôi hoặc là Cha nuôi. Tuy gia đình không giàu có mấy, nhưng Tôn Sư vẫn nhận rồi tự động gồng gánh nuôi dưỡng các con em như ruột thịt, những con em nầy về sau cũng có một số theo Tôn Sư tu hành.
Trên bước đường hành đạo từ miền Tây sang miền Đông, Đức Tôn Sư đã thể hiện được lòng bi mẫn, lòng từ ái của đạo Phật. Ngài muốn mang lại sự an vui trước nhất cho mọi người, giảng rõ Tứ đế của đạo Phật, nói rõ ngọn nguồn của khổ khổ, hoại khổ và hành khổ… Đồng thời xiển dương pháp môn Tứ Vô Lượng Tâm, Ngài đã chủ trương vừa hành đạo, vừa giáo hóa Tăng Ni, Phật tử Non Bồng làm việc Từ thiện Xã hội. Giúp đỡ người cô bần, nghèo khổ, nuôi dưỡng trẻ cô nhi, khiến cho họ được ảnh hưởng phước duyên, bước vào đường đạo đức, quy y Tam Bảo trở thành người Phật tử chân chính để báo đáp tứ ân …
Vì vậy, Tăng Ni, Phật tử Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng rất hoan hỉ phát lòng Bồ đề trong các Phật sự trên, nhưng không đánh mất phẩm hạnh Tu sĩ đang mang pháp y của Phật. Đặc biệt là Cô nhi viện Phước Lộc Thọ, hoạt động trong khuôn khổ của Giáo hội, được hợp pháp hóa bởi Trung ương Hội Phật giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam qua Phật sự chuyên ngành nên không có giấy phép của nhà cầm quyền, “vì chúng tôi chỉ muốn làm việc Từ thiện Xã hội, chớ không nhất thiết hoạt động suông trên hình thức tổ chức hành chánh”. Tuy nhiên sinh hoạt của Cô nhi viện Phước Lộc Thọ vẫn có quy cũ, nề nếp với một Ban Điều hành hồi năm 1960, do :
- Đức Tôn Sư Hòa Thượng Thích Thiện Phước : Cố vấn
- Ni Sư Thích Nữ Huệ Giác : Giám đốc
- Thượng Tọa Thích Huệ Tâm : Phó giám đốc
- Đại Đức Thích Thiện Chơn : Thư ký
Cùng với các Ban :
- Ban dục nhi : Sư cụ Thiện Tâm
: Sư Nhất Phương
- Ban Dưỡng Nhi : Thích Nữ Diệu Thành
: Thích Nữ Diệu Giác
- Ban Bảo Trợ : Thượng Tọa Thích Giác Hải
: Sư Cụ Thích Thiện Thông
: Sư cụ Vạn Đức Hương
- Ban Kiểm Soát : Thượng Tọa Thích Huệ Thông
: Đại Đức Thích Từ Pháp
Ban Giám đốc này hoạt động đến ngày 30 tháng Giêng năm Mậu Thân (1968) thì được cử lại Ban Giám đốc khác, khi Cô nhi viện dời về Quan Âm Tu Viện. Tại đây Ni Sư Thích Nữ Huệ Giác được Đức Tôn Sư bổ nhiệm cố vấn chỉ đạo.
Thực ra thành phần nhân sự của Ban Giám đốc trên là những Tu sĩ xuất gia, đã cắt ái từ thân, từ bỏ những danh lợi thế gian, nên khi mang nhiệm vụ vào mình, họ chỉ có một tài sản là kế thừa lòng từ của chư Phật mang lại hạnh phúc cho chúng sanh. Họ không có một tài sản thế gian nào để bố thí, họ chỉ có một tấm lòng quảng đại, hy sinh nhẫn nại để đạt mục đích tối hậu là hồi hướng Phật quả bồ đề.
Như Đức Phật từng dạy : “dâng hiến, cúng dường đến chư Tăng hay Đức Phật tạo rất nhiều phước báo. Nhưng kiến thiết xây dựng Tự, Viện, Tịnh xá, Giảng đường, Tăng xá, Tịnh thất để cho chư Tỳ Kheo có chổ tu hành càng được nhiều phước báo hơn. Càng nhiều phước báo hơn nữa là việc xây cất Tự, Viện, Tịnh xá … là quy y Tam Bảo. Càng nhiều phước báo hơn Quy y Tam Bảo là nghiêm trì năm giới cấm. Càng nhiều phước báo hơn trì giới là thiền định một khoãng thời gian về tâm từ. Và sau cùng tối thắng hơn tất cả các phước báo là phát những sự chứng ngộ, rung động, biến thể vô thường của vạn hữu…”
Lòng từ, ban vui, quảng đại, hy sinh, nhẫn nại đó là những tư hữu của Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, là một pháp bảo mà họ đang thực hành nhằm cứu khổ ban vui, mang lại nguồn hạnh phúc bất tận cho con người và chúng sanh. Pháp hạnh phúc này sẽ được luân lưu trong mỗi tâm hồn người con Phật, người mang lại hạnh phúc, người thụ hưởng hạnh phúc sẽ không bao giờ mất mát hay bị chiếm đoạt đi đâu. Cũng không phải có người cho vay, người mang nợ và nó sẽ không bao giờ nảy mầm những tính tham lam ích kỷ, không nảy sinh những ý thức lợi danh, ban ơn, giáng phước, cũng không bộc phát những ý niệm trông chờ, chất chứa, để dành …
Như Đức Phật đã dạy : “có bốn loại hạnh phúc vật chất mà người sống trong gia đình được hưởng thỉnh thoảng và tùy cơ hội, là hạnh phúc có được vật sở hữu, hạnh phúc được có tài sản, hạnh phúc không nợ nần và hạnh phúc không bị khiển trách”.
“Hạnh phúc có được vật sở hữu là hạnh phúc của người tạo nên tài sản do nhờ sự nổ lực cố gắng, nhờ sức lực của chân tay và mồ hôi, thu nhập được và thọ lãnh một cách hợp pháp. Khi nghỉ rằng tài sản này ta đã tạo nên do nhờ sự nổ lực cố gắng, thu nhập và thọ lãnh hợp pháp, người kia cảm thấy thỏa thích và mãn nguyện”.
“Hạnh phúc được có tài sản là hạnh phúc của người đã tạo tài sản do nhờ sự nổ lực cố gắng. Bây giờ chính mình thọ hưởng tài sản ấy, hoặc dùng của ấy để gieo phước. Khi nghỉ rằng do nhờ tài sản đã tạo nên nay chính ta thọ hưởng và gieo phước, người kia cảm thấy thỏa thích và mản nguyện”.
“Hạnh phúc của người không mang nợ là hạnh phúc của người không thiếu ai món nợ nhỏ lớn nào. Khi nghỉ rằng ta không thiếu ai món nợ lớn nhỏ nào, người kia cảm thấy thỏa thích và mãn nguyện”.
Trên đây là những hạnh phúc vật chất, ở thế gian do người tự tạo dựng, trên thực tế, không phải do tham lam ích kỷ, lừa dối để có được tài sản mà thụ hưởng hạnh phúc. Hạnh phúc mà con người đang hưởng là kết quả phước báu do con người hành động và được luân lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy hạnh phúc về hưởng thụ vật chất ở thế gian, nhưng nó vẫn được san sẽ theo nguyên tắc nhân quả.
“Còn một loại hạnh phúc cuối cùng là hạnh phúc không có sự khiển trách, tức là hạnh phúc của bậc Thánh nhân. Phật dạy : “không có sự khiển trách về tư tưởng. Khi nghỉ rằng mình được thọ hưởng hạnh phúc không có sự khiển trách về hành động, không có sự khiển trách về lời nói, không có sự khiển trách về tư tưởng bậc Thánh nhơn cảm thấy hoan hỉ ”.
Hạnh phúc này chính là công hạnh xuất thế của Tu sĩ, khi Tăng Ni đã thành tựu đạo niệm, những ý thức khởi sanh ham muốn vật chất không còn nữa, lời nói không chống trái hành động, hành động không chống trái sự giải thoát… Lúc bấy giờ họ không còn tính kiêu căng, ngạo mạn, không đắm say ngũ dục, họ sẽ hưởng được những hạnh phúc tuyệt vời vĩnh viễn. Vì thế họ có thể dễ dàng mang những hạnh phúc, cứu khổ ban vui bố thí đến những chúng sanh đang cơn đói khổ cơ bần không vụ lợi, họ không phải bị sự khiển trách nào của lương tri hay tâm lý tha nhân đánh giá. Họ cũng là những người có thừa tài sản hợp pháp, tồn tại và phát triển trong ngôi vị phát lòng Bồ đề, nên việc làm của họ không bị trở ngại dù phải trải qua bao phong ba bão táp. Hạnh phúc không bị khiển trách làm cho chính ta và người đều được thụ hưởng và mãn nguyện.
Tuy chưa phải Phật Thánh nhưng những người Tu sĩ Non Bồng lúc bấy giờ đã làm được một việc khó làm bằng cách “góp phần làm cho mọi người bớt khổ, được vui” trên mọi phương diện để mang lại hạnh phúc cho các hài nhi, những người khó khổ, cơ bần … Đấy cũng là nhờ có y báo thuận duyên chốn non xanh Bồng Đão.
Khu vực Tổ Đình Linh Sơn, diện tích ước chừng 10 hecta, nằm ven dòng suối Bồng Lai, về hướng Đông Nam có những hồ nước nhỏ được các Tu sĩ tại nên, bao các khe suối nhỏ róc rách quanh năm và vĩnh hằng bao đời không khô cạn. Thừa sức để cung cấp nước uống, giặt giũ tắm rửa và nấu ăn … cho 600 Tu sĩ. Trong đó có Cô nhi viện Phước Lộc Thọ chiếm hết một mẫu tây với ba dãy nhà sàn cao lớn, rộng 12m dài 40m được xây dựng rất vững chắc bên vùng thung lũng, trước Đại Hùng Bửu Điện Tây Phương Bồng Đão của Tổ đình Linh Sơn, trông ra bờ Thái Bình Dương bao la xanh thẳm. Người ta không ngờ rằng nơi non bồng nước nhược lại có một Cô nhi viện của Phật giáo đang sinh hoạt động lúc bấy giờ.
HT Thích Giác Quang