Mục Lục

11. Chùa Hang Mai (Long Hương Tự):

Là một ngôi Cổ tự bậc Trung Già Lam, nằm ở triền của đỉnh Bao Quan I. Chùa Hang Mai cũng có tự bao đời, năm 1959 chúng tôi đến chùa gặp Sư cụ Trụ trì Trừng Tác. Người có đạo phong giới luật tinh nghiêm, xứng đáng thừa kế Tổ đức chốn tòng lâm bản tự. Lúc bấy giờ chúng tôi không thể tiếp kiến với Ngài Yết Ma được lâu, vì Phật sự, đồng thời chưa có tâm niệm viết sử, nên đã bỏ lỡ dịp tìm hiểu về truyền thống Tổ Đình, thật đáng tiếc ! (kể cả hiệu chùa cũng mai một vào quên lãng, nếu không có những người thân quen như ông Bảy Cày, một Phật tử thuần túy một đời gắn bó với lãnh địa Bao Quan Sơn). Năm 1965 chùa Hang Mai cũng đồng số phận với Tổ Đình Linh Sơn, chiến tranh đã hủy diệt Chùa không còn một vết tích.

12. Chùa Hang Tổ (Long Cốc Tự) :

Là ngôi Cổ tự, thuộc vào bậc Trung Già Lam, quan trọng là Hang Tổ, nằm cạnh Chánh điện, nơi Tổ sư khi mãn nguyện độ sanh, vào tận hang sâu vô tận tịnh niệm và thị tịch dưới Hang (soạn giả vẫn còn ghi nhớ rất tinh tường khi nghe Sư cụ Trụ trì kể vào năm 1961). Phải chăng Thiền sư Khắc Chân tịch cốc ở hang này nên có hiệu là Hang Tổ ! Chùa Hang Tổ được giao cho Đức Tôn Sư vào năm 1962 và Đức Tôn Sư đã bổ nhiệm cho Giáo thọ Thiện Phước làm Trụ trì.

Chùa Hang Tổ là nơi Tăng Ni chúng tôi thường lui tới vì cảm ân đức của Tổ sư đã tạo nên một thánh cảnh trang nghiêm, nhiệm mầu : “những ai đến đây không còn mang một ý niệm thế gian, luôn khởi niềm tin Phật pháp cao sâu, một niềm tin sâu sắc, không bỏ lở cơ hội, rút ngắn sự nghi ngờ một đời trong đêm tối và cuộc đời đầy gian truân khắc khổ được hóa giải nơi thánh cảnh tôn nghiêm tĩnh mịch…”.

Chùa Hang Tổ tọa lạc trong lòng Bao Quan Sơn, cách Tổ Đình Linh Sơn 5 km đường dốc núi, thuộc địa phận xã Long Hương, cách thị xã Bà Rịa 6km đường chim bay.

13. Chùa Giữa (Long Cốc Sơn tự)

Thật sự là chùa Giữa, vì trú xứ này nằm giữa lòng núi non trùng điệp, cảnh trí luôn luôn hiện nét hoang vu, trầm mặc. Phải chăng những ai đến đây thì không còn trở lại thế gian ? Mọi ý niệm suy tư được vong bặt, mặt trời chỉ thật sự trực tiếp chiếu soi đến Cổ tự vào lúc 10 giờ đến 14 giờ đủ cung cấp ánh sáng lành mạnh cho chư vị “Sơn Tăng” (soạn giả và quý Thượng Tọa Giác Hải, Giác Châu, Thiện Đức cùng một số chư Tăng có đến chùa Giữa ít nhất là 4 lần vào năm 1962 trong thời gian trùng tu Tam Bảo Tổ đình Linh Sơn).

Đến với trú xứ chùa Giữa, nếu thật sự là người tu hành, thì không còn tâm ý xa rời chốn trabng nghiêm tĩnh mặc ! Vì trú xứ nằm quá sâu trong lòng núi non, đường đi trắc trở vắng bặt tin trần. Còn nếu người không tu, thì chỉ đi viếng chùa rồi không bao giờ trở lại thăm chùa lần thứ hai, khi hỏi sẽ được trả lời : “Cảnh trí quá đơn độc, cô quạnh…”

Chùa Giữa nằm trong địa phận vùng Bao Quan sơn, xã Long Hương cách Tổ Đình Linh Sơn 5km đường dốc núi, cách thị trấn Long Hương 6km đường chim bay. Vị trụ trì là Yết Ma Sở (năm 1956 – 1965). Năm 1962 ngài đem chùa giao cho Đức Tôn Sư quản lý.

Kể từ khi các trú xứ Chùa Hang Mai, Hang Tổ, Chùa Giữa được giao về Tổ Đình Linh Sơn thì Thánh địa Non Bồng được mở rộng từ xã Phước Hòa sang vùng núi xã Long Hương.

14. Chùa Tây Thiên (Tiền môn Tây Phương Bồng Đão)

Năm 1959 lần đầu tiên soạn giả có theo thân phụ đi viếng núi Bồng Lai, mặc dù thân phụ tôi chưa biết Mẫu Trầu là ai ? Là bậc đại đạo sư ra sao ? Tôi còn nhớ rõ vào ngày Rằm tháng Giêng năm ấy, vào lúc 3 giờ chiều, có hàng hàng lớp lớp tín đồ tứ phương lần lượt vào Chùa Tiền Môn, lượng Phật tử viếng núi quá đông đảo, vượt sức tưởng tượng của đoàn chúng tôi (lúc bấy giờ tôi chỉ mới 13 tuổi …) chưa nhận định được chính xác nhiều hay ít. Nhưng so với lượng người đi lễ chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự, núi Bà Đen vào ngày 27 tháng giêng năm 1988 trong đó có tôi, ước chừng 5000 người. Núi Bồng Lai của Đức Tôn Sư lúc bấy giờ lượng người cũng đông đảo như thế … Họ sẽ nghỉ chân nơi đây với một thời gian ngắn để đi đến núi Bồng Lai còn khoảng 4,5km nữa, là nơi sẽ làm cho nam nữ Phật tử mãn nguyện trên bước đường hành hương chiêm bái Thánh địa Non Bồng, thân phụ và tác giả sách nầy là Phật tử thuần túy (đệ tử của Hòa Thượng Thích Quãng Đức) cũng lắm lão thông kinh điển, nhưng cuộc hành hương này là lần đầu tiên viếng chốn sơn môn núi xưa của Đức Mẫu Trầu, hoàn toàn mới lạ trong tiềm thức.

Trong thời gian nghỉ chân tại chùa Tây Thiên, thân phụ tôi có duyên lành diện kiến với Đức Mẫu Trầu (dường như Ngài vừa đi hóa đạo nơi nào đó, mới vừa về tới tiền môn) và Ngài có giảng đạo cho thân phụ tôi cùng một số Phật tử thiện duyên. Lúc ấy trong một đoạn pháp, Ngài giảng : “ Người con Phật phải tu trong nghịch cảnh mới thành Phật, tu trong thuận cảnh sẽ bị tâm nghiệp dấy động phủ mờ chân tánh, khó mà phát sanh trí huệ…”. Đang chăm chú lắng nghe, nhưng khi lãnh hội được câu pháp trên, thân phụ tôi rất phấn khích quỳ lên gieo năm vóc đãnh lễ Đức Mẫu Trầu; mặc dù gia đình tôi có ba đời quy y theo Giáo Hội Tăng Già Việt Nam, có Tổ, có Thầy, nhưng thân phụ vẫn lạy (Bổn sư chúng tôi tức là Hòa Thượng QUÃNG ĐỨC, và cụ Tổ của tôi là Trưởng tử của Hòa Thượng khi Ngài hóa đạo tại chùa Long Phước, quận Cai Lậy). Thế là, những suy tư không đúng về “ một vị Sơn Tăng mà gọi bằng Mẹ”, những áng mây nghi vấn về danh hiệu Mẫu Trầu tự nhiên tiêu tan, khi về nhà, thân phụ tôi thường bảo : “Con đường dẫn đến Phật, xuất phát từ Đức Mẫu Trầu…”

Đấy là kỷ niệm đầu tiên trong cuộc đời trước khi xuất gia của tôi tại chùa Tây Thiên (soạn giả xuất gia vào lúc 03 giờ sáng ngày 30 tháng 7 năm Canh tý, (1960).

Tiền môn của Thánh địa Non Bồng là nơi in dấu chân, lần bước theo thời gian vững tiến, cho tôi tận hưởng một mùa xuân đạo vĩnh hằng và thành tựu đạo niệm bên núi xưa.

Chùa Tây Thiên là cửa ngõ để tiếp nam nữ Phật tử nghỉ chân trước khi về tại Tổ Đình Linh Sơn, chùa tọa lạc tại cầu Rạch Ván, cách quốc lộ 15 cũ khoãng 400m thuộc xã Phước Hòa .

Về sau, khi thân phụ qua đời (ngày 18/11/Kỷ Hợi (1959), năm sau (1960) tôi trốn gia đình tầm đường xuất gia, về tại Tổ Đình Linh Sơn xin tu học, quy y với Đức Tôn Sư Mẫu Trầu.

Chùa Tây Thiên là nơi Tăng Ni chúng tôi thường đến và đi qua các Phật sự chuyển gạo, thực phẩm về núi, ngày cũng như đêm.

Tiếng trống công phu của Tây Thiên bây giờ đã thúc giục lòng người phát tâm tinh tiến tu hành, đón đưa những người phụng sự chánh pháp đến hôm nay.

Chùa Tây Thiên cũng là đường ranh giới giữa cuộc sống thế gian và cuộc sống của Tăng Ni, Phật tử Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Tây Thiên tuy không là ngôi cổ tự, nhưng Tây Thiên đã từng tiếp đón nhiều dấu chân của các bậc Thiền gia thạc đức, cũng như hàng chục vạn Phật tử trên mọi miền đất nước thường đến thăm viếng :

“ Non tiên vũ khách gọi thanh chân,

Lối rẽ nhiều phen phải hỏi thăm

Chớ xót nguồn hoa tin tức vắng

Cảnh xưa bên suối vẫn đầy xuân

(trích “NHỰT KÝ ĐỜI TÔI” của Sư Giác Quang)

15.Trú Xứ Điện Ngũ Đài :

Do nhiều vựng đá to lớn kết thành, trong đó có năm ngọn đá tảng cao vun vút, mặt bằng phẳng, một đời người có thể có những người không đặt chân lên đỉnh đá. Muốn kiến tạo điện Ngũ Đài, người ta chỉ sử dụng 2 tảng đá lớn làm thành hai mái nhà và tô ciment thêm ở các kẻ đá cho kín mái, kế đến lót sàng, làm cửa là Phật tử có thể ở tu hành.

Điện Ngũ Đài có thể chứa được 20 người cùng một lúc để tịnh niệm, tụng kinh, sau đó các Phật tử tản mát chung quanh điện nghỉ ngơi và sinh hoạt thường nhựt. Các tảng đá nhỏ xung quanh Điện giúp cho người tu núp nắng đụt mưa như các dãy am, thất khác. Từ những năm 1961 đến 1965 có khoãng 40 Phật tử an trú tại đây tu hành.

Khuôn viên Ngũ Đài chiếm 2 mẫu tây, có làm rẫy và trồng các loại cây ăn trái, xen tạp với cây rừng. Lúc bấy giờ ở điện Ngũ Đài, các Phật tử ngoài việc tu học, tịnh niệm, thường vào rừng săn trầm mang về chế biến bột làm nhang, một số Phật tử khác khai thác đá thạch anh điêu khắc tượng Phật. Ngoài ra, các Phật tử ở đây còn sử dụng các loài gỗ quý như : giáng hương, cẩm lai để tiện chuổi lần tràng.

Nếp sinh hoạt của các Phật tử ở điện Ngũ Đài thật sinh động vào ban ngày. Về đêm họ chia làm 2 chúng : một chúng tụng kinh niệm Phật tại điện, một chúng về tại đạo tràng Tây Phương Bồng Đão lễ bái, tịnh niệm, nghe giảng kinh. Như thế luân phiên nhau trong việc tu học.

16. Đạo Tràng Tây Phương Bồng Đão :

Là danh hiệu của chánh điện Tổ Đình Linh Sơn, diện tích 576 mét vuông, được tái trùng tu năm 1961 đến năm 1962 thì hoàn thành, do Đức Tôn Sư Mẫu Trầu chủ Trương.

Đạo Tràng Tây Phương Bồng Đão chính là ngôi Tam Bảo của Tổ Đình Linh Sơn, đến giờ lễ Phật, tụng kinh, tịnh niệm, đạo tràng có thể chứa được 300 Tăng Ni, Phật tử cùng một lúc hành lễ và khoãng 400 Tăng Ni, Phật tử vào giờ nghe Đức Tôn Sư hoặc Đức Thầy Huệ Giác thuyết pháp.

Những vị chịu trách nhiệm trực tiếp hộ niệm đạo tràng Tây Phương Bồng Đão là Sư Huệ Tâm, Huệ Thông, Thiện Chơn, Từ Hạnh, Từ Pháp, Huệ Hải, Giác Hải … làm các việc trực nhật giám hương, giám thiền, thức chúng, duy na, duyệt chúng, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử lễ Phật, dâng hương, cúng ngọ, công phu, đóng đại hồng chung và các sinh hoạt trong phạm vi đạo tràng.

Tại đạo tràng còn có một điểm đặc biệt là cứ mỗi giờ thì vị trực nhật điểm một tiếng kiềng chùy để báo hiệu.

Thời dụng biểu nhựt dụng tại đạo tràng Tây Phương Bồng Đão :

Sáng 06 giờ : Đại chúng đồng lễ Phật

07 giờ : Điểm tâm cháo

09 giờ : Tụng kinh Vu Lan

Trưa 11 giờ : Cúng Ngọ

11 giờ 30 : Quả đường, thọ thực

12 giờ 30 : Tụng kinh Địa Mẫu

Chiều 13 giờ 30 : Chỉ tịnh

14 giờ : Học kinh pháp, chơn lý

16 giờ : Công phu chiều

18 giờ : Đại Chúng lễ Phật

Tối 19 giờ : Tịnh Độ tối

22 giờ : Tịnh tọa niệm Phật

23 giờ 30 : Tụng kinh Địa Mẫu

Khuya 24 giờ 00 : Chỉ tịnh

Sáng 04 giờ 00 : Công phu khuya

Đạo tràng Tây Phương Bồng Đão là nơi tập họp đông đảo Phật tử nhất là tại miền Nam trong những năm 1959 đến 1964 từ các tỉnh thành miền Đông đến miền Tây, miền Trung và Saigon, mỗi ngày đêm có đến 10.000 lượt Phật tử tín đồ đến chiêm bái, riêng những ngày sóc vọng, mùng 08 và 23 Phật tử càng đông hơn vân tập về đạo tràng thọ pháp quy y, nghe giảng đạo, tụng kinh niệm Phật và công tác từ thiện, giúp cho Cô nhi viện Phước Lộc Thọ (một cơ sở lớn của Tổ Đình).

Đạo tràng Tây Phương Bồng Đão là cơ sở hoằng đạo như của Tự, Viện khác, luôn khải tín cho người Phật tử khi mới bước vào ngưỡng cửa thiền, đạo tràng đã thể hiện được tố chất từ bi bình đẳng của chư Phật, cảm hóa tứ sanh lục đạo. Nơi đây đã từng tùy duyên ứng biến, tùy theo trình độ căn cơ của chúng sanh mà giáo hóa, không vì lợi dưỡng Nhơn thiên, ứng dụng kịp thời bi nguyện của chư Phật trước chúng sanh đa bệnh. Hoằng pháp với một tấm lòng tin yêu sâu sắc bất thối chuyển và cuối cùng… “Ta và Người đồng thành Phật”.

Giáo lý của Phật là nền đạo lý có vô lượng pháp, nhưng đặc biệt là không cuồng tín, không độc tôn, mỗi pháp môn là cửa ngõ tùy trình độ giác ngộ của chúng sanh, tùy duyên mà ứng hiện, cảm ứng tùy hình, tùy thuận bằng trí huệ linh tri. Nên trong quá trình hành đạo dù là Thánh Tăng đi nữa cũng không thể khẳng định pháp môn này chánh, pháp môn kia là tà, là cao, là thấp, nên nói :

“ Nếu người trồng căn lành

Nghi thời hoa không nở,

Người tín tâm thanh tịnh

Hoa nở liền thấy Phật”.

Đại chúng của Tây Phương Bồng Đão luôn giữ trọn niềm tin, khi được Đức Tôn Sư Mẫu Trầu đã bảo ban một hướng đi đích thực của Phật và chính tự thân khẳng định pháp môn của mình phù hợp với mọi người, những người có ý chí siêu phóng và thật sự muốn thoát tục.

Đạo tràng Tây Phương Bồng Đão không tạo cho mình một thế đứng độc tôn. Sự hiện diện của Đạo tràng là vì nhu cầu Phật sự giúp cho hàng Tăng Ni, Phật tử có tâm nguyện tu học Phật pháp. Đạo tràng sẽ hộ niệm, tiếp dẫn, tiếp độ cho mọi người được tùy tâm mãn nguyện … Những lời trong bài giảng sau đây của Đức Tôn Sư Hòa Thượng Thiện Phước để nói lên chủ trương của Đạo tràng Tây Phương Bồng Đão.

“ Thiên cổ chơn truyền đạo Thích Ca,

Chánh pháp khai duyên cõi Ta bà

Càn khôn thiên địa sắc phong ân

Như lai chánh giác đạo viên thành

Bổn Sư thị hiện giác trần mê

Nhơn thiên tam giới đồng quy phục

Giải thoát khai minh đèn trí huệ

Đồng thanh niệm Phật hiệu Di Đà

Truyền thống bất hư trong sử Phật

Bồ Đề diên thọ bất diệt thiên thu

Bồ Đề sinh tồn vô lượng nghìn thu

Chánh pháp Như Lai trường thọ đạo

Phật đạo an lạc đời đời tu

Như Lai trụ thế bồ đề sanh

Nhơn nhơn đắc đạo vô biên tận

Một cội muôn chồi chẳng giống nhau

Nghìn thu vạn đợi không sai biệt

Chánh pháp từ bi vẫn trường tồn.

Hộ Phật, hộ Pháp, hộ Tăng, hộ thế là việc làm của người tu tại Đạo tràng Tây phương Bồng Đão, không cục bộ kỳ thị, với bổn thệ nguyện : “Tất cả chúng sanh đều được bước vào biển chánh pháp, mà chánh pháp thì đời đời bất diệt … “

“Người tĩnh thức thì các pháp đều là Phật pháp, người si mê thì chánh pháp biến đổi thành tà đạo. Tất cả đều do tâm sinh, tâm thanh tịnh thế giới tịnh, tâm bình thì cảnh cũng lặng yên, tâm chánh đáng có thể biến cải những tà vạy thành nguồn suối cam lộ rữa sạch những hoài nghi, tật đố, ích kỷ, tham lam và sân hận…”

Nói về tâm, Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước có làm bài xưng tán công đức của người tu :

Tâm con yên lặng như gương tròn sáng

Tâm con trong sạch như ánh nguyệt tròn

Tâm con từ bi như tuyết phủ núi sông

Tâm con quãng đại như cam lồ pháp vũ

Tâm là Phật như đóa hoa sen vàng

Tâm là đức hạnh như ngàn hoa đua nở

Tâm con chẳng yêu mùi tục lụy

Nào khác chi sương rơi đỉnh núi

Tâm con chẳng tham sân si

Nào khác chi gió mua xuân thổi nhẹ

Tâm con thiện lành là mỹ sắc thanh lương

Tâm con nhẩn nhục hiếu đạo

Cũng như ngày xuân vô tận

Tâm bình đẳng là tình cao thượng

Tâm bác ái ấy nụ cười chư Phật

Tâm hỷ xã là ánh sáng Như Lai

Tâm giác ngộ là rừng bửu báu

Tâm ly trần là thắng cảnh Tây Phương

Tâm vô ngại là Nhựt Quang Bồ Tát

Tâm vô chấp là đoạn diệt não sầu

Tâm như lưu ly bích ngọc

Tâm như Nguyệt Quang Bồ Tát

Tâm tự hối là mùi trầm thượng hảo

Tâm cầu tu là cái đẹp thiên hương

Bài giảng của Đức Tôn Sư

Cù Lao Phố ngày 1 tháng 10 năm 1972

Đạo Phật là đạo cứu rỗi, giáo pháp “từ bi môn” chính là chơn lý của ba đời chư Phật, những ai phát tín tâm quy y đều được như ý, không phân biệt chúng sanh mê, hay chúng sanh ngộ. Giáo pháp “từ bi môn” luôn mở rộng, tùy theo sự nghĩ suy và căn cơ trình độ của chúng sanh, mà Đức Phật vạch ra một hướng đi đích thực giúp cho họ tiến hóa theo con đường mà họ đã chọn.

Đức Phật dạy :

“Này các Tỳ kheo, trong các pháp tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiểm tạo nghiệp nói năng hoặc hành động, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo con vật kéo xe.

“Này các Tỳ kheo, trong các pháp tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm thanh tịnh tạo nghiệp nói năng hoặc hành động, sự vui vẻ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình”.

Tâm thanh tịnh là tâm trong sạch, vắng lặng là chơn tánh, chơn tánh vốn vô sanh, nhưng nếu sanh, thì các pháp sanh khởi tùy theo nhơn duyên thiện, ác mà sanh khởi tốt xấu, phải, trái, chánh, tà. Như vậy, các pháp lành dữ do ta dẫn nghiệp, không phải do người mà có.

Đã trên 70 năm truyền bá pháp môn niệm Phật rồi, đến nay đạo tràng thì được 34 tuổi, chư Tăng Ni Non Bồng được đào tạo và du hóa khắp muôn phương, thu ngắn sự cách biệt giữa tình người tu sĩ Non Bồng với thế cuộc, góp phần xiển dương chánh pháp ngày càng được thăng hoa hợp lý. Vì chánh pháp Thích Ca Mâu Ni và Tông môn, mà chư Tăng Ni luôn nghiêm trì giới luật, như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Đạo tràng Tây Phương Bồng Đão luôn vũ hành bi nguyện trên đôi chân của chính mình, vững bước trên đường hoằng pháp lợi sanh và chịu trách nhiệm trước đại chúng Tăng, Ni, Phật tử .

17.Liên Huê Bửu Điện:

Là ngôi Tam Bảo của Ni giới Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, nơi hành lễ, tụng kinh, tụng niệm của Ni, diện tích 160 mét vuông, một nơi biệt lập, theo nội quy thì chư Tăng và nam Phật tử không được đến, chỉ trừ những ngày tết Nguyên đán, lễ Phật đản, lễ Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên được lễ bái. Liên Huê bửu Điện không xa Đạo tràng Tây Phương Bồng Đão bao nhiêu mét, nhưng muốn vào ngôi Tam bảo nầy, phải đi vòng lên một đỉnh núi khác mới đến nơi. Mọi sinh hoạt nơi đây, như tụng kinh, niệm Phật, thọ thực và các sinh hoạt công quả thiền môn khác đều được phân công rõ ràng, những vi phạm về nội qui và giới luật Phật đều được Hội đồng chư Tăng đề nghị trục xuất xuống núi, ra khỏi Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

18. Vườn Bát Đức:

Là trung tâm của một đỉnh núi lớn nhưng không cao (khoãng 480m), bằng đỉnh Bao Quan I. Vườn Bát Đức chiếm 2 mẫu tây đất đã khai thác, toàn khu có 6 mẫu đất bằng, không có triền dốc, nhưng chưa kịp thời khai thác.

Vườn Bát Đức là trú xứ dành cho chư Tăng tu tịnh, giữa vườn có một dòng suối nhỏ róc rách quanh năm, đủ sức cung cấp nước trong việc tưới tiêu rẫy bái, và 20 vị Tăng an cư Tịnh niệm. Từ Đạo Tràng Tây Phương Bồng Đão đến vườn Bát Đức phải trải qua nhiều dốc núi, thung lũng và đá cây chớn chở, người từng leo núi hoặc các vị sơn Tăng ở đây nếu sơ ý cũng thể bị lạc lối khi đi ngang qua vài ba thung lũng, cảnh vật rất âm u, ít có ánh mặt trời bởi một rừng đại thọ, bốn bề chỉ nhìn thấy những đỉnh núi khác bao quanh. Vì vậy khi người đi núi ở hướng vườn Bát Đức bị lạc rừng thì chỉ có cất tiếng gọi nhau làm hiệu lệnh : “Nam Mô A Di Đà Phật” mới tìm ra lối đi và gặp nhau, hoặc chờ tiếng niệm Phật tụng kinh của Tăng Ni ở các am, thất khác mới tìm được đường về.

Vườn Bát Đức, Đạo tràng Tây Phương Bồng Đão, Điện Lôi Âm, Bồ Đề, Quan Âm Phật Tự, Điện Phổ Đà v.v… là những nơi tạo ấn tượng sâu sắc nhất cho hàng giáo phẩm Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng hôm nay. Có nhiều kỷ niệm xa xưa khi họ còn là chú tiểu, điệu ở chùa bên núi xưa, nơi non tiên Thánh cảnh, hình bóng sơn Tăng ngày xưa cũng không khác hôm nay cho mấy, và hôm nay cũng không còn lưu dấu gót chân của các bậc chư Sơn, Thiền Đức ngày xưa, nhưng người nay cũng không làm mất qui cũ chốn tịch dương …

Miền rừng sinh trưởng bấy lâu

Biết đâu nội cỏ biết đâu đồng bằng

Câu ca điệu sáo lăng nhăng

La cà, mây sớm, thung thăng bóng chiều

Bạn cùng thú chạy chim kêu

Thôn trang, gỗ đá, phiêu diêu yên hà

Trở về động thẳm là nhà

Bốn bề mây khóa sơn hà cỏn con.

Tăng, Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đệm khúc hát kế thừa văn hóa dân tộc Việt, nối tiếp bao đời Lịch đại Tổ sư, tuy các vị ngày nay đã nên đạo nghiệp và trở thành Viện chủ, Trụ trì, Giám tự các Tự, Viện, Tịnh xá khắp Bắc, Trung, Nam hoặc lãnh đạo Giáo hội, nhưng họ không bao giờ quên được nơi khai sinh, đào tạo họ trở nên những nhà sư chân tu thật đức : “ Tổ Đình Linh Sơn Đạo tràng Tây Phương Bồng Đão, chùa trên núi xưa …”

Một tòa kim bích huy hoàng

Sườn non ẩn bóng tà dương xế chiều

Trên ngàn gió thổi thông reo

Phun hương ngào ngạt quế treo lưng trời

Chim kêu động nhỏ vang tai

Đầu non tháp ngã bóng dài xinh xinh

Trần gian nào khách lợi danh

Tới đây vãng cảnh ắt sinh bồi hồi

Và văng vẳng đâu đấy tiếng tán tụng của đại chúng Non Bồng bài dâng hương :

“ Hương ba nén tâm thành dâng kính,

Trước Phật đài quì đọc tâm kinh

Huệ đăng tỏ rạng màu tươi tốt

Tịnh thủy thiền lòng tánh đẹp xinh”

Quá trình Liên Huê Bửu Điện chính là trú xứ đào tạo người tu nữ Non Bồng, là thiếu thất thúc liểm thân tâm, ngày đêm tinh chuyên trì niệm hồng danh Phật. Họ luôn được tắm mát trong nước Bát công đức thanh lương nhuận tràn, với những nén tâm hương, ngày đêm dâng cúng :

“ Giới hương Định hương, dữ Huệ hương

Giải thoát, giải thoát tri kiến hương

Quang minh vân đài biến pháp giới

Cúng dường thập phương Tam bảo tiền …”

Đạo tràng Tây Phương Bồng Đão cũng đã từng làm cho các nhà tu mi nam tử dòng họ Thích, Bồ đề tâm kiên cố, Định tuệ phát sinh, Đạo niệm bất thối chuyển. Hoặc đâu đây vẫn còn vang vọng tiếng pháp lành siêu phóng của vùng Hy mã, cô động trong tâm hồn Tăng Ni Non Bồng qua giọng nói thanh lãnh của Đức Tôn Sư :

“Nhứt thiết hữu vi Pháp

Như mộng huyền ảo ảnh

Như lệ, diệc như điện

Ưng tác như thị quán”

Nhứt hồi hướng chơn như thiệt tế tâm tâm khế hiệp

Nhị hồi hướng vô thượng Phật quả Bồ đề niệm

niệm viên mãn.

Tam hồi hướng : pháp giời nhứt thiết chúng sanh

đồng sanh Tịnh độ.

19. Tổ Đình Linh Sơn Tự :

Là ngôi cổ tự được tạo dựng trên 200 năm, trải qua 11 đời Trụ trì, hiện nay là do Thượng Tọa Giác Hải kế thừa Phật sự. Chùa nằm trên lưng chừng núi Dinh, cách chân núi khoãng 800m đường dốc núi, thuộc xã Phước Hòa (Bà Rịa) nay là xã Hội Bài, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai. Tổ Đình Linh Sơn Tự theo lời kể của Phật tử địa phương (Ông Bảy Cày) đã trải qua 10 đời Trụ trì kế thừa, đến Thượng Tọa Giác Hải là đời thứ 11 :

1. Hòa Thượng Thi (tịch ngày 25/09, tháp của Hòa Thượng hiện vẫn còn tại Tổ Đình. Cô Năm Láng là cháu của Hòa Thượng Tổ, cũng là người có công lớn với Tổ Đình.

2. Thủ Tọa Đối

3. Thủ Tọa Sanh

4. Thủ Tọa Nhi, tịch ngày 8/4 âm lịch, Trụ trì 20 năm.

5. Sư Cô Đường, tức Võ Thị Giá, Trụ trì 10 năm, là người có công với Tổ Đình trong việc trùng tu.

6. Yết Ma Trừng Tác, hiệu Phước Như, thế danh Đỗ Văn Sở tịch ngày 19/10 âm lịch, Trụ trì 20 năm.

7. Hòa Thượng Hồng Quang

8. Ông Giáo Tư (Sau tịch ở xã Phước Hòa năm 1966)

9. Yết Ma Sen, được tấn phong Yết Ma, giao chùa lại cho Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước. Về sau Trụ trì tại một ngôi chùa ở chân núi Châu, viên tịch năm 1969.

10. Đức Tôn Sư Thượng Thiện Hạ Phước, hiệu Nhựt Ý, dòng Lâm Tế thứ 41, người có công lớn trong việc trùng tu Tổ Đình trở thành ngôi Đại Già Lam từ năm 1957 – 1975, và là Tổ khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

11. Từ năm 1975 đến nay được ủy nhiệm của Đức Tôn Sư Thượng Tọa Giác Hải, thế danh Nguyễn Văn Sảnh làm Trụ trì, thay thế Đức Tôn Sư vì tuổi cao sức yếu.

Từ vị Trụ trì thứ 9 trở về trước, tư liệu gia phả do trải nhiều thời kỳ chiến tranh với Thủy Chân Lạp, Chúa Nguyễn với Tây Sơn, chiến tranh Việt Pháp và Việt Mỹ đã bị tiêu hủy, nên không còn nữa. Mặc khác, những tín đồ Phật tử cũng đã lần lượt theo Tổ theo Phật, nay chỉ còn có Ông Bảy Cày là Phật tử của Tổ Đình, Ông cũng là thợ rừng chuyên nghiệp, ít hiểu biết về hành trạng của Tổ Đình các vị Trụ trì đương thời với Ông hoặc trước Ông.

Với những nguyên nhân trên, tư liệu về các đời Trụ trì kế thừa chúng tôi nắm được rất ít, không đầy đủ lắm. Do đó chúng tôi chỉ lưu lại những hành trạng của Tổ Đình và đời Trụ trì của Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước trở về sau, để cùng góp phần với công trình văn hóa lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và nói riêng cho Phật giáo miền Đông Nam bộ, mong quý vị thiện tri thức, học giả, đọc giả hoan hỷ cho …

Từ năm 1957 đến năm 1965, Tổ Đình Linh Sơn có khoảng 500 Tăng Ni từ các nơi về đây quy y, tu học, trong đó có một số Tăng Ni của các Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam, Giáo Hội Lục Hòa Tăng và một số Tu sĩ ở các tôn giáo bạn như Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Hòa Hảo cũng về cầu pháp quy y tu học theo Phật. Các vị cùng góp phần canh điền tác rẫy, an cư từ chân núi Dinh ra đến Tiền môn, tức chùa Tây Thiên, cạnh quốc lộ 15 (nay là quốc lộ 51) .

Như đã nói ở trên, Thánh địa Tổ Đình Linh Sơn có 150 mẫu tây, chiếm cả một góc của vùng núi Bao Quan. Riêng Tổ Đình Linh Sơn chiếm khoảng 06 mẫu, có mặt bằng ở lưng chừng triền núi, tức là một thung lũng, được cách ly bởi không gian rộng với đỉnh núi khác, bởi dòng suối Bồng Lai và trông ra bờ Thái Bình Dương bao la xanh thẳm.

Tổ Đình Linh Sơn là trung tâm, xung quanh còn có các cơ sở lớn, nhỏ như :

- Cô Nhi Viện Phước Lộc Thọ

- Phật học đường Tây Phương Bồng Đão

- Trường Tiểu học và Trung học

- Khu vực trại, liêu, phòng của chư Tăng (phía trước Tổ Đình cách đó 100m)

- Khu vực trại, liêu, phòng của chư Ni (phía sau Tổ Đình cách đó 50m)

- Chùa Ông (nơi thờ Già Lam Quan Đế, do những vị Trụ trì tiền nhiệm tín ngưỡng. Đến năm 1975 khi trùng tu Tổ Đình, Đức Tôn Sư quyết định trùng tu ngôi thờ tự này thành chánh điện của chư Tăng.

- Tịnh xá Khất sĩ (trú xứ của Giáo đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng I và II, cách Tổ Đình 150m)

- Đài Chiến sĩ.

- Nhà khách (phòng tiếp tân thật rộng lớn và kiên cố)

- Nhà thanh tịnh của Đức Tôn Sư (tịnh thất)

- Liên Huê Bửu Điện (Chánh điện Ni giới)

- Đạo Tràng Tây Phương Bồng Đão (Chánh điện của chư Tăng từ năm 1957 – 1965)

- Nhà trù.

- Thảo am (cách chân núi 600m, cạnh bờ suối Bồng Lai nơi Đức Tôn Sư về đây tu tịnh hồi năm 1979)

- Trung tâm Tổ Đình là đỉnh đá lớn, bán kính 10 m, 12 m, mặt đỉnh đá bằng phẳng, được Đức Tôn Sư dựng bia với dòng chữ: “BÀN CỔ SƠN HỘI THƯỢNG PHẬT :, mặt sau là dòng chữ THÁNH ĐỊA NON BỒNG”.

Chánh điện của Tổ Đình Linh Sơn tuy không phải là đa thần giáo, nhưng trên bậc Tam Bảo (1957 – 1965) thờ Tây Phương Tam Thánh, bậc hai thờ Đức Trung Tôn và A Nan, Ca Diếp, bậc ba thờ Đức Di Lặc, Đức Chuẩn Đề Phật Mẫu và Đức Dược Sư.

Đối diện với ngôi Tam Bảo là bàn thờ Hộ Pháp và Tiêu diện Đại sĩ, Bát bộ Kim cang. Cánh tả và hữu của ngôi Tam Bảo tôn trí các vị Bồ Tát, hộ trì chánh pháp và hậu đường thờ sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, các vị tiền bối khai sơn Tổ Đình (tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ), Long vị Đức Tôn sư Minh Đăng Quang, các vị có công chấn hưng Phật Giáo Việt Nam như ngài Huệ Quang, ngài Khánh Anh, ngài Từ Phong … phía sau hậu đường là nơi thờ ngôi Pháp Bảo (các tủ chứa kinh điển, khoãng 500 loại sách Phật, 1.000 bộ kinh Pháp Hoa (Hán Việt), cũng là nơi dành cho các Sư, điệu có trách nhiệm hộ trì ngôi Tam Bảo nghỉ ngơi. Trước điện thờ Hộ pháp, Kim cang có dựng một bia đá với dòng chữ do Đức Tôn Sư ấn khả : “PHƯỚC HÒA PHẬT ĐỊA NAM BANG”.

Mặt tiền của Tam Bảo, phần trên là bủu cái có biển đỏ với dòng chữ màu vàng “ĐẠO TRÀNG TÂY PHƯƠNG BỒNG ĐÃO”, đối diện với mặt tiền của bửu cái, phía trên điện thờ Hộ pháp còn có một tấm bảng lớn vẽ Đại địa của 6 châu, Sơn thủy của Địa cầu và có sáu chữ : “NAM MÔ LỤC CHÂU THẾ GIỚI HÒA BÌNH HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT”.

Muốn vào Tổ Đình Linh Sơn, người Phật tử phải trải qua các cửa ngõ : Tiền môn Tây Phương Bồng Đão (Chùa Tây Thiên, cầu Rạch Ván), Nhứt Môn, Nhị Môn, Tam Môn Tây Phương Bồng Đão trên một đoạn đường dài 4,8 km và cuối cùng là cổng chính của Tổ đình, cạnh sảnh đường tiếp khách.

Tổ đình Linh Sơn tuy là ngôi cổ tự, nhưng đã từng trải qua bao thăng trầm chiến tranh biến đổi, tất cả di tích xưa bị mai một, cho đến khi Đức Tôn Sư Mẫu Trầu về đây tái tạo trùng tu hồi năm 1957, nên kiến trúc Tổ đình xếp vào loại tân tạo, lúc bấy giờ chỉ có nền chánh điện, ao sen, chùa Ông là còn tồn tại với những kỳ công gian khổ của tiền nhân ở vùng non cao núi thẳm.

Thế rồi chiến tranh tái phát, năm 1964 – 1965 hai năm liền, Tổ đình bị dội bom hư hoại 100%, tất cả pháp khí, cốt tượng Phật hoàn toàn bị tiêu hủy.Tổ đình chỉ còn nền chùa trống không mang nhiều tỳ vết loang lở chiến tranh, cho đến nay vết thương đó vẫn còn trơ gang tuế nguyệt (1990) với một số gổ vụn cháy nám.

Kể từ khi Đức Tôn Sư bịnh yếu, Ni Sư Trưởng tử Thích Nữ Huệ Giác người đứng hàng thứ hai trong Tông môn đã thừa hành Phật sự tái tạo trùng tu lần sau cùng. Năm 1980 xây dựng lại ngôi Chánh điện trên nền cũ của chùa Ong có diện tích 144 mét vuông, được thiết kế đơn giản nhưng vững chắc, sẳn sàng chịu đựng với thời gian : – Mái lợp tôn – Tường vách được xây bằng đá phiến – Tường nền xây đá xanh cao 1,2 m. Bên trong ngôi Tam Bảo tôn trí thờ phượng thật uy nghi.

Người Phật tử đứng trước Phật điện lễ bái, thì sẽ thấy mặt trước của ngôi Tam Bảo có các Thánh tượng Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca sơ sinh, nhập diệt và thành đạo.

Tiếp theo có các thánh tượng Phật mẫu Chuẩn Đề, Đức Thích Ca thiền định, bên tả là Ngài A Nan, bên hữu là Ngài Ca Diếp. Tiếp đến là Thánh tượng Tây Phương Tam Thánh (Di Đà, Quan Âm, Thế Chí)

Mặt hậu thờ Sơ Tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma, bên tả là Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, bên hữu là Đức Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Mặt tiền Chánh điện, tôn trí thánh tượng Tiêu Diện Đại Sĩ (hóa thân của Đức Quán Thế Âm), đối diện ngôi Tam Bảo là tượng Hộ Pháp Già Lam, hai bên bàn thờ Hộ Pháp là Chuông, Trống.

Đứng ngoài nhìn vào ngôi Tam Bảo khách sẽ chiêm ngưỡng Thánh tượng của 18 vị A La Hán.

Biểu đồ của Chánh điện sẽ được trình bày ở trang sau.

Khách muốn đến Chánh điện, phải bách bộ 12 bậc thang. Trước tiên, sẽ gặp ngôi Liên Huê Bửu Điện, tức Chánh điện của Ni giới và trú xứ Ni, được xây dựng vào những năm 1960. Tiếp đến, thảo am của Ni Sư Trưởng Thích Nữ Huệ Giác, vị Trưởng Tông Phong là nơi tịnh dưỡng của Ni Sư trong thời gian đăng sơn hành đạo.

Bên cạnh Liên Huê Bửu Điện là Tịnh thất của Đức Tôn Sư, bị đốt cháy theo Chánh điện vào năm 1965 và được xây dựng lại năm 1988, có diện tích 36 mét vuông, hiện nay chỉ để tôn trí thờ Long Vị Đức Sư Ong thượng Bửu hạ Đức, Hòa Thượng thượng Trí hạ Châu và Long Vị Đức Tôn Sư.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Lịch Sử Trung Tâm Thành Lập Môn Phái Liên Tông Non Bồng – Tổ Đình Linh Sơn Phần 2”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com