Mục Lục
KỶ NGUYÊN MỚI
(Tức là hành trạng của Đức Tôn Sư)
Giáp Tý niên sanh trống điểm gà
Rạng đông bảy ngoạt, mùng một ta
Hữu tướng hữu hình một sát na
Chiêu cảm muôn đời trong vọng niệm
Chốn bào thai thấp thoáng chun ra
Ngẩm nghĩ nhơn sanh trẻ đến già
Nhơn loại trong trần cũng giống ta
Thú cầm thảo mộc cũng chan hòa
Muôn loài cùng ta là lý một
Ta với phù mê cũng chẳng hai
Cộng số mượn vay trong quá khứ
Lịch kiếp chép biên thật chẳng sai
Lố lố đầu gành toan vẽ mặt
Tứ hải đều hay nợ đến nhà
Trống điểm lầu chung ai là nợ
Canh tàn gà gáy hởi người vay
Tam niên nhủ bộ nợ bào thai
Một mối vay muôn kiếp khó rồi
Hiếu tử vi thân khuyển mả
Tứ ân Phụ Mẫu chẳng xong mà
Phụ vi thiên sơn Mẫu vi đại hải
Nào đâu lấy chén úp miệng voi
Tu oa ba tiếng nợ sanh thành
Mang lấy nghìn thu bia sử tạc
Mấy ai hiếu đạo vẹn mười cân
Nợ thứ hai thành nhơn nhơn tạo
Tuổi hai mươi cấu kết chung tình
Thứ nợ nầy không ai hẹn đặng
Nhơn nghĩa oán thù cũng mến yêu
Tình siêu lý lại cũng siêu
Thắt ngặt hay ôn hòa đồng chung chạ
Mặc tình sấu cọp gắng thành tơ
Lở thương lở ghét lở phân ly
Nhăn nhó nhau hoài khó bỏ đi
Chuyện vui không mấy khổ nghìn thu
Gây tạo gia tề thành sự nghiệp
Ấp yêu trứng ngổng đẻ bồ câu
Cha con chồng vợ mai với mối
Xưa hẹn mấy thu nay kết chỉ
Ngộ tại mây mưa tại tam kỳ lộ
Mình mình lẩn quẩn lại không đầu
Khi giởn én lúc lại giải sầu
Thất tình chan chứa thiên thu mộng
Trái oan ai nỡ dứt tình thương
Quan tòa cũng than rằng khó xử
Chị anh tự ý dứt cùng không
Ai oán can thường phu thê hận
Cũng là một khối cứng hơn chì
Nợ nầy ai trả ai đòi khó liệu
Trăm năm đâu hẳn nghĩa hay thù
Nợ cũ chưa rồi thêm nợ mới đến
Ôi thôi ngỏa nguê cái thứ không đầu
Sầu sầu tủi tủi vui vui
Thiên niên không mối đầu đuôi cột
Không hẹn không lìa trong thế hệ
Nhơn vật muôn loại cũng như ta
Cảm cảm yêu yêu hòa rồi nghịch
Nghịch lại hòa rồi lại vuốt ve
Kẽ thêm đậu người thêm mè
Chuối chát đường phèn kết lại chè
Ai từng sóng gió cũng chung hòa
Sanh tử tử sanh còn hẹn nữa
Ba nguơn hẹn mãi cũng gặp hoài
Thay bóng đổi hình trong vạn kiếp
Hình dung hai gả cũ sì thôi
Kéo lôi lôi kéo cũng thất tình
Cháu con chồng vợ quá linh đinh
Gieo duyên hái quả cũng tại mình
Ai ai tả nổi mối tình chung
Hai mối nợ kể hoài không tận
Nợ thứ ba có đạo có đời
Cái nợ này càng cay nghiệt
Vô minh kết lại một bè thị hương
Có kẻ nhún nhường toan lấp hố
Có người ôn cố chẳng câu mâu
Có kẻ làm trâu vô tư lự
Có người tính toán lắm ngàn mưu
Có kẻ mặc tình trối kệ
Có người ngẩm nghĩ cũng phiền dai
Có kẻ đêm khuya luống thở dài
Có người càng uống rượu càng say
Có kẻ nhăn mày vì nghiệp trước
Có người chung thỉ nợ nghìn thu
Có kẻ lội bơi thêm thẹn mặt
Có người khí khái chẳng ăn thua
Có kẻ đau lòng trong thế hệ
Có người ngao ngán lủ thất yêu
Tửu sắc phiến tài đa mỹ lệ
Ai ai cũng quá đổi làm hề
Hí tràng thao diển trong tấn kịch
Trượng phu mặt thiệt mấy là ai
Khôn cùng tâm vọng vô minh cảnh
Lục đạo hôn mê bít nẻo về
Tam đồ vạn khổ trầm luân nghiệp
Bát nạn thiên thu trả với vay
Sanh tử muôn loài không ai khác
Chuyển luân vạn kiếp đố ai tường
Bào thai đổi mặt trên sân khấu
Trăm năm xem lại chú hề râu
Bảy bợm a dua thêm cố chấp
Thất tình che đậy lắm hồ nghi
Lục đạo si mê nghìn thu khổ
Mấy ai ngó lại chốn quê hương
Chiến mả đề thương trong sử thế
Vạn thống hề không nhứt tướng phi
Lục đạo diêm phù hơi cực quả
Ba Ngôi luống khổ có chi vui
Tấm thân gia nghiệp vô biên nghiệp
Thủy thổ chư châu hội khổ Ta Bà
Nhìn trong tam giới cũng đồng vậy
Có chi an lạc nhọc công tìm
Thôi kẻ trả người vay quá uổng công
Không vay là không trả ấy là xong
Nhơn vật đồng không muôn việc cũng không
Trước sau sau trước cũng là không
Thiện ác hữu vô cùng thuận nghịch
Vạn thể vạn tình vạn lý cũng giai không
Vui khổ khổ vui cũng lý đồng
Người gần trăm họ cũng là không
Kẻ xa ngàn dặm cũng là không
Quên hết những gì trong dĩ vãng
Để rồi ngẩm nghĩ chữ Nam Mô
Đến đâu là cái không không khổ
Đường nào cảnh huyển chẳng mang theo
An trụ vào đâu cho tâm vô ngại
Đi đâu mà đặng quả Vô Sanh
Nhãy rào nương gậy niệm A Di
Thẳng đến nhà ông chẳng tử sanh
Đoạn dứt muôn tình trong ảo mộng
Ngàn thu bất diệt thiệt là tu
Đời Đạo ngao du qua bỉ ngạn
Yếu chơn mượn gậy của A Di
Kết liễu khoảng đời trong giấc mộng
Không không không nó đã chết đi
Không Ba không Má không Dì
Ta với mi mi với ta lắm cũ sì
Kết một bản đờn trong huyễn tướng
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Ngày mùng 6 tháng 6 năm Bính Ngọ,1966
Việc thành lập Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng, chúng tôi muốn trình bày một vài thiện duyên, thời duyên có liên quan giữa Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam .
Giáo lý Khất Sĩ, một là dứt các điều ác, hai là làm các điều lành tùy theo nhơn duyên cảnh ngộ, không cố chấp vì lẽ không có thì giờ dư dả, và cũng biết rằng : các việc lành là để trau tâm, vì tâm mà làm sự phải, chớ không ngó xem nơi việc làm kết quả, và ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch.
Khất Sĩ là chơn lý của chúng sanh, là sống xin, để được thấy tánh tu học, chớ không có tư kỷ, Khất Sĩ cũng chính là biểu tượng Đạo Phật, chúng ta có thể hiểu : Phật là Giác Nhơn, là cái biết thật tự nhiên, là nghĩa lý của tiếng Phật, mục đích của cái biết nơi mình chớ không phải mê tín mù quáng mà tự trói mình trong chữ Phật, tiếng Đạo, hay Tông giáo riêng biệt. Nghĩa là Khất Sĩ là đang học với các Giáo lý khác, học chung với các pháp trong vũ trụ, tách mình xa với tất cả sự trói buộc, bình đẳng, trung dung, không dính nhập vào riêng với ai hết.
Bởi lẽ Khất Sĩ là đang tập tu tìm học lẽ phải, lợi ích, đời Đạo cái chi tốt đẹp là người Khất Sĩ sẽ về theo tu học. Quyến thuộc của người Khất Sĩ may ra tạm có, ấy là những ai đã nhận ra và thật hành đúng Chơn lý. Khất Sĩ như nhau, chớ ngoài ra tất cả chúng sanh là bạn lữ chung đang sống chung tu học. Khất sĩ là như của tất cả, tất cả cũng như là của Khất sĩ, Khất sĩ như lòng vũ trụ trong đó bao bọc bởi những chúng sanh các pháp và vạn vật. Giáo lý Khất sĩ là con đường sáng của nhật nguyệt tinh quang, là ánh sáng để chỉ rõ con đường trong sạch giải thoát, là hạnh phúc quý báu của sự sống chung tu học, yên vui, tiến hóa, là cảnh sáng giữa ban ngày cũng là con mắt tỏ rõ phân biệt, hay con đường trung đạo chánh đẳng chánh giác vô thượng, là con đường đi đến nơi chân thật (trích Chơn lý Đại đồng – Khất sĩ)
Con đường Khất Sĩ là của ba đời chư Phật, người phát tâm tu hạnh Khất Sĩ, là chấp nhận đi trên chông gai và đi ngược lại dòng sống thế gian, Khất Sĩ là rường cột là nhà đạo hạnh tiêu biểu của Đạo Phật, chấp nhận con đường Khất sĩ tức là đã chết bên cõi đời và sống vui bên cõi Đạo là chấp nhận sự ngheo khó vật chất, khổ hạnh giản dị… tuổi trẻ thanh niên nam nữ trong cuối thế kỷ 20 rất ít người có đủ trình độ để bước vào tu học. Nhưng đã lỡ bước theo con đường Khất Sĩ dù tan thân mất mạng cũng không sờn lòng (đây là bài phát nguyện của Tăng Ni Liên Tông Non Bồng bên núi xưa).
Bài thơ sau đây của một Nhà sư giáo phẩm của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, sáng lập viên giáo đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng trên bước du phương khắp miền Nam Việt Nam :
“ …
Năm năm nay đã qua rồi
Ao thư sinh đã lần hồi nhạt phai
Từ cất bước lên thuyền Bồng Đão
Chí nam nhi sớm nguyện quy y
Ngày đêm tinh tấn sá chi
Vãng sanh tịnh độ trở về bổn nguyên
Lời nguyện ấy đáp lòng son trẻ
Chiếc huỳnh y phủ phục bờ vai
Từ xưa cho đến hôm nay
Không bằng tịnh hạnh thiện tai thoát trần
Vì chư Phật ba đời Khất Sĩ
Nương bóng Ngài nguyện độ thế gian
Hôm nay cất bước du phang
Tiếp Tăng độ chúng Y vàng độ nhân.
Mùng 1 tháng 2 năm Ất Tỵ 1965 Một nhà Sư
Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng
Chúng ta có thể gợi lại trong tâm hồn người Tu sĩ của thế kỷ hai mươi, một bài thơ trong Chơn Lý Đại Đồng (trang 175) nói lên hạnh nguyện của người Khất Sĩ hôm nay đang nối gót tiền nhân, một pháp hạnh Khất Sĩ chính chân của Đức Thích Ca Mâu Ni, của ba đời chư Phật, được kế thừa tại Việt Nam :
Một mình tung rải ánh từ quang
Cực khổ đói no cũng chẳng màng
Mặc chiếc huỳnh y hành chánh pháp
Ôm bình bát đất độ trần gian
Kim ngôn ngọc ngữ hằng mưa sối
Đức hạnh trang ngghiêm đạo vẹn toàn
Khất thực hóa duyên là độ chúng
Chỉ rành nẻo lối đến Tây Phang.
Khất sĩ là hạnh tu học Đạo giải thoát, rất khó thực hiện trong hoàn cảnh xã hội loài người tiến bộ văn minh thiên về vật chất, vật chất phục vụ cho con người cũng lắm phiền hà con người. Vì Khất Sĩ là người học trò khó xin ăn để tu học. Khất sĩ là cái sống của chân lý võ trụ, mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy. Bởi vì chúng sanh là cái biết, từ chưa biết đến đang biết và cái biết sẽ hoàn toàn ngơi nghĩ. Các sự thấy nghe hiểu để đem lại cho cái biết. Biết quý báu hơn không biết, có biết mới hết mê lầm chấp trật khổ sở nạn tai. Từ nhỏ đến lớn từ thấp đến cao, từ trước đến sau, từ chiều đến sáng, mỗi lúc cái biết càng phân biệt, làm việc tích trử lớn to và đi tới : là cho chúng sanh càng ngày càng được thêm sự học hành. Chúng sanh đây là căn thân và chủ thức ( là người nhận biết )… chính chân lý hay triết lý mới là môn học thực tế, ích lợi đi ngay đến Niết Bàn, kêu là đạo, là sự học không hai, là cái học của ta nó ở với ta, nuôi sống cái ta, nó làm ta vậy (Chơn lý Đại đồng)
Học Chân lý để biết rõ, chúng sanh, vạn vật và các pháp đặng đem lại một cái sống, như thân hình vỏ trụ, nối thay cùng tạo hóa dạy khắp muôn loài, một địa vị toàn giác toàn năng, tối cao hơn trời đất, cứu độ cả chúng sanh, khắp thế giới chúng sanh thảy tự đem mình tôn kính. Chính Phật là vô thượng sĩ, là Ông Thầy giáo có sự học không ai hơn ; còn Tăng là Khất sĩ, là học trò đang đi du học khắp nơi cùng xứ, học nơi Thầy, nơi bạn, nơi trò; học với tất cả chúng sanh…
Người Khất sĩ Non Bồng đã từng thực hiện hạnh lành nầy nơi chốn Cổ sơn và sẽ làm người Khất Sĩ như thế ở tương lai…
Mặc dù Môn phong đã và đang nghiên cứu tu học Bộ Chơn Lý Đại Đồng, quyển Pháp Giáo Minh Đăng Quang, quyển Kim long Tân Bửu Địa, đọc nhiều lần bài Nguồn Khất Sĩ Việt Nam (trang 994) trong quyển Đạo Phật, nhưng không thấy để lại hành trạng buổi ban đầu của Đức giáo tổ Minh Đăng Quang, trước thời điểm khai sơn Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.
Với lòng tín ngưỡng tôn thờ Đức giáo tổ và sự liên quan giữa Đức giáo tổ với Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, xin phép được trích một vài câu chuyện do Đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức, Chứng minh Đạo sư Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng kể lại cho Đại Chúng Tăng Ni trong giờ thuyết giảng tại Am núi Trà Sư, ngày 19 tháng hai năm 1965 (Nhà Bàng, Châu Đốc).
“…… năm 1942 từ khi du học Phật Pháp ở Cambodge trở về, Tiên sinh Nguyễn Thành Đạt vì vâng lịnh Tôn thân nên phải lập gia đình với con nuôi của Ông Bà Hội Đồng Nhiều ở Chợ Lớn. Sinh được một con đầu lòng thì sau đó thê tử qua đời; Tiên sinh rày đây mai đó, chí muốn xuất gia trở lại. Đến năm 1944 tiên sinh vân du ngang qua tại cầu số 1 Rạch Giá có tìm gặp Đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức (thường gọi Đức Ông Ba), Tiên sinh được diện kiến và nói : “cuộc đời đau khổ quá, xin Ông Ba giúp giải khổ !”.
Đức Sư Ông bảo :
“ Không nên nuối tiếc việc trần, Ngài là người có sứ mạng thiêng liêng cao cả với Chánh pháp Phật, nên đi hành đạo để làm việc cứu đời, tiếp Tăng độ chúng. Việc sanh tử họp tan, không có gì phải khổ, Ngài có sứ mạng Đạo Pháp mà không lo được mới khổ, nếu Ngài nghe tôi, tôi sẽ ủng hộ choNgài thành tựu đạo quả…”
Tiên sinh Nguyễn Thành Đạt nghe lời thiện kiến của Đức Sư Ông, xuất gia hành đạo trở lại, mặc pháp y tinh chuyên tu tịnh nghiệp, tịnh khẩu được một năm tại vùng biển Hà Tiên. Sau đó có trở về thăm Đức Sư Ông lần thứ hai, Sư Ông bảo :
- Kể từ đây Ngài không nên truyền lại cho ai biết pháp hiệu của tôi, vì tôi là “người vô danh thất nghiệp” tôi chỉ ẩn hình trợ duyên vô vi cho Ngài hành đạo, tôi với Ngài gặp nhau bằng đạo tâm mà thôi..! ( lời của Đức Sư Ông thuật lại vào ngày 18 tháng giêng,năm 1964, khi chư Tăng Non Bồng chúng tôi về thăm dảnh lễ Đức Sư Ông tại núi Trà Sư, Châu Đốc).
Đức Minh Đăng Quang bắt đầu hành đạo và đi du hóa khắp nơi trong miền Nam lúc bấy giờ.
Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam có từ đây.
Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước chúng tôi với bản hoài thành lập Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng, cũng là bản hoài và cũng là một nhơn duyên thiện nguyện, trong đó có sự cơ cảm nhiệm mầu đã an bày, nhằm để phát huy ánh đạo Khất sĩ và mang lại lợi ích chúng sanh chung.
Ý nghĩa đạo vị đó sẽ được chúng tôi đưa vào lịch sử truyền đạo của Đạo Phật Non Bồng về câu chuyện của Đức Minh Đăng Quang để tôn thờ.
Năm 1955 Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước cũng đến cầu học đạo với Đức Sư Ông Bửu Đức tại Am Bửu Quang, tại núi Dài, Văn Liên, tỉnh Châu Đốc, lúc bấy giờ Sư Ông về đây hoằng pháp độ sinh, xương minh Pháp môn Niệm Phật, thông qua phương tiện bốc thuốc nam, thuốc núi, cứu bệnh cứu đời, trong thời buổi nhân dân lầm than oai oán vì chiến tranh chống thực dân Pháp…
Đức Tôn Sư học đạo với Sư Ông được 8 tháng. Một ngày nọ, Tôn Sư lén vào liêu của Sư Ông và nói :
- Con muốn giống Đức Ông Ba mà không biết làm sao ?”
Sư Ông Bảo :
- Muốn thì được !
Cách vài tháng sau Đức Sư Ông dạy Tôn Sư đi về miền Đông hành Đạo thì nên việc.
Năm 1956 Tôn Sư liền đi về miền Đông và an trú tại Long Sơn Cổ Tự, xã Tân Ba, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa cầu pháp với Hòa Thượng thượng Trí hạ Châu và được ban pháp hiệu là NHỰT Ý, từ đây Đức Tôn Sư thuộc dòng Lâm tế gia phổ Tịnh độ Thiền tông thứ 41.
Chính nơi đây Đức Tôn Sư vẫn độc hành phổ độ tín đồ cũng bằng pháp môn niệm Phật và tiếp dẫn được nhiều đệ tử, sau nầy trở thành rường cột của Đạo Phật non Bồng. Trong đó, người đệ tử đầu tiên tức là Ni Trưởng Huệ Giác ngày nay.
Cuối năm 1956 Đức Tôn Sư đi về miền Đông vào ẩn dật tại núi Dinh (Bao quan), qua năm 1957 được Ngài Yết Ma Mối giao Tổ Đình Linh Sơn cho Tôn Sư làm Trụ Trì, đồng thời Yết Ma Mối cũng đảnh lễ xin cầu pháp với Đức Tôn Sư. Biệt hiệu Đức Mẫu Trầu có từ đây.
Vùng núi Dinh được Đức Tôn Sư đặt cho một thắng hiệu núi Bồng Lai hay Thánh Địa NON BỒNG, cũng là Bàn Cổ Sơn hay Cổ Sơn và Đức Tôn Sư cũng gọi vùng đất này, vùng núi hùng vĩ của xã Phước Hòa (Bà Rịa) là PHẬT ĐỊA NAM BANG, đồng thời cho người tạc bia đá dựng nơi chính điện của đạo tràng TÂY PHƯƠNG BỒNG ĐÃO với dòng chữ “PHƯỚC HÒA PHẬT ĐỊA NAM BANG”.
Năm 1960 Tổ Đình Linh Sơn có khoãng 600 Tăng Ni vân tập về học Phật Pháp và tu học pháp môn niệm Phật với Đức Tôn Sư và học giáo lý tại Phật Học Đường TÂY PHƯƠNG BỒNG ĐÃO, cho đến Rằm tháng Giêng, năm 1962 bắt đầu thành lập Giáo Đoàn của chư Trưởng Lão do đức Tôn Sư thượng THIỆN hạ PHƯỚC làm Tăng trưởng.
Ngoài Giáo đoàn Du Tăng ra, Tổ Đình Linh Sơn Tự còn có một ưu thế, nhiều vị Tăng tài hướng về giúp đỡ Phật sự với Đức Tôn Sư trong Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão, Trường Trung Tiểu Học và phục vụ Từ thiện Xã Hội tại cô nhi viện Phước Lộc Thọ .
Ngày 19 tháng Giêng, năm 1963, thành lập Giáo Đoàn Ni Giới Khất Sĩ Non Bồng do Ni Sư Huệ Giác làm Ni Trưởng.
Ngày mùng 1 tháng Giêng năm Giáp Thìn, 1964 thành lập thêm Giáo Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng, Giáo Đoàn II, do Thượng Tọa Thích Thiện Duyên làm Tăng Trưởng. Đồng thời bắt đầu xuống núi dự lễ truyền giới Sa Di lần thứ hai tại chùa Trường Sanh Phật Tự, xã Điều Hòa, tỉnh Định Tường ( Mỹ Tho), tại giới đàn này thành phần tam sư là :
1. Hòa Thượng Thích Từ Ân
2. Thượng Tọa Thích Thiện Duyên
3. Thượng Tọa Thích Huệ Tâm
Và các vị Tôn Chứng thuộc Giáo Đoàn của Sư Trưởng Thích Huỳnh Minh.
Cuối năm vào ngày 17 tháng 11, năm 1964 (Giáp Thìn) thành lập thêm Giáo Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng, Giáo Đoàn III tại Bà Điểm, Hóc Môn do Thượng Tọa Thích Thiện Chơn làm Tăng Trưởng.
Ngày 10 tháng 8 năm Đinh Mùi (1967 ) dưới sự Chứng Minh của Đức Sư Ong thượng Bửu hạ Đức, Chứng minh chỉ đạo của Đức Tôn Sư và sự hộ trì chánh pháp của Ni Trưởng Thích Nư Huệ Giác, một Hội nghị Chư Tăng được khai mở hết sức thuận lợi, để kết tập chư Tăng lần thứ nhất và suy cử Hội Đồng Tăng Lữ, chính thức thành lập Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng với thành phần nhân sự:
- Đức Sư Ong thượng Bửu hạ Đức : Chứng Minh
- Đức Tôn Sư Thượng Thiện Hạ Phươc : Tăng Chủ
- Ni Trưởng Huệ Giác : Cố vấn Chỉ Đạo
THÀNH PHẦN NHÂN SỰ :
- Đại Đức THÍCH THIÊN CHƠN
- Đại Đức THÍCH GIÁC CHÂU
- Đại Đức THÍCH THIỆN THÀNH
- Đại Đức THÍCH GIÁC QUANG
- Đại Đức THÍCH THIỆN ĐỨC
- Đại Đức THÍCH GIÁC KHÁNH
- Đại Đức THÍCH GIÁC THÔNG
- Đại Đức THÍCH THIỆN THỌ
- Đại Đức THÍCH THIỆN CHÍ
Toàn thể Hội nghị đồng nhất quán chấp hành dòng pháp của Tông môn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, nghị quyết chấp thuận tính chất kế thừa dòng pháp của Ni Trưởng Huệ Giác, nên toàn thể chư Tăng đồng tâm hiệp trí suy cử Ni Trưởng làm cố vấn cho Tông môn.
Lần đầu tiên Tông môn được mở một Hội Nghị để ra mắt đại chúng. Toàn thể Chư Tăng, Ni, Phật Tử vô cùng hoan hỷ, tán thán.
Từ đây, Tăng Ni Phật Tử Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng thực sự bước chân khắp bốn phương tu học hành đạo, thuyết pháp độ sanh. Với thần phần nhân sự trong Hội Đồng Tăng Lữ, được chính thức tuyên bố.
Cũng tại đây hội nghị này, Giáo đoàn II trong đó có chư Tăng đều thuộc chúng đương cơ, nên cũng đề nghị trực tiếp bầu Ban Chấp Sự Giáo Đoàn với những chức danh để thay mặt Tông môn quản trị Tăng Đoàn.
THÀNH PHẦN NHÂN SỰ ĐOÀN II
- Đai Đức Thích Thiện Chơn : Tăng Truởng ( tạm thời)
- Đai Đức Thích Từ Quang : Tăng Phó
- Đai Đức Thích Giác Châu : Chánh Tri Sự
- Đai Đức Thích Thiện Thành Phó Tri sự kiêm Tổng thư ký
- Đai Đức Thích Thiện Giác : Ban Hoằng Pháp
- Đai Đức Thích Giác Quang Ban Liên trì Nhựt tụng
- Đai Đức Thích Giác Khánh Ban Ngoại Vụ
- Đai Đức Thích Thiện Giác : Ban Dược sư (kiêm)
- Đai Đức Thích Thiện Đức : Ban Trang Nghiêm
- Đai Đức Thích Giác Thông : Thủ Bổn
- Đai Đức Thích Thiện Thọ : Kiểm Soát
- Đai Đức Thích Thiện Chí : Kiểm Soát
XƯỚNG NGÔN VIÊN
- Đại Đức Thích Giác Quang
- Đại Đức Thích Thiện Giác
Từ đó đến nay sự việc tu học hành đạo của chư Tăng Ni vẫn tốt đẹp bởi lòng trung kiên hiếu đạo của quý vị Trưởng Lão, Thượng Tọa, Đại Đức trong Hội Đồng Tăng Lữ và các Giáo Đoàn với Tổ Thầy, là một vinh hạnh hiếm có cho những người con Phật trong Tông Môn LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG.
Thật vậy chính đức BỔN SƯ THÍCH CA cũng đã chia giáo pháp của Ngài thành 3 thời ky : thời kỳ chánh pháp, thời kỳ tượng pháp, thời kỳ mạt pháp.
Thời kỳ tượng pháp là thời kỳ chư Tăng an trú cùng với Đức Phật, sự tỉnh giác không kinh qua ràng buộc của thế gian pháp.
Thời kỳ thượng pháp là thời kỳ chư Tăng an trú cùng với chánh pháp, phát huy chánh pháp, truyền bá chánh pháp sự tỉnh giác phải kinh qua một nửa thế pháp và xuất thế pháp.
Thời kỳ mạt pháp là thời kỳ chư Tăng an trú trong hữu hình tướng để phát huy chánh pháp, phát triển chánh pháp, rất tỉnh giác và hoàn toàn đi trong thế pháp, đem chánh pháp vào cuộc đời.
Đó là viềng mối của Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, mà Ngài đã hoằng truyền và chư đệ tử đang xiển dương trong pháp giới trung thiên.
Một Giáo Hội hay một Giáo Đoàn cũng thế, nó cũng có thời kỳ vàng son, thời kỳ an trú phát triển thời kỳ hoại diệt để hình thành.
Thời kỳ vàng son của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng mà Tăng Ni đã lãnh hội được là thời kỳ Tăng Ni chỉ lo tu tiến từ bỏ các thế pháp, mong cầu giải thoát. Chính thời kỳ đó là một quá trình từ Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đến Giáo Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng cho đến ngày nay chư Tăng Ni vẫn an trú theo truyền thống.
Ý thức hệ của Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng hiện nay là đem Đạo của Đức Thế Tôn mà họ đã học tập vào cuộc đời qua tư tưởng huệ học Ngũ minh và tinh thần Từ bi Tứ nhiếp pháp, như xuống đò qua sông, khi đến bờ trả thuyền lại cho chủ đò và bến nước rồi ta thong dong đi trong vạn lý.
Kinh TÂM ĐỊA QUÁN, phẩm Ba La Mật Đa, trang 363, 364 Phật dạy:
“ Lại nữa, thiện nam tử, Bồ Tát xuất gia ở nơi không nhàn, thân cận cúng dường chư Phật, Bồ Tát. Là những bực trí giả các Bồ Tát thường thích nghe những pháp sâu nhiệm, tâm sinh khát ngưỡng, luôn luôn không biết chán, đủ lại hay phân biệt rành chân lý nhị đế, dứt trừ hai chướng, thông suốt ngũ minh, nói các pháp yếu, giải quyết mọi sự nghi ngờ, bởi nhân duyên ấy, tức được gọi là ‘Bát Nhã Ba La Mật’”
Với lời Phật dạy ở đoạn kinh trên là một tiền đề minh chứng sự nghiệp hành đạo cơ bản của Tăng Ni Non Bồng không tách rời tư tưởng ngũ minh mà nhập thế, mà đức Phật từng nhắc đến :
* Ngũ Minh :
1. Thanh Minh : xiển dương về ngôn ngữ văn tự.
2. Công xảo Minh : xiển dương về công nghệ, mỹ thuật.
3. Y phương Minh : xiển dương về nghành thuốc.
4. Nhân Minh
iển dương về lý luận học, bàn luận về lẽ chánh, tà, chân, ngụy.
5. Nội Minh : xiển dương về tôn chỉ, học phái của mình, như Phật giáo lấy kinh, luật, luận làm nội minh.
* Về Tứ Nhiếp Pháp :
1. Bố Thí Nhiếp.
2. Ai Ngữ Nhiếp.
3. Lợi Hành Nhiếp.
4. Đồng Sự Nhiếp.
Với tinh thần trên, không chỉ Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, mà tất cả chư Tăng, Ni của các Giáo hội cũng thế, khi những giáo hệ nào được khai sơn, có những hướng đi đích thực với hiện tại, đúng chánh pháp, đúng quy trình giải thoát của Phật, cũng đều thực hành giáo pháp ngũ minh và tinh thần Tứ Nhiếp Pháp.
Chúng tôi xin lược trích một đoạn “Nguồn Khất Sĩ Nam Việt” trong quyển Đạo Phật trang 994 của bộ CHƠN LÝ ĐẠI ĐỒNG để đánh dấu một thời kỳ vàng son của Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam.
“Khất sĩ là nhựt nguyệt tinh quang, là ánh sáng giữa đêm trời tối để chỉ dắt người ra khỏi đám rừng nguy”.
MINH ĐĂNG QUANG Khất sĩ, xuất gia 1944 tại Vĩnh Long, đi tu tìm học nơi hai Giáo Lý Đại Thừa, Tiểu Thừa của Miên và của Việt Nam, 1946 nạn khói lửa chiến tranh danh lợi, đốt phá núi rừng, làm cho người tu không chổ ở lại thêm nạn cướp bóc, không cho kẻ sĩ hiền làm việc nuôi thân sống tạm. Minh Đăng Quang rời khỏi xứ Cao Miên trở về Việt Nam thực hành giới luật Tăng đồ tại Mỹ Tho cho đến năm 1948, giáo pháp Khất sĩ đến saigon năm 1948, ánh sáng của y vàng phất phơ thổi mạnh làm bật tung cánh cửa các ngôi chùa Tông Giáo. Kêu gọi tăng chúng, tản cư khắp xứ, kéo nhau về kỷ luật. Năm 1950 Huỳnh y trở gió bay về hướng nam Hậu Giang, nổi lên lố nhố như núi vàng pháp Tháp. Nhất là tại giữa sông Cửu Long trung gian, Bửu Tháp vượt cao hơn hết, năm 1953, Quý Tỵ.
Và cũng là nơi đó tại xứ Vĩnh Long ngày rằm tháng 7 năm Quý Tỵ 1953, Đoàn Du Tăng Khất Sĩ chiếc thuyền trí tuệ tạo thành, tách bến, lướt sóng, ngược dòng trở lại miền trên, trở nên thuyền tế độ. Đoàn Du Tăng hay thuyền tế độ, lúc nào cũng đang bọc gió rẽ nước giữa dòng sông, đứng giữa trung gian của Đời và Đạo. Mục đích là đang tu tìm học, học để mà tu, vì đạo quả tương lai hơn là hiện tại. Cái sống của Khất Sĩ, là đang vay của tất cả chúng sanh, vạn vật các pháp, vay xin từ vô thỉ đến bây giờ, cho đến sau này khi đạt thành chánh đẳng chánh giác chừng ấy mới sẽ đem giáo lý trả lại ơn người. Khất Sĩ là những học sinh nghèo, xin ăn tìm học, mục đích tu học, người giúp cho Khất Sĩ là giúp cho sự học tu. Khất Sĩ sẽ trả lại pháp thí sau này, chớ không đền ơn của tiền ăn mặc, sống bằng nô lệ. Bởi xét rằng: tự mình không ai có sẳn cái chi được trong mỗi lúc trước khi sanh, sau khi chết hay ngày hiện tại, nên Khất Sĩ đang sống trong sự xin học là nợ vay của tất cả, chỉ tạm xin để sống qua ngày, không dám cất để dư, phí thời giờ tu học và cũng không muốn làm nặng lòng riêng với một hai người nên mới phải đi khắp đó đây, xin nơi, người, thú, cỏ, cây, tạm sống để nuôi cái biết linh cho mau thành tựu. Tuy nói là sự xin vay, chớ trong phận sự vừa học tu, vừa bố thí pháp giáo hóa cho kẻ tối tăm kém trí mỗi ngày ấy cũng là sự trả nợ, hay trao đổi pháp tài với nhau, để tạo nên một lối sống, một con đường sáng lạng, cho kẻ đằng sau …
…
Khi mang danh người Khất sĩ, người Khất sĩ gieo duyên trong vạn nẽo, là bậc “thiên nhơn chi đạo sư”, không ai mà không có một ý chí sắt đá để vượt qua nghiệp lực của thế gian. Người Khất Sĩ như chúng tôi đã lược trích một đoạn trong Chơn lý Đại đồng, thì người Khất Sĩ luôn mang một sứ mạng thiêng liêng cao cả vừa duy trì vừa truyền bá chánh pháp trong đêm dài vô tận. Đấy chính là con đường Khất Sĩ của Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam.
Khất Sĩ là những người đi trong muôn phương để mang chánh pháp đến với muôn loài. Cũng thế chư Tăng Đạo Phật Khất Sĩ Non Bồng cũng là những người đi trong pháp giới để mang niềm tin giáo pháp đến với chúng sanh.
Qua bước song hành đầy ý nghĩa, nhân ngày kỷ niệm đệ tam chu niên, ngày thành lập Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng, Một tháng Giêng năm Bính Ngọ, 1966, một Tăng sĩ trong Giáo Đoàn đã cảm tác bài thơ tại Tịnh xá Thiện Chơn (Hốc Môn, Bà Điểm) với nội dung, tinh tấn dũng mãnh, khí khái của người Khất Sĩ, không chùn bước trước sự trở ngại thật nhiều gian khó :
……
Thân mang chiếc cà sa vàng rực rỡ
Lần bước đi theo ngược bóng thời gian
Mắt đê mi những thần sáng hiên ngang
Tay lần chuổi mà thần không bạc nhược
Miệng xưng tụng kinh thư ngàn thuở trước
Chốn am phòng làm bạn với hiền nhân
Giữa phù ba giải thoát khí tham sân
Tâm tự tại ung dung nơi Cực Lạc
…….
(trích Giác Quang Thi tập I)
Năng mưa mưa nắng bấy nhiêu ngày
Thế sự vô thường lắm đổi thay.
Ngàn năm công khó không người biết,
Một kỷ siêu thăng thiên hạ hay.
Tháng năm mài miệt, tháng năm dài
Thế thái nhơn tình mặc tĩnh say
Quyết chí tầm tu về chốn cũ
Diệt độ phù mê khỏi trả vay.
Bước chân du phương
năm 1966 Bính Ngũ niên
HT Thích Giác Quang