Mục Lục
Dòng thời gian trôi qua như vó câu, thường là không để lại một vết tích nào trong vũ trụ, cũng như không để lại một hệ niệm nào nơi dòng sông tâm linh : đấy là nét đặc thù của các bậc tôn giả xuất thế tự ngàn xưa trong nền đạo của Đức Thích Ca Mâu Ni .
Những nét đặc thù đó, vẫn còn phù hợp với hôm nay, có tính chất quyết định qua chân lý giải thoát. Điều mà ngài Tu Bồ Đề hết sức dè dặt, hiểu theo lời Phật nói, thì không có pháp nhất định với thượng chính đẳng chính giác, cũng không có pháp nhất định Như Lai nói … Quả thật nếu có pháp môn nào buộc chúng sinh phải đi theo một quy định, thì pháp môn đó không phải l pháp giải thốt. Giáo pháp ở thời kỳ Đức Phật trụ thế cứ như vậy, huống chi là các php trong thời mạt pháp.
Với mô hình của các pháp trong thời tượng pháp và mạt pháp, vì muốn cho Phật Pháp được lưu thông, nên chư Tổ sư đã dùng nhiều phương tiện xiển dương để đưa chân lý vào cuộc đời, đưa nền đạo Thích Ca Mâu Ni hội nhập trong đời. Chủ yếu là để giúp chúng sanh ra khỏi biển khổ sông mê, tràn đầy đau khổ, như những cuộc thiêu đốt vỉnh cửu trong ngôi nhà tam giới.
Dĩ nhiên trong công cuộc hoằng pháp lợi sinh đó luôn phải có sự kế thừa :”mỗi pháp môn là một vị thuốc đa năng cứu bệnh, là chiếc thuyền từ phổ độ, tế khổ người đang lặn hụp bể sâu, là nước mát cành dương để xoa dịu nỗi khổ đau của chúng sinh trong nhà lửa, là ngọn hải đăng để đưa đường dẫn lối cho con thuyền nhân gian đang chơi vơi giữa những ngọn cuồng phong ngoài biển khơi không lặng sóng. Là ánh sáng trí huệ xuyên suốt bao tâm hồn đang tiến bước vào dòng nước Thánh…
Không thể phủ nhận một pháp môn tu, một phương tiện làm lợi lạc cho chúng sanh; do đó mỗi pháp tu là tài sản quý giá của mỗi thế giới chúng sinh, giúp cho được tiến hóa trở về với chánh pháp. Bậc đạo sư khai sơn pháp môn tu và cũng là người khai lai trí giác của chúng sinh, những người có đầy đủ cơ duyên căn lành, các pháp sẽ được lưu lại trong hậu thế, tạo nên một sự kiện đại pháp thí phù hợp với chúng sanh và các liên hữu hiện tiền cũng như ở tương lai. Chính vì vậy mà chư Tổ sư luôn có để lại một ít sự kiện lịch sử, hành trạng mà các Ngài đã làm nên đạo nghiệp.
Ở đây, chúng tôi viết sử cho pháp môn tu, cũng là một nhân chứng sống, đồng hành với chứng nhân lịch sử, trong khi những người bạn sen lần lượt đã đi qua.
Tuy chúng tôi không tạo nên sự kiện lịch sử, nhưng chúng tôi là những người đồng hành trong quá trình hình thành pháp môn tu sẽ ghi lại những công việc đã qua, suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi căn nguyên những công trình đại pháp thí mà bậc Đạo sư đã thực hiện. Nhằm để các nhà học giả, trí giả, nhà nghiên cứu Phật học, chư độc giả liễu tri về những hành trạng của môn phong, của những người bạn sen đã từng sống chung trong khoãng tiền bán thế kỷ 20 .
Chúng tôi muốn nói đến một pháp môn có sự xúc tác truyền thừa từ trên 70 năm qua; một môn phái kế thừa chánh pháp bằng pháp môn Tịnh Độ và pháp hạnh Khất sĩ. Dòng tu đó chính là LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG do Đức Tôn sư Hòa Thượng thượng THIỆN hạ PHƯỚC hiệu NHỰT Ý, thuộc dòng LÂM TẾ thứ 41, biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai sáng lập.
Môn phái LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG được khai sơn từ Tổ Đình Linh Sơn, núi Dinh (núi Bồng Lai), thuộc xã Phước Hòa, Quận Long Lễ, Tỉnh Phước Tuy, nay là Ấp Phước Thành, Xã Tân Hòa, Huyện Tân Thành, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Trên danh nghĩa được hình thành từ năm 1957, tại Tổ Đình Linh Sơn là một ngôi cổ tự có trên 200 năm và trải qua 11 đời Trụ Trì. Riêng Đức Tôn Sư của môn hệ này đã đắc pháp với Sư Ông Trưởng Lão Hòa Thượng thượng Bửu hạ Đức (1879 – 1974) khi Ngài đang hoằng truyền pháp môn Niệm Phật tại Tịnh thất Bửu Quang, núi Văn Liên, Châu Đốc…
“Một ngày nọ, Đức Tôn Sư xin phép vào yết kiến với Sư Ông Bửu Đức và hỏi :”
- Con muốn giống Đức Sư Ông ?
- Muốn thì được, Đức Sư Ông trả lời :“nhưng phải đi về miền Đông thì nên đạo”.
Đức Tôn Sư nghe lời chỉ bảo, Ngài chỉ học đạo với Sư Ông có 8 tháng. Vâng lời Sư Ong đi về miền Đông hành đạo vào tháng Giêng năm 1956. Dừng chân tại Long Sơn Cổ Tự, xã Tân Ba, Tân Uyên, Biên Hòa cho đến mùa xuân năm Đinh Dậu (1957) thì đăng trình về khai đạo tại Tổ Đình Linh Sơn.
Trong cuộc đời hành đạo của Đức Tôn Sư, được sự đồng tâm hiệp trí của các bậc tôn túc, nhà trí thức Phật Giáo vùng thành đô, từ chư Tăng Ni, nam nữ Phật Tử học Phật đến những người bình dân khắp nơi nương về cầu tu học đạo, hành trì pháp môn. Tuy có được nhiều môn đệ, nhưng Đức Tôn Sư lúc nào cũng tâm niệm : “các pháp là giả danh, mộng huyển, mọi người chúng ta là khách trần, chỉ tạm dừng chân nghỉ nơi đây một đêm, rồi ngày sẽ mai tiếp tục cuộc đăng trình về cố quán…”.
Kính Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, Phật Tử trong Tông Phong,
Chúng tôi cùng quý vị đã từng chung sống tu học tại Tổ Đình Linh Sơn, Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đảo, là những người bạn sen bên núi xưa và từng kết đoàn Du Tăng hành đạo khắp nẽo đường Trung Nam nước Việt trong những năm Đức Tôn Sư còn sinh tiền. Khi thì ở Linh Sơn, lúc thì ở Nhứt Nguyên Bửu Tự, đi thì bóng Huỳnh y tung bay bốn phương trời, với kỷ niệm “Tăng Đoàn Khất Sĩ Tịnh Độ Non Bồng” hạ sơn đầu năm Giáp Thìn 1964, ngày thành lập Giáo Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng, về thì an trụ trú xứ Quan Âm Tu Viện, một danh lam tuy không là cổ tự, nhưng có tầm vóc đại già lam của miền Đông Nam bộ. Thế thì không ai trong chúng ta không phải là chứng nhân của pháp tu mà Tổ Thầy đã khai sáng. Nên việc thực hiện quyển lịch sử nầy chúng tôi không quên tham khảo sự hiện diện của Chư Tôn Đức, nhưng nếu có sơ xuất về hành trạng của Tông phong cũng như quý vị giáo phẩm, mong quý vị bổ khuyết để lưu trong đời.
Chúng con xin kính dâng một niềm tin lên Ni Trưởng thượng Huệ hạ Giác, người kế thừa sự nghiệp của Đức Tôn Sư với tư cách Tông Trưởng Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, người đã giữ gìn và phát huy viềng mối Tông Phong, làm cho pháp giáo ngày càng thăng hoa, mở rộng pháp tu, tạo điều kiện cho hậu côn tiến bước. Kính mong Ni Trưởng từ bi hoan hỷ và tạo thuận lợi cho chúng con làm tròn bổn nguyện, thực hiện quyển lịch sử nầy thành tựu viên mãn.
Kính Quý Nam Nữ Phật Tử
Quyển lịch sử Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng nầy, chúng tôi dày công tìm tòi biên soạn, do chúng tôi có thiện duyên, được gần gủi Đức Tôn Sư từ những năm Ngài mới khai sơn pháp môn tu. Nhất là với tư cách người thị giả (năm 1961-1962 tại Linh Sơn, năm 1969-1973 và năm 1981-1983 tại Quan Âm Tu Viện) chúng tôi có nhiều cơ duyên thực hiện biên soạn quyển lịch sử nầy, mong mõi sẽ giúp quý vị giữ vững niềm tin. Quyển lịch sử rất có giá trị cung cấp những diễn biến đích thực, chính đáng trong cuộc đời hành đạo của Đức Tôn Sư và hàng giáo phẩm chư Tăng Ni của Tông phong, khi nghiên cứu quý Phật tử sẽ phấn khởi thêm hơn.
Trên 70 năm qua Môn phong đã tồn tại theo tiến trình tín ngưỡng của từng thời đại; chứng tỏ Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng xứng đáng với sự kế thừa pháp môn Niệm Phật của chư vị Đại sư Tịnh Tông.
Kính thưa Chư Giáo Phẩm, Chư Sơn, Thiền Đức,
Với quyển sử nầy, chúng tôi muốn nói lên tâm nguyện “góp phần hộ trì và hoằng dương chánh pháp của Đức Bổn Sư Thích Ca mà Đức Tôn Sư đã khai sơn” – “trăm rạch ngàn sông, dòng nước nào cũng xuôi về đại dương”. Chúng tôi không hướng về con đường nào khác hơn, ngoài bổn hoài của Đức Thế Tôn, chư Lịch Đại Tổ Sư tiền bối và hiện tiền Chư Sơn Thiền Đức. Xin nguyện đi trên đôi chân của chính mình, trên bước đường hoằng pháp lợi sanh của Đức Tôn Sư đã khai sơn giáo hóa.
Trong khi trình bày quyển lịch sử, ở những trang, chương, mục được diễn đạt bằng lời thật, hoặc có những ý chính, có thể chưa thông thoáng và phù hợp với suy nghĩ của người đọc, rất mong quý liệt vị thông cảm, tạo cho Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng góp phần vào sự nghiệp hoằng dương chánh pháp .
Quyển lịch sử này, gồm có 4 tập, được phân ra làm 7 chương như sau :
* Tập I : HOA SEN BÊN NÚI XƯA, gồm chương I và chương II nói về quá trình hình thành Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và Trung tâm thành lập môn phái .
* Tập II : HOA SEN TRONG NẮNG MỚI, gồm chương III và chương IV nói về Trung tâm hành đạo (Quan Âm Tu Viện, Hội sở Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng – Hành trạng của các bậc Đạo sư sáng lập môn phái )
* Tập III : HOA SEN VI DIỆU PHÁP, gồm chương V nói về dòng pháp của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.
* Tập IV : CÒN MÃI NHỮNG HOA SEN : gồm chương VI và chương VII nói về các cơ sở tự viện của môn phái – Chư Tăng Ni, Tín Sĩ Tu Hành có chứng nghiệm, có công đức với đạo pháp và dân tộc đã viên tịch.
Khắp nguyện thế giới hòa bình, vạn dân an lạc, pháp giới chúng sanh đồng sanh Tây Phương Cực Lạc, đồng thành Phật đạo.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Mùa thu năm Nhâm Thân,1992 tại
Quan Âm Tu Viện, Đồng Nai, Việt Nam
Tịnh Thất Bảo Tịnh – Nhà Sư Giác Quang