Mục Lục

“…Qua cơn giận dữ người ta không thể tha thứ cho đối tượng làm trái ý nghịch lòng, nhưng người ta có thể hỷ xả khi cơn thù hận bộc phát trước kẻ thù (!)… ”. Khi nhìn đến Linh Sơn, thấy những Tăng Ni phục vụ Cô nhi viện và các Cô nhi Phước Lộc Thọ đều có cùng một bữa ăn cháo rau đạm bạc như nhau, không có chổ phân biệt người bảo dưỡng, kẻ được nuôi dưỡng. Vì Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng là những người tu núi, là những người cắt ái từ thân thật sự và chân thật, lìa xa mái ấm gia đình, từ bỏ đời sống nông dân, công nhân, trí thức, quyền quý, thư sinh … xả tục xuất gia. Đời sống tuy có phần khổ cực, nhưng tinh thần lạc đạo và vô tư kỷ làm việc Phật sự “Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”, với ý hướng nương công đức này để cầu đạo giải thoát. Người thế gian chưa hiểu về Tăng Ni Non Bồng, nên người có thể không thích. Nhưng họ có thể có cảm tình khi đối mặt với bậc chân tu bên núi xưa.

Về phía Cô nhi, các cháu luôn luôn được nuôi dưỡng tinh thần, một tinh thần bất khả phân, một tình thương vô bờ bến, một tâm hồn vô tư kỷ, xoa dịu bao sanh linh bằng những tia hào quang vô biên của Đạo Vàng bất tận. Các cháu được vui sống trong vòng tay hiền dịu, oai linh của Đức Tôn Sư, của Đức Thầy Huệ Giác, của chư Tăng Ni chính chân. Các cháu luôn luôn nở những nụ cười tươi trẻ như ngàn hoa đua nở, như một tri thức ở Saigon lúc bấy giờ đã thốt lên “ Mùa xuân không bao giờ qua đi nơi non bồng nước nhược : núi Bồng Lai”.

Vì lẽ đó, nên trong ba bữa ăn : sáng cháo, trưa cơm, chiều cháo lại độn thêm khoai, sắn, rau rừng… mà lòng vẫn an nhàn, thân không ốm đau tiều tụy, bữa ăn không thấy đâu là thực phẩm dinh dưỡng nhiều như ở thế gian, nhưng thân mạng của chư Tăng Ni và các cháu vẫn mập mạp, tráng kiện, tươi khỏe thêm lên.

Mỗi ngày chư Tăng Ni Tổ đình Linh Sơn phải luân phiên xuống núi đi bộ 4,5 km đến quốc lộ 15 để tải gạo, thực phẩm của Phật tử các nơi cúng dường đem về núi. Mặc dù số lương thực,thực phẩm có phần

……………………………………………

(!) lời của tác giả…

nhiều nhưng không đáp ứng được đủ nhu cầu ăn uống cho hơn 500 Tăng Ni, Phật tử Non Bồng và các cháu Cô nhi. Vì thế chư Tăng, Ni, Phật tử còn phải khai khẩn đất hoang để trồng trọt hoa màu, tạo vườn cây ăn trái để tự túc sinh sống. Thời gian bấy giờ Tổ Đình Linh Sơn có đến 100 mẫu tây đất khai hoang phục hóa để canh điền tác rẩy tự túc kinh tế nhà Chùa. Được Đức Tôn Sư cho phép xây cất cơ sở Tịnh thất, Đạo tràng, Am, Cốc, khắp nơi từ chân núi ra đến quốc lộ 15 làm phương tiện cho Tăng, Ni, Phật tử trú ngụ tu học và chăm sóc rẫy bái, phục vụ Cô nhi viện.

Trong những số Tăng Ni có công lao khó nhọc về tải lương thực có bà Trạng Tư, Sư Huệ Ai, Sư Tịnh Khẩu, Sư Thiện Chí, gia đình của Đại Đức Hoàng Chiếu… các vị có thể tải gạo cả ngày lẫn đêm mà không hề than van kêu khổ, các vị vẫn vui khi thấy mình đã tô bồi công đức với đạo pháp. Các vị là những người tô bồi công đức cho chính mình và gia đình quyến thuộc và cũng là một sự chia xẻ chung lo, gieo bòn phước điền cho muôn vạn chúng sanh được an lạc. Đồng thời cũng là thể hiện một đời sống an vui tịch tịnh thực tiễn trên cuộc đời, sau khi các vị đã làm xong Phật sự .

Những Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng được xuất sinh trong môi trường tình thương và lòng nhân ái. Từ trong chiếc nôi tứ chánh cần, thọ dụng thức ăn tứ nhiếp pháp, lớn lên họ đã được trao cho mình một trách nhiệm mà mỗi người tự tri, tự kỷ. Dường như nơi chốn thâm sơn huyền bí, họ không cần ai xưng tán khen ngợi, bởi vì họ ước nguyện được đi trên con đường Bát chánh đạo chính là đại lộ Niết bàn rộng thênh thang. Các vị nguyện sống một đời sống giản đơn đầu đà khất sĩ nơi non bồng nước nhược mà người tín đồ Phật tử Linh Sơn gọi là núi Bồng Lai. Các vị đã làm nên một Phật sự : giáo dưỡng hài nhi, làm nên sự nghiệp tu hành. Các vị luôn đỡ nâng bọn trẻ cô đơn, người già yếu đơn độc, thể hiện cương lĩnh của chư Phật ba đời, thực hành nhiệm mệnh của chư Bồ Tát, nối gót tâm tông của các bậc tiền bối tiên sinh, kế thừa xiển dương chánh pháp của Thích Ca Mâu Ni. Các vị là ai, là Xử sĩ Thiện Phước, là Nữ sĩ Hồng Hoa, là quý Ni sư, Sư cô Diệu Thành, Diệu Giác, Diệu Âm, Diệu Hiền, Diệu Hạnh, Diệu Tín, Diệu Thọ, Diệu Liên, Diệu Hưng, Diệu Lạc, Diệu Thông v.v…

Các vị là những con người có chất liệu minh triết, từ thiện truyền thống, khoác áo Nhà sư, phò trì chánh pháp qua con đường phục vụ Từ thiện Xã hội, phụng sự Đức Phật bằng hạnh nguyện vị tha. Trên con đường làm sứ giả Như Lai, người tu sĩ Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng xem đời sống gia đình tựa hồ như sào huyệt của bao điều tranh chấp gay go và cải vã; như nơi chứa dựa của bao thiếu thốn bao nhu cầu, như chổ cư trú của bao điều phiền não, bao nhiêu sự thất bại bao nhiêu việc trái lòng.

Với lòng từ mẫn vô biên của Đức Tôn Sư gởi đến những tâm hồn đơn lạnh, với tiếng khóc thân thương của trẻ hài nhi bạc phước, qua bài giảng Ngài đã sách tấn môn đệ, chư Tăng Ni như sau :

“… Nhìn mây ngàn trên sương gió

Tiếng khóc trong đêm dài

Khắp trong trời bao la

Khắp vùng trời năm châu

Tiếng thở than, tiếng vang dội

Lòng mẹ ru con, mẹ nhắn về con

Các con là đấng Thế Tôn

Các con là bậc Chơn Sư

Các con là bậc cao Tăng

Các con là ân nhân của nhơn loại

Các con an tâm muôn loài

Các con làm Thầy của ba cõi

Các con là nguồn sinh lực của loài người

Các con đem lại vui tươi cho nhơn loại

Mẹ mong mỏi chơn Tăng, chơn Sư

Hằng giải thoát thân tâm

Tâm đều là như con toàn vô ngại

Tâm bình đẳng như con hằng tự tại

Tánh bác ái con tràn ngập cõi đời

Lòng từ con vô tận

Tâm đại bi con khắp vũ trụ Ta bà

Đèn trí huệ con soi tận vô lượng chúng sanh.

Đuốc quang minh con nghìn thu chiếu dịu

Con ơi bốn biển chan hòa tướng hão Như Lai

Chí đại hùng con vang trong hòa đồng nhơn loại

Chơn Sư, chơn Tăng con ạ !

Có chi vui bằng tâm đại hão,

Có chi đẹp bằng đức lượng từ bi ,

Có chi hỷ lạc hơn lòng từ vô lượng.

Có chi cao cả hơn là đạo hạnh trang nghiêm,

Có chi quý bằng long ai mẫn chúng sanh như cốt tủy,

Có chi hơn bổn tánh vô tư.

Người trong tứ sanh lục đạo

Đang mong chờ các con sớm trưởng thành Phật đạo

Chúng trần đang mong đợi sự cứu rỗi của các con.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. ”

Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng không xưng mình là những Tu sĩ đã thoát trần vì chỉ đang sống trong môi trường non bồng nước nhược. Cũng không nhận tâm ý mình đã hoàn thiện nhất quán trong việc phát bồ đề tâm, vừa tu học vừa phụng sự đạo pháp, nhưng tinh thần đạo đức của các vị lúc nào cũng phấn khởi tinh tiến thêm lên. Các vị cũng không ngã mạn cho rằng mình đang lướt nhẹ trên sóng nước từ bi, vị tha vô ngã; nên tình thương của các vị lúc nào cũng dịu vợi âm thầm an ủi muôn vạn hồn đơn. Không tự tán dương mình là những người tĩnh thức giữa chốn trần gian, nhưng chính họ được giáo hóa bằng những lời giảng nói hy hữu của Đức Tôn Sư : “Ta tạm nghỉ nơi đây một đêm, để rồi ngày hôm sau tiếp tục cuộc hành trình về cố hương… ”.

Chỉ một lời nói giản đơn mộc mạc, mà hôm nay phần đông các bậc Trưởng lão, Tôn túc trong Tông môn vẫn còn nhắc nhở, phụng hành và từ đó sự sống thanh bần lạc đạo của các Sư không phai mờ tại các Tự, Viện, Tịnh xá, Đạo tràng.

Và cũng chính sự công phu miên mật của chư Tăng Ni lúc bấy giờ giúp cho các vị cảm nhận được những hiện tượng sinh tồn, cằn cỗi, ốm yếu và cuối cùng là hoại diệt lìa đời, nhưng các vị không bao giờ hoãng sợ trước bốn bức tường “sanh,lão,bệnh,tử” của thếgian. Các vị đang sống trong sự hiểu biết thực tiễn tương đối, quán chiếu các pháp là vô thường, chỉ có sự an lạc tịch tịnh là miên viễn.

Đứng trước sự đau khổ của các cô nhi quả phụ, trước những kẽ tàn phế già nua, các vị đã thể hiện tính vô tư, ảnh hưởng tấm lòng quãng đại của Đức Tôn Sư, xoa dịu những khổ đau chất chồng, giúp họ đến bến an vui. Với sức mạnh tình thương này, là công sức của nhiều trái tim nhân đạo đến đây để tế khổ những đau thương của sinh linh giữa cuộc đời.

Trong Túc Sanh truyện có nói việc của Bồ tát Sumedha suy niệm như vầy :

“Cũng như mặc dù có cảnh khốn khổ đau thương

Vẫn có trạng thái an vui hạnh phúc

Cũng thế ấy, nếu có hiện sinh

Tất phải có sức nóng khó chịu

Vẫn có sức lạnh dịu dàng

Cũng thế ấy, nếu có sự hiện hữu của tham sân si

Tất phải có Niết bàn

Cũng như mặc dù có tội lỗi xấu xa

Vẫn có cái tốt đẹp

Cũng thế ấy dù quả thật có sự sanh

Tất phải có sự không sanh…

(Đức Phật và Phật Pháp, chương 33, trang 551, ĐĐ

NaRaDa, bản dịch Phạm Kim Khánh)

Chúng tôi muốn dẫn chứng câu kệ trên, để nói lên sự sinh hoạt của chư Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng trong những năm còn tu học và phục vụ từ thiện, nhưng thân tâm không còn triếu mến những vật chất nơi phồn hoa đô hội. Cho dù kinh tế của đất nước trong những năm 1970, 1971 thật sung túc phát triển ! Chư Tăng Ni Non Bồng đã thật sự là người xuất gia tìm đạo và đã thực tập được những gì mà xưa kia Đức Thế Tôn đã bảo ban.

3 . SINH HOẠT TẠI CÔ NHI VIỆN PHƯỚC LỘC THỌ:

Các cháu cô nhi Phước Lộc Thọ tại Tổ Đình Linh Sơn, núi Bồng Lai tất cả đều được gọi là Phật tử, được Đức Tôn Sư và Đức Thầy Huệ Giác ban cho Pháp danh và được truyền Tam quy, được sinh hoạt tụng kinh niệm Phật theo thời khóa của Tổ Đình Linh Sơn và Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão, nhưng có phần hạn chế hơn, các cháu được xếp vào nhóm ảnh hưởng chúng, thời khóa biểu tu hành của các cháu không tinh chuyên như chúng thường tùy, chúng đương cơ…thời gian khóa biểu như sau :

16 giờ : công phu chiều, tụng Di Đà, Mông Sơn thí thực

19 giờ : tịnh độ tối, tụng kinh Di Đà

04 giờ : công phu khuya, tụng kinh Phổ Môn

Giờ tu của các cháu được ấn định khoãng 1/3 thời khóa tu của chư Tăng Ni. Nhưng thêm vào đó, vào lúc 21 giờ 30 các cháu được Sư Thiện Tâm và Sư cô Diệu Âm hướng dẫn niệm Phật tại Tịnh nghiệp Đạo tràng riêng của các cháu, khoảng chừng 20 phút, như vậy chỉ còn lại 10 phút sau đó là 22 giờ 00 được chuẩn bị nghiêm túc để chỉ tịnh ngủ nghỉ.

Về học tập nội điển và ngoại điển, sinh ngữ và cổ ngữ các cháu Cô nhi viện Phước Lộc Thọ rất vinh dự được đưa vào Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão (1962, 1963, 1964) để thọ học.

Nội điển: do Sư Thiện Tâm, Sư cô Diệu Âm, Sư Nhất Phương, Sư Phước Điện phụ trách.

Ngoại điển: do Sư Nhất Phương, Sư Phước Điện phụ trách.

Hán văn do Sư Huệ Trí phụ trách.

Các cháu Cô nhi từ 10 tuổi đến 12 tuổi trở lên sẽ được tùng học cùng với các chú tiểu, ô Sa Di, Sa Di của Tổ Đình. Tuyệt đối các Tăng Ni sinh không được phân biệt kỳ thị với các cháu để xoa dịu phần nào những bất hạnh trong cuộc đời .

Các cháu cũng được dự lễ tụng kinh Thọ Trai vào lúc 11 giờ 30 hằng ngày của các Sư lớn, các Sa Di, các chú tiểu và rất nghiêm túc trong bữa ăn, các cháu cũng rất ham thích, tinh tấn, nhất là đối với các đoạn kinh cúng dường theo hạnh Khất sĩ, các cháu đều thuộc nằm lòng và hòa chúng nghe rất vi diệu, trầm hùng. Sau những dòng kinh cúng dường Tam Bảo, người Phật tử lúc bấy giờ cũng được nghe âm điệu của các cháu hòa với lời cầu kinh của chư Sư, chư Tôn Giáo phẩm :

“Những ai hết lòng ân cần cung cấp

Thức ăn vật uống cho chư đệ tử của Phật

Và làm phải cho mọi người

Cao thượng hơn lòng bỏn sẻn và tánh tư vị

Thì sẽ hưởng được sự vui sướng thanh nhàn

Đời đời kiếp kiếp ở cảnh thượng thiên

Mấy người ấy sẽ chứng đủ các quả đạo lành

Sẽ được hân hạnh về đạo lý

Sự khoái lạc hoàn toàn

Các vị ấy sẽ sanh lên cõi trời

Để hưởng sự sung sướng và nhàn lạc luôn luôn.

Không ngờ rằng giữa chốn non xanh bồng đão, cũng không bao giờ mơ được như các cháu Cô nhi Phước Lộc Thọ này lại đọc được những lời kinh trên, những lời kinh dành cho các bậc tôn túc trưởng thượng giảng nói, phước đức thay ! vinh dự thay !

Tuổi tác các cháu làm sao có đủ khả năng để thọ Ngũ giới hay Bát quan trai giới như các vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, nhưng chắc chắn các cháu có thiện căn, túc duyên với Phật. Chủng tử của ba đời chư Phật, luôn ngự trị trong tâm chúng sanh, ai cũng có tâm Phật, huống chi là các cháu được gần Phật, tụng kinh Phật, nghe nói chuyện Phật. Vì vậy mà phẩm hạnh của các cháu lúc bấy giờ tuy là cô nhi, nhưng được quý Sư un đúc rất có chất lượng.

Sở dĩ các cháu được như vậy là nhờ Cô nhi viện hoạt động trong phạm vi Tổ Đình Linh Sơn và trong lòng núi non cách ly thế tục, không bị vật chất thế gian chi phối tâm tánh. Về giáo dục, đức dục, trí dục không phải bị khó khăn nhiều đối với các vị Dưỡng nhi, Dục nhi. Về dụng cụ học sinh, các cháu chi được cung cấp những đồ dùng cơ bản như phấn, viết mực, viết chì, bảng viết cá nhân, tập nhưng rất hạn chế; những dụng cụ học sinh đặc biệt khác thì rất ít và không có như sách cho học sinh, dụng cụ đo lường, cặp … nhất là các cháu học ở Ban Trung Học (lớp Đệ thất, Đệ lục)

Các cháu cũng thường được hướng dẫn về giảng đường của Tổ đình để nghe Đức Tôn Sư, Đức Thầy Huệ Giác, chư Tăng thuyết pháp cùng với Tăng Ni, Phật tử khác, mỗi tháng vào ngày Rằm và mùng Một. Thỉnh thoảng các cháu cũng được Sư Thiện Tâm hướng dẫn đi thưởng ngoạn cảnh núi non huyền bí hùng vĩ, xa hơn nữa nơi đỉnh Bao Quan (cao 800m) cách xa Tổ Đình khoãng 5,6 km đường dốc cao trải qua nhiều thung lũng trong lòng núi, hoặc nghỉ mát, hoặc tiêu khiển đủ các trò chơi lành mạnh cho tuổi trẻ tại một thung lũng hay đồi cao nào đó, hoặc trèo lên những vựng đá cao chọc trời, tìm cách bắt thang cây, thang dây để leo lên các đỉnh đá ngắm núi non trùng điệp, trải dài đến ven bờ Thái Bình Dương xa xăm trong mây ngàn vạn lý. Sau những tiêu khiển, các cháu còn được hướng dẫn đi tắm suối Tiên, suối Đá, (hiện nay là một thắng cảnh du lịch sinh thái của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) hoặc viếng lễ Phật chùa Hang Mai, Chùa Hang Tổ, Chùa Giữa ( Chùa Long Hương) tọa lạc giữa các thung lũng Bao Quan, hoặc viếng các điện Tào Khê, điện Quan Âm, điện Phổ Đà, điện Bát Tiên, điện Địa Tạng, điện Bồ Đề, Lôi Âm, Ngũ Đài, Bửu Cung Phật Nam, Bửu Cung Phật Nữ… đều là những nơi có chư Tôn Đức Tăng Ni Non Bồng đang tu tịnh.

Đặc biệt có những thú vui vào mùa mưa, những ngày nghỉ học, các cháu được hướng dẫn đi hái măng le, hái núm, hái rau rừng( rau tàu bay, thiềng liềng, tầm bố, cải trời…) những ngày đi bẽ măng le, hái núm khi trở về Chùa các cháu sẽ được thưởng thức những bữa ăn chiều thật ngon lành bởi những búp măng non và rau, núm do quý Ni cô ở nhà trù chế biến. Vì vậy mà các cháu, cũng như các tiểu Tăng Ni hay ước vọng trông mau đến mùa mưa để được đi hái măng, tắm suối.

Một trong những trò chơi nguy hiểm vào thời điểm tháng hai tháng ba như đã nói ở trên là những cuộc thám hiểm leo núi, thế nên chỉ có các cháu từ 15 đến 16 tuổi mới được leo. Tuy xa lạ với các cháu qua các vựng đá cao vút từ 8 đến 12m, nhưng các cháu sẵn sàng làm theo lời người hướng dẫn, đốn cây rừng, dây rừng, chấp nối làm thang cây, thang dây để leo trèo; mới nhìn cảm nhận rất nguy hiểm, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào ! Nhưng không, rất chắc chắn và an toàn giúp các cháu lên đến mặt bằng của đỉnh đá, khi đã lên được tận nơi rồi, thì mặc tình mà ngắm cảnh, thọ hưởng những không khí trong lành. Rồi những cơn gió thoang thoảng từ đâu thổi về, thổi về không ngưng nghỉ, xoa dịu và làm mát lòng người lữ thứ đang đi trong cô đơn ! Mà chính các cháu là những người được sinh ra để gánh lấy những bất hạnh đó.

Tuy nhiên lúc bấy giờ, phải chăng các cháu là những tiên đồng, ngọc nữ ? Các cháu và các vị tiểu Tăng hài hòa được nếp sống nhân sinh cùng vũ trụ bao la, không còn gợn một chút phiền não trần lao.

Trò chơi leo đá thật nguy hiểm tánh mạng cho các cháu, một logic của tuổi thiếu niên, thích thú những cảm giác siêu nhiên lạ lùng. Nhưng vô hình trung đã tạo cho các cháu một sự dạn dĩ, một tinh thần thoát tục như chư Tăng Ni của Tổ Đình. Thật ra, trên đỉnh đá không thấy gì nguy hiểm, vì có những đỉnh đá mặt bằng rộng đến 10m đường kính, chứa từ 6 đến 8 cháu có khả năng leo trèo mà thôi. Đấy là thú vui tuyệt đỉnh của các Cô nhi Phước Lộc Thọ trong thời gian gần 10 năm tại núi Bồng Lai Tổ Đình Linh Sơn Tự.

Các cháu còn được Sư Thiện Tâm tập leo dây, trong rừng núi rất nhiều loại dây sống treo lũng lẳng thật chắc chắn, thuận tiện cho các cháu tập leo, và đu dây từ bên này sang dây bên kia. Đến mùa thanh trà, trái thanh trà chín đỏ mộng, chua chua, ngọt ngọt trông rất đẹp quả, ăn rất ngon lành, hóa giải được những bệnh thông thường. Các cháu cũng rất ưa thích những rừng thanh trà trùng điệp, nhưng cây rừng thì rất khó leo, nên các cháu lợi dụng các dây rừng chằng chịt quấn vào nhau, khoanh vòng cây thanh trà, rồi leo để hái trái chia nhau mà ăn, thật vui tươi trong đời sống của các cháu cô nhi trong những giờ du ngoạn giải trí.

Khi có lỗi lầm lớn, các cháu được chư Sư hướng dẫn, răn dạy và những hình phạt như : quì hương, ăn cơm sau chúng bạn, cấm không cho đi chơi… tuy đơn giản nhưng các cháu rất sợ những hình phạt này. Vì quì hương thì không được ăn nữa buổi, ăn cơm sau chúng bạn thì đồ ăn trong bát rất ít, hoặc ăn cơm với muối tiêu, không cho đi chơi là một cực hình khổ nhọc nhất đối với các cháu. Do vậy các cháu cô nhi Phước Lộc Thọ trong thời gian ở núi Bồng Lai rất ngoan ngoãn, để thương.

Về thực tập tu quán tưởng niệm Phật, các cháu được Sư Thiện Tâm hướng dẫn rất chu đáo vào lúc 6 giờ sáng và 6 giờ chiều. Trước khi tu quán tưởng, các cháu tự báo hiệu cho nhau bằng một hồi kiểng 3 tiếng, xong, tất cả trang nghiêm y áo chỉnh tề, tập trung sắp hàng ngay ngắn, quỳ lạy Phật 3 lạy, kế đến tất cả đều ngồi bán hoặc kiết già, được một vị Tiểu Giám Thiền cũng từ các cháu cử lên để đi chung quanh thiền đường niệm từ tiếng :”NAM … MÔ … A … DI … ĐÀ … PHẬT…”. Giúp các tiểu tăng tâm niệm theo. Thời gian thực tập quán tưởng khoảng 15 đến 20 phút.

Cô nhi viện Phước Lộc Thọ núi Bồng Lai cũng như tất cả các Cô nhi viện khác trên toàn quốc, nhưng vì Viện nằm ở một địa điểm biệt lập núi non cách trở nên đời sống, sinh hoạt có giới hạn trong khuôn thước của tổ Đình Linh Sơn và được chư Tăng Ni giáo dục. Thế là cuộc sống của các Cô nhi gần như trở thành những chú tiểu trong chùa, chú tiểu núi, nhưng cũng không phải khó khăn cho lắm khi các cháu lớn lên và trở về với xã hội, các cháu cũng có đủ trình độ để tiếp tục học hành, hoặc đi vào đời tự lập nên cuộc sống hiện thực. Vì các cháu đã được giáo dục về nội điển (giáo lý, đạo đức) lẫn ngoại điển (phổ thông theo học trình giáo dục ngoài đời).

Cô nhi viện Phước Lộc Thọ đã thành công ở giai đoạn đầu tại núi Bồng Lai. Ngày nay các cháu như Đặng Thị Cúc, Nguyễn Ngọc Châu, Ngô Thành Hải, Đôn Thị Gấm … đều trở về đời có gia thất, làm nên sự nghiệp với gia đình và xã hội. Cháu Văn Ngọc Phước phát tâm xuất gia trở thành Tỳ Kheo Ni.

Những cơ sở, Tự, Viện,Tịnh xá, Đạo tràng, cùng tích cực đóng góp với Cô nhi viện Phước Lộc Thọ, cũng như hàng giáo phẩm Tăng Ni và các gia đình Phật tử tham gia công tác Từ thiện Xã hội trong quá trình từ năm 1960 đến năm 1977 :

1. Chi nhánh Cô nhi viện Từ Ai :

Được thành lập năm Kỷ Dậu 1969 tọa lạc tại Tịnh xá Thắng Liên Hoa, ấp Bình Tự, xã Hiệp Hòa, Biên Hòa. Là một bộ phận hoạt động theo nội qui của Cô nhi viện Phước Lộc Thọ, do Đức Thầy Huệ Giác quản lý.

Khi mới thành lập Cô nhi viện Từ Ai nuôi dưỡng được 60 cháu Cô nhi sơ sinh, các cháu này được các Sư Cô, Ni Cô phụ trách nuôi đến 6 tuổi thì chuyển sang Cô nhi viện Phước Lộc Thọ và đưa vào trường Tiểu học Lâm Tỳ Ni học chữ.

Những vị có công nhiều tại chi nhánh như Cư sĩ Thiện Phước Nguyễn Văn Cảnh, Cư Sĩ Hữu Từ Hà Lâm Phước… về phía Ni giới có các Sư cô Diệu Thành, Diệu Hiền, Diệu Tín, Diệu Thanh, Diệu Hòa, Diệu Giác, Diệu Lạc, Diệu Thông, Diệu Lộc, Liễu Quý …

2. Chi nhánh Cô nhi viện Phổ Hiền (xã Tân Thành) :

Cơ sở tự trị, do Sư Cô Diệu Hòa sáng lập dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Tôn Sư Thích Thiện Phước hồi năm 1970, tọa lạc tại Chùa Phổ Hiền Phật Tự, xã Tân Thành, Biên Hòa.

Chi nhánh Cô nhi viện Phổ Hiền có 40 cháu Cô nhi được nuôi dưỡng bởi một số Sư cô, Ni cô của bản tự và một đoàn nam nữ cư sĩ Phật tử Biên Hòa phụ trách, hộ trì vật chất. Các cháu Cô nhi khi đến tuổi đi học cũng được đưa về trường Lâm Tỳ Ni học chữ và học kinh.

3. Những Tự, Viện, Tịnh xá, Tăng Ni, Phật tử có công đức lớn, liên hệ, hộ trì, giáo dục, nuôi dưỡng trong công tác Từ thiện Cô nhi như :

- Tổ Đình Linh Sơn, núi Dinh, Phước Hòa, Bà Rịa.

- Quan Âm Tu Viện, Biên Hòa.

- Chùa Long Phước Thọ, Long Phước, Long Thành.

- Phổ Hiền Phật Tự, Tân Thành, Biên Hòa.

- Long Sơn Cổ Tự, Tân Ba, Tân Uyên.

- Chùa Phước Thiện An, Tân Thới Hiệp, Hóc Môn.

- Nhứt Nguyên Bửu Tự, Vĩnh Phú, Lái Thiêu.

- Chùa Phổ Thiện Hòa, thị xã Thủ Dầu Một.

- Tịnh xá Thắng Liên Hoa, Hiệp Hòa, Biên Hòa

- Đạo tràng Sư cụ Huệ Trí, Phú Long, Lái Thiêu.

- Trường Sanh Phật Tự, xã Điều Hòa, thị xã Mỹ Tho

- Chùa Phổ Minh, xã Hưng Lộc, Dầu Giây.

- Đạo tràng Cư sĩ Huệ Nhẫn, (Út Nhẫn) Vĩnh Phú, Lái Thiêu.

- Sư Cô Diệu Ý và gia đình hãng dầu Biên Hòa.

- Đại Đức Thiện Hải (Phạm Văn Hai) và gia đình kiến họ Phạm

ấp Tân Bản, Bửu Hòa, Biên Hòa.

- Cư sĩ Hữu Từ Hà Lâm Phước và gia đình đường Trịnh Văn Cấn, quận Nhứt, Saigon.

- Trưởng Lão Thích Thiện Thông và gia đình kiến họ Bùi.

- Trường Bình Tự, Hạnh thông tây, Gò vấp.

- Cư sĩ Diệu Ngọc Võ Thị Mười (hãng sơn mài Solomon)và gia đình quận 3, Saigon.

- Sư cụ Vạn Hiền và gia đình, Vĩnh Phú, Lái Thiêu.

- Đạo tràng Pháp Đoan, quận I, Saigon.

- Cư sĩ Ngô Văn Chẳn (Sáu Tây) và nhóm Phật tử thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương)

- Đại Đức Thích Thiện Trung Quan Âm Tu Viện

- Đại Đức Thích Thiện Nghĩa Quan Âm Tu Viện

- Các Phật tử Thiện Định, Thiện Tịnh, Thiện Chí, Thiện Pháp, cầu Rạch Tôm, Nhơn Đức, Nhà Bè.

- Gia Đình Phật tử Nguyễn Văn Hơn, Nguyễn Văn Dâu, ấp Bình Tự, xã Hiệp Hòa, Biên Hòa.

- Trưởng lão Vạn Đức Hương, và Đạo tràng Tứ Hải Ân đường Minh Phụng, Chợ Lớn.

- Gia đình Phật tử Phùng Minh Chung, Hongkong.

Xin nguyện Tăng Ni tứ chúng, hữu công trong công tác Phật giáo Từ thiện Xã hội Cô nhi viện Phước Lộc Thọ (thuộc môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng) đồng đặng đầy đủ phước báo nhơn thiên, sở cầu như ý Phật đạo viên thành.

4. Trường Tiểu Học Lâm Tỳ Ni:

Sáng lập năm 1966 tại Chùa Phước Thiện, xã Tân Thới Hiệp, Hóc Môn, đến năm 1968 được dời về Quan Âm Tu Viện (Biên Hòa). Tại Quan Âm Tu Viện có 3 phòng học, chia làm 5 lớp từ lớp năm đến lớp nhất với một Ban Giám hiệu được tổ chức lại qui mô hơn hồi năm 1962 – 1963 khi còn tại núi Dinh (đối với chương trình phổ thông)

Thành phần Ban giám hiệu :

- Chứng minh đạo sư : Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước

- Cố Vấn : Ni Sư Huệ Giác

- Ban Bảo Trợ : Đại Đức Thiện Chơn

: Đại Đức Giác Châu

: Đại Đức Thiện Thành

: Trưởng lão Vạn Đức Hương

- Ban Giám Hiệu :

Hiệu Trưởng : Đại Đức Thiện Thông

Phó Hiệu Trưởng : Đại Đức Giác Quang

Thư Ký : Sư Cô Diệu Hồng

- Ban Giảng Huấn :

- Đại Đức Thiện Thông (Sinh ngữ Pháp )

- Đại Đức Huệ Trí (Hán nôm)

- Đại Đức Giác Quang (Thế học và Phật học)

- Sư Cô Diệu Hồng

- Sư Cô Kim Sơn

- Sư Cô Diệu Thọ

- Ni Cô Thiên Sơn

- Ni Cô Diệu Minh

- Ni Cô Diệu Nhứt

Các cháu Cô nhi Phước Lộc Thọ, sau khi học xong hết cấp I của Trường Lâm Tỳ Ni, sau khi thi khảo sát và trúng tuyển thì được giới thiệu lên Ban Trung Học của Trường đời tại Bửu Hòa và Biên Hòa.

Tổ chức Cô nhi viện Phước Lộc Thọ là một bộ phận làm việc Từ thiện Xã hội, vì cương lĩnh Từ bi Bố thí của Đức Phật mà phục vụ, vì mang lại sự an lạc bình đẳng cho quyền sống của con người mà làm việc, vì tôn trọng tiềm năng và trí huệ của chúng sanh mà nuôi dưỡng con người.

Tất cả nhân viên phục vụ Cô nhi viện là do phát lòng Bồ đề, không vì sự ràng buộc tiếng khen hay lợi dưởng cá nhân mà làm việc.

Vì vậy Cô nhi viện Phước Lộc Thọ và chư Tăng Ni, Phật tử đã thành công trong Phật sự này, cống hiến cho đạo pháp, cho môn phái và truyền thống nhân đạo của người Việt nam.

Trong truyền thống của Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước, Ngài còn dự định thành lập Viện Dưỡng Lão, nhưng việc làm chưa đạt kết quả theo ý muốn thì Ngài viên tịch. Để nối tiếp truyền thống đó, Ni Sư Huệ Giác, người sẽ kế thừa Phật sự Từ thiện này và chính Ni Sư là người có đủ khả năng thực hiện. Chúng ta chờ đón những cánh hoa hướng dương đang khởi sắc, tô điểm cho bầu trời Phật giáo Việt Nam càng ngày thêm trong sáng.

Và môi trường phát triển việc Từ thiện cho đến hôm nay vẫn được thẳng tiến, vào giữa năm 1992 viên đá đầu tiên được đặt vào lòng đất trong khuôn viên Quan Âm Tu Viện, khu vực Ni Giới, với một ngôi nhà kiến trúc bậc trung, gồm 20 phòng để trưởng dưỡng những cây tre già của từng thế hệ, che chở cho bao chồi măng non Đời Đạo đang vươn mình trong nắng ban mai của ánh đạo vàng …

Viết xong cuối hạ năm Nhâm Thân 1992

Sư Giác Quang biên soạn



Có phản hồi đến “Đời Sống Cô Nhi Viện Phước Lộc Thọ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com