Mục Lục

Đối với Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, đứng về phương diện xương minh, thì dù sao đi nữa, ở giai đoạn tối hậu, kinh qua tiến trình của từng thời điểm pháp môn nào cũng phải có sự phát triển hòa hợp với thời đại, bởi các bậc chân tu thật đức hết lòng xiển dương, hoằng truyền dười mọi phương tiện để cho chúng sanh dễ tu tập và kế thừa giữ gìn.

Vì vậy, nên ở cận đại pháp môn niệm Phật tuy gặp trở ngại, nhưng vẫn được phát triển song hành như các pháp môn khác, những nhà tu học và hành pháp môn, cũng tạo một cửa huyền nhiệm, giàu phương tiện để đưa chúng sanh vào biển giới Phật. Ở miền Nam vào bán thế kỷ 20 thì có Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH, soạn những bộ kinh Đại Thừa dịch những phẩm kinh Phương Quảng, sáng tác những yếu chỉ Thiện Tịnh Song Tu, đồng thời cũng thừa hành, truyền bá pháp môn niệm Phật thật sâu sắc khiến cho Tịnh Độ Tông không phải bị lu mờ, giới Phật học trí thức như cụ ĐOÀN TRUNG CÒN cũng soạn dịch, sáng tác những loại kinh sách tịnh độ để xương minh, miền cao nguyên thì có Thượng tọa THÍCH THIỀN TÂM chuyên tu pháp môn niệm Phật, soạn dịch Tịnh Độ để hoằng pháp. Ở miền Tây có Hòa Thượng THÍCH BỬU ĐỨC (1879 – 1974) tuy không soạn dịch kinh sách tịnh độ, nhưng suốt cả quảng đời hành đạo, Ngài chỉ chuyên niệm Phật và xiển dương pháp môn, khiến cho Tịnh Độ Tông được tỏ rạng lại càng bừng sáng thêm lên. Theo đánh giá chung, hiện tượng này làm cho các nhà hành đạo trong sơn môn quan niệm: “Thiền Tông bị đồng hóa với Tịnh Độ Tông”.

Vào hạ bán thế kỷ 20, ánh từ quang của pháp môn, kinh qua sự giáo hóa của Đức Sư Ong THƯỢNG BỬU HẠ ĐỨC, tại Miền Đông có Hòa Thượng THÍCH THIỆN PHƯỚC khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, đã tiếp thu được ánh sáng này trong thời gian tu học, cầu pháp với Sư ông BỬU ĐỨC năm 1955 tại núi Dài, Văn Liên,Châu Đốc.

Sau khi đạt ngộ pháp môn niệm Phật với sư ông BỬU ĐỨC, Đức Tôn Sư Hòa Thượng về tại Tổ Đình Long Sơn Cổ Tự, xã Tân Ba, Huyện Tân Uyên, Biên Hòa cầu pháp với hai hòa thượng Thượng Trí Hạ Châu được ban pháp hiệu là Nhựt Ý thuộc dòng Lâm Tế thứ 41.

Năm 1956, Đức Tôn Sư thân hành về tại Tổ Đình Linh Sơn núi Dinh (Bà Rịa) là nơi khai sinh bản hộ, nơi đây chính là thánh địa tâm tông, trực nhận sự chỉ giáo của sư ông Bửu Đức và Hòa Thượng Trí Châu hoằng truyền xương minh Pháp môn Niệm Phật.

Giữa vùng núi Dinh bao la, thiêng liêng và hùng vĩ, một Tổ Đình Linh Sơn đã trãi qua tự bao giờ rêu phong phủ kín, luôn vang dội tiếng niệm Phật của Đức Tôn Sư, của đại chúng, kiến tỉnh lòng các Liên hữu lúc bấy giờ cũng như hôm nay mặc dù Tôn Sư vắng bóng … và cho đến bây giờ Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng xương minh pháp môn niệm Phật khắp Trung, Nam sánh cùng với các bản hệ khác.

Với ý chí của Liên Hữu Tịnh Độ ít khi nào bị phai mờ bởi những trở ngại trên bước đường tu hành, nên pháp môn niệm Phật của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng hoằng truyền thật sâu rộng, và cũng bởi tính logic của pháp môn là dễ tu dễ chứng, người có phước, người kém phước, người có tội, người không tội… không phải bị phân biệt về chứng nghiệm vãng sanh Cực Lạc, miễn hành giả một lòng tin sâu nguyên thiết chuyên trì danh hiệu Phật A Di Đà.

Điều then chốt của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng là các liên hữu không chỉ ta niệm Phật cầu vãng sanh mà thôi, mà còn thực hành pháp hạnh trong cõi nhân, tu vô lượng công đức để trang nghiêm Quốc Độ, đến khi thành Phật thì Quốc Độ sẽ thành tựu viên mãn…

Tất cả các Bồ tát trong quá trình tu hành đều phát đại nguyện trang nghiêm vô lượng vô biên Tịnh Độ. Trong pháp hội Vô Lượng Thọ Phật dạy: “Phật A Di Đà xưa kia khi là Tỳ Kheo Pháp Tạng có Phật tự Đại Vương Như Lai đã nói cho Ngài nghe 210 triệu tướng Tịnh Độ Pháp tạng đã được nghe các loại Tịnh Độ khác nhau như vậy, bèn phát đại nguyện phải thực hiện một cõi Tịnh Độ thanh tịnh nhất, viên mãn nhất. Tất cả các Bồ Tát đều như vậy…

Cho nên nói “nhiếp thọ đại nguyện độ vô biên tinh”, là nói về nội dung cần thiết để tu hạnh Bồ tát. Sở dĩ Bồ Tát phải nhiếp thọ Tịnh Độ là vì tất cả các Bồ Tát phải thành tựu tịnh độ thanh tịnh trang nghiêm, Bồ Tát phát tâm học Phật, đương nhiên cũng phải thực hiện tịnh độ như vậy. Không phải để cho bản thân mình thọ dụng, mà là để giáo hóa chúng sanh. Có tịnh độ rồi thì có thể nương vào tịnh độ nhiếp hóa chúng sanh, tiếp dẫn chúng sanh tức là có thể cùng nhau thực hiện tịnh độ, nhiếp thọ tịnh độ để nhiếp hóa chúng sanh.

Các Liên Hữu Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng trong lúc tu nhân niệm Phật, còn phải tu lập hạnh đại thừa, khởi bi nguyện Bồ Tát để trang nghiêm trú xứ của mình.

“..............................

Mục kích chánh pháp suy

Muốn chống sức chưa đủ

Chỉ vì từ đời trước

Chẳng tu thắng thiện căn

Nay tâm con quyết định

Cầu sanh cực lạc quốc

Rồi ngồi thiên bổn nguyện

Vớt hết kẻ trầm luân

Nếu còn không vãng sanh

Thời khó toại Bổn nguyện

……………………

Cũng như người bị trôi

Trước cầu mau đến bờ

Sau rồi tìm phương thế

Ra vớt người giữa dòng

Nay con chí thành tâm

……………

Năm 1965 Đức Tôn Sư Hòa Thượng khai thị pháp môn tại Tổ Đình Nhứt Nguyên Bửu Tự, xã Vĩnh Phú, Lái Thiêu, khóa Niệm Phật “Bá Nhựt Trì Danh” đầu tiên này có hàng vạn Tăng Ni, Phật Tử, Tín Đồ vân tập về tham dự từ mùng 8 tháng 8 âm lịch đến ngày 17 tháng 11 âm lịch, nhân ngày lễ vía Phật A Di Đà thì bế giảng. Suốt 100 ngày niệm Phật, mỗi ngày có 12 chúng, mỗi chúng có từ 4 người đến 20 người, cho đến 100, 200 người niệm Phật trong vòng 120 phút, bởi bốn oai nghi, đứng niệm Phật, quỳ niệm Phật, ngồi niệm Phật và đi kinh hành niệm Phật… cứ như thế luân phiên nhau 12 lượt, trong 24 tiếng đồng hồ.

Gia hạnh “Bá Nhựt Trì Danh” của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng tại Nhứt Nguyên Bửu Tự cho đến nay (1991) đã được 27 khóa, và hứa hẹn Ni Sư HUỆ GIÁC sẽ làm tròn nhiệm mệnh về việc xương minh pháp môn niệm Phật qua phật sự trên bất thối chuyển, trong việc kế thừa Đức Tôn Sư.

Việc công phu tu niệm của các liên hữu trong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, chưa phải dừng lại tại nơi hành pháp, mà còn phải tu tập đúng theo phương châm tu tôn chỉ mà Đức Tôn Sư ban truyền hầu nối gót tổ tông trên không thẹn với các bậc Chư Sơn vãng bối, dưới không hổ danh với hàng Phật Tử 10 phương lời Đức Tôn Sư dạy:

Làm thế nào mà gọi là Minh Tâm?

Hiểu như thế nào gọi là Minh Tâm?

- Chẳng phải làm mà chẳng phải hiểu, chỉ cần chỗ xem xét lấy mình là điều duy nhứt.

- Chỗ xét nét hạnh của mình mà hiểu đặng muôn người, đó là Minh Tâm, phá chấp bỏ mê, dứt nghi, rốt ráo nội ngoại thân tâm, gọi là Minh Tâm.

Luận về kiến tánh?

- Nhìn xem soi rọi, xét nét nết hạnh của muôn người trong mười phép giới tánh, quán xét tam giới, tứ thánh lục phàm, muôn loài vạn vật đồng nhứt lý. Tu để xử thân tâm của mình, phân biệt siêu và đọa, nhìn muôn người, muôn vật để rọi ta, thấy cái của ta, từ sơ sanh đến lúc lâm chung, lúc nào cũng phải cố gắng tu và học. Khi mà ta đặng cái kiếp làm người ta phải xây dựng cho ta, để thành tựu chỗ làm người toàn giác, toàn chơn, toàn thiện, toàn mỹ. (Trích trong những bài thuyết pháp của Đức Tôn Sư về tôn chỉ khi tu niệm phật, trang 59).

Ngoài việc công phu tịnh niệm Phật, hành giả của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, không quên trang nghiêm tịnh quốc của mình cũng như khắp nơi trong 10 phương. Dưới đây là đoạn kinh cầu nguyện của Ni Sư Viện Chủ Viện Quan Âm Tu Viện để trang nghiêm cõi tịnh và cũng là bài pháp tu học chung cho tăng, Ni, Phật Tử tu pháp môn niệm Phật.

Nguyện tất cả chúng sanh chỗ con đến, hoặc ở đều được lành dữ theo lành, không sân, không si, không dục, ý tưởng trong sạch, giới hạnh trang nghiêm, đức tướng quang minh, toàn thiện, toàn mỹ cũng như chư Phật vậy, khiến ai cũng tôn kính, và mến yêu, chúng sanh xinh đẹp giải thoát, hoàn toàn.

Nguyện quanh chỗ con ở xa gần trong vô tận pháp giới chúng sanh đều ưa vui pháp cam lồ vị được sung mãn tất cả, không ai thối thất đạo bề đề. Ai ai cũng tịnh tấn phát đạt dõng mãnh, hạnh nguyện rộng lớn như chư Phật: Phật Bổn Sư, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư, và như chư vị Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Thế Chí, Địa Tạng, Di Lặc Bồ Tát vậy. (Trích kinh Cầu nguyện của Ni Sư Huệ Giác, trang 31 “PHÁP GIÁO NON BỒNG”).

Công cuộc hoằng truyền Pháp môn niệm Phật tại Quan Âm Tu Viện là đa dạng, kinh qua nhiều phương tiện, pháp lành để cho chánh pháp được lưu thông, như :

- Như cử hàng Giáp phẩm Tăng Ni thụ huấn khóa giáo lý căn bản pháp môn niệm Phật tại Hội Sở Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông, Sài Gòn.

- Mở khóa giáo lý cơ bản Tịnh Độ Tông tại Quan Âm Tu Viện từ năm 1969 -1971 do Đức Tôn Sư và Ni Sư Huệ Giác chịu trách nhiệm giảng huấn.

- Mở khóa Giáo Lý pháp môn niệm phật tại Long Sơn Cổ Tự, Nhứt Nguyên Bửu Tự năm 1973 do Ni Sư Huệ Giác, Đại Đức Thiện Giác, Đại Đức Giác Quang phụ trách giảng huấn.

Mỗi nửa tháng tại Quân Âm Tu Viện thường xuyên thuyết pháp về giáo lý Tịnh Độ cho các vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di thọ Bát Quan Trai giới, do Ni sư Huệ Giác phụ trách.

- Tại Trường An Cư Kiết Hạ của Giáo Hội Tỉnh Đồng Nai cũng mời Đại Đức Giác Quang (Quan Âm Tu Viện) thường xuyên đến giãng về Tịnh Độ Tông cho đại chúng tu học.

- Tại Bửu Hoa Ni Viện, thì do sư cô Kim Sơn phụ trách giảng cho Ni giới thọ học.

Ngoài ra, Quan Âm Tu Viện còn tổ chức in kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà yếu giải hương quê Cực Lạc, Kinh Phổ Hiền, Kinh Địa Tạng, kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, kinh Vu Lan, kinh Pháp Hoa.v.v… để ấn tống cho Tăng Ni, Phật tử tu học.

Quyển TÂY PHƯƠNG DU KÝ1, nguyên tác của pháp sư KHOAN TỊNH vừa được Quan Âm Tu Viện cho các đạo hữu Tâm hảo và Hữu Từ dịch thuật, Ni Sư Huệ Giác Viện chủ chịu trách nhiệm giới thiệu ấn hành năm 1991.

Từ năm 1970 đến nay Quan Âm Tu Viện đã ấn tống kinh Pháp Hoa, kinh Phổ Hiền, kinh Địa Tạng, kinh Nhựt Tụng, kinh Vu Lan, kinh Hoa Nghiêm, kinh Niết Bàn, kinh Đại Bát Nhã… tổng số kinh ấn tống lên đến hàng vạn quyển, để cho các Phật tử trong nước và ngoài nước thuộc môn đệ nghiên cứu, tụng học.

Tất cả các Tự, Viện của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng khắp Trung, Nam đều thực hành pháp môn niệm Phật chuyên cần và cùng nhất quán thời dụng biểu vào lúc 22 giờ 30 toàn thể đại chúng của mỗi Tự viện phải hành trì niệm Phật cho đến 24 giờ. Bảo đảm chắc chắn thời khóa nầy sẽ không bị mai một với thời gian.

Về pháp tu của Tăng, Ni Quan Âm Tu Viện thì Tăng Ni thuộc Bắc Tôn Sư chỉ giáo tu theo truyền thống khất sĩ của Đức Giáo Tổ Minh Đăng Quang và pháp hạnh khất sĩ của ba đời chư phật. Vì vậy mà tại Quan Âm Tu Viện một số lớn Tự, Viện liên hệ đều có thờ Đức Giáo Tổ tại Tổ đường, đồng thời tổ chức lễ vía kỷ niệm ngày Đức Giáo Tổ vắng bóng hằng năm, mùng 1 tháng 2 âm lịch (như đã trình bày ở tiết giáo đoàn Du Tăng khất sĩ Non Bồng).

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Quan Âm Tu Viện Đồng Nai – Nguồn Gốc Tu Học Pháp Môn Tịnh Độ Của Liên Tông Non Bồng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com