Trong Tạng Luật, phần Duyên khởi hay những mẫu chuyện xảy ra trong Tăng dẫn đến đức Phật chế giới, chiếm một số lượng trang khá lớn, có thể lên đến một nửa hay hơn. Cho nên, phần này được coi như cái nền của Luật Phật. Qua những câu chuyện ở đây, cho thấy tham, sân, si, ái dục và các kiết sử là trục chính được cụ thể theo diễn biến chủ đạo của tâm thức, hiện ra nơi con người bằng hành vi vừa tục, vừa thanh và bao giờ cũng sinh động trong đời sống của kẻ đầy tham vọng ích kỷ nào đó. Chấm dứt được các thứ hữu lậu này không hề đơn giản, bởi vì tính cách vi tế của nó.

 Tuy nhiên, khả năng con người để loại trừ được các phiền não này cũng không hề thiếu, bởi thế, hàng Thánh Tăng luôn luôn hiện hữu trong sự chế phục kia. Và chính những hình ảnh này hay là hình ảnh của điều thiện mới thắng nổi cái xấu ác, mới xây dựng, hướng dẫn cái xấu ác qui hồi. Chứ không phải cái xấu ác bạo ngược, lôïng hành không nghe theo điều thiện để cải hóa. Nhưng không phải bao giờ cũng được thế, lịch sử loài người cho thấy cái xấu ác thường thắng thế và những giai đoạn như thế thì cái độc ác trở thành hình ảnh của khổ ải và đọa đày, kiếp khổ đau cho chính họ mà họ không hề ý thức được.

Những mẫu chuyện trong Luật Tạng cho thấy điều ấy. Có bộ Luật nói rõ Tiền kiếp của nhân vật trong truyện. Có bộ không đặt nặng vấn đề này như bộ Ngũ phần, song thỉnh thoảng vẫn đề cập đến, chẳng hạn như Ðề Bà Ðạt Ða, đức Phật đã nói Tiền kiếp của kẻ hại Phật, phá Tăng này trước các Tỳ-kheo như để chứng minh cho cái ác càng tích lũy thì càng dấn thân vào khổ đau và cánh cửa địïa ngục Vô Gián mở ra như là một báo trả cho mọi hành động độc ác đó.

Truyện xưa tích cũ, nhất là những truyện mà bối cảnh xảy ra giữa những con người loại bỏ điều ác để xây dựng điều thiện có sức thuyết phục người đọc cao. Nhưng ngoài sức hấp dẫn đó, có thể coi đây là những bài học hữu ích cho các hàng Phật tử ở bất kỳ thời đại nào. Bởi thế, phần Duyên khởi này, ai cũng có thể đọc. Ðọc để thấy người Phật tử cần phải làm gì cho đạo và cần phải làm gì cho chính mình và sự hộ đạo kia, trong đó có sự cúng dường cho Tăng phải như thế nào để có phước đức, có lợi lạc chứ không phải cúng dường kẻ bê tha để rồi làm thoái hóa đời sống tu hành. Hãy xét sâu lời chửi mắng trong truyện của người xưa, họ là những Phật tử thuần thành đó và hơn ai hết, người xuất gia lắng nghe lời chửi rủa này để biết rút ra cách xử thế, cách sống, cách ăn, ở, đúng pháp luật nhằm làm đời sống phạm hạnh có được tăng ích. Phải nghiêm chỉnh nhìn thấy hình ảnh “Lục quần” ở trong ta, không nên chạy theo cái phi pháp ấy để làm cho hình ảnh mình nhòe nhoẹt khổ đau thêm. Chắc chắn dẫm lên thói xấu của Lục quần, dù dưới hình thức léo lận nào đi nữa thì đều có một kết cục bi thảm hơn Lục quần nhiều. Phải ý thức sâu sắc rằng: Hình ảnh Lục quần là hình ảnh của thị hiện, làm tác nhân phản ánh bao tội lỗi thâm căn cố đế, ẩn nấp sâu trong con người, để nhân đó đức Thế Tôn chế giới, nhầm ngăn chận hành giả đời sau thoát ra khỏi áp lực tham, dâm..., nặng nề ấy mà tự đặt mình trong thanh tịnh, giải thoát. Cho nên, hình ảnh đó, là hình ảnh của trí tuệ, của biến hóa, của điều thiện và của lòng từ...

Hơn ai hết, bản thân người xuất gia biết rõ mình có nhận lại thân sau hay không? Biết rõ mình có nhận lấy điều tồi tệ hay sự giải thoát không? Thì qua những bài học này cũng đủ để nhìn thấy cái kết cục của mình tốt hay xấu rồi.

Sau cùng, chúng tôi cũng xin nói rõ, dù truyện được biên tập lại song phần lớn vẫn giữ đúng ngôn ngữ và phong cách như trong nguyên bản chữ Hán mà chúng tôi đã trung thực trong việc dịch thuật và từ nội dung của truyện, chúng tôi rút ra đầu đề cho mỗi truyện, và mỗi truyện trích ra có chọn lọc từ nội dung từng phần theo cấu trúc của bộ Luật Ngũ phần. Những nhầm lẫn, nếu có, về mọi khâu là một phần thiếu sót được lắng lại từ một thực tế công phu của chữ nghĩa, khó mà kiểm soát cho tròn. Mong được tiếp thu từ tất cả Thiện trí thức xa, gần về những điều đã thưa.

Thích Ðổng Minh




Có phản hồi đến “1. Những Truyện Duyên Khởi Trong Luật Ngũ Phần - Lời Nói Đầu”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com