Chuyện này xảy ra lúc đức Phật đang ở thành Vương-xá. Khi ấy có Tỳ-kheo tên là Ðạt-ni-ca, xuất thân từ con nhà làm đồ gốm truyền thống. Ông ta nắm vững bí quyết nhồi đất sét và nung gốm rất tuyệt. Tỳ-kheo Ðạt-ni-ca làm cái am bằng vật liệu thô sơ: cây, lá, tranh, tre để tu, tại núi Ất-la24. Khốn nỗi, mỗi lần đi khất thực về, lại phải tu sửa am vì bị kẻ hái củi phá am lấy củi đem đi. Không phải một mà đến ba lần như vậy. Tỳ-kheo Ðạt-ni-ca hết kiên nhẫn, giận lắm. Cùng thì phải biến, và cái biến ấy nằm trong ý nghĩ này của Ðạt-ni-ca: “Cái nghề tinh nhồi đất sét là nghề của ta, tại sao ta không làm cái am bằng gạch nung để ở, tránh khỏi cái họa phá nhà lấy củi này!”.

Từ ý nghĩ dẫn đến hành động, Ðạt-ni-ca thực hiện ngay ngôi nhà mà bản vẽ nằm trong ý nghĩ: Toàn bằng đất sét từ vách, cột, đòn tay, rui, mè, mái lợp, cửa sổ, cửa cái... đến hệ thống cửa lớn, cửa nhỏ... đặt để rất khoa học. Ngôi nhà sơ chế đã khô cứng, ổn định, Ðạt-ni-ca khéo đặt củi để nung. Màu đỏ tươi càng hiện ra khi lửa nung lụi tàn. Ngôi nhà càng đẹp đáo để khi bàn tay nghệ thuật của Ðạt-ni-ca đã trổ hết tài hoàn chỉnh. Cái đẹp làm ngẩn ngơ thiên hạ. Gió luôn đi qua nhà tạo thành âm thanh như tiếng tiêu, tiếng sáo vi vu. Phải chăng đây là ngôi nhà lý tưởng của một Ðạt-ni-ca dẫn đi từ một cái am tranh bị phá?!

Ðức Phật ở trên núi Kỳ-xà-quật, nhìn thấy cái am màu đỏ được vẽ vời đẹp đẽ ở xa kia. Hình như Ngài đã biết hết diễn tiến của nó song Ngài vẫn gọi A-nan để hỏi:

- Cái nhà đỏ kia là của ai vậy?

- Thưa Thế Tôn, Ðạt-ni-ca tự lực làm cái am bằng đất nung ấy.

Ðức Phật bảo A-nan:

- Ðạt-ni-ca làm điều phi pháp! Tại sao người xuất gia lại làm ác nghiệp, tổn thương đến mạng sống sinh vật, làm mất đi lòng từ? Trước đây, Ta bằng nhiều hình thức khác nhau, nói về pháp từ mẫn, tại sao Tỳ-kheo lại đánh mất đi lòng từ của mình?

Sau đó, bằng sự khéo léo, đức Phật quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo:

- Các ông đến phá bỏ cái nhà ấy đi.

Thừa lệnh, các Tỳ-kheo đến am của Ðạt-ni-ca, làm việc triệt hạ. Từ trong am bước ra, Ðạt-ni-ca hỏi các Tỳ-kheo:

- Tôi không xúc phạm quý vị, tại sao quý vị rủ nhau đến phá nhà tôi?

Các Tỳ-kheo trả lời:

- Chẳng phải chúng tôi tự ý làm mà chúng tôi làm theo lời dạy của Phật.

Ðạt-ni-ca nói:

- Ðức Pháp vương ra lệnh phá thì tôi đâu dám nói gì!

Các Tỳ-kheo liền phá bỏ toàn bộ rồi đưa Ðạt-ni-ca đến trước Phật và trình bày đầy đủ diễn tiến sự việc lên Ngài.

Trước toàn thể Tăng được triệu tập, sự việc Ðạt-ni-ca được bên bị, bên cáo xác định lại rõ ràng. Ðức Phật quở trách Ðạt-ni-ca và qui định rõ trước Tỳ-kheo lời dạy này:

- Từ nay, Tỳ-kheo nào làm nhà bằng đất nung, phạm Thâu-lan-giá, tự mình thi thố công xảo phạm Ðột-kiết-la.

Không dừng lại ở đây, Ðạt-ni-ca có suy nghĩ: “Trước đây Ta làm am tranh thì bị tiều phu phá để lấy củi, còn làm bằng đất nung thì trái với thể thống người xuất gia của đấng Pháp vương. Nay ta có thể tìm gỗ làm một cái nhà lớn, sao cho được bền chắc, khỏi phải cái nạn khổ não, rầy rà”.

Ðạt-ni-ca nghĩ ngay đến người bạn học cũ hiện trông nom cây gỗ trong thành Vương-xá. Ðạt-ni-ca nhìn thấy cái thuận lợi cho bản vẽ của mình. Ông ta đến ngay chỗ làm việc của người bạn với lời đề nghị:

- Tôi cần gỗ, bạn có thể giúp cho tôi chứ?

Người bạn kiểm lâm25 trả lời:

- Tôi chỉ có bổn phận giữ, chứ không có quyền cho.

Ðạt-ni-ca hỏi:

- Vậy ai thì có quyền?

- Nhà vua mới có quyền. - Người bạn đáp.

- Vua đã cho tôi rồi. - Ðạt-ni-ca nói.

- Nếu vua đã cho thì tùy ý cứ lấy. - Người bạn kiểm lâm nói.

Bấy giờ, đại thần Vũ-xá đi thanh tra các nơi trong thành, bắt gặp Tỳ-kheo chặt cây chiến lược phòng vệ thành mang đi. Ðại thần liền đến hỏi người giữ gỗ:

- Tại sao cho Tỳ-kheo kia đốn những cây gỗ lớn dùng để bảo vệ thành như vậy?

Người giữ cây gỗ trả lời:

- Chẳng phải tôi cho.

- Như vậy ai cho? - Ðại thần hỏi.

- Vua cho. - Người kiểm lâm đáp lời.

Thần Vũ-xá không ngần ngại đến gặp nhà vua, tâu ngay:

- Vì lý do gì Ðại vương lại cho Tỳ-kheo Ðạt-ni-ca những cây gỗ lớn để bảo vệ thành?

- Ai bảo trẫm cho? - Vua gằn hỏi.

- Người giữ gìn cây gỗ trong thành nói thế. - Thần Vũ-xá thưa.

Nhà vua liền ra lệnh cho quan hầu cận bắt giữ người kiểm lâm kia. Trên đường áp giải đến vua, cũng vừa lúc Ðạt-ni-ca vào thành khất thực. Nhìn thấy người bạn cũ, Ðạt-ni-ca liền đến hỏi:

- Bạn phạm tội gì mà bị bắt trói như thế?

Người bạn kiểm lâm nói:

- Do Ðại đức mà tôi phải phạm tội như thế này. Xin Ðại đức cứu tôi thoát khỏi chết.

Ðạt-ni-ca nói:

- Bạn đến trước, tôi sẽ đến sau.

Trước điện vua, sau khi vua hỏi về cái tội cả quyền kia thì người kiểm lâm tâu:

- Tâu Ðại vương, con đâu dám lạm quyền cho như vậy. Ðạt-ni-ca xác định với con là được phép của vua nên con nói: “Vua cho thì cứ đốn”.

Ðược lệnh gọi thì Ðạt-ni-ca đã có mặt ngoài cửa. Nhà vua bảo đưa Ðạt-ni-ca vào.

Vua hỏi Ðạt-ni-ca:

- Trẫm cho Tỳ-kheo gỗ vào lúc nào?

Ðạt-ni-ca nói:

- Nhà vua đâu không còn nhớ, khi mới lên ngôi vua, nhà vua có nói: “Tất cả cỏ cây cũng như nước thuộc quốc nội, bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn” kia mà!

Nhà vua thở ra nói:

- Trẫm nói bố thí đối với những vật không có chủ, quái thay Tỳ-kheo lại lạm dụng điều này để lấy vật của người không cho. Nhà vua nói: Ta là vị vua Quán Ðảnh26, đâu nên cầm tù hay giết hại Sa-môn27. Thầy nên sớm về gặp đức Phật, Ngài là vị Pháp vương, sẽ dùng pháp trị thầy.

Vua xử lý như thế, khiến mọi người đều kinh ngạc bảo rằng:

- Ðạt-ni-ca phạm tội đáng chết, tại sao chỉ quở trách rồi cho đi. Tội như vậy mà được tha thì ai không làm việc ăn trộm!.

Thế rồi, tiếng cơ hiềm của người đời lại vang lên: “Sa-môn Thích tử được nhà vua cung cấp lại ăn trộm gỗ của vua, như thế chúng ta đâu còn có điều gì để mà lo sợ. Sa-môn Thích tử thường ca ngợi người không ăn trộm, dạy người bố thí, tại sao chính họ lại làm cái việc của kẻ giặc? Những kẻ này không có hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn”.

Tiếng xấu ngày một đồn khắp. Trong nước, các Trưởng giả, Cư sĩ, Bà-la-môn.v.v... không có lòng tin yêu Phật pháp, cứ trông thấy Sa-môn liền tìm mọi cách mắng nhiếc. Sự việc này đến tai các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo hỏi nhau: “Ai đã trộm gỗ của vua để bị tiếng xấu như thế?!”. Ðạt-ni-ca liền công nhận: “Chính tôi làm việc ấy”. Biết rõ như thế, các Tỳ-kheo quở trách:

- Thầy làm như thế là phi pháp, không hợp đạo. Ðức Thế Tôn bằng nhiều hình thức chê trách việc lấy của không cho, khen ngợi người không lấy trộm. Tại sao nay thầy lại làm việc của kẻ giặc?.

Quở trách xong, các Tỳ-kheo đưa Ðạt-ni-ca đến chỗ Phật, trình bày đầy đủ sự việc đã xảy ra. Ðức Phật nhân đó cho tập hợp các Tỳ-kheo. Trước toàn thể Tăng, Ðạt-ni-ca thừa nhận việc làm sai trái của mình. Ðức Phật nghiêm khắc quở trách như trường hợp Tu-đề-na.

Ngày ấy, đứng hầu Phật là vị đại thần nước Ma-kiệt-đà28 đã xuất gia hành đạo. Ðức Phật hỏi vị cựu đại thần này rằng:

- Vua A-xà-thế 29qui định người ăn trộm bao nhiêu thì xử tội tử hình?

Tỳ-kheo cựu đại thần thưa:

- Từ năm tiền30 trở lên là bị xử tội tử hình. Căn cứ vào luật lệ nước, đức Phật, trước Tỳ-kheo, răn chế như vầy:

- Nếu Tỳ-kheo ăn trộm năm tiền trở lên thì phạm tội cực trọng31 không thể sống chung.

Thích Đổng Minh




Có phản hồi đến “3. Duyên Khởi Của Tội Ăn Cắp”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com