Mục Lục
Lúc bấy giờ, đức Phật lưu trú tại thành Xá-vệ. Ca-lưu thuộc nhóm Lục quần Tỳ-kheo. Trước khi xuất gia ông là Trưởng giả của thành này. Bẩm chất Ca-lưu rất thông minh, có khả năng giải quyết mọi rắc rối cho thiên hạ. Người trong thành, hễ ai có việc gia đạo, kể cả việc hôn nhân là đều tìm đến Ca-lưu để hỏi ý kiến hay nhờ vả giải quyết việc này, việc nọ. Nếu việc có kết quả tốt thì thân chủ nói: “Nhờ Ca-lưu nên họ mới được thế này, nên làm thế nào để Ca-lưu cũng vui với chúng ta”. Còn nếu kết quả xấu thì họ nói: “Do Ca-lưu nên ta mới ra nông nỗi này, làm sao phải cho Ca-lưu chịu chung nỗi khổ như ta”. Như vậy, tiếng khen, tiếng chê, điều tốt, việc xấu... đồn vang khắp cả nước. Ðược một thời gian, sau đó với lòng tin Phật pháp, ông xuất gia học đạo. Bấy giờ, thân chủ của Ca-lưu càng lúc càng đông, đông hơn lúc xưa nhiều, thậm chí Vua Ba-tư-nặc cũng đích thân đến Ca-lưu hỏi việc nước. Cho nên, điều vui mừng, sự phẫn nộ đến với Ca-lưu cũng được nhân lên gấp bội.
Thế rồi, có một quả phụ rất tự hào về người con gái của mình là hoa khôi thiên hạ. Rất nhiều người đến cầu hôn, song bà đều không nhận lời. Bà ta nói:
- Nếu người nào muốn cưới con gái bà thì phải ở rể luôn, bà mới gả.
Khi ấy, có người Bà-la-môn giàu có, tiền của không sao kể xiết, đến nói với bà quả phụ rằng:
- Cho con trai tôi cưới con gái bà thì sự sống chúng nó ắt có nhiều hạnh phúc.
Bà quả phụ vẫn một mực từ chối như trước đây.
Bị từ chối, người Bà-la-môn bèn dò la trong quần chúng và biết được trong số người thường lui tới nhà bà ta thì Ca-lưu là người số một.
Người Bà-la-môn liền mời Ca-lưu đến nhà để cúng dường và sự cúng dường này là thường xuyên. Khi đã trở thành chỗ thân thiết, hiểu nhau, người Bà-la-môn đem sự việc trình bày:
- Thưa Ðại đức, tôi muốn cưới con gái của bà quả phụ ấy cho con trai tôi, nhờ Ðại đức nói giúp lời để bà ta chấp nhận việc cầu hôn này.
Ngày ấy, Ca-lưu y bát trang nghiêm đến nhà bà quả phụ. Bà quả phụ liền ra đón tiếp, bái chào.
Ca-lưu, sau đó đi ngay vào việc, nói:
- Ông Bà-la-môn ấy cầu hôn, bà có thể gả con gái cho con trai ông ấy. Gia đình ông ta rất giàu có, chắc chắn con gái bà có nhiều hạnh phúc.
Bà quả phụ nhất quyết không nghe. Ca-lưu lại nói:
- Nếu bà không gả, con gái bà khi bị lỡ thì, nó sẽ không nghe theo lời bà nữa đâu. Tại sao lại để mất đứa con gái lại mất luôn cả người rể tốt!
Khi nghe lời thuyết phục hữu lý này, bà ta nghe theo Ca-lưu, chấp thuận việc gả cưới.
Cuộc hôn nhân giữa con cái hai nhà: Bà-la-môn và bà quả phụ, sau đó thành tựu tốt đẹp. Nhưng sự thật hạnh phúc không xảy ra. Sau khi về nhà chồng, người con gái hoa khôi ấy không chịu nổi sự cực khổ, cô ta viết một lá thư gửi về mẹ, nhờ mẹ can thiệp, nói với phía nhà chồng cầu xin chút thông thả. Người mẹ nghĩ đến ông mai Ca-lưu, nhờ ông đánh lời hộ cho việc này.
Ngày hôm sau, Ca-lưu đến nhà người quả phụ. Sau khi nghe bao điều cực khổ về cảnh làm dâu của người con gái kia, từ cửa miệng người mẹ, Ca-lưu còn nghe bà ta quy kết:
- Do Ðại đức mà có cuộc hôn nhân này, Ðại đức vì tôi đến can thiệp nói giúp lời để con tôi bớt khổ.
Ca-lưu trả lời:
- Con của bà vô phúc nên mới gặp cảnh khổ này, nếu nó có phúc thì cơ sự đâu đến nỗi như vậy. Pháp Sa-môn, không cho phép tôi can dự việc thế sự, xin bà cảm phiền!
Bà quả phụ liền mắng:
- Trước kia việc gì của người ta cũng xen vào, nay lại nói không biết, người ác như thế này thì cuối cùng cũng chẳng ra chi!
Bà ta đủ cách tru tréo, ngôn từ hết sức cay nghiệt mắng nhiếc Ca-lưu. Những người hàng xóm nghe đều đến khuyên can, họ bảo rằng:
- Con bà bạc phước nên phải chịu lắm cái khổ như vậy, chứ can chi đến Sa-môn này mà mắng nhiếc ông ta thậm tệ như vậy?
Bấy giờ, những người thiếu lòng tin đối với Phật pháp thì buông lời mỉa mai rằng:
- Bà tin Sa-môn nên con bà chịu khổ, đáng đời! Nếu ai còn tin lời họ thì cứ nhìn cái gương đó mà tin!
Có người lại cay độc mắng:
- Chúng Ta là cư sĩ, sự thường làm mai mối, Sa-môn Thích tử lại cũng như vậy, thử hỏi, họ với ta có khác gì đâu, có khác chăng là cái đầu trọc với chiếc áo hoại màu chẳng giống ai mà thôi!
Tiếng xấu ấy đồn vang khắp gần xa, các Tỳ-kheo Trưởng lão nghe được, bèn hết lời quở trách Ca-lưu, rồi trình sự việc lên đức Phật. Trước Tăng, đức Phật cho xác định lại vấn đề. Ca-lưu thành khẩn nhận tội. Sau khi Phật quở trách Ca-lưu là kẻ ngu si, Ngài kiết giới cấm Tỳ-kheo làm mai dong.
Thích Đổng Minh