A. - Giá trị của việc kiết giới.

Vua Ba-tư-nặc lấy tên người Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã phong ấp cho ông ta là“Ấp Tỳ-lan-nhã”2. Ngoài ấp này không xa, có một khu rừng vắng, ở đây tàng cây đan phủ lên nhau làm thành một khu nhà xanh thoáng rộng. Ðức Phật cùng với đại chúng 500 Tỳ-kheo từ nước Tu-lại-bà3 đến ngụ ở đây. Lúc bấy giờ là đầu mùa Hạ. Từ lâu, Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã rất ngưỡng vọng bậc Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn này. Nay cơ hội Phật đến với ông ta đã trở thành hiện thực. Lập tức, Tỳ-lan-nhã cùng với quyến thuộc 500 người, tiền hô hậu ủng trực chỉ đến khu rừng này. Còn xa, ông đã trông thấy Phật, với ánh sáng đặc thù của Ngài làm cho rừng cây sáng rỡ lên. Ông ta liền xuống xe đi, thẳng về phía đức Phật. Trước Phật, ông ta cung kính chào hỏi:

- Lành thay! Xin được bái kiến Phật.

Ông lui lại rồi ngồi sang một bên.

Thuyết pháp là điều lợi ích to lớn đối với bất cứ ai đến với Phật. Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã vô cùng hoan hỷ sau khi nghe Phật thuyết pháp. Ðể đáp lại, ông ta thưa:

- Nguyện xin Phật và Tăng nhận lời thỉnh của con đến ấp an cư 3 tháng để con được cúng dường.

Ðức Phật bảo rằng:

- Chúng của tôi thì đông, mà lòng tin của ông có khác, cách nhìn của ông có khác, niềm vui ở cách tôn thờ của ông có khác, liệu có thích hợp được chăng?

Người Bà-la-môn bạch Phật:

- Con, tuy lòng tin có khác, cách nhìn và niềm vui có khác, song đối với chúng đông đảo của Thế Tôn thì không có vấn đề gì.

Ba lần Tỳ-lan-nhã thưa thỉnh như vậy, đức Phật mới nhận lời. Sau khi nhiễu quanh bên phải Phật ba lần, ông ta cáo từ trở về ấp.

Lời thề của ma Ba-tuần4 còn đó, cho nên việc Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã quay trở về với Phật, là một thất bại cho ma nên chúng quyết ngăn chận thất bại này bằng cách làm mê hoặc Tỳ-lan-nhã quên hẳn lời mời thỉnh kia. Năm thứ vui hoan lạc ở đời được ma Ba-tuần hóa thân vào trong đó đã làm sơ tâm của Tỳ-lan-nhã nhanh chóng thối hóa. Bao nhiêu việc ông cho sắm sửa đầy đủ cho ba tháng an cư của Phật và Tăng được đóng lại bằng lệnh ngặt sau đây: “Nay ta cần vui hưởng ba tháng nơi hậu cung, việc bên ngoài dù hay, dở, tốt, xấu cũng không được báo cáo”.

Mùa an cư năm ấy, đức Phật và Tăng an cư trong rừng núi phía Bắc thành ấy vì quanh khu vực rộng lớn này không có một ngôi tịnh xá, giảng đường nào. Cái mà ma Ba-tuần nắm được là Thiên không thời, Ðịa không lợi, Nhân không hòa. Trời thì nắng như thiêu đốt, đất đai khô cằn, hoa màu chết sạch, người thì người của Bà-la-môn, kể cả Tỳ-lan-nhã đã bị nhận chìm trong thú vui hoan lạc. Cho nên ma Ba-tuần hoan hỷ trong ý đồ của mình. Không nơi đâu Tỳ-kheo khất thực được, cái đói của chúng Tăng càng lúc trở thành nguy kịch. Nhưng vào cao điểm ấy, các Tỳ-kheo gặp người chủ buôn ngựa, chủ đàn ngựa 500 con. Ông ta đưa ngựa về ấp Tỳ-lan-nhã để dưỡng sức, tránh cái nóng chết người cũng vào thời điểm Phật và đại chúng Tăng đến khu rừng kia. Ông ta có lòng tin Phật rất sâu đậm, trước sự trầm mặc của Tỳ-kheo khất thực, người chủ buôn ngựa thưa:

- Tôi có loại lúa cho ngựa ăn, nếu quí thầy có thể dùng được thì tôi bớt nửa phần, một thăng xin biếu quí vị, chắc có thể nuôi sống mà hành đạo.

Các Tỳ-kheo nói:

- Ðức Phật chưa cho phép chúng tôi ăn phần lúa của ngựa. Ðược phép hay không được phép, chúng tôi phải bạch lên Phật.

Ðức Phật cho tập hợp chúng Tỳ-kheo. Ngài đề cao và khen ngợi hạnh thiểu dục, tri túc. Trước Tỳ-kheo, Ngài ngõ lời rằng:

“Từ nay về sau cho phép ăn phần lúa của ngựa”. Và lời này về sau trở thành lời của Luật để đời sau khéo vận dụng tùy hoàn cảnh.

Tôn giả A-nan nhận phần lúa của Phật rồi nhờ người làm bún cúng dường Thế tôn. Còn các chúng Tỳ-kheo khác thì tự giã, nấu lấy để ăn.

Trước hoàn cảnh này, từ nơi vắng lặng, Tôn giả Mục-kiền-liên tư duy điều này: “Hiện trong nước này việc khất thực khó được, ta nên cùng các vị có thần thông đến xứ Uất-đơn-việt5 lấy thức ăn bằng lúa gạo tự nhiên6”. Sau đó, Tôn giả bạch lên đức Phật ý nghĩ ấy, Ðức Phật liền đặt lại vấn đề:

- Riêng thầy thì được rồi, còn đối với Tỳ-kheo phàm phu không có thần thông thì giải quyết sao đây?

- Con sẽ vận dụng thần lực của con tiếp giúp cho họ.

- Tôn giả Mục-kiền-liên thưa.

Ðức Phật nói ngay:

- Ðừng, đừng làm như vậy, thầy tuy có được thần lực nhưng đối với các phàm phu đời tương lai thì giải quyết sao đây?

Với lời dạy này, trong tư thế sâu lắng, đức Thế Tôn phủ nhận ý kiến của Tôn giả Mục-kiền-liên...

Riêng đối với Tôn giả Xá-lợi-phất, cũng trong chỗ vắng lặng, bao vấn đề được đặt ra và cũng nhân dịp này, Tôn giả đến trước Phật tác lễ để hỏi những điều mà Tôn giả nghĩ suy:

- Bạch Thế Tôn, chư Phật đời quá khứ, vì sao có đức Phật phạm hạnh thì Phật pháp không lâu dài? Có đức Phật phạm hạnh thì Phật pháp lại bền vững?

Nắm ngay câu hỏi, đứùc Phật hết lời khen ngợi Xá-lợi-phất:

- Lành thay! Lành thay! Ðiều suy nghĩ của thầy rất sâu sắc, câu hỏi của thầy cũng thật hay. Này Xá-lợi-phất! Ðức Phật Duy-vệ7, đức Phật Thi-khí, đức Phật Tùy-diếp phạm hạnh nhưng Phật pháp không dài lâu, còn với đức Phật Câu-lâu-tôn, đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, đức Phật Ca-diếp phạm hạnh nhưng Phật pháp lại bền vững.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:

- Kính bạch Thế tôn, vì sao lại xảy ra sự việc không đồng bộ như vậy?

Ðức Phật bảo Xá-lợi-phất rằng:

- Vì ba đức Phật trước chỉ nói Chánh pháp rộng rãi cho đệ tử nghe, nhưng không kiết giới Ba-la-đề-mộc-xoa8, nên sau khi Phật và đệ tử vào Niết-bàn, các đệ tử bao gồm nhiều chủng tộc xuất gia mà Chánh pháp vẫn nhanh chóng chấm dứt. Ðiều này giống như nhiều loại hoa rải lên bàn, đem đặt nơi chỗ trống, gió từ bốn hướng thổi đến, hoa bay theo gió vung vãi đó đây. Lý do là vì hoa không có dây xâu buộc lại với nhau. Cũng vậy, Xá-lợi-phất! Ba đức Phật trước, Chánh pháp tuy thuyết rộng cho đệ tử nghe mà không kiết giới, không nói Ba-la-đề-mộc-xoa cho nên Chánh pháp không kéo dài lâu.

Này Xá-lợi-phất! Còn đức Phật Câu-lâu-tôn, đức Phật Câu-na-hàm, đức Phật Ca-diếp, các Ngài nói Chánh pháp rộng rãi cho đệ tử nghe, giống như các loại hoa được sợi chỉ xâu kết lại, dù có để lên bàn, đặt nơi chỗ trống, gió bốn hướng thổi đến cũng không làm cho hoa bay tứ tản. Ðược vậy, chính là nhờ sợi chỉ xâu buộc, kết giữ nó lại. Cũng như vậy, này Xá-lợi-phất, do ba đức Phật sau đã vì đệ tử nói pháp rộng và kiết giới Ba-la-đề-mộc-xoa nên phạm hạnh được bền vững.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

- Kính bạch Thế tôn, nếu vì lý do như Ngài dạy mà phạm hạnh không kéo lâu dài thì cúi xin đức Thế tôn hãy vì các đệ tử kiết giới, nói Ba-la-đề-mộc-xoa. Nay phải chăng việc này là đúng lúc?

Ðức Phật dạy:

- Thôi đi! Ta tự biết khi nào là đúng lúc. Này Xá-lợi-phất, trong chúng thanh tịnh của Ta, chưa có và cũng chưa hề có xảy ra vấn đề gì, kẻ thấp nhất cũng đắc quả Tu-đà-hoàn, đủ chứng minh sự trong sạch, thanh tịnh đối với chúng của Ta rồi vậy. Các đức Như Lai chưa bao giờ kiết giới cho hàng đệ tử khi mà các pháp hữu lậu chưa phát sinh. Trong chúng của Ta đây, chưa có ai ỷ mình là đa văn mà sinh các lậu hoặc. Chưa hề có ai mang tiếng vì lợi dưỡng, chưa hề có người nào có nhiều ham muốn, chưa hề có người hiện thần túc làm cho trời, người thấy cái sở đắc tri thức ấy. Vì vậy mà không phát sinh các lậu hoặc.

Lúc bấy giờ ba tháng an cư đã mãn, Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:

- Ông và tôi cùng đến chỗ Tỳ-lan-nhã.

A-nan y phục trang nghiêm theo hầu Phật. Ðang vui hưởng 5 thứ dục lạc ở trên lầu cao, bỗng Tỳ-lan-nhã giật mình, nhìn xuống thì thấy đức Phật và A-nan đã đứng trước cửa ngõ dinh thự. Ðiều gì ông ta quên bẵng, giờ thì sực nhớ lại hết, ông vội vã xuống lầu, ra tận cửa đón rước Phật vào nhà. Ông đích thân lau lại tòa ngồi rồi mời Phật an tọa. Liền đó Tỳ-lan-nhã đảnh lễ Phật, năm vóc đặt xuống sát đất, ông tự hận trách mình rằng:

- Con là người ngu si, đã thỉnh Phật an cư mà không cúng dường. Không phải con không có tấm lòng tha thiết, cũng không phải thiếu phương tiện, mà chỉ vì con bị vong thân trong mê mờ, nên đánh mất luôn trí nhớ đáng tiếc kia. Con cúi mong đức Thế Tôn nhận cho con sự sám hối này.

Ðức Phật dạy:

- Ông quả là ngu si, thỉnh Phật và Tăng mà không cúng dường. Ông sám hối là điều hợp lý. Nay tôi và chúng Tăng nhận sự sám hối này của ông.

Ðức Phật bảo:

- Trong Thánh pháp của tôi, người biết sám hối thì pháp lành được tăng trưởng.

Người Bà-la-môn lại bạch Phật rằng:

- Nguyện xin Phật và Tăng lưu lại đây một tháng để con được cúng dường.

Ðức Phật không nhận lời, lại có lời dạy:

- Ông là người Bà-la-môn, lòng tin của ông có khác, nhận thức của ông có khác, nhưng ông đã nói lên được tấm lòng như vậy, tức là thỉnh Phật rồi, chính đây là sự kiện lớn.

Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã ba lần thỉnh mời như vậy, nhưng Phật đều không nhận lời, Ngài nói:

- Tôi đã an cư nơi đây ba tháng, nay cần đi du hóa, không thể ở lại được.

Người Bà-la-môn lại tha thiết bạch Phật:

- Thôi thì cúi xin Thế Tôn nhận cho con bữa cúng dường tiễn đưa vào ngày mai.

Ðức Phật im lặng trước lời mời này, nghĩa là Ngài nhận lời mời.

Buổi sáng hôm ấy, việc thiết lễ cúng dường Phật và Tăng chúng, Tỳ-lan-nhã cho sắp đặt hết sức trân trọng, từ tấm lòng mình cho đến mọi thứ vật phẩm. Ðến giờ, ông cung thỉnh Phật và Tăng ngồi vào chỗ ngồi được thiết đặt cực kỳ tôn kính, nhất là tòa ngồi của Phật. Ông tác bạch cúng dường, sau đó ông đích thân hầu hạ Phật và Tăng dùng bữa cúng dường một cách chu đáo. Ngay sau việc thọ dụng cúng dường vừa dứt, người Bà-la-môn liền dâng cúng lên Phật bốn trương kiếp-bối 9và một đôi giày, còn chúng Tăng mỗi vị 2 trương kiếp-bối và một đôi giày. Việc cúng dường này xảy ra là lần đầu tiên nên chúng Tăng không biết xử lý như thế nào? Các Tỳ-kheo bạch Phật, hỏi Ngài vấn đề thọ nhận này.

Nhân sự việc này, đức Phật lại hết lời khen ngợi hạnh thiểu dục, tri túc, đề cao giới, khen ngợi người trì giới, rồi bảo các Tỳ-kheo:

- Nhân sự cúng dường của Tỳ-lan-nhã, từ nay về sau cho phép nhận vật phẩm an cư.

Về phía người Bà-la-môn, lòng ông vô cùng mừng rỡ, phấn chấn. Ông Sa-lấy một chiếc ghế nhỏ ngồi đối diện với đức Phật, ông lắng nghe đức Phật thuyết kệ sau bữa cúng dường này:

Tất cả sự thờ cúng

Thờ lửa 10 là hơn hết

Mọi học thuyết khác nhau

Tá-bà-đế(?) cao nhất.

Trong tất cả hạng người

Vua Chuyển luân hơn cả

Nước trong mọi dòng chảy

Nước biển cả nhiều hơn.

Mọi nguồn sáng chiếu rọi

Nguồn trời, trăng sáng nhất

Phước cả thế gian này

Ruộng phước Phật nhiều nhất.

Tiếp theo kệ, Thế Tôn thuyết pháp. Ngài chỉ bày sự tu tập và sự lợi ích to lớn của nó. Người Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã vô cùng hoan hỷ.

B. Cạm bẫy thế tình

Rời ấp Tỳ-lan-nhã đi về nước Tăng-già-thi 11, đức Phật và Tăng du hóa khắp nước này, sau đó đến Tỳ-xá-ly12. Ðoàn dừng ngụ nơi giảng đường Trùng Các13, bên bờ sông Di Hầu14. Tại đây, bốn chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cùng Quốc vương, Ðại thần, Sa-môn, Bà-la-môn cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán Ngài.

Ngày ấy, tại giảng đường Trùng Các, đức Phật thuyết pháp. Trong rừng người thính giả có các Trưởng giả ấp Ca-lan-đà, và người con của Trưởng giả Ca-lan-đà là Tu-đề-na15 đang chăm chú lắng nghe lời pháp của Phật. Càng nghe, Tu-đề-na như càng bị cuốn hút, niềm vui trong Tu-đề-na cứ lớn lên dần và Tu-đề-na có sự liên hệ rằng: “Hễ là người tại gia thì bị ân ái ràng buộc, không thể trọn đời tu phạm hạnh16 được. Xuất gia không bị dính mắc, đắm chìm, giống như hư không. Nay ta đâu có thể đặt lòng tin vào gia đình, phải xuất gia tu đạo mà thôi”.

Ngay sau khi hội chúng ra về, Tu-đề-na vội đến gặp Phật. Trước Phật, Tu-đề-na đảnh lễ sát chân Ngài và đem ý nghĩ trên bạch lên Phật, rồi bày tỏ ý muốn xuất gia, Tu-đề-na thưa:

- Kính bạch Thế Tôn! Nay con đã nhận thức được lời dạy của Ngài nên muốn xuất gia, cúi xin Ngài nhận cho con được xuất gia thọ giới.

Ðúc Phật dạy:

- Tốt lắm! nhưng cha mẹ của con đã cho phép hay chưa?

- Dạ thưa, chưa được phép! -Tu-đề-na kính cẩn đáp.

Ðức Phật dạy:

- Theo pháp của Phật, cha mẹ không cho phép thì không thể nhận vào đạo.

Tu-đề-na liền bạch Phật:

- Nay con xin trở về để xin phép cha mẹ.

Ðức Phật dạy:

- Con nên thực hiện điều này.

Tu-đề-na nhiễu quanh bên phải Phật ba vòng rồi trở về nhà. Trước cha mẹ, Tu-đề-na trình bày lý do như trên và xin cha mẹ xuất gia. Cha mẹ anh ta liền gạt ngay với lời lẽ thuyết phục rằng:

- Thôi đi Tu -đề-na! Con đừng nói điều đó. Trước đây cha mẹ không có con, phải cúng tế, cầu khẩn Thần kỳ mới sinh được con. Con là đứa con duy nhất của cha mẹ, tình thương của cha mẹ đối với con quá ư sâu nặng, dù chết cũng không muốn xa nhau, huống chi phải sống xa biền biệt. Nhà mình nhiều của cải, vàng bạc, châu báu, con cứ tu phước theo ý con, với đời tận hưởng thú vui, con không phiền phải xuất gia để lòng thương của cha mẹ bị tan nát.

Dù vậy, Tu-đề-na vẫn không nghe. Ba lần anh ta xin, ba lần bị cha mẹ cương quyết từ chối. Vì thế, anh lập lời thề rằng: “Nếu không được xuất gia, dứt khoát không bao giờ ăn uống. Ðối với nguyện này, thà ta chết còn hơn chạy theo cái sống”.

Nhịn đói đến ngày thứ sáu, anh nghe được lời khuyến dụ lần lượt của thân tộc, họ hàng, bè bạn như vầy: “Cha mẹ anh chỉ có một mình anh là con, tình thương đối với anh rất sâu nặng, chết còn không muốn xa lìa, huống chi sống phải xa cách nhau. Nhà anh quá giàu có, anh có thể gieo trồng phúc đức. Ðạo là do nơi tâm chứ đâu ở nơi hình thức áo quần, hà tất anh phải sống cực khổ, thương đau làm ngược lại ý của cha mẹ!”.

Thân thuộc, bè bạn ba lần khuyến dụ như vậy, song Tu-đề-na vẫn điềm nhiên im lặng không nghe, không trả lời.

Dù thất bại, song mọi người thân cũng tìm ra được giải pháp có lợi cho Tu-đề-na, mà về lâu về dài cũng có lợi cho cha mẹ anh ta. Trước cha mẹ Tu -đề-na, bà con cảm động nói:

- Theo nhận xét của chúng tôi, thì không thể thuyết phục làm lay chuyển được Tu-đề-na. Tốt hơn, ông bà nên cho phép Tu-đề-na xuất gia. Thời gian sẽ cho thấy điều này: “Người không vui sống với đạo ắt sẽ quay về”, ngày ấy không xa. Ðã trên sáu ngày tuyệt thực rồi, mạng sống của Tu-đề-na mong manh lắm, cùng lắm vài hôm nữa là phải đem đi vất thôi, mặc cho chim quạ, cọp beo tranh nhau xơi tái. Ðạo làm cha, làm mẹ sao nỡ nhẫn tâm trước thảm cảnh này sao? Hỡi ông bà!

Nghe thế, cha mẹ Tu-đề-na ngậm ngùi nuốt lệ, nghẹn ngào nói:

- Ðành phải chấp nhận cho con tôi xuất gia tu phạm hạnh, song điều cần thiết là làm sao phải có thời gian con tôi trở về nhà, để chúng tôi được thăm nó.

Ðiều chấp nhận này không những làm cho thân tộc, bạn bè nhẹ nhõm vui mừng, mà còn làm cho Tu-đề-na mãn nguyện. Sau khi nghe tin vui từ bà con truyền đạt, Tu-đề-na quay trở về nhà. Một lần nữa trước cha mẹ, Tu-đề-na tha thiết xin:

- Nay con xin cha mẹ cho phép con đến với đức Phật, xuất gia tu đạo.

Cha mẹ anh ta nước mắt chảy ròng, nghẹn ngào nói:

- Cha mẹ đồng ý cho con xuất gia tu phạm hạnh, song quan trọng con đừng quên về nhà thăm cha mẹ.

Tu-đề-na bái từ cha mẹ, rồi đến chỗ đức Phật. Tu-đề-na đảnh lễ sát chân Thế tôn và bạch:

- Kính bạch Thế tôn! Cha mẹ con đã cho phép rồi, cúi xin Ngài cho con xuất gia thọ giới.

Ðức Phật dạy:

- Lại đây, lành thay Tỳ-kheo, tu các phạm hạnh. Vì điều thiện, Ta thuyết pháp để đoạn trừ các khổ ách.

Sau khi nghe Phật thuyết giáo, tóc, râu Tu-đề-na tự rụng, thân khoác áo Cà-sa, tay bưng bình bát, trở thành Sa-môn, đắc giới Cụ túc.

Trở thành Tỳ-kheo, Tu-đề-na rất mực tinh tấn... Thời gian trôi qua chưa được bao lâu, nhân gặp lúc mất mùa, nạn đói xảy ra, các Tỳ-kheo khất thực không nhận được sự cúng dường. Trước hoàn cảnh này, trong chỗ thanh vắng, Tỳ-kheo Tu-đề-na nảy ra ý nghĩ: “Hiện nay mất mùa, khất thực khó lòng ai cho. Nơi quê nhà ta, thức ăn lại dư dật, ta nên đưa các Tỳ-kheo về lại bổn ấp để được cúng dường tu phước, cũng là cơ hội để độ dòng họ ta”. Ý niệm tốt này, sau đó được Tu-đề-na thực hiện.

Tại quê nhà, Tỳ-kheo Tu-đề-na cùng các Tỳ-kheo khác trú ngụ trong rừng cây. Hay tin này, cha mẹ Tu-đề-na hối thúc người con dâu của mình rằng:

- Này con! Con hãy trang điểm lại sắc đẹp, đẹp hơn ngày nào. Sắc đẹp mà con ta, Tu-đề-na ngày trước đắc ý nhất, con hãy trang sức thật lộng lẫy.

Nghe theo lời cha mẹ chồng, con dâu làm đẹp tấm thân mình, sắc đẹp của cô dâu bỗng sáng lên rực rỡ. Cô ta cùng với cha mẹ đến khu rừng Tỳ-kheo đang trú ngụ. Sau lời thăm hỏi đón chào, Tu-đề-na phải nghe những lời này của cha mẹ:

- Tại sao con lại hủy thân mình nơi rừng sâu thế này? Con có thể bỏ đạo trở về nhà tu thiện được chứ?

Tu-đề-na ôn tồn thưa với cha mẹ:

- Con không thể bỏ đạo, trở về nhà sống đời sống thấp hèn như vậy!

Ý chí sắt son kiên định này đã đẩy lùi ba lần khẩn khoản thuyết phục của cha mẹ. Cha mẹ đành ngậm ngùi đưa con dâu ra về. Song, nghĩ đến cái gia nghiệp kếch xù không ai thừa kế, cha mẹ Tu-đề-na cương quyết giành giật lại Tu-đề-na bằng mọi mánh khóe, trong đó yếu tố tham ái là phương án trí mạng được thực hiện một cách quyết liệt.

Tính theo nguyệt thủy17, con dâu của ông bà Trưởng giả Ca-lan-đà, biết được chu kỳ “không an toàn” của mình, cô ta liền đem “bí quyết” này thưa với cha mẹ, bà mẹ chồng vui vẻ nói: “Ðó là thời kỳ con có thể thụ thai”.

Cũng với sắc đẹp ấy, cũng với ý đồ ấy, cha mẹ và con dâu dẫn nhau đến thăm Tỳ-kheo Tu-đề-na. Tu-đề-na lễ phép lắng nghe điệp khúc này của cha mẹ:

- Tại sao con lại hủy hoại tấm thân con nơi rừng cây này? Tại sao con phải chấp nhận gió sương, đói khát, lạnh lẽo, khốn khổ này? Nhà ta giàu có, thiên hạ đều biết khắp. Chỉ riêng Ta làngười đứng đầu về số châu báu được tích lũy, huống chi là của cải của cha mẹ gộp lại thì vô số, chẳng ai có thể sánh kịp. Con hãy trở về nhà, tha hồ tu thiện. Hiện tại, với đời thụ hưởng lạc thú, về sau lại hưởng cả phúc đức.

Tu-đề-na ôn tồn thưa với cha mẹ rằng:

- Như chỗ con biết thì ngũ dục làm tổn hại đến đức, hoan lạc chỉ trong chớp nhoáng mà ưu khổ thì lại kéo dài mãi, con không vì thế mà bỏ tu phạm hạnh.

Ðiểm mạnh là thế, và cha mẹ Tu-đề-na hiểu rõ điểm mạnh này của con mình, song bao điều kinh nghiệm của cha mẹ cũng biết rõ chỗ yếu kia. Cha mẹ Tu-đề-na quyết liệt đánh vào chỗ yếu ấy với lời lẽ rất biện chứng:

- Con là con của ta, nay theo dòng họ Thích đó là đạo trái với ta, đâu còn lời để mà nói. Nghiệt một nỗi, Tổ tiên ta dứt đi người thừa kế, nghĩa tình này nặng lắm con ơi! Theo luật nước, không có người thừa kế thì toàn bộ tài sản thuộc về nhà quan. Cha mẹ đã chuẩn bị cả rồi, con đâu biết rằng tất cả kỳ vọng đều đặt nơi con, là người kế tục dòng họ. Con hãy nghĩ kỹ điều này! Cha mẹ đã nói hết lời rồi đó!

Trước lời khẩn khoản thống thiết của cha mẹ, tâm đạo Tu-đề-na dao động như tảng đá núi đỗ nhào, nước mắt tuôn trào. Tu-đề-na coi đây như một điều lệ chấp nhận nên cùng với “bổn nhị”18 quay trở về với ngôi nhà cũ. Ngôi nhà của nghĩa tình chồng vợ. Nơi đây, Tu-đề-na quay trở lại với điểm gốc trầm luân, ba lần hành dâm.

Trong bối cảnh này, liền có Thần giáng hạ từ cõi trời Ðâu Suất, vị trời Ðại oai đức này mạng chung, đậu vào thai.

Lúc bấy giờ, Ðiïa thần báo với thần Hư Không rằng: “Con trai của Ca-lan-đà, ở trong chúng Tăng là người chưa từng sánh, lại làm cái việc chưa từng có”. Hư Không thần báo cho Tứ Thiên Vương. Tứ Thiên Vương báo cho Ðao Lợi Thiên và lần lượt báo cho nhau, lên đến trời Phạm Thiên...

Ngày tháng qua mau, vợ Tu-đề-na đủ tháng sanh con trai, thông minh tuấn tú, đặt tên là Tục Chủng19. Lớn lên, Tục Chủng xuất gia tu hành chứng A-la-hán.

Về phía Tu-đề-na, một khi đã phạm phải điều ác rồi thì sống trong mặc cảm, suy nhược, hối trách, nghe rõ tiếng nói của chính mình: “Nay ta đánh mất đi điều lợi ích. Tại sao xuất gia trong Chánh pháp của đức Phật mà không tu phạm hạnh một cách trọn vẹn, để rồi phải tiều tuỵ, xanh xao, mất hết khí lực thế này?!”.

Thế rồi, qua việc tâm tình vặn hỏi của các Tỳ-kheo khác. Tu-đề-na thổ lộ sự thật rằng:

- Tôi đã cùng với “bổn nhị” làm hạnh bất tịnh.

Trước sự thật này, Tăng nghiêm khắc quở trách bằng lời lẽ:

- Việc thầy làm là bất thiện, chẳng phải hạnh thanh tịnh, chẳng phải pháp của Sa-môn, không tùy thuận chánh đạo.

Tăng đưa Tu-đề-Na-đến trước Phật và trình bày sự việc Tu-đề-na phạm phải. Cũng cần biết rõ lệ này: Pháp thông lệ của chư Phật là có trường hợp biết mà vẫn hỏi, có trường hợp biết mà không hỏi, hỏi khi có lợi ích, không lợi ích thì không hỏi. Thường pháp chư Phật là có 500 vị thần Kim Cang hộ vệ hai bên. Nếu đức Phật hỏi ba lần mà không như thật trả lời thì đầu bị đập vỡ làm 7 phần.

Trường hợp Tu-đề-na là biết rõ tội phạm mà vẫn hỏi. Phật hỏi Tăng trước, rồi hỏi Tu -đề-na, và một lần nữa thẩm quyền của Tăng xác định việc làm của Tu-đề-na là phi pháp, và chính đương sự công nhận tội phạm của mình. Bấy giờ Phật mới quở trách Tu-đề-na:

- Ông là người ngu si, làm điều bất thiện, chẳng phải hạnh thanh tịnh, chẳng phải pháp của Sa-môn, không tuỳ thuận chánh đạo. Ðiều này không thể khiến cho người chưa tin, tin theo được và khiến cho người đã tin giảm sút lòng tin. Ông há không nghe Ta từng lập đi, lập lại sự quở trách về dục, dục tưởng, cảm giác dục, lửa dục và khen ngợi sự đoạn dục, xa lìa nhớ nghĩ về dục, trừ cảm giác dục, diệt lửa dục hay sao? Ta thường nói: Dục như đống xương đỏ, như hầm lửa lớn, như dao sắc bén, như tên nhọn, như rắn độc, như thuốc độc, như ảo hóa, như mộng mị, làm mê hoặc con người. Tại sao nay ông lại làm việc ác tày trời như vậy? Ông đâu không nghe chỗ pháp cốt yếu của Ta nói là làm cho người chưa ly dục được ly dục, người phóng dật khiến không phóng dật, có khả năng đoạn khát ái, xa lìa pháp hữu vi, vô học lìa dục hướng đến đạo vô vi, chỉ vẽ cho người con đường chính để cuối cùng đạt đến Niết-bàn hay sao? Ông đâu không sợ cái khổ của ba đường ác? Nếu ông không làm điều đại ác này thì trong Chánh pháp của Ta ắt sẽ được vô lượng điều thiện công đức. Ông là người đầu tiên mở cửa lậu hoặc, làm điều đại ác này. Ma Ba-tuần thường dò xét mọi lỗi lầm của các Tỳ-kheo, nay ông lại mở ra cho ma con đường tắt, xô ngã cờ pháp, xây dựng ngọn cờ đầu cho ma. Này Tu-đề-na! Thà là đem phần thân xác này để vào lò lửa lớn kia, hay trong miệng con rắn độc, chớ không nên đem nó xúc phạm đến thân người nữ. Việc ác của ông đã phạm, vĩnh viễn trôi lăn trong đường sanh tử, hoàn toàn không thể nuôi lớn pháp lành.

Tiếp theo đó, đức Phật vì các Tỳ-kheo kiết giới điều về tội phạm này.

C. Ngụy biện

Lúc bấy giờ, đức Phật đang ở tại thành Xá- vệ, có một sự việc xảy ra như sau:

Tỳ-kheo A-lan-nhã20 thì thường sống nơi an nhàn thanh vắng. Ở một khu rừng nọ, có một bầy khỉ sống quây quần bên Tỳ-kheo. Một con khỉ cái làm cho Tỳ-kheo mống tâm. Tỳ-kheo nghĩ đến nó và để dụ dỗ, vị này dùng thức ăn để tiếp cận nó. Ông đã cùng với con khỉ cái hành dâm.

Lệ thường, có chúng Tỳ-kheo đi tuần xét tọa cụ, đến chỗ ở của Tỳ-kheo này. Hôm đó Tỳ-kheo này vào thành khất thực. Con khỉ cái kia liền đến với các Tỳ-kheo tuần tra, biểu hiện tướng dâm dục. Các Tỳ-kheo tuần tra có chung một nhận định: “Xét hiện tượng của con khỉ cái này, ắt có vấn đề”. Thế rồi hiện trạng vấn đề ấy đã xảy ra trước sự dò xét kín đáo của các Tỳ-kheo: Tỳ-kheo ở chốn này sau khi khất thực về, con khỉ cái lân la đến với Tỳ-kheo... thế là người hành dâm với thú.

Sau đó, các Tỳ-kheo tuần tra bảo thẳng với Tỳ-kheo này:

- Thầy không nghe đức Phật kiết giới: Tỳ-kheo hành dâm là phạm trọng tội phải vất đi hay sao?

Thầy ta liền đáp:

- Phật cấm hành dâm với người nữ, chứ đâu có cấm đối với súc sanh.

Các Tỳ-kheo vặn lại:

- Người nữ với súc sanh cái, có khác gì đâu đối với cảm giác dục.

Các Tỳ-kheo lại quở trách Tỳ-kheo này như lời Phật quở trách ở trên, rồi đưa Tỳ-kheo ấy đến trước Phật, trình bày rõ ràng sự việc phạm pháp đã xảy ra.

Phật cho tập hợp Tỳ-kheo và sau khi hỏi rõ vấn đề, Ngài quở trách Tỳ-kheo A-lan-nhã này (lời quở trách như trên). Ngài đã vì Tỳ-kheo kiết giới bổ sung.

D. Bán đồ nhi phế.

Lúc bấy giờ đức Phật trú tại thành Xá-vệ21. Nhiều chúng Tỳ-kheo cũng ở quanh đây. Trong đó có số đông Tỳ-kheo không vui thích với đời sống phạm hạnh. Họ nói với nhau rằng:

“Xuất gia trong pháp của Phật là khổ sở. Chúng ta nên cùng nhau làm theo phép tắc của Bạch y, làm theo phép tắc của ngoại đạo, làm việc làm của cư sĩ, làm việc làm của ngoại đạo, đúng lúc hay không đúng lúc cũng vào xóm làng, làm việc sát sanh, trộm cắp, dâm dục, uống rượu, ăn thịt, ngày đêm xem hát, ca xướng, tự do vui thích”.

Và thực sự số Tỳ-kheo này đã hành động như vậy, không hề biết xấu hổ là gì! Nhìn thấy các con sâu Tỳ-kheo này, các Tỳ-kheo trì giới, thiểu dục, tri túc, bằng mọi cách nghiêm khắc quở trách và đưa họ đến trước Phật trình bày mọi sự việc đã xảy ra.

Trước toàn thể Tỳ-kheo Tăng, tội của các Tỳ-kheo kia được xác định lại rõ ràng. Ðức Phật quở trách họ là kẻ ngu si và quy định rõ tội làm theo phép tắc của ngoại đạo nặng hơn tội làm theo phép tắc của cư sĩ, tức là tội Thâu-lan-giá và tội Ðột-kiết -la22.

E. - Lại một con sâu khác

Sự việc này xảy ra lúc đức Phật đang trú ngụ tại thành Vương-xá23. Khi ấy, có Tỳ-kheo tên là Tôn-đà-la-Nan-đà ở ấp Bạt-kỳ. Tu sĩ họ Tôn có mối liên hệ rộng, được nhiều bạn bè, kẻ quen biết cúng dường nhiều lợi dưỡng. Ấy thế, Tỳ-kheo này vẫn không thích tu phạm hạnh, làm theo nghi pháp ngoại đạo, hành xử theo nghi pháp Bạch y, làm việc sát sanh, trộm cắp, dâm dục, không từ việc ác nào là không làm. Với những Phật tử có lòng tin Phật pháp cạn cợt thì chê bai rằng: “Tại sao Sa-môn Thích tử lại làm các điều ác như vậy?!”. Họ đi nói xấu, hủy báng khắp nơi rằng: “Tu sĩ họ Tôn cũng thọ 5 thứ dục lạc như cư sĩ. Ông ta không có hạnh Sa-môn, không có hạnh Bà-la-môn, không thọ pháp Sa-môn, không thọ pháp Bà-la-môn. Những Tỳ-kheo này, nơi nào họ không đến thì nơi đó có được điều thiện, điều lợi lạc”.

Tiếng xấu về Tỳ-kheo này bị đồn đại khắp nơi.

Trước sự đồn đại này, Tôn-đà-la-Nan-đà trở lại trong chúng, tác bạch lời này: “Cho tôi xuất gia thọ giới”.

Các Tỳ-kheo bảo rằng: “Cần phải bạch lên đức Thế tôn”.

Các Tỳ-kheo bạch lên Phật sự việc này. Trước toàn thể Tăng, Phật dạy:

- Tôn-đà-la chẳng phải là Tỳ-kheo, nếu đã thọ giới thì trước chúng Tăng bạch Tứ Yết-ma đuổi đi, tức là pháp Diệt tẫn.

Những sự việc trên đây được đúc kết thành giới điều quan trọng về dâm dục thuộc bộ Ngũ phần luật.

Thích Đổng Minh




Có phản hồi đến “2. Những Mẫu Chuyện Duyên Khởi Của Giới Thứ Nhất”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com