Sau khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn tại rừng Ta La Song Thọ ở nước Câu Thi Na, vừa làm lễ trà tỳ xong, ngài Đại Ca Diếp liền triệu tập 500 vị La hán tại hang Thất Diệp để kiết tập Kinh Luật, sử Phật giáo gọi là Ngũ bách kiết tập. Trong kỳ kiết tập này, ngài Đại Ca Diếp ở ngôi chủ tọa, ngài A Nan kiết tập tạng Kinh, ngài Ưu Ba Ly kiết tập tạng Luật, tụng lại lời Như Lai đã chế chỉ trải qua 80 lần mới tụng xong, nên sử Phật giáo gọi là Bát thập tụng luật.
Phật nhập diệt trải qua khoảng hơn 100 năm sau, do sự bất đồng ý kiến về việc thọ trì giới luật giữa nhóm Tỳ kheo trẻ ở Bạt Kỳ và nhóm trưởng lão Tỳ kheo, nên giáo đoàn đệ tử Phật quyết định tổ chức cuộc kiết tập lần 2, có tất cả 700 vị La hán tham dự nên sử Phật giáo gọi là Thất bách kiết tập. Mục đích của lần kiết tập này là giải quyết sự bất đồng trong việc thọ trì giới luật, nhưng kết quả lại không giải quyết được gì, nên sau cuộc kiết tập lần 2 này, giáo đoàn đệ tử Phật chia làm 2 bộ phái:
1. Đại chúng bộ: Gồm những Tỳ kheo trẻ có tư tưởng cấp tiến muốn thay đổi một số giới điều sao cho hợp với xu thế đương thời. Do số lượng Tỳ kheo trẻ đông nên từ đó đặt thành tên, gọi là Đại chúng bộ, cũng gọi là Ma Ha Tăng Kỳ. Trải qua một thời gian sau, do sự thấy nghe hiểu biết có cạn sâu rộng hẹp sai khác và ai cũng cố chấp sự thấy nghe hiểu biết của mình, nên từ Đại chúng bộ căn bản lại phân xuất làm 8 bộ phái, tổng cộng trước sau có 9 bộ.
2. Thượng tọa bộ: Gồm những vị trưởng lão chủ trương bảo thủ duy trì lời Phật dạy, không muốn thay đổi. Do số lượng ít và đều là bậc thượng tọa trưởng lão nên từ đó đặt thành tên gọi là Thượng tọa bộ. Trải qua một thời gian sau, cũng do sự thấy nghe hiểu biết có cạn sâu rộng hẹp sai khác và ai cũng cố chấp sự thấy nghe hiểu biết của mình, nên từ Thượng tọa bộ căn bản lại phân xuất làm 10 bộ phái, tổng cộng trước sau có 11 bộ.
Như vậy cả 2 bộ phái Đại chúng và Thượng tọa trước sau có tất cả 20 bộ phái, tùy theo giải hạnh của mỗi bộ mà trong giới luật cũng phân thành 20 bộ loại. Tuy nhiên chỉ có 6 bộ phái với 6 bộ luật là được phiên dịch từ văn Phạn sang văn Hán trải qua nhiều triều đại ở Trung Quốc.
1. Tát Bà Đa bộ: cũng gọi là Hữu bộ, gọi đủ là Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ, dùng luật Thập tụng làm căn bản, đời Dao Tần ngài Phất Nhã Đa La và ngài La Thập dịch sang văn Hán.
2. Tân Tát Bà Đa bộ: cũng gọi là Căn Bản Hữu bộ, gọi đủ là Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ. Tất cả luật điển thuộc bộ phái này đến đời Đường ngài Tam Tạng Nghĩa Tịnh dịch sang văn Hán.
3. Di Sa Tắc bộ: cũng gọi là Hóa Địa bộ, dùng luật Ngũ phần làm căn bản. Đời Lưu Tống thuộc Nam triều, ngài Phật Đà Thập và ngài Trúc Đạo Sanh phiên dịch sang văn Hán.
4. Đàm Vô Đức bộ: cũng gọi là Pháp Tạng bộ, dùng luật Tứ phần làm căn bản. Đời Dao Tần ngài Phật Đà Da Xá và ngài Trúc Phật Niệm dịch sang văn Hán.
5. Ca Diếp Di bộ: cũng gọi là Ẩm Quang bộ, dùng luật Giải thoát làm căn bản. Đời Nguyên Ngụy thuộc Bắc triều, ngài Bát Nhãn Lưu Chi dịch Giải Thoát Giới kinh sang văn Hán.
6. Đại chúng bộ: cũng gọi là Ma Ha Tăng Kỳ, dùng luật Ma Ha Tăng Kỳ làm căn bản. Đời Đông Tấn, ngài Phật Đà Bạt Đà La và ngài Pháp Hiển dịch sang văn Hán.
Trong 6 bộ luật căn bản của 6 bộ phái này, chỉ có 4 bộ luật căn bản của 4 bộ phái là được truyền dịch phổ biến ở Trung Quốc, đó là: luật Thập tụng của Tát Bà Đa bộ, luật Ngũ phần của Di Sa Tắc bộ, luật Tứ phần của Đàm Vô Đức bộ và luật Ma Ha Tăng Kỳ của Đại chúng bộ.
Phật pháp bắt đầu truyền qua Trung Quốc vào đời vua Hán Hoàn Đế nhà Đông Hán, do ngài An Thế Cao người nước An Tức đến Trung Quốc trú ở Lạc Dương dịch kinh, phần nhiều thuộc về kinh điển Tiểu thừa, trong số đó có một số ít thuộc về luật điển Tiểu thừa như:
- Phật thuyết phạm giới tội báo khinh trọng kinh - 1 quyển.
- Đại Tỳ kheo tam thiên oai nghi - 2 quyển.
- Phật thuyết Xá lợi Phất hối quá kinh - 2 quyển.
Mãi đến đời Tam Quốc (nhà Đông Hán diệt vong, Trung Quốc phân chia làm 3 nước là Ngụy, Thục và Ngô), tại nước Tào Ngụy đến đời vua Ngụy Phế Đế có ngài Đàm Ma Ca La người Trung Ấn đến Lạc Dương truyền dịch và hoằng dương giới luật. Vào thời đó ở Lạc Dương tuy đã có Phật pháp và tự viện, nhưng giới Tăng sĩ chỉ là tự cạo đầu đắp y tự xưng Sa môn, chớ chưa từng đăng đàn bạch tứ yết ma thành tựu đắc xứ sở Tỳ kheo. Cho nên việc đầu tiên phải làm là ngài Đàm Ma Ca La dịch bộ luật Tăng Kỳ giới tâm sang văn Hán cho các Tăng sĩ ở Lạc Dương biết phương hướng hành trì, sau đó cùng ngài Đàm Đế dịch luật Tứ phần Đàm Vô Đức yết ma sang văn Hán và tiến hành việc thỉnh mời 10 Sa môn từ Thiên Trúc đến Lạc Dương thiết lập 1 giới đàn như pháp như luật truyền trao giới pháp cho các Tăng sĩ ở Lạc Dương. Đây là giới đàn đầu tiên ở Trung Quốc và Sa môn Trung Quốc là Chu Sĩ Hành là người được truyền giới đầu tiên. Dưới đời Tào Ngụy còn có ngài Khương Tăng Khải dịch Tứ phần tạp yết ma.
Nhà Tấn thống nhất đất nước, dưới đời Tây Tấn, ngài Trúc Pháp Hộ cũng có dịch một số ít thuộc về luật điển sang văn Hán:
- Tỳ kheo ni giới - 1 quyển; - Giới cụ - 1 quyển; - Hối quá - 1 quyển; - Tam phẩm hối quá - 1 quyển.
Cuối đời Tây Tấn, Trung Quốc bước vào thời kỳ Ngũ Hồ loạn Hoa, do 5 bộ tộc lớn ở phương Bắc mà người Hán ở Trung nguyên gọi là rợ Hồ kéo quân sang xâm chiếm lãnh thổ Trung nguyên, trước sau thành lập 16 nước xưng đế ở Trung nguyên gồm có:
1. Nhị Triệu: Tiền Triệu và Hậu Triệu
2. Tam Tần: Tiền Tần (Phù Tần), Hậu Tần (Dao Tần) và Tây Tần.
3. Tứ Yến: Tiền Yến, Hậu Yến, Nam Yến và Bắc Yến.
4. Ngũ Lương: Tiền Lương, Hậu Lương, Tây Lương, Nam Lương và Bắc Lương.
Cộng với nước Hạ và nước Thành tổng cộng là 16 nước, nhưng chỉ có 5 nước: Tiền Triệu, Hậu Triệu, Tiền Tần, Hậu Tần và Bắc Lương là có Phật giáo. Tuy cả 5 nước này đều có Phật giáo, nhưng chỉ có dưới đời Tiền Tần, Hậu Tần và Bắc Lương mới có truyền dịch luật điển Đại Tiểu thừa.
- Dưới đời Tiền Tần, ngài Đàm Ma Trì và Trúc Phật Niệm dịch Thập Tụng Tỳ kheo - Tỳ kheo Ni giới bổn.
- Dưới đời Hậu Tần có:
+ Ngài Phất Nhã Đa La và ngài La Thập dịch quảng luật Thập Tụng.
+ Ngài Trúc Phật Niệm dịch Giới nhân duyên kinh.
+ Ngài Phật Đà Da Xá và ngài Trúc Phật Niệm dịch quảng luật Tứ phần.
+ Ngài Phật Đà Da Xá dịch luật Tứ phần giới bổn.
+ Ngài La Thập dịch Thanh tịnh Tỳ Ni phương quảng kinh, kinh Phạm Võng và Thọ Bồ tát giới nghi quỹ đều là luật điển Đại thừa được ngài truyền dịch đầu tiên ở Trung Quốc.
- Dưới đời Bắc Lương: ngài Đàm Vô Sấm truyền dịch Bồ tát giới bổn và là người truyền thọ giới Bồ tát đầu tiên ở Trung Quốc. Tương truyền trong thời gian ngài trú ở Lương Châu nước Bắc Lương, sau khi dịch xong giới bổn Bồ tát, có rất nhiều người đến xin ngài truyền thọ giới Bồ tát, trong số đó có Sa môn Đạo Tấn là người ai cầu tha thiết nhất, nhưng ngài vẫn không chịu truyền trao, chỉ bảo Sa môn Đạo Tấn phải trở về sám hối nghiệp chướng. Sa môn Đạo Tấn nghe lời trở về sám hối trong 7 ngày, qua ngày thứ 8 trở lại chưa kịp mở miệng đã bị ngài Đàm Vô Sấm xua đuổi bảo rằng chưa được. Sa môn Đạo Tấn đành phải trở về chí thành sám hối trong 3 năm, thành khẩn đến nỗi cảm được Phật Thích Ca và chư Bồ tát hiện thân xoa đầu và trao cho giới Bồ tát. Hôm sau khi Sa môn Đạo Tấn đến, vừa trông thấy ngài Đàm Vô Sấm đã vui vẻ nói: Ngươi đã đắc giới rồi, nay ta sẽ chứng minh cho ngươi. Nói xong ngài Đàm Vô Sấm ở trước tượng Phật giảng lại giới tướng Bồ tát cho Sa môn Đạo Tấn nghe. Từ đó về sau có hơn một ngàn người lần lượt đến chỗ ngài Đàm Vô Sấm cầu thọ giới Bồ tát. Ngoài Bồ tát giới bổn, ngài Đàm Vô Sấm còn dịch Bồ tát Địa trì và Bồ tát Ưu Bà Tắc giới văn.
Về luật điển Đại thừa Bồ tát giới có chia làm 2 hệ phiên dịch và chú sớ:
1. Hệ Phạm Võng Bồ tát giới có:
- Kinh Phạm Võng 2q, đời Dao Tần ngài La Thập dịch sang văn Hán
- Kinh Bồ tát Anh Lạc 1q, đời Dao Tần ngài Trúc Phật Niệm dịch
Về chú sớ kinh Phạm Võng có:
- Bồ tát giới nghĩa sớ 2q, đời Tùy ngài Trí Giả soạn
- Bồ tát giới sớ 5q, đời Đường ngài Pháp Tạng soạn
- Bồ tát giới sớ 3q, đời Đường ngài Nghĩa Tịnh soạn
Nội dung của giới Bồ tát thuộc hệ Phạm Võng có 10 giới trọng, tăng tục đều được thọ gọi là giới đốn lập.
2. Hệ Du già Bồ tát giới có:
- Bồ tát giới bổn 1q, đời Bắc Lương ngài Đàm Vô Sấm dịch
- Bồ tát giới bổn 1q, đời Đường ngài Huyền Trang dịch
- Bồ tát thiện giới kinh 1q, đời Nam triều - Lưu Tống ngài Cầu Na Bạt Ma dịch sang văn Hán.
Về chú sớ có Bồ tát giới bổn tiên yếu 1q, đời Minh ngài Trí Húc soạn. Nội dung của giới Bồ tát thuộc hệ Du già có 4 tha thắng xứ và lấy 3 tụ tịnh giới làm căn bản. Tuy cũng nhiếp cả tăng tục, nhưng lại nghiêng nặng về 7 chúng xuất gia, gọi là giới tiệm lập.
Đồng thời với 16 nước Ngũ Hồ ở phương Bắc thì ở phương Nam vẫn còn thuộc về nhà Đông Tấn, dưới đời Đông Tấn có ngài Phật Đà Bạt Đà La cùng ngài Pháp Hiển dịch quảng luật Ma Ha Tăng Kỳ và Ma Ha tăng kỳ giới bổn.
Ở phương Nam sau khi nhà Đông Tấn diệt vong và ở phương Bắc nước Bắc Ngụy tiêu diệt nước Bắc Lương thống nhất ở phương Bắc thì Trung Quốc bước vào thời kỳ Nam Bắc triều. Dưới thời Nam Bắc triều, các nước Nam triều Lương, Nam triều Trần, các vua như Lương Võ Đế, Trần Văn Đế đều thọ Bồ tát giới và phong trào thọ Bồ tát giới thịnh hành từ đó.
- Dưới đời Nam triều Lưu Tống có:
+ Ngài Phật Đà Thập và ngài Trúc Đạo Sanh dịch Di Sa Tắc Ngũ phần quảng luật
+ Ngài Phật Đà Thập dịch Ngũ phần giới bổn
+ Ngài Cầu Na Bạt Ma dịch Bồ tát giới địa, Tứ phần luật yết ma và Ưu Bà Tắc giới kinh.
+ Ngài Tăng già Bạt Ma dịch Tát Bà Đa Tỳ ni Ma Đắc Lặc Già và Ưu Ba Ly vấn kinh.
- Dưới đời Nam triều Tiêu Tề, ngài Tăng già Bạt Ma dịch Thiện kiến luật tỳ bà sa.
Dưới đời Nam truyền Trần có ngài Chân đế dịch Nhị thập nhị Minh Liễu luận. Nhà Tùy sau khi thống nhất Nam Bắc triều, vua Tùy Dưỡng đế trước khi lên ngôi cũng thọ giới Bồ tát nơi Đại sư Trí Giả. Ngài Trí Giả cũng có soạn Phạm Võng Bồ tát giới kinh nghĩa sớ, ngài Xà Na Quật Đa dịch Đại thừa tam tụ sám hối kinh.
Nhà Đường tiêu diệt nhà Tùy, dưới đời Đường các luật sư nối tiếp nhau sớ giải luật Tứ phần và ra sức hoằng dương, khiến cho luật tông phát triển đa dạng. Có tất cả 3 tông chuyên hoằng dương luật Tứ phần ví như 3 cái chân vạc, mỗi tông đứng về một khía cạnh khác nhau để sớ giải luật Tứ phần:
1. Tướng Bộ tông: do ngài Pháp Lệ khai sáng, ngài y cứ theo luận Thành Thật để lập luật nghĩa và soạn luật sớ. Có 3 bộ luật sớ làm căn bản cho tông Tướng Bộ, đó là Tứ phần luật sớ 10q, Yết ma sớ 3q và Xả sám nghi khinh trọng sự 1q.
2. Nam Sơn tông: do ngài Đạo Tuyên khai sáng, ngài chủ trương hình thức của luật Tứ phần tuy thuộc Tiểu thừa, nhưng nội dung thuộc về Đại thừa. Mục đích để dung hòa luật Tiểu thừa vào Đại thừa, ngài lấy diệu lý nhất thừa làm chỉ thú để lập luật nghĩa và soạn luật sớ. Có 5 bộ luật sớ làm căn bản cho luật tông Nam Sơn gọi là Ngũ Đại bộ Nam Sơn luật tông, đó là:
- Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma sớ
- Tứ phần luật san phiền bổ khuyết Hành sự sao
- Tứ phần luật Thập tỳ ni nghĩa sao
- Tứ phần Phật Hàm chú giới bổn sớ
- Tứ phần luật tỳ kheo ni sao.
3. Đông Tháp tông: do ngài Hoài Tố khai sáng, ngài đứng trên lập trường của Nhất thiết Hữu bộ, y cứ theo luận Đại tỳ bà sa và luận Câu Xá để lập luật nghĩa và soạn luật sớ, ngài soạn Tứ phần luật khai tông ký 20q làm căn bản cho tông Đông Tháp. Trong bộ sớ này, ngài nêu lên những chỗ sai lầm trong luật sớ của ngài Pháp Lệ thuộc tông Tướng Bộ, nên người đương thời gọi luật sớ của ngài Hoài Tố là Tân sớ, còn luật sớ của ngài Pháp Lệ là Cựu sớ. Ngoài bộ luật sớ trên ngài Hoài Tố còn dịch:
- Tứ phần luật tỳ kheo giới bổn
- Tứ phần luật tỳ kheo ni giới bổn
- Tứ phần luật tăng yết ma.
Đến cuối đời Đường thì chỉ còn 1 luật tông Nam Sơn là chiếm địa vị độc tôn trong sự hoằng dương luật Tứ phần mãi cho đến các triều đại sau này. Ngoài các luật sớ của các luật sư khai tông nói trên, ngài Huyền Trang cũng có dịch luật Du già Bồ tát giới bổn và ngài Pháp Tạng soạn Phạm Võng Bồ tát giới sớ, ngài Nghĩa Tịnh soạn Phạm Võng Bồ tát giới sớ và dịch hầu hết những bộ luật thuộc về Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ.
Từ đây trở về sau này các đệ tử truyền thừa của tông Nam Sơn cũng viết nhiều luật sớ và ra sức hoằng dương luật Tứ phần. Dưới đời Minh, các ngài Vân Thê, Ngẫu Ích tuy là tổ của tông Tinh Độ cũng viết nhiều luật sớ để xiển dương Thiền giáo luật đều quy về Tịnh độ, trong đó giới luật là nền tảng. Cuối đời Minh, có các ngài Hoằng Tán, ngài Tam Muội... đều ra sức phục hưng giới luật, ngài Tam Muội tuy là đệ tử truyền thừa đời thứ 14 của luật tông Nam Sơn nhưng ngài xem trọng kinh Phạm Võng hơn luật Tứ phần, soạn Phạm Võng kinh trực giải 4q để hoằng truyền. Đệ tử của ngài Tam Muội là ngài Kiến Nguyệt kế thừa sự nghiệp của thầy tại núi Bảo Hoa, tuy cũng giảng kinh Phạm Võng nhưng lại soạn nhiều luật sớ về luật Tứ phần để chấn hưng luật tông Nam Sơn vào đời Thanh.
Cho nên chùa Long Xương trên núi Bảo Hoa đến đời ngài Kiến Nguyệt không những là nơi tổ chức đại giới đàn cho giới tử thập phương quy tụ về thọ giới pháp, mà còn là nơi có khuôn phép mẫu mực cho sự truyền giới vào đầu đời Thanh. Bởi vì cuối đời Minh đầu đời nhà Thanh luật tông suy vi, nếu ngài Kiến Nguyệt không ra sức chấn hưng luật tông Nam Sơn và bản thân không làm mô phạm cho người học giới thì luật tông suy vi không thể nào cứu vãn nổi. Cho nên người đương thời đều ca tụng ngài là Đạo Tuyên luật sư tái thế. Cho đến cuối đời nhà Thanh bước qua thời cận đại vẫn có nhiều vị với tâm nguyện phục hưng giới luật nên cũng đã viết nhiều sớ giải về luật Tứ phần như ngài Từ Chu, ngài Hoằng Nhất. Bởi vì đối với người xuất gia, tỳ ni là thọ mạng của Chánh pháp, tạng tỳ ni còn thì Phật pháp còn, Chánh pháp mới tồn tại lâu dài.
TN Như Lộc