Mục Lục
Chuyện này xảy ra lúc đức Phật lưu trú tại nước Câu-xá-di.
Tỳ-kheo Xiển-đà36 là một cự phách trong nhóm “Lục quần”. Có những đặc điểm như vầy:
-Vào nhà Cư sĩ mặc tình nằm ngồi không đúng pháp, thiếu tế nhị.
- Ăn riêng chúng, ăn phi thời
- Không cần thưa với thiện Tỳ-kheo khi vào xóm làng.
Các Tỳ-kheo thấy tế hạnh của Xiển-đà như vậy nên có lời chỉ trích:
- Thầy phạm phép tắc như vậy là có tội. Thầy phải nhìn thấy sự sai phạm của mình mà sửa đổi sám hối, đừng đánh mất sự thanh tịnh đối với việc tu phạm hạnh. Không lẽ thấy sống mãi với sự tối tăm, tội lỗi này mà chịu sự khổ não sao? Sao đành làm cho các thí chủ mất hết công đức?
Xiển-đà trả lời:
- Ðại đức! Các thầy không nên dạy tôi, tôi dạy các thầy mới phải. Tại sao vậy? Tại vì Pháp Vương Thánh Sư (Thế Tôn) là chủ của tôi, phép tắc tôi rút ra từ đó, không dính dự gì đến các Ðại đức. Giống như có trận gió lớn thổi qua, các thứ rác rưởi dơ bẩn tập trung lại một chỗ. Tất cả các Ðại đức bao gồm nhiều dòng họ, nhiều gia đình, nhiều quốc gia xuất gia thì cũng tập trung lại nhiều thứ như vậy. Tại sao các thầy lại muốn răn dạy tôi?! Này các Ðại đức! Ðừng nói với tôi điều gì, hoặc tốt, hoặc xấu, tôi cũng không nói điều gì hoặc tốt, hoặc xấu với Ðại đức.
Các thầy Tỳ-kheo lại nói với Xiển-đà:
- Thầy đừng tự cao! Lẽ nào thầy không dùng lời để cộng tác với chúng tôi. Thầy nên nói với các Tỳ-kheo những chuyện tốt, xấu. Các Tỳ-kheo cũng nên nói chuyện với thầy những điều tốt xấu. Sự trao đổi, chỉ giáo cho nhau rộng rãi như vậy sẽ làm chuyển đổi, loại ra các dạng tội lỗi, như thế mới có thể làm nên chúng Tăng của đức Như Lai.
Các Tỳ-kheo can gián, phân giải như vậy, song Xiển-đà vẫn ngoan cố không bỏ thói xấu ấy, nên các Tỳ-kheo cùng đưa Xiển-đà đến chỗ đức Phật, trình bày rõ sự việc lên Ngài.
Trước Tăng, để làm rõ vấn đề, Phật hỏi lại sự việc đã xảy ra, và được Xiển-đà xác nhận:
- Thưa Thế Tôn, sự thật con có hành động như vậy.
Ðức Phật lại quở trách Xiển-đà:
- Ông là người ngu si, tại sao ông nói không thể dùng lời hợp tác xây dựng nhau? Các thầy Tỳ-kheo thấy ông phạm tội, nên không muốn cùng ông Bố tát, Tự tứ, Yết-ma làm công việc của Tăng. Vì thế, dũ lòng thương quở trách, can gián ông, tại sao ông không nghiêm chỉnh chấp nhận?!
Sau khi quở trách, đức Phật kiết giới nhằm chận đứng tội lỗi, đem lại lợi ích cho chúng Tăng bất luận là thời gian nào.
Thích Đổng Minh